Đi từ hướng nội sang hướng ngoại

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Cũng như nhiều thứ khác trong cuộc sống, tính cách của con người luôn phức tạp và thuộc thể liên tục. Mặc dù có bằng chứng rằng bộ não quyết định mức hướng nội hay hướng ngoại của bạn,[1] ai cũng đều có những nét hướng nội và cả hướng ngoại. Hầu hết mọi người đều thuộc khoảng giữa.[2] Thậm chí bạn có thể cảm thấy hướng nội hoặc hướng ngoại hơn tùy theo từng ngày hoặc tùy vào những trải nghiệm gần đây của bạn.[3] Tính chất này được gọi bằng thuật ngữ “ambiversion.”[4] Đôi khi người hướng nội thường cảm thấy dường như ở mình có điều gì không đúng.[5] Hướng nội là bản chất tự nhiên của nhiều người, và không hề có gì sai ở đây. Mặc dù bạn có thể không bao giờ thực sự “chuyển từ hướng nội sang hướng ngoại”, vẫn có các bước bạn có thể áp dụng để phát huy những nét hướng ngoại của bạn và phát triển mặt này trong bản thân bạn.

Các bước[sửa]

Hiểu về tính hướng nội và hướng ngoại[sửa]

  1. Nhận biết những đặc điểm “hướng nội”. Những người hướng nội thường kín đáo hơn những người hướng ngoại. Họ thường vui thích khi ở bên cạnh mọi người, nhưng họ vẫn ưa bầu bạn với một hai người bạn thân hơn là ở giữa đám đông những người lạ (không nên so sánh với tính nhút nhát). Một số điểm khác biệt giữa người hướng ngoại và người hướng nội có thể là do bộ não của người hướng nội xử lý thông tin khác với não của người hướng ngoại.[6][7] Không như quan niệm sai lầm của nhiều người, những người hướng nội không “ghét mọi người” và họ cũng không nhất định là nhút nhát. Sau đây là những nét hướng nội thường gặp:[8]
    • Tìm kiếm sự tĩnh lặng.[9] Những người hướng nội nói chung thường hài lòng khi ở một mình. Nhiều khi họ thích sự cô độc, ít nhất là trong phần lớn thời gian. Điều này không có nghĩa là họ sợ hãi mọi người mà chỉ là do họ không có nhu cầu mạnh mẽ được ở cạnh những người khác.[10]
    • Không ưa chuộng sự kích thích. Điều này thường ngụ ý về kích thích xã hội, nhưng cũng có thể chỉ sự kích thích thể chất. Ví dụ, thực tế người hướng nội khi nếm đồ chua thường tiết nước bọt nhiều hơn người hướng ngoại! Tiếng động, đám đông và ánh sáng rực rỡ (ví dụ như một hộp đêm điển hình) thường không phải là những thứ mà người hướng nội có hứng thú.[5]
    • Ưa thích bầu bạn với một vài người hoặc những cuộc chuyện trò nhẹ nhàng.[6] Những người hướng nội có thể thích giao tiếp, nhưng họ thường cảm thấy mệt mỏi sau một thời gian tương tác xã hội, cho dù đó là các tương tác dễ chịu. Người hướng nội cần phải tự “sạc pin” cho mình.[10]
    • Thích làm việc đơn độc. Những người hướng nội thường không thích làm việc nhóm. Họ thường thích làm mọi thứ một mình, hoặc chỉ hợp tác với một hoặc hai người.[8]
    • Thích lịch trình và lập kế hoạch. Người có tính hướng nội mạnh mẽ thường phản ứng với cái mới không giống người hướng ngoại. Người hướng nội thường có nhu cầu về thời gian biểu và khả năng dự báo. Họ có thể dành nhiều thời gian để lên kế hoạch hoặc suy ngẫm trước khi bắt đầu hành động, ngay cả trong những việc nhỏ.[11][8]
  2. Nhận biết những đặc điểm “hướng ngoại”. Những người hướng ngoại thích ở giữa đám đông. Họ thường rất hoạt động, và nói chung có nhiều thứ xoay quanh mình.[8] Người ta thường cho rằng người hướng ngoại không chịu được sự cô đơn, nhưng thực ra không phải như vậy. Họ chỉ sử dụng thời gian ở một mình theo cách khác.[2] Sau đây là một số đặc điểm hướng ngoại phổ biến:
    • Tìm kiếm những tình huống xã hội. Người hướng ngoại thường cảm thấy hạnh phúc nhất khi ở giữa mọi người. Họ thường dùng sự giao tiếp xã hội như một cách để “sạc pin” và có thể cảm thấy kiệt sức hoặc buồn bã nếu không được tiếp xúc xã hội.[8]
    • Thích thú với các kích thích giác quan.[11] Người hướng ngoại thường có cách khác biệt trong việc xử lý dopamine, khiến họ cảm thấy phấn khích hoặc thỏa mãn khi đối mặt với những trải nghiệm mới mẻ và kích thích.[3]
    • Có thể thích được chú ý. Người hướng ngoại không tự đắc hơn ai, nhưng họ thường không ngại khi mọi người chú ý đến họ.
    • Cảm thấy thoải mái khi làm việc nhóm. Người hướng ngoại không phải lúc nào cũng thích làm việc nhóm, nhưng nói chung họ thấy thoải mái với việc đó và không cảm thấy khó chịu.[8]
    • Có hứng thú với sự phiêu lưu, mạo hiểm và những điều mới lạ.[12] Người hướng ngoại hứng thú với việc tìm kiếm những trải nghiệm mới. Họ có thể dễ dàng buồn chán. Họ cũng có thể vội vã lao vào hành động hoặc trải nghiệm.[8]
  3. Biết rằng các yếu tố hướng ngoại thuộc về sinh học. Nghiên cứu cho thấy tính hướng ngoại gắn với hai vùng trong não bộ: hạch hạnh nhân (amygdala), chịu trách nhiệm xử lý cảm xúc và vùng nhân vòng (nucleus accumbens), “trung tâm sung sướng” phản ứng với sự kích thích của dopamine.[3] Cách phản ứng với sự mạo hiểm và kích thích – yếu tố then chốt của tính hướng ngoại – một phần phụ thuộc vào bộ não của bạn.
    • Nhiều nghiên cứu cho rằng dopamine liên quan đến tính hướng ngoại. Có vẻ như bộ não của người hướng ngoại có nhiều khả năng phản ứng - và phản ứng mạnh mẽ - với hóa chất “hạnh phúc” khi sự mạo hiểm và phiêu lưu được đền đáp.[3][12]
    • Người hướng ngoại có thể tìm kiếm sự mới mẻ và đa dạng do hoạt động của dopamine. Một nghiên cứu cho thấy những người có một loại gien đặc biệt làm gia tăng lượng dopamine dường như có tính hướng ngoại hơn những người không có gien này.[13]
  4. Làm bài kiểm tra tính cách. Bài trắc nghiệm Myers-Briggs Personality Inventory, một trong những bài kiểm tra lớn nhất về xu hướng hướng nội/hướng ngoại, phải được một chuyên gia thực hiện.[14] Tuy nhiên, có nhiều phiên bản của bài trắc nghiệm miễn phí trên mạng. Chúng không toàn diện và mang tính chuyên môn như MBTI nhưng cũng có thể gợi ý cho bạn biết mình thường rơi vào khoảng nào trong thang đo hướng nội/hướng ngoại.
    • 16Personalities có một bài trắc nghiệm miễn phí kiểu MBTI ngắn gọn và hữu ích. Ngoài việc chỉ ra “kiểu” của bạn, nó còn giúp bạn hiểu một số ưu điểm và nhược điểm thường gặp gắn với những nét tính cách nổi bật của bạn.[15]
  5. Tìm hiểu xem liệu bạn có tính hướng nội hay nhút nhát. Có quan niệm sai lầm phổ biến cho rằng những người hướng nội cực kỳ nhút nhát. Ngược lại cũng có câu chuyện cho rằng những người hướng ngoại luôn yêu thích tiệc tùng. Cả hai đều không phải lúc nào cũng đúng. Tính nhút nhát bắt nguồn từ nỗi sợ hãi hoặc lo âu về tương tác xã hội. Tính hướng nội bắt nguồn từ mức độ thấp của nhu cầu tự nhiên về giao tiếp. Người hướng nội có mức độ thấp trong việc khởi xướng giao lưu, nhưng mức độ tránh né của họ cũng thấp.[16]
    • Nghiên cứu cho thấy rằng tính hướng nội và tính nhút nhát có mối liên hệ rất thấp – tức là, có tính nhút nhát không có nghĩa là bạn không muốn tiếp xúc với những người khác, và việc không muốn (hoặc cần) ở bên cạnh những người khác không có nghĩa là bạn nhút nhát. Thậm chí cả người hướng ngoại cũng có thể nhút nhát![17]
    • Nhút nhát trở thành vấn đề khi bạn cảm thấy nó khiến bạn lo âu hoặc gây cản trở cho những điều mà bạn muốn làm.[18] Các nhóm hỗ trợ và sự rèn luyện để tự chấp nhận có thể giúp bạn vượt qua tính nhút nhát phiền toái.[19]
    • Trường đại học Wellesley cung cấp một phiên bản miễn phí đo mức độ nhút nhát để tìm hiểu tại đây. Bài trắc nghiệm này đo lường mức độ nhút nhát của bạn dựa trên một loạt các câu hỏi như:[20]
      • Bạn có cảm thấy căng thẳng khi ở giữa những người khác (đặc biệt là những người bạn không quen thân)?
      • Bạn có muốn ra ngoài giao lưu với những người khác?
      • Bạn có cảm thấy sợ bị lâm vào trạng thái lúng túng hoặc không biết nói gì?
      • Bạn có cảm thấy khó chịu hơn khi ở giữa những người khác giới?
    • Số điểm vượt quá 49 trên thang điểm Wellesley cho thấy rằng bạn rất nhút nhát, số điểm từ 34-49 cho thấy bạn có phần nhút nhát, và số điểm dưới 34 ngụ ý rằng bạn không nhút nhát lắm.[21] Bạn có thể dùng công cụ này để quyết định xem liệu bạn có nên phấn đấu để bớt nhút nhát không.

Bước ra khỏi vùng an toàn[sửa]

  1. Tìm ra vùng lo âu tối ưu của bạn. Các nhà tâm lý học cho rằng có một vùng “lo âu tối ưu” (còn gọi là lo lắng có hiệu suất) ở sát ngay bên ngoài vùng an toàn của bạn. Giả thuyết này cho rằng sự hiện diện của sự lo âu có giới hạn thực ra giúp bạn tăng hiệu suất.[22]
    • Ví dụ, nhiều người làm việc rất tốt khi bắt đầu một công việc mới. Công việc mới có phần căng thẳng với họ, do vậy họ tập trung và gắng sức hơn để chứng tỏ với bản thân và với cấp trên rằng họ có khả năng.
    • Việc tìm ra vùng lo âu tối ưu là khá phức tạp; bạn phải tự theo dõi để tìm ra đâu là ngưỡng mà ở đó sự lo âu nhấn chìm hiệu suất.
    • Một ví dụ của hành động bước ra khỏi vùng lo âu tối ưu là bắt đầu một công việc mới mà không được huấn luyện hay không đủ năng lực thực hiện một cách hiệu quả. Trong trường hợp này, sự lo âu về việc không có biểu hiện tốt có thể nhấn chìm mọi hiệu quả tiềm năng.[22]
  2. Thúc đẩy bản thân dần dần từng ít một. Việc thúc đẩy bản thần từng bước vượt qua vùng an toàn có thể giúp bạn học những điều mới và làm được những điều mà bạn chưa bao giờ nghĩ sẽ làm được. Khi trở nên thoải mái với việc bước ra khỏi vùng an toàn, bạn sẽ phát huy được những đặc điểm hướng ngoại hơn của bạn, ví dụ như yêu thích sự mới mẻ.[23][24]
    • Tuy nhiên, đừng thúc ép bản thân đi quá xa – và không cần vội vàng. Việc đi quá xa khỏi vùng an toàn sẽ gây lo âu hơn là giúp ích, và biểu hiện của bạn sẽ lao xuống dốc.
    • Cố gắng bắt đầu từ việc nhỏ. Ví dụ, nếu bình thường bạn là người lặng lẽ ăn bữa tối với thịt nướng và khoai tây, thì việc lao vào việc nuốt một quả tim rắn hổ mang còn đập trước mặt mọi người có lẽ không phải là ý tưởng hay. Thử đi một bước nhỏ ra khỏi vùng an toàn của bạn, chẳng hạn như cùng một người bạn đi ăn sushi và thử một món mà bạn chưa từng ăn bao giờ.
  3. Tập thoải mái với việc thách thức bản thân. Thách thức bản thân thử làm một việc mới mỗi tuần (hoặc với tần suất phù hợp với bạn) để cho quyết tâm thay đổi của bạn không bị ngắt quãng. Một trong các lợi ích của việc thúc đẩy bản thân bước ra khỏi vùng an toàn là bạn sẽ trở nên quen dần với vùng lo âu tối ưu. Khi bộ não của bạn được huấn luyện để tiếp nhận cái mới thì việc thử làm những điều mới mẻ sẽ trở nên bớt khó khăn hơn.[25]
    • Hiểu rằng bạn có thể thấy không thoải mái với những thách thức này, nhất là vào lúc đầu. Quan trọng không phải là ngay lập tức có cảm giác tuyệt vời khi thử những điều mới mẻ. Điều chủ yếu ở đây là việc bạn tự nhủ với bản thân rằng bạn sẵn sàng học những cái mới.
  4. Làm một điều gì đó ngẫu hứng. Một đặc điểm của những người hướng ngoại là họ yêu thích những trải nghiệm mới mẻ và sự phiêu lưu. Trái lại, những người hướng nội thường thích lên kế hoạch và suy nghĩ kỹ càng từng chi tiết trước khi hành động. Bạn hãy tự thúc giục mình bỏ qua những kế hoạch và sự quản lý thời gian chặt chẽ của mình.[26]
    • Điều này không có nghĩa là bạn nên bỏ mọi việc và đi nghỉ một chuyến đến Thái Lan một cách ngẫu hứng và không được dự tính trước (trừ khi bạn muốn đi). Cũng giống như bất cứ việc nào khác, bạn nên bắt đầu từng bước một và tập làm quen với những hành động ngẫu hứng nho nhỏ.
    • Ví dụ, bạn hãy ghé phòng nghỉ của đồng nghiệp và rủ họ đi ăn trưa ngày hôm đó. Đưa người yêu ra ngoài ăn tối và xem phim mà không cần dự tính trước là đi đâu và xem phim gì. Những hành động nho nhỏ như vậy sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn với sự ngẫu hứng trong những tình huống an toàn và thoải mái.
  5. Chuẩn bị trước cho sự tương tác nhóm. Khi biết rằng bạn sẽ ra trước công chúng, dẫn dắt một hoạt động, chủ trì một cuộc họp hoặc khi đứng trước một đám đông người, bạn cần chuẩn bị và sắp xếp các ý tưởng của mình. Điều này sẽ giúp bạn bớt lo âu và căng thẳng.
  6. Thể hiện các kỹ năng giao tiếp. Một quan niệm phổ biến cho rằng người hướng ngoại giao tiếp “giỏi hơn” người hướng nội. Điều này không thực sự đúng.[9] Tuy nhiên thoạt đầu mọi người cảm nhận rằng tính hướng ngoại tích cực hơn, bởi người hướng ngoại thường tìm kiếm sự tương tác với những người khác.[27] Bạn hãy thách thức bản thân tìm kiếm ít nhất một hành động tương tác khi bạn ở trong tình huống xã hội tiếp theo.[28]
    • Nói chuyện với một người trong buổi tiệc. Việc “giao lưu với cả phòng” như một người có tính hướng ngoại mạnh mẽ có vẻ choáng ngợp đối với bạn. Thay vào đó, bạn chỉ cần dự định nói chuyện với một người. Gợi chuyện làm quen bằng những câu như, “Hình như chúng ta chưa gặp nhau, tôi là…” [28]
    • Tìm những người “ngồi một mình”. Họ có thể là người hướng nội hoặc chỉ nhút nhát. Việc chào hỏi có thể là sự khởi đầu cho một tình bạn tuyệt vời, nhưng bạn sẽ không bao giờ biết được nếu không thử.[29]
    • Chấp nhận sự yếu đuối của mình. Nếu cảm thấy không thoải mái khi tiếp cận người lạ, bạn nên bắt đầu bằng chính việc đó! Lời bình luận hài hước về sự hồi hộp của bạn như “Tôi chẳng bao giờ biết mở lời như thế nào trước các tình huống như thế này” có thể giúp xua tan căng thẳng và khuyến khích người kia bắt chuyện với bạn.[28]
    • Chuẩn bị một số câu chuyện “tán gẫu”. Người hướng nội thường thích lên kế hoạch trước, vì vậy bạn có thể chuẩn bị một vài câu gợi chuyện cho lần sau ra ngoài giao tiếp. Không nên dùng những câu sáo mòn hoặc khiến người nghe phải rùng mình. Thử dùng những câu hỏi mở cần câu trả lời dài mà không chỉ là “có” hoặc “không”. Ví dụ, “Kể cho tôi nghe anh làm gì được không” hoặc “Hoạt động yêu thích của anh ở đây là gì?” Người ta thường thích nói chuyện về bản thân mình, và những câu hỏi mở là một cách mời gọi họ chuyện trò với bạn.[28]
  7. Tìm những tình huống xã hội thích hợp với bạn. Nếu một trong các mục tiêu của bạn là làm quen với bạn bè mới, bạn sẽ phải tìm cách để thực hiện điều đó. Không có nguyên tắc nào bảo rằng bạn phải đến hộp đêm hay các quán bar hoặc bất cứ nơi nào khác, trừ khi bạn muốn thế. Không phải tất cả những người hướng ngoại đều đến câu lạc bộ thể thao đặc biệt để giao lưu. (Thực ra một số người hướng ngoại lại khá nhút nhát!) Bạn nên cân nhắc về típ người mà bạn muốn kết bạn, sau đó tìm những tình huống xã hội mà bạn có thể gặp được họ - hoặc bạn có thể tự tạo ra.[30]
    • Mời vài người bạn đến nhà và tổ chức một buổi tụ tập nhỏ. Mời từng người bạn dẫn theo một người bạn khác của họ, tốt nhất là người mà bạn chưa gặp bao giờ. Theo cách này, bạn sẽ gặp những người mới trong khung cảnh thoải mái cùng với những người quen biết.
    • Mở rộng những mối quan hệ và giao tiếp trên mạng thành những cuộc giao lưu ngoài đời. Ví dụ, nếu tham gia các diễn đàn, bạn nên tập trung vào những người cùng địa phương và tìm cơ hội để gặp gỡ họ bên ngoài. Qua cách này bạn sẽ không phải gặp những người dường như hoàn toàn lạ lẫm.
    • Nhớ rằng những người có tính hướng nội mạnh mẽ thường dễ bị kích động quá mức.[10] Bạn sẽ không thể làm quen mọi người nếu cùng lúc phải đương đầu với nhiều yếu tố kích thích gây xao nhãng. Nên chọn những địa điểm hoặc tình huống dễ chịu (hoặc chỉ hơi không thoải mái một chút). Bạn có nhiều khả năng giao tiếp hơn khi cảm thấy thoải mái.
  8. Tham gia một lớp tập luyện. Tất nhiên là bạn vẫn có thể trân trọng những nét hướng nội của mình. Ví dụ, lớp học yoga có thể là hoàn hảo với bạn, vì yoga thể hiện sự tập trung vào suy ngẫm nội tâm và sự tĩnh lặng. Làm bạn với người ngồi cạnh mình, hoặc đặt vài câu hỏi với người hướng dẫn.
    • Nhớ rằng bạn không cần phải nói chuyện với tất cả mọi người trong phòng để biểu hiện nét hướng ngoại của mình.
  9. Tham gia hoặc mở một câu lạc bộ sách. Đây là một cách tuyệt vời để biến một hoạt động đơn độc thành hoạt động xã hội. Câu lạc bộ sách tạo điều kiện cho bạn chia sẻ ý kiến và suy nghĩ của mình với những người có cùng mối quan tâm. Những người hướng nội thường thích thú với các cuộc chuyện trò sâu sắc với một nhóm ít người, và câu lạc bộ sách là một nơi lý tưởng cho việc này.[6]
    • Các câu lạc bộ sách gặp gỡ không quá thường xuyên, ví dụ như một lần vào mỗi tuần hoặc mỗi tháng. Điều này là thích hợp với những người hướng nội, bởi họ thường không thích giao lưu quá thường xuyên.
    • Nếu không biết tìm câu lạc bộ sách ở đâu, bạn có thể tìm trên mạng. Goodreads.com hoạt động như một câu lạc bộ sách online, nơi mọi người có thể thảo luận và đóng góp ý kiến. Goodreads cũng liệt kê nhiều câu lạc bộ sách địa phương. Bạn hãy tìm một nhóm có vẻ hợp ý bạn.
  10. Tham gia một lớp diễn xuất. Có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng nhiều diễn viên nổi tiếng là những người có tính hướng nội mạnh mẽ. Robert De Niro là người có mức hướng nội cao, nhưng ông vẫn là một trong những diễn viên nổi tiếng hàng đầu ở nước Mỹ.[31] Diễn viên Emma Watson nổi tiếng với bộ phim “Harry Potter” cũng tự mô tả mình là người trầm lặng và hướng nội.[32] Việc diễn xuất có thể cho phép bạn biến thành một “con người” khác và khám phá các hành vi mà bạn có thể không thấy thoải mái với mình, nhưng trong một môi trường an toàn.[33]
    • Các lớp học ứng biến cũng có thể hữu ích cho những người hướng nội. Bạn sẽ được học cách ứng phó, cách phát triển sự linh hoạt, tiếp nhận thông tin và các trải nghiệm mới. Một trong những quan niệm của sự ứng biến là chấp nhận mọi sự việc xảy đến với bạn và kiểm soát nó – một kỹ năng hoàn toàn có thể thúc đẩy bạn bước ra khỏi vùng an toàn hướng nội của mình.[34]
  11. Tham gia vào một nhóm nhạc. Việc tham gia nhóm nhạc như nhóm đồng ca, ban nhạc hoặc thậm chí là nhóm tứ tấu, có thể giúp bạn làm quen với bạn bè mới. Những hoạt động này có thể thích hợp với người hướng nội, vì việc tập trung vào âm nhạc có thể giảm áp lực cho việc giao tiếp của bạn.
    • Nhiều nhạc sĩ nổi tiếng là người hướng nội. Huyền thoại nhạc đồng quê Will Rogers và ngôi sao nhạc pop Christina Aguilera chỉ là một số ví dụ.[35]
  12. Cho phép mình có thời gian trầm lặng. Sau khi đẩy mình vào một tình huống xã hội, bạn nhớ phải cho mình chút thời gian để hồi phục tinh thần và cảm xúc. Là một người hướng nội, bạn cần “khoảng lặng” để lấy lại sức để sẵn sàng cho hành động giao tiếp sau đó.

Xử lý các mối quan hệ[sửa]

  1. Chào hỏi mọi người. Những người hướng nội đôi khi quên rằng không phải ai cũng cảm thấy được “sạc pin” sau khi ở một mình. Bạn cần nhớ hỏi thăm bạn bè và những người thân yêu, thậm chí chỉ cần nói lời chào. Việc chủ động liên lạc thuộc về tính hướng ngoại, nhưng với một chút tập luyện, việc này cũng không phải là quá khó.
    • Mạng xã hội có thể là một phương tiện tốt cho bước đi đầu tiên trong mối quan hệ của bạn. Gửi mội lời nhắn thân thiện đến một người bạn trên Twitter. Đăng ảnh một chú mèo ngộ nghĩnh lên tường Facebook của anh chị em. Chủ động liên lạc với những người khác, thậm chí chỉ với những hành động nho nhỏ, cũng có thể giúp bạn phát huy mặt hướng ngoại của mình.
  2. Đặt ra nguyên tắc hướng dẫn cho sự tương tác xã hội. Nếu đang quan hệ với một người hướng ngoại hơn mình, bạn có thể nhờ người đó giúp phát huy những nét hướng ngoại của bạn. Tuy nhiên bạn sẽ có lợi nhờ thảo luận về những điều bạn thích và không thích trong giao tiếp. Hãy đặt ra nguyên tắc hướng dẫn về cách kiểm soát những nhu cầu khác nhau của bạn.[36]
    • Ví dụ, một người hướng ngoại có thể thực sự cần phải thường xuyên giao tiếp để cảm thấy thỏa mãn. Tuy rằng bạn đang cố gắng cởi mở và thoải mái, có thể bạn vẫn không muốn giao du nhiều như nửa kia của bạn. Đôi khi việc để người ấy ra ngoài một mình sẽ cho bạn thời gian ở nhà và lấy lại sức lực, và như vậy cả hai đều cảm thấy hạnh phúc.
    • Bạn có thể bảo người yêu đưa bạn đến các sự kiện xã hội. Ngay cả khi không thấy hào hứng lắm, thỉnh thoảng bạn vẫn nên thử. Việc có một người quen thân và tin cậy đi cùng sẽ khiến bạn cảm thấy dễ chịu hơn.
  3. Nói với người kia về cảm giác của bạn. Người hướng nội có thể quá chú ý đến nội tâm, vì vậy không phải lúc nào họ cũng nhớ diễn đạt về cảm giác của mình với người khác. Điều này khiến người khác, nhất là những người có tính hướng ngoại mạnh mẽ, khó biết rằng bạn đang vui vẻ hay đang vô cùng muốn trốn tránh.[9] Tuy nhiên thoạt đầu mọi người cảm nhận rằng tính hướng ngoại tích cực hơn, bởi người hướng ngoại thường tìm kiếm sự tương tác với những người khác.[27] Nói cho những người khác biết cảm giác của bạn trước khi họ phải hỏi.
    • Ví dụ, nếu đang ở một buổi tiệc cùng với một người bạn, bạn hãy nói với bạn mình, “Tôi thấy vui lắm!” Có thể bản chất bạn là dè dặt hoặc trầm lặng, nhưng điều đó không có nghĩa bạn phải quá bí ẩn.
    • Tương tự, nếu cảm thấy hết năng lượng trong buổi tiệc tùng trước những người khác, bạn hãy bộc lộ điều đó. Bạn có thể nói những câu như, “Tôi thấy rất vui, nhưng giờ tôi thấy mệt rồi. Tôi phải về nhà đây. Cảm ơn mọi người vì cuộc vui hôm nay!” Như vậy những người khác sẽ biết bạn có trải nghiệm vui vẻ, nhưng bạn cũng có thể nói lên nhu cầu của mình là cần về nhà và lấy lại sức lực.
  4. Tôn trọng những khác biệt của bạn. Hướng nội và hướng ngoại chỉ là những tính chất khác nhau. Không có tính nào cao hơn tính nào. Đừng hạ thấp bản thân vì cách phản ứng với tình huống của bạn khác với bạn bè hoặc người thân của bạn. Tương tự như vậy, đừng phán xét người khác về cách họ phản ứng với tình huống.[37]
    • Không may là thông thường người hướng ngoại có định kiến rằng người hướng nội “ghét mọi người” hoặc “buồn tẻ”. Cũng không may như vậy khi người hướng nội cho rằng tất cả những người hướng ngoại đều “nông cạn” hoặc “hỗn loạn”. Đừng nghĩ rằng bạn phải hạ thấp “mặt bên kia” để nâng cao bản thân bạn. Mỗi típ người đều có các điểm mạnh và các thách thức.[31]

Lời khuyên[sửa]

  • Hướng nội không đồng nghĩa với nhút nhát. Một người hướng nội thực sự thích thú với những hoạt động đơn độc hơn các hoạt động xã hội, trong khi người nhút nhát tránh né các tình huống xã hội là vì sợ hãi và lo âu. Nếu bạn là người thích nói chuyện và giao lưu với mọi người nhưng cảm thấy tê cứng lại, hoặc không cảm thấy tự tin, có lẽ bạn đang đối mặt với tính nhút nhát. Xem bài viết Vượt qua Sự nhút nhát.
  • Người hướng nội cảm thấy rằng các tình huống xã hội gây kiệt sức. Nếu là người hướng nội, bạn đừng lo về việc giao lưu khi bạn chỉ đơn thuần cần thời gian ở một mình.
  • Trong khi nhút nhát và lo âu xã hội là những vấn đề có thể xử trí và khắc phục, hướng nội là một nét cá tính thường ổn định cả đời. Tốt hơn là bạn nên làm chính bản thân mình, công nhận giá trị và những đóng góp của bạn như một cá nhân và là một người hướng nội.

Cảnh báo[sửa]

  • Phát huy những nét hướng ngoại của bạn vì bạn muốn thế, không phải vì người khác bảo rằng bạn “nên” làm theo cách nào đó. Hãy yêu con người của mình!

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.huffingtonpost.com/entry/the-scientific-reasons-why-introverts-and-extroverts-are-different_us_566eedf6e4b011b83a6be33a
  2. 2,0 2,1 http://psychcentral.com/blog/archives/2013/09/11/7-persistent-myths-about-introverts-extroverts/
  3. 3,0 3,1 3,2 3,3 http://www.bbc.com/future/story/20130717-what-makes-someone-an-extrovert
  4. http://www.britannica.com/EBchecked/topic/292139/introvert-and-extrovert
  5. 5,0 5,1 http://www.scientificamerican.com/article/the-power-of-introverts/
  6. 6,0 6,1 6,2 http://www.theatlantic.com/magazine/archive/2003/03/caring-for-your-introvert/302696/
  7. http://io9.com/the-science-behind-extroversion-and-introversion-1282059791
  8. 8,0 8,1 8,2 8,3 8,4 8,5 8,6 http://www.myersbriggs.org/my-mbti-personality-type/mbti-basics/extraversion-or-introversion.htm
  9. 9,0 9,1 9,2 https://www.psychologytoday.com/blog/cutting-edge-leadership/201110/why-extraversion-may-not-matter?collection=101164
  10. 10,0 10,1 10,2 https://www.psychologytoday.com/articles/200703/field-guide-the-loner-the-real-insiders?collection=101164
  11. 11,0 11,1 https://www.psychologytoday.com/articles/199907/the-difference-between-introverts-and-extroverts?collection=101164
  12. 12,0 12,1 http://journal.frontiersin.org/article/10.3389/fnhum.2013.00288/abstract
  13. http://link.springer.com/article/10.1007/s11055-007-0058-8#page-1
  14. http://www.myersbriggs.org/my-mbti-personality-type/take-the-mbti-instrument/
  15. http://www.16personalities.com/free-personality-test
  16. https://www.psychologytoday.com/blog/the-introverts-corner/200910/introversion-vs-shyness-the-discussion-continues?collection=101164
  17. Cheek, J. M., & Melchior, L.A. (1990). Shyness, self-esteem, and self-consciousness. In H. Leitenberg (Ed.), Handbook of Social and Evaluation Anxiety (pp. 47-82). New York: Plenum Publishing.
  18. https://www.psychologytoday.com/blog/singletons/200811/shyness-biologically-based-mental-disorder-or-personality-quirk
  19. https://www.psychologytoday.com/blog/shyness-is-nice/201401/how-overcome-anxiety-shyness-real-life-success-stories
  20. http://academics.wellesley.edu/Psychology/Cheek/research.html
  21. http://academics.wellesley.edu/Psychology/Cheek/howshy.html
  22. 22,0 22,1 https://www.psychologytoday.com/blog/hide-and-seek/201207/can-anxiety-be-good-us
  23. http://www.wsj.com/articles/SB10001424052702303836404577474451463041994
  24. http://psychclassics.yorku.ca/Yerkes/Law/
  25. http://www.nytimes.com/2011/02/12/your-money/12shortcuts.html?pagewanted=all&_r=0
  26. https://www.psychologytoday.com/blog/the-introverts-corner/201411/how-introverts-can-be-more-spontaneous
  27. 27,0 27,1 https://www.psychologytoday.com/blog/the-introverts-corner/201109/extrovert-envy?collection=101164
  28. 28,0 28,1 28,2 28,3 http://www.anxietybc.com/self-help/effective-communication-improving-your-social-skills
  29. http://blogs.wsj.com/atwork/2015/04/03/an-introverts-advice-for-getting-ahead-2/
  30. https://www.psychologytoday.com/blog/changepower/201103/introverts-extroverts-and-habit-change?collection=101164
  31. 31,0 31,1 http://www.forbes.com/sites/deborahljacobs/2012/07/24/how-to-turn-an-introvert-into-an-extrovert-or-vice-versa/
  32. http://www.eonline.com/news/507948/emma-watson-in-wonderland-i-m-genuinely-a-shy-socially-awkward-introverted-person
  33. http://theinneractor.com/42/being-shy-and-an-actor/
  34. https://www.psychologytoday.com/blog/self-promotion-introverts/201310/improv-introverts
  35. http://www.huffingtonpost.com/2013/08/13/famous-introverts_n_3733400.html
  36. https://www.psychologytoday.com/blog/the-introverts-corner/201003/introverts-and-extroverts-in-love?collection=101164
  37. https://www.psychologytoday.com/blog/the-introverts-corner/201102/mistakes-introverts-make

Liên kết đến đây