Chữa co thắt dạ dày

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Cơn đau do thắt dạ dày thường rất dữ dội nhưng có thể giảm đau được bằng cách điều trị nguyên nhân tiềm ẩn. Bài viết này sẽ đưa ra cho bạn lời khuyên về cách điều trị nhiều loại co thắt dạ dày khác nhau.

Các bước[sửa]

Điều trị ợ nóng/khó tiêu[sửa]

  1. Chú ý dấu hiệu ợ nóng và/hoặc khó tiêu. Mặc dù khác nhau nhưng khó tiêu có thể dẫn đến ợ nóng. Khó tiêu là cảm giác khó chịu nhẹ ở phần trên của bụng, thường đi kèm cảm giác đầy bụng.[1] Mặt khác, ợ nóng là cảm giác bỏng rát, đau đớn ở ngay dưới hoặc sau xương ngực.[2] Nguyên nhân là do “trào ngược” axit dạ dày và thức ăn vào thực quản (ống cơ dẫn đến dạ dày).
    • Các dấu hiệu khác của chứng ợ nóng hoặc khó tiêu bao gồm cảm giác đầy bụng, khó chịu sau khi ăn và/hoặc cảm giác bỏng rát dưới xương ngực, thường là sau khi ăn.
  2. Thay đổi lối sống. Thay đổi lối sống có thể giúp phòng ngừa và chữa chúng ợ nóng, khó tiêu. Bạn nên thay đổi và tập những thói quen tốt như: [1][2]
    • Giảm tiêu thụ đồ uống chứa cồn và caffeine
    • Ăn ít đồ cay, béo ngậy và nhiều dầu mỡ
    • Ăn nhiều bữa nhỏ, đều đặn thay vì ăn bữa lớn
    • Ăn chậm và không ăn trước giờ đi ngủ
    • Nâng cao đầu khi ngủ nếu bị ợ nóng vào buổi tối
    • Giảm mức độ căng thẳng
    • Tập thể dục thường xuyên
    • Bỏ thuốc lá
    • Giảm cân nếu thừa cân
    • Tránh dùng thuốc Aspirin hay thuốc kháng viêm không steroid (NSAID). Nếu phải uống thuốc, bạn nên uống khi ăn.
  3. Uống thuốc kháng axit. Thuốc kháng axit không kê đơn hay thuốc chặn axit có thể giúp giảm ợ nóng và khó tiêu. Có nhiều dạng thuốc kháng axit khác nhau trên thị trường, bao gồm:[1][2]
    • Thuốc kháng axit, ví dụ như TUMS, có thể giúp giảm ợ nóng và khó tiêu trong thời gian ngắn. Thuốc giúp trung hòa axit trong dạ dày.
    • Thuốc chặn H2, ví dụ như Zantac hoặc Pepcid, ngăn chặn quá trình sản sinh axit dạ dày và có tác dụng kéo dài vài tiếng.
    • Thuốc ức chế bơm Proton (PPI), bao gồm Prilosec và Omeprazole, cũng ngăn chặn sản sinh axit dạ dày và giúp giảm triệu chứng cũng như giảm tần suất của chứng ợ nóng. Thuốc PPI có thể dùng lâu dài.
    • Một số thuốc kháng axit có thể gây tác dụng phụ như táo bón hoặc tiêu chảy. Vì vậy, nên trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ để chọn ra loại thuốc tốt nhất.
  4. Thử dùng nguyên liệu thảo mộc/tự nhiên. Nếu muốn, bạn có thể dùng nguyên liệu thảo mộc để thay thế thuốc điều trị chứng ợ nóng hoặc khó tiêu. Một số nguyên liệu thảo mộc bao gồm:
    • Cúc La Mã: Một số bằng chứng cho thấy cúc La Mã kết hợp với các thảo mộc khác có thể tốt cho người bị đau bụng. [3] Lưu ý không dùng cúc La Mã khi đang uống thuốc chống đông máu để tránh tương tác thuốc.
    • Tinh dầu bạc hà: Viên nang tinh dầu bạc hà tráng ruột có thể dùng cho trường hợp mắc hội chứng ruột kích thích. Một số nghiên cứu cho thấy tinh dầu bạc hà cùng với tinh dầu thìa là có thể giúp giảm chứng khó tiêu.[4]
    • Cam thảo khử glycyrrhizin (DGL): Trong các nghiên cứu sơ bộ, rễ cam thảo được chứng minh là giúp ích trong trường hợp khó tiêu và ợ nóng. Tuy nhiên, rễ cam thảo có thể làm tăng huyết áp. [5]

Điều trị đầy hơi[sửa]

  1. Xác định tình trạng đầy hơi. Thông thường, đầy hơi có thể gây đau bụng và cảm giác chướng bụng. Dấu hiệu đầy hơi gồm có ợ hơi thường xuyên, ợ và đầy bụng. Đầy hơi cũng có thể gây co thắt bụng cũng như cảm giác căng cứng ở bụng.[6]
  2. Thay đổi lối sống. Thay đổi lối sống có thể giúp chữa và phòng ngừa đầy hơi. Bạn nên thay đổi và tập những thói quen tốt như:[6][7]
    • Uống nhiều nước lọc và hạn chế uống nước có ga
    • Tránh tiêu thụ các loại rau củ gây đầy hơi như đậu, bông cải xanh và bắp cải
    • Tránh thức ăn nhiều chất béo
    • Ăn chậm và tránh nuốt phải không khí
  3. Xác định tình trạng không dung nạp thực phẩm. Bạn nên cắt giảm một số loại thực phẩm để xem liệu tình trạng không dung nạp những thực phẩm này có phải là nguyên nhân không. Ví dụ, sữa và chế phẩm từ sữa động vật có thể gây co thắt và đau bụng ở người không dung nạp lactose. [8]
  4. Uống thuốc không kê đơn. Thuốc không kê đơn chứa simethicone có thể giúp bạn ợ và đẩy hơi ra ngoài. Men tiêu hóa cũng có thể hữu ích nếu bạn mắc chứng không dung nạp lactose. Thuốc hỗ trợ tiêu hóa như Beano có thể giúp tiêu hóa đậu và rau củ.[9]

Điều trị táo bón[sửa]

  1. Quan sát xem liệu táo bón có phải là một triệu chứng khác không. Táo bón cũng có thể gây đau bụng. Dấu hiệu táo bón gồm có đi tiêu ít hơn 3 lần mỗi tuần, khó đi tiêu, phân cứng và khô.[10]
  2. Thay đổi lối sống. Thay đổi lối sống có thể giúp chữa và phòng ngừa táo bón. Bạn nên thay đổi và tập những thói quen tốt như:[11][10]
    • Tăng cường chất xơ trong chế độ ăn. Rau củ quả và ngũ cốc nguyên hạt rất giàu chất xơ.
    • Uống nhiều nước (ít nhất 8-13 cốc nước mỗi ngày).
    • Tập thể dục thường xuyên.
  3. Uống thuốc hiệu quả. Có nhiều loại thuốc nhuận tràng không kê đơn và thực phẩm chức năng bổ sung chất xơ. Tuy nhiên, một số thuốc nhuận tràng có thể gây tác dụng phụ. Bạn nên chọn loại thuốc thích hợp để chữa táo bón. Lưu ý không dùng thuốc nhuận tràng trong thời gian dài. [12]
    • Sản phẩm bôi trơn, ví dụ như dầu khoáng, giúp phân di chuyển ra ngoài dễ hơn.
    • Thuốc mềm phân, ví dụ như Docusate, giúp làm mềm phân. Thuốc phù hợp cho bệnh nhân đang uống thuốc gây táo bón.
    • Sản phẩm nhuận tràng giúp đặc phân, bao gồm vỏ hạt mã đề, giúp phân đặc lại.
    • Thuốc nhuận tràng kích thích, ví dụ như Bisacodyl, làm co thắt thành ruột, giúp đẩy phân ra ngoài. Tuy nhiên, dùng thuốc nhuận tràng kích thích trong thời gian dài có thể gây tổn thương thành ruột.
    • Thuốc nhuận tràng thẩm thấu, ví dụ như thuốc nhuận tràng Saline (muối) hoặc polyethylene glycol, khiến nước bị hút vào đường tiêu hóa, giúp phân dễ di chuyển hơn. Các thuốc này có thể gây mất cân bằng điện giải.
    • Thực phẩm chức năng bổ sung chất xơ, ví dụ như Metamucil, giúp hấp thụ nước và duy trì đi tiêu đều đặn.
  4. Thử dùng nguyên liệu thảo mộc. Nguyên liệu thảo mộc thay thế thuốc có thể giúp chữa táo bón, trong đó hạt lanh là nguyên liệu phổ biến nhất. Hạt lanh chứa chất xơ hòa tan có thể giúp giảm táo bón. [13]

Điều trị đau bụng kinh[sửa]

  1. Tìm mối tương quan giữa tình trạng co thắt bụng với chu kỳ kinh nguyệt. Đau bụng kinh ở vùng bụng dưới thường xuất hiện ở nữ giới ngay trước và/hoặc trong kỳ kinh nguyệt. Đôi khi, cơn đau bụng kinh có thể nghiêm trọng và là dấu hiệu u xơ tử cung.
  2. Thay đổi lối sống. Những thay đổi trong lối sống như tập thể dục, kiểm soát căng thẳng, tránh hút thuốc lá và đồ uống chứa cồn, có thể giúp giảm đau bụng kinh. Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy thực phẩm chức năng bổ sung vitamin E, axit béo omega-3, vitamin B1 (thiamine), vitamin B6 và magie cũng có thể giúp giảm đau bụng kinh.[14]
  3. Uống thuốc. Uống thuốc giảm đau như Ibuproben với liều thông thường ngay trước ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt có thể giúp giảm đau bụng kinh. Bạn có thể uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ 2-3 ngày sau hoặc đến khi triệu chứng không còn. Nếu cơn đau dữ dội, bác sĩ có thể kê đơn thuốc ngừa thai để giảm mức độ nghiêm trọng của cơn đau.[14]
  4. Thử dùng liệu pháp tự nhiên. Một số bằng chứng cho thấy châm cứu (đưa kim mỏng vào các huyệt chiến lược trong da) có thể giúp giảm đau bụng kinh. Ngoài ra, một số thảo mộc như thìa là cũng có thể giúp giảm đau bụng trong kỳ kinh nguyệt. [15]

Điều trị cúm dạ dày do vi-rút[sửa]

  1. Quan sát các triệu chứng giống cảm cúm khác. Viêm dạ dày ruột hay “vi-rút dạ dày” có thể gây đau bụng dữ dội, đi kèm với triệu chứng buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy và sốt.[16]
  2. Cung cấp đủ nước. Mất nước là vấn đề thường gặp ở người bị viêm dạ dày ruột. Vì vậy, bạn cần uống nhiều nước lọc và các thức uống uống thể thao pha loãng (thức uống chưa pha loãng có thể chứa nhiều đường). Uống nhiều ngụm nhỏ suốt cả ngày.[17]
    • Dấu hiệu mất nước gồm có nước tiểu đậm màu, chóng mặt, co cơ, mệt mỏi và khô miệng. Tiếp nhận chăm sóc y tế ngay nếu không duy trì lượng nước cần thiết. [17]
  3. Để dạ dày nghỉ ngơi. Khi bị viêm dạ dày ruột, bên cạnh tình trạng co thắt bụng, bạn có thể bị buồn nôn và nôn mửa. Trong trường hợp đó, bạn cần để dạ dày nghỉ ngơi rồi dần bắt đầu ăn thức ăn nhạt, dễ tiêu hóa. Những món ăn như bánh quy, bánh mì, chuối, cơm thường dễ tiêu hóa. Tránh ăn thức ăn cay, nhiều dầu mỡ, chế phẩm từ sữa động vật, caffeine và thức uống chứa cồn trong vài ngày. [17]
  4. Nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi là bước rất quan trọng để có thể hồi phục nhanh chóng. Nghỉ ngơi giúp tăng cường hệ miễn dịch, nhờ đó rút ngắn thời gian của triệu chứng bệnh.
  5. Rửa tay thường xuyên. Nếu trong gia đình hoặc ở cơ quan có người bị “cúm dạ dày do vi-rút”, bạn nên rửa tay thường xuyên để tránh lây bệnh.

Áp dụng các phương pháp khác để giảm cảm giác khó chịu[sửa]

  1. Áp dụng kỹ thuật thở. Thở là phương pháp giúp bạn thư giãn và không còn chú ý đến cơn đau do co thắt. Bạn có thể tập kỹ thuật thở trong khi làm một việc gì đó thu hút sự chú ý như xem tivi.
    • Tập trung vào nhịp thở. Tốc độ thở nhanh và thở nông theo nhịp 1-2 (hít vào nhanh, thở ra nhanh).
  2. Tránh một số loại thức uống. Thức uống chứa cồn, caffeine hoặc thức uống có ga có thể góp phần gây đau bụng.[18] Bạn nên uống nước lọc hoặc nước trong.[19]
  3. Tập thể dục để xoa dịu cơn co thắt. Bạn có thể đi bộ quanh nhà hoặc dạo trong vườn. Cách này rất có ích nếu bạn thấy khó chịu khi ngồi hoặc nằm.
    • Tốt nhất nên tránh các bài tập vùng bụng để tránh cảm giác khó chịu, đặc biệt là nếu cơn co thắt bụng là do việc tập thể dục quá sức. Bạn nên tự biết giới hạn chịu đựng của bản thân.
  4. Thử tập Yoga. Một số bằng chứng cho rằng Yoga có thể giúp giảm các vấn đề ở dạ dày như hội chứng ruột kích thích.[20] Nếu đã tập quen, bạn có thể thử tập các tư thế giúp mở rộng vùng bụng. Tùy thuộc vào vị trí xuất hiện cơn co thắt mà bạn có thể tập tư thế Fish Pose (tư thế con cá) hoặc tư thế Reclining Hero. Tư thế Downward Facing Dog cũng rất hữu ích.
    • Nếu bị co thắt ở cơ, bạn nên tập cơ bụng vào lúc khác và chỉ nên giãn cơ bằng tư thế Cobra Pose (tư thế rắn hổ mang). Bất kỳ tư thế nào khiến bạn phải ngửa mặt lên, nhìn về phía trước hoặc ngửa mặt lên trời đều có thể gây căng nhẹ vùng bụng.
  5. Chườm nhiệt. Đặt miếng gạc nóng, túi lúa mì nóng hoặc chai nước nóng lên bụng có thể giúp giảm co thắt tạm thời. Mặt khác, vẫn còn nhiều tranh cãi quanh việc có thể chườm gạc nóng lên bụng khi đi kèm triệu chứng buồn nôn không.[21] Bạn có thể tự thử nghiệm và xem phản ứng của cơ thể khi chườm nhiệt để tìm ra cách phù hợp nhất.
  6. Đẩy hơi ra ngoài. Bạn nên tạo cơ hội để đẩy hơi ra ngoài. Nếu ở nơi làm việc hoặc nơi không thể xì hơi, bạn có thể xin phép vào nhà vệ sinh. Không nên nhịn xì hơi để tránh gây chướng bụng và khiến cơn co thắt trở nên nghiêm trọng và đau đớn hơn.
  7. Ngâm mình trong bồn nước ấm. Ngâm bồn nước ấm cũng giúp ích trong một số trường hợp bị co thắt.[18] Lưu ý nên chỉnh nhiệt độ vừa phải, không ngâm mình trong nước quá nóng.

Đi khám bác sĩ[sửa]

  1. Biết thời điểm cần tiếp nhận sự chăm sóc tức thời. Bạn cần biết khi nào nên đi khám bác sĩ hoặc nhận sự giúp đỡ. Đau bụng là triệu chứng của nhiều vấn đề khác nhau và một số vấn đề có thể rất nghiêm trọng, ví dụ như loét dạ dày-tá tràng, viêm tụy, viêm ruột thừa, bệnh tự miễn, vấn đề về túi mật, ung thư,…Nói chung, khi bị đau bụng, bạn nên tìm sự giúp đỡ ngay nếu:[22]
    • Cơn đau xuất hiện đột ngột và dữ dội, hoặc bị đau vùng ngực, cổ hoặc vai
    • Nôn ra máu hoặc có máu trong phân
    • Bụng cứng và đau khi chạm vào
    • Không thể đi tiêu (không có nhu động ruột) và nôn mửa
  2. Xác định xem chứng ợ nóng/khó tiêu có cần chăm sóc y tế không. Mặc dù ợ nóng/khó tiêu thường chỉ là vấn đề nhỏ và có thể được điều trị bằng thuốc không kê đơn nhưng bạn nên đi khám bác sĩ nếu:[1][2]
    • Triệu chứng kéo dài hơn vài ngày và không thuyên giảm khi uống thuốc.
    • Sụt cân không chủ ý.
    • Xuất hiện cơn đau đột ngột và dữ dội. Tìm kiếm sự chăm sóc ngay lập tức nếu thấy đau quặn.
    • Khó nuốt.
    • Da hoặc mắt nhợt nhạt hoặc có màu vàng.
    • Nôn ra máu hoặc đi tiêu ra phân đen, có máu trong phân.
    • Phân giống như bã cà phê
  3. Xác định xem tình trạng viêm dạ dày ruột có cần chăm sóc y tế không. Bạn cần đi khám bác sĩ nếu “cúm dạ dày” đi cùng các triệu chứng sau: [9]
    • Nôn nửa hơn 2 ngày.
    • Tiêu chảy kéo dài hơn nhiều ngày hoặc tiêu chảy ra máu.
    • Sốt dai dẳng hơn 38 độ C.
    • Đau đầu nhẹ, ngất xỉu hoặc đờ đẫn người khi đang đứng.
  4. Tránh dùng một số thuốc trước khi đi khám bác sĩ. Nếu quyết định đi khám bác sĩ, bạn nên tránh dùng Aspirin, Ibuprofen, các thuốc kháng viêm khác và thuốc giảm đau có chất gây mê trừ khi đã được bác sĩ khám hoặc kê đơn thuốc. Các thuốc này có thể khiến cơn đau trở nặng. [8]
    • Tuy nhiên, nếu biết rằng cơn co thắt là do đau bụng kinh, bạn có thể uống thuốc kháng viêm.[23]
    • Có thể uống Acetaminophen nếu bác sĩ xác nhận cơn đau không liên quan đến gan.[8]

Lời khuyên[sửa]

  • Không ăn thức ăn cay.
  • Không uống thuốc trừ khi bắt buộc.
  • Ngồi thẳng người (không gập người), chườm ấm vùng bụng, uống nước ấm và nâng cao chân.
  • Ngồi thẳng người và đặt gối bên dưới để nâng cao phần lưng khi ngủ.
  • Chú ý đến khả năng bạn đang mắc phải một căn bệnh hoặc vấn đề sức khỏe gây co thắt dạ dày. Một số bệnh hoặc vấn đề sức khỏe có thể gây co thắt dạ dày bao gồm bệnh Crohn, Hội chứng Ruột Kích thích, loét, viêm túi thừa, tắc ruột, viêm tụy, viêm đại tràng, nhiễm trùng đường tiết niệu, ung thư và chứng thoát vị. [24] Trong trường hợp đó, bạn nên hỏi ý kiến tư vấn của bác sĩ và yêu cầu các xét nghiệm y tế cũng như hỏi về các phương án điều trị.

Cảnh báo[sửa]

  • Ngộ độc, bao gồm vết động vật cắn hoặc côn trùng cắn, có thể gây đau bụng dữ dội. Nếu bị cắn hoặc tiếp xúc với hóa chất độc hại, bạn nên gọi cấp cứu và làm theo hướng dẫn.
  • Bài viết này cung cấp thông tin nhưng không dùng để tư vấn y tế. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ nếu không chắc chắn về cách xác định hoặc điều trị cơn co thắt dạ dày.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 1,2 1,3 http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/indigestion.html
  2. 2,0 2,1 2,2 2,3 http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/heartburn.html
  3. https://nccih.nih.gov/health/chamomile/ataglance.htm
  4. https://nccih.nih.gov/health/peppermintoil
  5. http://umm.edu/health/medical/altmed/herb/licorice
  6. 6,0 6,1 http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/gas.html
  7. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/003124.htm
  8. 8,0 8,1 8,2 http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/003120.htm
  9. 9,0 9,1 http://www.iffgd.org/site/manage-your-health/symptoms-causes/controlling-gas/treatment
  10. 10,0 10,1 http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/constipation.html
  11. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/003125.htm
  12. http://jama.jamanetwork.com/article.aspx?articleid=1904830&resultClick=3
  13. https://nccih.nih.gov/health/flaxseed/ataglance.htm
  14. 14,0 14,1 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/menstrual-cramps/basics/treatment/con-20025447
  15. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/menstrual-cramps/basics/alternative-medicine/con-20025447
  16. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/gastroenteritis.html
  17. 17,0 17,1 17,2 http://www.mayoclinic.org/first-aid/first-aid-gastroenteritis/basics/ART-20056595?p=1
  18. 18,0 18,1 Better Health Channel, Abdominal pain, http://www.betterhealth.vic.gov.au/bhcv2/bhcarticles.nsf/pages/Abdominal_pain_in_adults
  19. Med Line Plus, http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/003120.htm
  20. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2642499/
  21. http://www.betterhealth.vic.gov.au/bhcv2/bhcarticles.nsf/pages/Abdominal_pain_in_adults
  22. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/abdominalpain.html
  23. http://www.wisegeek.com/what-are-the-most-common-causes-of-stomach-cramps.htm
  24. http://www.wisegeek.com/what-causes-abdominal-cramping.htm

Liên kết đến đây