Chữa viêm loét miệng (các liệu pháp tại nhà)

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Viêm loét miệng là một dạng mụn nhọt trong miệng. Cũng giống như viêm loét dạ dày, viêm loét miệng có thể do các nguyên nhân như căng thẳng cảm xúc, thiếu vitamin, thay đổi hormone và dị ứng thức ăn. Viêm loét miệng không phải bệnh rộp môi (do herpes), vì không do virus gây ra. Như vậy nghĩa là viêm loét miệng không lây. Tuy nhiên các vết viêm loét gây đau đớn và phải mất vài ngày mới lành. Bạn có thể cân nhắc các liệu pháp xử lý vết loét ngoài việc thay đổi chế độ ăn và tránh các thức ăn gây viêm loét miệng.[1]

Các bước[sửa]

Sử dụng các liệu pháp tại nhà[sửa]

  1. Pha nước muối súc miệng. Cho một thìa cà phê muối biển hoặc muối ăn vào một cốc nước ấm. Khuấy tan dung dịch và súc miệng nhiều lần. Nước muối sẽ giúp sát trùng miệng và giảm đau. Sau khi súc miệng nước muối, bạn hãy lấy một nhúm muối rắc trực tiếp lên vết loét. Có thể sẽ rất xót, nhưng đó là một trong những cách tốt nhất để vết loét mau lành. Thực hiện mỗi ngày từ 4-5 lần.[2]
  2. Làm khô vết viêm loét bằng Milk of magnesia. Rót khoảng 1 thìa cà phê Milk of magnesia vào thìa. Dùng bông sạch nhúng vào Milk of Magnesia và chấm lên vết loét. Sau khi bôi dung dịch lên vết loét, há miệng và để yên trong 5-10 giây. Chất magnesium hydroxide sẽ khử nước trên vết loét và giúp vết thương mau lành. Thực hiện mỗi ngày 7-8 lần.[3]
    • Milk of magnesia có bán ở hầu hết các hiệu thuốc – thường bày ở các kệ bán sản phẩm chống táo bón.
  3. Dùng phèn bột để làm se vết loét. Mua một ít phèn bột (trên kệ gia vị hoặc nguyên liệu làm bánh ở cửa hàng thực phẩm). Dốc một lượng nhỏ (bằng cục tẩy ở đuôi bút chì) ra thìa. Dùng bông nhúng vào nước, sau đó nhúng vào phèn bột và đắp trực tiếp lên vết loét. Để nguyên như vậy trong 1-2 phút. Có thể bạn sẽ thấy hơi rát. Để sẵn một cốc nước bên cạnh để súc miệng. Phèn thường được dùng như một chất làm se, giúp làm co các mô. Ngoài ra, phèn có tác dụng kích thích hệ miễn dịch, tuy tác dụng này không lớn lắm vì viêm loét miệng không do virus gây ra. Thực hiện mỗi ngày 1-2 lần.[4]
    • Phèn được dùng để làm bánh và nấu ăn, do đó nếu bạn lỡ nuốt phèn thì cũng không sao.
  4. Làm dịu đau bằng gel lô hội. Dùng bông gòn bôi lô hội trực tiếp lên vết loét. Để nguyên trong 1-2 phút. Lô hội gần như sẽ tan vào nước bọt. Nếu không, sau đó bạn có thể súc miệng. Có thể thực hiện mỗi ngày 4-5 lần.
  5. Chấm muối nở (baking soda) lên vết loét. Trộn hỗn hợp bột sệt với khoảng một thìa canh muối nở và vài giọt nước. Dùng bông gòn chấm vào hỗn hợp và chấm lên vết loét. Há miệng và để dung dịch thấm vào vết loét khoảng 5-10 giây. Muối nở giúp vết loét mau lành và tăng độ pH trong miệng, giảm rủi ro nhiễm khuẩn. Mỗi ngày thực hiện 7-8 lần.[3]
  6. Pha trà để súc miệng. Để pha trà cây xô thơm, bạn có thể dùng một thìa cà phê cây xô thơm hòa tan trong một cốc nước nóng. Trà hoa cúc cũng có thể pha theo cách tương tự, hoặc dùng 1 túi trà cho mỗi cốc nước nóng. Khi trà đã nguội, khuấy đều và súc miệng. Cây xô thơm và hoa cúc được cho là có tác dụng kháng khuẩn và kháng viêm, giảm nguy cơ nhiễm khuẩn và giảm cảm giác khó chịu.[2]
    • Bạn cũng có thể dùng túi trà hoa cúc đắp lên vết viêm loét. Hóa chất bisabolol trong trà hoa cúc có tác dụng như một chất kháng viêm và sẽ giúp vết viêm loét bớt sưng đỏ.[5]
  7. Dùng viên ngậm deglycyrrhizinated licorice (DGL). Bạn có thể mua viên ngậm DGL ở các cửa hàng thảo dược hoặc cửa hàng bán sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Đặt viên ngậm DGL trên vết loét cho đến khi tan hết. DGL sẽ giúp đẩy nhanh quá trình chữa lành và thu nhỏ vết loét. DGL cũng thường được dùng để điều trị viêm loét đường tiêu hóa. Không cho trẻ em dùng viên ngậm do rủi ro bị nghẹn. Ngoài ra, DGL có vị đặc biệt, do đó bạn nên để một cốc nước bên cạnh để súc miệng.
  8. Dùng kem ớt cayenne để giảm đau. Trộn một thìa cà phê ớt cayenne với vài giọt nước. Dùng tăm bông chấm hỗn hợp vào vết loét. Điều này nghe có vẻ đáng sợ, nhưng chất capsaicin trong ớt cayenne kích thích các giác quan trong cơ thể có nhiệm vụ báo cho bạn biết về cơn đau. Do đó khi vị cay tan đi, cơ thể bạn sẽ không còn chú ý đến vết loét trong khoảng 30 phút đến 1 giờ sau đó.[5]
  9. Chấm dầu dừa lên vết loét. Mặc dù chưa được y học chứng minh có tác dụng chữa khỏi viêm loét miệng, nhưng dầu dừa thực sự có các thành phần kháng viêm và chống vi trùng. Vì thế thử dùng dầu dừa sẽ chẳng hại gì, mà hương vị của nó lại dễ chịu![5]

Ăn thức ăn tốt cho sức khỏe[sửa]

  1. Ăn thực phẩm giàu vitamin B12. Sự thiếu hụt vitamin B12 có thể dẫn đến tổn thương các dây thần kinh và tế bào máu, những thành phần cần thiết để chữa lành mô niêm mạc trong miệng. Bạn có thể bị viêm loét trong miệng nếu chế độ ăn thiếu vitamin B12. Nên ăn các loại hải sản như cá mòi, cá hồi, cá ngừ, cá tuyết, sò và tôm. Thịt bò và thịt cừu cũng là các nguồn giàu vitamin B12. Bạn cũng có thể ăn sữa chua để nạp đủ lượng vitamin B12 mỗi ngày.[6]
  2. Bổ sung a-xít folic. Cơ thể cần a-xít folic để tạo ADN và các vật chất di truyền khác, bao gồm cả niêm mạc miệng. Nói chung, các loại đậu và đậu lăng là nguồn dồi dào chất folate. Các loại rau lá xanh đậm như lá củ cải, rau chân vịt và măng tây thêm vào bữa ăn cũng có thể bổ sung lượng a-xít folic cần thiết.[7]
  3. Thêm các thực phẩm giàu sắt vào bữa ăn. Sắt chịu trách nhiệm duy trì nhiều hoạt động trong cơ thể. Quan trọng nhất là sắt giúp cơ thể tạo ra hồng cầu có chức năng vận chuyển ô-xy, một yếu tố cần thiết cho việc chữa lành các mô bị hư tổn. Các loại hải sản, thịt bò, thịt gà, gà tây, thịt lợn, đậu lăng, đậu hạt và rau chân vịt là những nguồn giàu sắt.[8]
  4. Bổ sung kẽm vào chế độ ăn. Kẽm là một dưỡng chất cần thiết giúp duy trì một cơ thể khỏe mạnh. Kẽm hiện diện khắp cơ thể và hỗ trợ cho việc sản sinh tế bào. Nếu thiếu kẽm, cơ thể sẽ khó chữa lành vết thương, làm đông máu và đẩy lùi tình trạng nhiễm trùng ngay cả loại yếu nhất. Các nguồn thực phẩm dồi dào kẽm là bí ngô, vừng, đậu lăng và hạt điều.[9]

Tránh những yếu tố khiến vết viêm loét nặng hơn[sửa]

  1. Không đụng vào vết viêm loét. Có lẽ bạn quá chú ý vào các vết viêm loét trong miệng. Mỗi lần mở miệng, răng của bạn sẽ quẹt vào vết viêm loét, kích thích vết thương và truyền cảm giác đau đi khắp cơ thể. Bạn cần cố gắng hết sức tránh kích thích vết viêm loét. Nhai thức ăn ở bên không đau. Cố gắng không để lưỡi chạm vào vết loét. Không nặn hoặc cậy vết thương. Bạn nên để vết thương được yên và cơ thể sẽ tự chữa lành.
  2. Xử lý vòng niềng răng. Nếu có đeo vòng chỉnh răng, có lẽ thỉnh thoảng bạn sẽ bị viêm loét miệng. Phần kim loại có thể bất ngờ làm rách niêm mạc bên trong má. Có lẽ bạn cần nói chuyện với bác sĩ chỉnh răng về việc này, nhưng bạn vẫn có thể thử một liệu pháp tại nhà. Nấu chảy 1 thìa canh sáp ong và trộn với 2 thìa cà phê dầu dừa. Để nguội và lấy một viên nhỏ ấn vào phần niềng răng gây vấn đề. Không dùng nhiều quá, chỉ cần đủ để phần rìa chởm chởm không làm bạn đau thêm.[5]
  3. Tránh dùng các sản phẩm chăm sóc răng miệng có chứa sodium lauryl sulfate (SLS). Nhiều nha sĩ khuyên bệnh nhân tránh dùng kem đánh răng và nước súc miệng có chứa hợp chất hữu cơ này. SLS thường được dùng trong các sản phẩm tẩy rửa. Các các sản phẩm của nhãn hàng Tom’s of Maine và Burt’s Bees không chứa SLS.
  4. Tránh các thực phẩm chứa nhiều a-xít mạnh. Ví dụ, bình thường nước cam chứa nhiều vitamin C vốn tốt cho sức khỏe, nhưng trong đó cũng có nhiều a-xít citric khiến vết viêm loét bị kích ứng và lâu lành hơn.[10] Tránh ăn cà chua và nước cà chua ép. Bạn cũng không nên ăn hạt tiêu.
  5. Bỏ qua những thức ăn “nhọn”. Nghe có vẻ vớ vẩn, nhưng nhiều khi các vết viêm loét là do các thức ăn có cạnh sắc như khoai tây chiên, vỏ bánh mì, bánh quy khô, bánh quy xoắn, bỏng ngô và bất cứ thứ gì có thể làm niêm mạc miệng tổn thương thêm.
  6. Ngừng dùng các loại thuốc lá. Đặc biệt thuốc lá nhai thường gây viêm loét miệng. Các hóa chất mạnh trong thuốc lá gây kích ứng da, do đó ngừng sử dụng thuốc lá là hợp lý khi vết viêm loét trong miệng khiến bạn đau đớn. Thuốc lá hút cũng có tác động tương tự.[11]

Đến bác sĩ[sửa]

  1. Đến bác sĩ khám bệnh. Bạn nên đi khám nếu vết viêm loét không khỏi sau 4 ngày hoặc trở thành mãn tính. Gọi cho bác sĩ nếu vết loét có kích thước lớn hơn móng tay. Có nhiều nguyên nhân mãn tính gây viêm loét miệng mà bạn cần trao đổi với bác sĩ. Viêm loét miệng có thể do thiếu hụt vitamin, nhưng cũng có thể là do trầm cảm, mất cân bằng hormone và các bệnh rối loạn miễn dịch như lupus ban đỏ hệ thống (SLE), bệnh Crohn (viêm ruột), viêm loét đại tràng, và một bệnh hiếm gặp gọi là bệnh Behcet.[12]
    • SLE là một bệnh tự miễn và 50% trường hợp xảy ở miệng. Các vết loét này là mảng nổi màu trắng, có hình dạng không nhất định. Cách điều trị chứng viêm loét này là dùng glucocorticoids bôi hoặc tiêm trực tiếp vào nơi tổn thương. Bệnh Behcet là một bệnh hiếm gặp khác gây viêm loét miệng. Đây là chứng rối loạn viêm mạch máu, gây viêm loét miệng và bộ phận sinh dục. Tình trạng viêm loét và tổn thương tái đi tái lại ở mắt, da hoặc bộ phận sinh dục là những yếu tố giúp chẩn đoán bệnh. Các triệu chứng trên niêm mạc da của bệnh Behcet có thể điều trị bằng colchicine.
    • Bệnh viêm ruột cũng được cho là có liên quan đến chứng viêm loét miệng, đặc biệt là viêm loét miệng tái diễn (aphthous stomatitis). Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm loét miệng. Các yếu tố rủi ro bao gồm tiền sử gia đình, chấn thương, các yếu tố về hormone, quá mẫn với thức ăn hoặc thuốc, suy giảm miễn dịch và căng thẳng cảm xúc. Có thể điều trị bằng triamcinolone có trong loại thuốc không kê toa có tên Orabase.
    • Thông thường không có xét nghiệm viêm loét miệng. Bác sĩ chỉ cần quan sát và có thể xác định đó là chứng viêm loét miệng hay bệnh mụn rộp môi. Vết viêm loét miệng là những đốm nông trên niêm mạc miệng, có thể nhận ra ngay qua hình dạng tròn, viền đỏ, thường có màu trắng hoặc hơi xám.
  2. Kể bệnh với bác sĩ. Nhớ nói về số lượng vết loét và thời gian vết loét xuất hiện là bao lâu. Bác sĩ có thể xác định tình trạng viêm loét ở bạn có phải là mãn tính không. Nếu bạn bị viêm loét mỗi tuần khoảng hai lần, bác sĩ có thể tập trung vào thói quen ăn uống và môi trường của bạn. Nếu bạn bị viêm loét vài lần liên tục trong nhiều tháng, có thể bác sĩ sẽ cho làm một loạt xét nghiệm máu và nước tiểu để tìm bệnh trong rất nhiều nguyên nhân, kể cả tình trạng thiếu hụt vitamin.[13]
  3. Làm theo lời khuyên của bác sĩ. Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ khuyên bạn theo dõi và dùng các liệu pháp tại nhà và thuốc không kê toa. Trong các trường hợp nặng, bác sĩ có thể chỉ định uống một số loại thuốc steroid để giảm viêm và bớt đau.[13]
    • Với các trường hợp nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể chọn liệu pháp đốt vết thương. Có hai loại hóa chất đốt mà bác sĩ có thể sử dụng. Loại thứ nhất là debacterol. Đó là một dung dịch được bào chế để đốt viết viêm loét và giảm thời gian chữa lành xuống còn một tuần. Loại thứ hai là nitrat bạc. Cũng như debacterol, nitrat bạc có thể dùng để đốt vết thương, tuy nhiên chưa được chứng minh là giúp đẩy nhanh quá trình chữa lành.[14]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]