Heliothis armigera (Sâu đục trái hại bắp)

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Sâu đục trái hại bắp Heliothis armigera Hubner, còn có tên là Helicoverpa armigera (Hubner), là một loài côn trùng thuộc họ Noctuidae (Ngài Đêm), bộ Lepidoptera (Cánh Vảy).

Phân bố và ký chủ[sửa]

Loài sâu này có diện phân bố rất rộng vì phạm vi cây chủ rất nhiều, có thể đến 200 loại cây, nhưng chủ yếu là bắp, cà chua, đậu nành, đậu xanh, đậu trắng, đậu đủa, bông vải, thuốc lá, đay, , cà dài, cây thức ăn gia súc, sorghum, bông vạn thọ...

Đặc điểm hình thái và sinh học.[sửa]

Bướm có chiều dài thân từ 15-20 mm, sải cánh rộng từ 30-40 mm, thân bướm màu vàng hồng lẫn xanh nhạt. Cánh trước màu vàng xám, có nhiều vân không rõ rệt, vân gần bìa cánh hơi gợn sóng, có một chấm đen to khoảng 1 mm ở giữa cánh và một chấm nhỏ nằm khoảng 1/3 cánh tính từ thân. Cánh sau màu vàng tro nhạt, gần mép trên có một vân ngắn màu nâu đen. Từ cạnh ngoài trở vào có một dãi màu nâu, chiếm gần nửa cánh. Ngực bướm to, mang nhiều lông, râu hình sợi chỉ. Thời gian sống của bướm từ 5-19 ngày, thời gian trước khi đẻ trứng 1-7 ngày, trung bình 3 ngày. Thời gian đẻ trứng kéo dài từ 2-13 ngày, trung bình 7 ngày và đẻ cao điểm vào ngày thứ hai. Một bướm cái có thể đẻ từ 200-2.000 trứng.

Trứng màu trắng ngà, hình bán cầu, đường kính khoảng 0,5 mm, có từ 20-30 gân dọc nổi lên chạy từ đỉnh đến đáy của trứng. Thời gian ủ trứng từ 3-7 ngày.

Ấu trùng có 5-6 tuổi, phát triển trong thời gian từ 15-20 ngày, tùy loại thức ăn. Ấu trùng tuổi 1, 2, 3 thường màu sắc không đổi dù sống trên loại thức ăn nào.

Nhưng từ tuổi 4 trở đi màu sắc rất thay đổi khi sống trên từng loại ký chủ khác nhau, có thể có màu hồng nhạt, màu trắng vàng, màu xanh nhạt hoặc màu xanh. Chi tiết ở mỗi giai đoạn tuổi như sau:

  • Tuổi 1: toàn thân ấu trùng mới nở phủ 1 lớp lông đen, dài khoảng 1,5 mm, lớn đủ sức dài khoảng 4 mm, đầu màu đen, đốt thứ nhất có một chấm đen to giữa lưng, các đốt khác trên lưng mang 12 chấm đen ở mỗi đốt. Ở tuổi này sâu có tập quán đo khúc khi di chuyển như các loài sâu đo và di chuyển rất nhanh. Ở tuổi 1 sâu phát triển rất đồng loạt, thay da vào 2 ngày sau khi nở.
  • Tuổi 2: có hình dáng giống ấu trùng tuổi 1 nhưng to hơn và khi di chuyển không đo khúc, kích thước cơ thể là 8,5 x 1,5 mm. Giai đoạn này kéo dài từ 1-5 ngày.
  • Tuổi 3: thân mang 12 chấm đen ở mỗi đốt. Cách sắp xếp các chấm này trên các đốt khác nhau. Ở đốt thứ 4 và 5 các chấm này hiện rõ hơn các đốt khác. Sâu có kích thước cơ thể là 13,9 x 2 mm và phát triển trong thời gian từ 1-5 ngày.
  • Tuổi 4: thân thường có màu xanh lá cây và lông trên thân chuyển sang màu trắng. Kích thước cơ thể là 20 x 2,8 mm. Ở tuổi 4 sâu phát triển từ 1-3 ngày.
  • Tuổi 5: các chấm trên lưng biến mất, phần dưới bụng màu trắng. Tuổi này sâu có nhiều màu sắc hơn tuổi 4. Lông trên thân màu trắng cho tất cả các dạng ấu trùng. Kích thước cơ thể là 23,6 x 3,4 mm, phát triển từ 1-4 ngày.
  • Tuổi 6: ấu trùng tuổi này có màu sắc rất khác nhau. Lông trên thân vẫn còn màu trắng. Cuối tuổi 6 cơ thể sâu thu nhỏ lại và chui xuống đất hóa nhộng. Thời gian tuổi này kéo dài từ 2-3 ngày

Tập quán sinh sống và cách gây hại[sửa]

Bướm thường vũ hóa vào ban đêm, mọi hoạt động như giao phối, bắt cặp và đẻ trứng đều xảy ra vào ban đêm. Ban ngày bướm hay ẩn trong các bụi cỏ, lá cây, không hoạt động. Trên mỗi loại cây sâu thường có cách gây hại khác nhau.

  • Cây bắp: bướm đẻ trứng trên râu trái bắp. Ấu trùng sau khi nở ra ăn trụi râu bắp và từ đó chui vào trái bắp ăn hết hạt bắp còn non, đặc biệt là sâu chỉ ăn hạt, đôi khi tấn công cả vỏ và cùi bắp nhưng rất hiếm. Sâu thường chui xuống đất để làm nhộng nhưng đôi khi cũng làm nhộng ngay tại nơi đang ăn trên trái bắp. Khi cây bắp còn non, chưa có trái, sâu đục xuyên qua loa kèn để ăn lá nên khi lá trổ ra sẽ có những hàng lổ đục thẳng thành hàng ngang qua phiến lá.
  • Cây bông vải: trên cây bông vải, thời kỳ bướm đẻ trứng thường phù hợp với thời kỳ ra hoa, kết nụ của cây. Khi cây chưa có nụ, bướm đẻ trứng trên mặt lá non, khi cây có nụ, bướm đẻ trứng trên lá bao của nụ.

Sâu non hoạt động rất mạnh và bò nhanh, thường bò đến mỗi chỗ gặm một ít cho đến khi tìm được một trái hoặc nụ hoa thích hợp. Sâu đục qua lá bao và cánh hoa, chui vào trong ăn nhị đực và nhị cái. Lổ đục trên nụ thường có đường kính khoảng 5 mm và có phân đùn ra ngoài. Sau khi nụ bị hại, bao lá trở thành vàng xanh, 2 - 3 ngày sau rụng. Khi hoa nở, sâu ăn hết nhị đực xong chui vào ăn bầu hoa; sâu đục đến đâu thải phân đến đấy, hoa bị hại thường không đậu trái được. Thường sâu chui một nửa mình vào trong trái, một nửa ở ngoài. Trái bị hại không phát triển được, nhỏ và rụng một thời gian sau. Mỗi sâu có thể gây hại từ 5 - 10 trái.

  • Các loại đậu: ở tuổi 1, sâu ăn mặt trên hoặc mặt dưới lá đậu nành nhưng không làm lủng lá. Sang tuổi 2 và 3 sâu có thể cắn lủng lá, chỉ còn gân nhưng chưa tấn công vào trái. Sang tuổi 4 sâu bắt đầu ăn vào trái bằng cách khoét một lổ tròn chui vào bên trong trái ăn hột, một phần thân còn chừa ra bên ngoài trái; sau đó sâu bò sang trái khác để gây hại tiếp.
  • Cây cà chua, ớt: bướm đẻ trứng phân tán trên lá non, nụ hoa và ở mặt trên lá, chỉ một số ít được đẻ ở mặt dưới lá. Trên cây cà chua, sâu non có thể gây hại búp non, nụ hoa, quả, đục vào thân, cắn điểm sinh trưởng làm rỗng thân, đứt núm, làm rụng trái. Khi trái còn xanh sâu thường đục từ giữa trái vào bên trong, vết đục gọn, ít nham nhỡ. Sâu đục đến đâu đùn phân ra đến đó, một nửa thân sâu thường ở bên ngoài trái, chỉ một nửa nằm bên trong trái. Khi trái đã già, chín, sâu thường đục từ núm xuống, sau đó nằm gọn trong trái và tiếp tục gây hại. Những trái bị hại có thể rụng hoặc gặp trời mưa thìnhanh chóng bị thúi.

Biện pháp phòng trị[sửa]

  • Xen canh bắp với các loại đậu là một tổ hợp có kinh tế cao và phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, khi xen canh thì nên chú ý đến sự gia tăng mật số của loài sâu này vì chúng cững tấn công mạnh các loại đậu và được gọi là "sâu xanh".
  • Những giống bắp có bao trái dài và chặt ít bị sâu gây hại hơn những giống có bao trái ngắn và không chặt.
  • Sử dụng thuốc hóa học khi thấy sâu xuất hiện trên râu trái bắp.
  • Trên ruộng cà chua nên kiểm tra ruộng trồng thường xuyên để tỉa, cắt bớt cành hoặc ngắt bỏ bớt trái bị hại.

Ghi chú[sửa]

Nội dung về sâu hại thực vật trình bày ở trên được tham khảo từ Giáo trình Côn trùng Nông nghiệp, phần B: Côn trùng hại cây trồng chính ở đồng bằng sông Cửu Long (tác giả: Nguyễn Văn Huỳnh Lê Thị Sen, Bộ môn Bảo vệ Thực vật, Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Đại học Cần Thơ, năm xuất bản: 2003).[1] Từ khi lên trang, nội dung đã được cập nhật bởi cộng đồng BVTVwiki.

Tham khảo[sửa]

  1. http://ebook.moet.gov.vn/?page=1.32&view=3305

Liên kết đến đây