Xử lý vết cắt sâu

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Vết cắt sâu có thể gây ra bởi vật nhọn làm tổn thương da, bao gồm những thứ đơn giản như góc tường hoặc dụng cụ để cắt như dao. Bất kể là gây ra bởi điều gì, vết cắt sâu thường đau đớn, chảy nhiều máu và có thể cần đến cấp cứu. Nếu bạn, hoặc ai đó có vết cắt sâu, bạn cần phải xem xét sự nguy hiểm của vết thương và sau đó xử lý ngay.

Các bước[sửa]

Xem xét Vết thương[sửa]

  1. Kiểm tra vết thương. Nếu bạn thấy mỡ, bắp thịt hoặc xương qua vết cắt hoặc nếu vết cắt rộng và hở, bạn có thể sẽ cần khâu lại. Nếu không chắc, bạn nên đến trạm y tế hoặc bệnh viện để kiểm tra.[1]
    • Dấu hiệu cho biết vết thương cần được xử lý ngay bao gồm: đau dữ dội, chảy nhiều máu, dấu hiệu sốc phản vệ (như da trở nên lạnh và toát mồ hôi hột, cảm thấy lạnh hoặc trở nên nhợt nhạt).
    • Vết cắt sâu là khi bạn có thể thấy mỡ (lớp chồi lên màu vàng), bắp thịt (đỏ đậm, mô dạng dây) hoặc xương (mặt phẳng cứng, màu trắng ngà).[1]
    • Nếu vết cắt không xuyên sâu qua da, bạn không nhất thiết phải khâu và có thể tự chăm sóc tại nhà.
  2. Sơ cứu vết thương nghiêm trọng trước khi đến gặp bác sĩ. Nếu bạn cho rằng vết cắt cần được cấp cứu, bạn cần phải thực hiện vài việc trước khi di chuyển. Nhanh chóng rửa vết thương dưới vòi nước để rửa sạch bụi bẩn. Tiếp theo, dùng áp lực đè lên vết thương với khăn sạch hoặc băng gạc và tiếp tục giữ đè chặt trong khi di chuyển đến phòng cấp cứu.
    • Vết thương sẽ được rửa sạch một lần nữa khi bạn đến gặp bác sĩ để đảm bảo là nó được sát trùng kỹ.
    • Nếu vết thương lớn và chảy nhiều máu, hãy băng vết thương bằng khăn hoặc gạc y tế, sau đó tiếp tục giữ chặt bằng áp lực.[1][2]
  3. Đừng cố làm sạch vết thương hoặc làm kín vết thương bằng dụng cụ có sẵn ở nhà. Đừng cố lấy bất kỳ vật thể nào không trôi ra khi rửa. Nếu thủy tinh hoặc mảnh vỡ nào đó ghim vào vết thương, bạn có thể làm tăng tổn thương khi tự lấy nó ra khỏi vết thương. Bên cạnh đó, đừng cố may hoặc dán kín vết thương vì các dụng cụ tại nhà có thể gây viêm nhiễm, khiến vết thương khó lành. Đừng dùng cồn tẩy rửa, oxy già hoặc i ốt để rửa vết cắt vì nó có thể làm vết thương lâu lành.[1][2]
  4. Bảo đảm an toàn khi di chuyển đến bệnh viện. Đừng tự lái xe vì việc này rất nguy hiểm. Nếu xung quanh không có ai và vết thương chảy máu nghiêm trọng, tốt nhất nên gọi cấp cứu.

Xử lý Vết cắt Sâu nhưng Không Nghiêm trọng[sửa]

  1. Vệ sinh vết cắt. Rửa bằng xà phòng và nước ít nhất 5-10 phút. Bất kỳ loại xà phòng nào và nước sạch cũng đều ổn. Nghiên cứu cho biết không có sự khác biệt lớn khi dùng phương pháp khử trùng bằng oxy già hoặc xà phòng kháng khuẩn để làm sạch vết cắt.
    • Quan trọng là bạn phải rửa vết thương thật kỹ. Nếu có bụi bẩn, thủy tinh hoặc vật thể khác trong vết cắt mà không thể dễ dàng làm sạch, hoặc nếu vết thương gây ra bởi vật nhiễm bẩn và bị gỉ sét, hoặc do động vật cắn, bạn nên đến gặp bác sĩ.[1][3]
  2. Giữ chặt bằng áp lực để cầm máu. Sau khi làm sạch vết thương, ấn khăn sạch hoặc gạc y tế lên vết thương ít nhất 15 phút. Bạn cũng có thể làm chậm việc mất máu bằng cách giữ vết cắt cao hơn vị trí của tim.
    • Nếu vết cắt vẫn tiếp tục chảy máu, hãy đến gặp bác sĩ.[1]
  3. Băng bó vết thương. Bôi một lớp mỏng thuốc mỡ kháng sinh và băng lại bằng băng gạc y tế. Giữ vết thương khô ráo và sạch sẽ bằng cách đổi băng gạc 1-2 lần mỗi ngày đến khi lành.
  4. Theo dõi để biết vết thương có bị nhiễm trùng hay không. Khi thấy có dấu hiệu nhiễm trùng, hãy đến gặp bác sĩ. Dấu hiệu bao gồm cảm giác nóng rát hoặc đỏ xung quanh vết thương, vết thương bị chảy mủ, đau đớn nhiều hơn hoặc bị sốt.

Xử lý Vết cắt Sâu Nghiêm trọng[sửa]

  1. Gọi hoặc nhờ ai đó gọi cấp cứu. Nhờ ai đó có chuyên môn xem xét càng nhanh càng tốt. Nếu bạn và người bị thương đang ở một mình, bạn cần phải cầm máu trước khi tìm kiếm sự giúp đỡ.
  2. Đeo bao tay khi bạn chăm sóc ai đó. Cách ly máu của người bị thương và bạn là rất quan trọng. Bao tay y tế sẽ giúp bảo vệ bạn khỏi sự truyền nhiễm bệnh từ máu của người khác.
  3. Kiểm tra sự nghiêm trọng của vết thương và phản ứng của bệnh nhân với vết thương. Bên cạnh đó là kiểm tra hơi thở và tuần hoàn máu. Yêu cầu bệnh nhân nằm xuống hoặc ngồi nếu như có thể để họ nghỉ ngơi và thư giãn.
    • Kiểm tra vết thương để biết vấn đề. Cắt quần áo (nếu cần) để có thể nhìn rõ vết thương.
  4. Đánh giá độ nguy hiểm của vết thương đến tính mạng. Nếu vết thương ở tay hoặc chân chảy nhiều máu, yêu cầu bệnh nhân giơ cao bộ phận đó lên. Giữ nguyên vị trí đến khi ngưng chảy máu.
    • Sốc phản vệ cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Nếu bệnh nhân bị sốc, giữ ấm bệnh nhân và giúp bệnh nhân thư giãn.
    • Đừng tự lấy bất kỳ vật thể, như mảnh vụn thủy tinh, trừ khi bạn đã được huấn luyện để làm việc đó; vì nó có thể làm mất nhiều máu nếu vật thể đó đang là vật cầm máu.
  5. Băng bó vết cắt. Đặt một miếng gạc y tế sạch lên vết cắt và ấn nhẹ trực tiếp lên đó.
    • Bạn có thể dùng băng quấn được làm từ vải nếu không có băng cá nhân. Nếu bạn có băng quấn hãy dùng để băng bó quanh vết thương. Đừng băng quá chặt, đảm bảo là bạn có thể luồng hai ngón tay vào lớp băng quấn.
  6. Nếu máu thấm qua lớp băng đầu tiên thì băng bó thêm một lớp nữa. Đừng cố lấy lớp băng đầu tiên ra vì có thể ảnh hưởng đến vết thương.
    • Không tháo miếng băng đầu tiên vì nó giúp giữ lại lớp máu đã đông, ngăn không cho máu chảy thêm nữa.
  7. Theo dõi hơi thở và tuần hoàn máu của bệnh nhân. Trấn an bệnh nhân trong khi chờ người đến giúp đỡ (trong trường hợp nghiêm trọng) hoặc đến khi máu ngưng chảy (trường hợp ít nghiêm trọng hơn). Phải gọi cấp cứu nếu vết cắt nghiêm trọng và/hoặc không ngừng chảy.
  8. Để nhân viên y tế xử lý vết thương. Ví dụ, nếu vết cắt sâu hoặc bị nhiễm khuẩn, bạn sẽ cần tiêm ngừa uốn ván. Uốn ván là một loại nhiễm khuẩn nghiêm trọng có thể dẫn đến bại liệt và tử vong nếu không được điều trị. Nhiều người tiêm ngừa uốn ván và boosters (tiêm nhắc lại) như một phần của lộ trình chăm sóc sức khỏe vài năm một lần.
    • Nếu bạn gặp phải vết gây ra bởi vật nhiễm bẩn hoặc gỉ sét, thì tiêm mũi nhắc lại là rất quan trọng để tránh viêm nhiễm. Gặp bác sĩ để biết là bạn có cần phải tiêm hay không![1]

Chăm sóc Mũi khâu và Đinh kẹp[sửa]

  1. Vết thương nghiêm trọng cần phải khâu hoặc đính kẹp bởi nhân viên y tế. Nếu vết cắt sâu, rộng hoặc hở, bác sĩ sẽ quyết định khâu (hay còn gọi là sutures) hoặc đính kẹp để vết thương liền lại. Khi bác sĩ khâu vết thương hoặc đính kẹp, họ sẽ rửa vết cắt và tiêm thuốc tê xung quanh vết thương. Sau khi khâu, bác sĩ sẽ băng vết cắt lại.[2]
    • Bác sĩ sẽ dùng kim y tế vô trùng và chỉ để khâu mép của vết cắt lại với nhau. Chỉ này có loại tự tiêu sau một thời gian hoặc loại không tự tiêu và phải tháo chỉ ra khi vết thương lành lại.
    • Đinh kẹp để làm liền vết cắt là loại đặc biệt dùng trong phẫu thuật tương tự như mũi khâu và phải được tháo ra như chỉ không tự tiêu. [2]
  2. Chăm sóc vết thương đúng cách. Chăm sóc vết thương đã được khâu và đính kẹp là rất quan trọng để vết thương mau lành và không bị nhiễm trùng. Để được như vậy, bạn nên:[2]
    • Giữ cho mũi khâu hoặc đinh kẹp khô và được băng bó hằng ngày. Bác sĩ sẽ cho bạn biết nên giữ trong bao lâu. Thường sẽ là 1-3 ngày tùy thuộc vào loại chỉ và kích thước của vết thương.
    • Khi làm ướt vết thương, hãy dùng xà phòng và nước nhẹ nhàng rửa lên toàn bộ mũi khâu hoặc đinh kẹp. Đừng ngâm vết thương vào nước, giống như khi tắm hoặc bơi. Quá nhiều nước sẽ làm vết thương lâu lành và gây nhiễm trùng.
    • Sau khi rửa, thấm khô nước và bôi thuốc mỡ kháng sinh. Băng bó vết thương bằng gạc hoặc làm theo hướng dẫn của bác sĩ.
  3. Tránh các hoạt động hoặc chơi thể thao có thể ảnh hưởng đến vết thương trong ít nhất 1-2 tuần. Bác sĩ sẽ chỉ định bạn nên dừng trong bao lâu. Mũi khâu có thể rách, khiến cho vết thương hở thêm một lần nữa. Hãy đến gặp bác sĩ nếu trường hợp đó xảy ra.
    • Gặp bác sĩ ngay nếu có dấu hiệu nhiễm trùng (ví dụ như sốt, ửng đỏ, sưng, chảy mủ).
  4. Đến gặp bác sĩ khi vết thương lành. Chỉ không tự tiêu và đinh kẹp sẽ được lấy ra sau 5-14 ngày. Khi đã tháo chỉ hoặc đinh kẹp, bạn nên bảo vệ vết sẹo khỏi ánh nắng mặt trời bằng kem chống nắng hoặc che lại bằng quần áo. Nhờ bác sĩ giới thiệu cho bạn loại kem bôi làm lành sẹo.[2]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  • New Zealand Red Cross, Essential Emergency Care for First Aiders, p. 33, 978-0-908998-18-0 – nguồn nghiên cứu

Liên kết đến đây