Bệnh thối trái và thối thân do nấm Diplodia (hại bắp)

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bệnh thối trái và thối thân do nấm Diplodia hại bắp được gây ra do các loài nấm Diplodia zeae, Stenocarpella maydis, Diplodia zeae-maydis, và Sphaeria zeae.

Bệnh có tên tiếng Anh là Diplodia ear and stalk rot, Diplodiosis, dry rot.

Lịch sử, phân bố, thiệt hại[sửa]

Bệnh còn được gọi với các tên khác nhau, như thối trái, thối thân, chết cây con do Diplodia hoặc thối khô.

Đây là bệnh này rất phổ biến, xuất hiện khắp năm châu. Bệnh này đã gây hại chủ yếu ở Mỹ trong thập niên 1920. Ngày nay, bệnh vẫn còn phổ biến, nhưng không gây thiệt hại nặng nề. Bệnh tỏ ra nghiệm trọng ở vùng Nam Phi. Kết quả thí nghiệm ở Mỹ và Ấn Độ cho thấy khi chủng bệnh vào thân bắp, năng suất sẽ giảm 5%.

Bệnh phát triển mạnh vào cuối vụ và trong điều kiện thời tiết ẩm ướt. Mầm bệnh cũng tấn công lên cây tre.

Triệu chứng và tác nhân gây bệnh[sửa]

Cả trái bị phủ bởi lớp sợi nấm trắng hoặc xám, có đốm đen. Lá bi dính vào trái, bị bạc màu và có lốm đốm các chấm đen, đó chính là các túi đài (pycnidia) của nấm bệnh. Các túi đài này có thể xuất hiện trên hạt và ở lõi trái bắp. Hạt có màu đen, nhăn nheo và thường mọc mầm ngay trong trái còn được mang trên cây.

Nấm bệnh có thể từ hạt nhiễm vào cây con, làm héo cây con hoặc thối thân. Các đốt thân ngả sang màu nâu và trở nên xốp (hổng ruột). Các túi đài nằm dưới lớp biểu bì thân, có thể mọc tua tủa ra quanh đốt thân.

Túi đài có màu nâu sậm hoặc đen, hình cầu với đường kính 150-300 μm. Bào tử đính gồm 2 tế bào, dạng thẳng hoặc hơi cong, màu nâu vàng, kích thước 5-6 x 25-30 μm.

Đôi khi bào tử đính bị mất màu và có dạng sợi dài, với kích thước 1-2 x 25-35 μm.

Mầm bệnh được tìm thấy trong phôi và phôi nhũ của hạt. Vào năm 1941, trong các lô hạt được khảo sát có 18,4% hạt bị nhiễm bệnh ở miền Nam Hoa Kỳ, 66,7% ở vùng Trung Đông Hoa Kỳ. Còn ở Nigeria, có 38% hạt bị nhiễm bệnh. Mầm bệnh trong hạt sẽ làm hạt kém nảy mầm và làm héo cây con.

Về độc chất của mầm bệnh chứa trong hạt dùng làm thực phẩm thì còn đang được tranh luận.

Hạt được xem là nguồn bệnh quan trọng. Mầm bệnh từ hạt được lan truyền lên trục trung diệp của cây con. Mầm bệnh còn lưu tồn trong đất.

Mầm bệnh cũng có khả năng biến động, đặc tính này được biểu hiện qua khả năng gây bệnh và sự phát triển của mầm bệnh trong môi trường nuôi cấy.

Mầm bệnh dễ xâm nhiễm vào trái trong thời gian ba tuần sau khi bắp phun râu, nhất là khi trái bị sâu đục trái gây vết thương

Biện pháp phòng trị bệnh[sửa]

Dùng giống bắp lai kháng được bệnh. Đặc tính di truyền và cơ nguyên của tính kháng bệnh này đang được nghiên cứu rộng rải.

Nên thu hoạch sớm, luân canh và tránh bón phân đạm cao; bón phân cân đối giữa NPK.

Cày sâu và thiêu hủy cây bệnh.

Khử hạt giống: dùng Captan, Thiram sẽ cải thiện sức nảy mầm của hạt đã bị nhiễm bệnh và làm giảm hiện tượng héo cây con.

Nên kiểm tra hạt trước khi gieo trồng và trong khi tồn trữ.

Phun ngừa và trị bệnh: dùng Benomyl hoặc Maneb. Ngăn ngừa sâu đục trái.

Ghi chú[sửa]

Nội dung về bệnh hại thực vật trình bày ở trên được tham khảo từ giáo trình Bệnh chuyên khoa (tác giả: Võ Thanh Hoàng, Bộ môn Bảo vệ Thực vật, Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Đại học Cần Thơ, năm xuất bản: không rõ).[1] Từ khi lên trang, nội dung đã được cập nhật bởi cộng đồng BVTVwiki.

Tham khảo[sửa]

  1. http://www.ctu.edu.vn/colleges/agri/gtrinh/