Bệnh thối khô trái do nấm Nigrospora (hại bắp)

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bệnh thối khô trái do nấm Nigrospora hại bắp được gây ra do các loài nấm Nigrospora oryzae Coniosporium gecevi.

Bệnh có tên tiếng Anh là Nigrospora ear rot, Basisporium dry rot.

Lịch sử, phân bố, thiệt hại[sửa]

Bệnh xuất hiện ở hầu hết các vùng trồng bắp ở năm châu. Bệnh phổ biến nhưng không gây hại nặng. Bệnh gây hại trên trái tỏ ra quan trọng hơn trên thân.

Kết quả điều tra ở bang Illinois (Hoa Kỳ) trong những năm từ 1924 đến 1944, đã ước lượng về thất thu tối đa trung bình hằng năm do bệnh này là 4%. Các kết quả điều tra khác ở Hoa Kỳ cho thấy tỉ lệ hạt bị nhiễm bệnh này thường ít hơn 1%.

Bệnh thường kết hợp với triệu chứng chết cây trong khi hạt vẫn còn non, do các yếu tố khác, như bắp bị đông giá. Lõi của trái bị nhiễm bệnh có độ acid (vị chua) thấp. Mầm bệnh còn tấn công trên lúa, lúa miến, cà chua.

Triệu chứng và tác nhân gây bệnh[sửa]

Lõi trái có màu đen và bị thối mục, nát vụn ra. Hạt lép, thường các hạt ở gần cuống trái bị hư, bên dưới hạt có sợi nấm bào tử nấm phát triển. Trên thân có các vết bệnh nhỏ màu xám hoặc đen, phát triển vào cuối vụ. Nấm bệnh có thể làm cho thân bắp dễ bị gảy, hạt kém nảy mầm và mau bị hư khi tồn trữ, trọng lượng trái thường nhẹ đi.

Bao nang nấm có miệng, hình cầu với đường kính 200 μm. Bào tử nang không màu, gồm hai tế bào, kích thước 16-21 x 5-7 μm.

Bào tử đính có màu đen, hình trứng hoặc hình cầu với đường kính 10-16 μm. Bào đài đính ngắn, màu nâu nhạt.

Mầm bệnh có thể truyền qua hạt, lưu tồn trong xác cây bệnh và có thể biến động trong môi trường nuôi cấy.

Biện pháp phòng trị bệnh[sửa]

Tránh trồng nơi thiếu ánh nắng, thiếu nước. Không dùng bắp nhiễm bệnh làm giống.

Dùng giống kháng bệnh: các giống kháng đã được tuyển chọn từ các trắc nghiệm giống. Lõi trái của giống kháng bệnh sẽ có pH thấp hơn so với giống nhiễm bệnh.

Kiểm tra hạt bằng phương pháp rửa nước: hạt được cho vào nước cất rồi lắc mạnh trong 15 phút, ly tâm trong 15 phút với tốc độ 300 vòng/phút, sau cùng là quan sát bằng kính hiển vi để phát hiện bào tử của mầm bệnh. Hoặc kiểm tra hạt bằng phương pháp ủ hạt rồi quan sát mầm bệnh.

Khử hạt bằng hổn hợp thuốc Carboxin Thiram, hoặc thuốc Triadimenol. Hoặc xử lý hạt bằng nấm Trichoderma viride. Việc xử lý hạt đã cho hiệu quả cao trong việc phòng bệnh ở cây con.

Thiêu hủy xác cây bệnh và cày sâu. Thu hoạch đúng lúc.

Ghi chú[sửa]

Nội dung về bệnh hại thực vật trình bày ở trên được tham khảo từ giáo trình Bệnh chuyên khoa (tác giả: Võ Thanh Hoàng, Bộ môn Bảo vệ Thực vật, Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Đại học Cần Thơ, năm xuất bản: không rõ).[1] Từ khi lên trang, nội dung đã được cập nhật bởi cộng đồng BVTVwiki.

Tham khảo[sửa]

thành viên:Vloser

  1. http://www.ctu.edu.vn/colleges/agri/gtrinh/