Cải thiện kỹ năng viết

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bạn có mơ ước trở thành tiểu thuyết gia vĩ đại hay chỉ muốn bày tỏ suy nghĩ và ý tưởng tốt hơn. Dù bạn muốn cải thiện kỹ năng viết để trở thành nhà văn sáng tạo hay chỉ nâng cao kỹ năng để làm bài tập ở trường, hãy làm theo các bước sau đây. Để trở thành một nhà văn bạn cần luyện tập và trau dồi kiến thức, làm việc chăm chỉ rồi một ngày nào đó sẽ có người muốn noi gương bạn!

Các bước[sửa]

Cải thiện Cơ bản[sửa]

  1. Dùng câu chủ động thay vì câu bị động. Một trong những lỗi thường gặp nhất là sử dụng quá nhiều câu bị động. Cấu trúc câu phổ biến nhất là: Chủ ngữ-Động từ-Vật bị tác động. “Con quái vật cắn người đàn ông” là ví dụ cho cấu trúc câu trên. Câu bị động có thể làm người đọc nhầm lẫn khi chuyển vật bị tác động lên đầu câu: “Người đàn ông bị con quái vật cắn”. Câu bị động thường dài hơn câu chủ động và sử dụng động từ bị động như “bị, được”, điều này làm câu văn thiếu sức sống. Không nên lạm dụng câu bị động.[1]
    • Không phải sử dụng câu bị động là không tốt. Đôi khi không có cách nào để diễn đạt bằng câu chủ động, hoặc bạn muốn nhấn mạnh hành động được thực hiện. Tuy nhiên hãy tuân theo quy tắc sau đây trước khi áp dụng với trường hợp ngoại lệ.
    • Trường hợp ngoại lệ là bài viết khoa học, bạn sử dụng thể bị động để nhấn mạnh kết quả của nghiên cứu (mặc dù điều này có thể thay đổi, nên hãy xem hướng dẫn trước khi viết). Ví dụ, “nghiên cứu chỉ ra rằng cún con ăn thức ăn cay làm dạ dày khó chịu” nhấn mạnh phần kết luận chứ không phải người đưa ra phần kết luận.[2]
  2. Dùng lời lẽ mạnh mẽ. Một bài viết hay, dù là tiểu thuyết hay bài luận học thuật cần chính xác, gợi tưởng và nhiều bất ngờ. Sử dụng động từ và tính từ thích hợp có thể biến một câu văn bình thường thành câu nói mọi người ghi nhớ và trích dẫn theo năm tháng. Tìm từ ngữ đặc biệt. Cố gắng không sử dụng lặp từ trừ khi bạn có chủ ý làm vậy.
    • Một ngoại lệ khác là từ ngữ trong đoạn hội thoại. Bài viết không hay thường chứa nhiều "anh ta bình luận" và "cô ấy phát biểu". Nếu đặt những từ này đúng vị trí thì sẽ đem đến hiệu quả không ngờ. Sử dụng nhiều lần từ "nói" làm câu văn lủng củng, nhưng thay đổi cũng có thể làm mất mạch văn của hội thoại. “Anh ấy nói/cô ấy nói” gần như vô hình với độc giả và họ chỉ tập trung vào lời nói của nhân vật.[3]
    • Mạnh mẽ không phải là tối nghĩa hay phức tạp. Đừng lạm dụng từ ngữ phức tạp hay chuyên ngành khi bạn có thể dùng từ ngữ thông thường.
    • Thận trọng khi sử dụng ngôn ngữ từ điển. Khi sử dụng ngôn ngữ từ điển, bạn nên có chú thích kèm theo để mọi người có thể hiểu ý nghĩa.[4] Nếu bạn có ý định dùng ngôn ngữ từ điển để làm mới vốn từ vựng, hãy tra những từ mới để quyết định nghĩa chính xác của chúng.
  3. Không dài dòng. Một bài viết hay phải đảm bảo đơn giản, rõ ràng và súc tích. Bạn không được điểm khi phải dùng tới 50 từ để diễn đạt một điều gì đó chỉ cần 20 từ, hoặc dùng từ đa âm tiết khi một từ đơn giản là đủ. Viết tốt tức là sử dụng từ ngữ chính xác, không phải chỉ viết cho đầy giấy. Tóm tắt ý tưởng và chi tiết vào một câu ngắn gọn có thể là ý hay, nhưng câu này chắc sẽ khó hiểu. Hãy bỏ bớt những cụm từ vô nghĩa để câu văn trở nên rõ ràng.[5]
    • Trạng từ là mấu chốt của bài viết, nó thường quyết định tính nhất quán của câu văn. Nếu đặt trạng từ đúng chỗ thì câu văn sẽ trở nên bay bổng, nhưng thông thường trạng từ chỉ được sử dụng để bổ nghĩa cho tính từ. Đừng viết "la hét một cách sợ hãi" -- "la hét" đã thể hiện sự sợ hãi rồi. Nếu bạn để ý thấy mình dùng quá nhiều trạng từ thì cần xem lại bài viết.[6]
    • Đôi khi cắt bỏ những câu rườm rà là phần việc hiệu quả nhất ở công đoạn chỉnh sửa. Bạn không cần phải tìm cách ngắn gọn nhất để nhóm gọn từng câu; viết ý tưởng ra giấy và bạn có thể chỉnh sửa và loại bỏ những phần không cần thiết.
    • Bài viết của bạn không tồn tại độc lập, nó kết hợp với trí tưởng tượng của độc giả. Bạn không cần phải miêu tả từng chi tiết nếu một vài gợi ý nhỏ cũng đủ giúp người đọc tự suy nghĩ. Hãy để độc giả tự kết nối chúng.
  4. Đừng kể, hãy diễn đạt. Đừng kể với độc giả những điều có thể diễn đạt bằng lời văn. Thay vì giải thích dài dòng về tiểu sử của nhân vật hay kịch bản, hãy để độc giả tự khám phá thông qua từ ngữ, cảm nhận và hành động của nhân vật. Đặc biệt, đây là một kỹ năng vô cùng quan trọng với tác giả muốn viết truyện viễn tưởng.[7]
    • Ví dụ, “Sydney vô cùng tức giận sau khi đọc thư” cho độc giả biết Sydney cảm thấy tức giận, nhưng họ không tự cảm nhận được điều đó. Điều này làm độc giả lười suy nghĩ và thiếu tính thuyết phục. Ngược lại, với câu văn “Sydney vo viên lá thư lại và ném vào lò sưởi trước khi ra khỏi phòng” vẫn thể hiện được rằng Sydney tức giận mà không cần nói trực tiếp. Điều này hiệu quả hơn rất nhiều. Độc giả tin những gì họ thấy, không phải những gì họ nghe kể.
  5. Tránh lời lẽ sáo rỗng. Sáo rỗng là cụm từ, ý tưởng hay tình huống được dùng nhiều lần quá nên mất tác dụng.[8] Chúng cũng chỉ để lại ấn tượng chung chung với độc giả. Dù bạn viết tiểu thuyết hư cấu hay thông thường thì loại bỏ những câu văn sáo rỗng sẽ làm bài viết hay hơn.[9]
    • "Đó là một đêm tối tăm và bão tố" là một ví dụ điển hình của câu văn sáo rỗng—thậm chí là hình mẫu sáo rỗng. So sánh với các câu văn về thời tiết sau đây:[10]
      • “Đó là một ngày tháng Tư trời sáng và lạnh, đồng hồ điểm 13 tiếng.”—1984, tác giả George Orwell. Không tối tăm, bão tố hay đêm tối. Nhưng bạn có thể khẳng định ngay từ đầu rằng có điều gì đó không bình thường ở 1984.
      • “Bầu trời có màu sắc như màn hình TV chuyển sang một kênh chết chóc.”—Neuromancer, tác giả William Gibson, trong cùng cuốn sách sử dụng từ "không gian mạng". Nó không chỉ nói về thời tiết mà còn ngay lập tức đưa độc giả vào thế giới đen tối của câu chuyện.
      • "“Đây là thời điểm tốt nhất, cũng là thời điểm tệ nhất, đây là độ tuổi của sự khôn ngoan, cũng là độ tuổi của sự ngu dốt, là kỷ nguyên của niềm tin, cũng là kỷ nguyên của sự ngờ vực, đây là thời đại Ánh sáng, cũng là thời đại Bóng tối, đây là mùa xuân hy vọng, cũng là mua đông thất vọng, chúng ta đã từng có tất cả, giờ không còn gì, chúng ta sẽ lên Thiên đường, tất cả chúng ta sẽ tới thẳng một nơi, một thời kỳ khác xa hiện tại, nơi một số quan chức ồn ào khăng khăng mình phân biệt rõ thiện ác, hay chỉ trong mức độ so sánh.”—A Tale of Two Cities, tác giả Charles Dickens. Thời tiết, cảm xúc, sự nguyền rủa, và nỗi tuyệt vọng—Dickens bao trùm tất cả trong câu mở đầu để người đọc sẵn sàng cho phần tiếp theo.
    • Bạn nên tránh sự sáo rỗng khi viết về bản thân. Viết rằng bạn là “người của công chúng” cũng không đưa ra thông tin gì về bản thân bạn. Viết rằng bạn giao tiếp tốt với nhiều người vì bạn lớn lên trong gia đình có nhiều anh chị em và sống ở 6 quốc gia cũng giúp độc giả hiểu được bạn là “người của công chúng” mà không cần phụ thuộc vào ngôn từ.
  6. Tránh khái quát. Một trong những đặc điểm dễ thấy nhất của bài viết cẩu thả là khái quát rộng. Ví dụ, bạn có thể viết như sau trong bài viết học thuật “Ở thời hiện đại, chúng ta có tiến bộ rất nhiều so với con người hàng trăm năm trước.” Tuyên bố này đưa ra hàng loạt giả định vô căn cứ và không thể khẳng định ý tưởng quan trọng chính là “sự tiến bộ”. Hãy viết ngắn gọn, súc tích. Dù bạn viết truyện ngắn hay bài luận học thuật, đưa ra tuyên bố rõ ràng và bao quát sẽ giúp cải thiện bài viết của bạn.[11]
    • Điều này cũng áp dụng với viết sáng tạo. Không tự giả định điều gì khi chưa kiểm chứng. Ví dụ, nếu bạn viết truyện về nhân vật nữ, đừng mặc định rằng cô ấy nhạy cảm hơn nam giới hay nhẹ nhàng và tốt bụng. Cách tư duy chủ quan này sẽ làm bạn mắc kẹt trong lối suy nghĩ và không thể khám phá nhiều mặt thực tế khác.
  7. Sao lưu những gì bạn nói. Đừng suy đoán mà không có chứng cứ. Trong bài viết sáng tạo, điều này cũng tương tự như quy tắc“diễn đạt, đừng kể”. Đừng chỉ nói rằng nếu không có lực lượng cảnh sát, xã hội sẽ sụp đổ. Tại sao lại như vậy? Bằng chứng đâu? Diễn giải suy nghĩ đằng sau tuyên bố để độc giả hiểu được điều bạn nói. Nó cũng giúp họ quyết định xem có nên đồng tình với bạn không.
  8. Thận trọng khi dùng phép ẩn dụ, ví von. Mặc dù phép ẩn dụ hay ví von hay có thể làm câu văn thêm sống động, nhưng dùng không đúng cách sẽ phản tác dụng. Lạm dụng phép ẩn dụ và ví von cũng có thể khiến độc giả nghĩ rằng bạn không tự tin với những điều mình nói và phụ thuộc số liệu để giải thích ý tưởng của bản thân. Chúng cũng nhanh chóng trở nên sáo rỗng.
    • Ẩn dụ “kết hợp” là sự pha trộn hai phép ẩn dụ. Ví dụ, “Chúng ta sẽ đốt cây cầu khi đến nơi” kết hợp với phép ẩn dụ thông thường “Chúng ta sẽ băng qua cây cầu khi đến nơi” và “Đừng đốt cầu”. Nếu bạn không chắc về cách sử dụng ẩn dụ, hãy tra cứu kỹ càng hoặc không nên dùng.
  9. Phá luật. Một tác giả tài năng không chỉ chăm chăm làm theo quy tắc—họ biết khi nào nên phá luật và phá như thế nào. Tất cả mọi thứ từ ngữ pháp truyền thống cho tới những lời khuyên khi viết đều có thể thay đổi nếu bạn biết cách cải thiện. Quan trọng là bạn phải viết đủ hay và chỉ phá vỡ quy tắc khi làm chủ được nó.
    • Sự tiết chế là chìa khóa. Sử dụng câu hỏi tu từ để tạo mở đầu thuyết phục có thể sẽ hiệu quả. Sử dụng một chuỗi sáu câu hỏi tu từ sẽ làm giảm sự hiểu quả. Hãy sáng suốt lựa chọn khi nào và tại sao bạn nên phá vỡ quy tắc.
  10. Chỉnh sửa. Chỉnh sửa là phần quan trọng nhất khi viết. Sau khi viết xong đoạn văn thì nên đợi sau một ngày hãy đọc lại, tìm những chỗ khó hiểu hay tháo dỡ toàn bộ đoạn văn—bất kỳ điều gì làm đoạn văn hay hơn. Sau khi hoàn tất, để người khác đọc đoạn văn.
    • Một số người nhầm lẫn giữa “chỉnh sửa” và “soát lỗi”. Cả hai đều quan trọng, nhưng chỉnh sửa tập trung vào phần nội dung. Đừng quá để ý đến từ ngữ hay một ý tưởng cụ thể nào khi bạn không có ý định thay đổi, trong khi bạn phát hiện ra ý tưởng đó sẽ rõ ràng hay hiệu quả hơn nếu diễn đạt theo cách khác. Soát lỗi mang tính kỹ thuật hơn và tìm ra lỗi sai ngữ pháp, chính tả, dấu câu và định dạng.

Đọc để Viết[sửa]

  1. Chọn sách hay. Dù bạn viết thể loại gì thì việc làm quen với những ví dụ kinh điển thuộc cùng thể loại sẽ giúp bạn cải thiện kỹ năng viết. Đọc và tìm hiểu tác phẩm của những nhà văn nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng để học cách dùng từ và xem phản hồi của độc giả. Đắm mình trong tác phẩm của nhà văn nổi tiếng, bạn sẽ mở rộng vốn từ vựng, kiến thức và trí tưởng tượng.[12][13]
    • Tìm nhiều cách khác nhau để sắp xếp đoạn văn hoặc trình bày câu chuyện.
    • Thử so sánh cách tiếp cận cùng một vấn đề của nhiều tác giả khác nhau. Ví dụ, Death of Ivan Ilych (Cái Chết Của Ivan IIych) của Tolstoy và The Snows of Kilimanjaro (Tuyết Trên Đỉnh Kilimanjaro) của Hemingway.
    • Ghi nhớ rằng ngay cả khi bạn viết truyện bình thường hay bài viết học thuật thì tham khảo những tác phẩm hay cũng cải thiện giọng văn của bạn. Bạn càng làm quen với nhiều cách để kết nối ý tưởng, thì cách diễn đạt lại càng đa dạng và mang phong cách của riêng bạn hơn.
  2. Ám chỉ thông qua văn hóa. Bạn có thể không nhận ra, nhưng sách, phim ảnh hay các phương tiện truyền thông khác đều chứa đựng sự tham khảo và lòng kính trọng với các tác phẩm văn học điển hình. Đọc những cuốn sách cổ điển, bạn sẽ xây dựng kiến thức về văn hóa dễ dàng hơn là tự thu thập.
  3. Bạn cần hiểu tại sao một tác phẩm cổ điển lại được coi là hay. Bạn có thể đọc tiểu thuyết The Catcher in the Rye (Bắt Trẻ Đồng Xanh) nhưng "không hiểu" hay nhận ra giá trị của nó ngay lập tức. Nếu điều này xảy ra, hãy thử đọc vài bài tiểu luận về tác phẩm đó để hiểu tại sao nó lại có sức ảnh hưởng lớn vậy. Bạn có thể khám phá từng lớp nghĩa. Hiểu được điều gì làm tác phẩm đó hay là cách tốt nhất để cải thiện kỹ năng.
    • Quy tắc này cũng áp dụng cho bài viết bình thường và bài viết học thuật. Tham khảo một số tác phẩm của tác giả nổi tiếng trong lĩnh vực của bạn. Điều gì khiến họ nổi tiếng? Họ làm việc như thế nào? Điều gì bạn có thể học tập từ họ?
  4. Tới rạp hát. Các vở kịch được viết và đưa vào biểu diễn. Nếu bạn không “hiểu” một tác phẩm văn học, hãy tìm đến một buổi biểu diễn. Nếu không tìm thấy, đọc to tác phẩm đó lên. Đặt mình vào vị trí của nhân vật. Lắng nghe ngôn từ của nhân vật khi đọc.
    • Các vở kịch nói như mang từ ngữ đến với đời thực, chỉ với cách giải thích của đạo diễn và sự truyền tải của diễn viên mà bạn có thể hình dung ra câu từ của tác giả.
  5. Đọc tạp chí, báo, v, v. Văn học không phải là nơi duy nhất để tham khảo ý tưởng, thế giới thực đầy ắp những con người nhiệt huyết, những địa điểm, sự kiện tạo cho bạn nguồn cảm hứng viết lách. Một tác giả tài năng là người nắm bắt được sự kiện hàng ngày.
  6. Biết thời điểm dừng sự ảnh hưởng. Điều này luôn xảy ra: bạn hoàn thành một cuốn tiểu thuyết tuyệt vời, bạn thôi việc để tập trung vào sự nghiệp viết lách. Nhưng khi ngồi xuống bàn viết thì những ngôn từ này nghe không giống giọng văn của bạn, giống như đang bắt chước tác giả nào đó bạn từng đọc. Với những điều bạn học được từ tác giả nổi tiếng, bạn cần phải tự phát triển nó theo cách của mình. Bạn cần luyện viết nhiều, đọc lại những bài viết cũ để loại bỏ sự ảnh hưởng.

Rèn luyện Kỹ năng[sửa]

  1. Mua sổ tay. Bạn nên chọn quyển sổ có thể mang đi khắp nơi. Bạn có thể nảy ra ý tưởng ở bất kỳ đâu, và bạn muốn bắt lấy ý tưởng đó trước khi nó vụt mất, thì đây chính là thời điểm tốt!
  2. Viết toàn bộ ý tưởng ra giấy. Tiêu đề, phụ đề, chủ đề, nhân vật, tình huống, cụm từ, ẩn dụ — viết bất kỳ thứ gì có thể khuấy động trí tưởng tượng của bạn khi bạn sẵn sàng.
    • Nếu bạn không có cảm hứng sáng tạo, hãy luyện viết ghi chú tình huống. Viết lại cách mọi người làm việc ở quán cà phê. Viết lại cách ánh nắng mặt trời chiếu vào bàn làm việc khi chiều tà. Chú ý đến chi tiết cụ thể sẽ giúp bạn viết tốt hơn, cho dù là nhà thơ hay nhà báo.
  3. Viết hết sổ tay và tiếp tục. Khi bạn viết hết cuốn sổ tay, đề nhãn cho cuốn sổ đó để bạn có thể đọc lại bất cứ khi nào cần tìm cảm hứng.
  4. Tham dự hội thảo viết. Một trong những cách tốt nhất để cải thiện kỹ năng viết và có động lực là nói chuyện với người khác và nhận phản hồi về bài viết của bạn. Tìm một nhóm ở nơi bạn sống hoặc trực tuyến. Trong các nhóm này, thành viên thường đọc bài viết của nhau và thảo luận về những điểm họ thích, không thích và cách để cải thiện chúng. Bạn có thể đưa ra phản hồi, nhận phản hồi, và chúng là những bài học đắt giá để xây dựng kỹ năng.
    • Hội thảo không chỉ dành riêng cho tác giả sáng tạo! Bạn có thể cải thiện bài viết học thuật bằng cách nhờ bạn bè hoặc đồng nghiệp đọc qua. Làm việc với người khác cũng khuyến khích chia sẻ ý tưởng cho nhau.
  5. Viết hàng ngày. Viết nhật ký, viết thư, hay đặt một giờ để luyện viết. Chọn chủ đề và bắt đầu viết. Chủ đề là gì không quan trọng — chủ yếu là bạn luyện viết, viết nữa, viết mãi. Viết là một kỹ năng cần khổ luyện, nó sẽ phát triển nếu bạn dành thời gian nuôi dưỡng và luyện tập đúng cách.[13]

Phác thảo Câu chuyện[sửa]

  1. Chọn chủ đề và viết chung chung về câu chuyện. Nó không cần phức tạp, chỉ cần đưa ra hướng đi của kịch bản. Ví dụ, một câu chuyện Hollywood cổ điển: chàng trai gặp cô gái, chàng trai có được cô gái, chàng trai mất cô gái, chàng trai lại có được cô gái. (Các cảnh rượt đuổi sẽ được thêm vào sau).
  2. Viết dàn ý. Bắt đầu viết rồi mới đưa ra khuynh hướng và sự thay đổi trong kịch bản nghe có vẻ hấp dẫn. Nhưng đừng làm vậy! Chỉ cần một dàn ý đơn giản cũng giúp bạn có cái nhìn toàn cảnh và tiết kiệm thời gian khi chỉnh sửa. Bắt đầu với từng phần cơ bản và mở rộng dần. Bổ sung câu chuyện, thêm nhân vật, thời gian, địa điểm và tâm trạng.
    • Khi đã có dàn ý, bạn chỉ cần sử dụng thêm vài từ để tạo dàn ý phụ cho từng phần nhỏ.
  3. Để một vài khoảng trống trong dàn ý để thêm nhân vật. Tạo một câu chuyện cho nhân vật, ngay cả khi bạn không bổ sung thông tin nhân vật thì điều này cũng giúp độc giả cảm nhận được cách nhân vật hành động trong tình huống được đưa ra.
  4. Đừng sợ "nhảy cóc". Nếu bạn đột nhiên có một ý tưởng tuyệt vời để giải quyết tình huống gần cuối chuyện, nhưng bạn vẫn đang viết Chương 1, đừng ngại ngần viết luôn phần cuối!Đừng lãng phí ý tưởng!
  5. Viết bản thảo đầu tiên. Bạn đã sẵn sàng để viết bản thảo đầu tiên! Sử dụng dàn ý, thêm nhân vật và câu chuyện.
    • Đừng để bản thân bị sa lầy. Khi viết bản thảo, không cần quá tập trung vào việc sử dụng câu từ hoàn hảo. Quan trọng hơn là bạn cần tập trung toàn bộ ý tưởng để có thể chỉnh sửa chúng.
  6. Để câu chuyện dẫn dắt bạn. Để câu chuyện diễn ra tự nhiên có thể đem lại hiệu quả không ngờ. Bạn vẫn là đạo diễn, chỉ là cởi mở hơn với cảm hứng thôi.
    • Bạn nhận thấy rằng nếu đã suy nghĩ đầy đủ về nhân vật, họ muốn gì, tại sao lại muốn điều đó, thì chính nhân vật đó sẽ dẫn dắt bạn viết tiếp.
  7. Hoàn tất bản thảo đầu tiên. Đừng để bị cuốn vào những điểm chưa tốt, chỉ cần viết câu chuyện ra giấy. Nếu bạn nhận ra 2/3 câu chuyện là một nhân vật là Đại sứ Ấn Độ và kết thúc câu chuyện vẫn vậy, hãy ghi chú lại. Đừng viết lại phần đó ngay lập tức mà hãy đợi hoàn thành bản thảo đầu tiên.
  8. Viết một lần nữa. Bạn đã nhớ bản thảo đầu tiên? Bây giờ bạn có thể viết từ đầu, bạn đã nắm được toàn bộ chi tiết của câu chuyện nên nhân vật sẽ thực tế và đáng tin hơn.
  9. Viết từ đầu đến cuối. Khi hoàn thành bản thảo thứ hai, bạn sẽ có toàn bộ thông tin về câu chuyện, nhân vật, cốt truyện chính và cốt truyện phụ.
  10. Đọc và chia sẻ câu chuyện. Bạn đã hoàn thành bản thảo thứ hai, giờ đã đến lúc đọc lại — bình thản nhất có thể để ít nhất bạn cũng có chút khách quan. Chia sẻ với vài người bạn thân, những người mà bạn coi trọng ý kiến của họ.
  11. Viết bản thảo cuối cùng. Được trang bị với các ghi chú từ việc đọc câu chuyện, ghi chú của bạn bè hay nhà xuất bản, viết lại câu chuyện thêm lần nữa và hoàn thiện theo ý bạn. Kết thúc câu chuyện, giải quyết mâu thuẫn, loại bỏ nhân vật không được thêm vào câu chuyện.

Lời khuyên[sửa]

  • Đừng để bị quẫn trí bằng bản thảo đầu tiên. Chúng thường không hoàn hảo. Khi đọc, hãy ghi nhớ trong đầu và chỉnh sửa!
  • Nếu ngay từ đầu bạn đã không thích ý tưởng thì bạn cũng nên thử, biết đâu lại có thể thành một câu chuyện hay.
  • Viết lách thú vị hay là cực hình. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào người bạn đặt câu hỏi. Nó có thể khiến bạn hưng phấn hoặc kiệt sức. Không có câu trả lời chính xác nào về cảm nhận khi viết. Hãy tự tìm phong cách của riêng bạn.
  • Cố gắng để mạch văn tự nhiên. Nhưng nếu bạn làm quá thì các chi tiết về cảm giác hay suy nghĩ sẽ trở nên nặng nề. Luôn ghi nhớ cảm giác khi bạn đọc bài viết và tránh những điều khiến bạn khó chịu.

Cảnh báo[sửa]

  • Thận trọng khi dùng từ. Không có gì tệ hơn là dùng từ không đúng bối cảnh. Nếu bạn không nắm chắc cách dùng từ, hãy tra từ điển để đảm bảo rằng bạn hiểu ý nghĩa của từ đó.
  • Không ăn cắp! Diễn đạt từ ngữ hay ý tưởng của người khác như của bạn là một hành vi phạm tội nghiêm trọng trong học thuật, báo chí, truyện viễn tưởng. Nếu bị bắt gặp, bạn có thể bị trục xuất, sa thải, kiện hoặc bị cấm xuất bản trong tương lai. Do đó không được ăn cắp của người khác!

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây