Điều trị táo bón cho trẻ em

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Táo bón không phải là vấn đề phổ biến ở trẻ nhỏ. Đôi khi, tình trạng này xảy ra trong quá trình hướng dẫn trẻ đi vệ sinh hoặc khi trẻ lớn mải chơi đến mức chúng không chịu đi tiêu. Một số thay đổi đơn giản trong lối sống có thể sẽ khá hữu ích để điều trị táo bón. Nếu táo bón kéo dài hơn 2 tuần, bạn nên dắt con của bạn đến gặp bác sĩ để tìm hiểu xem liệu chúng có cần phải uống thuốc hay không.[1]

Các bước[sửa]

Nhận biết Tình trạng Táo bón ở Trẻ em[sửa]

  1. Xác định triệu chứng của táo bón. Trẻ em bị táo bón có thể sẽ không muốn đi ngoài vì quá trình này gây đau đớn cho chúng. Chúng có thể sẽ cố gắng khép chặt cơ mông và uốn éo cơ thể để “nhịn” đi ngoài. Nếu con của bạn gặp phải một trong các triệu chứng sau, chúng có thể đang bị táo bón: [2]
    • Khó đi vệ sinh.
    • Phân khô, cứng và có hoặc không có máu.
    • Đi vệ sinh ít hơn 3 lần mỗi tuần.
    • Đau đớn khi đi tiêu.
    • Buồn nôn.
    • Đau bụng.
    • Phân ít và lỏng hoặc như đất sét. Trẻ cũng có thể bị són phân ra quần.
  2. Tìm hiểu nếu con của bạn đang có nguy cơ bị táo bón. Một vài tình huống cụ thể có thể khiến trẻ dễ bị táo bón hơn. Chúng bao gồm:[3]
    • Không thường xuyên vận động.
    • Chế độ dinh dưỡng ít chất xơ.
    • Thường xuyên bị mất nước.
    • Uống các loại thuốc làm tăng nguy cơ táo báo, chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm.
    • Bệnh lý liên quan đến hậu môn hoặc trực tràng.
    • Người thân trong gia đình cũng dễ bị táo bón.
    • Bệnh lý về thần kinh, chẳng hạn như bệnh bại não.
    • Gặp vấn đề liên quan đến cảm xúc hoặc nguyên nhân gây căng thẳng mới.
    • Suy tuyến giáp hoặc vấn đề khác liên quan đến sự trao đổi chất.
  3. Đi khám bệnh nếu trẻ gặp phải triệu chứng có thể là dấu hiệu cho thấy tình trạng táo bón đang trở nên nghiêm trọng hơn. Thông thường, táo bón không gây nên biến chứng hoặc hình thành vấn đề sức khỏe trầm trọng hơn. Dấu hiệu của biến chứng và vấn đề nghiêm trọng bao gồm:[4]
    • Sốt.
    • Nôn mửa.
    • Phân có máu.
    • Bụng phình to.
    • Sụt cân.
    • Vùng da quanh hậu môn bị rách.
    • Sa trực tràng, trong đó, ruột sa khỏi hậu môn.
    • Thường xuyên cảm thấy đau đớn khi tiểu tiện, đây có thể là dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu. Tình trạng này khá phổ biến đối với trẻ bị táo bón.
    • Biếng ăn.
    • Đau bụng nhiều hoặc liên tục.

Xoa dịu Táo bón Thông qua Thay đổi Lối sống và Bài thuốc Tại nhà[sửa]

  1. Cho trẻ uống nhiều nước. Phương pháp này sẽ giúp làm mềm chất bã và giúp trẻ dễ đi ngoài hơn. Nước lọc và nước trái cây là lựa chọn khá tuyệt vời.[5]
    • Sữa tươi cũng có thể gây táo bón cho một số trẻ em.
    • Tránh cho trẻ nhỏ uống thức uống có chứa caffein chẳng hạn như trà và coca-cola.[6]
    • Lượng nước cần thiết mà trẻ em cần tùy thuộc vào độ tuổi, mức độ hoạt động thể chất, và khí hậu tại nơi mà chúng sinh sống. Tuy nhiên, nếu con của bạn cảm thấy mệt mỏi và nước tiểu của chúng khá đục hoặc sậm màu, đây là dấu hiệu cho thấy rằng trẻ đang bị mất nước.
  2. Xây dựng chế độ ăn uống giàu chất xơ. Chất xơ sẽ giúp làm mềm phân và khiến trẻ dễ đi ngoài hơn. Thực phẩm có hàm lượng chất xơ cao bao gồm các loại đậu, bánh mì làm từ bột mì nguyên cám, hoa quả, và rau củ. Lượng chất xơ mà trẻ cần phải tiêu thụ như sau:[5]
    • Khoảng 20 g chất xơ mỗi ngày đối với trẻ nhỏ.
    • Khoảng 29 g mỗi ngày đối với trẻ vị thành niên là nữ giới.
    • Khoảng 38 g mỗi ngày đối với trẻ vị thành niên là nam giới.
  3. Cố gắng cho trẻ ăn thực phẩm có tác dụng nhuận tràng nhẹ và có chứa nhiều chất xơ. Hầu hết các loại hoa quả giàu dưỡng chất mà trẻ con sẽ khá thích bao gồm:[7][8]
    • Mận khô.
    • Đào.
    • Lê.
    • Mận tươi.
    • Táo.
    • Quả mơ.
    • Quả mâm xôi.
    • Dâu tây.
    • Đậu.
    • Đậu hạt.
    • Rau bina.
  4. Giảm thiểu sử dụng thực phẩm có thể gây táo bón bao gồm:[9]
    • Sữa tươi và sản phẩm chế biến từ sữa đối với một số trẻ em.
    • Cà rốt, bí rợ, khoai tây, chuối, và các loại thực phẩm khác có hàm lượng tinh bột cao.
    • Thức ăn đã được chế biến sẵn và chứa nhiều chất béo, đường, và muối nhưng lại ít chất xơ cũng có thể làm tăng nguy cơ táo bón cho trẻ. Những loại thực phẩm này sẽ khiến chúng no bụng và không muốn tiêu thụ thức ăn giàu chất xơ và tốt cho sức khỏe khác.
  5. Cho phép con của bạn có cơ hội được tham gia vào hoạt động thể chất. Biện pháp này sẽ giúp kích thích chúng đi vệ sinh. Trẻ có thể tham gia vào những loại hoạt động sau:[10]
    • Dẫn trẻ đến sân chơi cho trẻ em để chúng có thể chơi đùa.
    • Khuyến khích trẻ đi xe đạp.
    • Đi bơi.
  6. Hình thành thói quen đi ngoài cho con của bạn. Bạn nên khuyên trẻ ngồi trên bồn vệ sinh ít nhất là 10 phút sau mỗi bữa ăn khoảng 30 – 60 phút và cố gắng đi vệ sinh. Bạn có thể kết hợp quá trình này với kỹ thuật thư giãn để giảm thiểu sự lo lắng của chúng về sự đau đớn khi đi vệ sinh.[5][11][8][6]
    • Sử dụng biện pháp hít thở sâu để giúp trẻ tập trung vào việc thả lỏng cơ bắp.
    • Giúp chúng tưởng tượng về hình ảnh thư giãn hoặc về quá trình đi vệ sinh không hề đau đớn.
    • Nhẹ nhàng mát-xa bụng của trẻ trước khi chúng đi tiêu.
    • Bạn nên tỏ thái độ ủng hộ và thưởng cho trẻ vì đã cố gắng. Bạn có thể thưởng cho chúng một phần thưởng nhỏ chẳng hạn như hình dán hoặc cho phép chúng được chơi trò chơi mà chúng thích.
    • Cung cấp thêm một chiếc ghế đẩu nhỏ để trẻ đặt chân lên đó sao cho đầu gối của chúng cao hơn hông. Phương pháp này sẽ giúp chúng dễ đi tiêu hơn.

Tham khảo Ý kiến Bác sĩ[sửa]

  1. Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc cho trẻ uống các loại thuốc không cần kê toa giúp làm mềm phân. Thực phẩm chức năng bổ sung chất xơ hoặc làm mềm chất bã có thể giúp giảm thiểu sự đau đớn khi đi vệ sinh. Mặc dù, chúng được bày bán khá rộng rãi mà không cần chỉ định của bác sĩ, tốt nhất là bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho con của bạn sử dụng.[12]
    • Bác sĩ sẽ kê toa thuốc theo liều lượng phù hợp với độ tuổi và cân nặng của trẻ.
    • Thực phẩm chức năng chứa nhiều chất xơ phổ biến bao gồm Metamucil và Citrucel. Thuốc sẽ đem lại hiệu quả cao nhất nếu được kết hợp với việc uống ít nhất là 1 lít nước mỗi ngày.
    • Thuốc đạn glycerin cũng có thể đem lại hiệu quả khi sử dụng thường xuyên.
  2. Không nên cho trẻ em uống thuốc nhuận tràng mà không tham khảo ý kiến của bác sĩ khoa nhi trước tiên.[6] Nếu chất bã gây tắc nghẽn ruột, bạn nên cho con của bạn sử dụng một loại thuốc nào đó mạnh hơn để trẻ có thể đi tiêu, nhưng quá trình này cần phải được bác sĩ giám sát. Có khá nhiều loại thuốc nhuận tràng bao gồm:[12][8]
    • Bài thuốc tại nhà làm từ dầu khoáng (mineral oil).
    • Thuốc tạo khối (Ispaghula husk, Methylcellulose, Sterculia) có thể giúp cơ thể tích trữ nước và làm phân trở nên ẩm ướt hơn.
    • Thuốc nhuận tràng thẩm thấu (Lactulose, Macrogols, MiraLax) sẽ giúp cơ thể đào thải chất bã bằng cách cung cấp thêm lượng nước cho chúng.
    • Thuốc nhuận tràng kích thích (Senna, Bisacodyl, Sodium Picosulphate). Những loại thuốc này được sử dụng khi phân đủ mềm để có thể đào thải khỏi cơ thể nhưng cơ thể của con bạn lại đang chống lại quá trình này. Loại thuốc này sẽ giúp kích thích cơ bắp trong đường tiêu hóa co bóp và đẩy chất bã ra ngoài. Bạn chỉ nên sử dụng chúng như là giải pháp cuối cùng để điều trị táo bón cho trẻ nhỏ và chỉ được dùng trong thời gian ngắn. [13]
  3. Điều trị tình trạng phân bị đóng khối (fecal impaction). Nếu lượng phân trở nên khô, cứng và tích tụ tại trực tràng, bạn có thể sử dụng dung dịch thụt trực tràng hoặc thuốc đạn để có thể đẩy chúng ra ngoài. Quá trình này cần phải được thực hiện bởi bác sĩ hoặc phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.[8]
    • Thuốc đạn là loại thuốc có dạng viên nang được nhét vào hậu môn và sẽ hòa tan cũng như thẩm thấu vào khu vực này. Thuốc nhuận tràng Bisacodyl và Glycerine thường sẽ có dạng thuốc đạn.
    • Thuốc thụt rửa trực tràng là loại thuốc có dạng dung dịch được đưa vào ruột thông qua hậu môn. Đây thường là biện pháp hữu hiệu nhất để nhanh chóng làm sạch lượng chất bã tích tụ.

Cảnh báo[sửa]

  • Không bao giờ được cho trẻ nhỏ sử dụng thuốc nhuận tràng hoặc dung dịch thụt trực tràng mà không tham khảo ý kiến bác sĩ trước tiên. Sử dụng thuốc với liều lượng phù hợp là rất quan trọng và chỉ có bác sĩ mới có thể giúp bạn thực hiện điều này.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây