Được tôn trọng

Từ VLOS
(đổi hướng từ Được Tôn trọng)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bạn sẽ có được sự tôn trọng của mọi người nếu bạn biết tôn trọng chính bản thân mình và tôn trọng mọi người. Của cải, quần áo, hay sự hấp dẫn về ngoại hình không phải là yếu tố cần thiết. Cách mọi người nhìn nhận con người bạn không nhất thiết phải dựa trên bằng cấp mà bạn có, cũng không phải dựa trên danh tiếng của ngôi trường bạn theo học, và càng không phải dựa trên hội nhóm mà bạn tham gia. Sự tôn trọng sẽ được dành cho những người cư xử một cách chính trực và đối xử với mọi người bằng sự tôn trọng. Nếu bạn là một người biết tôn trọng chính bản thân mình, biết trân trọng những điều tốt đẹp của bản thân, và luôn nhìn thấy và đánh giá cao mặt tích cực ở những người xung quanh, bạn sẽ được mọi người tôn trọng.

Các bước[sửa]

Là một hình mẫu tốt[sửa]

  1. Thể hiện tốt bản thân. Tập cho mình thói quen ăn mặc chỉnh tể, gọn gàng. Quần áo của bạn không nhất thiết phải đắt tiền, nhưng phải được giặt sạch sẽ và ở trong tình trạng tốt, cho thấy bạn quan tâm đến khía cạnh này của bản thân. Hãy quan tâm đến sức khỏe và chăm sóc răng thật tốt. Nụ cười của bạn sẽ cho mọi người thấy bạn quan tâm như thế nào đến công ty của mình và của đối tác.[1]
    • Đây không hoàn toàn chỉ là vẻ bề ngoài của bạn. Nếu bạn muốn được mọi người đối xử với sự tôn trọng, bạn cần phải cho họ thấy bạn đã dành thời gian và công sức để chăm sóc cho diện mạo của mình.
    • Nếu bạn đi làm với một cái áo len đã phai màu và một đôi giày vải lấm bẩn, mọi người sẽ ít xem trọng bạn hơn.
    • Thậm chí nếu bạn chỉ đến một chỗ ít trang trọng, hãy dành thêm “một chút” thời gian cho vẻ bề ngoài của mình. Bạn không cần phải ăn mặc quá phô trương khi đến tham dự một buổi tiệc bình thường ở một quán bar gần nhà, nhưng hãy dành ra 15 phút để cạo râu và cho áo trong quần. Như vậy, bạn sẽ có cơ hội được tôn trọng nhiều hơn.
  2. Là hình mẫu cho mọi người. Nếu bạn muốn được tôn trọng, bạn cũng sẽ muốn được mọi người nhìn nhận như là một hình mẫu về cách ứng xử trong cuộc sống. Bạn không thể ứng xử một cách thiếu tôn trọng, thô lỗ, khó chịu nếu bạn muốn mọi người nghe theo bạn. Khi làm bất cứ việc gì, hãy nhắc nhở bản thân rằng mọi người đang nhìn bạn và bạn cần phải là một tấm gương tốt để có thể trở thành một hình mẫu tốt. Bạn không cần phải hoàn hảo, nhưng nhìn chung, hãy luôn cư xử một cách đáng ngưỡng mộ.
    • Khi có một ai đó bắt đầu làm theo bạn, đó là một dấu hiệu của sự tôn trọng.
    • Nếu có một ai khác trở thành một tấm gương tốt, hãy cho người đó biết bạn trân trọng điều đó đến nhường nào, bằng cả hành động và lời nói.
    • Hãy là một hình mẫu tốt ở công sở, ở nhà, và trong các tình huống xã hội. Bất kể bạn ở đâu, luôn luôn có một cơ hội để bạn cho mọi người thấy cách làm thế nào để tôn trọng chính bản thân mình và trân trọng chân giá trị của người khác.
  3. Tự quyết định. Đừng tham gia vào một cơn sốt đang thịnh hành nào đó chỉ bởi vì những người xung quanh bạn đều hưởng ứng. Hãy tôn trọng chính mình bằng cách tự đưa ra quyết định của chính bạn, điều này cũng sẽ khiến mọi người tôn trọng bạn hơn. Nếu bạn không biết chắc chắn cần phải làm gì hoặc giá trị của bạn là gì, hãy tìm đến ai đó đáng tin cậy để nhờ chỉ dẫn. Nhưng bạn phải luôn nhớ mình là ai và luôn tự hỏi bản thân xem bạn có “đồng ý” với những gì người đó nói và làm hay không. Đôi khi, nói dễ hơn làm rất nhiều: có những lúc bạn cảm thấy mất mát và không chắc chắn mình muốn làm gì hay mình tin tưởng vào điều gì. Nếu bạn muốn được tôn trọng, bạn cần phải cảm thấy thoái mái với việc nghe theo tiếng gọi từ sâu thẩm bên trong con người bạn.
    • Bạn có thể phải đưa ra những quyết định khó khăn, khi mà không một ai khác dám đưa ra quyết định.
    • Nếu bạn chỉ là một người làm theo chỉ đạo của người khác, bạn sẽ không được tôn trọng nhiều như khi bạn là người lãnh đạo – những người đôi khi cũng phạm sai lầm.
    • Xác định những giá trị cốt lõi của bạn và luôn giữ vững những giá trị đó.
  4. Đừng quá thực dụng. Hãy tập trung vào con người hơn là vật chất vì vật chất có thể bị mất hoặc bị phá hủy; con người quan trọng hơn nhiều! Giá trị thực sự của mỗi người không phải là những thứ anh ta có, mà là con người thực sự của anh ta – con người được mọi người tôn trọng. Nhưng trong bối cảnh đó, cũng cần phải lưu ý rằng, vật chất không phải là tất cả trong cuộc đời của mỗi người, nhưng là một phần trong đó. Chúng ta đều cần nhiều thứ để tồn tại, nhưng cùng lúc đó, chúng ta hãy luôn nhớ rằng những thứ đó không phải là tất cả, và rằng chúng ta không để đánh giá người khác dựa trên những gì anh ta có. Chúng ta cũng cần phải để tâm đến những “giá trị” của chúng ta, chăm sóc chúng, bảo vệ chúng, và hi vọng mọi người sẽ tôn trọng những “giá trị” ấy của chúng ta.
    • Đừng để suy nghĩ rằng “những thứ đó là tất cả” len lỏi vào trong đầu. Nếu bạn bị ám ảnh bởi việc sở hữu càng nhiều của cải càng tốt, bạn sẽ không thể tập trung vào việc lớn lên như một con người độc lập và việc xây dựng mối quan hệ với những người xung quanh.
  5. Không chần chừ. Luôn hành động có mục đích. Khi bạn đã quyết tâm làm một điều gì đó, hãy nghĩ đến nó, vạch ra kế hoạch thực hiện tốt nhất, và thực hiện nó. Đừng ngồi đó và chờ đợi, đừng để người khác làm việc đó cho bạn, đừng để bản thân rơi vào vòng tròn luẩn quẩn: lên kế hoạch, rồi lại lo lắng, rồi lại lên kế hoạch. Mọi người sẽ tôn trọng bạn nhiều hơn nếu bạn hành động, và ít hơn khi bạn chần chừ. Đừng để đến ngày mai những việc bạn có thể làm hôm nay, cho dù việc đó có khó chịu thế nào đi chăng nữa.
    • Mặc dù bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn nếu giành ra vài giờ đồng hồ lượn lờ trên Youtube hơn là ngồi học bài để chuẩn bị cho kỳ thi hay hoàn thành dự án còn dang dở, nhưng về lâu dài, làm ngay những việc cần làm sẽ khiến bạn cảm thấy hoàn thiện hơn và sẽ giúp bạn thành công hơn.
  6. Là một người hiểu biết. Hãy để ý một chút đến những sự kiện diễn ra xung quanh bạn và trên toàn thế giới, cho dù đó là lĩnh vực phim ảnh, giải trí, thể thao hay gì đi chăng nữa. Bằng cách đó, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi mọi người nói về các vấn đề nóng hổi đang được quan tâm. Có kiến thực tốt về một lĩnh vực nào đó sẽ giúp bạn thu hút sự chú ý. Nếu bạn muốn làm một hình mẫu tốt, bạn không thể chỉ quan tâm đến thế giới nhỏ hẹp của riêng mình. Bạn cần phải quan tâm đến cả thế giới rộng lớn kia và xem xét mọi quan điểm khác nhau đang tồn tại. Làm được như vậy, bạn sẽ càng có thêm nhiều kiến thức, sẵn sàng tiếp thu cái mới, và từ đó, giúp bạn có thêm sự tôn trọng từ mọi người.
    • Thậm chí nếu bạn không thích một chủ đề nào đó, nhưng đó là một chủ đề được quan tâm trong xã hội như chính trị, tôn giáo, hay thể thao, hãy cố để biết đôi chút về những chủ đề đó, để bạn có thể trao đổi, hỏi ý kiến của những người thực sự quan tâm. Họ sẽ đánh giá cao cơ hội được nói về những chủ đề mà họ tâm huyết, và bạn sẽ học được rất nhiều. Bạn có thể không bao giờ đồng ý, nhưng hãy lắng nghe và tôn trọng sở thích hay mối quan tâm của người khác.
    • Bạn càng biết nhiều thì mọi người sẽ càng hay tìm đến bạn để xin lời khuyên hay ý kiến của bạn. Nếu mọi người nghĩ rằng họ có thể tìm đến bạn, bất cứ lúc nào, bởi vì bạn biết nhiều hơn họ, chỉ cần một chút thôi, về mọi thứ, thì khi đó, bạn sẽ càng dễ dàng có được sự tôn trọng từ họ.
  7. Sử dụng ngôn từ một cách văn minh và đáng tôn trọng. Hãy nói những điều tích cực về mọi người bất cứ khi nào có thể, nhưng phải chân thành. Mọi người có thể nhận ra sự khác biệt giữa sự quan tâm thực sự và những lời xu nịnh miễn cưỡng. Bạn không nhất thiết lúc nào cũng phải nói năng quá lịch sự, nhưng nên tránh chửi thề, nói xấu mọi người trong văn phòng, và không thường xuyên nói những điều khó nghe, tiêu cực.
    • Nếu đến phút cuối, bạn vẫn buộc phải chửi thề, cũng được. Nhưng nhớ hãy xin lỗi mọi người vì đã làm như vậy.
    • Nếu bạn là một trong số những người có xu hướng có những cơn tức giận bộc phát khó kiểm soát và kèm theo đó là những lời chửi thề, hãy cố gắng tránh đi khi bạn biết mình sắp nói ra những lời đó.
  8. Rèn luyện sự tự tin. Nếu bạn không có niềm tin ở bản thân, những người khác cũng sẽ không tin tưởng bạn. Rất nhiều người sẽ thử thách bạn, và chọc vào nỗi bất an của bạn. Bất kể họ nói gì, nếu bạn có niềm tin vào bản thân và giá trị của bạn, hành động thiếu tôn trọng của họ sẽ biến mất bởi vì họ nhận ra rằng họ không thể đe dọa bạn. Thậm chí nếu thái độ thiếu tôn trọng của họ vẫn tiếp diễn, ít nhất, bạn có thể phớt lờ chúng và duy trì sự bình yên trong tâm trí. Hãy nhớ rằng, bạn không cần có sự thừa nhận của người khác để chứng tỏ giá trị của bạn; chỉ bạn, chính bạn mới làm được điều đó.
    • Bạn có thể tạo ra sự tự tin từ ngôn ngữ cơ thể của bạn. Hãy đứng thẳng, nhìn thẳng về phía trước chứ không nhìn xuống chân, và không tỏ ra hoặc hành động một cách lo lắng bồn chồn vì như vậy, trông bạn sẽ rất bất an.
    • Bước vào một căn phòng nào đó như thể bạn thuộc về nơi đó.
    • Nói đủ chậm, đủ to để tất cả mọi người có thể nghe thấy bạn.
    • Tự tin không có nghĩa là phải hoàn hảo. Trên thực tế, biết được nhược điểm của bản thân và nỗ lực khắc phục chúng sẽ giúp bạn cảm thấy tự tin hơn nhiều.
  9. Lạc quan. Sẽ thật dễ dàng để nhìn nhận một tình huống nào đó theo chiều hướng xấu, nhưng nếu bạn nỗ lực để vượt qua các chướng ngại bằng lối suy nghĩ mang tính xây dựng, bằng việc thực hiện những hành động mang tính quyết đoán, và bằng cách đối mặt với những vấn đề phía trước, bạn sẽ sống một cuộc sống hạnh phúc hơn, và trở thành một sự khích lệ đối với những người xung quanh. Nếu bạn là một người lạc quan, mọi người sẽ muốn được ở bên bạn nhiều hơn, và họ sẽ càng tôn trọng bạn hơn.
    • Hãy tìm cách để hỗ trợ những người cần giúp đỡ và bạn sẽ thấy, những vấn đề của chính bạn sẽ bớt nan giải hơn, và bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi xử lý việc của mình. Tình nguyện là một lựa chọn. Tuy nhiên, bạn cũng có thể chỉ đơn giản an ủi một người hàng xóm cô đơn, gọi điện hỏi thăm một người họ hàng đã lâu không liên lạc, hoặc giúp lũ trẻ của bạn làm một cái gì đó ở sân sau.
    • Sẽ không ai có thể tôn trọng một người suốt ngày than vãn, phàn nàn. Vì vậy, hãy cố gắng giảm thiểu những cảm xúc tiêu cực xuống càng ít càng tốt.
  10. Giữ lời. Đừng chỉ hứa suông khi bạn biết rõ bạn không thể giữ lời hứa, hoặc bạn không chắc chắn bạn có thể giữ lời được hay không. Bạn sẽ được tôn trọng hơn khi nói “Xin lỗi, tôi không thể làm như vậy” hoặc thậm chí “Tôi không muốn làm điều đó”, mặc dù nói như vậy sẽ khó khăn hơn nhiều. Đây là lúc bạn phải tôn trọng chính bản thân mình, và ý trí của mình, đồng thời cho người khác thấy rõ điều đó một cách lịch sự và chắc chắn. Và một khi bạn đã hứa, hãy giữ lời. Mọi người sẽ không còn tôn trọng bạn nữa nếu họ thấy bạn quái gở, không đáng tin, và nhìn chung là một người mà họ không thể dựa dẫm.
    • Việc bạn giữ đúng lời mình nói rất quan trọng, không chỉ trong các bối cảnh liên quan đến công việc, mà còn trong quan hệ với bạn bè, gia đình. Bạn không muốn những người bạn yêu mến mất đi sự tôn trọng giành cho bạn chỉ bởi vì bạn đã khiến họ thất vọng.
  11. Giỏi một thứ gì đó. Đây là cách tốt nhất để có được sự tôn trọng từ mọi người. Nếu bạn thực sự xuất sắc trong công việc của mình, là một tay chơi tennis cừ, một nghệ sĩ múa tài ba, hoặc một họa sĩ đầy ấn tượng, nếu bạn có năng khiếu hoặc tay nghề giỏi ở một lĩnh vực nào đó mà mọi người có thể nhìn thấy và đánh giá cao, bạn sẽ dễ dàng có được sự tôn trọng của mọi người hơn. Tất nhiên, để trở nên thực sự xuất sắc ở một lĩnh vực nào đó, bạn có thể phải mất cả cuộc đời. Tuy nhiên, thậm chí nếu bạn chỉ cần nỗ lực mỗi ngày, dành thời gian và công sức cho điều đó, bạn đã có thể khiến mọi người kính nể và tôn trọng.
    • Dĩ nhiên, việc bạn cố để giỏi một thứ gì đó không đảm bảo được rằng mọi người sẽ tôn trọng bạn. Nhưng giỏi một thứ gì đó, và quan tâm đến nó, chắc chắn sẽ có ích cho bạn.
  12. Nhận lỗi. Bạn có thể mắc lỗi; tất cả mọi người đều có thể mắc lỗi. Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng bạn chính là vị quan tòa cuối cùng để phán xét những gì bạn nói và làm. Vì vậy, hãy sẵn sàng đối mặt với những sai lầm, học từ chúng và tiến về phía trước. Bạn có thể nghĩ rằng, mọi người sẽ chỉ tôn trọng bạn nếu bạn hoàn hảo, như thể bạn chẳng bao giờ phạm sai lầm trong cuộc đời; trên thực tế, mọi người sẽ ngưỡng mộ bạn nếu bạn có thể thừa nhận rằng bạn đã xử lý tình huống không tốt, và như thế, họ sẽ thấy bạn giống một người trần thế hơn.[2]
    • Điều này đồng nghĩa với việc bạn nên xin lỗi mọi người khi cần thiết. Nếu bạn làm tổn thương ai đó, hãy ném đi niềm kiêu hãnh của bạn và xin lỗi vì hành động của mình.

Tôn trọng bản thân[sửa]

  1. Kiên định với các giới hạn của bản thân. Hãy nói rõ với mọi người bạn có thể chấp nhận điều gì, và hậu quả sẽ ra sao nếu mọi người đi quá những giới hạn đấy. Hãy làm những gì bạn đã nói là sẽ làm (hoặc không làm những gì bạn đã nói là sẽ không làm) mỗi khi có ai đó vượt quá những giới hạn của bạn. Bạn rõ ràng không muốn được biết đến với việc dễ dàng để mọi người dẫm đạp chỉ đơn giản vì bạn không muốn tranh đấu. Hãy biết rõ giới hạn của bạn là gì và đừng bao giờ thỏa hiệp, trừ khi thực sự cần thiết.
    • Ví dụ, nếu bạn muốn cùng một người bạn ra ngoài để gặp gỡ bạn bè, hãy nói rõ cho anh/cô ấy về thời gian mà bạn sẽ xuất phát; bất kể là anh ấy/cô ấy đã sẵn sàng hay chưa. Nếu bạn của bạn chưa sẵn sàng tại thời điểm mà bạn đã thông báo, hãy đi mà không có họ. Đừng để họ gọi bạn lại và thay đổi kế hoạch của bạn. Cố gắng không đánh giá các hành động của bạn, và sẵn sàng chấp nhận sự chỉ trích. Và nếu cần thiết, hãy nói với họ rằng, bạn đã nói trước với họ về điều này, và họ chỉ đang gánh chịu những hậu quả mà lẽ ra có thể tránh được nếu họ tuân thủ các quy tắc.
  2. Giữ gìn tài sản của bạn. Giữ cho nhà cửa và môi trường xung quanh luôn sạch sẽ, ngăn nắp. Hàng xóm của bạn sẽ tôn trọng bạn, và khu vực bạn sinh sống sẽ là một nơi tốt đẹp hơn cho bất cứ ai. Hãy đối xử với mọi người bằng sự tôn trọng, đó là điều quan trọng nhất. Nếu bạn đối xử với ai đó bằng sự tôn trọng, họ sẽ đối xử lại với bạn cũng bằng sự tôn trọng. Hãy giữ cho xe hơi của bạn sạch sẽ, sách vở hoặc tài liệu công việc được ngăn nắp, và mọi người sẽ thấy rằng, bạn đã dành thời gian và công sức cho những gì thuộc về bạn.
    • Tương tự, hãy biết đồ đạc của mình đang ở đâu. Nếu bạn là một người làm mất kính hoặc điện thoại mỗi tháng, mọi người sẽ cho rằng bạn vô trách nhiệm.
  3. Học cách nói “không”. Nếu bạn muốn mọi người tôn trọng mình, đừng lúc nào cũng quá dễ dãi và nhượng bộ họ. Chắc chắn bạn sẽ không muốn mang tiếng là một ông chủ sẵn lòng để nhân viên rời khỏi công ty và mang theo bất cứ thứ gì, hay một phụ huynh/một cô giáo dễ bị thuyết phục, hay một người sẵn lòng để bạn bè lấy của mình vài chục Đô la mà không hỏi ý kiến. Việc phải nói không khi bạn không muốn làm một điều gì đó thực sự không mấy dễ chịu, nhưng một khi bạn đã có được thói quen từ chối những đề nghị vô lý, cuộc sống của bạn sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
    • Mọi người sẽ tôn trọng bạn hơn nếu họ thấy rằng bạn có những việc ưu tiên của riêng mình và không giúp đỡ họ bất chấp tất cả.
    • Giúp đỡ một người bạn hay đồng nghiệp không phải là việc xấu; nhưng hãy đảm bảo rằng sự giúp đỡ không phải là một hành động đơn phương.
    • Khi bạn nói “không”, bạn không cần phải xin lỗi hoặc lải nhải mãi không thôi về lý do tại sao bạn không làm gì đó. Hãy nói “không”, đưa ra một lý do đơn giản, hoặc đưa ra một giải pháp thay thế. Hãy nói thật đơn giản, ngắn gọn, nhẹ nhàng. Như vậy, bạn sẽ không phải nhượng bộ hoặc trở thành người không có chính kiến rõ ràng.
  4. Không để mình bị say xỉn ở nơi công cộng. Nếu bạn thực sự tôn trọng bản thân mình, chắc chắn bạn sẽ không muốn phát hiện ra mình đang ở trong bồn tắm của một người hoàn toàn xa lạ, không có gì trên người ngoài một cái gạc tuần lộc. Thỉnh thoảng, uống một chút có thể mang lại vui vẻ, nhưng hãy uống có chừng mực để mọi người thấy rằng bạn quan tâm đến việc giữ gìn sức khỏe, nhân phẩm, và một đầu óc tỉnh táo. Nếu mọi người thấy bạn là một người nhanh chóng đi đứng loạng choạng và nói lảm nhảm ngay khi chạm chân đến một quán bar, họ sẽ cho rằng bạn không coi trọng chính bản thân mình.
    • Đôi khi thả lỏng bản thân một chút thì được, nhưng để mình mất kiểm soát hoàn toàn lại là một việc khác.
  5. Bảo vệ chính bản thân mình khi cần thiết. Nếu bạn muốn tôn trọng bản thân, đừng quá tử tế với những người sẵn sàng hạ nhục bạn, hành động một cách ngớ ngẩn, hoặc đòi hỏi bạn phải phải thỏa hiệp. Sẽ dễ dàng hơn rất nhiều khi bạn tử tế với tất cả mọi người, hòa thuận với tất cả mọi người mọi lúc mọi nơi, nhưng như thế, bạn sẽ không được mọi người tôn trọng. Nếu bạn muốn được tôn trọng, bạn cần phải đấu tranh cho bản thân khi bị đối xử tồi tệ, và tránh vơ những việc tào lao vào mình, thậm chí nếu đó có là một lựa chọn dễ dàng đi chăng nữa.
    • Nếu mọi người biết rằng bạn sẽ tự bảo vệ bản thân khi cần thiết, họ sẽ tôn trọng bạn hơn và dè chừng mỗi khi có ý định làm bạn tổn thương.
  6. Ngừng xin lỗi 24/7. Vì luôn miệng nói xin lỗi chính là đặc trưng điển hình của mẫu người không tôn trọng bản thân. Phụ nữ thường là những người dễ dàng nói ra lời xin lỗi mặc dù họ không làm gì sai. Bạn không cần phải xin lỗi sếp vì đã không làm thêm 8 tiếng vào ngày trước Lễ Tạ Ơn; bạn cũng không cần xin lỗi một người bạn vì đã không thể cho họ mượn 300 Đô la; việc xin lỗi bạn trai vì đã nói lên quan điểm của mình cũng là không cần thiết. Điều bạn cần nhớ là “Đừng xin lỗi nếu bạn không làm gì sai”.
    • Xin lỗi mọi lúc mọi nơi không vì một lý do nào cả sẽ khiến bạn trở nên yếu đuối và không đáng được tôn trọng.
  7. Biết được giá trị của bản thân. Nếu bạn muốn tôn trọng bản thân, bạn cần biết được bản thân mình có giá trị như thế nào, cho dù bạn là nhân viên của một công ty, thành viên của đội thuyết trình của trường, hay là một thành viên trong một mối quan hệ hai người. Bạn nên biết mình tuyệt vời đến nhường nào, bạn đóng góp được những gì, và hãy nhắc nhở bản thân về tất cả những lý do mà mọi người nên cảm thấy hạnh phúc vì có bạn ở trong nhóm của họ hay ở bên cạnh họ. Đừng để mọi người khiến bạn cảm thấy như thể bạn có ít giá trị hơn so với con người của bạn, và nếu bạn cảm thấy không có giá trị ở một nơi nào đó, hãy tìm đến một nơi khác.
    • Điều này đặc biệt đúng trong công việc. Nếu bạn đã bỏ thêm nhiều giờ làm thêm nhiều việc ở công ty trong suốt một thời gian dài mà không được công nhận, đã đến lúc bạn tìm kiếm một công việc khác và nói với sếp của bạn về điều đó.
  8. Hãy nhớ luôn đặt bản thân mình lên trên hết, hoặc ít nhất là không ở phía cuối. Tất nhiên, nếu bạn là một người mẹ, một cô giáo, hay ở một vị trí mà người khác phải phụ thuộc vào bạn, bạn sẽ không thể quá ích kỷ và luôn đặt mình ở vị trí số 1. Nhưng, bạn vẫn nên nghĩ đến bản thân mình trước khi nghĩ đến những người xa lạ, bạn bè, đồng nghiệp hoặc những người khác – những người cũng có nhu cầu giống bạn. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn không nên rộng lượng, phóng khoáng, mà có nghĩa là bạn không nên đặt nhu cầu của mọi người lên trên của mình.
    • Nếu mọi người thấy bạn lúc nào cũng đặt bản thân mình sau cùng, họ sẽ không tôn trọng bạn và họ nghĩ rằng họ có thể bỏ qua bạn.

Tôn trọng mọi người[sửa]

  1. Chào hỏi mọi người một cách đúng đắn và thân thiện. Một lời chào hỏi thân thiện, ấm áp, bày tỏ sự trân trọng sẽ được đánh giá cao và được mọi người đáp lại. Một lời chào hỏi tích cực, mang tính khích lệ, động viên sẽ khiến mọi người cảm thấy thật tuyệt vời. Nếu bạn có thể kèm theo một lời khen ngợi, mọi người sẽ ghi nhận sự chú ý của bạn, và sẽ thấy họ đặc biệt hơn. Sức hút của một người lãnh đạo phần lớn nằm ở việc người đó có thể thừa nhận giá trị của người khác và giúp họ cảm thấy bản thân mình tốt hơn.
    • Nếu ai đó không đáp lại hoặc không cảm kích trước lời chào hỏi của bạn, đừng vội đánh giá con người họ. Hãy lịch sự. Có thể họ đang mải suy nghĩ hoặc quá lo lắng về điều gì đó nên đã không thể đáp lại lời chào hỏi của bạn với sự cảm kích.
    • Cũng tương tự như vậy khi bạn nhận được phản ứng thờ ơ của mọi người – đừng đổ lỗi cho bản thân. Rất nhiều người thường hay e ngại hoặc không được rèn luyện để có những hành vi ứng xử phù hợp, hoặc thậm chí họ quá khúm núm. Hãy cho họ thời gian và không gian để phá vỡ lớp vỏ dè dặt của mình; hầu hết mọi người sẽ cởi mở hơn khi họ nhận ra bạn không làm gì chống lại họ cả.
  2. Không bao giờ bắt nạt người khác hoặc lợi dụng điểm yếu của họ. Những kẻ hay bắt nạt người khác không đáng được tôn trọng vì họ không cho thấy họ tôn trọng người khác. Hãy để mọi người được giữ lòng tự trọng của họ. Những kẻ hay bắt nạt không có khả năng tôn trọng người khác bởi vì họ thường không tôn trọng chính bản thân mình, và/hoặc không có khái niệm về sự tôn trọng. Và dọa dẫm người khác để đạt được thứ mình muốn chính là con đường ngắn nhất để trở thành kẻ bị mọi người tẩy chay.
    • Không trêu chọc mọi người. Mặc dù trêu chọc mọi người có thể khá vui vẻ, và đôi khi, bạn không cố ý làm như vậy, nhưng mọi người sẽ thực sự cảm thấy bị xúc phạm bởi những lời trêu chọc nhằm vào những thứ họ quan tâm hoặc bảo vệ. Và họ sẽ nhanh chóng không tôn trọng bạn nữa, nhất là nếu bạn cứ khăng khăng nói rằng bạn chỉ đùa thôi khi họ yêu cầu bạn dừng lại, bạn thực sự không đùa chút nào cả.[3]
  3. Đối xử với những kẻ hay bắt nạt một cách phù hợp. Theo đó, hãy đối xử với những kẻ hay bắt nạt một cách tôn trọng để họ không có được một trong những điều mà họ muốn có từ bạn – bạn tự bộc lộ điểm yếu của mình. Nếu họ lấy của bạn cái gì đó, bắt đầu trêu chọc bạn, hoặc đối xử với bạn như thể bạn chẳng là gì cả, hãy nói với họ những điều tương tự như “Tôi có thể lấy lại đồ của mình được chưa? Nhân tiện, đó là một chiếc xe rất tuyệt”. Hãy nói một cách lịch sự và không bối rối. Như thế, những kẻ hay bắt nạt sẽ bị mất cảnh giác. Đừng trao cho họ những lời khen ngợi, vì một khi bạn đánh mất sự biến hóa của mình, họ sẽ lợi dụng điều đó để chống lại bạn.
    • Hãy nói thật đơn giản, ngắn gọn, lịch sự và sau đó tiếp tục đi hoặc quay lại với công việc của mình.
  4. Cho mọi người một cơ hội. Không phán xét và hãy luôn nhã nhặn với mọi người. Thậm chí nếu như bạn nhận ra ai đó chỉ là một gã ngốc, hãy cư xử văn minh và có phong cách. Bạn không cần phải hạ mình bằng cách cư xử giống họ và tham gia vào trò chơi của họ. Mọi người sẽ tôn trọng khả năng của bạn khi giữ vững lập trường hơn là khi bạn buông ra những lời không hay hoặc đáp trả lại một cách hèn hạ. Mọi người cũng sẽ tôn trọng bạn hơn nếu họ thấy bạn là một người sẵn sàng tiếp nhận những điều mới và không có thành kiến.
    • Việc phán xét mọi người thường sẽ chẳng mang lại lợi ích gì mà thậm chí còn chứng tỏ sự bất an của bạn.
  5. Hãy chuẩn bị để đón nhận ý kiến của mọi người về những khía cạnh khác của vấn đề. Nếu bạn lúc nào cũng lanh lảnh trình bày quan điểm của mình và bác bỏ ý kiến của mọi người trong một vấn đề nào đó hoặc trong cuộc sống nói chung, mọi người sẽ coi bạn là một người cục mịch và thô lỗ. Có rất ít người có thể chịu đựng kiểu người luôn chiếm trọn ánh đèn sân khấu, biến mình thành trung tâm vũ trụ và từ chối thừa nhận rằng những người khác cũng có quyền được nói. Hãy luôn nhã nhặn, và nếu có gì đó thắp lên ngọn lửa đam mê trong bạn, hãy chia sẽ bằng mọi cách nhưng phải biết rằng ý kiến của bạn chỉ là một trong rất nhiều những ý kiến khác.
    • Có một cuộc sống khó khăn không phải là lời bào chữa cho việc lạm dụng hoặc lợi dụng người khác. Hãy luôn ghi nhớ rằng hầu hết mọi người đều phải đấu tranh với một khó khăn nào đó trong cuộc sống của họ và họ rất có thể, ngay lúc này, họ cũng phải đối mặt với một vấn đề nào đó. Bạn hãy tìm kiếm sự giúp đỡ cho những nỗi đau đang gặm nhấm trong tâm hồn bạn để có thể làm chủ cuộc đời mình như bạn muốn mà không phụ thuộc vào quá khứ khó khăn của mình.
  6. Không hành động như thể bạn là giáo sư biết tuốt. Mọi người không đánh giá cao khi bạn luôn tỏ ra giỏi hơn họ. Một lần nữa, hãy biết lắng nghe và tôn trọng quan điểm của mọi người, ngay cả khi những quan điểm đó có thể trái ngược với quan điểm của bạn. Hãy nhắc nhở bản thân rằng những người thông thái nhất trên thế giới là những người thừa nhận rằng những gì họ biết là quá ít ỏi, và còn rất nhiều thứ họ cần phải học hỏi và khám phá.
    • Nếu bạn phát hiện ra mình vừa hành động như một giáo sư biết tuốt, hãy sử dụng khả năng hài hước của mình để giảm nhẹ tình huống, và nói điều gì đó tương tự như: “Xin lỗi, có vẻ như tôi đã quá phấn khích về chủ đề này. Rõ ràng là tôi quan tâm đến nó, nhưng tôi đã thật thô lỗ khi nói quá nhiều như vậy. Xin lỗi. Anh có thể nói cho tôi biết suy nghĩ của anh về vấn đề này được không? Anh cũng biết tôi là người rất biết lắng nghe mà!”
  7. Hãy kín đáo. Nếu bạn thực sự muốn tôn trọng mọi người, bạn không thể đi xung quanh và phát tán những tin đồn về họ cho bất cứ ai. Nếu bạn nổi tiếng là một người ba hoa, mọi người sẽ không tôn trọng bạn và họ sẽ không bao giờ cho bạn biết những thông tin thú vị nhất. Thay vào đó, hãy tiếp nhận thông tin và không chia sẻ; điều này sẽ làm cho mọi người muốn đến với bạn nhiều hơn và sẽ tôn trọng bạn vì bạn là một người biết giữ miệng.
    • Đừng biến việc ngồi lê đôi mách thành một thói quen. Tất nhiên, mọi người sẽ muốn nghe bạn nói nhiều hơn nữa, nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ thực sự thích bạn nhiều hơn.
  8. Hãy tôn trọng những người ở vị trí nắm quyền. Như một vị hiệu trưởng trong seri truyền hình Eastbound & Down nói với một trong số các giáo viên nổi loạn của ông: “Mặc dù điều này có vẻ khá buồn cười, nhưng chắc chắn anh không muốn làm một người không tôn trọng ông chủ của mình, chủ nhà của mình, giáo viên của mình hay bất cứ ai có vị trí cao hơn mình. Điều này không có nghĩa là anh phải ngồi im khi anh thấy ai đó đang đối xử tệ với mình, nhưng nó cũng không có nghĩa là anh có thể coi thường ông chủ của mình theo kiểu cá mè một lứa. Tuy nhiên, nếu anh cảm thấy rằng một ai đó có vị trí cao hơn anh đang đối xử tệ hại với anh, hãy viết cho ông ấy/bà ấy một lá thư phản đối và giữ phép lịch sự. Anh có thể sẽ thắng, miễn là đừng quá lỗ mãng."
    • Tôn trọng những người có vị trí cao hơn mình sẽ khiến mọi người tôn trọng vị trí “của bạn” hơn. Nếu bạn cho thấy mình là người hoàn toàn không tôn trọng các quy tắc, mọi người sẽ không đánh giá bạn cao.
    • Một điều rất quan trọng là bạn phải nhớ là bạn cần phải “công nhận” lãnh đạo nhưng không phải “tôn sùng” lãnh đạo. Công nhận lãnh đạo nghĩa là bạn nhận thức rõ họ là người có vị trí cao hơn bạn và bạn tuân thủ các nguyên tắc mà họ đặt ra, nhưng bạn sẽ không nịnh bợ họ và chịu đựng khi họ đối xử tệ hại đối với bạn. Trong khi đó, tôn sùng lãnh đạo nghĩa là bạn cho rằng lãnh đạo của bạn là hoàn hảo, không bao giờ phạm sai lầm, và trước mặt họ, bạn sẽ luôn đặt bản thân mình thấp hơn. Vì vậy, hãy công nhận lãnh đạo nhưng không bao giờ tôn sùng lãnh đạo.

Lời khuyên[sửa]

  • Hãy cẩn thận khi làm việc cùng lúc với hai người có những triết lý cốt lõi trái ngược nhau vì nếu làm hài lòng người này, người kia có thể sẽ không tôn trọng bạn nữa. Cách ứng xử tốt nhất trong tình huống này là hãy là chính bản thân bạn và tỏ thái độ trân trọng với cả hai luồng ý kiến. Bạn không cần phải đồng tình với ý kiến nào; chỉ cần cho họ thấy rõ là bạn sẵn sàng lắng nghe.
  • Cố gắng tìm ra thế mạnh của bản thân và sử dụng nó. Nếu bạn hát tốt, hãy tham gia vào nhóm nhạc của trường hay của cộng đồng, hoặc hát trong các sự kiện… Mọi người sẽ nhận ra bạn và tài năng của bạn.
  • Có một ranh giới rất nhỏ giữa tự tin và tự phụ. Bạn có thể chấp nhận những lời khen ngợi và không phải luôn tỏ ra lãnh đạm; nhưng bạn cũng đừng hành động như thể bạn giỏi hơn tất cả mọi người. Người khác sẽ cho rằng điều đó thực sự khó chịu.
  • Hãy nhớ rằng mọi người sẽ để ý đến tấm gương mà các con bạn noi theo. Nếu bạn đối xử với các con bằng tình yêu thương, đồng thời dạy chúng biết cách tôn trọng bạn và người khác, bạn sẽ được đối xử với sự tôn trọng.
  • Hãy làm cho không gian xung quanh bạn trở nên tươi đẹp bằng cách để hàng xóm thấy được bạn là người tốt và nhà của bạn cũng thật đẹp. Hãy mời hàng xóm tới nhà để thể hiện sự quan tâm và hiếu khách chân thành. Có thể họ cũng sẽ muốn quan tâm tới bạn.
  • Để được tôn trọng, bạn cần phải làm gì để xứng đáng với sự tôn trọng. Điều đó không có nghĩa là bạn phải luôn luôn là người giỏi nhất. Đó chỉ là một khía cạnh. Hành động của bạn phải chính đáng và bạn phải là người có trách nhiệm. Đừng bao giờ ép mọi người phải tôn trọng bạn hoặc phải làm những việc mà bạn muốn. Như vậy thật đáng thương. Hãy biết chấp nhận những việc có thể xảy ra và không thể xảy ra.
  • Cẩn thận với những gì bạn nói. Mọi người có xu hướng hiểu mọi chuyện theo chiều hướng khác. Vì vậy, đừng vô tình nói những lời phản cảm!

Cảnh báo[sửa]

  • Hãy thận trọng với mức độ am hiểu của bạn đối với chính bản thân mình và người khác. Bạn sẽ thấy khó để tôn trọng một ai đó – người không biết được giới hạn giữa việc biết đủ thông tin về một người khác và biết quá nhiều thông tin, nhất là ở nơi làm việc hoặc trong đời sống xã hội.
  • Đừng lo lắng nếu bạn chót một hoặc hai lần làm hỏng chuyện gì đó hoặc thậm chí quên mất hình mẫu mà mình luôn hướng tới! Miễn là bạn biết mình đã sai ở đâu và cố gắng sửa chữa, mọi chuyện sẽ không quá nghiêm trọng.
  • Không đánh mất bản thân vì những “đức tính” hay “yêu cầu” mà xã hội tung hô rằng có thể mang lại cho bạn sự tôn trọng của mọi người. Những thứ ấy chỉ khiến mọi người cảm thấy bối rối và nghi ngờ sự tôn trọng họ dành cho bạn vì họ nghĩ bạn chỉ đang cố cóp nhặt hoặc làm điều gì đó để phù hợp với một cái gì đó. Việc bạn sở hữu 5 chiếc Ferrari trong gara hay giết một ai đó để có thể gia nhập một bang hội nào đó không mang lại sự tôn trọng. Ghen tị và tai tiếng thì có thể. Nhưng sự tôn trọng thì không bao giờ.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây