Biết khi nào cần xin nghỉ ốm

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Đôi khi, thật khó để quyết định liệu bạn có nên xin nghỉ học hoặc nghỉ làm vì bị ốm hay không. Một mặt, bạn có thể không cảm thấy khỏe lắm và không muốn lây bệnh cho người khác, nhưng mặt khác, bạn vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Để có thể quyết định được, quan trọng là bạn phải nhận ra những dấu hiệu của bệnh truyền nhiễm, cũng như nắm được những hướng dẫn về y tế của các cơ quan chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Cuối cùng, nếu bạn vẫn phải đi làm hoặc đi học trong khi đang mắc bệnh truyền nhiễm, bạn nên thực hiện một số biện pháp để tránh lây bệnh cho người khác.

Các bước[sửa]

Nhận ra các Triệu chứng của Bệnh truyền nhiễm[sửa]

  1. Hãy nghỉ ngơi ở nhà nếu bạn bị sốt. Nếu bạn bị sốt từ 38 độ C trở lên, bạn nên xin nghỉ ở nhà cho tới khi nhiệt độ cơ thể trở về mức bình thường (37 độ C) trong 1 ngày. Uống thuốc hạ sốt không được tính. Về bản chất, bạn vẫn đang bị ốm và có khả năng lây bệnh cho người khác.[1][2]
    • Trẻ sơ sinh bị sốt trên 38 độ C trở lên nên được đưa đi cấp cứu.
    • Một cơn sốt cao thường đi kèm với những cơn ớn lạnh xen kẽ với hiện tượng đổ mồ hôi.
  2. Nghỉ ở nhà nếu bạn bị ho nhiều. Những cơn ho nặng và sâu như thể bắt nguồn từ trong phổi có thể là một dấu hiệu của bệnh truyền nhiễm. Không đi học hoặc đi làm trong trường hợp này. Cân nhắc liệu bạn có cần đi khám bác sĩ không.[3]
    • Những cơn ho nhẹ thường xảy ra do cảm lạnh hoặc dị ứng. Bạn có thể bị sổ mũi, ngạt mũi hoặc hắt hơi. Nếu bạn bị như vậy, ngoài ra không có triệu chứng gì khác, bạn vẫn có thể đi làm và đi học bình thường.
    • Che miệng khi ho và rửa tay thường xuyên. Việc này sẽ ngăn ngừa mầm bệnh lây lan.
    • Nếu bạn cảm thấy khó thở khi đang bị ho, hãy đi khám để được kê thuốc.
  3. Đừng đi làm hoặc đi học nếu bạn bị nôn. Tránh xa người khác cho tới khi bạn không còn bị nôn và bác sĩ kết luận rằng bệnh của bạn không truyền nhiễm.[1] Nôn mửa nhiều sẽ khiến cơ thể mất nước và yếu đi.
    • Chăm sóc bản thân bằng cách uống thật nhiều nước. Nếu bạn cứ uống nước vào là nôn, bạn có thể thử cách ngậm đá viên. Việc này sẽ giúp lượng nước được đưa vào cơ thể từ từ và hạn chế việc bị nôn.
    • Nếu bạn không thể kiềm chế cơn nôn khi dùng bất kỳ loại chất lỏng nào và có nguy cơ bị mất nước trầm trọng, bạn có thể cần phải đi cấp cứu. Nếu cần thiết, bạn sẽ được truyền tĩnh mạch để tránh bị mất nước. Các triệu chứng mất nước bao gồm: mệt mỏi, đau đầu, tiểu ít, nước tiểu sậm màu hoặc đục, khóc không ra nước mắt.[4].
  4. Xin nghỉ ổm nếu bạn bị tiêu chảy. Hiện tượng phân lỏng hoặc đi ra nước thường là dấu hiệu của sự nhiễm trùng. Luôn ở gần phòng vệ sinh và đừng đi học hoặc đi làm cho tới khi bạn khỏe lên.[1]
    • Nếu bạn bị tiêu chảy là do thức ăn hoặc thuốc thì đó không phải là bệnh truyền nhiễm. Trong trường hợp này, bạn đủ khỏe để sinh hoạt như bình thường và không cần phải xin nghỉ ở nhà.
    • Khi bị tiêu chảy, bạn sẽ bị mất rất nhiều nước. Như vậy nghĩa là bạn phải uống bù rất nhiều nước. Hãy uống nước ngay cả khi bạn không cảm thấy khát.
  5. Hãy ở nhà và đi khám nếu bạn bị phát ban. Nếu vết phát ban tạo thành vết thương hở và chảy nước, hoặc lan ra nhanh chóng, bạn phải đi khám. Không đi học hoặc đi làm cho tới khi bác sĩ kết luận rằng bạn không bị bệnh truyền nhiễm.[1]
    • Phát ban do dị ứng không phải là bệnh truyền nhiễm. Nếu bạn có thể kiểm soát được triệu chứng này thì bạn vẫn có thể đi học hoặc đi làm bình thường.
    • Đối với những vết phát ban nhẹ, bạn vẫn có thể ra ngoài bình thường nếu bạn che chúng đi. Hãy gặp y tá của trường hoặc bác sĩ để được biết chắc chắn về điều đó.
  6. Tránh lây cảm lạnh cho người khác. Nếu chỉ bị cảm lạnh, bạn có thể không cần phải ở nhà. Nếu bạn không bị ốm nặng tới mức phải xin nghỉ, bạn nên thực hiện một số biện pháp sau để bảo vệ người khác. Bạn có thể:[5]
    • Rửa tay thường xuyên
    • Không ôm hoặc bắt tay người khác
    • Không chia sẻ đồ ăn thức uống với người khác
    • Quay mặt đi khi hắt hơi hoặc ho, và dùng khuỷu tay che miệng.
    • Dùng khăn giấy nếu bị sổ mũi.

Làm theo Hướng dẫn An toàn chung khi Trẻ em Bị ốm[sửa]

  1. Không đưa trẻ tới trường nếu trẻ đang mắc bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin. Nếu trẻ tiếp xúc với những đứa trẻ chưa được tiêm phòng, hoặc những đứa trẻ có hệ miễn dịch yếu, chúng sẽ có nguy cơ bị lây bệnh. Hãy đợi tới khi bác sĩ khẳng định rằng trẻ đã đủ khỏe để đi học. Những bệnh đó bao gồm:[6]
    • Sởi. Bệnh này có triệu chứng giống cảm lạnh và trẻ bị phát ban. Người nhiễm bệnh có khả năng lây bệnh trong 4 ngày trước khi các nốt phát ban xuất hiện và trong 4 ngày đầu tiên tính từ lúc chúng xuất hiện. Hãy đợi tới khi bác sĩ cho phép trẻ được đi học.[7]
    • Quai bị. Bệnh này có triệu chứng giống cảm cúm và tuyến nước bọt của bệnh nhân bị sưng lên.[8] Hãy làm theo chỉ dẫn của bác sĩ và trường học của trẻ để biết bạn nên để trẻ nghỉ ở nhà bao lâu.
    • Rubella. Bệnh này có triệu chứng giống cảm cúm và có những nốt phát ban màu hồng. Nó có thể gây ra những dị tật bẩm sinh đối với thai nhi nếu người mẹ bị mắc phải.[9] Hãy hỏi bác sĩ và y tá của trường để biết khi nào trẻ có thể đi học trở lại.
    • Ho gà. Bệnh này có triệu chứng giống cả cảm cúm lẫn cảm lạnh và trẻ sẽ bị ho nặng kèm khó thở. Hãy hỏi bác sĩ và y tá trường xem trẻ có khả năng lây bệnh cho người khác trong bao lâu.[10]
    • Thủy đậu. Bệnh này có triệu chứng giống cảm cúm kèm theo những nốt mụn nước. Người mắc bệnh có khả năng lây bệnh cho người khác trong hai ngày trước khi bị nổi mụn cho tới khi mụn đóng vảy. Hãy hỏi bác sĩ khi nào thì trẻ có thể đi học trở lại.[11]
  2. Cho trẻ nghỉ ở nhà khi trẻ bị đau mắt đỏ. Đau mắt đỏ, hay còn gọi là viêm kết mạc, là một bệnh truyền nhiễm khiến mắt bị đỏ và xuất hiện gỉ mắt xanh-vàng rất dính.[6]
    • Vì mắt bị ngứa, trẻ sẽ dụi mắt, rồi chạm vào những đứa trẻ khác hoặc đồ chơi chung, do đó, bệnh này rất dễ lây.
    • Khi trẻ đã bắt đầu được điều trị, bạn có thể cho trẻ tiếp tục đi học khi bác sĩ cho biết bệnh không còn khả năng lây nhiễm nữa.
  3. Để trẻ ở nhà một ngày nếu trẻ được chẩn đoán bị mắc bệnh chốc lở. Tuy nhiên, nếu trẻ đang được điều trị dưới sự giám sát của bác sĩ, bạn có thể cho trẻ đi học, trừ khi bác sĩ khuyên bạn cho trẻ nghỉ ở nhà.[6]
    • Bệnh chốc lở là một bệnh truyền nhiễm với sự xuất hiện của mụn mủ. Những nốt mụn mủ có thể chảy nước và đóng vảy. Mụn cần phải được che lại khi trẻ đi học.
    • Bệnh chốc lở có thể có nguyên nhân từ việc nhiễm liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn hoặc MRSA.
  4. Cho trẻ nghỉ học nếu trẻ bị viêm họng. Bệnh này có đặc điểm là họng bị sưng. Đưa trẻ đi khám vì có thể trẻ cần phải uống kháng sinh.[1]
    • Trẻ có thể cảm thấy đủ khỏe để đi học sau khi uống kháng sinh 24 giờ.
    • Bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ về việc này.
  5. Cho trẻ nghỉ học trong khoảng một tuần nếu trẻ mắc viêm gan A. Đây là một bệnh về gan có khả năng lây nhiễm cao và gây ra hiện tượng chóng mặt, nôn mửa, đau ở gần gan, đau khớp, nước tiểu sậm màu, phân có màu đất sét, mắt và da bị vàng. Nếu bạn cho rằng trẻ bị mắc viêm gan A, hãy đưa trẻ đi khám ngay lập tức.[12]
    • Nếu trẻ mất hơn một tuần mới đủ khỏe để đi học lại, bạn nên để trẻ ở nhà nghỉ ngơi thêm một thời gian nữa.[1]
  6. Hỏi ý kiến bác sĩ ngay khi trẻ kêu đau tai hoặc có dịch lỏng chảy ra từ tai. Nếu cơn đau này bắt nguồn từ sự nhiễm khuẩn, trẻ có thể cần phải dùng kháng sinh.[3]
    • Có thể trẻ sẽ không tập trung học hành cho tới khi tai hết bị đau. Hãy để trẻ ở nhà cho tới khi khỏe lại.
    • Những cơn đau tai có thể là do nhiễm khuẩn hoặc vi-rút. Nếu không điều trị, bệnh này có thể dẫn tới mất thính giác.[13][14]
  7. Hãy cho trẻ đi học khi việc điều trị các loại bệnh truyền nhiễm đã bắt đầu được thực hiện. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ và y tá của trường. Có thể cho trẻ đi học hoặc tới nhà trẻ nếu trẻ mắc một trong số những bệnh nhiễm trùng phổ biến sau đây:[6][1]
    • Ghẻ ngứa. Nguyên nhân của bệnh là do mạt ghẻ cư trú dưới da và đẻ trứng. Nó sẽ gây ra mụn đỏ và các đường rãnh dưới da, gây ra cảm giác ngứa dữ dội. Hãy gặp bác sĩ để được kê thuốc điều trị.[15]
    • Chấy. Chấy là những con côn trùng sống trong tóc người và đẻ trứng. Chúng gây ngứa nhưng không mang mầm bệnh nguy hiểm. Trứng của chúng sẽ dính trên tóc và có thể gỡ ra dễ dàng bằng lược bí. Nếu cần, bạn có thể cho trẻ nghỉ học vài ngày để trị chấy. Các loại dầu gội trị chấy có thể được bán theo đơn thuốc hoặc không.[3]
    • Nấm da. Nấm da là một loại bệnh nhiễm trùng với những đốm tròn như chiếc nhẫn trên da. Đưa trẻ đi khám để xem trẻ có cần dùng thuốc trị nấm da không. Vùng da bị bệnh cần được che lại khi trẻ đến trường.[16]
    • Ban đỏ nhiễm khuẩn cấp. Bệnh này có triệu chứng giống cảm cúm. Ở giai đoạn cuối của bệnh, những nốt phát ban thường xuất hiện trên mặt và những nơi khác trên cơ thể. Vì những nốt phát ban cũng xuất hiên trên má, bệnh này còn được gọi là bệnh đỏ má. Khi ban nổi lên, trẻ sẽ không còn khả năng lây bệnh. Đưa trẻ đến bác sĩ nếu trẻ bị thiếu máu hồng cầu lưỡi liềm hoặc hệ thống miễn dịch bị yếu đi. Bệnh này cũng rất nguy hiểm đối với thai nhi nếu bị tiếp xúc với nguồn bệnh.[17][1]
    • Bệnh chân-tay-miệng. Bệnh gây ra những nốt mụn rất đau trong miệng và những nốt đỏ trên bàn tay, bàn chân. Bệnh này cũng có thể gây sốt và sưng họng. Nếu trẻ bị chảy nước dãi và lở miệng, hãy cho trẻ nghỉ học.[18][1]

Ngăn ngừa Sự lây bệnh[sửa]

  1. Tránh tới gần người khác khi bạn bị ốm. Nếu bạn phải đi làm hoặc đi học khi bị ốm, bạn có thể giảm tối đa khả năng lây bệnh cho người khác bằng cách giữ khoảng cách. Bạn có thể:[19]
    • Tránh ôm nhau. Nếu cần, hãy giải thích với mọi người là bạn đang cảm thấy không khỏe và không muốn khiến họ bị lây bệnh. Có thể họ sẽ đồng tình với bạn rằng tránh xa bạn là tốt nhất.
    • Đừng rướn người về phía người khác khi nói chuyện hoặc nhìn vào màn hình máy tính sau lưng họ.
    • Đeo khẩu trang để tránh vô tình thở vào mặt người khác.[20]
    • Tránh bắt tay.
  2. Che miệng khi ho hoặc hắt xì. Làm vậy sẽ tránh được việc bắn vi khuẩn vào người khác cũng như vào những nơi mà mọi người hay chạm tay vào.[20]
    • Che miệng bằng khăn giấy và vứt đi sau khi dùng. Dù trông nó có vẻ sạch sẽ nhưng bạn đã truyền vi rút sang khăn giấy.
    • Nếu không có khăn giấy, hãy hắt xì và ho vào khuỷu tay của bạn, đừng dùng bàn tay. So với bàn tay, khuỷu tay là nơi ít tiếp xúc với người khác cũng như những bề mặt mà mọi người hay chạm vào nhất.
    • Nếu bạn bị ho hoặc hắt xì không kiểm soát được, hãy đeo khẩu trang.
    • Lau những nơi mà bạn vừa chạm tay vào bằng loại khăn diệt khuẩn. Nơi đó bao gồm mặt bàn, bàn phím máy tính, tay nắm cửa.
  3. Rửa tay thường xuyên và sạch sẽ. Rửa tay trước khi làm đồ ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi xì mũi, sau khi hắt xì, sau khi ho và trước khi chăm sóc hoặc chạm vào người khác. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ khuyến nghị các bước sau đây:[21]
    • Rửa tay dưới vòi nước chảy. Tắt vòi nước đi để tiết kiệm nước.
    • Xoa xà phòng lên tay. Hãy xoa xà phòng kín tay bao gồm cả mu bàn tay, giữa các ngón tay và kẽ móng tay.
    • Chà mạnh hai tay vào nhau trong ít nhất 20 giây.
    • Xả sạch xà phòng và vi khuẩn bằng nước sạch.
    • Sấy khô hoặc dùng khăn sạch để lau khô tay. Một chiếc khăn bẩn sẽ làm tiêu tùng toàn bộ mục đích rửa tay sạch của bạn.
  4. Đi khám nếu bạn có dấu hiệu nhiễm khuẩn nặng hoặc biến chứng. Nếu bạn hoặc trẻ có một trong những triệu chứng sau, hãy đi khám:[2]
    • Khó thở
    • Thở gấp
    • Da tái xanh
    • Mất nước
    • Lờ đờ hoặc không thể tỉnh dậy được
    • Quấy khóc
    • Sốt. Đối với em bé và trẻ nhỏ, hãy đi khám ngay cả khi trẻ bị sốt lạnh dưới 38 độ C, hoặc đối với trẻ sơ sinh đang có nhiệt độ thấp hơn mức bình thường.[22][23]
    • Sốt kéo dài hơn 3 ngày[23]
    • Sốt kèm phát ban
    • Các triệu chứng cảm cúm không dứt, sau đó phát sốt và ho nặng
    • Mất nước
    • Đau ở vùng bụng hoặc ngực
    • Tức bụng hoặc ngực
    • Chóng mặt
    • Lú lẫn
    • Nôn nhiều
    • Kiệt sức
    • Đau đầu hoặc đau họng nghiêm trọng

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu trẻ bị ốm, hãy gặp bác sĩ nhi khoa để được hướng dẫn chăm sóc trẻ.
  • Luôn làm theo chỉ định của bác sĩ khi dùng thuốc.
  • Xin ý kiến của bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào hoặc áp dụng các phương pháp tự chữa bệnh tại nhà khi bạn đang có thai, hoặc bạn đang chữa bệnh cho trẻ nhỏ.
  • Nếu bạn vốn đang dùng một loại thuốc điều trị nào đó, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thêm thuốc, ngay cả khi đó là những loại thuốc được bán không cần chỉ định của bác sĩ, hoặc các phương pháp tự chữa bệnh. Lí do là vì chúng có thể tương tác với nhau.
  • Nếu bạn phải giao tiếp với một số đông những đối tượng dễ bị lây bệnh ở trường hoặc ở công ty, việc xin nghỉ ốm càng trở nên cần thiết hơn. Những đối tượng dễ bị nhiễm bệnh bao gồm trẻ em, người già, những người bị suy giảm miễn dịch và có những vấn đề về sức khỏe khác.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 1,2 1,3 1,4 1,5 1,6 1,7 1,8 https://www.cde.state.co.us/healthandwellness/illnesspolicyhowsickistoosickenglish
  2. 2,0 2,1 http://www.cdc.gov/flu/takingcare.htm
  3. 3,0 3,1 3,2 http://www.bloomfield.org/uploaded/schools/Conant/Conant_Registration_Docs_2015/whentokeepsickchildrenhomefromschool82709_1.pdf
  4. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/dehydration/basics/symptoms/con-20030056
  5. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/common-cold/basics/prevention/con-20019062
  6. 6,0 6,1 6,2 6,3 http://www.dodea.edu/StudentServices/Health/sickChild.cfm
  7. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/measles/basics/symptoms/con-20019675
  8. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/mumps/basics/symptoms/con-20019914
  9. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/rubella/basics/symptoms/con-20020067
  10. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/whooping-cough/basics/symptoms/con-20023295
  11. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/chickenpox/basics/symptoms/con-20019025
  12. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hepatitis-a/basics/symptoms/con-20022163
  13. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/ear-infections/basics/symptoms/con-20014260
  14. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/ear-infections/basics/definition/con-20014260
  15. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/scabies/basics/treatment/con-20023488
  16. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/ringworm/basics/definition/con-20021104
  17. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/parvovirus-infection/basics/symptoms/con-20023045
  18. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hand-foot-and-mouth-disease/basics/symptoms/con-20032747
  19. http://www.cdc.gov/flu/protect/stopgerms.htm
  20. 20,0 20,1 http://www.cdc.gov/flu/pdf/protect/cdc_cough.pdf
  21. http://www.cdc.gov/handwashing/when-how-handwashing.html
  22. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/fever/in-depth/fever/art-20050997
  23. 23,0 23,1 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/fever/basics/symptoms/con-20019229

Liên kết đến đây