Đối phó với kẻ bắt nạt

Từ VLOS
(đổi hướng từ Đối phó với Kẻ Bắt nạt)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Những kẻ bắt nạt xuất hiện dưới nhiều hình thức và mức độ. Qua thời gian, đa phần chúng ta, trong thời thơ ấu hoặc khi đã trưởng thành có thể phải đối phó với một vài kẻ bắt nạt. Những thống kê gần đây cho thấy cứ bốn trẻ em thì có một trẻ thỉnh thoảng bị bắt nạt.[1] Tại nơi làm việc, ở nhà, trong quân đội, bệnh viện, thậm chí cả trong trại dưỡng lão, hiện tượng bắt nạt cũng trở thành một vấn nạn của người lớn. Chúng ta phải thận trọng đối phó với những kẻ bắt nạt, và trên hết, hành vi đó phải được ngăn chặn.

Các bước[sửa]

  1. Hiểu “bắt nạt” là gì. Xác định đúng hành vi bắt nạt là một điều quan trọng để tránh gán cho mọi phản ứng xã hội tiêu cực đều là bắt nạt, bởi có những xung đột không hề liên quan đến bắt nạt và có thể là dấu hiệu của mối quan hệ bình thường, lành mạnh. Bắt nạt là hành vi không mong muốn, hung hăng, bao gồm sự mất cân bằng thực sự hay mất cân bằng trong nhận thức về sức mạnh. Hành vi này thường lặp đi lặp lại, hoặc có khả năng lặp đi lặp lại theo thời gian. Kẻ bắt nạt và nạn nhân đều có thể gặp những vấn đề nghiêm trọng và dai dẳng.[2]

Phát triển cơ chế đối phó[sửa]

  1. Hạn chế phản ứng với hành động bắt nạt. Đừng cho kẻ bắt nạt thấy rằng bạn đang bị tổn thương và họ đã thành công khi gây ảnh hưởng lên bạn; bạn chỉ cần đi khỏi đó, như thể mình không quan tâm. Những kẻ bắt nạt hả hê khi làm cho người khác cảm thấy tổn thương hoặc khó chịu, do đó phản ứng với họ cũng giống như đang khuyến khích họ tiếp tục tiến xa hơn.[3] Kẻ bắt nạt thích sự chú ý và nếu bạn tỏ ra khổ sở vì những hành động của họ thì họ càng có hứng thú làm việc này.
    • Chiến thuật này có thể là con dao hai lưỡi, tùy vào kẻ bắt nạt, do đó bạn hãy phân tích kỹ tình huống. Một số kẻ bắt nạt cảm thấy an toàn khi hành hạ bạn (và họ cũng thích thú với điều này) nếu họ thấy bạn không khổ sở vì những hành động của họ.
    • Bạn không thể nói lý lẽ với một người không biết điều. Hãy bỏ đi một cách đường hoàng, nói rằng bạn có những việc hay hơn để làm. Nếu việc này vẫn tiếp diễn, bạn hãy đứng lên tự vệ. Và cho dù có tiếp diễn hay không, bạn hãy đứng ra bênh vực những người bị bắt nạt.
  2. Cảm nhận sức mạnh nội tại của bạn. Mỗi người đều có một sức mạnh được nuôi dưỡng bên trong mình. Vấn đề là ở chỗ nhiều kẻ bắt nạt cố làm cho bạn tin rằng bạn không có sức mạnh đó, và như vậy bạn là kẻ hèn kém. Điều đó không đúng. Hãy đề phòng với hành động cố ý hạ thấp bạn và khiến bạn cảm thấy yếu đuối.
    • Đôi khi chúng ta nghĩ rằng họ có thể lấy đi mọi giá trị của chúng ta. Bạn hãy tin rằng chúng ta mạnh hơn họ, vì xét cho cùng, bạn “đang” mạnh hơn họ và sẽ mãi mãi mạnh hơn họ.
  3. Tránh gặp kẻ bắt nạt. Cố gắng tránh họ ở trường hay ở các tình huống xã hội. Nếu họ có cùng đường đi với bạn, hãy đi đường khác; nếu không nhìn thấy bạn thì họ cũng không thể bắt nạt bạn. Hãy hết sức tránh gặp họ, nhưng đừng tỏ cho họ thấy điều đó. Họ sẽ cho là bạn đang sợ hãi và họ đã thành công, kết quả là họ sẽ càng lấn tới.
    • Luôn đi cùng với một người bạn; đông người bao giờ cũng an toàn hơn. Đa số những kẻ bắt nạt sẽ nhụt chí nếu những kẻ cùng phe với họ không ở bên cạnh. Họ không muốn dính vào rắc rối, và nếu bạn có bạn bè ở bên cạnh thì kẻ bắt nạt sẽ không dám làm gì.
  4. Không hy sinh bản thân làm trò đùa để cố chứng tỏ rằng kẻ bắt nạt không thể làm gì khiến bạn khổ sở. Việc này chỉ làm cho kẻ bắt nạt thích thú, họ thường sẽ góp thêm những lời nhạo báng và lăng mạ để hạ thấp lòng tự trọng của bạn. Làm như thế có nghĩa là bạn và mục tiêu là chính mình của bạn đang bị hạ xuống ngang hàng với họ.
    • Không có gì vui nhộn trong việc bắt nạt cả, và đồng thuận với những chuyện đùa, dù ám chỉ bạn hay ai khác, là đang làm cho vấn đề thêm trầm trọng. Những trò đùa là không thích hợp trong tình huống này. Dù có vẻ như đang làm dịu căng thẳng, thực ra nó chỉ đổ thêm dầu vào lửa.
  5. Đáp trả lại những lời xúc phạm cho kẻ bắt nạt theo kiểu "gậy ông đập lưng ông". Nếu thành công ở chỗ đông người thì việc này sẽ gây nên tiếng cười từ những người xung quanh khiến cho kẻ bắt nạt bẽ mặt. Đó là cơn ác mộng khủng khiếp nhất của kẻ bắt nạt vì họ đã bị lật đổ khỏi vị trí quyền uy hơn bạn. Bạn nhớ đừng cho kẻ bắt nạt thấy sự chú ý mà họ muốn, vì như vậy sẽ càng làm cho họ thích thú khi làm tổn thương tình cảm của người khác.
    • Tránh làm bẽ mặt kẻ bắt nạt nếu trước đây họ đã từng bắt nạt bạn về thể chất, vì điều này sẽ kích động trận xô xát mà bạn không thể thắng. Thay vì làm tình hình trầm trọng hơn, bạn hãy rời khỏi chỗ đó. Hãy báo cho người có thẩm quyền nếu bạn thấy nguy hiểm.
  6. Hãy khôn ngoan hơn kẻ bắt nạt. Những kẻ bắt nạt không mấy thông minh và sắc sảo, do đó bạn có thể lợi dụng điều này. Sau đây là một vài ý tưởng:
    • Cười vào mọi điều họ nói, và lời xúc phạm càng nặng nề thì bạn càng nên cười lớn. Hãy cố gắng nghĩ về nó như điều gì đó thực sự buồn cười. Chắc chắn việc này làm kẻ bắt nạt rất bực tức vì họ muốn bạn khóc chứ không phải cười.
    • Hét thật to vào mặt kẻ bắt nạt một câu trích dẫn nào đó. Bạn nên thử làm điều này chỉ khi nào họ giẫm lên chân bạn, nói chung là họ quấy nhiễu không bằng lời nói. Có nhiều câu hay để bạn đọc ra, ví dụ như câu đầu tiên trong truyện Kiều, những bài hát hầu như đã bị quên lãng, hoặc bạn có thể tự nghĩ ra một câu nào đó (Tôi muốn có một đô la để mua một con cá!”). Trong trường hợp này, sự ngẫu nhiên là chìa khóa quan trọng. Kẻ bắt nạt có thể kinh ngạc đến mức bạn có thể gây ra tiếng cười, hoặc ít nhất thì cũng có thể thoát ra được. Còn nếu họ nghĩ bạn bị điên thì cũng tốt!

Tạo nên sức mạnh của riêng bạn[sửa]

  1. Học võ. Bạn có thể lựa chọn Karate, Kung Fu, Taekwondo, Judo hay những môn tương tự. Học võ sẽ giúp bạn thêm tự tin, tăng cường thể lực, có thêm kỹ năng tự vệ và khả năng chiến thắng trong mỗi cuộc đấu. Những kẻ bắt nạt thích săn những con mồi mà họ coi là yếu hơn mình, do đó tạo một dáng vẻ mạnh mẽ có thể làm họ nhụt chí. Kỹ năng võ thuật còn giúp bạn biết cách làm thế nào để tỏ ra mình không phải là mục tiêu dễ tấn công.
    • Bạn không cần phải giống một chiến binh. Chỉ cần tỏ ra thẳng thắn và kiên quyết, vẻ như muốn nói “đừng đụng vào tôi”. Bạn sẵn sàng đương đầu mà không cần phải thực sự đánh nhau còn hơn là bị đánh thâm tím mình mẩy rồi lại ước gì mình biết cách tự vệ.
  2. Hãy thông mình và nhận biết mọi thứ. Tìm hiểu hoàn cảnh xung quanh để biết những nơi nào có thể là lối thoát, nơi thường lui tới, vùng xung đột, vùng an toàn và các ranh giới. Hãy nhận ra mô hình của kẻ bắt nạt, bao gồm những liên kết có thể có, vì hầu hết những kẻ bắt nạt đều có một đám tay chân đi theo. Hiểu biết về kẻ thù và hoàn cảnh xung quanh có thể giúp ích khi bạn lẩn tránh, nhưng quan trọng hơn cả là khi đối đầu trực diện.[4]
    • Tự tin khi đi lại. Hãy bước đi với sự tự tin có chủ ý và một thái độ “đố anh dám đụng vào tôi”. Hãy ngẩng cao đầu nhìn thẳng về phía trước, nơi bạn đang hướng tới, và dùng tầm nhìn bao quát để nhận biết những người xung quanh. Cho dù cảm thấy nó có vẻ giả tạo đến thế nào, bạn hãy cứ tự tin và kiêu hãnh. Mọi người sẽ cảm thấy bối rối.
  3. Học vài động tác tự vệ. Việc này rất quan trọng nếu bạn phải đánh nhau (hy vọng là bạn không lâm vào tình huống này). Bạn không cần phải đạt được đến trình độ đai đen, chỉ cần vài mẹo nhỏ để tự vệ. Hãy tự vệ với tất cả sức lực và không ngần ngại.
    • Cú đá bất ngờ vào háng có thể làm cho đối phương cảm thấy đau điếng và bối rối một lúc đủ để bạn chạy thoát. Những kẻ bắt nạt không quen với việc người khác có lợi thế hơn họ.
    • Nếu đá vào háng không có tác dụng, bạn hãy thử đá vào vùng bụng (ngay dưới xương sườn), hay đá vào đầu gối khiến đối phương khuỵu xuống.
    • Nếu kẻ bắt nạt túm lấy bạn hay dồn ép bạn, bạn có tin không, đây lại là một lợi thế của bạn. Cố gắng giữ thăng bằng, dùng tay trái túm lấy một cánh tay của họ và đánh vào khuỷu tay bằng tay kia, sau đó dùng tay kia gạt cánh tay còn lại của kẻ đó.
    • Và ngay khi có cơ hội, bạn hãy chạy đến một nơi an toàn và kêu cứu.
  4. Nhận thức rõ về bản thân (và biết mình giỏi như thế nào). Hiểu được những điểm mạnh, điểm yếu và các mục tiêu của bạn. Lòng tự tin sẽ giúp ích cho bạn khi đối phó với những kẻ bắt nạt bằng lời nói, vì những lời xúc phạm của họ sẽ không chạm được vào tim bạn. Kẻ bắt nạt bằng lời nói cần nhiều người nghe để phát tán sự lăng mạ và những câu nói của họ thường không dựa trên sự thực mà chỉ là những điều giả dối.
    • Cố gắng vượt qua những lời đồn đãi: hãy nói với mọi người rằng đó không phải là sự thực và rằng kẻ bắt nạt chỉ muốn gây sự chú ý. Quay mũi tên ngược lại vào họ. Hãy chỉ ra thói quen bắt nạt của họ, cho mọi người thấy rằng kẻ bắt nạt buồn bực và thiếu tự tin thế nào mới phải đi nói xấu người khác.
    • Những lời lăng nhục và cách người đó cư xử với bạn không phản ánh sự thực, không tác động đến bạn, nhưng lại nói lên tất cả về họ. Nó cho thấy họ đang thiếu tự tin và buồn bực như thế nào. Nếu không còn gì để bắt nạt bạn nữa, họ sẽ chuyển sang mục tiêu khác.
  5. Không cố gắng bắt nạt lại. Chắc hẳn bạn không muốn hạ thấp mình ngang hàng với kẻ bắt nạt. Bạn hoàn toàn nên chỉ ra nguyên nhân họ bắt nạt và tìm ra những kẽ hở trong lập luận của họ, tuy nhiên bạn nhất định đừng bao giờ có những hành vi như họ. Việc đó chỉ tiếp sức thêm cho họ. Nó làm bạn cũng xấu như họ mà thôi.
    • Và nếu làm thế, bạn cũng sẽ gặp rắc rối như họ. Nếu sự việc trở nên náo loạn và nhà chức trách phải can thiệp, thì chẳng ai biết ai mới thực thực sự là kẻ bắt nạt.

Ngăn chặn hành vi bắt nạt[sửa]

  1. Nhận diện các kiểu bắt nạt mà bạn và mọi người đang đối mặt. Có nhiều hình thức bắt nạt; một số xâm phạm thân thể, số khác xúc phạm bằng lời nói, trong khi một số kẻ dùng mánh khóe để đùa cợt với cảm xúc của bạn. Nhiều kẻ bắt nạt kết hợp các chiến thuật trên. Cho dù là kiểu gì, việc nhận diện cũng sẽ giúp bạn hiểu được phương cách mà kẻ bắt nạt sử dụng.
    • Người đó xâm hại thân thể bạn? Những kẻ bắt nạt hung hăng thích đánh, đấm, đá và kéo tóc. Họ sẽ hành động không hề do dự. Không thể đánh nhau được với kiểu người bắt nạt như vậy, họ sẽ đổ hết lỗi cho bạn hoặc kêu la lên rằng họ bị đau và chính bạn là người gây sự.
    • Người đó là kẻ hay chửi rủa, lăng nhục bạn bằng lời nói? Những kẻ bắt nạt bằng cách châm chích là kiểu xâm hại về ngôn từ (chửi bới, chế nhạo, trêu chọc, v.v…).[5]
    • Người đó giả vờ thân thiết với bạn, nhưng sau đó lại bất ngờ đem bạn ra làm trò cười trước mặt người khác? Đây chỉ là kiểu bắt nạt về cảm xúc. Những kiểu bắt nạt khác bao gồm đe dọa gây hại hay phá hoại những thứ bạn yêu quý, làm những việc biến bạn thành trò cười (ví dụ như dán tờ giấy ghi “đá tôi đi” sau lưng bạn) hay nói những lời dối trá về bạn để cố làm cho mọi người ghét bạn. Những kẻ bắt nạt gián tiếp, đôi khi còn gọi là những kẻ “đâm sau lưng” hoặc những kẻ gièm pha, ngồi lê đôi mách, thường tách nạn nhân ra khỏi nhóm và tấn công bất cứ khi nào có cơ hội.
  2. Hiểu rằng bắt nạt qua mạng cũng thật như bắt nạt ở ngoài đời thực. Những kẻ bắt nạt qua mạng tấn công người khác bằng cách liên tục nhắn tin, gửi e-mail hay dùng các phương tiện điện tử khác. Cách tốt nhất để đối phó với những kẻ bắt nạt trực tuyến này là không đọc và xóa hết các tin nhắn của họ. Bạn cũng nhớ chặn tin nhắn của kẻ bắt nạt.
    • Nếu điều này xảy ra với bạn, nó cũng có thể được xử lý theo pháp luật như việc bắt nạt ở ngoài đời thực. Bạn đừng ngần ngại nói với cha mẹ, thầy cô, cấp trên của bạn, hoặc báo cảnh sát nếu cần thiết. Việc này không ổn và bạn không nên chịu đựng.
  3. Trình báo “toàn bộ” hành vi bắt nạt cho người có thẩm quyền. Hãy nghĩ đến cha mẹ, tư vấn viên trường học, hiệu trưởng, sếp, cảnh sát hoặc ai đó có thể xử lý hay trừng phạt kẻ bắt nạt và bảo vệ bạn. Điều quan trọng là bạn phải trình bày trường hợp của bạn với người nào đó để chấm dứt việc này. Bạn không hề hèn nhát khi làm như vậy, trái lại, bạn đang dũng cảm đứng lên bảo vệ mình.
    • Đừng lo lắng rằng kẻ bắt nạt sẽ trả thù nếu bạn trình báo sự việc; đằng nào thì họ cũng gây tổn thương cho bạn, và nhân nhượng sẽ không giải quyết được vấn đề của bạn hay của bất cứ ai bị bắt nạt. Bạn cũng có thể nói với bạn của mình; một người bạn tốt sẽ đứng ra bênh vực bạn và bạn cũng thế.
    • Nếu có cuộc khảo sát về bắt nạt được thực hiện trong trường, bạn hãy ghi tên vào đó. Đừng ngại ngùng. Có thể bạn sẽ được mời lên nói chuyện riêng với một người có kinh nghiệm và việc này sẽ đem lại kết quả đáng ngạc nhiên. Bạn có thể cảm thấy mình yếu ớt, nhưng thực ra bạn mạnh mẽ hơn kẻ bắt nạt.
  4. Giúp những người khác vượt qua hoàn cảnh của họ. Kẻ bắt nạt là người đang cố gắng tỏ ra mình tốt đẹp. Họ chỉ muốn được chú ý, và có lẽ họ học thói bắt nạt ở nhà hay từ bạn bè của họ. Hãy tách điều đó đó ra khỏi họ, và họ không còn lại gì! Vì bạn đã trải qua vấn đề đó, bạn biết rằng nó có thể gây đau đớn thế nào, và bạn biết cách để giúp đỡ những người khác!
    • Một trong những cách đơn giản nhất để giúp người khác cảm thấy dễ chịu hơn khi bị bắt nạt là thay đổi cách suy nghĩ của họ về điều đó. Nhấn mạnh rằng chính kẻ bắt nạt mới là người không hạnh phúc và buồn bực, và đang cố gắng khống chế những cảm giác của mình để cuối cùng tự thấy mình tốt đẹp. Bạn nghĩ xem, điều đó thật đáng buồn.
    • Nếu ai đó có cùng hoàn cảnh đến với bạn, hãy đi cùng họ để trình báo sự việc. Đây là sự khích lệ tinh thần rất lớn đối với họ. Nếu họ không có sức mạnh của riêng mình thì bạn có thể truyền sức mạnh của bạn cho họ.
  5. Loan truyền cho mọi người biết. Bắt nạt là một vấn đề nghiêm trọng, không thể gạt sang một bên và xử lý một cách lặng lẽ. Hãy lấy trường hợp của bạn ra và nói. Bạn hãy đề nghị nhà trường tổ chức các cuộc thảo luận hay hội thảo và đưa vấn đề này ra trước mọi người. Cho mọi người biết rằng vấn nạn này xảy ra hàng ngày. Người ta chỉ hành động vì một điều gì đó khi chú ý tới nó.
    • Bạn có thể nghĩ rằng mình đơn độc, hoặc bạn không biết ai có cùng hoàn cảnh như mình, nhưng đó chỉ là vì họ quá rụt rè nên ngại nói. Nếu lên tiếng khởi xướng, bạn có thể sẽ rất ngạc nhiên khi thấy có biết bao người cùng đứng về phía bạn.

Lời khuyên[sửa]

  • Đừng để tâm đến bất cứ điều gì kẻ bắt nạt nói. Nó không đáng cho bạn phải khóc! Đừng để những lời nói của họ ngăn cản bạn giành những mục tiêu của mình! Hãy tỏ ra tự tin, và cho kẻ bắt nạt thấy họ không thể gây ảnh hưởng lên bạn.
  • Một số kẻ bắt nạt có thể chỉ ghen tỵ với bạn. Họ bắt nạt bạn chỉ vì bạn có tài năng nào đó mà họ không có, vậy thì bạn hãy tự hào về việc mình đang làm. Chửi rủa không có gì vui. Thực ra, nguyên nhân sâu xa của kẻ bắt nạt là họ không làm được điều mà bạn có thể làm một cách xuất sắc.
  • Hiện nay trường học không phải là nơi hiệu quả để giải quyết tình trạng bắt nạt. Bạn phải cung cấp bằng chứng (và hầu hết mọi người đều không thể đưa ra chứng cớ về việc bắt nạt cảm xúc). Và bạn hãy nhớ rằng kẻ bắt nạt luôn có thể nói dối hoặc tìm nhân chứng giả đứng về phía họ. Trước tiên hãy nói với cha mẹ bạn và sau đó nói với ban quản lý nhà trường.
  • Giữ bình tĩnh mọi lúc, vì điều này sẽ làm một kẻ bắt nạt bối rối và bực tức vì mong muốn của họ là gây ra phản ứng tiêu cực.
  • Suy nghĩ kỹ và xem xét mọi thứ có thể làm cho kẻ bắt nạt không vui. Có thể họ không khỏe, ít bạn bè hoặc sợ hãi điều gì đó. Sau đó xét xem bạn thuộc về mặt nào trong số đó, có thể họ ghen tị vì bạn có lợi thế hơn họ. Hãy dùng hiểu biết này để làm dịu tình hình bằng cách tránh những chủ đề như thế khi bạn ở gần họ, hay những khi buồn phiền, bạn hãy nhớ về tất cả những điều bạn hơn họ.
  • Nếu trường học của bạn không giải quyết tình trạng bắt nạt đã trình báo, hãy thuyết phục cha mẹ chuyển bạn sang trường tư thục hoặc trường tự chủ công lập, nơi có thể đuổi hoặc đình chỉ việc học của những kẻ bắt nạt.
  • Nếu bị bắt nạt trên mạng, bạn hãy chụp lại những hình ảnh quấy rối của họ để làm chứng cớ, trình báo về việc bắt nạt, chặn họ, và can đảm nói với người khác rằng kẻ này đã bắt nạt bạn trên mạng.
  • Bạn có thể lo lắng rằng kẻ bắt nạt sẽ giận dữ nếu bạn kể với người khác, nhưng xét về lâu dài thì tốt nhất là bạn nên làm. Nếu bạn để cho ai đó giẫm lên bạn thì họ sẽ giẫm lên bạn mãi!
  • Đừng để kẻ bắt nạt thấy bạn khóc. Nếu thấy bạn phản ứng ủy mị như thế, họ sẽ càng bắt nạt bạn nhiều hơn.
  • Nếu họ chỉ làm bạn bực mình mà không gây hại đến bạn, đừng cư xử thô bạo với họ hoặc cố làm thân với họ. Nếu bạn hét lên với họ, thì có thể bạn bị xem là người có vấn đề, còn làm thân với họ thì bạn có thể phải đón nhận bao nhiêu rắc rối khác.
  • Đừng bao giờ giữ kín việc này – Điều đó chỉ làm tình hình xấu đi.
  • Nếu không phải là người thật tự tin, bạn hãy gắng hết sức đứng lên chống lại kẻ bắt nạt. Khi đã vượt qua được một lần, bạn sẽ tự tin hơn nhiều và sẽ có thể đứng lên đương đầu với những kẻ khác nữa.

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu kẻ bắt nạt là người lớn hoặc người đã trưởng thành và họ đang de dọa hoặc làm tổn thương bạn, hành vi này gọi là ngược đãi. Hãy nói ngay với người nào đó, hoặc gọi điện thoại cho cảnh sát (113).
  • Mỗi kẻ bắt nạt một khác. Một số kẻ vẫn tiếp tục bắt nạt ngay cả khi bạn đã tỏ ra không quan tâm họ nghĩ gì về bạn, do đó bạn cần phải báo cho thầy cô giáo biết về việc này.
  • Nói cho người có thẩm quyền biết (thầy cô giáo, cảnh sát, người lớn) và tiếp tục nói cho đến khi nào người ta lắng nghe bạn. Phải, phớt lờ là một cách hay để đối phó với việc bắt nạt, nhưng khiến cho mọi người nghe được tiếng nói của bạn vẫn tốt hơn.
  • Nhiều trẻ em được dạy rằng những kẻ bắt nạt sẽ không gây tổn hại về thể chất nếu họ chỉ lấy bạn làm trò vui. Điều này không phải lúc nào cũng đúng, và nó luôn có khả năng leo thang. Hãy cẩn thận khi ở gần kẻ bắt nạt, luôn ở những nơi công cộng hay chỗ có người (nhất là những người có chức trách) khi kẻ bắt nạt châm chọc bạn.
  • Cần nhắc lại là bạn đừng bận tâm đến những gì họ nói về bạn. Cũng đừng để bị đánh lừa. Nếu họ cố gắng có hành động tử tế với bạn và trông họ có vẻ thật tâm, bạn hãy cho họ cơ hội. Nhưng nếu họ có vẻ như giả vờ thì bạn cứ lờ đi.
  • Không đánh nhau với kẻ bắt nạt.
  • Không cản đường kẻ bắt nạt.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây