Điều trị lở miệng

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Nhiễm vi-rút Herpes Simplex hay lở miệng, rộp môi (mụn nước đi kèm sốt) là tổn thương gây đau hình thành trên môi, cằm, má hoặc lỗ mũi. Mụn nước thường biến thành vết loét đóng vảy vàng rồi biến mất trong vòng vài tuần. Không may là nếu bị lở miệng cho vi-rút Herpes Simplex (loại 1) thì tình trạng này sẽ liên tục tái phát và có nguy cơ lây nhiễm cao. Mặc dù hiện không có vắc-xin ngừa hay cách chữa khỏi nhưng bạn có thể áp dụng nhiều phương pháp giúp giảm cơn đau do lở miệng, tăng tốc độ chữa lành và ngăn lở miệng lây lan.

Ảnh minh họa

Các bước[sửa]

Điều trị lở miệng bằng cách thay đổi lối sống[sửa]

  1. Xác nhận chẩn đoán bị lở miệng. Lở miệng cũng giống như rộp môi nhưng khác với viêm loét miệng (nhiệt miệng). Nhiệt miệng là tình trạng viêm loét bên trong miệng. Mặc dù đôi khi có thể xuất hiện trong miệng nhưng lở miệng thường nhỏ hơn vết nhiệt miệng và bắt đầu ở dạng như mụn nước. Nhiệt miệng không lây nhiễm, không phải do vi-rút nên phương pháp điều trị cũng khác với lở miệng.
  2. Nhận biết dấu triệu của chứng lở miệng sắp bùng phát. Trước khi lở miệng xuất hiện, bạn sẽ cảm thấy hơi ngứa ran hoặc nóng bừng ở quanh miệng, nơi lở miệng sẽ bùng phát. Phát hiện dấu hiệu báo trước càng sớm thì bạn càng có thể nhanh chóng hành động để nhanh phục hồi hơn.
    • Bạn có thể sẽ cảm thấy có vết sưng hoặc cứng trên da, đi kèm với cảm giác ngứa ran.
    • Các triệu chứng báo trước khác gồm có ngứa môi hoặc vùng da quanh miệng, đau họng, sưng tuyến và đau khi nuốt, sốt.[1]
  3. Kiểm soát cơn đau ngay khi có dấu hiệu đầu tiên. Vi-rút Herpes Simplex mang tính lây lan cao nên bạn cần tránh hôn hoặc tiếp xúc miệng-đến-cơ-thể trong thời gian bị lở miệng. Ngoài ra, tránh dùng chung dụng cụ ăn uống, cốc hoặc ống hút với người khác, đồng thời rửa sạch bát đĩa, dụng cụ ăn uống bằng xà phòng khử trùng. Nhẹ nhàng lau sạch mụn nước bằng xà phòng và nước cũng giúp ngăn lở miệng lây lan.
    • Rửa tay thường xuyên và tránh chạm vào vết lở miệng. Chạm vào vết lở miệng có thể lây truyền cho người khác hoặc các bộ phận khác trên cơ thể như mắt và “vùng kín”.
  4. Điều trị sốt. Lở miệng hay mụn nước đi kèm sốt đôi khi có thể xuất hiện cùng triệu chứng sốt, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Trong trường hợp đó, bạn nên dùng thuốc hạ sốt như Acetaminophen và theo dõi cơn sốt thật cẩn thận.
    • Hạ sốt bằng cách tắm bồn nước ấm; chườm lạnh ở đùi trong, bàn chân, cánh tay và cổ; uống trà ấm; ăn kem que; và ngủ đủ giấc.
  5. Xoa dịu cơn đau. Kem trị lở miệng không kê đơn có thể giúp xoa dịu cơn đau do lở miệng, tương tự như thuốc giảm đau Aspirin, Acetaminophen và Ibuprofen. Lưu ý rằng bệnh lở miệng thường xuất hiện ở trẻ nhỏ và bạn không nên cho trẻ uống Aspirin do có nguy cơ gây hội chứng Reye - một chứng rối loạn hiếm gặp nhưng có thể gây tử vong.[2]
  6. Tìm kiếm sự tư vấn y tế đối với người có hệ miễn dịch kém, bị lở miệng nghiêm trọng, sốt không giảm bớt, lở miệng kéo dài hơn 2 tuần hay bị kích ứng ở mắt. Một số trường hợp lở miệng có thể rất nghiêm trọng.
    • Người có hệ miễn dịch yếu đặc biệt có nguy cơ gặp biến chứng lâu dài hoặc thậm chí tử vong do lở miệng.
    • Nhiễm vi-rút Herpes ở mắt là một trong những nguyên nhân gây mù hàng đầu ở nhiều quốc gia. Do đó, bạn nên cẩn thận không để bị nhiễm vi-rút vào mắt và đi khám bác sĩ ngay nếu thấy kích ứng ở mắt.
  7. Ngăn ngừa lở miệng bằng nhiều phương pháp khác nhau. Mặc dù nhiễm vi-rút Herpes Simplex chưa có cách chữa khỏi nhưng bạn có thể ngăn lở miệng ngay từ đầu bằng cách:
    • Thoa kem chống nắng lên môi hoặc các vùng da nhạy cảm khác. Kẽm oxit có thể giúp ngăn ngừa lở miệng ở người thường bị lở miệng do tiếp xúc với ánh nắng.[3]
    • Giặt sạch khăn tắm, quần áo và vải bằng nước sôi trước khi sử dụng.
    • Không quan hệ tình dục bằng miệng khi bị lở miệng. Quan hệ tình dục đường miệng có thể lây lan vi-rút Herpes đến bộ phận sinh dục, thậm chí là khi không có mụn nước hoặc vết loét.
  8. Kiên nhẫn. Khi không được điều trị, lở miệng có thể kéo dài 8-10 ngày. Bạn không thể làm gì nhiều ngoài cách chờ đợi. Tránh nặn hoặc bóp mụn nước vì như vậy sẽ làm chậm quá trình lành lại.
  9. Giảm căng thẳng. Nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ giữa tình trạng căng thẳng với nguy cơ cao bị lở miệng. Để ngăn ngừa lở miệng và rút ngắn thời gian bệnh, bạn cần dành thời gian giảm mức độ căng thẳng và lo âu.[4]

Điều trị đường miệng[sửa]

  1. Chườm đá vết lở miệng. Đá viên tạo môi trường không thuận lợi cho vi-rút gây lở miệng, đồng thời giảm đau do lở miệng. Thay vì đặt đá viên trực tiếp lên vết lở, bạn nên dùng túi chườm đá và liên tục di chuyển đá viên bên trong. Không chườm đá viên quá 10-15 phút mỗi lần.
  2. Dùng cam thảo. Một thành phần chính trong cam thảo được chứng minh là giúp tăng tốc độ chữa lành lở miệng. Bạn có thể ăn cam thảo thường xuyên (phân biệt giữa cam thảo thật với hoa hồi) hoặc dùng cam thảo dạng thực phẩm chức năng. Ngoài ra, có thể trộn cam thảo dạng bột với nước để tạo hỗn hợp và thoa trực tiếp lên vết lở miệng vài lần mỗi ngày.
  3. Bổ sung thêm Lysine. Lysine là protein có trong các chế phẩm từ sữa có thể chống lại loại protein chính trong vi-rút gây lở miệng. Bạn có thể ăn phô mai, sữa chua, uống sữa và tìm mua thực phẩm chức năng bổ sung Lysine ở các cửa hàng thực phẩm chăm sóc sức khỏe.
  4. Tránh tiêu thụ Arginine. Một số nghiên cứu đã liên kết tình trạng lở miệng với axit amin Arginine - có trong các thực phẩm như sôcôla, nước ngọt, đậu, lạc, ngũ cốc, gelatin, hạt điều và bia. Mặc dù bằng chứng đưa ra chưa đủ để kết luận nhưng nếu thường xuyên bị lở miệng, bạn nên hạn chế hoặc tránh tiêu thụ các thực phẩm này trong thời gian bệnh bùng phát.
  5. Uống thuốc kháng vi-rút. Một số thuốc kháng vi-rút kê đơn như Penciclovir, Acyclovir và Famciclovir được chấp thuận dùng để điều trị vi-rút Herpes. Các thuốc này không chữa khỏi mụn rộp cho vi-rút Herpes cũng như chưa được chứng minh tính hiệu quả trong việc phòng ngừa mụn rộp nhưng có thể giúp tăng tốc độ chữa lành và giảm mức độ nghiêm trọng.[3] Thuốc đạt hiệu quả cao nhất nếu bạn uống ngay khi nhận thấy dấu hiệu đầu tiên của lở miệng chuẩn bị bùng phát.
    • Nếu bạn thường xuyên bị lở miệng, bác sĩ có thể kê đơn các thuốc này để uống hàng ngày, ngay khi không có triệu chứng, để ức chế lở miệng bùng phát trong tương lai. Liệu pháp ức chế có thể hiệu quả trong một số trường hợp nhưng nghiên cứu lâm sàng chưa có thấy tính hiệu quả rộng rãi.
    • Thuốc kháng vi-rút dành cho người nhiễm vi-rút Herpes hoạt động bằng cách cản trở tốc độ nhân bản của vi-rút.[3] Quá trình nhân bản ADN của vi-rút càng bị cản trở thì hệ miễn dịch càng có nhiều thời gian để chống lại vi-rút.

Dùng nguyên liệu điều trị thoa ngoài[sửa]

  1. Dùng tinh dầu tràm trà. Tinh dầu tràm trà được sử dụng như một nguyên liệu kháng vi-rút thoa ngoài hiệu quả. Bạn có thể hòa một ít tinh dầu tràm trà với nước theo tỉ lệ 1:2 hoặc 1:3 rồi thoa liên tục trong vài giờ ở vị trí sắp hình thành lở miệng.[3] Cách ngày giúp ngăn ngừa vết loét hình thành và trở nặng.
  2. Thoa sữa. Protein trong sữa giúp chữa lành lở miệng, còn nhiệt độ lạnh của sữa giúp xoa dịu cơn đau (nếu có). Bạn có thể nhúng bông gòn trong sữa rồi thoải mái thoa lên vết lở miệng nhiều lần mỗi ngày. Có thể thoa sữa ngay khi nhận thấy dấu hiệu của cơn lở miệng sắp đến.
  3. Thoa Vaseline. Thoa sáp dưỡng ẩm lên vết lở miệng có thể giúp ngăn chặn vi khuẩn và vi-rút khiến nhiễm trùng trở nặng thêm. Thoa nhiều sáp dưỡng ẩm lên vết lở miệng để bảo vệ và dưỡng ẩm. Nên dùng tăm bông Q-tip hoặc tay đã rửa sạch khi thoa sáp để ngăn ngừa lây lan vi khuẩn từ tay vào mụn nước.[5]
  4. Thử dùng giấm táo. Giấm hoạt động bằng cách làm khô mụn nước, tiêu diệt vi khuẩn và cân bằng độ pH của vết lở miệng. Thoa giấm táo lên vết loét hở có thể gây rát một chút. Bạn có thể dùng tăm bông chấm giấm táo rồi thoa lên vết lở miệng nhiều lần mỗi ngày.
  5. Dùng oxy già. Nguyên liệu kháng khuẩn truyền thống này hoạt động bằng cách tiêu diệt vi khuẩn có khả năng gây nhiễm trùng mụn nước, đồng thời làm khô da quanh vết lở miệng. Bạn có thể đổ oxy già lên vết lở miệng hoặc dùng bông gòn chấm lên vết lở miệng vài lần mỗi ngày.
  6. Chườm túi trà. Chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa trong trà xanh có tác dụng kỳ diệu trong việc xoa dịu lở miệng và tăng tốc độ chữa lành. Bạn có thể ngâm một tách trà xanh rồi dùng túi trà nguội chườm trực tiếp lên vết lở miệng. Để tăng thêm hiệu quả, bạn có thể cho túi trà vào tủ đông hoặc tủ lạnh trước khi chườm lên mụn nước.
  7. Dùng tỏi. Tỏi là một trong những nguyên liệu tại nhà hiệu quả trong việc điều trị các vấn đề nhỏ về sức khỏe. Bạn có thể nghiền hoặc cắt nhỏ một ít tỏi để đắp lên vết lở miệng khoảng 15 phút. Đặc tính kháng khuẩn của tỏi giúp khử trùng vết lở miệng và tăng tốc độ chữa lành. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tỏi rất mạnh và có thể gây rát khi đắp lên vết loét.
  8. Chấm một ít muối. Mặc dù có thể gây rát nhẹ nhưng thoa muối trực tiếp lên vết lở miệng sẽ giúp tăng tốc độ chữa lành. Bạn nên để muối trên vết lở miệng vài phút để muối phát huy tác dụng rồi rửa sạch. Sau đó, thoa một ít gel lô hội nguyên chất để xoa dịu vết lở miệng bị kích ứng và giảm đau do muối gây ra.
  9. Ngâm tăm bông trong chiết xuất vani nguyên chất. Thực hiện phương pháp này 4 lần mỗi ngày cho đến khi khỏi lở miệng. Cồn được dùng trong quá trình tạo chiết xuất vani được cho là thành phần giúp chiết xuất vani phát huy tác dụng.
  10. Dùng thuốc kháng vi-rút thoa ngoài. Có thể dùng thuốc thoa ngoài như Docosanol và Tromantadine để ngăn ngừa lở miệng. Mặc dù không biết chính xác vì sao Docosanol giúp chống lại vi-rút Herpes Simplex nhưng các bác sĩ biết rằng thuốc có khả năng xâm nhập vào tế bào chất của tế bào.[3] Tromantadine hoạt động bằng cách làm thay đổi cấu tạo bề mặt của tế bào da.[3]

Lời khuyên[sửa]

  • Một số phụ nữ bị lở miệng trong hoặc ngay trước khi kỳ nguyệt.
  • Các chuyên gia tin rằng căng thẳng cũng có thể gây lở miệng ở một số người. Do đó, việc tập các kỹ thuật thư giãn giúp giảm mức độ căng thẳng có thể giúp ngăn ngừa lở miệng ở những đối tượng này.
  • Hệ miễn dịch suy yếu sẽ tạo điều kiện cho lở miệng xuất hiện. Vì vậy, bạn cần giữ gìn sức khỏe bằng cách ăn uống khoa học, tập thể dục, tránh tiếp xúc với dị nguyên, thuốc và tránh tiêu thụ quá nhiều đồ uống chứa cồn.
  • Để tạm thời che vết lở miệng, bạn có thể thoa băng dán cá nhân dạng lỏng lên toàn bộ vết lở và để khô hoàn toàn. Thoa thêm một lớp nữa và để khô. Băng dán cá nhân dạng lỏng giúp che vết lở miệng và tạo bề mặt mịn để thoa son, đồng thời bảo vệ lở miệng khỏi nhiễm trùng. Sau khi băng dán khô, bạn có thể dùng cọ vẽ môi (cần khử trùng bằng cách ngâm trong nước sôi và thuốc tẩy) để thoa một lớp son màu đủ tối để che vết lở. Khử trùng cọ vẽ môi sau khi sử dụng.
    • Cần đảm bảo vết lở miệng được che phủ hoàn toàn bằng băng dán cá nhân dạng lỏng trước khi thoa son. Nếu không, son môi có thể gây kích ứng và khiến vết lở trở nặng.
    • Cần dùng màu son đủ tối để che vết lở miệng.
    • Để tẩy băng dán, bạn cần rửa thật cẩn thận và dùng cồn giữ vết lở miệng được khô ráo.
    • Không dùng phương pháp này hay bất kỳ phương pháp nào "bịt kín" vết lở miệng quá thường xuyên vì sẽ gây cản trở quá trình khô và lành lại của vết lở.
  • Thay đổi hormone có thể gây lở miệng. Một số dạng thuốc tránh thai (ví dụ như thuốc tránh thai khẩn cấp) có thể gây lở miệng.
  • Có thể điều trị lở miệng bằng thuốc mỡ thoa ngoài như Abreva và Denavir. Cả hai loại thuốc này đều được cấu tạo để điều trị nhiễm vi-rút bằng cách thoa ngoài và kích thích quá trình chữa lành. Abreva là thuốc không cần kê đơn.
  • Thực phẩm chức năng bổ sung L-Lysine giúp tăng tốc độ chữa lành, thường có bán ở các cửa hàng thực phẩm chức năng và vitamin.
  • Abreva giúp loại bỏ rộp môi ngay lập tức.

Cảnh báo[sửa]

  • Lở miệng vẫn có thể lây nhiễm ngay cả sau khi tất cả vết lở đã lành. Sau 1 tuần, vi-rút Herpes có thể lây truyền mà không có bất kỳ dấu hiệu nào của lở miệng.
  • Bài viết này là hướng dẫn chung và không dùng để thay thế tư vấn y tế chuyên nghiệp. Nhiễm vi-rút Herpes Simplex 1 có thể là một vấn đề rất nghiêm trọng và bạn cần trao đổi với bác sĩ về phương án điều trị.
  • Dùng cồn hoặc nước tẩy sơn móng tay (đây là phương pháp thường được khuyến nghị dùng tại nhà) trên vết lở đã vỡ, hoặc thậm chí là vết lở chưa vỡ ra, có thể gây sẹo trên hoặc quanh miệng (đôi khi và sẹo xấu) vì đây là những chất khá mạnh.
  • Khi tìm kiếm trực tuyến từ khóa điều trị lở miệng hay rộp môi, bạn sẽ nhận được rất nhiều kết quả về việc dùng nguyên liệu tại nhà, từ thực phẩm chức năng bổ sung vitamin cho đến dùng thường xuân độc. Giống như đối với tất cả các vấn đề sức khỏe, phương pháp điều trị tự nhiên có thể hiệu quả trong một số trường hợp, nhưng cũng có thể gây nguy hiểm. Vì vậy, bạn phải thật sáng suốt và hỏi ý kiến bác sĩ nếu nghi ngờ.
  • Herpes Simplex loại 1 gây ra hầu hết các trường hợp mụn rộp, còn Herpes Simplex loại 2 (mụn rộp sinh dục) đôi khi cũng có thể gây mụn rộp.
  • Thuốc thoa ngoài điều trị lở miệng có thể giúp rút ngắn thời gian chữa lành lở miệng.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này