Điều trị phản ứng dị ứng

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Phản ứng dị ứng có nhiều hình thức khác nhau, từ dị ứng theo mùa dạng nhẹ cho đến những trường hợp dị ứng nghiêm trọng đe dọa đến mạng sống. Chúng ta có thể bị dị ứng với một số yếu tố như thực phẩm, thuốc men, và liệu pháp miễn dịch. Sữa, trứng, lúa mì, đậu nành, lạc, hạt cây, cá và động vật có vỏ là những loại thực phẩm gây dị ứng phổ biến, Cho dù bị dị ứng nhẹ hay nặng, bạn cần biết cách xử lý phản ứng để giảm thiểu cơn đau và thậm chí là tự cứu mạng mình.

Các bước[sửa]

Điều trị phản ứng dị ứng nhẹ[sửa]

  1. Lưu ý triệu chứng phản ứng. Đầu tiên bạn sẽ nhận biết tình trạng dị ứng của mình khi bị phản ứng dị ứng bất ngờ. Nếu chưa bao giờ bị dị ứng, bạn sẽ khó nhận ra những triệu chứng này. Tuy nhiên bạn có thể cứu sống bản thân bằng cách tìm hiểu dấu hiệu cảnh báo. Những triệu chứng dưới đây đều ở dạng nhẹ và không cần phải đi cấp cứu. Tuy nhiên, triệu chứng nhẹ có thể phát triển thành dị ứng nặng, vì thế bạn nên theo dõi tình trạng của mình ít nhất một tiếng sau khi xuất hiện những triệu chứng này.[1][2]
    • Hắt hơi và ho nhẹ
    • Mắt chảy nước, ngứa ngáy và đỏ
    • Chảy nước mũi
    • Ngứa hoặc đỏ da; thường tiến triển thành mề đay. Mề đay là hiện tượng da bị đỏ, ngứa và sưng lên với kích thước vùng da tổn thương từ nhỏ đến lớn với đường kính vài cm.
  2. Dùng thuốc kháng histamin bán sẵn tại hiệu thuốc. Loại thuốc này dùng để trị phản ứng dị ứng nhẹ với triệu chứng không tiến triển. Bạn có thể chọn một trong nhiều loại thuốc và nên chuẩn bị sẵn ở nhà phòng trường hợp bị dị ứng. Luôn dùng thuốc theo chỉ dẫn ghi trên nhãn mác.
    • Benadryl. Đây là thuốc phổ biến trị dị ứng bao gồm nổi mề đay do tác dụng nhanh. Bạn có thể dùng chung thuốc với thức ăn hoặc không và nên uống một ly nước đầy kèm theo. Không dùng quá 300mg trong vòng 24h vì có thể dẫn đến quá liều. Lưu ý rằng Benadryl thường gây buồn ngủ, vì thế bạn nên cẩn thận khi lái xe hoặc điều khiển máy móc. Nếu cảm thấy buồn ngủ, bạn cần tạm ngưng những hoạt động này.[3]
    • Claritin. Mặc dù được dùng để trị mề đay, loại thuốc này có tác dụng đối với dị ứng theo mùa và bệnh sốt mùa hè. Bạn có thể kết hợp với thức ăn hoặc không. Thuốc không gây buồn ngủ, nhưng vẫn có tác dụng phụ, vì thế bạn cần theo dõi tình trạng trước khi lái xe hoặc điều khiển máy móc. Bạn chỉ nên uống Claritin một lần một ngày.[4]
    • Zyrtec. Liều lượng thuốc thường là 5-10mg mỗi ngày, uống kèm thức ăn hoặc không. Tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm bối rối hoặc mất ý thức, vì thế bạn nên cẩn thận khi lái xe trong lúc sử dụng Zyrtec.[5]
    • Thuốc được dùng khi bụng đói, tối thiểu 1 tiếng trước hoặc 2 tiếng sau khi ăn. Bạn cũng nên uống nước khi dùng Allegra, vì nước trái cây có thể tương tác với thuốc. Loại này cũng gây buồn ngủ giống thuốc kháng histamin.[6]
    • Những loại thuốc trên cũng có loại được kê toa với tác dụng mạnh hơn.
    • Trao đổi với bác sĩ về loại thuốc phù hợp với bản thân. Một số người bị dị ứng hoặc nhạy cảm với một số thành phần, vì thế bạn nên bảm đảm rằng loại thuốc này an toàn với bản thân.
  3. Điều trị mề đay và ngứa da bằng kem hydrocortisone bán sẵn tại hiệu thuốc. Hydrocortisone có tác dụng giảm sưng và ngứa do mề đay. Hiện nay có nhiều loại kem chứa hydrocortisone được bày bán tại hiệu thuốc. Bạn nên kiểm tra tất cả nhãn mác để bảo đảm rằng loại kem trị ngứa có thành phần hydrocortisone.[1][7]
    • Kem hydrocortisone có thể được kê toa với nhiều loại khác nhau. Nếu thuốc mua tại hiệu thuốc không có tác dụng, bạn nên đi khám bác sĩ để được kê toa thuốc mạnh hơn.
    • Ngoài ra bạn có thể đắp khăn lạnh lên vùng nổi mề đay nếu không có kem hydrocortisone.
  4. Theo dõi triệu chứng trong vài tiếng sau khi xuất hiện dị ứng. Phản ứng dị ứng có thể bắt đầu từ 5 phút đến một tiếng sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng.[8] Triệu chứng nhẹ có thể tiến triển thành phản ứng nặng. Nếu bị khó thở, ngứa miệng và cổ họng, hoặc thở khò khè, bạn nên gọi cấp cứu ngay lập tức. Nếu tình trạng sưng gây cản trở đường thở, bạn có thể bị ngạt trong vài phút.[1]
  5. Đi khám bác sĩ chuyên khoa dị ứng. Khi phản ứng dị ứng biến mất, bạn cần đi khám bác sĩ chuyên khoa dị ứng. Bác sĩ sẽ kiểm tra để tìm ra nguyên nhân gây dị ứng và kê toa thuốc hoặc sử dụng liệu pháp miễn dịch để khắc phục triệu chứng.

Điều trị phản ứng dị ứng nặng[sửa]

  1. Lưu ý rủi ro sốc phản vệ. Tình trạng dị ứng có thể biến chuyển nghiêm trọng gây đe dọa đến mạng sống do tác động đến hô hấp và tuần hoàn máu. Hiện tượng sốc phản vệ được Hội Chữ thập Đỏ xem xét cần phải "khắc phục trước, gọi" cấp cứu sau do phản ứng có tốc độ nhanh và nghiêm trọng.
    • Nếu có người hỗ trợ, bạn cần nhờ họ gọi cấp cứu trong lúc bản thân tự điều trị sốc phản vệ như mô tả ở trên. Nếu không có người giúp đỡ và nhận thấy triệu chứng nghiêm trọng (xem dưới đây), bạn cần khắc phục ngay lập tức.[9][10]
  2. Cảnh giác với triệu chứng nghiêm trọng. Tùy thuộc vào kiểu dị ứng, tình trạng phản ứng của bạn có thể bắt đầu với triệu chứng nhẹ và từ từ biến chuyển xấu, hoặc triệu chứng xuất hiện ngay lập tức. Nếu nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào sau đây, bạn đang bị sốc phản vệ và cần phải chữa trị kịp thời.[2]
    • Các triệu chứng nghiêm trọng bao gồm sưng môi, lưỡi, hoặc cổ họng, khó thở, thở khò khè, ho, giảm huyết áp, mạch yếu, khó nuốt, đau ngực, buồn nôn và nôn mửa, chóng mặt, và mất ý thức.
  3. Sử dụng EpiPen nếu có. EpiPen là bút tiêm epinephrine và được dùng để trị sốc phản vệ. [11]
    • Giữ chặt EpiPen ở phần giữa và hướng phần đầu màu cam xuống đất.
    • Tháo nắp an toàn màu xanh ở phía trên.
    • Đặt phần đầu màu cam lên phía đùi ngoài. Bạn không cần phải cởi quần vì kim tiêm sẽ đâm xuyên qua lớp vải.
    • Ấn mạnh đầu màu cam lên chân. Kim tiêm sẽ đưa ra ngoài và truyền epinephrine.
    • Giữ cố định mũi tiêm khoảng 10 giây để toàn bộ thuốc được đưa vào bên trong cơ thể.
    • Rút EpiPen và giữ bên mình để nhân viên y tế nắm rõ lượng thuốc đã sử dụng.
    • Mát-xa vùng tiêm khoảng 10 giây để lưu thông thuốc.
    • Bạn vẫn có thể sử dụng EpiPen hết hạn, nhưng tác dụng có thể giảm đi đáng kể.
  4. Gọi cấp cứu. Gọi cấp cứu ngay lập tức và thông báo cho tổng đài biết rằng bạn đang bị dị ứng. Không nên tự lái xe đến phòng cấp cứu. Nhân viên cấp cứu sử dụng epinephrine có sẵn để ngăn chặn phản ứng.[12]
    • Sau khi tiêm epinephrine, bạn vẫn nên đi khám bác sĩ. Epinephrine sẽ hết tác dụng sau 10 đến 20 phút và bạn có thể bị dị ứng một lần nữa. Đến phòng cấp cứu hoặc gọi 115 để được trợ giúp y tế.
  5. Đi khám bác sĩ chuyên khoa dị ứng. Khi phản ứng dị ứng biến mất, bạn cần đi khám bác sĩ chuyên khoa dị ứng. Bác sĩ sẽ kiểm tra để tìm ra nguyên nhân gây dị ứng và kê toa thuốc, EpiPen hoặc sử dụng liệu pháp miễn dịch để khắc phục triệu chứng.

Đi khám bác sĩ chuyên khoa dị ứng[sửa]

  1. Tìm bác sĩ chuyên khoa dị ứng tại địa phương. Bạn có thể nhờ bác sĩ giới thiệu hoặc truy cập internet để tìm thông tin bác sĩ chuyên khoa.
  2. Ghi nhớ từng hoạt động khi bị phản ứng dị ứng. Đôi khi nguyên nhân gây dị ứng rất rõ ràng. Ví dụ, nếu bạn ăn lạc và 10 phút sau bị sốc phản vệ, đây chính là thủ phạm gây phản ứng dị ứng. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ mới đi dạo ngoài đường và bị phản ứng dị ứng, nguyên nhân có thể xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau. Để hỗ trợ bác sĩ chuyên khoa dị ứng, bạn nên viết toàn bộ những sự kiện dẫn đến phản ứng, chẳng hạn như bạn đã ăn hay chạm và thứ gì? Bạn đã ở đâu? Bạn có dùng thuốc gì hay không? Những câu hỏi này sẽ giúp bác sĩ chuyên khoa dị ứng xác định nguyên nhân gây dị ứng.[13]
  3. Xét nghiệm da. Sau khi trao đổi và nắm tình hình, bác sĩ sẽ xét nghiệm da để xác định nguyên nhân gây dị ứng. Quá trình xét nghiệm bao gồm nhỏ vài chất gây dị ưng lên da, đôi lúc có thể chích nhẹ lên bề mặt da. Sau khoảng 20 phút, nếu bạn bị dị ứng với chất nào đó, da sẽ nổi đỏ và ngứa. Dấu hiệu này cho bác sĩ biết rằng đây là chất gây dị ứng, và sẽ điều trị tương ứng.[14]
  4. Xét nghiệm máu nếu cần thiết. Đôi khi bác sĩ chuyên khoa dị ứng sẽ đề nghị tiến hành xét nghiệm máu. Lý do là vì bạn đang dùng thuốc không thể làm xét nghiệm trên da, bị bệnh da liễu, hoặc bác sĩ muốn xác nhận tình trạng dị ứng bằng xét nghiệm khác. Xét nghiệm máu thường được thực hiện trong phòng thí nghiệm và cần vài ngày mới cho ra kết quả.[15]
  5. Kê toa EpiPen. Ngay cả khi tình trạng dị ứng không quá nghiêm trọng, bạn vẫn nên đề nghị bác sĩ kê toa EpiPen. Triệu chứng có thể trở nên trầm trọng nếu bị dị ứng trong lần tiếp theo, và việc chuẩn bị sẵn EpiPen có thể giúp ích cho bạn.

Kiểm soát dị ứng[sửa]

  1. Tránh tác nhân kích thích. Sau khi đi khám bác sĩ, bạn sẽ nhận biết được chất gì gây nên phản ứng dị ứng. Với thông tin này, bạn nên cố gắng tránh khỏi các chất gây dị ứng. Đôi khi đơn giản bạn chỉ bị dị ứng với thức ăn hoặc trường hợp khác phức tạp hơn đó là dị ứng với thú cưng. Theo lý thuyết thì bất kể thứ gì cũng có thể gây dị ứng, vì thế không có phương pháp cố định nào phòng tránh tác nhân gây dị ứng. Tuy nhiên có một số dạng phản ứng dị ứng điển hình mà bạn có thể áp dụng biện pháp phòng tránh tiêu chuẩn.
  2. Cẩn thận khi chế biến thức ăn. Nếu bị dị ứng với thực phẩm, bạn nên kiểm tra nhãn mác để chắc rằng thức ăn không có chứa chất gây dị ứng. Đôi lúc một số thành phần chính không được in trên nhãn mác, vì thế bạn nên trao đổi với bác sĩ chuyên khoa dị ứng hoặc thậm chí là chuyên gia dinh dưỡng nếu có thắc mắc. Luôn thông báo với phục vụ nhà hàng về tình trạng dị ứng để tránh nhiễm bẩn chéo.[16]
  3. Hạn chế bụi bẩn trong nhà. Nếu bị dị ứng với bụi, bạn nên dọn dẹp thảm trải nhà, đặc biệt trong phòng ngủ. Hút bụi thường xuyên, và mang mặt nạ trong lúc vệ sinh. Dùng khăn trải chống ve bét và tấm phủ gối và giặt ga giường thường xuyên bằng nước nóng.[17]
  4. Kiểm soát chuyển động của thú cưng. Nếu bị dị ứng với vật nuôi, bạn không nhất thiết phải từ bỏ chúng. Tuy nhiên, bạn cần hạn chế chuyển động của thú cưng. Cho động vật tránh xa phòng ngủ và những khu vực mà bạn thường xuyên sinh hoạt. Bạn cũng có thể dọn sạch thảm trải sàn để tránh tích tụ bụi bẩn. Tắm cho thú cưng một lần một tuần để loại bỏ phần lông rụng càng nhiều càng tốt.[18]
  5. Đề phòng côn trùng cắn khi ra ngoài. Nếu bị dị ứng côn trùng, bạn không nên đi chân không lên cỏ và mang áo và quần dài khi làm việc bên ngoài. Ngoài ra bạn nên đậy kín thức ăn để bên ngoài nhằm tránh thu hút côn trùng.[19]
  6. Thông báo cho nhân viên y tế nếu bị dị ứng thuốc. Mỗi lần đi khám bạn nên cho bác sĩ biết về tình trạng của mình. Trao đổi về thuốc thay thế loại mà bạn bị dị ứng. Ngoài ra bạn nên mang vòng cổ y tế khẩn cấp để nhân viên cấp cứu biết rằng bạn bị dị ứng với thuốc.[20]
  7. Mang theo EpiPen bên mình. Bạn nên mang theo EpiPen mọi lúc mọi nơi khi có xuất hiện chất gây dị ứng nhằm hỗ trợ trong trường hợp bạn bị phản ứng dị ứng khi ở bên ngoài.
  8. Dùng thuốc theo chỉ dẫn. Bác sĩ chuyên khoa dị ứng có thể đề nghị một hoặc nhiều loại thuốc khắc phục triệu chứng dị ứng. Chúng có thể bao gồm thuốc kháng histamin bán sẵn tại hiệu thuốc hoặc corticosteroid kê toa. Cho dù bác sĩ kê thuốc gì, bạn nên sử dụng theo lịch trình quy định để kiểm soát triệu chứng dị ứng và giảm thiểu nguy cơ bị phản ứng nặng.[21]
  9. Áp dụng liệu pháp miễn dịch. Một số chất gây dị ứng có thể được ngăn chặn bằng liệu pháp miễn dịch. Phương pháp này có tác dụng giảm dần phản ứng với chất gây dị ứng bằng cách tiêm một lượng nhỏ. Thông thường việc tiêm thuốc được thực hiện hàng tuần trong vài tháng, sau đó giảm dần tần suất. Liệu pháp có tác dụng chống lại các chất gây dị ứng như bụi, phấn hoa, và nọc độc côn trùng. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa dị ứng về phương pháp này.[22]

Cảnh báo[sửa]

  • Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc hoặc liệu pháp mới.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây