Xác định hình dáng khuôn mặt

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Đã có ai khen bạn rằng kiểu tóc của bạn hợp với khuôn mặt bạn một cách hoàn hảo chưa? Vào lúc đó, bạn có cảm thấy bối rối vì ý nghĩa của lời khen đó không? Sự thật là hiệu ứng thị giác của các kiểu tóc nhất định sẽ thay đổi tùy theo tỉ lệ khuôn mặt bạn. Tuy nhiên, sẽ rất khó để chọn được một kiểu tóc hợp với khuôn mặt nếu bạn không biết hình dáng khuôn mặt mình như thế nào! Đừng lo, chỉ với một vài đường phác thảo hoặc vài phép đo đơn giản dưới đây là bạn sẽ tìm ra đặc điểm cũng như hình dáng khuôn mặt của chính mình.

Các bước[sửa]

Xác định nhanh hình dáng khuôn mặt[sửa]

  1. Đứng trước gương. Bạn cần một tấm gương đứng có kích thước lớn mà bạn có thể dễ dàng chạm vào gương từ vị trí đứng, như vậy bạn có thể vẽ lên gương mà không cần di chuyển.

    • Đứng và nhìn thẳng vào gương, giữ lưng thẳng, ngẩng cao đầu và đẩy lưng về phía sau. Nếu bạn để tóc mái, hãy vén hoặc buộc chúng lại.
    • Đảm bảo rằng ánh sáng chiếu từ trên xuống chứ không chiếu thẳng vào bạn bởi ánh sáng cũng có thể ảnh hưởng đến hình bạn vẽ.
  2. Đánh dấu đường viền khuôn mặt. Sử dụng son, một thỏi xà phòng, phấn, bút dạ hoặc các dụng cụ kẻ vẽ có thể xóa được, cẩn thận đánh dấu đường viền khuôn mặt bạn lên tấm gương. Hãy bắt đầu từ dưới cằm, kéo lên trên xương gò má, kẻ tiếp theo đường cong của chân tóc, kéo xuống phần bên kia của khuôn mặt và kết thúc ở dưới cằm. Hãy cố gắng không xê dịch khi bạn thực hiện bước này.
    • Đừng vẽ cả tai – hãy chỉ sử dụng đường viền khuôn mặt bạn mà thôi.
  3. Đánh giá đường viền khuôn mặt. Hãy đứng lùi lại và nhìn vào hình dạng của đường phác thảo bạn vừa đánh dấu. Phần rộng nhất là ở đâu? Hình đó có dáng dài hay ngắn? Hình dáng hàm và trán của bạn là gì? Dựa vào câu trả lời cho các câu hỏi trên, hình dạng khuôn mặt bạn “cần” thuộc các nhóm sau:
    • Khuôn mặt thuôn dài: Đường phác thảo của bạn giống với một hình chữ nhật đứng với các góc tròn. Khuôn mặt thuôn dài có trán, gò má và hàm rộng nhưng đều đặn.
    • Khuôn mặt tròn: Nếu đường phác thảo của bạn tạo thành một hình tròn với xương gò má rộng, hàm và trán thon, bạn có thể có một khuôn mặt tròn.
    • Mặt chữ điền (hoặc mặt vuông): Đường phác thảo của bạn không dài nhưng rộng ở tất cả các điểm với trán rộng, xương gò má rõ ràng và hàm có góc cạnh.
    • Khuôn mặt trái xoan: Trường hợp này thì phần trán khá rộng, xương gò má hẹp hơn và hàm tròn.
    • Khuôn mặt trái tim: Những khuôn mặt dạng này được đặc trưng bởi vòm trán rộng, xương gò má rõ ràng, cằm nhỏ.
    • Khuôn mặt tam giác: Nếu đường phác thảo của bạn cho thấy một phần hàm rộng nhưng trán hẹp thì có lẽ mặt bạn thuộc kiểu mặt tam giác.
    • Khuôn mặt kim cương: Mặt kim cương khác với mặt tròn và mặt trái xoan ở chỗ hai xương gò má rộng hơn nhiều so với cằm cùng với vầng trán hẹp.
  4. Lau sạch gương. Lau hoặc rửa toàn bộ những gì bạn đã đánh dấu trên gương, nhất là khi bạn đang sử dụng một nhà vệ sinh công cộng!

Sử dụng phép đo gương mặt chính xác[sửa]

  1. Tìm một chiếc gương. Bạn sẽ cần một chiếc gương để đo các chỉ số của khuôn mặt. Để có được kết quả tốt nhất, hãy sử dụng một tấm gương lớn trong căn phòng có đủ ánh sáng, vì như vậy bạn có thể nhìn rõ ràng tất cả mọi điểm trên khuôn mặt. Hầu hết mọi nhà tắm đều có một tấm gương to phía trên bồn rửa mặt, tuy nhiên một chiếc gương lớn để trang trí trong phòng ngủ cũng có thể hữu ích trong trường hợp này.
    • Bạn sẽ cần một chiếc thước dẻo (không phải là một chiếc thước kẻ cứng) có thể uốn theo đường cong khuôn mặt, một mẩu giấy, một chiếc bút bi hoặc bút chì để ghi lại kết quả mỗi lần đo.
  2. Đo khoảng cách giữa hai má. Để xác định được độ rộng của khuôn mặt, hãy đo khoảng cách giữa hai xương gò má. Đặt một đầu thước ngay sau đuôi mắt – đây là điểm mốc. Sau đó, cẩn thận đặt thước theo một đường thẳng qua sống mũi tới đuôi mắt bên kia – đây là điểm cuối. Thước đo cần nằm trên gò má của bạn (nói cách khác là ngay phía trên xương gò má). Đọc kết quả phép đo và ghi lại.
  3. Đo kích thước hàm. Bây giờ bạn sẽ xác định kích thước hàm của mình. Nhìn thẳng vào gương và tìm điểm rộng nhất trên phần hàm của bạn. Thường thì điểm này ở khoảng 2,5 cm dưới tai. Đây là điểm mốc của phép đo này. Đo từ điểm này đến giữa cằm, sau đó nhân kết quả thu được với 2 để có được kích thước toàn bộ phần hàm. Ghi lại giá trị đã đo được.
  4. Đo kích thước trán. Nhìn thẳng vào gương và tìm phần rộng nhất trên vùng trán. Thường thì phần đó nằm chính giữa lông mày và đường chân tóc của bạn. Đặt thước đo tại một trong hai điểm tạo thành phần rộng nhất trên vùng trán. Kéo ngang thước đo sang điểm bên kia. Sau đó đọc kết quả và ghi lại số liệu này.
  5. Đo độ dài khuôn mặt. Cuối cùng là bước đo độ dài khuôn mặt. Tìm điểm chính giữa của đường chân tóc (đường chân tóc là đường tạo thành bởi phần chân tóc và trán) và lấy điểm này làm mốc đo. Sau đó kéo thước theo chiều dọc khuôn mặt, qua mũi tới phần dưới cằm. Đọc và ghi lại kết quả thu được.
    • Với những người bị hói hoặc cạo trọc đầu – hãy bắt đầu đo từ điểm mà đáng ra là điểm chính giữa của đường chân tóc. Trừ khi bạn vừa mới cạo trọc được một vài ngày, nếu không bạn sẽ thấy những sợi tóc nhỏ mọc lên từ đỉnh trán. Nếu bạn không chắc chắn, hãy ước lượng bằng cách nhướn mày, khi đó trên trán sẽ có các nếp nhăn, hãy đo từ điểm giữa của nếp nhăn đến điểm có vị trí cao nhất.
  6. Xác định hình dạng khuôn mặt theo các kích thước đã đo được. Khuôn mặt mỗi người đều khác nhau (trừ khi bạn có anh chị em sinh đôi cùng trứng!) Tuy nhiên, phần lớn các khuôn mặt đều thuộc một hoặc hơn một nhóm khuôn mặt. Các nhóm hình dạng khuôn mặt gồm: Mặt thuôn dài, Mặt trái tim, Mặt chữ điền, Mặt trái xoan, Mặt tròn, Mặt tam giác, và Mặt kim cương. [1] Hãy xem lại các số đo mà bạn có được và tiếp tục đọc những đặc điểm nêu dưới đây để xác định hình dạng khuôn mặt bạn.
    • Khuôn mặt thuôn dài (đôi khi được gọi là khuôn mặt “hình chữ nhật” [2]) có chiều dài lớn hơn chiều rộng. Những khuôn mặt dạng này có số đo gò má, trán và hàm khá giống nhau.
    • Khuôn mặt trái tim có hình dáng giống với hình tam giác ngược, tức là có cằm tương đối nhọn, kích thước trán và gò má trung bình cho tới rộng. Những khuôn mặt dạng này thường có độ dài lớn hơn khoảng cách giữa hai xương gò má một chút (khoảng từ 3,8 cm trở xuống).
    • Khuôn mặt chữ điền (hoặc mặt vuông) có độ dài tương đương với chiều rộng, tức là kết quả đo hai xương gò má và độ dài chênh lệch nhau khoảng 2,5 đến 5 cm. Thêm vào đó, số đo gò má, trán và hàm của những người có khuôn mặt chữ điền thường tương đối bằng nhau – tức là phần cạnh của mặt gần như thẳng tắp từ trên xuống. Phần hàm của khuôn mặt chữ điền thường “vuông thành sắc cạnh” ở phần góc rộng nhất.
    • Khuôn mặt trái xoan cũng vậy, tỉ lệ giữa các số đo khá tương tự với một quả trứng đặt ngược với độ dài lớn hơn chiều rộng, trán lớn hơn một chút so với hàm và một chiếc cằm tròn.
    • Khuôn mặt tròn cũng tương tự mặt chữ điền ở chỗ chiều rộng và độ dài khuôn mặt xấp xỉ nhau. Tuy nhiên người có khuôn mặt tròn lại có một vầng trán nhỏ và hàm nhỏ cũng như cong hơn. Nếu kết quả của bạn cho thấy là khoảng cách giữa hai gò mà và độ dài khuôn mặt chênh lệch trong khoảng 2,5 cm, trán của bạn hẹp hơn so với hai gò má, và phần xương hàm của bạn không sắc nét như những người mặt chữ điền, tức là bạn có khuôn mặt tròn.
    • Khuôn mặt tam giác là dạng ngược lại của mặt trái tim với phần hàm rộng nhất và phần trán hẹp nhất. Những người có khuôn mặt tam giác sở hữu một phần hàm rộng và vuông cùng với phần trán tương đối hẹp.
    • Khuôn mặt kim cương có phần xương gò má với kích thước lớn nhất, vùng trán với kích thước vừa phải và một chiếc cằm nhọn. Khoảng cách giữa hai xương gò má cũng lớn hơn độ dài khuôn mặt một chút. Nếu bạn thấy rằng khoảng cách giữa hai xương gò má của mình lớn hơn số đo vùng trán và hàm, cằm của bạn cũng tương đối nhọn thì khuôn mặt bạn có những đặc điểm của khuôn mặt kim cương.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây