Xử lý cảm cúm ở trẻ nhỏ

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Trẻ em rất dễ bị cảm cúm vì hệ miễn dịch còn đang phát triển. Hầu hết các trường hợp bị cúm đều có thể xử lý tại nhà bằng cách nghỉ ngơi và giúp trẻ cảm thấy càng dễ chịu càng tốt trong khi cơ thể chúng phải chống chọi với bệnh. Tuy vậy, nếu chăm sóc tại nhà không khiến bệnh thuyên giảm, bạn cần đưa trẻ đến bác sĩ để đảm bảo không xảy ra những vấn đề nghiêm trọng hơn.

Các bước[sửa]

Sử dụng các phương pháp tự nhiên[sửa]

  1. Cho trẻ uống đủ nước. Trẻ có thể quên uống nước khi không cảm thấy khỏe. Hơn nữa, chúng sẽ mất nước nhanh hơn bình thường nếu cơ thể sinh ra đờm dãi hoặc đang bị sốt. Cho trẻ uống nhiều và thường xuyên, đồng thời khuyến khích trẻ uống kể cả không thấy khát.[1][2]
    • Những đồ uống tốt cho sức khỏe bao gồm: nước, nước ép hoa quả, nước xuýt, hoặc nước chanh ấm. Nước ép hoa quả, nước xuýt, và nước chanh cũng giúp bù đắp chất điện giải cho trẻ.
    • Theo dõi để biết được các dấu hiệu mất nước ở trẻ bao gồm: đi tiểu ít, khóc không ra nước mắt, buồn ngủ, chóng mặt, táo bón, đau đầu, cáu kỉnh, khô miệng, da và màng nhầy trong miệng, nước tiểu vàng sậm hoặc đục màu.
    • Cho uống đủ nước cũng giúp kiểm soát cơn sốt ở trẻ.
  2. Cho trẻ ngủ lâu hơn. Chống chọi với bệnh cúm tiêu hao nhiều năng lượng của trẻ, vì vậy, ngủ thêm rất quan trọng. Hãy để trẻ ngủ càng nhiều càng tốt, bao gồm cả các giấc ngủ ngắn trong ngày. Thời gian ngủ của trẻ thay đổi tùy vào lứa tuổi và nhu cầu bản thân. Nói chung, trẻ khỏe mạnh cần:[3][1]
    • 11 – 18 giờ đối với trẻ sơ sinh
    • 9 – 12 giờ đối với trẻ từ 4 đến 11 tháng tuổi
    • 11 – 14 giờ đối với trẻ từ 1 đến 2 tuổi
    • 11– 13 giờ đối với trẻ từ 3 đến 5 tuổi
    • 9 – 11 giờ khi trẻ từ 6 đến 13 tuổi
    • 8 – 10 giờ khi trẻ ở lứa tuổi vị thành niên
  3. Giữ ấm cho trẻ. Nếu thân nhiệt của trẻ tăng, trẻ có thể cảm thấy lạnh run người. Điều này xảy ra khi nhiệt độ cơ thể tăng so với nhiệt độ không khí. Nếu trẻ bị lạnh, hãy kiểm tra thân nhiệt để xem liệu trẻ có đang bị sốt hay không và giữ cho trẻ ấm.
    • Nhiệt độ cơ thể bình thường là 37°C. Hầu hết các bác sĩ nhi khoa đều xác định nhiệt độ sốt là từ 38°C trở lên.
    • Đặt trẻ lên giường và đắp thêm chăn. Nếu là trẻ nhỏ, hãy quấn chăn và ôm trẻ vào lòng. Hơi nóng từ cơ thể bạn sẽ giữ cho con bạn được ấm.
    • Nếu trẻ hạ sốt, chúng sẽ cảm thấy nóng đột ngột và bỏ chăn ra. Hãy để trẻ tự điều chỉnh nhiệt độ nếu cần. Bỏ bớt chăn nếu trẻ nhỏ cảm thấy nóng.
  4. Giúp trẻ hít thở bằng máy tạo hơi ẩm. Sử dụng máy tạo hơi ẩm phun sương mát để giữ không khí trong phòng ẩm khi trẻ ngủ vào buổi tối. Cách này giúp trẻ dễ thở hơn, làm dịu cơn ho và khiến trẻ ngủ nhanh chóng.[4]
    • Máy tạo hơi ẩm phun sương mát an toàn cho trẻ hơn máy phun hơi nóng. Nếu trẻ chẳng may đụng phải máy vào buổi tối, chúng cũng không bị bỏng.
    • Nếu bạn không có máy này, bạn có thể tự làm bằng cách đặt một chậu nước trên lò sưởi trong phòng trẻ. Nếu lò sưởi được bật, nước sẽ liên tục bốc hơi và làm ẩm không khí.
  5. Làm súp gà. Súp gà rất tốt trong việc giúp cơ thể chống chọi với nhiễm khuẩn. Nước súp sẽ ngăn tình trạng mất nước, muối và chất dinh dưỡng sẽ bù đắp chất điện giải bị tiêu hao khi đổ mồ hôi.[4]
    • Khi con bạn bắt đầu cảm thấy dễ chịu hơn, bạn có thể thêm một chút rau, mì hoặc thịt gà vào nước dùng để có nhiều chất hơn.
    • Khi con bạn khỏe trở lại, trẻ sẽ cảm thấy ăn ngon miệng.
  6. Vỗ về con. Động viên trẻ sẽ giúp trẻ thư giãn, ngủ và chống chọi với nhiễm khuẩn. Trẻ có thể dễ khóc hoặc cáu bẳn khi bị ốm. Cố gắng tìm cách làm trẻ quên đi sự khó chịu do bị ốm gây ra. Bạn có thể:
    • Cho con đọc quyển truyện yêu thích hoặc đọc cho trẻ nghe đến khi chìm vào giấc ngủ ngắn
    • Cho trẻ nghe nhạc hoặc nghe truyện khi nghỉ ngơi trên giường
    • Cho trẻ xem vô tuyến hoặc xem phim

Sử dụng thuốc[sửa]

  1. Dùng thuốc giảm đau và hạ sốt. Các thuốc không cần kê đơn rất hiệu quả trong việc hạ sốt và giảm đau đầu, đau họng và đau khớp. Trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên không nên sử dụng thuốc chứa aspirin vì có thể gây ra triệu chứng Reye.[1]
    • Acetaminophen (Tylenol) hoặc ibuprofen (Advil, Motrin IB) là những thuốc an toàn thay thế cho aspirin. Hỏi ý kiến bác sĩ để đảm bảo thuốc phù hợp với trẻ.
    • Nếu bạn không biết chắc cách chăm sóc trẻ, hãy liên hệ với bác sĩ. Luôn đọc và làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Không cho trẻ uống quá liều chỉ định. Nhiều thuốc không kê đơn không nên dùng với trẻ nhỏ.
    • Các thuốc không kê đơn có thể phản ứng với thuốc khác, bao gồm thuốc kê đơn, thảo dược và thực phẩm bổ sung.
  2. Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ dùng xi rô ho. Xi rô ho có thể giảm ho nhưng không thực sự chấm dứt sự viêm nhiễm. Ho giúp loại bỏ những chất lạ ra khỏi phổi, hạn chế ho có thể làm chậm lại quá trình lành bệnh. Lợi ích của việc cắt cơn ho là giúp trẻ ngủ vào ban đêm. Nếu con bạn không ngủ được vì ho, hãy hỏi ý kiến bác sĩ.[5]
    • Xi rô ho không nên dùng cho trẻ dưới 4 tuổi. Với trẻ lớn hơn, hãy dùng theo liều hướng dẫn của nhà sản xuất.
    • Hãy thận trọng vì một số loại xi rô ho có hoạt chất giống thuốc không kê đơn. Kiểm tra thành phần trên bao bì để đảm bảo bạn không cho trẻ uống nhiều loại thuốc cùng hoạt chất vì có thể dẫn đến sơ ý quá liều.
  3. Hỏi bác sĩ về thuốc kháng vi rút. Nếu con bạn bị cúm do vi rút cúm gây ra, bác sĩ có thể khuyên dùng thuốc kháng vi rút trong một số trường hợp nhất định, như trẻ bị hen suyễn hoặc có các vấn đề về sức khỏe khác, và trẻ dưới hai tuổi. Thuốc kháng vi rút có thể giảm mức độ nghiêm trọng và thời gian triệu chứng tồn tại, đồng thời giảm nguy cơ trẻ lây bệnh sang cho trẻ khác.
    • Thuốc kháng vi rút cúm hiệu quả nhất khi được dùng trong vòng hai ngày sau khi trẻ bị ốm. Đợt điều trị thường kéo dài trong 5 ngày.[6]
    • Thuốc kháng vi rút phải được kê đơn và có các dạng bào chế lỏng, thuốc viên, hoặc hít.[6] Bác sĩ có thể kê thuốc Oseltamivir (Tamiflu®) hoặc Zanamivir (Relenza®, Diskhaler®).[6]
  4. Nhỏ nước muối sinh lí để giảm tắc mũi. Bạn có thể dùng ống nhỏ giọt để bóp nhẹ vài giọt vào từng hốc mũi. Nước muối sẽ giúp dịch nhầy lỏng ra và khiến trẻ thở dễ hơn. Nếu thành phần thuốc nhỏ mũi là muối và nước thì an toàn cho trẻ. Hãy kiểm tra thành phần trên bao bì để đảm bảo không có chất bảo quản.[4][7]
    • Một số chất bảo quản như benzalkonium chloride có thể làm hỏng mô mũi.
    • Bạn cũng có thể tự tạo thuốc xịt mũi bằng cách cho muối vào nước đun sôi rồi làm nguội bớt ở mức âm ấm.
    • Không dùng thuốc xịt hoặc thuốc nhỏ làm thông mũi cho trẻ. Chúng có thể gây sưng mô mũi và làm nặng thêm triệu chứng ở trẻ.
  5. Đưa trẻ đến bác sĩ nếu ốm nặng. Hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển như của người lớn, có nghĩa là chúng rất dễ bị tổn thương trước các biến chứng. Bạn cần đưa con đến bác sĩ nếu trẻ bị: [8]
    • Sốt hơn 24 giờ đối với trẻ dưới hai tuổi
    • Sốt hơn ba ngày đối với trẻ trên hai tuổi
    • Sốt từ 37,8°C trở lên đối với trẻ từ 3 tháng tuổi trở xuống
    • Sốt 40°C
    • Các đợt quấy khóc kéo dài, đặc biệt đối với trẻ quá nhỏ không thể nói cho bạn biết bị đau ở đâu.
    • Có vấn đề về thở
    • Ho không chấm dứt sau một tuần hoặc ho thường xuyên hoặc ho nặng hơn
    • Mất nước
    • Nôn mửa hơn một hoặc hai lần
    • Cổ bị cứng
    • Đau bụng
    • Đau đầu dữ dội
    • Đau tai
    • Ngủ li bì

Phòng tránh bệnh cảm cúm[sửa]

  1. Cho trẻ tiêm phòng bệnh cúm khi ngoài 6 tháng tuổi. Tiêm vắc xin phòng bệnh cúm định kỳ hàng năm là cách tốt nhất để bảo vệ con bạn.[9] Thông thường, vắc xin có thể chống được 3 đến 4 chủng vi rút cúm. Vì vi rút thường xuyên thay đổi, bạn cần cho con tiêm phòng bệnh cúm mỗi mùa dịch, mũi tiêm phòng mùa trước không bảo vệ được con bạn trong mùa dịch lần này.
    • Bạn và các thành viên khác trong gia đình cũng nên tiêm phòng cúm.
    • Trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi cần tiêm hai lần trong vòng 28 ngày nếu đó là lần đầu tiên trẻ tiêm phòng cúm.[9] Hãy hỏi bác sĩ để biết liệu con bạn có cần tiêm hai lần không.
  2. Dạy con cách rửa tay. Việc này có thể giúp trẻ giảm số lần mắc bệnh cúm và dạy trẻ tránh truyền bệnh cho người khác. Hãy dạy con rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, và sau khi hỉ mũi, ho hoặc hắt hơi. Hướng dẫn trẻ thực hiện các bước sau khi rửa tay:[10]
    • Rửa tay bằng nước.
    • Thoa xà phòng lên tay và kỳ cọ trong ít nhất 20 giây. Nhắc con cọ sạch giữa các ngón tay và kẽ móng tay.
    • Rửa sạch xà phòng và bụi bẩn ở tay dưới vòi nước đang chảy.
  3. Cho con dùng dung dịch sát trùng tay khi không có xà phòng và nước. Dung dịch sát trùng tay phải có nồng độ cồn ít nhất là 60% mới có hiệu quả. Bạn có thể sử dụng dung dịch này khi đi đến những nơi không có xà phòng và nước sạch.[11]
    • Đổ một lượng lớn dung dịch vào lòng bàn tay trẻ. Dạy trẻ xát hai tay với nhau đến khi dung dịch được xoa đều khắp tay. Nhắc trẻ kỳ cọ tay đến khi dung dịch khô.
    • Dạy trẻ tránh sờ vào mũi, mắt hoặc miệng khi tay không sạch. Mắt, mũi và miệng là những nơi vi rút cúm bắt đầu xâm nhập vào cơ thể.
  4. Hướng dẫn trẻ che khi ho hoặc hắt hơi. Điều này rất quan trọng để trẻ biết tránh truyền bệnh khi bị ốm. Trẻ cần:[12]
    • Hắt hơi hoặc ho vào khăn giấy và bỏ khăn vào thùng rác.
    • Hắt hơi hoặc ho vào khuỷu tay, không phải vào tay. Điều này sẽ giảm khả năng truyền bệnh cho người khác qua tay.
    • Rửa tay nếu dùng tay che khi hắt hơi hoặc ho.
  5. Cho trẻ ở nhà khi có dấu hiệu bị ốm. Nếu con bạn bị sốt hoặc có dấu hiệu cảm cúm, đừng cho con đến trường để tránh truyền vi rút cho những trẻ khác. Con bạn có thể lây bệnh cho người khác kể từ ngày bắt đầu bị ốm đến 5 hoặc 7 ngày sau đó, thậm chí lâu hơn nếu trẻ tiếp tục còn triệu chứng.[13] Cho trẻ ở nhà khi bị ốm sẽ ngăn vi rút lây lan.
    • Bạn cũng nên tránh dùng chung cốc và dụng cụ ăn uống khi trẻ ốm để tránh lây nhiễm cúm.

Cảnh báo[sửa]

  • Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ uống thuốc, thực phẩm bổ sung hoặc thảo dược.
  • Luôn đọc và làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
  • Kể cả các loại thuốc không kê đơn cũng có phản ứng với nhau. Đừng dùng nhiều loại cùng một lúc. Dùng đồng thời nhiều loại thuốc có hoạt chất giống nhau cũng có thể dẫn đến quá liều.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]