Chống say xe

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nếu bạn bị say xe, bạn sẽ khá kinh hãi mỗi khi phải thực hiện chuyến đi đường dài bằng xe ô tô. Nó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chuyến đi hoặc hoạt động vui chơi với bạn bè. Say xe là một dạng của chứng say tàu xe (hay buồn nôn và nôn khi đi tàu xe) mà nhiều người gặp phải khi họ phải di chuyển bằng ô tô. Chóng mặt, kiệt sức, toát mồ hôi, và buồn nôn là triệu chứng phổ biến của say xe.[1] Vậy làm cách nào để bạn có thể ngăn ngừa tình trạng này? Bạn có thể thực hiện theo một vài thủ thuật và lời khuyên sau để có thể tận hưởng chuyến đi mà không hề phải chịu đựng tình trạng say tàu xe.

Các bước[sửa]

Thay đổi Cách thức Di chuyển[sửa]

  1. Ngồi tại ghế phía trước của xe. Các bác sĩ đều tin rằng say tàu xe là do mâu thuẫn giữa sự vật mà mắt bạn nhìn thấy với cách cơ thể bạn lý giải chuyển động của phương tiện giao thông, quá trình này sử dụng tín hiệu từ trong tai của bạn để cảm nhận sự cân bằng.[2] Ví dụ, nếu bạn trông thấy ghế xe phía trước bạn nhưng cơ thể bạn lại cảm nhận được đường cong và tốc độ xe chạy trên đường, bộ phận trong tai của bạn sẽ bị kích thích. Và từ đó khiến bạn buồn nôn và chóng mặt, đây là triệu chứng điển hình của tình trạng say xe.[2] Để tránh gặp phải điều này, bạn nên giữ cho mắt luôn tập trung vào con đường phía trước để mắt và cơ thể có thể diễn giải thông tin tương tự nhau. Bằng cách ngồi ở chiếc ghế trước, bạn sẽ ít cảm nhận được sự không đồng nhất giữa sự vật mà bạn trông thấy và cách mà cơ thể bạn lý giải chuyển động.
    • Tự lái xe sẽ giúp bạn tập trung vào một việc gì đó, và tránh chú tâm vào tình trạng say xe của mình.[3]
  2. Tập trung nhìn vào đường chân trời. Nhìn vào một điểm ảnh cố định ở phía trước sẽ giúp bạn kiểm soát đôi mắt, tai trong, và dây thần kinh của bạn.[1] Nhìn về cửa sổ phía trước và tìm kiếm một điểm cố định nào đó tại đường chân trời, nơi nào đó ở phía xa. Điểm đó có thể là một ngọn núi. Một cái cây, một tòa nhà, hoặc chỉ đơn giản là một điểm nào đó trong không gian. Tập trung sự chú ý của thị giác vào điểm này. Không ngừng nhìn vào điểm đó ngay cả khi đường đi khá xóc, ngoằn ngoèo, và có nhiều đồi dốc. Cưỡng lại sự cám dỗ của việc nhìn ra khỏi cửa sổ xe ở hai bên: chỉ nên tập trung vào chiếc cửa phía trước bạn.
    • Nếu bạn đang phải lái xe, bạn nên nhớ chú ý đến đường đi và xe cộ xung quanh cũng như đường chân trời trước mắt bạn.
  3. Duy trì nhiệt độ mát mẻ trong xe. Môi trường mát mẻ, thoáng khí có thể giúp bạn giảm nhẹ triệu chứng say xe cũng như xoa dịu tình trạng toát mồ hôi và buồn nôn. Nếu có thể, bạn nên mở hé cửa sổ xe để nhận được một chút gió trời. Ngoài ra, bạn có thể bật điều hòa trong xe. Điều chỉnh hướng gió thổi vào mặt bạn để có thể tận dụng được nhiều lợi ích nhất.[1]
    • Sự thông thoáng cũng sẽ giúp giảm thiểu mùi thức ăn trong xe. Tình trạng say xe có thể trở nên trầm trọng hơn bởi thực phẩm nặng mùi.[4]
  4. Cố định đầu của bạn. Đôi khi, sẽ khó để bạn có thể giữ cho đôi mắt luôn tập trung nhìn về một điểm khi bạn đang di chuyển trên một con đường khá dằn xóc và gồ ghề. Để cố định tầm nhìn của mình, bạn nên chắc chắn rằng đầu của bạn cũng được cố định tại một vị trí. Tựa đầu vào điểm tựa đầu nằm phía sau bạn để giữ cho nó luôn ổn định. Một chiếc gối tựa cổ cũng sẽ giúp bạn cố định đầu – và từ đó, duy trì tầm nhìn của bạn.[1]
  5. Thường xuyên nghỉ ngơi ngắn. Bạn có thể bước ra khỏi xe và co duỗi chân. Ngồi trên một chiếc ghế bên đường hoặc dưới tán cây và hít thở sâu qua đường miệng để thư giãn. Biện pháp này đặc biệt hiệu quả trong suốt chuyến hành trình đòi hỏi bạn phải di chuyển trong một khoảng thời gian khá dài qua nhiều con đường quanh co. Thường xuyên dừng xe không chỉ giúp bạn xoa dịu tình trạng say xe mà nó cũng sẽ cho phép tài xế có được những khoảng thời gian nghỉ ngơi ngắn. Tiếp tục lái xe khi bạn cảm thấy tỉnh táo hơn và khi triệu chứng chóng mặt và buồn nôn đã qua đi.
  6. Cố gắng chợp mắt. Ngủ sẽ đem lại lợi ích tuyệt vời để giúp bạn vượt qua tình trạng say xe. Bạn sẽ không nhận thức được sự khác nhau giữa thông tin thị giác và dấu hiệu mà cơ thể bạn gửi đi bởi vì bạn đang nhắm mắt. Nhiều người nhận thấy rằng ngủ là hành động tốt nhất để vượt qua chuyến đi dài bằng xe ô tô mà không bị say xe.
    • Nếu bạn gặp khó khăn trong việc chợp mắt trong xe, bạn có thể uống một loại thuốc ngủ nào đó. Tuy nhiên, nếu bạn sử dụng nó, bạn cần phải chắc chắn rằng bạn sẽ không phải lái xe tại một thời điểm nào đó trong suốt chuyến đi.
  7. Tập trung vào một điều gì khác. Tác nhân gây xao nhãng là biện pháp tuyệt vời để giảm thiểu tình trạng say xe, đặc biệt đối với trẻ em hoặc những người phải ngồi ở ghế sau. Ngừng suy nghĩ về sự chóng mặt hoặc buồn nôn bằng cách nghe nhạc, ca hát, hoặc chơi trò chơi đặt ra 20 câu hỏi cho người bạn đồng hành với bạn.[5]
  8. Không nên đọc sách, sử dụng điện thoại và thiết bị điện tử khác. Say xe sẽ trở nên tồi tệ hơn khi bạn tập trung vào đối tượng thị giác bên trong xe hơn là bên ngoài xe. Chăm chú đọc sách, chơi game, sử dụng sách điện tử, hoặc máy tính bảng có thể làm tăng sự không đồng nhất giữa mắt và các bộ phận khác trên cơ thể. Để chống say xe, bạn chỉ nên tập trung nhìn vào sự vật bên ngoài xe, ngay đường chân trời trước mắt bạn.[6]
    • Nhiều người chỉ gặp phải tình trạng say xe khi họ đọc sách trên xe. Hãy chắc chắn rằng điều này không xảy đến với bạn!
    • Sách nói, đài phát thanh trên xe, và đĩa CD là phương pháp giải trí tuyệt vời bạn có thể sử dụng trong xe mà không khiến bạn bị say xe.
  9. Hít thở sâu. Cảm giác lo lắng sẽ khiến tình trạng say xe trở nên tồi tệ hơn. Kỹ thuật thư giãn chẳng hạn như hít thở một cách chậm rãi, thong thả có thể giúp làm chậm nhịp tim và giúp cơ thể thư giãn, khiến bạn ít gặp phải triệu chứng say tàu xe hơn.[4]
  10. Tránh xa những con đường gồ ghề. Xe chạy càng êm bao nhiêu thì bạn càng ít gặp phải tình trạng say xe bấy nhiêu. Phương pháp để có được chuyến đi êm ái hơn đó chính là lái xe trên đường cao tốc thay vì trên con đường trong thành phố mà bạn thường phải dừng xe nhiều lần và hãy nhớ bảo đảm rằng xe của bạn đã được trang bị hệ thống chống sốc mới nhất.[7] Bạn cũng có thể lên kế hoạch lái xe trên tuyến đường bằng phẳng thay vì đường đèo hoặc đường núi dốc bằng cách lái xe theo đường vòng để tránh xa khu vực nhiều đồi núi. Bạn nên cố gắng lựa chọn tuyến đường càng bằng phẳng càng tốt.
    • Tránh lái xe trong giờ cao điểm cũng sẽ giúp bạn tránh gặp phải tình trạng giao thông “dừng rồi lại tiến”.
  11. Tìm mua vòng tay chống say tàu xe. Vòng tay chống say tàu xe cung cấp một lực nhẹ nhàng, liên tục vào cánh tay của bạn, cách cổ tay khoảng 2,5 cm. Lực này sẽ giúp bạn xoa dịu cảm giác buồn nôn do say tàu xe. Trong khi loại vòng tay này vẫn chưa được các nhà khoa học kiểm chứng về tính hiệu quả, chúng khá rẻ tiền và không gây tác dụng phụ.[8] Bạn có thể cân nhắc sử dụng vòng tay để kiểm tra xem liệu nó có đem lại hiệu quả cho bạn hay không.[9]
    • Nếu bạn không có sẵn vòng tay chống say tàu xe, bạn có thể áp một lực nhẹ vào cánh tay bạn tại vị trí cách cổ tay khoảng 3 cm (giữa hai sợi gân).
  12. Xem xét sử dụng phương tiện vận chuyển khác. Nhiều người bị say xe cũng phải đối mặt với tình trạng tương tự khi sử dụng các loại phương tiện giao thông khác, chẳng hạn như tàu hỏa, xe buýt, và máy bay. Tuy nhiên, một vài người khác lại chỉ bị say khi đi ô tô. Tàu hỏa, xe buýt và máy bay có thể là phương tiện chuyên chở khả thi hơn. Chúng có thể sẽ là lựa chọn tốt hơn cho bạn bởi vì chúng đem lại chuyến đi êm ái hơn, và thường ít gây khó chịu cho mắt, và cho phép bạn có thể ngồi cao hơn.
    • Tìm kiếm chỗ ngồi ổn định nhất khi sử dụng các loại phương tiện vận chuyển này sẽ khá hữu ích. Bạn nên chắc chắn rằng ghế ngồi của bạn hướng mặt về phía di chuyển của phương tiện (không nên lựa chọn chỗ ngồi xoay lưng về phía đầu xe); ngồi gần hàng ghế đầu của tàu hỏa và xe buýt; lựa chọn chỗ ngồi tại vị trí cánh cửa máy bay. Bạn sẽ ít cảm thấy dằn xóc hơn.[1]
    • Đối với chuyến đi ngắn, đi bộ hoặc đi xe đạp sẽ giúp bạn tránh phải đi ô tô.

Thay đổi Chế độ Ăn uống[sửa]

  1. Tránh thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ và tránh uống rượu bia trước chuyến đi. Thực phẩm nhiều dầu mỡ sẽ khiến cơ thể bạn dễ cảm thấy buồn nôn.[3] Và rượu bia có thể gây nên triệu chứng say xỉn có thể khiến tình trạng say xe trở nên tồi tệ hơn, chẳng hạn như chóng mặt, đau đầu, buồn nôn và toát mồ hôi.[1] Nếu bạn biết rằng bạn sẽ sớm phải di chuyển bằng xe ô tô, bạn nên tránh xa thực phẩm nhiều chất béo và thức uống có chứa cồn để tránh say xe.
  2. Thường xuyên ăn nhẹ. Ăn quá nhiều có thể khiến bạn cảm thấy buồn nôn. Nếu bạn đang đi xe – đặc biệt với chuyến đi dài – bạn nên ăn thức ăn nhẹ, lành mạnh, ít chất béo, khẩu phần ít để bạn có thể dùng chúng thường xuyên hơn. Nếu bạn có thể tìm được thực phẩm ít chất béo nhưng nhiều protein, chúng sẽ rất lý tưởng để ngăn ngừa say xe.[1]
    • Ví dụ, bạn không nên ăn bánh hamburger (bánh mì kẹp thịt) khi đi xe. Thay vào đó, bạn nên ăn salad với gà nướng. Không nên uống sữa lắc (milkshake). Thay vào đó, hãy uống sinh tố sữa chua ít béo và thêm vào một chút bột protein.
  3. Ăn nhẹ với thực phẩm không chứa nhiều gia vị, nhưng nhiều tinh bột khi đi ô tô. Đồ ăn vặt nhạt nhẽo, không có mùi vị có thể giúp bạn giải quyết sự bất ổn trong dạ dày. Thực phẩm chẳng hạn như bánh mì khô, bánh mặn, bánh quy xoắn có thể hấp thụ axit trong dạ dày và khiến nó trở nên ổn định hơn. Chúng cũng là thực phẩm khá tốt để xoa dịu cơn đói mà không gây khó tiêu.[10]
    • Những loại thực phẩm để ăn nhẹ này cũng không nặng mùi, điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn bởi vì thực phẩm nặng mùi và có nhiều hương vị có thể khiến tình trạng say xe của bạn trở nên tồi tệ hơn.[4]
  4. Cung cấp đủ nước cho cơ thể. Mất nước có thể làm trầm trọng hóa triệu chứng say xe. Bạn nên uống nhiều nước trước khi và trong chuyến đi để tránh cảm giác say xe.[11] Mặc dù nước lọc là cách tốt nhất để giúp bạn duy trì lượng nước cho cơ thể, thức uống có hương vị cũng có thể sẽ đem lại sự xao nhãng cho bạn, giúp bạn tránh tập trung vào cảm giác chóng mặt và buồn nôn: bạn có thể uống các loại soda không chứa caffein, chẳng hạn như nước ngọt có ga hương gừng (ginger ale).
    • Thức uống có hàm lượng protein cao đã được chứng minh cũng có thể làm giảm cảm giác buồn nôn.[3]
  5. Ăn nhiều gừng. Gừng đã được chứng minh rằng giúp giảm thiểu tình trạng say tàu xe.[1] Bạn có thể ăn (hoặc uống) gừng dưới nhiều dạng. Trên thị trường có bày bán kẹo mút hương gừng, kẹo ngậm hương gừng, trà gừng, soda gừng, thuốc viên từ gừng, kẹo gừng, và bánh quy gừng.[9] Bất kỳ một loại nào trong số này cũng sẽ giúp dạ dày của bạn ổn định hơn. Bạn chỉ cần nhớ sử dụng thực phẩm được làm từ gừng nguyên chất – chứ không phải là hương liệu nhân tạo.
    • Tham khảo ý kiến của bác sĩ xem liệu bạn có nên sử dụng gừng hay không. Gừng có thể can thiệp với một vài loại thuốc.[9]
  6. Chuẩn bị sẵn kẹo bạc hà và kẹo cao su. Bạc hà cay, chẳng hạn như gừng, là bài thuốc tự nhiên giúp chữa trị buồn nôn. Kẹo cao su và kẹo bạc hà cứng cũng có thể giúp cơ thể sản sinh nhiều nước bọt hơn, và từ đó, trung hòa lượng axit trong dạ dày. Ngoài ra, những loại mùi hương này có thể đóng vai trò như tác nhân gây xao nhãng khi bạn đang tập trung suy nghĩ về triệu chứng của mình.[11] Ngậm kẹo bạc hà hoặc nhai kẹo cao su bạc hà sẽ giúp bạn xoa dịu dạ dày và chuyển hướng tập trung vào một điều gì đó.

Sử dụng Phương pháp Điều trị Y tế[sửa]

  1. Trao đổi với bác sĩ về vấn đề say xe. Hầu hết mọi trường hợp say xe đều có thể được điều trị bằng cách thay đổi lối sống và thông qua nhiều bài thuốc tại nhà. Tuy nhiên, đôi khi, say xe có thể gây ảnh hưởng đến công việc hoặc cuộc sống hằng ngày của bạn. Trong trường hợp này, bạn nên trò chuyện với bác sĩ về phương pháp can thiệp y tế phù hợp, chẳng hạn như sử dụng thuốc thông thường hoặc thuốc kê toa.
    • Bạn cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu bạn (hoặc con của bạn) đang gặp phải triệu chứng khác khi bạn đã bước ra khỏi xe, chẳng hạn như đau đầu nặng, thị giác và thính giác gặp vấn đề, và khó có thể bước đi. Đây có thể là dấu hiệu cho tình trạng bệnh lý nghiêm trọng hơn là say xe thông thường.[5]
    • Tình trạng say xe có thể liên quan đến độ tuổi, sắc tộc, giới tính, yếu tố hormone, bệnh về giác quan, và chứng đau nửa đầu.[2]
  2. Bạn nên uống thuốc kháng histamin 30 – 60 phút trước khi bước vào ô tô. Có rất nhiều loại thuốc thông thường và thuốc kê toa khá hiệu quả trong việc đối phó với tình trạng say xe. Hầu hết các loại thuốc này đều có chứa dimenhydrinate (hay còn gọi là dramamine) hoặc meclizine.[12] Một vài nhãn hiệu phổ biến bao gồm Vomia và Antivert. Nhiều loại thuốc sẽ có dạng miếng dán và có thể đem lại hiệu quả cho bạn bởi khả năng phóng thích thuốc theo thời gian. Thuốc kháng histamin có thể ngăn ngừa cảm giác buồn nôn do say tàu xe bằng cách can thiệp đến bộ phận cảm biến chuyển động trong tai. Để thuốc có thể phát huy tác dụng, bạn nên uống thuốc vào khoảng 30 – 60 phút trước khi bắt đầu chuyến đi.[12]
    • Xem xét tác dụng phụ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào (đặc biệt nếu bạn là người lái xe), và tham khảo ý kiến bác sĩ để đề phòng. Thuốc kháng histamin có thể khiến bạn cảm thấy buồn ngủ và ảnh hưởng đến khả năng sử dụng máy móc của bạn.[12]
  3. Yêu cầu bác sĩ kê toa thuốc scopolamine. Chỉ người trưởng thành mới có thể sử dụng scopolamine – chứ không phải trẻ em.[12] Đây là loại thuốc cần được kê toa và sử dụng như một miếng dán sau tai. Bạn phải dán miếng dán này 4 giờ trước khi bắt đầu chuyến đi. Mặc dù tác dụng phụ của nó có thể khá nặng (mờ mắt và khô môi), đây là loại thuốc vô cùng hiệu quả trong việc đối phó với buồn nôn do say tàu xe.[7] Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để xem liệu loại thuốc này có phù hợp với bạn hay không.

Lời khuyên[sửa]

  • Ngăn ngừa say xe ở trẻ em bằng cách cho trẻ ngồi ghế cao để trẻ có thể trông thấy rõ cảnh vật bên ngoài, và chơi trò chơi khuyến khích trẻ nhìn ra ngoài. Không nên để trẻ xem phim trong xe, vì hành động này có thể kích hoạt tình trạng say xe.
  • Những người mắc bệnh đau nửa đầu, phụ nữ mang thai, và trẻ nhỏ từ 2 – 12 tuổi thường dễ bị say xe. Trong nhiều trường hợp, say xe chỉ là tình trạng tạm thời và dần dần sẽ thuyên giảm.
  • Hình thành nhiều tác nhân xao nhãng trong xe, nhưng bạn nên bảo đảm rằng chúng sẽ không yêu cầu bạn phải đọc sách hoặc nhìn vào màn hình. Thay vào đó, bạn nên chuẩn bị sẵn các loại nhạc vui, sách nói, hoặc trò chơi an toàn trong ô tô mà bạn có thể cùng chơi với bạn bè.
  • Giữ cho môi trường trong xe luôn mát mẻ và thoáng khí.
  • Bạn nên chắc chắn rằng ô tô của bạn có lốp xe và hệ thống chống sốc mới nhất: bạn sẽ muốn chuyến đi của bạn càng êm ái càng tốt.
  • Ngừng xe giữa chừng và đi dạo trong khoảng 1 phút. Tình trạng say xe của bạn sẽ thuyên giảm một khi bạn bước đi trên mặt đất.
  • Nếu bạn thường gặp phải tình trạng say xe, bạn nên chuẩn bị sẵn túi nôn, phòng trường hợp bạn không thể ngừng xe kịp lúc.
  • Nhai kẹo cao su. Thay đổi bằng mẩu kẹo cao su khác khi kẹo trở nên nhạt nhẽo, vì kẹo cao su không còn hương vị sẽ khiến tình trạng say xe trở nên tồi tệ hơn.

Cảnh báo[sửa]

  • Các bác sĩ từng nghĩ rằng di chuyển bằng xe ô tô khi chưa ăn uống có thể giúp xoa dịu tình trạng say xe. Hiện tại, chúng ta biết rằng điều này không đúng: bạn hoàn toàn có thể ăn uống nhưng không nên ăn quá nhiều hoặc quá no. Ăn nhẹ hoặc ăn đồ ăn vặt là tốt nhất.
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ một loại thuốc hoặc bài thuốc tự nhiên nào để đối phó với tình trạng say tàu xe. Thuốc kháng histamin, gừng, và bạc hà có thể sẽ không tốt đối với một số người: luôn nhớ trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ một bài thuốc nào.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây