Vui lên

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Khi ở trong tâm trạng tồi tệ, bạn có thể thấy như thể mình sẽ không bao giờ thoát khỏi cảm giác đó. May mắn thay, suy nghĩ của bạn có khả năng kiểm soát khá lớn tới tâm trạng. Thực tế, chúng có nhiều quyền năng tới tâm trạng đến mức có thể ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất của bạn.[1] Não bộ của bạn xử lý từ 50.000 đến 60.000 suy nghĩ mỗi ngày.[2] Hãy sử dụng những suy nghĩ đó để thay đổi nhận thức của bạn và vui lên.

Các bước[sửa]

Thay đổi Nhận thức Của bạn[sửa]

  1. Dừng nghĩ về tình cảnh của bạn. Tránh trầm tư, hoặc day đi day lại về tình cảnh của mình quá nhiều, làm vậy chỉ khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn khi tự làm mình mắc kẹt trong một chu kỳ tiêu cực.[3] Sự trầm tư có thể khiến bạn mất đi khả năng tư duy hiệu quả cũng như giải quyết vấn đề. Nó cũng có một mối liên hệ rất mạnh mẽ với chứng trầm cảm.[4] Nếu bạn nhận thấy mình đang mắc kẹt trong một lối suy nghĩ nhất định, hãy thử đánh lạc hướng bản thân bằng những hoạt động khác hoặc suy nghĩ về những thứ đang ở xung quanh bạn. Ví dụ, nhìn quanh mình và chú ý đến ánh sáng, hay những toà nhà trên đường đi làm.[3]
    • Cố gắng tập trung suy nghĩ vào những điều mà bạn có thể thay đổi hay tác động tới. Việc này có thể nhắc nhở bạn rằng bạn nắm quyền kiểm soát đối với hoàn cảnh và hạnh phúc của chính mình.
  2. Tái định hình hoàn cảnh hoặc tâm trạng của bạn. Tái định hình là thuật ngữ mà các nhà tư vấn dùng để bạn nhìn lại hoàn cảnh của chính mình dưới một ánh sáng khác hay từ một góc nhìn khác.[5] Bạn có thể thử tìm kiếm cái may trong cái rủi, nhớ lại những gì mình được học, hay tìm kiếm sự hài hước trong những tình huống không hẳn lý tưởng. Hoặc, nếu bạn đơn giản đang trong tâm trạng lạ lùng và dễ gắt gỏng, bạn có thể tự nhắc mình rằng không phải ngày nào cũng là ngày vui và ngày mai sẽ tốt hơn thôi.
    • Ví dụ, nếu đau buồn vì mới chia tay, bạn cần nhắc nhở bản thân rằng dù cho kết cục của mối quan hệ này thật đau khổ, bạn đã học được rất nhiều điều về bản thân trong suốt thời gian qua.
  3. Rèn luyện lòng biết ơn. Lòng biết ơn là thái độ, chuẩn mực đạo đức, hay thậm chí là hành động thực tế hằng ngày thể hiện lời cảm tạ. Nó cũng có nghĩa là bày tỏ lòng cảm kích và hoàn trả sự tử tế. Hãy cố gắng bày tỏ lòng biết ơn trong ngày bằng cách thiết lập lời nhắc nhở trên điện thoại của bạn. Khi được nhắc, hãy dành một khoảnh khắc để biết ơn về điều gì đó trong ngày. Hoặc, chỉ cần chú ý những thứ bạn gặp trong ngày để bày tỏ lòng biết ơn. Chúng có thể là những điều nhỏ bé, ví dụ như tìm được chỗ đậu xe cận kề hay được nhìn thấy bình minh tuyệt đẹp. Vào cuối ngày, hãy viết lại 3 thứ mà bạn thấy biết ơn trong ngày hôm đó.
    • Lòng biết ơn đem tới cho bạn lòng cảm kích và tinh thần lạc quan. Các nghiên cứu đã cho thấy rằng lòng biết ơn góp phần cải thiện sức khoẻ cũng như các mối quan hệ cá nhân của bạn.[6]
    • Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng lòng biết ơn có thể giúp bạn thấy lạc quan hơn về tương lai và cải thiện nhân sinh quan của bạn.[6]
  4. Chơi với thú cưng của bạn. Sắp xếp thời gian để cưng nựng hoặc vuốt ve chú chó hay mèo cưng của bạn. Hoặc, bạn có thể dành thời gian với thú cưng bằng cách chơi một trò chơi nếu thích hoạt động nhiều hơn. Các nghiên cứu cho thấy rằng thú cưng cũng như việc dành thời gian cho thú cưng có khả năng xoa dịu tâm trạng tồi tệ. Trên thực tế, việc dành thời gian với thú cưng cũng cải thiện tâm trạng không thua kém gì việc dành thời gian với người thân hoặc người yêu.[7]
    • Chơi với thú cưng không những khiến bạn vui lên, mà còn củng cố thêm mối liên kết giữa bạn và thú cưng.

Tạo một Môi trường Vui vẻ[sửa]

  1. Tạo không gian thoải mái hơn. Hãy để bạn được bao quanh bởi những điều khiến bản thân vui vẻ, những bức ảnh ưa thích, vật kỷ niệm, cây cối, hay những quyển sách. Đừng quên cải thiện nguồn ánh sáng. Một số người mắc bệnh trầm cảm theo mùa thường trải qua các triệu chứng trầm cảm khi không có đủ ánh sáng mặt trời. Nếu bạn đang ở trong căn phòng đèn mờ, hãy mở rộng cửa sổ để đón ánh sáng tự nhiên. Hoặc, nếu bạn đang sử dụng ánh sáng nhân tạo, hãy bật đèn hoặc thắp nến để giúp bạn vui lên.
    • Nếu đang ở chỗ làm và có tâm trạng tồi tệ, bạn có thể đem theo vài món đồ ở nhà để cảm thấy thoải mái hơn. Đó có thể là vài bức ảnh hoặc mùi hương xịt phòng nào đó. Bạn thậm chí có thể mang theo loại trà ưa thích như một thứ đồ ấm áp, dịu nhẹ nhắc bạn nhớ về ngôi nhà của mình.
  2. Khiến không gian của bạn thật thơm tho. Dù cho nhà bạn không có mùi hôi, một cây nến thơm hoặc mùi hương yêu thích có thể giúp tinh thần bạn tốt lên. Hãy thử liệu pháp mùi hương, hít thở hay thoa các loại tinh dầu để khiến bạn vui lên và giảm căng thẳng.[8] Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tinh dầu chanh có tác dụng nâng cao và cải thiện tâm trạng,[9] trong khi các mùi hôi thường làm bạn thấy căng thẳng, chán nản, hay giận dữ.
    • Các nhà nghiên cứu không chắc chắn về nguyên nhân cho sự hiệu quả của tinh dầu cũng như liệu pháp mùi hương. Tuy nhiên, họ tin rằng các thụ thể trong mũi bạn kích thích những phần não bộ kiểm soát cảm xúc và ký ức.[8]
  3. Dọn dẹp không gian của bạn. Dành chút thời gian dọn dẹp hoặc sắp xếp lại vật dụng quanh nhà hay văn phòng. Nghiên cứu đã cho thấy nơi ở hoặc không gian làm việc bừa bãi sẽ đặc biệt tăng mức độ căng thẳng và khiến tâm trạng của bạn chùng xuống. Hãy thử dọn dẹp không gian của mình, qua đó làm giảm mức độ căng thẳng và cải thiện tâm trạng.[10] Quyên góp, vứt bỏ, hoặc tái chế những thứ bạn không cần hay không muốn giữ.
    • Bạn có thể nhận thấy rằng việc sắp xếp lại mọi thứ để chúng hoạt động tốt hơn sẽ làm bạn vui lên.
  4. Trang trí bằng màu sắc. Màu sắc có thể tác động rất lớn đến tâm trạng của bạn. Hãy cân nhắc sơn lại phòng hoặc thêm vào những vật trang trí có màu sắc tươi tắn để giúp tinh thần của bạn tốt lên. Màu vàng là sự lựa chọn tuyệt vời để làm sáng không gian, còn những sắc hồng có thể khiến bạn thấy vui tươi hơn.[11][12] Đừng nghĩ rằng bạn phải dùng những màu sắc sáng nhất hay đậm nhất. Chỉ cần màu vàng nhạt cũng có thể làm bạn vui lên rồi.
    • Cố gắng cân bằng vài màu sắc tươi vui. Ví dụ, bạn có thể dùng sọc vàng và sọc cam để khiến căn phòng có nhiều năng lượng và dễ chịu hơn.[13]

Thay đổi Phong cách sống Của bạn[sửa]

  1. Thay đổi những gì bạn đang làm. Nếu bạn không vui vẻ vì cảm giác bế tắc quẩn quanh, hãy thử làm điều gì đó khác biệt. Đôi khi bạn chỉ cần thoát khỏi những hoạt động hiện tại để thay đổi tâm trạng của mình.[14] Ví dụ, nếu bạn liên tục phải đi họp suốt cả ngày mà không có thời gian nghỉ ngơi, hãy tự thưởng cho bản thân một bộ phim hài vào cuối ngày. Thay đổi những gì bạn đang làm có thể cải thiện tâm trạng của bạn một cách đáng kể.
    • Ví dụ, nếu bạn đã ngồi ở bàn làm việc hay đi-văng cả ngày, tâm trạng của bạn sẽ không tốt vì cơ thể cần một vài hoạt động thể chất. Đứng dậy, đi dạo, và tận hưởng sự thay đổi trong lối sống của mình.
  2. Ra ngoài trời. Nếu bạn nghĩ tâm trạng xấu này có liên quan đến sự căng thẳng, hãy ra ngoài trời để giảm căng thẳng và khiến tâm trạng mình tốt lên. Thử đi dạo trong công viên, hay ghé thăm một khu vườn hoặc vườn ươm nếu bạn sống ở thành phố. Việc ở ngoài trời có thể cải thiện tâm trạng của bạn rất nhiều. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng có cơ hội để ở ngoài trời hoặc ghé thăm vườn sẽ làm giảm nồng độ cortisol, một loại hoóc-môn mà cơ thể bạn tiết ra khi căng thẳng.[15]
    • Đừng chờ đợi một ngày hoàn hảo hay thời tiết tuyệt đẹp để ra ngoài trời. Hãy mang theo một chiếc ô và đi dạo trong cơn mưa. Chỉ cần ở ngoài trời là bạn đã có thể vui lên rồi.
  3. Tập thể dục. Hãy tập thể dục, chơi một môn thể thao hoặc hoạt động mà bạn yêu thích, hay đơn thuần là năng động hơn trong hoạt động hàng ngày của mình. Các nghiên cứu đã cho thấy việc tập thể dục cải thiện tâm trạng của bạn bằng cách báo hiệu cho cơ thể giải phóng chất dẫn truyền thần kinh “cảm giác tốt đẹp” trong não bộ. Chỉ 5 phút tập thể dục nhịp điệu cũng đã cho thấy hiệu quả giảm lo âu.[16] Tham gia vào các hoạt động thể chất có thể giúp bạn vui lên khi các chất dẫn truyền thần kinh nói trên liên tục được giải phóng.
    • Ví dụ, nếu bạn dẫn chó cưng đi dạo, hãy kéo dài buổi đi dạo và để bản thân tận hưởng không gian ngoài trời. Hoặc, bạn có thể gọi vài người bạn và cùng chơi một trận bóng rổ không hẹn trước.
  4. Làm điều gì đó khiến bạn nở nụ cười. Các nghiên cứu đã cho thấy nụ cười có thể cải thiện tâm trạng của bạn,[17] ngay cả khi tâm trạng của bạn đang tồi tệ. Dù bạn không muốn cười chút nào, hãy tự nhắc bản thân rằng chỉ cần cười thôi là bạn sẽ vui lên. Hãy tìm những hoạt động khiến bạn cười, ví dụ như xem một chương trình TV hay một bộ phim hài hước. Hoặc bạn có thể trò chuyện với một người bạn luôn khiến bạn cười lớn hoặc mỉm cười.
    • Nếu không thể dành thời gian để xem thứ gì đó hay trò chuyện cùng ai, bạn chỉ cần tập mỉm cười khi có thể.

Lời khuyên[sửa]

  • Mọi người đều có tâm trạng xấu lúc này hay lúc khác. Hãy tự nhắc bản thân rằng rồi mọi chuyện sẽ sớm khá lên thôi.
  • Cố gắng mở lòng với những người đề nghị giúp đỡ bạn. Đừng tránh xa những cái ôm cũng như những cử chỉ an ủi khác, trừ khi chúng khiến bạn buồn bã hơn.
  • Học cách sống lạc quan là phương pháp tuyệt vời để đảm bảo tâm trạng tươi vui lâu dài.
  • Chia sẻ vấn đề của bạn với ai đó thân thiết.
  • Thở sâu để bình tĩnh lại.
  • Nghĩ về những kỷ niệm đẹp.

Cảnh báo[sửa]

  • Chắc chắn rằng bất kỳ phương pháp nào bạn sử dụng để khiến mình vui lên sẽ không trở thành sự trốn tránh hay cơn nghiện ngập.
  • Nếu tâm trạng xấu hay những suy nghĩ tiêu cực của bạn vẫn còn dai dẳng trong một thời gian dài, hãy đến gặp bác sĩ. Đây có thể là một dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Trầm cảm lâm sàng có thể được điều trị bằng thuốc, nhưng cũng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nếu không được điều trị.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.usc.edu.au/media/3850/Reframingyourthinking.pdf
  2. http://www.usc.edu.au/media/3850/Reframingyourthinking.pdf
  3. 3,0 3,1 http://www.apa.org/monitor/nov05/cycle.aspx
  4. http://pps.sagepub.com/content/3/5/400.short?rss=1&ssource=mfc
  5. https://www.psychologytoday.com/blog/in-the-face-adversity/201209/positive-reframing-optimistic-thinking
  6. 6,0 6,1 http://www.breakthroughealing.org/Documents/GratitudeStudy2003.pdf
  7. http://www.researchgate.net/profile/Gerulf_Rieger/publication/50911102_Spouses_and_cats_and_their_effects_on_human_mood/links/00b7d5326dc2cf12c8000000.pdf
  8. 8,0 8,1 http://umm.edu/health/medical/altmed/treatment/aromatherapy
  9. http://goaskalice.columbia.edu/does-aromatherapy-work
  10. https://wesfiles.wesleyan.edu/courses/PSYC-317-jwellman/Week%203%20-%20Cortisol/Saxbe%20%26%20Repetti,%202010.pdf
  11. http://www.ucreative.com/articles/designing-logos-with-color-psychology/
  12. http://www.hgtv.com/remodel/interior-remodel/behind-the-color-pink
  13. http://www.hgtv.com/remodel/interior-remodel/behind-the-color-yellow
  14. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/depression/in-depth/depression-and-exercise/art-20046495?pg=1
  15. http://www.researchgate.net/profile/Susan_Rodiek/publication/228475283_Influence_of_an_outdoor_garden_on_mood_and_stress_in_older_persons/links/0c96053c02648bb07d000000.pdf
  16. http://www.adaa.org/living-with-anxiety/managing-anxiety/exercise-stress-and-anxiety
  17. http://www.ingentaconnect.com/content/sbp/sbp/2009/00000037/00000009/art00010

Liên kết đến đây