Đánh giá theo năng lực trong đào tạo nghề/Yêu cầu
Mục lục
Các chứng cứ thể hiện năng lực[sửa]
Các chứng cứ thể hiện năng lực phải bảo đảm cả về chất lượng và số lượng - độ giá trị, độ chân thực, tính thời sự và đầy đủ.
Độ giá trị[sửa]
Độ giá trị của chứng cứ có ý nghĩa then chốt trong đánh giá. Trong việc xác định độ giá trị, đánh giá viên phải chắc chắn các chứng cứ đó có phù hợp với mục tiêu đánh giá? chứng cứ thể hiện diện rộng và độ phức tạp đến chừng mực nào về kiến thức, kỹ năng, thái độ để giúp ra quyết định thích hợp? Chứng cứ cần thể hiện nhất quán chất lượng thực hiện công việc của người đó - trong thời gian đủ dài và ở một số hoàn cảnh, điều kiện làm việc khác nhau.
Độ chân thực[sửa]
Độ chân thực ám chỉ tới tính chắc chắn của chứng cứ, trả lời cho câu hỏi: chứng cứ này có thực sự được thu thập từ hoạt động của chính người được đánh giá sinh hay không? Thí sinh thực hiện một mình hay theo nhóm? Những câu hỏi này có liên quan đặc biệt khi việc đánh giá sử dụng các chứng cứ trong quá khứ (historical evidence) đang được lưu trữ. Để bảo đảm độ chân thực, chứng cứ phải liên quan trực tiếp đến TCNL đang cần đánh giá cũng như liên quan trực tiếp đến việc làm của thí sinh. Chứng cứ cần phản ánh mọi khía cạnh của năng lực gắn liền với việc làm thực tế.
Tính thời sự[sửa]
Tính thời sự của chứng cứ chỉ báo đến thời điểm đánh giá. Để bảo đảm tính thời sự, chứng cứ phải chứng tỏ được thí sinh hiện nay đang ứng dụng những kiến thức, kỹ năng cần thiết để thể hiện năng lực làm việc của mình. Yêu cầu này thường khó đạt khi liên quan tới các chứng cứ thu thập về kết quả học tập ngoài nhà trường của thí sinh, nhất là những người đã kinh qua quá trình làm việc trong nghề. Nó có phản ánh chính xác năng lực của họ tại thời điểm đánh giá hay không, đòi hỏi người đánh giá phải xem xét, đối chiếu với các TCNL cập nhật hiện hành. Trong một số trường hợp có những kỹ năng, năng lực thí sinh đạt được từ trước có thể theo những TCNL đã lỗi thời so với thời điểm đánh giá và công nhận.
Tính đầy đủ[sửa]
Để bảo đảm tính khách quan, khoa học, hồ sơ đánh giá phải thu thập đủ chứng cứ về sự thực hiện theo tiêu chuẩn.
Chứng cứ đầy đủ tức là có đủ cơ sở để kết luận thí sinh đó có năng lực. Để bảo đảm tính đầy đủ, chứng cứ phải bao quát mọi yêu cầu về thực hiện công việc theo tiêu chuẩn đặt ra. Với các công việc phức tạp, đôi khi có thể nguy hiểm, không thể, không nên hoặc khó có thể thực hiện ngay tại thời điểm đánh giá thì cần sử dụng nhiều loại chứng cứ khác nhau nhằm mục tiêu cuối cùng là chứng minh năng lực của người được đánh giá theo tiêu chuẩn. Chẳng hạn, chứng cứ thu thập thông qua đặt câu hỏi xử lý vấn đề trong những tình huống giả định, sắm vai, trắc nghiệm khách quan,...
Phương pháp và công cụ đánh giá phải đo được phạm vi rộng các kỹ năng[sửa]
Các phương pháp và công cụ đánh giá sẽ được thiết kế để đánh giá nhiều loại kỹ năng tùy theo tiêu chuẩn yêu cầu của công việc, có thể là: kỹ năng tư duy và giải quyết vấn đề (thể hiện ở quy trình và kết quả xử lý tình huống); kỹ năng đối nhân (giao nhận công việc, làm việc nhóm, phục vụ và chăm sóc khách hàng); kỹ năng quản lý công việc (ghi chép, sắp xếp chỗ làm việc, bảo quản trang thiết bị, dụng cụ, vật tư, vệ sinh công nghiệp).
Điều kiện đánh giá phải bảo đảm đầy đủ và phù hợp với mục tiêu đánh giá[sửa]
Việc đạt được năng lực đáp ứng yêu cầu theo tiêu chuẩn công việc chỉ có thể thực hiện trong bối cảnh tương tự như thực tiễn hoạt động nghề, và do đó, những điều kiện đánh giá năng lực trong các CSDN cần phải phản ánh tốt nhất sự thực hành năng lực đó của HSSV khi gia nhập môi trường lao động. Giáo viên cần bảo đảm có đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ, vật tư cần thiết cho việc thực hiện công việc của thí sinh và được sắp xếp phù hợp với bài kiểm tra, bảo đảm có thể quan sát sự thực hiện một cách dễ dàng và rõ. Trong trường hợp công việc thực tế yêu cầu phải có từ hai người cùng tham gia thực hiện (như lắp đặt đường dây và trạm điện, khoan thăm dò địa chất, khai thác mỏ hầm lò,...) thì số lượng thí sinh làm chung công việc được đánh giá với sự phân công rõ ràng cũng là một điều kiện thực hiện và phải được mô tả chi tiết trong công cụ đánh giá. Liên quan đến điều kiện thực hiện, các công cụ đánh giá cũng có thể được thiết kế để xác định xem thí sinh có chuẩn bị hoặc lựa chọn được đúng và đủ các thiết bị, dụng cụ, nguyên vật liệu và các trang bị bảo hộ lao động cần thiết hay không.
Một cách ngắn gọn, đánh giá như thế nào, theo phương pháp và công cụ nào, theo quy trình cụ thể nào là tùy thuộc vào các yếu tố chủ yếu sau:
- Đánh giá cái gì (Mục tiêu đánh giá);
- Đánh giá theo tiêu chuẩn nào (tiêu chí đánh giá);
- Đánh giá trong điều kiện, hoàn cảnh nào (phạm vi hoạt động);
- Năng lực của giáo viên/ đánh giá viên.
Để đánh giá kết quả học tập theo năng lực đòi hỏi người giáo viên dạy nghề đồng thời với tư cách là một đánh giá viên cần phải có:
- Kiến thức và sự hiểu biết về TCNL của nghề;
- Năng lực đáp ứng những tiêu chuẩn đặt ra đối với các nhiệm vụ, công việc liên quan đến các môn học/mô đun đào tạo mà giáo viên đang giảng dạy;
- Kiến thức và sự hiểu biết về CBA, bao gồm: mục đích, mục tiêu, bối cảnh, quy trình tổ chức đanh giá, phương pháp và công cụ đánh giá;
- Kỹ năng quan sát, thu thập chứng cứ, phân tích, diễn giải, ứng xử và đưa thông tin phản hồi tích cực, ra quyết định về năng lực của người học...
Giáo viên/đánh giá viên sẽ đảm đương các vai trò chính, bao gồm: lập kế hoạch đánh giá, thu thập chứng cứ, tư vấn (đưa thông tin phản hồi, hướng dẫn đánh giá), ra quyết định (về mức độ kết quả đạt được của người học) và ghi chép (hồ sơ đánh giá),... Việc đổi mới đánh giá sẽ phải bắt đầu từ chủ thể của nó (giáo viên/đánh giá viên) với những quy trình, phương pháp và công cụ tiếp cận năng lực và trong điều kiện đánh giá cho phép cụ thể hóa bối cảnh công việc của nghề.
Chú thích[sửa]
- Các tiểu mục trong trang này được thêm vào bởi thành viên Nguyễn Thế Phúc
Nguồn[sửa]
- Luận án Đánh giá kết quả học tập theo năng lực trong đào tạo nghề, Nguyễn Quang Việt, 2015