Đối phó với người đang quát mắng bạn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Bị quát mắng chắc chắn không phải là trải nghiệm dễ chịu. Khi bị ai đó lớn tiếng quát tháo, phản ứng bình thường của bạn có lẽ là cảm giác bị dọa nạt, đe nẹt và bị hạ thấp. Tuy nhiên, chìa khóa để đối phó với việc bị la hét chính là nhìn thấy sự thất bại trong cách giao tiếp của người đó. Cũng may, người mất kiểm soát không phải là bạn, và điều đó có nghĩa là bạn có thể thực hiện các bước kiểm soát cảm xúc của mình và mở ra cách tương tác khác hiệu quả hơn.

Ảnh minh họa

Các bước[sửa]

Giữ bình tĩnh[sửa]

  1. Cưỡng lại cảm giác muốn la hét lại. Càng ít phản ứng với sự kích động thì bạn càng có khả năng dùng óc xét đoán để xử lý tình huống tốt hơn.[1] Khi bị thách thức hoặc bực bội vì ai đó, bạn hãy hít một hơi thật sâu và đếm chậm đến 10 trước khi có lời nói hoặc hành động mà sau đó có thể khiến bạn phải hối hận.
    • Điều này bao gồm mọi hình thức chống trả hoặc phòng thủ. Hành động la hét lại chỉ là phản ứng dễ dãi mang tính bị động hơn là phản ứng chủ động.
    • Thái độ chỉ trích người đang la hét hoặc thách thức những gì họ nói sẽ chỉ khiến họ bị kích động thêm. Hơn nữa, chúng ta sẽ không thể suy nghĩ sáng suốt khi đang bị quát mắng. Đó là vì chúng ta đang bị đẩy vào trạng thái sợ hãi.[2]
  2. Cân nhắc các lựa chọn của bạn. Việc bạn bị ai đó la hét không có nghĩa là bạn hoàn toàn kẹt cứng. Điều này đúng trong nhiều tình huống, cho dù người đang la hét là một người lạ mất bình tĩnh khi đang xếp hàng, là sếp hoặc một người thân của bạn. Vì thế, hãy tách ra khỏi hiện tại một vài giây đủ để suy nghĩ bạn có nên chịu trận hay không.[1]
    • Bạn có thể quyết định chịu đựng vì việc phản ứng không đáng để bạn phải mất việc, nhưng bạn cũng có thể muốn chọn cách khác nếu hiện tượng la hét chắc chắn sẽ tái diễn, hoặc nếu người đó không quan trọng đến mức bạn phải chịu đựng.
    • Nghiên cứu cho thấy rằng hành vi quát mắng sẽ không có hiệu quả và chỉ gây tổn hại ngay cả khi được coi là “yêu cho roi cho vọt”.[3] Điều này có nghĩa là bất kể ý định của người la hét là gì, cách đối xử đó không bao giờ được coi là tốt, thậm chí không chấp nhận được.
  3. Tránh dung dưỡng hành vi la hét. Khi la hét nghĩa là chúng ta không tìm được cách nào để xử lý và phải viện đến hình thức thô bạo đó.[4] Nếu bạn chiều theo những điều mà người kia la hét thì nghĩa là bạn đang chấp thuận kiểu giao tiếp đó.
    • Nếu bạn nhận thấy mình đang thầm tìm những kẽ hở trong lý lẽ của người kia và phản đối trong đầu, hãy cứ cho phép mình làm như vậy. Có thể đó là cách để bạn nói với bản thân rằng bạn tự chủ và nắm quyền kiểm soát tình huống. Tuy nhiên bạn cần cẩn thận, đừng quá tập trung vào suy nghĩ của mình mà đánh mất khả năng quan sát.
  4. Đánh lạc hướng bản thân. Cho phép bản thân thoát ra khỏi tình huống hiện tại để đảm bảo rằng bạn không quá nhạy cảm và coi đó là sự công kích cá nhân. Cách tốt nhất để làm việc này mà không mất đi ý thức trong hiện tại là thấu hiểu người đang la hét.[5] Tập trung vào nét khổ sở và căng thẳng trên gương mặt người đó. Thay vì lắng nghe lời lẽ của người đang la hét, bạn hãy nhìn vào sự tuyệt vọng và bức xúc mà họ đang biểu lộ.
    • Nhớ rằng bạn không chấp nhận người la hét. Bạn chỉ thấu hiểu để thấy được phần đáng thông cảm của người đó khi bạn phản ứng lại.
    • Làm lành theo cách mà bạn có thể làm, nhưng đừng tỏ ra thái quá hoặc hòa bình giả tạo. Điều này có thể đổ thêm dầu vào lửa vì người đó có thể diễn giải hành động của bạn thành sự trêu chọc hoặc thái độ kẻ cả. Một cách hay để làm lành là biểu lộ sự ngạc nhiên thực sự trước thái độ của người đó. Bằng cách này, bạn có thể tỏ ra bạn bị bất ngờ và ngụ ý với người đó rằng la hét là hành vi gây nhiễu loạn.

Phản ứng để làm dịu tình hình[sửa]

  1. Cân nhắc tìm thời gian để lấy lại bình tĩnh. Nếu tình huống cho phép, bạn hãy cố gắng hết sức bình tĩnh đề nghị người đó cho bạn vài phút để lắng xuống trước khi phản ứng với những điều họ đang la hét. Bạn chỉ cần đơn giản diễn đạt rằng việc quát mắng là quá sức chịu đựng của bạn, và bạn muốn sau 5 phút nữa mới nói chuyện để lấy lại bình tĩnh. Như vậy là bạn cũng cho người kia một không gian mà có lẽ họ không nhận ra là họ đang cần.
    • Điều này cũng giúp giảm rủi ro cuộc đối thoại sau đó bùng nổ thành cuộc chiến nảy lửa. Bằng việc đưa ra đề nghị này, bạn cũng cho người la hét biết rằng chính họ đã kích động phản ứng mạnh mẽ như ý họ muốn.
  2. Nói chuyện về hành vi của người vừa la hét.[6] Cho họ biết việc quát tháo của họ khiến bạn cảm thấy thế nào. Nhớ đưa vào những điều mà bạn quan sát được về tình huống (ví dụ, “Tôi rất khó tập trung xem anh đang nói gì vì anh nói quá to”). Bạn cũng nên nói với người đó về cảm giác của bạn trong tình huống đó (ví dụ, “Tôi thấy sợ hãi và bối rối khi bị quát mắng”).
    • Ví dụ, người yêu của bạn la mắng bạn vì bạn bỏ quên vé khi đi xem hòa nhạc. Khi người ấy ngừng lời, bạn hãy nói rằng bạn thấy sợ hãi và căng thẳng. Bạn cũng có thể nói thêm rằng những người qua đường đang nhìn với ánh mắt ngạc nhiên hoặc thương hại. Điều này sẽ khiến người yêu của bạn sẽ phải để tâm đến các cảm giác của bạn ngoài cảm giác của chính họ.
    • Trường hợp khác, bạn có thể bị sếp mắng vì nhầm lẫn khi gửi hóa đơn cho khách hàng. Nói với sếp rằng bạn cảm thấy bị tổn thương và lo sợ khi sếp của bạn lớn tiếng trên mức bình thường, và rằng điều đó khiến bạn càng khó tập trung hơn vào công việc vì bạn đang phải tự bảo vệ mình.
  3. Đề nghị họ không tiếp tục la hét nữa.[7] Nếu đã chia sẻ rằng việc bị quát mắng đã tác động tiêu cực đến bạn như thế nào, bạn hoàn toàn có lý do để yêu cầu điều đó không lặp lại lần nữa. Để tránh sự giận dữ leo thang, bạn hãy nói những câu như “Tôi không hiểu hết được khi nghe la hét, nhưng tôi quan tâm đến những điều anh nói với tôi. Anh có thể nêu vấn đề bằng giọng bình thường như chúng ta đang nói bây giờ được không?”
    • Khi đưa ra đề nghị, bạn nên nói cụ thể về những điều bạn muốn. Mặc dù ai cũng biết rằng nói chuyện nhẹ nhàng bao giờ cũng tốt hơn la hét, bạn vẫn cần nói rõ bạn muốn được nói chuyện như thế nào. Cũng như ví dụ trên, nói một cách cụ thể có nghĩa là bạn không dùng những câu như “Tại sao anh không nói bình thường được vậy?”
    • Nếu bạn nghĩ người la hét quá nhạy cảm hoặc họ sẽ diễn giải đề nghị của bạn như sự công kích cá nhân, bạn có thể nói đệm thêm một số điều tích cực. Nghĩ về những đóng góp của người đó và nhắc rằng bạn cảm phục họ như thế nào, chẳng hạn như họ luôn có biểu hiện nhiệt tình.
  4. Nói chuyện với âm lượng thấp. Giọng nói nhỏ nhẹ và từ tốn là một cách tuyệt vời để thay đổi trạng thái tương tác. Người đang la hét sẽ buộc phải hạ giọng cho giống bạn hơn vì nhận thấy được sự tương phản rõ rệt với giọng nói của bạn. Một lợi ích nữa là họ sẽ phải cố gắng hơn để nghe bạn nói, cũng đồng nghĩa rằng họ có chuyển biến đôi chút. Điều này sẽ giúp chuyển trọng tâm từ cảm giác giận dữ và căng thẳng sang nội dung mà bạn đang nói.
  5. Xác định liệu bạn có muốn hòa giải không.[8] Khi đã thực hiện các bước để làm dịu tình hình, giờ thì bạn có quyền chọn cách giảng hòa hoặc đơn giản bỏ đi. Khi quyết định, bạn hãy cân nhắc quan hệ của bạn với người đó, khả năng bạn gặp họ lần sau là khi nào, và thông thường bạn cần thời gian bao lâu để vượt qua một tình huống gây khó chịu.
    • Nếu người la hét bạn là người mà bạn không thể hoặc không muốn cắt đứt quan hệ, bạn có thể làm lành bằng cách nhớ rằng hành vi la hét xuất phát từ đâu. Nói cho cùng, hành vi la hét là biểu hiện bất bình của tình cảm mãnh liệt hoặc quan tâm về một điều nào đó.[7]
    • Nếu chọn cách bỏ đi, bạn hãy nhớ rằng có thể lần sau sẽ xảy ra cuộc chạm trán căng thẳng khi bạn gặp lại người đó.

Phản ứng để tránh nguy hiểm[sửa]

  1. Hiểu về quyền của bạn. Việc hiểu về quyền của mình trong những tình huống như thế này là điều quan trọng. Bạn hãy nâng cao sự tự tin và xua đi nỗi sợ hãi khi bị quát mắng bằng cách xem xét các quyền của bạn trong đầu. Ví dụ, bạn luôn có quyền được đối xử với sự tôn trọng và được có không gian riêng.
    • Tại cơ quan, quyền được làm việc trong môi trường trật tự và không bị đe dọa có thể bị khỏa lấp bởi vị trí của bạn hoặc vì bạn cần phải giữ thái độ được coi là “đúng mực”. Tuy nhiên, cho dù sếp của bạn có nhiều quyền quyết định hơn bạn trong công ty, bạn vẫn luôn luôn có quyền phản kháng trong các tình huống đe dọa đến quyền lợi của mình. Nếu việc quát mắng xảy ra thường xuyên, bạn có thể tham khảo phòng nhân sự hoặc tài liệu hướng dẫn nhân viên về các chính sách giải quyết xung đột giữa các nhân viên.[9]
    • Khi người yêu la mắng bạn, có thể bạn sẽ dễ dàng cho rằng họ làm vậy chẳng qua là vì tình yêu hoặc vì họ mong muốn tiếp tục mối quan hệ. Tuy nhiên, bạn hãy nghĩ xem việc la mắng đó có thường xuyên diễn ra trong mối quan hệ mà bạn đang cố gắng giữ gìn không. Bạn có quyền bày tỏ nhu cầu của mình, và việc không bị đe dọa hay chi phối là một quyền cơ bản của bạn.
  2. Chấm dứt liên lạc. Nếu người đó vẫn luôn quát mắng bạn dù bạn đã cố gắng nói cho họ biết hành vi đó gây hại cho bạn thế nào, có lẽ việc cắt đứt liên lạc là cách tốt nhất để bạn tự bảo vệ mình. Tùy vào mối quan hệ của bạn với người đó, bạn có thể tránh gặp mặt và gửi một email ngắn nói rằng bạn không muốn liên lạc với họ nữa. Bạn có quyền đặt ra giới hạn.
  3. Cầu viện sự giúp đỡ từ bên ngoài. Có phải người đang la hét dường như không thể nguôi bớt? Có phải bạn lo sợ hành vi của họ đang đe dọa đến sinh kế của bạn? Nếu bạn cảm thấy tình huống đang leo thang đến mức thực sự nguy hiểm, bạn đừng ngần ngại gọi ngay đến dịch vụ đường giây nóng. Nếu tình huống nguy cấp, hãy gọi số 113 (lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh).[10].
    • Nếu việc quát tháo xảy ra trong gia đình, ngoài số điện thoại 113, bạn có thể gọi đến đường dây nóng số 1800 1567 để được giúp đỡ.[11]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này