Xơ vữa thành mạch

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Xơ vữa thành mạch (xơ vữa động mạch) là hiện tượng bệnh lý của lớp nội mạc động mạch, đặc biệt là các động mạch lớn dẫn đến sự hình các mảng có nguồn gốc chất béo, phá vỡ cấu trúc thành mạch, làm hẹp mạch máu và ngăn cản sự lưu thông của dòng máu.

Các biểu hiện bệnh lý trong giai đoạn đầu là tổn thương các tế bào nội mạc và lớp tế bào dưới nội mạc. Sự tổn thương thành mạch còn có thể do tác động cơ học của dòng máu và áp lực động mạch lên các vùng tổn thương.

Khi có hiện tượng tổn thương, các tế bào nội mạc sẽ giãn, sưng, phân chia. Các tế bào cơ trơn thành mạch cũng có thể có phản ứng tương tự. Tại thành mạch máu có hiện tượng tập trung nhiều tế bào do sự di chuyển của các tế bào bình thường đến vùng tổn thương . Ngay sau đó, các thành phần lipid trong máu, đặc biệt là cholesterol sẽ tích tụ lại trong các tế bào đang phân chia, hình thành các mảng xơ. Vì các mảng này chứa một lượng lớn cholesterol nên chúng thường được coi là chất cholesterol lắng đọng.

Giai đoạn sau của quá trình bệnh lý, các tế bào xơ xâm nhập vùng tổn thương và hình thành các mảng xơ trong mạch máu.

Tiếp theo là quá trình lắng đọng canxi làm canxi hóa các mảng xơ. Đến giai đoạn này, tổ chức mạch vùng tổn thương trở nên cứng nên được mô tả bởi từ "xơ cứng động mạch" hoặc đơn giản hơn là "hiện tượng cứng của mạch máu".

Các động mạch vị xơ cứng mất gần như hoàn toàn khả năng tăng kích thước (mất khả năng căng phồng) và dễ bị làm rách, làm thủng. Các phần từ mảng xơ (có bề mặt thô nhám) có thể di chuyển theo dòng máu dẫn đến nguy cơ hình thành các cục máu và huyết khối. Khi các huyết khối có mặt trong động mạch vành của tim hay các động mạch của não sẽ dễ dẫn đến tắc động mạch, rối loạn hoạt động của tim/não và gây thương tổn nặng nề cho cơ thể thậm chí gây tử vong. Các ảnh hưởng tương tự cũng có thể sảy ra khi huyết khối hình thành trong động mạch gan, động mạch thận, động mạch về các chi, động mạch dạ dày, ruột v.v.

Nghiên cứu cơ chế hình thành huyết khối và các biện pháp phòng trị là một trong những nội dung quan trọng trong các lĩnh vực nghiên cứu y sinh học trên khắp thế giới.

Xơ cứng mạch máu thực nghiệm trên động vật[sửa]

Trước đây người ta cho rằng muốn gây xơ cứng động mạch thực nghiệm chỉ cần tăng nồng độ cholesterol trong máu. Trước đó, người ta cũng đã thực hiện gây xơ cứng động trên thỏ bằng cách cho những con thỏ thí nghiệm ăn thức ăn chứa nhiều cholesterol dẫn đến làm tăng hiện tượng tích tụ cholesterol trong thành mạch máu. Thí nghiệm đó đã thường được trích dẫn để làm bằng chứng cho lý thuyết "cholesterol huyết cao" của bệnh lý học xơ vữa động mạch. Tuy nhiên, tích tụ cholesterol không dẫn đến làm xơ động mạch và không gây chết thỏ thí nghiệm. Hơn nữa, rất khó có thể tạo hiện tượng này ở các động vật ăn thịt trừ khi vừa tăng cholesterol khẩu phần vừa cắt bỏ tuyến giáp trạng (mất tuyến giáp trạng sẽ dẫn đến rối loạn chức năng biến đổi cholesterol).

Thời gian sau đó, các thí nghiệm gây xơ cứng động mạch tập trung vào hướng gây tổn thương thành mạch thực nghiệm. Tổn thương thành mạc là nguyên nhân nguyên phát dẫn đến hình thành các mảng huyết khối. Hầu hết các nguyên nhân gây tổn thương các tế bào nội mạc của mạch máu đều dẫn đến các biến đổi sau:

- Tiểu cầu tập trung tại vị trí tổn thương.

- Các tiểu cầu giải phóng một số yếu tố làm tăng cường phân chia của các tế bào cơ trơn thành mạch. Các tế bào này xâm nhập vùng tổn thương.

- Cholesterol (có thể cả các loại lipid khác) xâm nhập vùng tổn thương dẫn đến hình thành các mảng xơ thành mạch.

Biểu hiện bệnh lý sẽ trầm trọng hơn khi nồng độ cholesterol trong máu quá cao (hypercholesterolemia).

Xơ cứng động mạch ở người[sửa]

1. Ảnh hưởng của tuổi, giới tính và di truyền:

- Xơ cứng thành mạch là bệnh của người lớn tuổi. Tuy vậy, cũng có những trường hợp người trẻ tuổi mắc phải. Như vậy, khoảng thời gian mạch máu bị tổn thương và tích tụ cholesterol đóng vai trò quan trọng.

- Số liệu thống kê cho thấy đàn ông chết vì xơ vữa động mạch vành cao hơn phụ nữ, đặc biệt đối lứa tuổi dưới 50 tuổi. Từ thống kê này người ta đặt ván đề có phải hormon sinh dục nam có ảnh hưởng làm tăng cường quá trình hình thành huyết khối hay hormon sinh dục nữ có tác dụng giúp cơ thể chống lại hiện tượng này? Một số thử nghiệm cho thấy nếu những người đàn ông đang bị xơ động mạch vành dùng estrogen sẽ làm giảm nguy cơ tai biến tim. Thêm nữa, khi tiêm estrogen cho gà mang huyết khối động mạch vành sẽ ngăn cản quá trình tiến triển của bệnh.

- Huyết khối và huyết khối động mach vành có liên quan đến di truyền. Trong một số trường hợp có liên quan đến hiện tượng cholesterol huyết cao trong gia đình. Lượng cholesterol tăng cao trong các trường hợp này chủ yếu là lipoprotein mật độ thấp (low density lipoprotein, LDL). Trong hầu hết các trường hợp, LDL tăng cao do thiếu hụt các cơ quan thụ cảm của lipoprotein này (low density lipoprotein receptor). Bình thường, LDL receptor hiện diện trên màng của các loại tế bào phân bố khắp cơ thể và có chức năng nhận diện một protein có tên apoprotein B-100 của LDL và giúp LDL gắn với màng. Sự gắn kết với màng là bước bắt buộc để các tế bào (đặc biệt là các tế bào gan) thu nhận được lipoprotein. Nếu các tế bào gan không nhận được LDL, cơ chế điều hòa ngược của tế bào gan sẽ kích thích sản xuất thêm LDL. Lượng LDL sản xuất thêm cùng với LDL sẵn có sẽ càng làm tăng nồng độ LDL trong máu (có thể tới 600mg/dl), hơn 3 lần so với nồng độ bình thường. Những người mang hai allele cua gene mã hóa receptor không hoạt động (đồng hợp tử) thường bị chết trước 20 tuổi do nghẽn động mạch vành tim.

Ở những người khác, mặc dù bị bệnh do yếu tố di truyền nhưng nồng độ cholesterol có thể vẫn bình thường. Tuy vậy, các yếu tố khác dẫn đến quá trình bệnh lý vẫn chưa được xác định rõ.

2. Những yếu tố khác

- Những người bị mắc tiểu đường trầm trọng hay thiểu năng giáp trạng trầm trọng dễ xơ thành mạch. Trong các trường hợp này, nồng độ cholesterol trong máu thường tăng cao.

- Những người cao huyết áp cũng co nguy cơ cao hơn. Có thể huyết áp cao làm tăng nguy cơ tổn thương thành mạch dẫn đến gây xơ thành mạch.

- Một yếu tố nguy cơ nữa là hút thuốc.

3. Mối quan hệ giữa hàm lượng chất béo trong khẩu phần và xơ thành mạch:

Hàm lượng cao của cholesterol và các chất béo bão hòa trong khẩu phần làm tăng nguy cơ mắc xơ cứng thành mạch. Vì vậy, giảm chất béo trong khẩu phần là một phương thức bảo vệ động mạch. Một số thí nghiệm cho thấy, giảm chất béo khẩu phần thậm chí còn có khả năng bảo vệ cơ thể đang bị các biến chứng mạch vành. Một nghiên cứu của cơ quan y tế quốc gia Mỹ cho thấy giảm 1% cholesterol khẩu phần sẽ tương ứng với 2% giảm tỷ lệ chết do tai biến mạch vành. Những người béo cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Thức ăn chứa các chất béo chưa no có thể giúp cơ thể giảm nồng độ cholesterol tromg máu - một yếu tố tích cực giúp phòng ngừa xơ cứng động mạch.

Tóm tắt về các yếu tố gây xơ cứng động mạch[sửa]

Xơ cứng thành mạch có mối quan hệ chặt chẽ với quá trình trao đổi lipid của cơ thể nhưng sự hình thành và tiến triển của bệnh liên quan đến các yếu tố gây tổn thương thành mạch.

Tăng nồng độ cholesterol trong máu thường có quan hệ với quá trình tiến triển của bệnh.

Có thể yếu tố thứ ba (liên quan đến di truyền và chưa được làm rõ) có khả năng gây thoái hóa thành mạch hoặc tăng cường tích tụ cholesterol mà không chịu ảnh hưởng của nồng độ cholesterol trong máu. <veterinary>

Liên kết đến đây