Dạy học tích hợp liên môn lĩnh vực khoa học tự nhiên/IV. Xây dựng các chủ đề dạy học tích hợp liên môn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

IV. Xây dựng các chủ đề dạy học tích hợp liên môn

1. Xác định nội dung dạy học tích hợp liên môn[sửa]

Tuy có mối liên hệ với nhau nhưng chương trình các môn học trong chương trình giáo dục trung học phổ thông hiện hành có tính độc lập tương đối, được thiết kế theo mạch kiến thức môn học trên nguyên tắc kiến thức được học trước là cơ sở của những kiến thức được học sau. Vì thế, một số nội dung kiến thức có liên quan đến nhiều môn học đều được đưa vào chương trình của các môn học đó gây ra sự chồng chéo, quá tải. Không những thế, thời điểm dạy học các kiến thức đó ở các môn học khác nhau là khác nhau, đôi khi thuật ngữ được dùng cũng khác nhau, gây khó khăn cho học sinh.

Để khắc phục những khó khăn đó, trong khi chưa có chương trình mới, cần phải rà soát chương trình các môn học có liên quan với nhau trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, tìm ra những kiến thức chung để xây dựng thành các chủ đề dạy học tích hợp liên môn. Ví dụ:

- Trong chương trình các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí có các nội dung kiến thức chung thuộc các chủ đề như: Cấu tạo chất, Năng lượng, Cơ khí... Rà soát chương trình các môn học này, có thể xác định được một số kiến thức liên môn như sau:

+ Kiến thức về "Cấu tạo chất", "Thuyết động học phân tử" và "Các định luật chất khí" trong môn Vật lí 10 và kiến thức về "Nguyên tử" và "Liên kết hóa học" trong môn Hóa học 10;

+ Kiến thức về "Chất rắn kết tinh. Chất rắn vô định hình", "Biến dạng cơ của vật rắn" trong môn Vật lí 10 và kiến thức về "Liên kết ion, tinh thể ion", "Tinh thể nguyên tử và tinh thể phân tử" trong môn Hóa học 10;

+ Kiến thức về "Sự chuyển thể của các chất", "Độ ẩm của không khí" trong môn Vật lí 10 và kiến thức về "Ngưng đọng hơi nước trong khí quyển. Mưa" trong môn Địa lí 10...

- Trong chương trình các môn Ngữ Văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục Công dân, có các nội dung kiến thức chung thuộc các chủ đề như: Môi trường, Bùng nổ dân số, Dịch bệnh, Truyền thống dân tộc, Xu hướng toàn cầu hóa và khu vực hóa... Rà soát chương trình các môn học này, có thể xác định được một số kiến thức liên môn như sau:

+ Môn Lịch sử và Địa lý có các kiến thức chung về: Điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý, Phát kiến địa lý, Hệ thống bản đồ, Lịch sử và Địa lí của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới;

+ Môn Ngữ văn và Lịch sử có các kiến thức chung về: Các tác phẩm văn học, Văn học nước ngoài, Văn hóa Phục hưng, Các tảc giả, tác phẩm;

- Trong chương trình các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Công nghệ có các nội dung kiến thức chung về ứng dụng trong đời sống và kĩ thuật. Rà soát chương trình các môn học này, có thể xác định được một số kiến thức liên môn như sau:

+ Kiến thức về "Nội năng và sự biến đổi nội năng", "Các nguyên lí của nhiệt động lực học" trong môn Vật lí 10 và kiến thức về "Động cơ đốt trong" trong môn Công nghệ 11;

+ Kiến thức về dòng điện xoay chiều" trong môn Vật lý và kiến thức về động cơ điện, máy phát điện trong môn Công nghệ...

Dạy học theo chủ đề tích hợp liên môn đề cập đến nội dung dạy học, đến hình thức tổ chức và phương pháp dạy học, đến nội dung và phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập. Chương trình giáo dục nào cũng tồn tại những nội dung kiến thức liên môn, vì vậy việc dạy học tích hợp liên môn cần phải thực hiện ngay trong chương trình hiện hành, mặc dù việc thiết kế, sắp xếp các nội dung dạy học trong chương trình, trong sách giáo khoa chưa thật sự tạo nhiều thuận lợi cho mục tiêu đó. Việc lựa chọn nội dung dạy học để xây dựng các chủ đề tích hợp liên môn phù hợp nhằm khắc phục những khó khăn đó.

2. Xây dựng các chủ đề dạy học tích hợp liên môn[sửa]

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã giao quyền tự chủ xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục, phát huy vai trò sáng tạo của nhà trường và giáo viên; chỉ đạo các cơ sở giáo dục trung học, tổ chuyên môn và giáo viên chủ động, linh hoạt trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục định hướng phát triển năng lực học sinh phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, địa phương và khả năng của học sinh. Từ năm học 2013-2014, các trường phổ thông được giao quyền tự chủ trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch giáo dục dựa vào mục tiêu giáo dục quy định trong chương trình góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường theo tinh thần các văn bản chỉ đạo của Bộ GDĐT: Công văn số 3535/BGDĐT-GDTrH ngày 27 tháng 5 năm 2013 về việc Hướng dẫn triển khai thực hiện phương pháp “Bàn tay nặn bột” và các phương pháp dạy học tích cực khác; Công văn số 791/HD-BGDĐT ngày 25 tháng 6 năm 2013 về việc hướng dẫn thí điểm phát triển chương trình giáo dục nhà trường phổ thông; Công văn số 5555/BGDĐT-GDTrH ngày 08 tháng 10 năm 2014 về việc hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; tổ chức và quản lí các hoạt động chuyên môn của trường trung học/trung tâm giáo dục thường xuyên qua mạng; các công văn hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học hằng năm. Theo đó, thay cho việc dạy học đang được thực hiện theo từng bài/tiết trong sách giáo khoa như hiện nay, các tổ/nhóm chuyên môn căn cứ vào chương trình và sách giáo khoa hiện hành, lựa chọn nội dung để xây dựng các chủ đề dạy học trong mỗi môn học và các chủ đề tích hợp liên môn phù hợp với việc sử dụng phương pháp dạy học tích cực trong điều kiện thực tế của nhà trường. Trên cơ sở rà soát chuẩn kiến thức, kĩ năng, thái độ theo chương trình hiện hành và các hoạt động học dự kiến sẽ tổ chức cho học sinh theo phương pháp dạy học tích cực, xác định các năng lực và phẩm chất có thể hình thành cho học sinh trong mỗi chuyên đề đã xây dựng.

Các kiến thức liên môn có thể nằm ở chương trình của các lớp khác nhau và đều có thể được lựa chọn để xây dựng thành các chủ đề dạy học tích hợp liên môn. Tùy vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, nhà trường có thể xây dựng các chủ đề tích hợp liên môn phù hợp. Trong thời gian đầu, để tránh sự xáo trộn nhiều gây khó khăn cho việc thực hiện kế hoạch giáo dục chung, nhà trường có thể chọn các nội dung kiến thức liên môn nằm trong chương trình của một lớp để xây dựng chủ đề dạy học tích hợp liên môn, đảm bảo hoàn thành chương trình môn học của khối đó trong năm học. Trong những năm học tiếp theo, trên cơ sở các chủ đề tích hợp liên môn đã được xây dựng và thực hiện, nhà trường tiếp tục mở rộng xây dựng các chủ đề tích hợp liên môn trong toàn bộ kế hoạch giáo dục nhà trường.

Trong năm học 2015-2016, nếu có điều kiện thuận lợi, nhà trường có thể giao cho các tổ/nhóm chuyên môn xây dựng và thực hiện một vài chủ đề tích hợp liên môn phù hợp. Trong trường hợp chưa có điều kiện thực hiện trong năm học 2015-2016, các nhà trường cần tổ chức xây dựng kế hoạch giáo dục trong đó có các chủ đề tích hợp liên môn để thực hiện từ năm học 2016-2017.

3. Nội dung trình bày một chủ đề tích hợp liên môn[sửa]

3.1. Tên chủ đề[sửa]

Căn cứ vào nội dung kiến thức và các ứng dụng của chúng trong thực tiễn để xác định tên chủ đề sao cho phù hợp, thể hiện được nội dung tích hợp liên môn.

3.2. Nội dung trong chương trình các môn học được tích hợp trong chủ đề[sửa]

- Trình bày về nội dung kiến thức thuộc chương trình các môn học được dạy học tích hợp trong chủ đề; nêu rõ yêu cầu cần đạt; tên bài (tiết), thời lượng phân phối chương trình hiện hành và thời điểm dạy học theo chương trình hiện hành;

- Phương án/kế hoạch dạy học môn học sau khi đã tách riêng phần nội dung kiến thức được dạy học theo chủ đề đã xây dựng;

- Trình bày nội dung dạy học trong chủ đề; phân tích về thời lượng và thời điểm thực hiện chủ đề trong mối liên hệ phù hợp với chương trình dạy học các môn học liên quan;

- Trình bày ý tưởng/câu hỏi của chủ đề nhằm giải quyết một vấn đề nào đó để qua đó học sinh học được nội dung kiến thức liên môn và các kĩ năng tương ứng đã được tách ra từ chương trình các môn học nói trên, có thể là vấn đề theo nội dung dạy học hoặc vấn đề cần giải quyết trong thực tiễn;

- Ý nghĩa của việc thực hiện chủ đề trong dạy học các môn học liên quan/hoạt động trải nghiệm sáng tạo đối với việc hình thành kiến thức, kĩ năng, thái độ và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.

3.3. Mục tiêu của chủ đề[sửa]

a) Về kiến thức: Trình bày về nội dung kiến thức mà học sinh sẽ học được thông qua chủ đề (chỉ trình bày những kiến thức sẽ được đánh giá).

b) Về kĩ năng: Trình bày về những kĩ năng của học sinh được hình thành thông qua thực hiện các hoạt động học theo chủ đề (chỉ trình bày những kĩ năng sẽ được đánh giá). Sử dụng động từ hành động để ghi các loại kĩ năng và năng lực mà học sinh được phát triển qua thực hiện chủ đề. c) Về thái độ: Trình bày về những tác động của việc thực hiện các hoạt động học theo chủ đề đối với nhận thức, giá trị sống và định hướng hành vi của học sinh.

d) Các năng lực chính hướng tới: Học sinh được học thông qua thực hành, sáng tạo và tạo ra sản phẩm học tập có ớ nghĩa cho bản thân; có thể thiết kế, xây dựng, sáng tạo ra một sản phẩm hoặc thực hiện một việc nào đó. Các năng lực đọc, viết, toán học, khoa học… được phát triển trong việc tạo ra sản phẩm học tập.

3.4. Sản phẩm cuối cùng của chủ đề[sửa]

Mô tả rõ sản phẩm mà học sinh phải hoàn thành về nội dung và hình thức thể hiện (bài báo báo, bài trình chiếu, tập tranh ảnh, video, mô hình, vật thật, dụng cụ thí nghiệm, phần mềm…); nêu rõ tên và yêu cầu của sản phẩm cùng với tiêu chí đánh giá sản phẩm.

Liên kết đến đây