10 kĩ năng mềm cần thiết với bậc cha mẹ thời đại số

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Ngày nay, khi thế giới xung quanh ta ngày càng phát triển với những ảnh hưởng mạnh mẽ từ truyền thông, công nghệ thông tin, cũng như những mưu toan của cuộc sống bận bịu thường ngày sẽ “vô tình” khiến cho việc nuôi dạy đứa con thơ của bạn trở nên khó khăn hơn bởi những tác động kể trên theo hướng chủ quan hoặc khách quan.

Những vấn đề mà các bậc phụ huynh ngày nay thường gián tiếp dẫn đến những hệ lụy như chứng tự kỉ ở trẻ - một căn bệnh tâm lý khá phổ biến ngày nay, hay khả năng tiếp nhận hoặc phát triển tự nhiên bị giảm đáng kể, tính năng động vốn có của bé bị “cầm chân” với bốn bức tường cùng những món đồ công nghệ thiếu tính sáng tạo, v.v…

Vậy làm sao để giúp bạn có thể tránh khỏi những sai lầm trên, đồng thời giáo dục con bạn trở thành một đứa trẻ được phát triển toàn diện từ tư duy, khả năng sáng tạo và sự thông minh ở trẻ? Cùng điểm qua 10 lời khuyên bổ ích dưới đây hiện đang được các bà Mẹ trẻ áp dụng phổ biến

Tránh tối đa khả năng cho trẻ tiếp xúc với công nghệ từ sớm[sửa]

Nói không với các món đồ iPad, máy tính bảng, laptop, v.v… ngay khi thấy trẻ có biểu hiện thích thú và vòi vĩnh khi bạn đang sử dụng. Hãy đi xa khỏi nơi trẻ đang vui chơi nếu bạn bận bịu hoặc tắt màn hình thiết bị ngay sau đó, tìm cách đánh lạc hướng trẻ nếu trẻ bắt đầu có biểu hiện khóc vòi. Không chỉ trực tiếp làm nguy hại đến thị lực còn non nớt của trẻ với loại ánh sáng xanh – thủ phạm nổi tiếng của sự mệt mỏi và nhức mắt, đồng thời còn khiến trẻ thụ động tuyệt đối khi mọi thứ trẻ tiếp nhận đều phụ thuộc vào những khung hình nhiều màu sắc và chuyển động.

Giải thích[sửa]

Nghe có vẻ đơn giản nhưng có rất nhiều bậc Cha Mẹ thường xuyên bỏ qua bước này vì nghĩ rằng trẻ còn quá nhỏ để có thể hiểu những gì bạn nói, một sai lầm hoàn toàn tai hại. Ngay từ khi còn sơ sinh, khi thay tã cho trẻ, bạn đã phải “thông báo” với trẻ những gì bạn sắp làm và nhìn vào mắt trẻ để tạo kết nối. Khi trẻ lớn hơn một chút, sự năng động và tò mò sẽ được biểu hiện nhiều hơn với những hành động vòi vĩnh, nhõng nhẽo và khóc thét khi mọi chuyện không thuận theo ý trẻ. Những lúc như vậy, bạn đừng quên giải thích cho trẻ hiểu tại sao bạn không để trẻ làm như vậy. Trẻ có đủ khả năng hiểu những giải thích bằng những vốn từ vựng đơn giản, quen thuộc, kèm theo ngôn ngữ cử chỉ, ánh mắt của bạn. Nếu trẻ không được biết lý do cũng như phản ứng của bạn, những lần sau trẻ vẫn sẽ ứng xử như vậy, thậm chí còn tệ hơn.

Khuyến khích[sửa]

Đừng quên động viên trẻ để trẻ có thể hiểu được giá trị cũng như những cố gắng của mình được công nhận, động viên trẻ không ngừng phát huy bản thân và có được sự tự tin cần thiết. Bạn nên khen trẻ ở mức độ chính xác những gì trẻ đã làm được, không nên nói quá, tâng bốc trẻ sẽ dễ khiến những lời khen biến thành con dao hai lưỡi và khiến trẻ trở nên tự mãn.

Ngưng đổ lỗi cho những yếu tố khách quan[sửa]

Đây là một trong những cách thể hiện tình yêu sai chỗ của các bậc phụ huynh ngày trước, chẳng hạn như khi trẻ vấp ngã, các bậc Cha Mẹ xưa và thậm chí ngày nay, thường có thói quen đánh vào đồ vật và đổ lỗi cho sự “chướng chỗ” của chúng. Điều này sẽ vô tình dần dần làm cho trẻ hình thành suy nghĩ rằng tất cả những sự việc không vui, hay những vết sẹo trẻ có đều do những yếu tố khách quan xung quanh mà ra, trẻ chưa bao giờ làm gì sai và mình luôn đúng. Thay vào đó, bạn nên giải thích cho trẻ hiểu sao trẻ lại té, hoặc tại sao lại có những sự việc không như mong đợi có thể xảy ra trong cuộc sống.

Giữ gìn hạnh phúc gia đình[sửa]

Cuộc sống bận rộn và căng thẳng như ngày nay rất dễ dẫn đến tình trạng hôn nhân gia đình của các bậc Cha Mẹ khó khăn hơn trong việc nuôi giữ và giữ gìn chúng. Hãy cố gắng hết sức không để trẻ phải chứng kiến những cảnh tượng cãi vã nặng lời, hay thậm chí những cử chỉ thô bạo thiếu kiềm chế của các bậc phụ huynh với nhau để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thật khỏe mạnh, yêu đời và hồn nhiên. Tránh tình trạng khiến trẻ rơi vào những cảm xúc hỗn độn, cũng như dần hình thành những suy nghĩ tiêu cực, bi quan và u sầu.

Trách nhiệm[sửa]

Hãy giao một vài “nhiệm vụ” nho nhỏ cho trẻ, như tự dọn dẹp đồ chơi của mình, hay xếp lại giường chiếu sau khi ngủ dậy, v.v… và chắc chắn rằng trẻ sẽ hoàn thành chúng. Đây là cách để các bậc phụ huynh truyền đạt tầm quan trọng của việc hình thành và duy trì những mối quan hệ xã hội mà trẻ sẽ phải đối mặt khi bước vào đời.

Tự lập[sửa]

Rất nhiều bậc phụ huynh “làm quá” trong vấn đề giải quyết và sát cánh cùng con thơ của mình mỗi khi có bất kì vấn đề nào xảy ra với chúng. Đừng quá “nuông chiều” và bỏ rơi tính tự lập vốn có ở trẻ từ trong bản năng của mỗi con người, hãy để trẻ tự giải quyết các vấn đề trong khả năng của mình. Bạn không thể tin được rằng những trực giác, và kỹ năng sống được hình thành trong quá trình phát triển của trẻ có thể phát huy tốt ngoài sự mong đợi của bạn đấy. Hãy thử lặng lẽ đứng cạnh trẻ và quan sát, bạn sẽ thấy con mình tự lập giỏi như thế nào.

Phát triển tự nhiên[sửa]

Hãy để trẻ phát triển tự nhiên tối đa như những gì bản năng của trẻ bộc lộ khi lần đầu tiếp xúc với những kỹ năng. Chẳng hạn như trẻ thuận cả hai tay, có thể trẻ thích dùng thìa cơm bên tay trái, nhưng cầm bút lại dùng tay phải, hãy để trẻ thoải mái được sống cùng bản năng của mình. Với sự phát triển và tiên tiến như ngày nay, không có bất kỳ lí do gì để bạn dồn ép trẻ vào một khuôn mẫu, khiến trẻ “vô tình” thui chột một vài khả năng, hay năng khiếu của mình. Thay vào đó, hãy quan sát và hiểu trẻ thật sự để hỗ trợ trẻ phát huy cả hai bán cầu não tuyệt vời đó.

Không đặt áp lực ở “kỳ vọng”[sửa]

Hãy biết cách kỳ vọng ở trẻ đủ để chúng hiểu rằng đó là những mục tiêu cần đạt được để có một cuộc sống trọn vẹn hơn. Hạn chế tạo áp lực cho trẻ khi bạn buộc chúng phải đạt điểm 10, hoặc phải đứng nhất lớp, v.v… Tất cả những kỳ vọng nặng nề này sẽ vô tình khiến trẻ mất đi cuộc sống cũng như sự vô tư như những bạn cùng trang lứa khác. Thay vào đó, hãy khích lệ, động viên trẻ làm hết sức mình, lúc đó khả năng của trẻ sẽ được thể hiện rõ nhất, và đừng quên trân trọng những nỗ lực đó.

Thất bại là Mẹ thành công[sửa]

Đây là một câu nói từ ngàn xưa và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hãy để trẻ vấp ngã với những quyết định hoặc lựa chọn của mình, từ đó, những bài học cuộc sống sẽ dạy trẻ trở nên mạnh mẽ và sáng suốt hơn trong cuộc sống sau này, cũng như tính cách thật sự của chúng được tự nhiên hình thành và bạn sẽ ngạc nhiên con mình là một người tuyệt vời như thế nào. Hãy trở thành những bậc phụ huynh “thời đại số” thông minh và tuyệt vời nhất, là nơi để con bạn luôn được lắng nghe và thấu hiểu, cũng như là niềm tự hào và là động lực giúp trẻ luôn cố gắng trở thành một người tuyệt vời nhất trong mắt Cha Mẹ của mình nói riêng và xã hội nói chung.

Theo Hà My- iPrice

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này