Yêu cuộc sống

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Yêu cuộc sống là một trong những thay đổi quan trọng nhất bạn có thể làm để có một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc. Điều này không có nghĩa là bạn không có những lúc khó khăn hay buồn phiền, nhưng yêu cuộc sống sẽ giúp bạn đối mặt với nó dễ dàng hơn. Hãy bắt đầu từ bước đầu tiên để học cách yêu cuộc sống hiện tại!

Các bước[sửa]

Yêu Cuộc sống Hiện tại[sửa]

  1. Đừng quan tâm tới kết quả. Một trong những thay đổi lớn nhất cần làm đó là ngừng cố gắng kiểm soát kết quả của mọi tình huống. Hãy nhận thức rằng điều duy nhất bạn có thể kiểm soát đó là phản ứng của bản thân chứ không phải là kiểm soát những tình huống đó. Mong muốn kiểm soát bắt nguồn từ nỗi sợ hãi trong mỗi con người và nếu bạn đang lo sợ trong mọi việc mà mình làm, thì bạn hoàn toàn không yêu cuộc sống.[1]
    • Hãy tự hỏi bản thân điều mà bạn lo sợ nếu bạn ngừng kiểm soát hậu quả của một tình huống nhất định. Lấy việc bạn lo sợ rằng bạn gái của mình sẽ phá hỏng buổi tối quan trọng bởi cô ấy quên mang rượu vang là một ví dụ, hãy suy xét về giả thiết đó. Liệu có thật sự là như vậy? Có thể thái độ của bạn mới là nguyên nhân thật sự sẽ phá hỏng bữa tối chứ không phải vì việc thiếu rượu vang.
    • Ví dụ: nếu bạn mới bắt đầu (hoặc đang tìm kiếm) một mối quan hệ, bạn hoàn toàn có thể vạch ra một kế hoạch cụ thể về những điều mà bạn mong muốn ở mối quan hệ đó, miễn là bạn vẫn để nó tiếp diễn theo cách tự nhiên chứ không phải theo những gì bạn đã vạch ra.
    • Hoặc ví dụ như bạn đang có một vấn đề về sức khỏe. Thay vì cứ mãi giận dữ về tình trạng đó, hãy nhớ rằng bạn không thể kiểm soát được các vấn đề về sức khỏe (dù bạn có thể làm gì đó để giúp nó tốt hơn hoặc ngược lại), bạn chỉ có thể kiểm soát được hành động của bản thân trong tình cảnh đó.
  2. Mềm dẻo. Điều này không có nghĩa là bạn có thể uốn dẻo cơ thể mà là có thể linh động ứng phó với các tình huống khác nhau. Điều này cũng có liên quan tới việc ngừng kiểm soát kết quả, bởi nếu bạn không linh hoạt trong cuộc sống, bạn sẽ có thể gặp phải những vấn đề khiến bạn sụp đổ.[2]
    • Suy xét những suy nghĩ và lời nói của bản thân. Chú ý tới những điều mà bạn nghĩ và nói (đặc biệt là nếu nó có liên quan tới việc tại sao bạn không thể làm một điều gì đó). Bạn sẽ bắt đầu nhận ra những điểm cứng nhắc trong suy nghĩ và hành động của bản thân và có thể tìm cách để thay đổi điều đó.
    • Thay đổi thói quen thường ngày. Chúng không nhất thiết phải là những thay đổi lớn, nhưng mỗi ngày một thay đổi nhỏ sẽ rất có ích cho bạn, cho dù đó thậm chí chỉ đơn giản là thay đổi đường đi làm mỗi ngày hay thỉnh thoảng dừng chân ở một quán cafe lạ.
  3. Đối mặt với vấn đề của bản thân. Tất cả mọi người đều có những vấn đề riêng, dù lớn hay nhỏ. Phớt lờ hay lảng tránh sẽ chỉ khiến chúng ngày càng trở nên khó khăn hơn và sau đó làm đảo lộn cuộc sống của bạn. Bạn không nhất thiết phải đối mặt với tất cả những vấn đề đó cùng một lúc, tuy nhiên, giải quyết vấn đề ngay khi chúng nảy sinh thay vì chờ đợi sẽ giúp ích cho tình yêu cuộc sống của bạn về lâu về dài bởi những vấn đề của bạn sẽ không bị dồn đống lại.
    • Tập trung vào biện pháp giải quyết thay vì tập trung vào vấn đề đó. Ví dụ, nếu bạn đang có vấn đề với bạn cùng phòng, thay vì chỉ dồn tâm trí vào vấn đề đó, hãy tập trung vào những việc mà cả hai bạn cần làm để giải quyết nó.
    • Hãy tự hỏi bản thân liệu vấn đề đó có thật sự là một vấn đề hay không. Đôi lúc bạn tự mặc định một điều gì đó là một vấn đề mà không hề biết lý do. Ví dụ: nếu gọi điện thoại khiến bạn lo lắng, hãy tự hỏi bản thân lý do cho điều đó. Ép buộc bản thân đưa ra lý do cho những điều tưởng chừng như vô lý thật sự có thể giúp bạn giải tỏa lo lắng về việc mà bạn cho là khó khăn.
  4. Nghỉ ngơi. Đôi khi điều mà bạn cần nhất để tiếp sinh lực và yêu cuộc sống đó là nghỉ ngơi. Điều này đồng nghĩa với việc dành chút thời gian để nuông chiều bản thân hay đơn giản là cho phép bản thân nghỉ ngơi.
    • Tắm nước nóng và nghe nhạc hay sách âm thanh để thư giãn đầu óc và tránh tập trung vào những điều có thể khiến bạn cảm thấy lo lắng.
    • Hãy để bản thân không làm gì và mơ mộng trong giây lát. Có thể mỗi ngày bạn đều phải bắt xe buýt để đi học hay đi làm. Hãy sử dụng khoảng thời gian này để tự cho phép bản thân mơ mộng và tưởng tượng. Điều này rất có lợi cho sức khỏe cũng như năng suất làm việc của bạn.
    • Làm điều gì đó thú vị, dù lớn hay nhỏ (từ đọc một cuốn sách bạn thích cho tới đi du lịch), miễn là việc đó có thể giúp bạn nghỉ ngơi.

Sử dụng Giải pháp Vật lý Lâu dài[sửa]

  1. Cười nhiều hơn. Mọi người vẫn thường nói rằng nụ cười là liều thuốc tốt nhất, có thể giúp bạn nâng cao sức khỏe cũng như cải thiện tâm trạng. Nụ cười giúp làm tăng khả năng lưu thông máu, kích thích đáp ứng miễn dịch, giúp bạn cảm thấy thoải mái và ngủ ngon hơn. Ngoài ra, nó còn có thể giúp làm giảm lượng đường trong máu.[3]
    • Nếu cảm thấy căng thẳng, bạn có thể xem các chương trình giải trí yêu thích hoặc các video trên YouTube. Nụ cười sẽ giúp bạn giảm mức độ căng thẳng.
    • Đi chơi cùng bạn bè và hồi tưởng lại những khoảnh khắc vui vẻ. Cười đùa cùng người khác có thể giúp bạn cảm thấy được tiếp thêm sức mạnh và có thái độ sống tích cực hơn.
  2. Giữ gìn sức khỏe. Sức khỏe có ảnh hưởng rất lớn tới tâm trạng cũng như thái độ của bạn đối với mọi việc. Sẽ rất khó để yêu cuộc sống nếu bạn bị cảm hay thậm chí là ốm nặng. Làm tất cả những gì có thể để duy trì sức khỏe và điều đó sẽ giúp cải thiện thái độ của bạn đối với cuộc sống.
    • Tập thể dục sẽ giúp tiết ra các chất trong cơ thể giúp nâng cao tâm trạng, chống trầm cảm và giúp bạn ngủ ngon hơn. Thậm chí chỉ cần một lượng vận động nhỏ mỗi ngày cũng sẽ rất có lợi. Vì vậy bạn nên tập đi bộ, chạy thể dục, tập yoga hay thậm chí nghe nhạc và tập nhảy! [4]
    • Uống nhiều nước. Nước vô cùng cần thiết cho sức khỏe. Thiếu nước có thể khiến bạn mệt mỏi và khó chịu. Hãy cố gắng uống ít nhất 0,2 lít nước mỗi ngày (tránh uống các loại đồ uống nhiều đường hoặc có nồng độ caffeine cao bởi chúng có thể khiến bạn bị mất nước).
    • Chế độ ăn uống cân bằng. Tránh ăn đồ ngọt và thức ăn chế biến sẵn càng nhiều càng tốt (thỉnh thoảng có thể buông thả một chút thì không sao!). Ăn thật nhiều rau quả và chất đạm hoặc các thực phẩm giàu tinh bột có lợi như gạo lức, diêm mạch, ngũ cốc thô, yến mạch.
    • Ngủ đủ giấc. Ngủ đủ giấc có thể giúp nâng cao hệ thống miễn dịch, chống lại trầm cảm và bệnh tật. Thời gian ngủ lý tưởng là từ 8 đến 9 tiếng vào buổi tối, nếu không thể, hãy cố gắng chợp mắt một lúc vào ban ngày.
  3. Bước ra ngoài vùng an toàn. Để yêu cuộc sống, bạn cần sẵn sàng để thử những điều mới, thử thách bản thân làm những việc có thể khiến bạn cảm thấy lo sợ. Một phần của việc yêu đời và sống hạnh phúc đó là không bị ràng buộc bởi nỗi sợ hãi, thứ sẽ trói buộc bạn trong khổ đau.
    • Hãy bắt đầu với những việc nhỏ, đặc biệt là nếu bạn quá lo lắng khi làm một điều gì đó mới lạ. Tập đan len hoặc nấu ăn tại nhà. Bạn có thể tìm được rất nhiều những chỉ dẫn trên YouTube và học được những kỹ năng hữu ích.
    • Bạn càng thử những điều mới và bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, bạn sẽ càng cảm thấy điều đó dễ dàng hơn. Bạn cần luyện tập dần để đối phó với nỗi sợ hãi của mình khi thử nghiệm những điều mới lạ.
    • Đừng trách móc bản thân nếu bạn không thể làm được điều gì đó (ví dụ như múa ba lê, hay đi du lịch đâu đó thật xa một mình). Luôn có những điều mà bạn không thể và không bao giờ làm được. Đó là chuyện hết sức bình thường. Thay vào đó bạn có thể thử những thứ khác.
  4. Hát. Hát hò, đặc biệt là đồng ca, sẽ tiết ra các chất (như Endorphins và Oxytocin) có thể giúp chúng ta cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc và giảm căng thẳng. Hát đồng ca giúp bạn cảm thấy được kết nối với mọi người xung quanh, trở thành một phần của cộng đồng. Điều này có thể góp phần giúp bạn cảm thấy an toàn, giảm bớt căng thẳng và cô đơn. [5]
    • Hãy tìm trong thành phố hay thị trấn xem liệu có nhóm hát đồng ca nào mà bạn có thể tham gia. Nếu không, hãy suy nghĩ tới việc thành lập một nhóm mới. Thậm chí bạn có thể thực hiện điều đó cùng với bạn bè và hát bất cứ bài nào mà bạn muốn!
    • Hát một mình cũng rất có ích bởi nó giúp điều chỉnh hô hấp và là một phương pháp tuyệt vời để thư giãn.
    • Có thể bạn sẽ nghĩ rằng, "nhưng tôi không biết hát". Bạn không cần phải hát hay như ca sĩ mới được phép hát. Nếu bạn không muốn hát trước mặt người khác chỉ vì bạn nghĩ bạn hát không hay, bạn có thể đóng cửa phòng ngủ và hát cho chính mình nghe.
  5. Giúp đỡ người khác. Điều này có nghĩa là bạn sẽ dành thời gian, công sức và tiền bạc của mình để giúp đỡ người khác. Khi làm từ thiện, bạn sẽ nhận thấy rằng bạn là người có quan điểm cũng như mục đích sống. Ngoài ra, giúp đỡ người khác cũng giúp bạn giảm căng thẳng và lo lắng, cho bạn cơ hội được kết nối với mọi người.[6]
    • Tìm một nhà tình thương hay bếp ăn từ thiện tại địa phương để tham gia. Hãy tham gia từ thiện ít nhất một lần mỗi tháng (hay thậm chí là một lần mỗi tuần). Có rất nhiều loại nhà tình thương khác nhau (nhà tình thương cho phụ nữ bị ngược đãi, nhà tình thương cho hộ gia đình nghèo, và thậm chí là cả nhà tình thương cho động vật).
    • Một việc làm đơn giản như giúp đỡ người thân trong gia đình hay bạn bè cũng được xem là một hành động nhân đức. Bạn có thể đưa ai đó đi khám bệnh hay giúp ai đó chuyển nhà. Bạn cũng có thể nấu cơm cho cả gia đình (nếu đó là việc bạn không thường làm), hay rửa xe cho cha mẹ bạn.

Sử dụng Giải pháp Tâm lý Lâu dài[sửa]

  1. Luyện tập chánh niệm. Chánh niệm tức là chú tâm đến những gì xảy ra ở hiện tại thay vì lo nghĩ cho tương lai hay những gì đã xảy ra trong quá khứ - hai điều gây cản trở cho bạn trong việc tập trung yêu đời và sống hạnh phúc. [7]
    • Chú tâm trọn vẹn vào một hành động, có thể đơn giản như ăn tối hay ngồi xuống làm bài tập về nhà. Tập trung vào hương vị và thành phần của món mà bạn đang ăn. Nó có giòn không? Có nóng không? Có mặn không? Đừng đánh giá chất lượng của nó, ví dụ như nó quá nóng hay quá béo bởi những điều đó chỉ khiến bạn thiên về những mặt tiêu cực hơn là trung lập.
    • Dành 20 phút mỗi ngày để luyện tập thở chánh niệm. Đếm tới một số nhất định (ví dụ như đến số 4) để hít vào và sau đó đếm thêm hai lần nữa (đến số 6) để thở ra. Theo dõi sự phồng xẹp của cơ bụng mỗi khi bạn hít thở sâu. Nếu bạn bắt đầu bị phân tâm, hãy quay lại quá trình đếm số.
    • Nghỉ 5 phút. Nếu bạn có giờ giải lao ngắn trên lớp hay trong công việc, hãy dành thời gian nhìn ra cửa sổ thay vì kiểm tra điện thoại và email. Hãy nhìn xem bên ngoài trời như thế nào, thời tiết ra sao, bầu trời có màu gì. Một lần nữa, đừng đánh giá những sự vật sự việc mà bạn nhìn thấy.
  2. Rèn luyện lòng biết ơn. Biết ơn và rèn luyện lòng biết ơn nghĩa là bạn cần phải biết cảm tạ tất cả những gì đã xảy ra trong cuộc sống của mình, không xem thường bất cứ điều gì và coi trọng những kinh nghiệm mà bạn có được. Rèn luyện lòng biết ơn có thể giúp bạn cảm thấy cuộc sống cũng như chính bản thân bạn tốt đẹp hơn và sống hạnh phúc hơn.[8]
    • Giữ thói quen viết nhật ký để ghi lại những điều mà bản thân cảm thấy biết ơn (như có một mái nhà để che mưa che nắng, có lương thực để ăn hay một cơ thể khỏe mạnh), ghi nhớ những người mà bạn biết ơn cũng như những việc tốt mà bạn từng được nhận.
    • Để ý tới những điều nhỏ nhặt. Những điều nhỏ nhặt thật sự có thể khiến cuộc sống của bạn trở nên dễ dàng hoặc khó khăn hơn rất nhiều. Hãy để ý tới những điều như mặc một chiếc áo khoác ấm vào ngày mùa đông lạnh giá, ăn một chiếc bánh nướng thật ngon hay những lời tốt đẹp mà một ai đó đã dành cho bạn.
    • Thảo luận về những điều mà bạn biết ơn. Nói chuyện với một thành viên trong gia đình, bạn bè mà bạn tin tưởng hay bác sĩ trị liệu về những điều mà bạn cảm thấy biết ơn. Điều này sẽ giúp bạn ghi nhớ những điều tốt đẹp xảy ra trong ngày và giảm bớt nhận thức cũng như sự chú ý của bạn tới những điều khó khăn hơn.
  3. Đặt những mục tiêu có thể đạt được cho bản thân. Bạn có thể đặt và hướng tới những mục tiêu to lớn, dài hạn nhưng hãy đảm bảo rằng bạn cũng đặt ra những mục tiêu nhỏ mà bạn có thể đạt được nhanh chóng hơn. Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy hài lòng và nhắc nhở bản thân rằng bạn có thể làm được!
    • Đặt ra mục tiêu dọn dẹp phòng riêng hay nhà cửa một lần mỗi tháng. Bạn có thể nghe nhạc hay hát hò trong khi làm việc và bạn sẽ cảm thấy vô cùng thỏa mãn và gọn gàng sau khi làm xong.
    • Đừng thất vọng về bản thân chỉ bởi vì bạn không thể làm được một điều gì đó hay không thể hoàn thành công việc trong khoảng thời gian mà bạn mong muốn. Thay vào đó, hãy tự hỏi bản thân xem bạn đã rút ra được những bài học gì và có thể làm gì để thay đổi điều đó trong những lần tiếp theo. Xem nó như một trải nghiệm thay vì thất bại sẽ giúp bạn làm việc hiệu quả và hạnh phúc hơn.
  4. Suy nghĩ tích cực. Suy nghĩ tiêu cực không tốt cho cả tâm lý cũng như cơ thể bạn và chúng cũng có thể thay đổi cách nhìn của bạn đối với cuộc sống. Đôi lúc có những suy nghĩ tiêu cực là việc bình thường nhưng quá lún sâu vào chúng thì hoàn toàn không tốt. Bạn sẽ muốn tập trung vào những mặt tích cực hơn là tiêu cực nếu bạn muốn yêu cuộc sống.[9]
    • Đừng để những suy nghĩ tiêu cực của bạn tiếp diễn. Khi chúng xuất hiện, hãy chấp nhận và quên chúng đi. Ví dụ như nếu bạn bỗng dưng nghĩ rằng "Mình thật xấu", hãy tự nói với bản thân rằng "Mình đang nghĩ rằng mình thật xấu. Nó có hữu ích không nhỉ?" sau đó bỏ qua.
    • Đừng tập trung quá nhiều vào quá khứ hay tương lai. Ám ảnh bởi những sai lầm trong quá khứ sẽ cản trở bạn sống trọn vẹn cho hiện tại. Tương tự như vậy, lo lắng về điều sẽ xảy ra hay đơn giản là chỉ mong đợi vào tương lai sẽ khiến bạn không thể tập trung vào hiện tại. Nếu bạn cảm thấy mình đang suy nghĩ quá nhiều về quá khứ hay tương lai, hãy hướng sự chú ý của bản thân tới một điều gì đó ở hiện tại: một cái cây, hơi thở hay những giọt mưa rơi trên ô cửa sổ.
    • Cho dù chuyện gì có xảy ra, hãy luôn nhớ rằng, rồi mọi chuyện cũng sẽ qua thôi. Không phải lúc nào bạn cũng gặp phải tắc đường, cũng giống như không phải lúc nào cuộc sống của bạn cũng suôn sẻ. Nhắc nhở bản thân rằng tình trạng này chỉ là tạm thời sẽ giúp bạn buông bỏ dễ dàng hơn.

Lời khuyên[sửa]

  • Hãy đảm bảo rằng bạn chăm sóc bản thân mình thật tốt. Vị tha và luôn làm theo ý của mọi người xung quanh sẽ không làm cho bạn cảm thấy hạnh phúc. Giúp đỡ mọi người là tốt nhưng hãy đảm bảo rằng bạn cũng có dành thời gian để chăm sóc cho chính mình.
  • Nếu bạn không chắc chắn về một điều gì đó, hãy nghĩ xem điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì. Tuy nhiên, đừng làm điều gì bất hợp pháp nếu bạn không muốn phải đối mặt với những rắc rối nghiêm trọng.
  • Dù chuyện gì có xảy ra, hãy luôn nhớ rằng có những người còn đang phải đối mặt với những vấn đề khó khăn hơn bạn rất nhiều.

Cảnh báo[sửa]

  • Đừng để người khác làm ảnh hưởng tới bạn. Khi ai đó muốn nói một điều gì đó tiêu cực với bạn, đó là vấn đề của họ, không phải của bạn.
  • Người duy nhất có thể chăm sóc cho bản thân bạn chính là bạn.
  • Nếu bạn có những ngày thật tồi tệ, bạn cảm thấy buồn bã và không có điều gì có thể khiến bạn cảm thấy khá hơn. Đừng lo lắng! Ai cũng có những ngày như vậy. Hãy chăm sóc bản thân thật tốt và để chúng qua đi.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây