Điều trị rối loạn stress cấp tính

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Rối loạn stress cấp tính (ASD) là sự suy sụp tinh thần rõ rệt xảy ra trong vòng một tháng sau một biến cố sang chấn. Nếu không được điều trị, ASD có thể phát triển thành rối loạn stress sau sang chấn (PTSD), một vấn đề sức khỏe tâm thần lâu ngày hơn. May mắn là rối loạn stress cấp tính là một chứng bệnh có thể chữa khỏi. Căn bệnh này đòi hỏi nhiều công sức và sự can thiệp của chuyên gia sức khỏe tâm thần, tuy nhiên với các phương pháp điều trị thích hợp, bạn có thể tiếp tục sống một cuộc sống bình thường như bao người khác.

Các bước[sửa]

Nhận biết rồi loạn stress cấp tính[sửa]

  1. Suy nghĩ xem bạn hoặc người quen của bạn có trải qua biến cố sang chấn mạnh nào trong tháng qua không. Một điều kiện để nhận biết bệnh ASD là bệnh nhân phải trải qua sự căng thẳng mạnh mẽ về cảm xúc trong vòng dưới một tháng trước khi các triệu chứng xuất hiện. Biến cố sang chấn có thể bao gồm cái chết, nỗi sợ hãi về cái chết hoặc sự tổn hại về thể chất và tinh thần.[1] Khi biết bạn hoặc người quen của bạn có trải qua kiểu sang chấn nào như vậy, bạn sẽ dễ dàng hơn khi đánh giá liệu ASD có phải là nguyên nhân gây ra các triệu chứng không. Những nguyên nhân thường gặp nhất gây ra kiểu sang chấn này bao gồm:[2][3]
    • Các biến cố gây sang chấn như bị tấn công, cưỡng hiếp và chứng kiến vụ xả súng
    • Là nạn nhân của tội phạm, chẳng hạn bị cướp
    • Tai nạn xe cộ
    • Chấn thương nhẹ ở não
    • Tai nạn nghề nghiệp
    • Thảm họa thiên nhiên
  2. Tìm hiểu về các triệu chứng của ASD. Rối loạn stress cấp tính được biểu hiện bằng một số triệu chứng. Theo cẩm nang chẩn đoán và thống kê về các rối loạn tâm thần ấn bản thứ 5 (DSM-5) - sách hướng dẫn về các bệnh tâm thần - một người có khả năng mắc chứng ASD nếu xuất hiện các triệu chứng sau đây sau một sang chấn mạnh. Để được coi là ASD, các triệu chứng phải kéo dài trên 2 ngày và dưới 4 tuần.[1]
  3. Tìm các triệu chứng phân ly. Hiện tượng phân ly xảy ra khi một người dường như đang rút lui khỏi thế giới thực. Đó là cơ chế đối phó thường thấy của những người vừa trải qua sang chấn mạnh. Bệnh nhân có thể phân ly theo nhiều cách. Một người có thể bị ASD nếu có từ ba triệu chứng trở lên trong số các triệu chứng sau:[1]
    • Cảm giác tê liệt, tách biệt hoặc không có phản ứng cảm xúc
    • Giảm khả năng nhận thức về môi trường xung quanh
    • Tri giác sai thực tại (derealization), hoặc có cảm giác thế giới bên ngoài không có thực
    • Giải thể nhân cách (depersonalization). Hiện tượng này xảy ra khi một người cảm thấy như những cảm giác và trải nghiệm của họ không phải của chính họ. Nạn nhân của sang chấn có thể tự thuyết phục bản thân rằng sự kiện đó là trải nghiệm của người khác mà không phải của họ.
    • Rối loạn quên phân ly (dissociative amnesia). Bệnh nhân có thể ngăn chặn ký ức hoặc quên toàn bộ sự kiện sang chấn hoặc các khía cạnh của sự kiện.
  4. Xác định liệu người đó có trải nghiệm lại sự kiện sang chấn không. Một số người mắc ASD sẽ trải nghiệm lại sự kiện sang chấn bằng nhiều cách. Nếu bạn hoặc người quen của bạn đang sống lại biến cố sang chấn đó với một hoặc nhiều hơn trong số các biểu hiện sau thì đó là dấu hiệu của chứng ASD:[1]
    • Những hình ảnh hoặc ý nghĩ về sự kiện sang chấn thường tái diễn
    • Những giấc mơ, ác mộng hoặc cơn hoảng sợ ban đêm về sự kiện sang chấn.
    • Những đợt hồi tưởng chi tiết về sự kiện sang chấn. Có thể đó là hình ảnh thoáng qua hoặc các sự kiện rất chi tiết, khi bệnh nhân cảm thấy mình đang thực sự trải nghiệm lại sự kiện đó.
  5. Quan sát hành vi tránh né. Bệnh nhân cảm thấy khổ sở khi tiếp xúc với những yếu tố gợi nhớ đến sự kiện sang chấn. Họ thường tránh các tình huống hoặc các địa điểm khiến họ nhớ lại sự kiện đó. Nếu bạn để ý thấy người đó cố tình tránh các tình huống hoặc các địa điểm nào đó liên quan đến biến cố sang chấn thì đó là một dấu hiệu khác của ASD.[1]
    • Nạn nhân thường có các triệu chứng lo âu căng thẳng, kích động hoặc tăng cảnh giác khi tiếp cận với yếu tố gợi nhớ.
  6. Xác định nếu các triệu chứng trước đó đang gây ra các vấn đề nghiêm trọng trong cuộc sống hàng ngày. Một tiêu chuẩn nữa để chẩn đoán ASD là các triệu chứng xảy ra gây cản trở đáng kể trong cuộc sống của bệnh nhân. Xem xét cuộc sống hàng ngày của bạn hoặc của người quen để biết liệu các triệu chứng đó có gây ra những vấn đề lớn không.[2]
    • Xem xét sự ảnh hưởng đến công việc của bạn. Bạn có khả năng tập trung và hoàn thành nhiệm vụ của mình không, hay sự tập trung là bất khả thi đối với bạn? Có phải bạn thường liên tưởng đến biến cố sang chấn và không thể tiếp tục làm việc?
    • Nghĩ về đời sống xã hội của bạn. Ý nghĩ đi ra ngoài có khiến bạn lo lắng không? Có phải bạn đã hoàn toàn ngừng giao tiếp? Bạn cố gắng tránh các yếu tố gợi nhớ về biến cố sang chấn, và do đó bạn tránh né những tình huống xã hội nào đó?
  7. Tìm sự giúp đỡ chuyên khoa. Bạn hoặc người quen của bạn sẽ cần được trợ giúp chuyên khoa nếu có các biểu hiện trùng khớp với các tiêu chuẩn chẩn đoán ASD ở trên. May mắn là chứng ASD có thể chữa khỏi, tuy nhiên bạn phải hành động càng nhanh càng tốt. Chuyên gia y tế sẽ đánh giá tình trạng và đưa ra các phương pháp điều trị thích hợp.[4]
    • Tùy vào tình huống mà bạn cần bắt đầu từ đâu. Nếu bạn hoặc người thân của bạn bị khủng hoảng trầm trọng, có ý nghĩ tự sát hoặc giết người, hoặc trở nên bạo lực, bạn hãy gọi ngay 113 (lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh) hoặc đường dây nóng 1800 1567 (dịch vụ tư vấn và hỗ trợ trẻ em do Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em-Bộ Lao động thương binh xã hội cung cấp với sự hỗ trợ của tổ chức Plan tại Việt Nam) để được giúp đỡ. Khi đã qua cơn khủng hoảng, bạn có thể tìm sự hỗ trợ tiếp theo về tâm lý.
    • Nếu có ý nghĩ muốn tự sát, bạn hãy gọi đường dây nóng 1800 1567.
    • Nếu hiện tại bạn hoặc người mà bạn quan tâm không trải qua cơn khủng hoảng, bạn có thể hẹn gặp chuyên gia trị liệu hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần.

Điều trị rối loạn stress cấp tính bằng phương pháp trị liệu[sửa]

  1. Thử dùng liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT). Hiện nay CBT được coi là phương pháp hữu hiệu nhất trong việc điều trị ASD. Người ta cũng nhận thấy rằng việc điều trị sớm với liệu pháp CBT cũng giúp ngăn chặn ASD phát triển thành PTSD, một chứng bệnh tương tự nhưng có tác động lâu dài hơn.[5]
    • Liệu pháp CBT trong điều trị ASD tập trung vào việc thay đổi cách mà bạn cảm nhận về nguy cơ liên quan đến sự kiện sang chấn mà bạn đã trải qua, và trọng tâm là xử lý sang chấn để giúp bạn giải mẫn cảm với các yếu tố kích thích xung quanh sự kiện sang chấn đó.[6]
    • Chuyên gia trị liệu sẽ giải thích cho bạn về các phản ứng thể chất, cảm xúc và tâm lý đối với sự kiện sang chấn để giúp bạn nâng cao khả năng nhận biết các tác nhân kích thích và phản ứng của mình. Chuyên gia trị liệu cũng sẽ giải thích bằng cách nào và tại sao quá trình này là quan trọng cho việc giải mẫn cảm của bạn đối với trải nghiệm đó[6].
    • Bạn cũng sẽ được hướng dẫn các bài tập thư giãn để sử dụng trong các tình huống lo âu bên ngoài phòng khám cũng như trong buổi trị liệu xử lý sang chấn bằng lời nói hoặc tưởng tượng ra sự kiện sang chấn đó và mô tả thành lời.[6]
    • Chuyên gia trị liệu cũng sẽ dùng CBT để giúp bạn điều chỉnh lại trải nghiệm của mình và vượt qua mặc cảm tội lỗi của người sống sót nếu cần thiết.[7] Ví dụ, trong trường hợp ASD, nếu bệnh nhân trải qua tai nạn xe hơi chết người, có lẽ hiện giờ anh ta sợ ngồi vào xe vì có cảm giác như mình sẽ chết. Chuyên gia trị liệu sẽ cố gắng tìm ra cách để giúp bệnh nhân suy nghĩ khác đi. Nếu bệnh nhân 25 tuổi, chuyên gia trị liệu có thể nói rằng anh ta đã ngồi vào xe hơi đến 25 năm rồi và không chết, như vậy con số thống kê đang ủng hộ anh ta.
  2. Tiếp nhận tư vấn tâm lý ngay sau khi xảy ra sang chấn. Quá trình tư vấn tâm lý bao gồm việc can thiệp sức khỏe tâm thần khẩn cấp ngay sau sang chấn, lý tưởng nhất là trước khi các triệu chứng phát triển thành ASD. Bệnh nhân sẽ tiếp nhận một buổi trị liệu tăng cường để kể về toàn bộ sự kiện sang chấn với chuyên gia.[5] Nhược điểm của phương pháp này là phải được tiến hành ngay sau biến cố sang chấn mới có hiệu quả.
    • Hiệu quả của liệu pháp tư vấn tâm lý vẫn còn gây tranh cãi. Một số nghiên cứu cho thấy việc tư vấn tâm lý không đem lại lợi ích lâu dài cho các nạn nhân sang chấn.[8] Tuy nhiên bạn không nên từ bỏ ý định tìm sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý, điều này chỉ có nghĩa là chuyên gia tư vấn có thể sẽ dùng các phương pháp điều trị khác nếu phương pháp tư vấn tỏ ra không hiệu quả.
  3. Gia nhập một nhóm kiểm soát lo âu. Ngoài các buổi trị liệu một đối một, liệu pháp nhóm cũng có thể giúp đỡ bệnh nhân ASD. Các buổi trị liệu nhóm thường được giám sát bởi chuyên gia sức khỏe tâm thần. Chuyên gia sẽ hướng dẫn các cuộc trò chuyện và đảm bảo mọi thành viên trong nhóm có được trải nghiệm tích cực. Nhóm hỗ trợ có thể giúp ngăn chặn cảm giác cô đơn và cách biệt vì bạn được ở giữa những người có cùng trải nghiệm như mình.[9]
    • Giống như phương pháp tư vấn tâm lý, hiệu quả của liệu pháp nhóm trong việc điều trị ASD cũng gây hoài nghi, mặc dù những người tham gia có thể tận hưởng tình bạn thân thiết phát triển trong các buổi trị liệu nhóm.
  4. Thử dùng liệu pháp tiếp xúc. Thông thường bệnh ASD khiến người bệnh sợ hãi những địa điểm hoặc tình huống đặc trưng gợi nhắc về biến cố sang chấn. Đây có thể là thử thách gay go trong đời họ, bởi vì họ có thể phải ngừng giao tiếp hoặc ngừng ra ngoài làm việc để tránh những yếu tố gợi nhớ sự kiện sang chấn. Nếu không được điều trị, những nỗi sợ hãi này có thể tiến triển thành PTSD.[10]
    • Với liệu pháp tiếp xúc, bệnh nhân sẽ dần dần được tiếp xúc với các tác nhân kích thích lo âu. Hy vọng ở đây là sự tiếp xúc sẽ dần dần giúp bệnh nhân giải mẫn cảm với các tác nhân kích thích, và họ có thể đương đầu với chúng hàng ngày mà không sợ hãi.
    • Cách điều trị này thường bắt đầu với bài tập tưởng tượng với tác nhân gây căng thẳng càng chi tiết càng tốt. Các buổi trị liệu sẽ tăng dần cường độ cho đến khi chuyên gia trị liệu cùng bệnh nhân đối mặt với tác nhân kích thích trong đời thực.
    • Ví dụ, một bệnh nhân chứng kiến vụ bắn súng trong thư viện sẽ sợ bước vào thư viện. Chuyên gia trị liệu có thể bắt đầu bằng cách cho bệnh nhân tưởng tượng họ đang ở trong thư viện và mô tả cảm giác của mình. Sau đó chuyên gia trị liệu có thể trang trí phòng khám như một thư viện để bênh nhân có cảm giác mình đang ở trong thư viện, tuy nhiên họ vẫn ở trong môi trường được kiểm soát. Cuối cùng cả hai sẽ cùng đến thư viện thực sự.

Điều trị rối loạn stress cấp tính bằng thuốc[sửa]

  1. Nói chuyện với bác sĩ trước khi uống bất cứ loại thuốc nào. Giống như mọi loại thuốc kê toa khác, thuốc điều trị ASD gây rủi ro lệ thuộc thuốc. Do đó những loại thuốc này thường được bán bất hợp pháp trên đường phố.[11] Bạn không bao giờ nên uống thuốc không do bác sĩ kê toa. Nếu được sử dụng không đúng, thuốc điều trị ASD có thể khiến các triệu chứng nặng thêm, thậm chí có thể gây tử vong.
  2. Uống thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRI). SSRI được coi là loại thuốc hàng đầu trong điều trị ASD.[7] Loại thuốc này có tác dụng thay đổi mức serotonin trong não, giúp cải thiện tâm trạng và giảm cảm giác lo âu.[12] Đây vẫn là loại thuốc thông dụng nhất để điều trị một số rối loạn sức khỏe tâm thần.
    • Các loại thuốc SSRI phổ biến gồm có sertraline (Zoloft), citalopram (Celexa), và escitalopram (Lexapro).
  3. Uống thuốc chống trầm cảm ba vòng (tricyclic antidepressant). Amitriptyline và imipramine đã được chứng minh là có hiệu quả điều trị ASD.[6] Thuốc chống trầm cảm ba vòng có tác dụng tăng lượng norepinephrine và serotonin sẵn có trong não.[13].
  4. Thử dùng benzodiazepine. Benzodiazepine thường được bác sĩ kê toa để giảm lo âu, do đó nó có thể giúp ích cho bệnh nhân ASD. Thuốc này cũng có tác dụng hỗ trợ giấc ngủ, giúp cải thiện chứng mất ngủ thường đi kèm với ASD.[7]
    • Nhóm thuốc benzodiazepine bao gồm clonazepam (Klonopin), diazepam (Valium), và lorazepam (Ativan).

Khuyến khích thư giãn và suy nghĩ tích cực[sửa]

  1. Giảm stress với các bài tập thư giãn. Các bài tập thư giãn tỏ ra rất hiệu quả trong việc cải thiện sức khỏe tâm thần tổng thể. Chúng giúp giảm các triệu chứng stress và ngăn ngừa tái phát ASD. Việc thực hành thư giãn còn giúp điều trị các tác động thứ cấp của bệnh tâm thần như mất ngủ, mệt mỏi và huyết áp cao.
    • Khi bạn tìm đến chuyên khoa tâm lý để điều trị ASD, chuyên gia trị liệu có thể hướng dẫn một số bài tập thư giãn. Đó thường là một phần trong liệu pháp nhận thức – hành vi.[7]
  2. Thực hành bài tập hít thở sâu. Một công cụ thông dụng và hiệu quả để giảm stress là hít thở sâu. Với kỹ thuật đúng, bạn có thể giảm stress một cách hiệu quả và tránh những vấn đề trong tương lai.[14]
    • Hít thở từ bụng thay vì từ ngực. Điều này sẽ giúp lấy được nhiều ô-xy hơn vào cơ thể và giúp bạn thả lỏng. Bạn hãy đặt tay lên bụng để chắc chắn bụng phải nâng lên hạ xuống khi hít thở. Nếu không thì nghĩa là bạn hít thở chưa đủ sâu.
    • Ngồi thẳng lưng hoặc nằm trên sàn.
    • Hít vào qua mũi và thở ra qua miệng. Hít vào càng nhiều không khí càng tốt, sau đó thở ra hết cho đến khi hai lá phổi hoàn toàn trống rỗng.
  3. Tập thiền. Cũng như hít thở sâu, thiền giúp giải tỏa stress và cho phép bạn đạt đến trạng thái thư giãn. Tập thiền thường xuyên có thể giúp cải thiện sức khỏe tâm thần và thể chất nhờ giảm mức stress và lo âu.[15]
    • Trong quá trình tập thiền, người ta chuyển sang trang thái yên tĩnh, tập trung vào một âm thanh, cho phép tâm trí thoát khỏi mọi lo âu và những suy nghĩ trong cuộc sống thường nhật.
    • Chọn một nơi yên tĩnh, ngồi thoải mái, gạt mọi suy nghĩ ra khỏi đầu óc và tập trung trí tưởng tượng vào một ngọn nến, hoặc một từ như “thư giãn”. Thực hành 15-30 phút mỗi ngày.
  4. Tạo một mạng lưới hỗ trợ. Những người có các mạng lưới hỗ trợ tốt thường ít bị lên cơn hoặc tái phát bệnh tâm thần. Ngoài gia đình và bạn bè, bạn có thể tìm đến các nhóm hỗ trợ để được giúp đỡ và xây dựng sự gắn kết.[16]
    • Chia sẻ những vấn đề của bạn với người thân. Đừng chất chứa những cảm xúc trong lòng. Tâm sự với gia đình và bạn bè là yếu tố rất quan trọng để xây dựng một hệ thống hỗ trợ. Họ không thể giúp bạn nếu không biết chuyện gì đang xảy ra.
    • Bạn có thể tìm kiếm một nhóm hỗ trợ trong vùng chuyên về chứng bệnh đặc thù của bạn. Việc lướt nhanh trên mạng có thể giúp bạn tìm một nhóm gần nơi bạn ở.
  5. Ghi nhật ký. Viết nhật ký đã được chứng minh là giúp giảm stress và lo âu. Đó là nơi giải phóng mọi cảm xúc của bạn, và phần lớn các chương trình điều trị bệnh tâm thần đều bao gồm việc ghi nhật ký. Quyết tâm dành ra mỗi ngày vài phút viết nhật ký sẽ có lợi cho sức khỏe tâm thần của bạn.[17]
    • Khi viết nhật ký, bạn nên cố gắng suy ngẫm điều gì đang gây rắc rối cho bạn. Đầu tiên bạn hãy viết về tác nhân gây stress, sau đó ghi lại phản ứng của bạn. Bạn có cảm giác và suy nghĩ như thế nào khi bắt đầu cảm thấy căng thẳng?[18]
    • Phân tích những diễn giải của bạn về sự kiện sang chấn. Xác định xem liệu bạn có đang rơi vào lối suy nghĩ tiêu cực không. Sau đó cố gắng cân bằng lại diễn giải của bạn theo cách tích cực hơn và tránh lối suy nghĩ trầm trọng hóa vấn đề.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 1,2 1,3 1,4 http://www.dsm5.org/Research/Documents/ASD%20review%20by%20Bryant%20Published.pdf
  2. 2,0 2,1 http://psychcentral.com/disorders/acute-stress-disorder-symptoms/
  3. http://emedicine.medscape.com/article/2192581-overview#a6
  4. http://www.ptsd.va.gov/public/where-to-get-help.asp
  5. 5,0 5,1 http://www.ptsd.va.gov/professional/treatment/early/acute-stress-disorder.asp
  6. 6,0 6,1 6,2 6,3 http://psychiatryonline.org/pb/assets/raw/sitewide/practice_guidelines/guidelines/acutestressdisorderptsd.pdf
  7. 7,0 7,1 7,2 7,3 http://psychiatryonline.org/pb/assets/raw/sitewide/practice_guidelines/guidelines/acutestressdisorderptsd.pdf
  8. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/12076399
  9. https://www.psychologytoday.com/conditions/acute-stress-disorder
  10. http://www.ptsd.va.gov/public/treatment/therapy-med/prolonged-exposure-therapy.asp
  11. http://www.streetdrugs.org/html%20files/Benzodiazepines.html
  12. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/depression/in-depth/ssris/art-20044825
  13. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/depression/in-depth/antidepressants/art-20046983
  14. http://www.helpguide.org/articles/stress/relaxation-techniques-for-stress-relief.htm
  15. https://www.psychologytoday.com/basics/meditation
  16. https://www.nami.org/Learn-More/Fact-Sheet-Library
  17. https://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?ContentTypeID=1&ContentID=4552
  18. http://socialwork.buffalo.edu/content/dam/socialwork/home/self-care-kit/exercises/stress-journaling.pdf