Cầm nước mắt

Từ VLOS
(đổi hướng từ Cầm Nước mắt)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Khi gặp một tình huống khiến bạn muốn khóc, bạn có thể cảm thấy xấu hổ nếu phải khóc trước mặt đám đông, bạn muốn kìm nén cảm xúc và trở nên mạnh mẽ. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng khóc cũng tốt và ai cũng có lúc khóc. Ai cũng có cảm xúc và mọi người sẽ hiểu lý do bạn khóc. Sau đây là một vài cách giúp bạn cầm nước mắt.

Các bước[sửa]

Tác động về Mặt thể chất[sửa]

  1. Tập trung hít thở. Khóc là một phản ứng của cơ thể khi cảm xúc bị đẩy lên cao trào. Hiệu quả của việc hít thở sẽ giúp bạn ngăn bản thân mình bật khóc.[1] Có thể bạn vừa nhớ lại một kỉ niệm buồn, bạn vừa chia tay người yêu hoặc có chuyện kinh khủng vừa xảy ra với bạn. Khiến bản thân bình tĩnh là một bước quan trọng trong việc ngăn nước mắt trào ra. Tập trung vào việc hít thở như khi ngồi thiền sẽ giúp bạn điều khiển được cảm xúc và cảm thấy thanh thản trong lòng.[2]
    • Khi cảm thấy nước mắt sắp trào ra, hãy hít vào thật sâu và chậm rãi bằng mũi, sau đó thở ra thật chậm bằng miệng. Động tác này sẽ làm trôi “cục nghẹn” ở cổ khi bạn sắp bật khóc và khiến suy nghĩ lẫn cảm xúc của bạn được ổn định.
    • Hãy đếm đến 10. Hít vào bằng mũi mỗi khi đếm một con số. Thở ra bằng miệng khi đếm xong một con số. Việc đếm số sẽ giúp bạn tập trung vào hít thở thay vì chuyện khiến bạn muốn khóc.
    • Thậm chí chỉ cần một lần hít thở sâu cũng sẽ làm bạn bình tâm lại khi bạn đang gặp chuyện không vui. Hít vào một hơi thật sâu, giữ hơi thở một lát, và thở ra. Lúc đó, hãy chỉ tập trung vào luồng khí ra vào lá phổi của mình. Hít thở sâu cũng sẽ giúp bạn có giây phút bình tĩnh lại trước khi đối mặt với nguyên nhân gây ra nỗi buồn.
  2. Chuyển động mắt để ngăn nước mắt. Nếu bạn đang ở trong tình huống khiến bạn muốn khóc nhưng bạn lại không muốn thể hiện cảm xúc trước mặt người khác, chuyển động mắt có thể giúp bạn ngăn nước mắt lại. Một vài nghiên cứu đã cho thấy việc chớp mắt có thể ngăn được dòng nước mắt.[3]Chớp mắt vài lần để đôi mắt không còn ngấn nước mắt.
    • Đưa mắt qua lại hoặc đảo mắt vài lần. Tất nhiên, có thể bạn chỉ muốn làm vậy khi không bị ai nhìn. Bên cạnh việc đánh lạc hướng bản thân mình (vì bạn đang phải tập trung vào việc chuyển động đôi mắt), việc này cũng khiến mắt bạn không ngấn nước mắt nữa.
    • Hãy nhắm mắt vào. Nhắm mắt khiến bạn có thời gian định hình xem chuyện gì đang xảy ra. Vừa nhắm mắt vừa hít thở sâu sẽ giúp bạn bình tâm lại và tập trung nín khóc.
  3. Đánh lạc hướng bản thân bằng cách thực hiện một vài động tác. Khi sắp khóc, bạn nên tập trung vào những việc khác. Thực hiện một số động tác nhỏ để đánh lạc hướng bản thân cũng là một cách để thôi khóc.[4]
    • Bắt chéo chân hoặc nắm hai tay vào nhau. Bạn nên nắm đủ chặt để tạm quên đi lý do khiến bạn muốn khóc.
    • Cầm nắm một thứ gì đó, có thể là một món đồ chơi xả stress, một cái gối, vạt áo hoặc tay của người thân.
    • Ấn lưỡi lên phần vòm miệng hoặc lên răng.
  4. Thả lỏng cơ mặt. Nhíu lông mày và nhăn mặt sẽ khiến bạn dễ khóc hơn vì vẻ mặt thực sự có gây ảnh hưởng tới cảm xúc. Để khiến bản thân không khóc, hãy tạo ra một vẻ mặt bình thản trong mọi tình huống khiến bạn không vui. Hãy giãn lông mày ra và thả lỏng các cơ quanh miệng để trông bạn không có vẻ gì là đang buồn bực.
    • Nếu tình huống cho phép hoặc khi bạn có thể bỏ đi đâu đó một lúc, hãy thử mỉm cười. Vài nghiên cứu cho thấy mỉm cười có thể làm thay đổi tâm trạng theo chiều hướng tích cực ngay cả khi bạn cảm thấy không muốn cười.[5]
  5. Loại bỏ cảm giác nghẹn giọng. Một trong những việc khó nhất khi ngăn bản thân bật khóc chính là vượt qua cảm giác bị nghẹn trong cổ họng – cảm giác xảy ra khi bạn muốn khóc. Khi cơ thể nhận được tín hiệu căng thẳng, hệ thần kinh sẽ phản ứng lại bằng cách mở rộng khe thanh môn – phần cơ trong cổ họng có chức năng tạo ra âm thanh. Khi khe thanh môn mở, bạn sẽ có cảm giác nghẹn khi nuốt.[6]
    • Uống một ngụm nước để làm dịu cảm giác nghẹn do khe thanh môn bị mở. Nước sẽ làm giãn các cơ ở cổ họng (và khiến bạn bình tĩnh lại.)
    • Nếu lúc đó không có nước, hãy hít thở đều đặn và nuốt nước bọt vài lần. Hít thở sẽ giúp bạn thư giãn, nuốt chậm sẽ thông báo cho cơ thể bạn biết rằng không cần phải mở khe thanh môn nữa.
    • Ngáp. Ngáp sẽ khiến các cơ trong họng được thả lỏng, như vậy, nó cũng giúp làm dịu cảm giác nghẹn ngào trong họng khi khe thanh môn bị mở.

Giải tỏa Cảm xúc và Vượt qua Nỗi buồn[sửa]

  1. Hãy cứ khóc. Đôi khi, bạn hãy để cảm xúc tuôn trào và việc đó chẳng có gì là sai cả. Khóc là một chuyện rất bình thường mà ai cũng làm. Cho dù trong giây phút đó, bạn đã kìm nén để không khóc, bạn vẫn sẽ cảm thấy rất buồn. Hãy tìm một nơi yên tĩnh để ở một mình và khóc thoải mái.
    • Cho phép bản thân được khóc sẽ có lợi cho bạn cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Khóc sẽ giúp cho cơ thể thải ra độc tố. Sau khi đã khóc thoải mái, bạn sẽ cảm thấy vui hơn và đỡ căng thẳng hơn.[7]
  2. Xem xét lý do khiến bạn muốn khóc. Dành chút thời gian suy nghĩ về nguyên nhân khiến bạn khóc hoặc cảm thấy muốn khóc rất quan trọng. Khi bạn đã tìm ra nguyên nhân, bạn sẽ có thể phân tích nó một cách toàn diện và nghĩ ra cách giải quyết hoặc cách khiến mình vui lên. Hãy nghĩ về chuyện đang khiến bạn buồn. Có phải một người hoặc một tình huống cụ thể nào đó đang khiến bạn cảm thấy như vậy không? Hoặc là có một lý do nào khác khiến bạn phải kìm nén cảm xúc không?[8]
    • Nếu bạn không thể tìm ra nguyên nhân, hãy tìm tới bác sĩ tư vấn tâm lý. Nếu bạn khóc rất nhiều hoặc luôn cảm thấy muốn khóc, có thể bạn đang bị trầm cảm và cần được chữa trị.[9]
  3. Hãy viết nhật ký. Viết lại những suy nghĩ sẽ giúp bạn sắp xếp lại chúng và cảm thấy khá hơn. Ghi chép cũng giúp bạn xử lý sự căng thẳng, hồi hợp hoặc trầm cảm. Để có kết quả tốt nhất, hãy dành ra vài phút mỗi ngày để viết về những suy nghĩ và cảm xúc. Bạn có thể viết theo cách bạn muốn về bất kỳ điều gì bạn thích.[10]
    • Nếu một người cụ thể nào đó khiến bạn muốn khóc, hãy thử viết thư cho họ. Viết ra những cảm nhận của mình sẽ dễ dàng hơn là nói ra. Dù bạn không đưa cho họ lá thư đó, bạn cũng sẽ cảm thấy tốt hơn sau khi đã giải tỏa cảm xúc và suy nghĩ của mình.
  4. Nói chuyện với ai đó. Sau khi đã khóc xong, bạn nên tìm một người để nói về những gì bạn đang trải qua. Hãy tìm tới một người bạn, một người thân trong gia đình, hoặc một bác sĩ tư vấn và nói về những chuyện khiến bạn buồn. Khi trao đổi với nhau, hai người cùng nghĩ sẽ tốt hơn một người, và người đó sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề.
    • Trò chuyện với ai đó cũng sẽ giúp bạn thấy mình không cô đơn. Nếu bạn cảm thấy bạn đang phải chịu đựng quá nhiều, hãy nói chuyện với ai đó và để họ giúp bạn bình tâm lại.
    • Phương pháp trò chuyện này rất có ích đối với những người đang đối mặt với bệnh trầm cảm, lo âu, sự mất mát, bệnh tật, các vấn đề trong mối quan hệ. Hãy tìm tới bác sĩ tâm lý nếu bạn vẫn khóc nhiều hoặc nếu bạn có vấn đề cần thảo luận với ai đó ở một nơi an toàn, đáng tin cậy.[11]
  5. Đánh lạc hướng bản thân bằng những việc bạn thích. Dành thời gian cho những sở thích riêng sẽ giúp bạn có cái nhìn mới với những khó khăn bạn đang gặp phải.[12] Dành mỗi tuần một chút thời gian cho sở thích riêng. Dù bạn có cảm thấy mình không muốn liên quan gì đến thế giới bên ngoài vì đang buồn chán, bạn sẽ sớm nhận thấy: thực ra mình cũng đang thấy vui vẻ.
    • Hãy ở cạnh những người khiến bạn thấy vui vẻ. Làm những việc thú vị mà bạn thích như: leo núi, vẽ tranh,… Đi dự tiệc và gặp gỡ những người mới, hoặc cùng bạn bè ăn mặc thật đẹp và tự mở tiệc. Hãy tập trung vào những hoạt động như vậy. Khiến bản thân bận rộn cũng là một cách tuyệt vời để khiến bản thân vui lên.

Ngăn Bản thân Bật khóc bằng cách Tập trung vào Việc khác[sửa]

  1. Hãy tìm một điều gì đó để hướng sự chú ý của mình vào đó. Đôi khi, bạn có thể ngăn dòng nước mắt bằng cách hướng sự chú ý tới một việc khác. Ví dụ, bạn có thể làm vài bài toán đơn giản. Cộng trừ một vài con số nhỏ hoặc đọc nhẩm bảng cửu chương sẽ khiến bạn thôi chú ý vào chuyện buồn và giúp bạn bình tĩnh lại.[13]
    • Bạn cũng có thể nghĩ về lời một ca khúc mà bạn thích. Hát nhẩm lời bài hát sẽ khiến tâm trí bạn không còn tập trung vào chuyện khiến bạn buồn phiền nữa. Hãy thử nghĩ tới lời của một bài hát vui tươi để tâm trạng bạn khá lên.
  2. Hãy nghĩ về điều gì đó buồn cười. Đối mặt trực tiếp với nỗi buồn không dễ chút nào, nhưng nghĩ về một chuyện hài hước có thể giúp bạn kiềm chế được cảm xúc. Hãy nghĩ tới chuyện trước đây từng làm bạn cười lăn cười bò, có thể là một kỉ niệm buồn cười, một cảnh trong phim, hoặc một câu chuyện cười.[4]
    • Hãy cố gắng mỉm cười khi nghĩ tới những chuyện vui vẻ.
  3. Tự nhắc nhở rằng bạn là một con người mạnh mẽ. Tự động viên tinh thần khi sắp bật khóc sẽ giúp bạn vượt qua cảm giác đau buồn. Hãy nói với bản thân rằng cảm thấy buồn cũng không sao nhưng lúc này thì không được buồn. Hãy nhớ tới lý do khiến ban không nên khóc lúc này—bạn không muốn khóc trước mặt người lạ, hoặc là bạn muốn trở nên mạnh mẽ vì người khác… Tự nhủ rằng mình sẽ có lúc khác để buồn bã nhưng lúc này thì cần phải kiềm chế.
    • Hãy nhớ bạn là một con người tuyệt vời, bạn có bạn bè và người thân yêu mến. Hãy nghĩ tới những thành quả bạn đã đạt được và cả những điều bạn muốn đạt được sau này.
    • Các nghiên cứu đã cho thấy: tự động viên bản thân có rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe ngoài việc giảm căng thẳng. Việc đó sẽ giúp bạn kéo dài tuổi thọ, tăng cường sức đề kháng với bệnh cảm lạnh, giảm nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, tăng khả năng xử lý những tình huống khó khăn và giảm nguy cơ bị đau tim.[14]
  4. Đánh lạc hướng bản thân bằng những việc khác. Ủ rũ khóc lóc vì những chuyện buồn là điều tệ nhất bạn có thể làm, nhất là khi bạn không hề muốn khóc. Đánh lạc hướng bản thân là sẽ tạm thời khiến bạn quên khóc – nhưng tới một lúc nào đó, bạn vẫn sẽ phải đối mặt với chuyện không vui đó.
    • Hãy bật một bộ phim mà bạn vẫn chờ để được xem (hoặc một bộ phim cổ điển mà bạn thích). Nếu bạn không thích phim, hãy mở cuốn sách bạn thích hoặc một tập phim truyền hình thú vị nào đó.
    • Hãy đi dạo để đầu óc thư thái hơn. Thông thường, đi bộ giữa thiên nhiên là một cách đánh lạc hướng bản thân tuyệt vời. Hãy tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên và tránh nghĩ về những chuyện buồn.
    • Tập thể dục. Tập luyện sẽ giải phóng một loại hooc-môn vui vẻ tên là endorphins. Nó sẽ giúp bạn cảm thấy khá hơn. Tập thể dục cũng sẽ khiến bạn tập trung vào bài tập luyện hơn là vào cảm giác không vui lúc đó.[15]

Giả vờ Khóc vì một Lý do nào khác[sửa]

  1. Hãy bịa ra một lý do để khóc. Có thể mọi người vẫn nhận ra bạn vừa nói dối (một cách vô hại) thì việc này vẫn giúp bạn bình tâm lại.
    • Hãy nói rằng bạn đang bị dị ứng rất nặng. Đây là lời biện minh kinh điển cho việc mắt bạn đang đầy nước. Chứng dị ứng luôn khiến mắt bị đỏ và chảy nước mắt.
    • Hãy ngáp và nói rằng: “Lần nào ngáp, tớ cũng bị chảy nước mắt.”
    • Hãy nói rằng có lẽ bạn đang bị ốm. Thông thường, khi ốm, mọi người cũng hay chảy nước mắt. Nói rằng bạn cảm thấy mệt cũng sẽ cho bạn một lý do để rời khỏi nơi đó.
  2. Kín đáo lau nước mắt. Nếu bạn không thể cầm được nước mắt, lau nó đi một cách kín đáo cũng là một cách khiến bản thân không khóc.
    • Hãy giả vờ như đang lấy một thứ gì đó bị bay vào mắt, sau đó lau dọc theo mí mắt dưới. Dùng ngón trỏ ấn nhẹ vào hốc mắt cũng sẽ giúp bạn lau sạch nước mắt.
    • Giả vờ hắt xì và che mặt bằng cùi chỏ (để lau nước mắt vào cánh tay). Nếu bạn không thể hắt xì được thì hãy nói “Tớ muốn hắt xì mà không được”.
  3. Hãy thoát ra khỏi hoàn cảnh. Nếu bạn gặp phải một tình huống xấu khiến bạn muốn khóc, hãy ra khỏi đó. Nói vậy không có nghĩa là bạn nên lao đi như vũ bão. Nếu có điều gì khiến bạn không vui, hãy kiếm cớ để đi ra khỏi đó. Lánh đi một lúc sẽ khiến bạn thấy khá hơn và giúp bạn kiềm chế nước mắt.[16] Đây là cách khiến bạn tạm tránh được nỗi buồn cả về mặt thể chất lẫn tinh thần.
    • Khi đã ra được khỏi nơi đó, hãy hít thở thật sâu. Bạn sẽ cảm thấy đỡ xúc động hơn.

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu bạn không thể chịu đựng được cũng không sao cả. Có những lúc bạn không thể cầm nổi nước mắt. Hãy cứ để nước mắt tuôn trào.
  • Nghiến răng cũng có thể giúp bạn ngăn nước mắt nếu bạn đang ở chỗ đông người. Khi bình tĩnh lại, hãy nghĩ về nguyên nhân và đối tượng khiến bạn khóc.
  • Đọc sách hoặc nói chuyện với ai đó về những cách giúp bạn kiểm soát cảm xúc và tìm cách vận dụng chúng vào thực tế.
  • Hãy đi tới một nơi yên tĩnh mà bạn thích để dành thời gian suy nghĩ một mình. Có thể bạn nên đi cùng một người bạn thân để họ an ủi bạn.
  • Ngồi hoặc đứng thẳng lưng sẽ khiến bạn cảm thấy tự tin và mạnh mẽ hơn, nhờ đó, bạn cũng sẽ không khóc.
  • Ăn một ít sô-cô-la hoặc đồ ăn khác nhưng đừng ăn quá nhiều. Một hoặc hai miếng sô-cô-la là đủ.
  • Nói chuyện với bạn thân hoặc bố mẹ, hãy kể hết cho họ nghe. Chắc chắn họ sẽ giúp bạn vui lên.
  • Nếu bạn có những người bạn rất thân thiết hoặc một gia đình gần gũi, hãy đưa ra những tín hiệu mà chỉ có họ hiểu rằng bạn sắp khóc. Họ sẽ biết cách để giúp bạn. Có thể đó là việc giọng bạn nghe khác đi hoặc điều gì đó tương tự như vậy, họ sẽ nhận ra và làm mọi thứ để giúp bạn.
  • Đừng cố kìm nén. Nếu bạn cần khóc thì cứ khóc.
  • Bật bài hát mà bạn thích lên và nhảy nhót theo nó.

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu bạn cảm thấy muốn làm đau chính mình hoặc người khác, hãy tìm ai đó giúp đỡ bạn ngay lập tức.
  • Nếu bạn cảm thấy bạn không biết phải nói chuyện với ai, hãy tìm tới chuyên gia. Hãy tìm tới thầy cô giáo cố vấn hoặc một bác sĩ tâm lý. Họ sẽ luôn lắng nghe. Thậm chí nói chuyện với một người lớn tuổi ngoài gia đình mà bạn tin tưởng cũng sẽ rất có ích.


Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây