Đối phó với những ý nghĩ tiêu cực

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Một điều hết sức tự nhiên là ai cũng có những ý nghĩ tiêu cực vào lúc này hay lúc khác. Tuy nhiên lối suy nghĩ quá tiêu cực có thể gây ra nhiều rắc rối. Nếu được tự do phát triển, chúng có thể tác động lên nhiều mặt trong đời sống và hạnh phúc của chúng ta, kể cả sức khỏe thể chất.[1] Có nhiều phương pháp đơn giản có thể giúp bạn thay đổi lối suy nghĩ đó và mở ra cáí nhìn tích cực hơn, bao gồm độc thoại, tưởng tượng, và đánh lạc hướng bản thân. Bạn hãy đọc tiếp để biết thêm về cách đối phó với các ý nghĩ tiêu cực.

Các bước[sửa]

Hiểu về lối suy nghĩ tiêu cực của bạn[sửa]

  1. Hiểu rằng những suy nghĩ tiêu cực cũng có vai trò của chúng. Tuy phiền toái và gây cảm giác bất an, nhưng ý nghĩ tiêu cực cũng có mục đích tốt. Một số nhà tâm lý học còn tin rằng một chút bi quan cũng có lợi, bởi nó buộc chúng ta phải tháo vát và suy xét khi sự việc xảy ra không như mong muốn.[2]
    • Biết rằng không chỉ riêng bạn có những ý nghĩ tiêu cực. Lối suy nghĩ tiêu cực chiếm một phần lớn trong tư duy của chúng ta, thậm chí còn là một thuộc tính tâm lý của loài người. Cũng như tổ tiên chúng ta, con người không ngừng tìm hiểu môi trường xung quanh và nỗ lực đem lại sự đổi thay tốt đẹp hơn. Quá trình này phát sinh vấn đề khi chúng ta bắt đầu tin rằng những suy nghĩ tiêu cực đó là đúng.[3]
  2. Biết khi nào những suy nghĩ tiêu cực trở nên rắc rối. Những ý nghĩ tiêu cực sẽ gây rắc rối khi chúng tác động đến hành vi và gây phiền toái trong cuộc sống hàng ngày của bạn. Khi đó có thể bạn cần tìm sự giúp đỡ của chuyên gia sức khỏe tâm thần. Các vấn đề của bạn sẽ trở nên căng thẳng khi bị sự tiêu cực chi phối, vì bạn đang chờ đợi điều xấu xảy ra. Hiện tượng này được coi là “lời tiên tri tự ứng nghiệm”, diễn tả vòng luẩn quẩn khi lối suy nghĩ hoặc sự chờ đợi của bạn về một tình huống nào đó tạo thành một thói quen mới, và thói quen này khiến sự chờ đợi của bạn biến thành sự thật.[4]
    • Ví dụ: Bạn nghĩ ngày mai mình sẽ thi trượt môn tiếng Anh. Với lối suy nghĩ là đằng nào rồi cũng trượt, hành vi của bạn sau đó sẽ là không chuẩn bị cho bài kiểm tra. Và thế là bạn trượt thật. Hậu quả lâu dài của việc này là bạn bắt đầu nghĩ rằng mình ngu dốt hoặc luôn kém cỏi khi làm bài kiểm tra, và cách suy nghĩ này dẫn đến những vấn đề khác trong việc thi cử.[2]
  3. Lưu ý về các kiểu suy nghĩ tiêu cực. Lối suy nghĩ tiêu cực xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau. Việc nhận thức về những kiểu suy nghĩ này có thể giúp bạn biết khi nào mình đang suy nghĩ tiêu cực, đồng thời cố gắng chống lại lối suy nghĩ đó. Không phải mọi ý nghĩ tiêu cực đều phù hợp với một kiểu nào đó, nhưng có một số dạng suy nghĩ tiêu cực phổ biến có thể đang diễn ra trong đầu bạn.[5]
    • Sàng lọc: bạn bỏ qua mọi khía cạnh tích cực của tình huống. Ví dụ, nếu bạn thi đạt một môn cực khó với điểm C+ mà trước đó bạn hy vọng đạt điểm A, có thể bạn sẽ nghĩ “Mình là sinh viên hạng xoàng”.
    • Tư duy trắng hoặc đen: bạn không chịu nhìn nhận những vùng màu xám, đồng thời đánh giá theo kiểu “tất cả hoặc không có gì”. Ví dụ, nếu bạn đạt điểm B- khi mong chờ mình được điểm A, bạn có thể nghĩ về bản thân như, “Mình là kẻ thất bại”.
    • Khái quát hóa quá mức: bạn mặc định rằng điều nào đó đã xảy ra một lần thì nó sẽ xảy ra lần nữa. Ví dụ, nếu bạn đạt điểm B- khi bạn hy vọng đạt điểm A, có thể bạn sẽ nghĩ, “Mình sẽ chỉ toàn được B- khi làm bài kiểm tra”.
    • Kết luận vội vã: bạn tự cho rằng mình biết người khác nghĩ gì hoặc cảm thấy như thế nào. Ví dụ, nếu bạn đạt điểm B- khi đang chờ đợi điểm A, bạn có thể nghĩ rằng, “Thầy giáo nghĩ rằng mình dốt”.
    • Trầm trọng hóa vấn đề: bạn nghĩ rằng điều xấu nhất sẽ luôn xảy ra. Ví dụ, trước mỗi lần làm bài kiểm tra, bạn đều nghĩ rằng, “Mình sẽ bị điểm thấp nhất lớp!”
    • Cá nhân hóa: bạn tin rằng bạn có tác động đến những tình huống hay sự kiện nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn trong thực tế. Ví dụ, nếu bạn luôn bị sếp la hét, bạn có thể nghĩ , “Mình đã làm cho sếp lúc nào cũng la hét, đó là lỗi tại mình”.
    • Ngụy biện về quyền kiểm soát: bạn cảm thấy mình hoàn toàn không kiểm soát được hoặc có toàn quyền kiểm soát. Ví dụ, bạn có thể nghĩ, “Mình không thể làm gì để đạt được điểm A môn toán”.
    • Ngụy biện về tính công bằng: bạn tin rằng những điều xảy ra là do cuộc sống vốn không công bằng. Ví dụ, bạn có thể nghĩ, “Mình bị điểm B- môn toán bởi vì cuộc sống luôn bất công mà”.
    • Đổ lỗi: bạn cho rằng những người khác chịu trách nhiệm về những cảm xúc của bạn. Ví dụ, bạn có thể nghĩ rằng, “Lan Anh chuyên môn làm mình bực bội”.
    • Lý luận theo cảm xúc: bạn mặc định rằng cảm giác ban đầu là đúng chỉ vì bạn đã từng có cảm giác đó. Ví dụ, bạn có thể tự nhủ, “Mình có cảm giác mình là kẻ thất bại, vì thế mình là kẻ thất bại”.
    • Ngụy biện về sự thay đổi: bạn tin rằng những người khác phải thay đổi để bạn được vui. Ví dụ, bạn có thể nghĩ, “Mình sẽ chẳng bao giờ có thể vui được trừ khi Lan Anh thay đổi thái độ”.
    • Dán nhãn toàn bộ: bạn gắn nhãn xấu cho bản thân hoặc cho những người khác vì một sự kiện hoặc hành động nào đó. Ví dụ, Nếu bạn quên không ôn tập cho một bài kiểm tra, bạn có thể nghĩ, “Mình không đáng tin cậy”.[5]
  4. Ghi nhật ký suy nghĩ để hiểu rõ hơn điều gì đã thúc đẩy các ý nghĩ tiêu cực ở bạn. Bạn có thể bắt đầu hiểu rõ hơn và có thể xử lý những ý nghĩ tiêu cực khi ghi lại những suy nghĩ đó. Bắt đầu bằng cách ghi lại một sự kiện mà bạn ước gì nó xảy ra khác đi, hoặc bạn nghĩ mình có thể xử lý tốt hơn. Bạn cũng nên theo dõi những cảm giác của mình về sự kiện đó, nếu có thể.[6]
    • Ví dụ, bạn có thể ghi lại một sự kiện như, “Mình đã làm bài kiểm tra tiếng Anh không tốt. Mình cảm thấy lo lắng trước khi làm bài kiểm tra vì nó làm mình nhớ lại bài kiểm tra lần trước mình đã không đạt”.
  5. Xác định những ý nghĩ vô thức của bạn. Ngoài những ý nghĩ tiêu cực về tình huống, bạn cũng nên ghi lại những ý nghĩ vô thức của mình. Đó là những ý nghĩ luôn bất giác nảy ra trong đầu bạn. Chúng đến mà không báo trước và không cần lý do.[6]
    • Ví dụ bạn có thể bất giác nghĩ, “Mình ngu ngốc”. “Mình là người đáng thất vọng”, hoặc “Đời mình sẽ không bao giờ thành công”.
  6. Xác định kiểu suy nghĩ tiêu cực mà bạn đang có. Xem lại những kiểu suy nghĩ tiêu cực phổ biến nhất để biết bạn đang rơi vào kiểu suy nghĩ nào. Nêu tên kiểu suy nghĩ của bạn trong nhật ký sau khi đã xác định.[6]
    • Ví dụ, nếu bạn nghĩ, “Mình thật ngu ngốc”, khi đó bạn có thể nêu tên của suy nghĩ này là: “Tư duy trắng hoặc đen”, bởi vì bạn đang bỏ qua những việc tốt của mình.
  7. Xác định những lo âu tiềm ẩn. Để đối phó với những suy nghĩ tiêu cực, bạn cần hiểu hơn về những suy nghĩ đó, cả những định kiến và những niềm tin gắn liền với chúng. Chọn một ý nghĩ tiêu cực và ngẫm nghĩ về những lo âu có thể dẫn đến ý nghĩ đó.[7]
    • Ví dụ, bạn có thể có ý nghĩ tiêu cực như, “Mình thật ngu ngốc”. Động lực đưa tới ý nghĩ này có thể gắn liền với việc bạn nghi ngại về trí thông minh và năng lực tự nhiên của mình.
  8. Xem xét gốc rễ của những ý nghĩ tiêu cực. Đừng quên rằng những suy nghĩ tiêu cực của bạn liên quan đến niềm tin hoặc định kiến trong đầu bạn. Quan trọng là bạn cần cố gắng tìm ra gốc rễ của niềm tin hoặc định kiến đó và quyết tâm loại bỏ chúng.[6]
    • Ví dụ, nếu bạn thường có những suy nghĩ lo lắng rằng mình sẽ trượt kỳ thi, bạn hãy xét đến vai trò của cha mẹ và thầy cô trong việc tạo nên niềm tin đó. Có phải họ thường nói rằng bạn sẽ không thể thành công trong cuộc sống nếu cứ liên tục thi trượt?
  9. Thách thức những ý nghĩ của bạn. Bạn cũng có thể hiểu rõ hơn về những ý nghĩ của mình bằng việc đặt các câu hỏi nghi vấn. Phương pháp này có thể áp dụng khi bạn ý thức được và có khả năng nhận ra những ý nghĩ tiêu cực đó. Mục đích của việc này là giúp bạn nhận ra rằng hầu hết các suy nghĩ đều không phải là sự thực mà chỉ là phản ứng với một điều gì đó. Bạn hãy hỏi bản thân những câu sau:[6][8]
    • Ý nghĩ đó có đúng không?
    • Nếu bạn cho đó là đúng, vậy thì tại sao bạn biết rằng nó đúng? Bạn có bằng chứng gì?
    • Bạn phản ứng với những ý nghĩ tiêu cực như thế nào? Điều đó dẫn bạn đến hành động, suy nghĩ và cảm giác gì?
    • Hành động và hành vi của bạn sẽ thay đổi ra sao nếu không có những ý nghĩ đó?
  10. Xác định những lĩnh vực cần thay đổi. Việc tìm ra những lĩnh vực cần phải thay đổi sẽ giúp bạn chuyển hướng chú ý và tạo ra nhiều điều tốt đẹp cho cuộc sống của mình. Bạn hãy tự hỏi mình, phải chăng những suy nghĩ của bạn thường gắn liền với những khía cạnh nào đó trong cuộc sống, chẳng hạn như nghề nghiệp, mối quan hệ hay sức khỏe? Chọn một trong những lĩnh vực đó và tìm ra những việc mà bạn có thể làm để cải thiện tình huống.
    • Ví dụ, nếu công việc luôn khiến bạn căng thẳng, bạn hãy suy nghĩ xem mình có thể thay đổi được gì. Có thể bạn vẫn cần làm việc nhiều giờ, nhưng chắc hẳn bạn đang làm việc quá mức. Bạn có thể tìm cách cắt bớt những nhiệm vụ không cần thiết hoặc cải thiện việc quản lý thời gian của mình. Ngoài ra, bạn có thể học các phương pháp giúp giảm stress.

Thảo luận về các ý nghĩ tiêu cực[sửa]

  1. Hiểu lợi ích của việc xử trí những ý nghĩ của bạn bằng cách nói lên thành tiếng. Ngoài việc ghi lại và suy xét về những ý nghĩ tiêu cực, bạn có thể lên tiếng đối phó với những suy nghĩ tiêu cực của mình. Những lời độc thoại tích cực có thể giúp bạn dần dần thay đổi cách nhìn và bớt chỉ trích bản thân mình.[9]
  2. Chỉnh lại các ý nghĩ tiêu cực khi chúng xuất hiện. Để khởi đầu lời độc thoại tích cực, bạn đừng để các ý nghĩ tiêu cực trôi qua mà không sửa lại thành điều tích cực. Ban đầu có lẽ sẽ khó khăn, nhưng dần dần việc thực hành sẽ trở nên dễ dàng hơn và bạn sẽ bắt đầu phát triển cái nhìn tích cực hơn. Nếu lần sau khi một ý nghĩ tiêu cực xuất hiện, bạn hãy biến nó thành ý nghĩ tích cực.[9]
    • Ví dụ, khi trong đầu bạn xuất hiện ý nghĩ, “Mình không bao giờ giảm cân được”, bạn hãy tự bắt mình chỉnh lại ý nghĩ đó thành một lời khẳng định tích cực. Bạn có thể nói những câu như, “Mình sẽ tiếp tục cố gắng giảm cân”. Qua việc thay đổi ý nghĩ tiêu cực thành một lời khẳng định đầy hy vọng, bạn đang buộc mình phải tập trung vào mặt tích cực của tình huống.
  3. Chỉ ra rằng những suy nghĩ của bạn không phải là sự thực. Bạn có thể đối phó với những suy nghĩ tiêu cực của mình bằng cách khẳng định rằng chúng chỉ là những ý nghĩ và không phản ánh con người của bạn. Mỗi khi một ý nghĩ nào đó xuất hiện, bạn hãy nói suy nghĩ đó lên thành tiếng, và bạn cần biết rằng đó chỉ là một ý nghĩ.
    • Ví dụ, nếu trong đầu bạn xuất hiện ý nghĩ, “Mình là kẻ thất bại”, bạn hãy nhận thức rằng đó chỉ là một ý nghĩ. Bạn có thể làm điều này bằng cách tự nói với bản thân mình, “Mình có suy nghĩ rằng mình là kẻ thất bại”.[3]
  4. Xác định động lực đằng sau những suy nghĩ tiêu cực của bạn. Đừng quên rằng đôi khi những suy nghĩ tiêu cực xuất hiện là có lợi. Có những lúc trí não chỉ cố gắng giúp bạn không vướng vào những rắc rối hoặc bảo vệ bạn trước việc không may có thể xảy ra. Tuy nhiên điều đó cũng không có nghĩa rằng chúng không gây phiền toái cho bạn. Nó đồng nghĩa với việc bạn phải tìm một phương cách khác để xử lý những kiểu suy nghĩ như vậy. Lên tiếng cảm ơn tâm trí của mình là một cách để bạn đối phó với các suy nghĩ tiêu cực, vốn dĩ là do tâm trí đang cố gắng bảo vệ bạn.
    • Ví dụ, bạn có thể nghĩ, “Mình sẽ đi làm muộn vì vụ kẹt xe này, và sẽ bị sếp mắng”. Khi đó, bạn có thể tự nói với mình, “Cảm ơn tâm trí. Cảm ơn bạn vì đã lo cho tôi, nhưng hiện giờ bạn không cần phải làm gì cả".[3]
  5. Xác định những "câu chuyện" của bạn. Bạn có thể giảm bớt tác hại của các kiểu suy nghĩ tiêu cực nếu bạn dán nhãn cho các ý nghĩ đó tùy vào kiểu câu chuyện mà chúng kể. Nói cách khác, bạn có thể có nhiều kiểu suy nghĩ, nhưng rút gọn lại thì tất cả đều có một ý nghĩa cơ bản giống nhau. Việc tìm ra những kiểu suy nghĩ tiêu cực của bạn và dán nhãn cho chúng có thể giúp bạn để những ý nghĩ đó trôi qua.
    • Ví dụ, nếu bạn thường nghĩ, “Mình làm việc thật tệ”, bạn có thể nói lại với bản thân, “Ồ, đây là câu chuyện “Tôi là nhân viên tồi”.[3] Khi xác định một ý nghĩ theo cách này, bạn đang tự nhắc nhở mình rằng bạn thường có những kiểu suy nghĩ như vậy.
  6. Biến những ý nghĩ tiêu cực của bạn thành một bài hát. Thỉnh thoảng bạn có thể bông đùa để xác định và sửa chữa một ý nghĩ tiêu cực. Nghe có vẻ buồn cười, nhưng bạn có thể xua tan những ý nghĩ tiêu cực của mình bằng cách hát lên. Bạn có thể dùng giai điệu của một bài hát quen thuộc như “Bắc kim thang” hay “Happy birthday” để biến những suy nghĩ tiêu cực của bạn thành lời ca.
    • Nếu không có hứng thú hát, bạn có thể diễn đạt những suy nghĩ tiêu cực của mình với giọng nói hài hước, như một nhân vật hoạt hình nào đó.[3]

Phát triển những ý nghĩ tích cực[sửa]

  1. Chấp nhận rằng những suy nghĩ tiêu cực vẫn tiếp tục xuất hiện. Suy nghĩ tiêu cực không phải là điều đáng xấu hổ; sự lo âu dẫn đến những ý nghĩ tiêu cực, và chúng không đại diện cho con người của bạn. Ước muốn xua tan những ý nghĩ tiêu cực sẽ chỉ làm tình hình xấu đi. Những ý nghĩ tiêu cực sẽ giảm bớt theo thời gian và với sự tập luyện. Bạn có thể kiểm soát tác động của những suy nghĩ tiêu cực lên mình một khi bạn vẫn giữ được thói quen xem xét những ý nghĩ của bạn và vai trò của chúng.[10]
  2. Đánh lạc hướng mình bằng những hoạt động tích cực. Bạn sẽ không có nhiều thì giờ để đắm chìm trong suy nghĩ khi bận rộn. Hơn nữa sự bận rộn còn nhắc nhở bạn về những điều mà bạn yêu thích. Hãy tìm những hoạt động lý thú hoặc thử một điều gì đó mới mẻ. Bạn có thể thử những hoạt động sau:
    • Đi bộ thể dục: giúp bạn thư giãn đầu óc và giảm stress qua hoạt động thể chất.
    • Đi dạo ở một nơi yêu thích, ví dụ như công viên.
    • Xem phim hoặc show hài trên ti vi, đọc truyện vui, hoặc nghe chương trình radio yêu thích.[10]
    • Dành thời gian ở bên cạnh bạn bè, gia đình hay cộng đồng. Việc duy trì sự kết nối với những người khác có thể giúp bạn cảm thấy tích cực hơn và bớt những ý nghĩ về mình.[11]
  3. Chăm sóc bản thân. Việc chăm sóc tốt bản thân cũng có thể giúp bạn đối phó với những suy nghĩ tiêu cực. Ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc và thường xuyên tập thể dục, bạn sẽ thấy khỏe khoắn hơn về thể chất và cả tinh thần.[12][13] Bạn nhớ ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi đầy đủ và tập thể dục đều đặn để đạt tới trạng thái khỏe mạnh và hạnh phúc nhất.
    • Cố gắng áp dụng chế độ ăn cân bằng, bao gồm nhiều hoa quả và rau tươi, ngũ cốc nguyên hạt và đạm gầy. Tránh các thức ăn có hại cho sức khỏe, hạn chế đường và quá nhiều chất béo.[14]
    • Ngủ 7-8 tiếng mỗi đêm. Nhớ rằng đây chỉ là thời gian khuyến nghị cho người trưởng thành. Một số người có thể ngủ ít hơn 7 tiếng hoặc cần ngủ nhiều hơn 8 tiếng mỗi đêm.[15]
    • Tập thể dục 30 phút một ngày, mỗi tuần ba ngày. Dù chỉ là 30 phút đi bộ hoặc hai lần đi dạo trong 15 phút cũng có thể tính vào việc tập thể dục.[11][16]
  4. Khích lệ bản thân với những lời khẳng định tích cực. Những lời tích cực có thể giúp bạn đối phó với các cảm xúc tiêu cực thường đi kèm với những ý nghĩ tiêu cực. Mỗi ngày dành một vài phút đứng trước gương và nói điều gì đó động viên mình. Bạn có thể nói một điều gì đó mà bạn tin mình có hoặc một điều mà bạn muốn tin vào mình.[17] Một số câu khẳng định tích cực có thể bao gồm:
    • “Tôi là người thông minh.”
    • “Tôi là một người bạn chu đáo.”
    • “Mọi người thích ở bên cạnh tôi.”
  5. Tha thứ cho chính mình khi mắc sai lầm. Việc tha thứ cho mình như tha thứ cho bạn bè là một phần quan trọng trong việc học cách đối phó với những ý nghĩ tiêu cực. Nếu bạn đang đối mặt với những ý nghĩ tiêu cực bắt nguồn từ những lỗi lầm mà bạn đã mắc phải, bạn cần học cách tha thứ cho chính mình. Tập tha thứ cho chính mình khi trót mắc lỗi lầm như bạn tha thứ cho người bạn thân thiết của mình là một cách để bắt tiếng nói chỉ trich bên trong bạn phải im lặng.
    • Lần sau nếu có phạm lỗi lầm, bạn hãy hít một hơi sâu và cố gắng ngăn chặn mọi ý nghĩ tiêu cực. Thay vào đó, bạn có thể tập nói những câu như, “Mình đã làm sai một việc, nhưng điều đó không biến mình thành người xấu”.[18]
  6. Chúc mừng bản thân vì những thành công nho nhỏ. Có một cách nữa để đánh bại lối suy nghĩ tiêu cực là tự chúc mừng khi bạn làm được một điều tốt và tự nhắc nhở mình về những điều tốt đẹp bạn đã làm được trước kia. Bằng những lời khen thỉnh thoảng tự thưởng cho mình, bạn có thể tập trung vào những phẩm chất tốt đẹp của bạn và ngừng chìm trong những ý nghĩ và cảm giác tiêu cực.[18]
    • Ví dụ, thay vì cứ mãi quẩn quanh với một sự kiện không vui đã xảy ra ở trường, bạn hãy chọn một thành quả của bạn và chúc mừng mình. Bạn có thể nói những câu như, “ Hôm nay mình đã làm được một điều tuyệt vời trong tiết học gym!”.

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu những ý nghĩ tiêu cực lớn đến mức bạn không thể đối phó một mình, bạn hãy nhờ sự giúp đỡ của một chuyên gia có giấy phép. Chuyên gia trị liệu có thể giúp bạn đối phó với những ý nghĩ tiêu cực bằng những phương pháp trị liệu siêu nhận thức.

Cảnh báo[sửa]

  • Thay đổi những ý nghĩ tiêu cực cần có thời gian và sự quyết tâm.Theo một nghĩa nào đó, bạn đang phá vỡ một thói quen cũ. Bạn đừng mong thay đổi ngay trong ngày một ngày hai mà hãy kiên nhẫn với bản thân mình. Qua thời gian, bạn sẽ thấy mọi việc sẽ đi theo hướng tích cực.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.mayoclinic.org/healthy-living/stress-management/in-depth/positive-thinking/art-20043950
  2. 2,0 2,1 http://psychcentral.com/lib/how-to-beat-negative-thinking/?all=1
  3. 3,0 3,1 3,2 3,3 3,4 http://www.psychologytoday.com/blog/shyness-is-nice/201305/stop-fighting-your-negative-thoughts
  4. https://www.mentalhelp.net/articles/cognitive-theory-and-addiction-thoughts-beliefs-expectations/
  5. 5,0 5,1 http://psychcentral.com/lib/15-common-cognitive-distortions/
  6. 6,0 6,1 6,2 6,3 6,4 http://www.cognitivetherapyguide.org/thought-records.htm
  7. http://psychcentral.com/lib/becoming-aware-of-your-depressive-thoughts/
  8. http://blogs.psychcentral.com/mindfulness/2011/08/the-four-questions-to-rid-automatic-negative-thoughts/
  9. 9,0 9,1 http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/stress-management/in-depth/positive-thinking/art-20043950?pg=2
  10. 10,0 10,1 http://www.calmclinic.com/anxiety/symptoms/bad-thoughts
  11. 11,0 11,1 http://www.webmd.com/balance/tc/dealing-with-negative-thoughts-topic-overview?page=2
  12. http://www.nhlbi.nih.gov/health/health-topics/topics/sdd/why
  13. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/depression/in-depth/depression-and-exercise/art-20046495
  14. http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/nutrition-and-healthy-eating/in-depth/how-to-eat-healthy/art-20046590
  15. http://www.webmd.com/sleep-disorders/features/adult-sleep-needs-and-habits
  16. http://www.mayoclinic.org/healthy-living/stress-management/in-depth/positive-thinking/art-20043950?pg=2
  17. http://www.webmd.com/mental-health/tc/building-self-esteem-topic-overview
  18. 18,0 18,1 http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/adult-health/in-depth/self-esteem/art-20045374

Liên kết đến đây