Bệnh thối trái và thân do nấm Gibberella (hại bắp)

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bệnh thối trái và thân do nấm Gibberella hại bắp được gây ra do các loài nấm Gibberella fujikuroi, Gibberella saubinetii, Gibberella zeae, Fusarium cerealis, và Fusarium graminearum.

Bệnh có tên tiếng Anh là Gibberella ear and stalk rot, red ear rot, pink ear rot.

Lịch sử, phân bố, thiệt hại[sửa]

Bệnh phân bố rộng khắp năm châu, thường xảy ra ở những vùng nóng ẩm. Đây là bệnh gây hại nặng nhất trong các bệnh gây thối thân bắp, đặc biệt là ở những vùng trồng bắp bên bờ Đại Tây Dương, là vùng vành đai xanh của nước Mỹ. Bắp có tiêm chủng bệnh sẽ bị thất thu khoảng 7%. Loài Gibberella zea là loài chủ yếu gây thối trái. Ở Mỹ, loài này gây hại phổ biến trên bắp trồng ở các tiểu bang (states) thuộc bờ Đại Tây Dương.

Độc chất của nấm gây bệnh đã gây thiệt hại lớn cho các nhà sản xuất hạt. Kết quả điều tra ở nưóc Úc cho thấy chất zearalenone hiện diện trong 85% mẩu hạt được quan sát, và độc chất này có tương quan với triệu chứng thối trái. khác.

Nấm bệnh còn tấn công trên cây lúa, lúa mì, lúa mạch, yến mạch (oats) và các ngũ cốc

Triệu chứng bệnh[sửa]

Bệnh làm thối thân, trái, hạt hoặc làm cho cây con yếu, rễ hư. Trên cây con, lá có màu xanh xám mờ nhạt. Thân có vết nâu hoặc đen, với những bao nang có miệng màu đen xuất hiện gần các đốt thân dưới thấp, mô trong thân có màu hồng hoặc đỏ và bị nát vụn ra. Tỉ lệ hạt nhiễm bệnh được ghi nhận có thể lên đến 66%. Trên trái có thể có các bao nang có miệng được thành lập ở lá bi và ngay trên hạt. Triệu chứng bệnh trên trái có hơi thay đổi tùy theo loài nấm gây bệnh, như:

  • Bệnh do nấm Gibberella fujikuroi (giai đoạn sinh sản vô tính là Fusarium moniliforme) : từng hạt riêng rẻ hoặc một nhóm hạt trên trái bị hư. Hạt hư có màu hồng hoặc nâu đỏ, có lớp sợi nấm bám bên ngoài hạt và hạt dễ bị bể vụn ra.
  • Bệnh do nấm Gibberella zeae (giai đoạn sinh sản vô tính: Fusarium graminium): bệnh bắt đầu từ chóp trái lan xuống, lá bi dính vào trái do lớp sợi nấm màu hồng phát triển bên trong.

Mầm bệnh có thể biến động do khả năng gây bệnh của chúng. Hạt nhiễm bệnh có chứa độc tố moniliformin làm giảm sức nẩy mầm của hạt và gây độc cho gia súc ăn những hạt này.

Nấm bệnh có thể được lan truyền từ hạt sang cây con, nhưng cách lan truyền này chưa được chứng minh rõ ràng. Mầm bệnh còn được lan truyền do côn trùng và chim. Mầm bệnh có thể xâm nhập vào cây mà không cần qua vết thương trên cây.

Mầm bệnh được lưu tồn trong hạt rất lâu, có thể lên đến 13 năm khi hạt được tồn trữ trong bao giấy ở 0°C. Mầm bệnh còn được lưu tồn trong xác cây bệnh, sẽ phóng thích bào tử nang bào tử đính để tiếp tục gây bệnh.

Biện pháp phòng trị bệnh[sửa]

Trồng giống kháng bệnh: tính kháng bệnh này đã được tìm thấy ở một số giống bắp lai.

Thu hoạch nhanh gọn, không dùng hạt từ trái bệnh để làm giống, phơi hạt thật khô khi tồn trữ, bón phân cân đối.

Kiểm tra hạt bằng phương pháp ủ hạt để quan sát sự hiện diện của mầm bệnh.

Khử hạt giống bằng thuốc khử hạt Captan, Maneb hoặc Rado, Thiram, Lekinol 15 để tăng sức mọc mầm và bảo vệ cây con chống lại loài G. zeae. Cũng có thể khử ạt bằng biện pháp sinh học: dùng vi sinh vật Bacillus subtilis Chaetomium globosum sẽ giúp cây được cứng cáp và giảm được triệu chứng thối thân.

Phun thuốc phòng trị bệnh: dùng Maneb hoặc Benomyl.

Thiêu hủy xác cây bệnh và phòng trừ côn trùng.

Ghi chú[sửa]

Nội dung về bệnh hại thực vật trình bày ở trên được tham khảo từ giáo trình Bệnh chuyên khoa (tác giả: Võ Thanh Hoàng, Bộ môn Bảo vệ Thực vật, Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Đại học Cần Thơ, năm xuất bản: không rõ).[1] Từ khi lên trang, nội dung đã được cập nhật bởi cộng đồng BVTVwiki.

Xem thêm[sửa]

Tham khảo[sửa]

  1. http://www.ctu.edu.vn/colleges/agri/gtrinh/

Liên kết đến đây