Cách ăn thiếu khoa học của người Việt Nam: Lời cảnh báo đến muộn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Người Việt Nam lâu nay có thói quen "Ăn theo tiếng gọi của dạ dày chứ không ăn theo chế độ dinh dưỡng". Đó là lời nhận định của các chuyên gia dinh dưỡng về cách ăn uống thiếu khoa học hiện nay của số đông người dân.

Vì sao những lời cảnh báo này không được đưa ra sớm hơn, để bệnh tật không gia tăng đến chóng mặt như hiện nay?

Ăn cho sướng miệng[sửa]

Sau nhiều năm trời phải ăn uống kham khổ do thiếu thốn, nay không ít người đã có suy nghĩ phải ăn uống thoải mái để bù lại những ngày tháng khổ cực đó. Bữa ăn ngày trước chỉ có cơm với rau. Thịt, cá là thức ăn quá "xa xỉ". Vậy mà, hơn 5 năm trở lại đây, nền kinh tế thay đổi, dịch vụ phát triển, thu nhập bình quân đầu người tăng lên rõ rệt đã làm biến đổi nhanh chóng cách ăn uống của người dân.

Từ chỗ ăn rau cho no bụng thì nay đổi sang ăn thịt, chất béo, chất đạm là chính. Nhìn từ góc độ xã hội, đó là sự thay đổi của thời đại văn minh, nhưng dưới cái nhìn của những nhà dinh dưỡng thì đó là sự báo động về cách ăn thiếu khoa học. GS. Hà Huy Khôi - Chủ tịch Hội Dinh dưỡng VN - cho rằng: Họ ăn nhiều thịt, chất béo, thức ăn nhanh và nguồn glucid tinh chế (đường ngọt)..., mà không biết rằng như thế là không tốt cho sức khoẻ".

Một điều tra về tiêu thụ lương thực, thực phẩm và tình trạng dinh dưỡng của người Việt Nam trong 20 năm qua - mới được Viện Dinh dưỡng công bố - đã làm rõ sự thật: Người VN đã có "một bữa no" đến quá mức. Lượng tiêu thụ thịt, chất béo ở người trưởng thành đã tăng lên rất nhanh, năm 1987 chỉ là 24,4 g/người/ngày đã lên tới 62 g/người/ngày năm 2005. Dầu mỡ cũng tăng từ 3 g/người/ngày lên 15,2 g/người/ngày...

Trong khi đó, thức ăn là cá và các loại hải sản chỉ dừng ở mức 50 g/người/ngày trong suốt 20 năm. Rau là thức ăn rất tốt cho sức khỏe lại có xu hướng giảm đi, từ 214 g/người/ngày xuống còn 203 g/người/ngày...

TS. Nguyễn Công Khẩn - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng - đã chỉ ra những bất cập trong thói quen ăn uống của người VN là ăn uống không điều độ, ăn theo sở thích. Đáng lẽ phải ăn nhiều rau, giảm ăn thịt thì chúng ta lại ăn nhiều thịt mà ít rau.

Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi người mỗi ngày cần ăn 300 g rau thì người VN chỉ ăn có 100 g, cần ăn 100-200 g cá thì chúng ta cũng chỉ ăn có 50 g. Một cách ăn tai hại nữa là ăn quá nhiều muối, khuyến nghị chỉ ăn 6 g muối/người/ngày thì lại ăn đến hơn 20 g muối...

Hệ lụy "nhãn tiền"[sửa]

Tưởng rằng, miếng ăn chỉ đơn giản là thoả mãn khẩu vị, ý thích mà không mấy ai biết rằng bệnh vào từ chính miếng ăn. Trước năm 1995, bệnh thừa cân, béo phì chỉ là chuyện ở các nước phương Tây. Nhưng ngay những năm sau đó, thừa cân, béo phì đã xuất hiện và gia tăng không ngừng.

Năm 2000, tỉ lệ béo phì ở người trưởng thành ở Hà Nội và TP.HCM là 10%, đến 2005 tỉ lệ này trong cả nước đã tăng lên 16,3%. Hội chứng chuyển hoá lần đầu tiên được điều tra cũng đã phát hiện có hơn 13% người mắc. Tăng huyết áp đã tăng lên 23%, số người đột quỵ tăng gấp 3 lần so với 10 năm trước và người bị nhồi máu cơ tim tăng gấp 6 lần so với thập kỷ 60. Đái tháo đường cũng lên tới 5% số người mắc...

Các bệnh mạn tính không lây này gia tăng, đã đóng góp vào sự thay đổi mô hình bệnh tật và tử vong. VN đang đứng trước "gánh nặng kép về dinh dưỡng", trong khi suy dinh dưỡng vẫn còn là thách thức thì lại nảy sinh nhiều vấn đề khác liên quan đến dinh dưỡng.

Có một thực tế rất rõ ràng rằng, cách ăn của người VN - đặc biệt là những người ở thành phố - đã thay đổi từ 5-10 năm nay. Sự chuyển đổi này hoàn toàn theo hướng tự phát mà không hề có sự tư vấn, hướng dẫn của các chuyên gia dinh dưỡng. Đến bây giờ, Viện Dinh dưỡng mới chỉ ra những cách ăn uống bất hợp lý liệu có phải là những lời khuyến cáo quá muộn màng chăng(!?).

Nguồn[sửa]

  • Ngọc Phương, Báo www.laodong.com.vn