Áp dụng tâm lý học để có cuộc hẹn hoàn hảo

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Rất nhiều người đặt câu hỏi tại sao “người ấy” không mời mình đi chơi khi mà “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Các cô gái thì không biết tại sao anh ấy không dám ngỏ lời trong khi các chàng trai thắc mắc vì sao cô gái luôn trốn tránh việc phát triển mối quan hệ tình cảm. Cuối cùng, cả hai đổ lỗi cho sự “sợ hãi”. Đàn ông ngại việc ngỏ lời mời, còn phụ nữ thì sợ bị tổn thương.

Nào ai lựa chọn tình yêu? Tình cờ gặp gỡ mà xiêu trong lòng. Nào ai yêu mãi được không? Nếu không vun vén, gieo trồng ước mơ. Nào ai chia cách vu vơ? Chẳng qua anh, ả thờ ơ với tình. GialanG - LH

Thế nhưng, liệu sự sợ hãi có phải là nguyên nhân chính đằng sau tất cả sự ngại ngùng này? Có cách nào có thể dẹp bỏ sự sợ hãi này không? Những cơ chế tâm lý nào có thể giúp một người tự tin hơn trong việc tìm kiếm và phát triển các mối quan hệ? Một vài hiểu biết về thuyết Hành vi của Tâm lý học có thể giúp bạn tìm ra câu trả lời cho trường hợp oái oăm của mình.

Tìm hiểu về Thuyết hành vi (Behaviorism)[sửa]

Thuyết hành vi, được hình thành bởi nhà tâm lí học người Mỹ John B. Watson năm 1913, cho rằng tâm lí học giải thích hành vi của con người không dựa trên quá trình nhận thức diễn ra trong não hay những hành vi không thấy rõ (covert behaviors), mà là những quan sát hành vi được nhận ra (overt behaviors). Học thuyết này sau đó đã được phát triển thành hai luận thuyết nổi tiếng bởi Ivan Pavlov và Burrhus Frederic Skinner.

Điều kiện hoá cổ điển (Classical Conditioning)[sửa]

Pavlov cho rằng hành vi là kết quả của quá trình thành lập phản xạ có điều kiện. Ông khám phá ra điều này khi làm thí nghiệm trên con chó của mình. Ban đầu, ông chỉ muốn thí nghiệm điều kiện làm một con chó rõ nước dãi. Ông thường rung chuông trước khi mang thức ăn đến cho con chó và phát hiện rằng con chó nhỏ nước dãi trước khi thức ăn thật sự đưa tới miệng. Ngạc nhiên hơn, ngay cả khi ông rung chuông mà không mang theo thức ăn, con chó vẫn nhỏ nước dãi nhiều hơn bình thường.

Từ đó, Palov kết luận rằng một kích thích có điều kiện (Conditioned Stimulus - CS) nếu luôn xảy ra ngay sau (hoặc cùng lúc với) kích thích không điều kiện (Unconditioned Stimulus - US) có thể dẫn tới phản ứng vốn chỉ chịu tác động bởi kích thích không điều kiện (Unconditioned -> Conditioned Response – U/CR). Ở đây, con chó luôn ngửi thấy mùi thức ăn ngay sau khi (hoặc cùng lúc với) nghe tiếng chuông rung thì ngay cả khi lúc không có thức ăn, nó vẫn rõ nước dãi nhiều hơn bình thường.

Điều kiện hoá từ kết quả (Operant Conditioning)[sửa]

Skinner cho rằng hành vi chịu ảnh hưởng của kết quả mà chính nó gây ra. Con người luôn muốn giành được những gì tốt đẹp nhiều nhất có thể như thành công, hạnh phúc, và tránh những hậu quả xấu như sự đau đớn, thất bại, trừng phạt. Vì thế, chúng ta luôn muốn làm những gì mà trong quá khứ đã, và mặc niệm rằng trong tương lai sẽ, dẫn tới một kết quả tốt đẹp. Khi ấy, hành vi của chúng ta “được củng cố” (reinforced), và những yếu tố củng cố hành động được gọi là “reinforment”. Ngược lại, chúng ta cũng không muốn làm những gì đã và sẽ đưa đến kết quả không tốt đẹp, vì điều đó sẽ gây bất lợi hay mang đến những kết quả tai hại cho chúng ta (punishment).

Chúng ta đưa ra quyết định hành vi như thế nào?[sửa]

Các quyết định và hành vi của con người được đưa ra dựa trên từng loại điều kiện hóa hành vi riêng biệt hoặc cả hai loại điều kiện này. Ví dụ: Bạn thoáng nhìn thấy một cái gì dài và thon nhỏ (có thể là một sợi dây) cựa quậy như con rắn. Bạn cảm thấy sợ đến “bủn rủn chân tay” và vội vàng chạy vọt đi.

Việc bạn cảm thấy sợ đến “bủn rủn chân tay”: Phản ứng từ điều kiện hoá cổ điển. Cơ thể bạn phản ứng lại hình ảnh sợi dây trước mặt, thể hiện qua sự “bủn rủn chân tay” hay tim đập mạnh. "Bủn rủn chân tay" hay "tim đập mạnh" là những phản ứng vô điều kiện vì bạn không thể tự kiểm soát được sự xuất hiện của những biểu hiện đây. Sợ hãi trước rắn là phản ứng của con người từ thởi tiền sử khi chúng ta sống gữa thiên nhiên hoang dã.

Việc bạn chạy vọt đi: Phản ứng từ điều kiện hoá từ kết quả. Bạn tự điều khiển mình chạy đi vì bạn biết rằng đến gần một con rắn có thể gây hậu quả xấu (bị cắn chết) nên cần phải tránh.

Con người có thể học cả hai loại điều kiện hóa hành vi mà không cần trải qua quá trình tương tác với các kích thích hay trải qua quá trình được thưởng và bị phạt một cách trực tiếp. Điều này là do con người có khả năng "học" bằng cách quan sát người khác (học thuyết Social Learning Behavior của Bandura). Ví dụ, khi ta thấy một con rắn, mặc dù chưa hề bị rắn cắn, chúng ta vẫn cảm thấy sợ, một vài người nổi da gà. Đó là vì chúng ta đã “học” nỗi sợ đó qua ti vi, phim ảnh hay các phương thức khác. Hay bạn biết mình không thể nói xấu sếp trên Facebook, vì bạn đã từng đọc câu chuyện về những người bị đuổi việc vì hành vi tương tự.

Áp dụng thuyết hành vi[sửa]

Dựa vào thuyết hành vi, “sự sợ hãi” trong việc mời một người đi chơi có thể được giải thích bằng luận thuyết điều kiện hoá cổ điển (classical conditioning). Thế nhưng, chúng ta thường quên mất, hoặc không biết đến, sự tồn tại của điều kiện hoá từ kết quả (operant conditioning). Trong tình huống này, hãy tạm thời quên đi điều kiện hóa cổ điển, vì bạn không thể điều khiển hay kiểm soát được điều gì. Hãy thử nhìn giải quyết sự việc bằng góc nhìn của điều kiện hóa từ kết quả (operant conditioning) và nghiên cứu xem liệu có những yếu tố nào đã ngăn trở sự bắt đầu của hai người:

  1. Quá ít hoặc hầu như không có sự củng cố (reinforcement) : Anh chàng này không có đủ động lực để mời cô ấy đi chơi. Cô ấy có thể chưa đủ hấp dẫn với anh ta, chưa đủ để anh ta nghĩ đến việc tiến tới mối quan hệ tình cảm. Anh ta cần nhiều thứ tốt đẹp hơn từ cô ấy để đủ dũng khí ngỏ lời mời. Ví dụ, cô nàng có phải là một trong số ít các cô gái am hiểu về kiến trúc mà anh chàng rất đam mê, và có thể “tám” hàng giờ với anh về nó không? Cô ấy có phải là một tay nội trợ đảm đang luôn mang đến cho anh những bữa cơm ngon lành không?
  2. Có dấu hiệu của sự gây bất lợi (punishment): Có thể anh ta nhận thấy khả năng bị từ chối rất cao, ít nhất là trong hoàn cảnh hiện tại, vì trong quá khứ anh ta luôn thất bại trong việc mời các cô gái đi chơi. Hoặc anh ta lo sợ sẽ mất tình bạn với cô ấy, sợ những người bạn khác của hai người sẽ trêu trọc mình, vân vân. Vì thế, anh ta quyết định không mời cô ấy đi chơi để tránh những chướng ngại này.
  3. Cả sự củng cố lẫn gây bất lợi đều cao: Có thể ngay cả khi cô nàng rất cuốn hút anh chàng này, anh ta vẫn bị vây quanh bởi những khả năng bị từ chối, thất bại, đau đớn nhiều hơn là những viễn cảnh tốt đẹp. Đây chính là trường hợp mà nỗi sợ hãi thường trở thành lí do người ta đưa ra cho việc không mời ai đó đi chơi. Bạn rất thích người đó nhưng lại cảm thấy sợ hãi vì “chả một lí do gì”. Đó là vì trong thâm tâm, bạn mặc nhiên cho rằng lời mời của mình sẽ dẫn tới những kết quả tiêu cực, có thể là cảm giác khó chịu khi bị từ chối, có thể là những suy nghĩ hạ thấp giá trị bản thân.

Chìa khoá trái tim[sửa]

Thay vì đổ lỗi cho “nỗi sợ hãi”, chúng ta nên bắt đầu chú ý những gì “củng cố” hoặc “gây bất lợi” xung quanh mình và “người ấy”. Nếu bạn muốn được một người mời đi chơi, hãy nghĩ xem:

  1. Họ đã có đủ động lực để mời bạn chưa? Bạn có mang đến điều gì tốt đẹp cho họ không? Bạn có đủ hấp dẫn đối với họ không? Bạn có mang đến niềm vui cho họ không? Nếu không, hãy cho họ thêm nguồn động lực. Nếu họ thích nghe nhạc cổ điển, hãy thử tìm hiểu nhạc cổ điển. Bạn không tỏ ra mình rất thích nhạc cổ điển, chỉ cần chứng tỏ cho người ấy thấy bạn trân trọng nhạc ổ điển và tôn trọng sở thích của người ấy.
  2. Bạn đã xoá bỏ những viễn cảnh “gây bất lợi” cho họ chưa? Bạn có thân thiện, vui vẻ, và thoải mái với họ không? Nếu không, hãy đưa ra một ít dấu hiệu cho họ thấy rằng lời mời của họ sẽ được bạn chấp nhận. Sử dụng ngôn ngữ cơ thể một cách tinh tế như một ánh mắt trìu mến, một giọng nói ngọt ngào có thể giúp bạn “bật đèn xanh” cho người ấy.
  3. Cuối cùng, cố gắng phát hiện những bất lợi khác cho họ. Liệu họ có mất tình bạn với bạn không? Liệu hai người có phải là đồng nghiệp nên dễ dẫn tới sự khó xử khi chia tay? Bạn đã từng cặp với bạn thân của người ấy? Tìm cách xoá bỏ những bất lợi này.

Điều này cũng tương tự như khi bạn đang trong mối quan hệ tình cảm với người ấy. Nhiều người đã có tiền sử gặp nhiều bất lợi trong quan hệ tình cảm nên dẫn tới mất lòng tin vào bạn và cả chính họ. Họ cần nhiều “sự củng cố” từ bạn hơn, cũng như cần được an tâm rằng những bất lợi kia sẽ không xảy ra nữa.

Hãy nhớ kỹ hai nguyên tắc sau đây:

  • Bảo đảm rằng thời gian hai người ở bên cạnh nhau dẫn tới kết quả tốt đẹp. Nếu có thể, phát huy những gì người ấy muốn được thấy nhiều hơn ở bạn, như sự nhiệt tình, thân mật, tận tâm.
  • Giảm bớt những viễn cảnh bất lợi. Chỉ ra những điểm khác biệt rõ ràng giữa mối quan hệ hiện tại và trong quá khứ.

Cuối cùng, nếu ngay chính bạn cũng đang cảm thấy “sợ hãi”, hãy cố gắng trải lòng ra một chút. Hiển nhiên những kinh nghiệm không mấy tốt đẹp ở quá khứ có thể làm bạn chùng bước khi nghĩ đến việc bắt đầu một mối quan hệ mới. Tuy nhiên, quá khứ không hoàn toàn dự đoán tương lai. Chính những suy nghĩ và hành động lúc này mới quyết định liệu bạn có hạnh phúc hay tương lai có trở nên tốt đẹp hơn hay không. Hãy thử suy nghĩ về việc tìm kiếm một người phù hợp với bạn một người có thể làm cuộc sống bạn tốt hơn và bản thân bạn cũng trở thành một người tuyệt vời hơn. Thay đổi suy nghĩ là bước đầu tiên để đạt được một cuộc sống tốt hơn.

Kết luận[sửa]

Nói chung, con người không tự dưng “ngại” mời một người họ thích đi chơi. Họ chỉ chưa có đủ động lực, hoặc muốn né tránh những hậu quả xấu đã và có thể xảy ra. Từ cái nhìn mới này, bạn sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong việc thuyết phục một người mời bạn đi chơi. Nếu tin rằng hai người thật sự dành cho nhau, hãy cố gắng tìm cách xoá bỏ những chướng ngại vật và tăng nguồn động lực cho người ấy. Đến một lúc khi mà việc hẹn hò với bạn luôn vẽ nên một viễn cảnh tươi đẹp trong đầu họ, khiến cho họ mỉm cười và tạm quên đi những khó khăn, thử thách trước mắt thì bạn đã thành công rồi đấy :)

Nguồn[sửa]

  • Ngoc T, VIET Psychology
  • www.ytecongcong.com
  • www.psychologytoday.com

Xem thêm[sửa]

Liên kết đến đây