Yếu tố nào quyết định khả năng chạy nhanh của các loài động vật?

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Các nhà khoa học Mỹ đưa giả thuyết về kích thước cơ thể lý giải khả năng chạy đua thần tốc của báo đốm và những loài nhanh nhất khác.

Năng lượng cần thiết để chuyển từ trạng thái đứng yên sang di chuyển là yếu tố quyết định khả năng chạy nhanh của các loài động vật, trong đó có báo đốm, BBC hôm qua đưa tin.

Báo đốm là động vật nhanh nhất trên cạn. Ảnh: Silver Medals.

"Từ lâu các nhà khoa học đã tìm cách lý giải thực tế những động vật lớn nhất không phải loài nhanh nhất. Trong công trình của mình, chúng tôi giải thích điều này dựa vào hiểu biết đơn giản là động vật dùng hết nội năng có sẵn trước khi cơ thể chúng đạt tới tốc độ tối đa. Vì vậy, về lý thuyết động vật lớn nhất có thể là loài nhanh nhất, nhưng năng lượng và thời gian cần thiết để thúc đẩy cơ thể to lớn của chúng tăng tốc ngăn chúng đạt tốc độ cao nhất", giáo sư Walter Jetz ở Đại học Yale, Mỹ, cho biết.

Nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Ecology & Evolution lý giải tại sao những động vật cỡ vừa thuôn dài thường dễ dàng sở hữu tốc độ nhanh. Giả thuyết này đúng với mọi loài từ ruồi giấm đến cá voi xanh, thậm chí có thể dự đoán tốc độ chạy tối đa của những loài vật đã biến mất từ lâu.

Các nhà khoa học so sánh kết quả từ mô hình với dữ liệu về hàng trăm loài vật. Họ nhận thấy dữ liệu phù hợp với dự đoán của họ và tốc độ tối đa giảm mạnh khi động vật lớn vượt kích thước trung bình.

"Giả thuyết có thể giải thích tốc độ tối đa của hơn 450 loài sinh sống trên đất liền, trên không và dưới nước với kích thước đa dạng từ chưa đầy một gram đến 10 tấn", giáo sư Jetz cho biết. "Giả thuyết cũng có thể dự đoán tốc độ tối đa của những loài đã tuyệt chủng từ lâu như chim và khủng long".

Những động vật nhanh nhất như báo đốm tiến hóa cơ thể chủ yếu để bắt mồi. Chúng sở hữu kích thước tối ưu để đạt tốc độ tối đa. Việc tăng tốc đòi hỏi nhiều năng lượng và các cơ bắp chỉ có thể hoạt động ở cường độ mạnh như vậy trong thời gian ngắn.

Do đó, một con voi không bao giờ có thể chạy nhanh hơn báo đốm vì năng lượng để tăng tốc, bao gồm hô hấp yếm khí (anaerobic respiration) sẽ cạn kiệt trước khi con vật đạt tới tốc độ tối đa theo giả thuyết.

Thông tin từ nghiên cứu sẽ giúp các nhà khoa học hiểu hơn về sinh thái và hành vi của một loài, bao gồm chế độ ăn, đi săn, di cư và tìm kiếm bạn tình.

Theo giả thuyết, con người là một ngoại lệ. "Về khối lượng cơ thể, con người chúng ta không thực sự quá chênh lệch so với báo đốm. Nhưng rõ ràng, trong hàng triệu năm qua, cơ thể chúng ta không thích ứng để chạy nhanh hơn con mồi như các loài mèo lớn. Các chi và cử động chân tay của chúng ta phát triển tương ứng với chế độ ăn kém chuyên biệt hơn, khiến chúng ta dễ dàng bị báo đốm hay sư tử bỏ xa bởi cơ thể chúng được tối ưu hóa toàn diện cho tốc độ", giáo sư Jetz nói.

Rss.jpg
Mời bạn đón đọc các bài viết tiếp theo bằng cách đăng kí nhận tin bài viết qua email hoặc like fanpage Thuvienkhoahoc.com để nhận được thông báo khi có cập nhật mới.

Nguồn[sửa]

  • Phương Hoa, VnExpress
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này