Cải thiện quan điểm của bản thân về cuộc sống

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Cuộc sống luôn tràn đầy những khó khăn, thử thách và những điều đó có thể dễ dàng khiến bạn cảm thấy phiền muộn. Mặc dù bạn không thể kiểm soát được việc gì sẽ xảy đến với bạn mỗi ngày nhưng bạn có thể kiểm soát cách mà bạn phản ứng lại với chúng. Nhìn nhận cuộc sống một cách tích cực là việc mà bạn hoàn toàn có thể làm được! Bằng việc tự nhìn nhận và tái định dạng nhận thức, bạn sẽ có thể học được cách phản ứng tích cực và cải thiện cách nhìn của bản thân về cuộc sống.

Ảnh minh họa

Các bước[sửa]

Thay đổi cách mà bạn nói chuyện với chính mình[sửa]

  1. Xác định các suy nghĩ tiêu cực. Có lẽ bạn đang hủy hoại chính mình bằng những suy nghĩ tiêu cực mà thậm chí không hề nhận ra. Hãy bắt đầu bằng việc nhận biết các suy nghĩ tiêu cực và ảnh hưởng của chúng đối với bạn. Dưới đây là một vài kiểu suy nghĩ tiêu cực thường gặp:
    • Lọc hoặc tối thiểu hóa các khía cạnh tích cực và phóng đại mặt tiêu cực.
    • Quan điểm đối lập hay nhìn nhận mọi việc theo chiều hướng tồi tệ hoặc tốt đẹp mà không có trung lập.
    • Chỉ tưởng tượng ra những viễn cảnh tồi tệ nhất.[1]
  2. Tập trung vào các suy nghĩ tích cực. Với một chút luyện tập, bạn sẽ có thể học cách chuyển đổi suy nghĩ của bản thân. Hãy bắt đầu bằng việc tuân thủ theo một luật vô cùng đơn giản: Đừng nói về bản thân bất cứ điều gì mà bạn sẽ không bao giờ nói về một người bạn của mình. Hãy thật nhẹ nhàng với chính mình. Khuyến khích bản thân theo cách mà bạn dùng để động viên bạn bè.[2]
  3. Luyện tập tính lạc quan. Quan niệm lạc quan hay bi quan là do bẩm sinh là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Trên thực tế, chúng ta cần phải tập luyện để có thể trở nên lạc quan. Cố gắng tìm thấy hy vọng trong bi cực. Thay vì việc nghĩ rằng “Mình chưa bao giờ làm việc này”, hãy tự nhủ với bản thân rằng “Đây là một cơ hội để thử điều gì đó mới”.[1]
  4. Cố gắng đừng để “nhà phê bình trong thâm tâm bạn” lên tiếng. Tất cả chúng ta đều có tiếng nói nội tâm luôn chỉ trích hoặc chất vấn chính bản thân chúng ta. Tiếng nói này sẽ nói rằng chúng ta không đủ giỏi giang, không đủ tài năng hay không xứng đáng nhận được tình yêu thương của người khác. Những suy nghĩ này vốn là để bảo vệ bạn khỏi thất bại hoặc đau khổ, nhưng trên thực tế, chúng không có bất cứ tác dụng gì ngoài việc cản trở bạn.[3] Khi tiếng nói chỉ trích đó xuất hiện, hãy hỏi bản thân những câu hỏi sau:
    • Những suy nghĩ đó có thật sự đúng hay không?
    • Liệu có khả năng nào là những suy nghĩ đó không phải sự thật? Mình có thể thừa nhận là chúng không đúng không?
    • Mình có thể tưởng tượng đến khả năng rằng mình thật sự giỏi giang, tài năng và đáng được yêu thương không?
  5. Đừng sống trong quá khứ. Nếu tội lỗi, nỗi đau hay những hối tiếc trong quá khứ khiến bạn chùn bước, bạn có thể cố gắng để giải toả những cảm xúc đó.
    • Chủ động hành động để mọi việc qua đi. Bạn có thể viết chúng ra và/hoặc nói thành tiếng.
    • Bộc lộ nỗi đau của bản thân và/hoặc chịu trách nhiệm. Nếu có điều gì bạn cần phải nói với ai đó, hãy nói ra, kể cả nếu lời bạn cần nói là “lời xin lỗi”.
    • Tha thứ cho bản thân và người khác. Hãy cố gắng ghi nhớ rằng tất cả mọi người đều mắc sai lầm. Không có ai là hoàn hảo cả và mọi người đều xứng đáng nhận được một cơ hội khác (kể cả bạn).[4]

Tái điều chỉnh quan điểm của bản thân[sửa]

  1. Ngừng trở thành một người cầu toàn. Cuộc sống không phải là được ăn cả ngã về không. Mong đợi sự hoàn hảo đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ luôn tụt lại phía sau. Để vượt qua được bản tính cầu toàn, hãy bắt đầu bằng việc điều chỉnh lại tiêu chuẩn của bản thân. Tiêu chuẩn mà bạn đặt ra cho bản thân có cao hơn so với tiêu chuẩn bạn đặt ra cho người khác không? Nếu một ai đó cũng ở trong hoàn cảnh giống bạn thì bạn mong đợi những gì ở họ? Nếu bạn hài lòng với cách người đó giải quyết một vấn đề, vậy thì bạn cũng nên thừa nhận tích cực về bản thân.[2]
  2. Làm một việc gì đó nằm ngoài vòng tròn an toàn của bản thân. Bạn có thể chọn một việc mà bạn không giỏi, như nhảy, chơi bóng bàn hoặc vẽ. Hãy cho phép bản thân không nhất thiết phải đạt được kết quả tốt trong những hoạt động này. Thử tìm ra niềm vui trong một hoạt động mà bạn không giỏi giang. Điều này sẽ mở ra cho bạn nhiều cơ hội,giúp bạn gạt bỏ tính cầu toàn, và hơn cả là cải thiện cách nhìn của bạn về cuộc sống.[5]
  3. Bình tĩnh lại và chú tâm hơn. Hãy dành một chút thời gian để hít thở. Cố gắng đừng làm quá sức. Bớt tập trung vào những điều người khác nghĩ và dành nhiều tâm trí hơn đến những điều bạn thật sự đang trải nghiệm. Ăn thức ăn ngon. Nhìn ra ngoài cửa sổ. Khi chúng ta cố gắng sống vì hiện tại, những khoảnh khắc đó sẽ trở nên tuyệt vời hơn rất nhiều.[6]
  4. Ngừng đặt ra những luật lệ. Có thể bạn đang yêu cầu quá nhiều những việc “cần phải” và “nên” làm. Những giới hạn này có thể khiến bạn cảm thấy tội lỗi, lo lắng, hay tự phê phán. Khi bạn áp dụng chúng vào bản thân, bạn đánh mất đi những cơ hội vui vẻ của chính mình. Còn khi bạn áp dụng chúng vào người khác, bạn có thể trở thành một người hách dịch hoặc ngớ ngẩn. Hãy bỏ qua những luật lệ không giúp ích gì cho bạn.[7]
  5. Cho phép bản thân cười đùa và vui chơi. Khi bạn không quá nghiêm túc về mọi việc, bạn nên biết cách xử lý các dạng tình huống. Khiếu hài hước có thể khiến những khoảng khắc vui vẻ trở nên tuyệt vời hơn hoặc khiến những khoảnh khắc buồn bã hay nặng nề trở nên dễ chịu hơn.[8]
    • Kể những câu chuyện hài hước.
    • Chạy loanh quanh.
    • Tìm kiếm niềm vui trong cuộc sống mỗi ngày.
  6. Tập trung vào những điều tuyệt vời trong cuộc sống. Có những lúc, chúng ta dành cả đời để tìm kiếm những thứ ở ngay trước mắt mình. Chúng ta theo đuổi giấc mơ tiền bạc hay uy quyền, khi tất cả những gì chúng ta thực sự cần là sự an ủi và công nhận. Thay vì mải tập trung vào những gì bạn nghĩ là bản thân muốn, hãy dành thời gian để trân trọng những gì bạn có. Như việc bạn có một sức khỏe tốt, một lời khen ngợi gần đây bạn nhận được hay đơn giản chỉ là việc bạn có thể thức dậy vào sáng nay.[9]

Điều chỉnh các mối quan hệ[sửa]

  1. Tạo dựng mối quan hệ với những người tích cực. Hãy chắc chắn rằng những người xung quanh bạn có thái độ tích cực và ủng hộ. Hãy tạo dựng mối quan hệ với những người bạn có thể dựa vào. [10] Nếu những người quanh bạn thường xuyên ngồi lê đôi mách, ca thán, hoặc gây ra mâu thuẫn, có thể bạn sẽ muốn giữ khoảng cách với họ. Tìm kiếm những nhóm bạn lạc quan, chẳng hạn như lớp học yoga hoặc câu lạc bộ võ thuật.
  2. Tránh việc đưa ra kết luận vội vàng. Khi bạn tin rằng bản thân đã biết được điều gì sắp xảy ra, bạn sẽ ngừng quan sát những gì đang xảy ra. Bạn sẽ phản ứng theo những gì bạn nghĩ thay vì những gì thực sự diễn ra trước mắt bạn. Khi bạn tin rằng mình biết những gì người đó đang nghĩ, bạn sẽ không còn lắng nghe họ nữa. Điều này có thể gây ra nhiều bất hòa và tổn thương không đáng có. Thay vì đánh giá một cách vội vàng, hãy cố gắng lắng nghe và quan sát. [11]
  3. Đừng lảng tránh cảm xúc của bản thân. Chúng ta vẫn thường hay lờ đi những cảm xúc của bản thân để tránh cảm xúc đau buồn. Nhưng nỗi buồn cũng có lợi ích riêng của nó: Nỗi buồn khiến chúng ta cảm thấy mình thực sự đang sống. Thực tế, nỗi buồn có thể mang đến những ảnh hưởng tốt làm tăng cơ hội hạnh phúc cho bản thân bạn.[3] Khi những cảm xúc bi quan xuất hiện, hãy để ý đến chúng. Xử lý chúng bằng cách ghi lại hoặc trò chuyện với ai đó.
  4. Không can thiệp vào chuyện của người khác. Người Ba Lan có câu “Không phải con khỉ của tôi, không phải rạp xiếc của tôi”. Câu nói này nhắc nhở chúng ta không nên tham gia vào chuyện của người khác. Những sự việc và tranh cãi như vậy có thể ảnh hưởng lớn đến tâm trạng của bạn.
    • Cố gắng không can thiệp vào mâu thuẫn của người khác.
    • Tránh buôn chuyện! Đừng nói về người khác sau lưng họ.[12]
    • Đừng để người khác kéo bạn vào những cuộc tranh cãi hay ép buộc bạn phải chọn một bên.
  5. Tử tế! Cố gắng tôn trọng những người xung quanh và tương tác với họ bằng thái độ hòa nhã và tích cực. Điều này không chỉ giúp bạn cảm thấy khá hơn và nó còn giúp bạn thu hút những người tích cực khác. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng khi chúng ta cố gắng trở nên tích cực (cho dù không cảm thấy vui vẻ), chúng ta sẽ nhanh chóng cảm thấy khá hơn. [13]

Lời khuyên[sửa]

  • Giữ cho cơ thể khỏe mạnh và cân đối. Một cơ thể khỏe mạnh sẽ giúp bạn xử lý căng thẳng một cách hiệu quả. Một cơ thể khỏe mạnh sẽ giúp tinh thần phấn chấn![10]
  • Hãy tham gia vào cộng đồng. Cho dù đó là nhóm tôn giáo, câu lạc bộ yoga hay hội may vá. Bạn có thể tìm kiếm các cơ hội tại trường hoặc khu vực gần nhà và cố gắng kết nối với mọi người.
  • Nếu bạn nghĩ rằng bản thân bị trầm cảm, hãy nói chuyện với cố vấn hoặc bác sỹ để được chữa trị

Cảnh báo[sửa]

  • Tự tử không bao giờ là một giải pháp.
  • Hãy cẩn thận để không tranh cãi với những người đối xử tệ bạc với bạn. Bạn có thể tránh tiếp xúc với họ hoặc đối xử với họ bằng thái độ bình tĩnh và chín chắn.
  • Nếu mức độ căng thẳng vượt quá mức kiểm soát của bạn, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ. Có rất nhiều nguồn hỗ trợ bạn có thể tìm tới thông qua các nhóm tín ngưỡng và cộng đồng.
  • Nếu bạn là nạn nhân của lạm dụng tình dục hoặc bạo lực gia đình, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ! Không ai có quyền ngược đãi bạn nhưng bạn là người duy nhất có thể lên tiếng.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này