Nhận ra bạn đang thích ai đó hay bạn chỉ đang cô đơn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Có thể đó là người yêu, bạn bè hoặc một người mà bạn thường xuyên gặp gỡ, nhưng bạn chưa dám chắc liệu tình cảm hoặc tình bạn mà mình dành cho họ có bắt nguồn từ những nguyên nhân đúng đắn không, hay là từ sự cô đơn. Nếu bạn thấy đây chính là vấn đề của mình, bài viết này sẽ hướng dẫn bạn cách để nhận ra tình cảm này là thật lòng hay là chỉ để khoả lấp sự trống trải.

Các bước[sửa]

  1. Tìm hiểu nguyên nhân ban đầu khiến bạn làm quen với họ. Ban đầu, có thể bạn thực lòng thích tính cách của họ, hoặc giữa hai người có nhiều điểm chung. Mặt khác, có thể bạn cảm thấy mình cần tỏ ra tử tế với người này chỉ vì những người bạn khác cũng yêu mến họ, hoặc bạn vừa mới trải qua một cuộc chia tay, hoặc có điều gì đó trong cuộc sống của họ khiến bạn thương cảm. Hãy thử quay về thời điểm bắt đầu mối quan hệ, và nghĩ về mọi lí do khả thi khiến bạn làm quen với họ. Bằng cách này, bạn sẽ quyết định được tình cảm thực sự mà mình dành cho người đó.
  2. Xem xét cảm giác thường trực của bạn khi ở bên người này. Nghĩ về những trải nghiệm của riêng bạn khi dành thời gian cho họ. Bạn có thấy nhàm chán, bất an hoặc không thoải mái không? Mặt khác, có thể bạn luôn cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ, yêu thương hoặc ấm áp khi ở bên họ. Dành thời gian để ngẫm nghĩ về càng nhiều kỉ niệm càng tốt để có thể rút ra một khuôn mẫu nào đó - các bạn đã trải qua nhiều thời khắc hạnh phúc hay bạn không thể nhớ nổi lần cuối bạn thấy vui vẻ bên họ là khi nào?
  3. Cho bản thân một chút không gian riêng. Bước này có thể rất khó đối với bạn nếu bạn ghét phải ở một mình, nhưng nó vẫn rất quan trọng. Khi ở xa người mà bạn đang băn khoăn về tình cảm, bạn có thể nhìn nhận rõ hơn về mối quan hệ của mình: có phải bạn duy trì liên lạc với người này chỉ là vì cô đơn không, hay thực lòng bạn có những lí do chính đáng khác để ở bên họ? Cố gắng ở xa nhau trong ít nhất hai tuần; khoảng thời gian này sẽ giúp bạn nhận ra minh có thật sự nhớ người đó không, hoặc bạn có cảm thấy chán khi không có người đó ở bên không. Trong thời gian này, hãy xem xét những điều sau:
    • Bạn có thấy nhớ những điều cụ thể về họ không. Nếu có, có thể là bạn thực sự quan tâm tới người đó.
    • Bạn thấy khó mà gọi tên cảm giác cụ thể lúc này, hoặc chỉ có cảm giác "thiếu thiếu" sự hiện diện của họ. Thậm chí bạn có thể thấy nhẹ cả người vì không phải "chịu đựng" một số hành động và thái độ của người đó khi ở bên họ. Trong trường hợp này, có thể là bạn chỉ giữ chân người đó để lấp chỗ trống thôi.
    • Bạn thấy mình luôn so sánh một người bạn cũ hoặc người yêu cũ với họ. Đôi khi, khoảng thời gian ở xa nhau sẽ làm bộc lộ mặt tiêu cực của các vấn đề, nét tính cách và thói quen tương tự. Trong trường hợp này, có thể bạn đang 'ngựa quen đường cũ', lặp lại một mối quan hệ gây thất vọng với cả đôi bên.
    • Cho bản thân thời gian để ngẫm nghĩ và tự khám phá bản thân. Nếu bạn chưa hiểu rõ về bản thân mình, bạn dễ có xu hướng tìm kiếm sự khẳng định về giá trị cá nhân trong các mối quan hệ, và bạn mong đợi người khác "giúp bạn tiến bộ từ con số 0". Nếu bạn cảm thấy đây là điều mình đang làm, hãy dành thời gian để xác định lại bản thân và những việc bạn quan tâm, nhờ đó, bạn có thể trân trọng chính mình hơn. Khi làm việc này, bạn sẽ thay thế cảm giác cô đơn bằng tình yêu với bản thân, tạo ra một nền tảng bền vững cho các mối quan hệ lành mạnh với người khác sau này.
  4. Tự hỏi bản thân xem bạn có đặt ra tiêu chuẩn quá cao cho mối quan hệ này không. Đôi khi, bạn có thể thắc mắc rằng: có phải mình cần người đó trong cuộc sống vì thường xuyên có mâu thuẫn với họ không. Tuy nhiên, cũng chưa hẳn là bạn thực sự không thích người đó. Đơn giản, có thể là bạn thích họ, nhưng họ có những thói quen hoặc cá tính mà bạn không thích hoặc không thể chịu được lâu, như vậy có nghĩa là hai bạn không được thân nhau lắm, hoặc hai bạn chỉ nên ở bên nhau "một chút" thôi. Ví dụ: có thể họ là người nội tâm còn bạn thì hướng ngoại. Hoặc có thể những sở thích của họ không hợp với bạn, nhưng họ luôn muốn kể hết cho bạn nghe mà không thèm quan tâm tới điều tương tự ở bạn. Nếu lúc này, bạn nghĩ "gãi đúng chỗ ngứa rồi đấy", thì đây là dấu hiệu cho thấy bạn nên dành thời gian cho những người khác - ngoài khoảng thời gian dành cho người đó (hoặc bạn có thể giảm bớt đi), và đây không hẳn là dấu hiệu bạn ghét họ và chỉ ở đó với họ cho đỡ cô đơn.
  5. Tiếp xúc với càng nhiều người càng tốt. Dành thời gian với người khác có thể giúp bạn có ý tưởng tốt hơn về những típ người mà bạn nên kết thân. Gặp gỡ nhiều người trong những hoàn cảnh khác nhau sẽ giúp bạn hiểu ra liệu người đó có hợp với bạn không, hay bạn đã trở thành một người khác với họ rồi.
    • Nếu bạn thấy lo lắng về việc dành thời gian với những người khác (nhất là nếu bạn thường xuyên phải ở cạnh người kia), bạn không nhất định là phải gặp gỡ với mỗi bạn bè thân thiết hoặc các thành viên trong gia đình. Chỉ cần nói "xin chào" một cách vui vẻ để tán gẫu với những người mới (dù đó là người bán hàng, đồng nghiệp hoặc ai đó bạn thường đi chung đường) cũng là một khởi đầu tốt.
    • Nếu bạn để người đó chiếm quá nhiều thời gian của bạn và khiến bạn khó gặp gỡ người khác, bạn có thể nghĩ tới việc tình nguyện giúp đỡ những người đang cô đơn, ví dụ như những người già neo đơn hoặc những người trẻ tuổi cô độc bị xa lánh. Việc này sẽ giúp bạn xem xét cảm giác cô đơn của mình và được tiếp xúc với nhiều người hơn. Bạn sẽ nghĩ về nhu cầu của họ nhiều hơn là sự thiếu thốn của mình.
    • Nếu bạn cảm thấy không ổn lắm với việc mở rộng mối quan hệ, hãy cứ coi đây là một hành động vị tha. Khi bạn dành thời gian với nhiều người khác, không chỉ bạn được giải thoát khỏi nỗi cô đơn mà còn cả người kia nữa; một nghiên cứu gần đây của Đại học Chicago, Đại học California-San Diego và Havard cho thấy: sự cô đơn có sức tàn phá rất lớn và có thể lan truyền cho người khác, nghĩa là bạn có thể truyền sự cô đơn của mình cho người này dù không có ý định đó.[1] Khi tăng cường tiếp xúc với những người khác, bạn có thể phá vỡ sự cô đơn cho cả hai người.
  6. Quan sát những suy nghĩ và cảm xúc hiện thời. Một cách tiếp cận khác bạn có thể dùng để kiểm nghiệm giá trị của mối quan hệ này là lên kế hoạch làm gì đó cùng họ. Khi thực hiện kế hoạch, hãy theo dõi những suy nghĩ và phản ứng cảm xúc tự nhiên của bản thân. Nếu trước và trong thời gian thực hiện, bạn thấy mình chỉ nghĩ tới những điều tiêu cực như "Chuyện này sẽ rất tệ hại", hoặc "ước gì mình có việc hay hơn/thú vị hơn để làm", hoặc bạn có nhiều cảm giác không tốt như lo sợ, buồn chán... có thể đó là dấu hiệu cảnh báo rằng bạn không thực sự thích ở cạnh hoặc trân trọng người đó.
  7. Kết thúc tình bạn hoặc mối quan hệ đó, nếu được. Sau khi thực hiện những bước trên, nếu bạn thấy mình thật sự không thích người đó và bạn chỉ gặp gỡ họ để đỡ cô đơn thì hãy xem xét việc chấm dứt mối quan hệ và tìm tới người khác hoặc hoạt động khác. Bạn sẽ không chỉ cảm thấy nhẹ nhõm khi làm thế mà việc này cũng sẽ công bằng đối với người kia. Hai người sẽ không phải duy trì mối quan hệ thiếu sức sống này thêm một chút nào nữa. Hãy chấp nhận rằng đôi khi, chúng ta phải biết từ bỏ để trưởng thành.

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu bạn đã kết thúc mối quan hệ, nhưng sau đó lại thấy mình thật sự thích người đó, việc thuyết phục họ quay lại hoặc tin tưởng bạn lần nữa sẽ là rất khó, hoặc thậm chí là bất khả thi. Nếu bạn định cắt đứt quan hệ với họ, hãy đảm bảo rằng mình thật sự muốn làm thế.
  • Quyết định chấm dứt mối quan hệ này có thể dẫn tới phản ứng tiêu cực.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. MSNBC, Loneliness can be contagious, new study finds, http://www.msnbc.msn.com/id/34209727/ns/health-behavior/