Chữa chứng khó tiêu

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Với tên khoa học Dyspepsia, chứng khó tiêu là một loạt triệu chứng ở vùng bụng trên, bao gồm đau, buồn nôn, đầy bụng hay cảm giác no sau một bữa ăn nhẹ. [1]

Các bước[sửa]

Đối phó với triệu chứng khó tiêu[sửa]

  1. Ghi chép nhật ký thực phẩm mỗi ngày. Nên ghi lại những món bạn đã ăn và lưu ý xem có gặp triệu chứng khó tiêu sau đó không. [2] Có thể mất đến 72 tiếng thì một số thực phẩm hoặc thức uống mới gây ra tình trạng khó tiêu. Do đó, ghi chép nhật ký thực phẩm đều đặn hàng ngày sẽ giúp bạn xác định nguyên nhân. Phòng ngừa chứng khó tiêu bằng cách tránh những tình huống hoặc thực phẩm gây khó tiêu. [3]
    • Thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ thường gây khó tiêu.[1]
    • Thực phẩm chứa nhiều axit như hoa quả họ Cam và cà chua có thể góp phần gây chậm tiêu.[4]
    • Nếu nhận thấy món ăn nào đó gây khó chịu, bạn nên ngừng hoặc hạn chế tiêu thụ.
    • Có thể tải các ứng dụng về điện thoại để tiện theo dõi và ghi chép nhật ký thực phẩm.
  2. Thay đổi thói quen ăn uống. Ăn quá nhiều hoặc quá nhanh có thể gây khó tiêu. Vì vậy, bạn nên ăn thật chậm rãi và ăn thành nhiều bữa nhỏ mỗi ngày. [5] Ngoài ra, bạn nên:
    • Nhai thức ăn chậm và kỹ trước khi nuốt.
    • Không mở miệng và nói chuyện khi nhai và trước khi nuốt.
    • Tránh nuốt phải không khí. Điều này có thể xảy ra khi bạn uống ngụm nước quá lớn hoặc nói chuyện khi ăn.
    • Dành đủ thời gian cho bữa ăn.
    • Tránh tập thể dục ngay sau bữa ăn.
    • Tránh uống khi ăn. Nên uống nước 20 phút trước hoặc sau bữa ăn. Nếu muốn, bạn có thể nhấp một ngụm nước mát trong bữa ăn.
  3. Thay đổi lối sống. Hút thuốc lá và uống thức uống chứa caffeine thường dẫn đến chứng khó tiêu. Vì vậy, bạn nên loại bỏ những sản phẩm này để duy trì lối sống lành mạnh.[1]
    • Hút thuốc có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày gây đau bụng.
    • Thức uống có ga có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày gây đau bụng. [6]
    • Trao đổi với bác sĩ về triệu chứng gặp phải để biết nên điều chỉnh những lối sống nào để chữa khó tiêu.[6]
  4. Thay đổi thói quen ngủ nghỉ. Không nằm khi bị khó tiêu vì như vậy sẽ khiến triệu chứng trở nặng. Tốt nhất không nên đi ngủ khi triệu chứng chưa biến mất.
    • Nếu có thể, nên đi ngủ sau bữa ăn ít nhất 3 tiếng.
    • Không nằm dựa ngửa trên ghế ngay sau bữa ăn.
    • Đặt gạch dưới chân giường, ngay phần đầu giường để nâng cao đầu và vai. Hoặc bạn có thể dùng vật xốp hoặc vài chiếc gối để kê đầu nếu không thể nâng giường lên. [7]
  5. Giảm stress. Nên tránh stress và lo lắng vì chúng có thể gây khó tiêu. Bạn nên tìm cách giảm áp lực trong công việc và khi ở nhà để làm giảm triệu chứng khó tiêu.[8]
    • Tránh tình huống gây tranh cãi trong bữa ăn.
    • Ngủ đủ giấc vào buổi tối.
    • Nên thử các hoạt động như tập Yoga, tập thiền và tập thể dục đều đặn. [9]
    • Tham gia các hoạt động thư giãn sẽ giúp bạn giảm stress.
  6. Uống thuốc kháng axit. Sử dụng thuốc kháng axit có thể giúp thay đổi nồng độ axit dạ dày gây khó tiêu. Thuốc kháng axit dạng lỏng hoạt động nhanh hơn, còn dạng viên nén dễ mang theo bên người hơn. Thuốc kháng axit có thể ảnh hưởng đến các thuốc chữa bệnh khác, do đó không nên uống cùng lúc. Nếu lo lắng, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ.[10]
    • Hầu hết thuốc kháng axit đều có thể mua ở dạng không kê đơn, nhưng chúng có thể gây nhiều tác dụng phụ khác nhau.
    • Nên uống thuốc kháng axit khoảng 1 tiếng sau khi ăn hoặc khi có dấu hiệu ợ nóng.
    • Không uống thuốc kháng axit trong thời gian dài vì sẽ gây thiếu hụt vitamin B12. Điều này đặc biệt đúng với thuốc "ức chế bơm proton" như Prilosec và Prevacid. [11] Nên đi khám bác sĩ nếu triệu chứng khó tiêu kéo dài hơn 2 tuần.[12]
    • Nên biết rằng có một số bằng chứng cho thấy giảm axit dạ dày có thể khiến triệu chứng khó tiêu trở nặng ở một số bệnh nhân. Những nghiên cứu đang tiến hành cũng cho rằng giảm axit dạ dày là tác nhân góp phần khiến vi khuẩn trong dạ dày và ruột non phát triển quá mức. Nếu triệu chứng khó tiêu trở nặng, bạn nên ngừng uống thuốc kháng axit và đi khám bác sĩ.

Tiếp nhận chăm sóc y tế[sửa]

  1. Loại bỏ chứng ợ nóng. Ợ nóng, hay còn gọi là trào ngược axit, khác với chứng khó tiêu (mặc dù thường xảy ra cùng nhau) và cần được điều trị bằng cách khác. Ợ nóng xảy ra khi axit trong dạ dày trào lên thực quản. Đây là tình trạng thường gặp ở phụ nữ mang thai và người lớn tuổi. Triệu chứng ợ nóng gồm có: [13]
    • Cảm giác bỏng rát sau xương ức hoặc cổ họng.
    • Vị axit chua và đắng sau cổ họng.
  2. Kiểm tra tủ thuốc. Tránh dùng thuốc kháng sinh, aspirin và thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) không kê đơn như Ibuprofen (Advil) hay Naproxen (Aleve) vì những thuốc này có thể gây khó tiêu.[14] Dùng estrogen và thuốc tránh thai cũng có thể gây chứng khó tiêu. [15]
    • Nếu có thể, nên tránh dùng các thuốc này hoặc trao đổi với bác sĩ về cách đối phó với tác dụng phụ của thuốc.
    • Nên uống thuốc chữa bệnh sau khi ăn để giảm tác dụng phụ.[1]
    • Những thuốc khác có thể gây khó tiêu gồm có steroid (ví dụ như prednisone), kháng sinh (ví dụ tetracycline, erythromycin), thuốc chữa bệnh tuyến giáp, thuốc hạ huyết, thuốc hạ cholesterol (statin) và codeine.[15]
  3. Loại bỏ các bệnh đường tiêu hóa. Nên hỏi bác sĩ để biết liệu bản thân có mắc bệnh dẫn đến triệu chứng khó tiêu không. Ngoài ra, nên trao đổi với bác sĩ về tình trạng bệnh vì phương pháp điều trị cũng rất đa dạng. Nên biết rằng những bệnh sau có thể gây ra chứng khó tiêu. [1]
    • Bệnh Celiac
    • Loét dạ dày
    • Ung thư dạ dày
    • Sỏi mật
    • Vi khuẩn phát triển quá mức trong ruột non
  4. Liên hệ với bác sĩ. Chứng khó tiêu nghiêm trọng có thể là dấu hiệu của bệnh lý nghiêm trọng tiềm ẩn. Vì vậy, bạn nên mô tả triệu chứng càng chính xác càng tốt. Triệu chứng đau bụng không sẽ không đủ để bác sĩ chẩn đoán đúng bệnh. Nên đi khám bác sĩ nếu có triệu chứng sau:[12]
    • Khó tiêu kéo dài hơn 2 tuần và không cải thiện sau khi điều trị tại nhà
    • Sụt cân đáng kể
    • Buồn nôn hoặc nôn mửa tái phát
    • Phân có màu tối, có màu hoặc cứng
    • Triệu chứng thiếu máu, ví dụ như mệt mỏi kéo dài.
    • Dùng thuốc kháng axit trong thời gian dài để chữa khó tiêu.
  5. Tiến hành xét nghiệm máu. Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu để kiểm tra nhiều tình trạng bệnh khác nhau.[16] Xét nghiệm máu sẽ giúp bác sĩ kiểm tra chức năng tuyến giáp và loại trừ những rối loạn khả năng trao đổi chất.
    • Bác sĩ cũng có thể xét nghiệm máu để chẩn đoán bệnh Celiac, tình trạng viêm gây triệu chứng như khó tiêu.[17]
    • Xét nghiệm máu cũng có thể dùng để chẩn đoán chứng thiếu máu, dấu hiệu mắc bệnh Crohn - bệnh viêm ruột có thể gây triệu chứng về đường tiêu hóa nghiêm trọng, bao gồm chứng khó tiêu.[18]
  6. Tiến hành xét nghiệm phân. Xét nghiệm phân giúp bác sĩ phát hiện viêm nhiễm. [19] Một loại nhiễm khuẩn phổ biến - Helicobacter pylori - có thể gây triệu chứng khó tiêu và gây viêm loét dạ dày.[20][16]
    • Xét nghiệm phân có thể giúp tiết lộ tình trạng mất cân bằng hệ khuẩn đường tiêu hóa gây ra vấn đề như khó tiêu. Tình trạng này có thể xảy ra do sử dụng kháng sinh và không thể duy trì cân bằng hệ khuẩn đường khuẩn. [21][22]
    • Bác sĩ có thể xét nghiệm phân để tìm kí sinh trùng Giardia lamblia - một loại kí sinh trùng phổ biến gây khó tiêu. [19][23] Nếu trong phân có Giardia lamblia, bác sĩ có thể kê đơn thuốc Metronidazole (Flagyl) hoặc Tinidazole. [24]
  7. Cân nhắc tiếp nhận nội soi đại tràng để xét nghiệm bệnh Crohn. Nếu kết quả xét nghiệm máu cho thấy bạn có thể mắc bệnh Crohn, bác sĩ sẽ yêu cầu tiến hành nội soi. Trong quá trình nội soi, bác sĩ sẽ dùng một ống soi và camera nhỏ, dễ điều chỉnh quan sát bên trong ruột già.[18]
  8. Yêu cầu bác sĩ giới thiệu đến chuyên gia sức khỏe hệ tiêu hóa. Nếu nhận thấy có dấu hiệu của vấn đề nghiêm trọng hơn, hoặc thuốc kháng axit và các thuốc khác không hiệu quả trong điều trị chứng khó tiêu, bạn có thể cân nhắc việc đi khám chuyên gia sức khỏe đường tiêu hóa. Đây là những bác sĩ chuyên điều trị bệnh ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.[25]

Cân nhắc phép điều trị thay thế[sửa]

  1. Hỏi bác sĩ về các phương pháp điều trị thay thế. Phép điều trị thay thế được tin rằng sẽ giúp làm dịu hoặc giảm ảnh hưởng của chứng khó tiêu. Người bệnh nên điều trị bằng những phương pháp này kết hợp với chỉ dẫn của bác sĩ. [26]
    • Nhiều phép điều trị thay thế chưa được chứng minh về mặt lâm sàng và có thể gây phản ứng tiêu cực với thuốc kê đơn hoặc thuốc chữa bệnh.
    • Luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi muốn điều trị bằng nguyên liệu tại nhà để tránh biến chứng bệnh lý.
  2. Thử dùng viên bạc hà ruột tráng. Nên trao đổi với bác sĩ trước khi dùng bạc hà. Bạc hà có thể giúp làm dịu chứng khó tiêu bằng cách làm dịu cơ dạ dày và cải thiện lưu thông mật. Tuy nhiên, bạc hà cũng có thể làm giãn cơ vòng giữa thực quản và dạ dày, khiến tình trạng trào ngược axit trở nặng. Sử dụng viên bạc hà ruột tráng thay cho trà bạc hà có thể giúp tránh làm giãn cơ vòng.
  3. Sử dụng trà hoa cúc. Hoa cúc đã và đang được sử dụng để điều trị chứng khó tiêu và các bệnh dạ dày khác. [27] Mặc dù chưa đủ bằng chứng cho thấy hoa cúc giúp chữa khỏi chứng khó tiêu nhưng nó sẽ giúp giảm triệu chứng bệnh ở một số đối tượng.[28][29]
    • Có thể pha trà hoa cúc bằng cách ủ 2-3 thìa cà phê hoa cúc khô trong 1 cốc nước sôi. Ủ 10 phút rồi chắt lấy nước. Có thể uống trà hoa cúc 3-4 lần mỗi ngày, giữa các bữa ăn.[27]
    • Người bị dị ứng với hoa cúc hoặc cỏ phấn hương có thể gặp phản ứng dị ứng với hoa cúc. Hoa cúc cũng có chức năng như estrogen trong cơ thể, vì vậy phụ nữ có tiền sử ung thư do nhạy cảm nội tiết tố nên cẩn trọng khi dùng hoa cúc. Nên trao đổi với bác sĩ trước khi dùng hoa cúc. [27]
  4. Thử dùng chiết xuất lá Atiso. Cơ chế hoạt động của chiết xuất lá Atiso là kích thích lưu lượng mật để cải thiện tiêu hóa.[26] Bạn có thể mua các sản phẩm thực phẩm chức năng từ chiết xuất lá Atiso. Uống hai viên nang nén 320 mg, hai lần mỗi ngày. [30]
    • Chiết xuất lá Atiso có thể gây đầy hơi hoặc dị ứng ở một số trường hợp. Người dị ứng với hoa cúc, cúc Vạn thọ hoặc cỏ phấn hương có nguy cơ gặp phản ứng dị ứng cao hơn.[31]
  5. Thử dùng Iberogast (STW5). Iberogast là sản phẩm từ nhiều loại thảo dược kết hợp tương đối an toàn trong điều trị chứng khó tiêu.[32][33] Sản phẩm là sự pha trộn độc đáo từ chiết xuất của bạc hà, cam thảo, hoa cúc, kế sữa, cây thập tự đắng, cây Carum, cây Celandine (cây dại có hoa vàng), rễ đương quy và lá tía tô.[32]
  6. Kết hợp liệu pháp thư giãn. Căng thẳng có thể kích thích gây ra chứng khó tiêu. Giải tỏa stress trong cuộc sống có thể giúp ngăn ngừa hoặc giảm ảnh hưởng của chứng khó tiêu.[34]
    • Hỏi bác sĩ về các liệu pháp thư giãn.
    • Áp dụng phương pháp Thư giãn Động, Căng - Chùng cơ.
    • Liệu pháp hình ảnh theo hướng dẫn cũng có thể giúp ích.
  7. Bổ sung probiotic. Probiotic kích thích sự phát triển của lợi khuẩn khỏe mạnh trong hệ tiêu hóa. Thuốc chữa bệnh, bệnh tật và các yếu tố khác có thể gây mất cân bằng hệ khuẩn trong dạ dày và ruột. Bổ sung probiotic giúp khôi phục lại sự cân bằng, từ đó góp phần chữa chứng khó tiêu. Có nhiều chủng probiotic khác nhau với nhiều lợi ích khác nhau. Do đó, bạn nên trao đổi với bác sĩ để biết nên bổ sung chủng probiotic phù hợp.

Lời khuyên[sửa]

  • Các nghiên cứu giới hạn cho rằng châm cứu có thể giúp giảm chứng khó tiêu mãn tính.[35][36] Vì vậy, bạn có thể đặt lịch gặp chuyên gia châm cứu để xem liệu phương pháp này có hữu ích không. [26]
  • Hỏi bác sĩ xem liệu phép châm cứu có phù hợp với tình trạng của bạn không. Một số đối tượng, ví dụ như người bị rối loạn chảy máu hoặc người có vấn đề tim mạch, có thể phản ứng tiêu cực với phương pháp châm cứu. [37] Luôn nhớ phải tìm đến chuyên gia châm cứu có kinh nghiệm và được cấp phép hành nghề.[38]

Cảnh báo[sửa]

  • Cơn đau ngực lan đến cổ và cánh tay, hoặc cơn đau trở nặng khi bị stress, có thể là dấu hiệu của trường hợp khẩn cấp. Lúc này, bạn cần tiếp nhận chăm sóc y tế khẩn cấp.
  • Khó thở hoặc toát mồ hôi đi kèm với đau ngực có thể là dấu hiệu của tình trạng khẩn cấp. Do đó, bạn nên gọi cấp cứu ngay nếu gặp triệu chứng này. [12]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 1,2 1,3 1,4 http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/003260.htm
  2. http://my.clevelandclinic.org/health/healthy_living/getting_fit/hic_Maintaining_a_Healthy_Weight/hic_Keep_a_Food_Journal
  3. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/indigestion/basics/lifestyle-home-remedies/con-20034440
  4. http://www.webmd.com/heartburn-gerd/indigestion?page=3
  5. http://www.niddk.nih.gov/health-information/health-topics/digestive-diseases/indigestion/Pages/facts.aspx#treatment
  6. 6,0 6,1 http://www.medicalnewstoday.com/articles/163484.php
  7. http://www.nhs.uk/Conditions/Indigestion/Pages/Treatment.aspx
  8. https://www.med.unc.edu/ibs/files/educational-gi-handouts/Stress%20and%20the%20Gut.pdf
  9. http://www.helpguide.org/articles/stress/relaxation-techniques-for-stress-relief.htm
  10. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/patientinstructions/000198.htm
  11. http://jama.jamanetwork.com/article.aspx?articleid=1788456
  12. 12,0 12,1 12,2 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/indigestion/basics/symptoms/con-20034440
  13. http://patients.gi.org/topics/acid-reflux/
  14. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/indigestion/basics/treatment/con-20034440
  15. 15,0 15,1 http://www.emedicinehealth.com/indigestion/page2_em.htm#indigestion_causes
  16. 16,0 16,1 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/indigestion/basics/tests-diagnosis/con-20034440
  17. http://www.niddk.nih.gov/health-information/health-topics/digestive-diseases/celiac-disease/Pages/facts.aspx#diagnosis
  18. 18,0 18,1 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/crohns-disease/basics/tests-diagnosis/con-20032061
  19. 19,0 19,1 http://www.medicinenet.com/dyspepsia/page6.htm
  20. http://www.nhs.uk/Conditions/Indigestion/Pages/Diagnosis.aspx
  21. http://www.bcbsnc.com/assets/services/public/pdfs/medicalpolicy/fecal_analysis_for_intestinal_dysbiosis.pdf
  22. http://www.microbecolhealthdis.net/index.php/mehd/article/view/26191
  23. http://www.medicinenet.com/giardia_lamblia/article.htm
  24. http://www.medicinenet.com/giardia_lamblia/page3.htm#how_is_giardiasis_treated
  25. http://patients.gi.org/topics/dyspepsia/
  26. 26,0 26,1 26,2 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/indigestion/basics/alternative-medicine/con-20034440
  27. 27,0 27,1 27,2 http://umm.edu/health/medical/altmed/herb/german-chamomile
  28. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/druginfo/natural/752.html
  29. https://nccih.nih.gov/health/chamomile/ataglance.htm
  30. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/14653829
  31. http://www.webmd.com/vitamins-supplements/ingredientmono-842-artichoke.aspx?activeingredientid=842&activeingredientname=artichoke
  32. 32,0 32,1 http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3580135/
  33. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/15606389
  34. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gerd/basics/alternative-medicine/con-20025201
  35. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/24322192
  36. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/23072088
  37. http://www.mayoclinic.org/tests-procedures/acupuncture/basics/risks/prc-20020778
  38. http://www.nccaom.org/regulatory-affairs/state-licensure-map

Liên kết đến đây