Bệnh nhân hôn mê sâu có thể tỉnh lại nhờ phương pháp kích thích điện vào não

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Tiến sĩ Steven Laureys và các cộng sự tại Đại học Liège, Bỉ vừa thành công trong việc giúp các bệnh nhân hôn mê sâu ở trạng thái sống thực vật có thể tỉnh lại và giao tiếp trong nhiều ngày nhờ phương pháp kích thích điện vào não, theo New Scientist.

Bệnh nhân được thử nghiệm công nghệ TDCS. Ảnh: New Scientist.

Những người bị tổn thương não nghiêm trọng thường rơi vào trạng thái hôn mê. Họ sẽ rơi vào "tình trạng sống thực vật" khi xuất hiện dấu hiệu hưng phấn thần kinh nhưng không có nhận thức. Nếu người bệnh thể hiện một số biểu hiện nhận thức nhưng không thể giao tiếp thì được xếp vào tình trạng "ý thức tối thiểu" (MCS).

Từ năm 2014, tiến sĩ Laureys đã tiến hành các thí nghiệm dùng luồng điện nhẹ kích thích não bộ các bệnh nhân bị hôn mê và thu được kết quả khả quan, khi 13 người ở trạng thái MCS và hai người sống thực vật thể hiện dấu hiệu của ý thức như cử động tay hoặc chớp mắt theo hiệu lệnh. Hai người trong số đó thậm chí còn trả lời được các câu hỏi trong 2 giờ liền bằng cử động cơ thể, trước khi chìm tiếp vào hôn mê.

Nhận thấy tiềm năng của phương pháp này, tiến sĩ Laureys mới đây quyết định thực hiện thí nghiệm mới trên 16 người bị tổn thương não và đã bị hôn mê ít nhất ba tháng trước đó.

Những người tham gia thử nghiệm được kích thích bằng dòng điện xuyên não (TDCS) 20 phút/ngày trong 5 ngày liên tiếp. TDCS kích thích thẳng vào vỏ não trước trán, khu vực liên quan tới các chức năng nhận thức cao cấp như ý thức.

Sau ngày thứ 5, 9 trong số 16 người tham gia cho thấy những cải thiện rõ rệt ý thức với xung quanh. Họ có thể đáp ứng mệnh lệnh, nhận dạng vật thể và tự vận động trong ít nhất một tuần sau ngày kích thích não cuối cùng.

Hai trong số những người tham gia thậm chí còn có thể giao tiếp với người xung quanh. Họ không thể nói bình thường, nhưng đủ khả năng trả lời chính xác những câu hỏi có - không bằng cách cử động lưỡi hoặc chân.

Nhóm nghiên cứu cho biết kết quả đủ tốt để xem xét ứng dụng cho bệnh nhân điều trị tại nhà. Thiết bị kích thích có giá thành tương đối rẻ và dễ sử dụng. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều thử nghiệm trước khi phương pháp này được áp dụng vào thực tế. Nhóm thử nghiệm chưa phát hiện phản ứng phụ của phương pháp, nhưng tính an toàn và hiệu quả của thiết bị này vẫn cần kiểm chứng trong dài hạn.

  • Theo Hòa Việt, VnExpress
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này