Danh từ Khoa học, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn/3
Chương III. Gương trước
Sự đặt danh-từ, không phải riêng về một vấn-đề khoa-học mà thôi, mà cũng không riêng gì về nước ta. Khi nào một dân-tộc mới thâu-nhập một ý-tưởng mới gì, đều phải kiếm cách đặt danh-từ mà gọi. Nhưng, đối với các nước mới qui-hướng về khoa-học như các nước ở Á-đông, vấn-đề có hơi khác. Họphải trong một chốc lát mà gây nên hàng vạn danh- từ. Các nước láng-giềng ta đã giải-quyết ra sao ? Trong nước ta, vấn-đề luật-học đã gây nên một nền danh-từ chuyên-môn trong thực-tế. Người nước ta đã giải-quyết bằng cách nào ?
Sau này ta thử xét cách-thức mà người nước ta đặt chữ về phương-diện chính-trị và luật-học và ta xét cách đặt danh-từ khoa-học của hai nước đồng-văn với ta xưa là Trung-hoa và Nhật-bản.
Nước Trung-hoa có tiếng giống tính-cách tiếng ta, nên đó là một gương mà ta có thể soi rất tiện . Tiếng Nhật-bản tuy có tính-cách khác ta về loại thông - thường, nhưng về phương-diện chuyên-môn , tiếng Nhật-bản cũng mượn gốc Hán-tự như tiếng ta. Nên đối với họ, cách đặt chữ có phần giống như đối với tiếng ta. Xét rõ sẽ giúp ích cho ta một phần lớn.
Vả chăng, hai nước ấy nay đã có một nền-tảng khoa-học vững chãi, không những giáo-khoa về mọi đẳng-cấp đều bằng quốc-âm, không những về một vấn-đề khoa-học cao-cấp nào, họ cũng có sách-vở và báo- chí bằng quốc-âm nói tới, các nước ấy lại, nhờ sự phổ-thông khoa- học, mà kỹ-nghệ đã đến thời-kỳ phát-đạt. Đó là một chứng cớ rõ ràng rằng cách đặt danh-từ khoa-học họ có hiệu-nghiệm.
Hai nước ấy đã hiến cho ta hai cuộc thí-nghiệm lớn lao để cho ta suy nghĩ và tìm cách thích-dụng với sự học nước mình.
DANH-TỪ NHẬT-BẢN[sửa]
Tiếng Nhật cũng như tiếng ta, phần lớn lấy gốc ở Trung-hoa, nhất là những tiếng để chỉ những ý trừu-tượng.
Còn chữ thì cũng phần lớn dùng chữ Trung-hoa, có lúc đọc theo Hán-âm, có lúc đọc theo Đường-âm, có lúc lại đọc lấy nghĩa theo Nhật-âm, có khi chỉ mựợn chữ viết lấy âm mà nghĩa thì chỉ theo âm chớ không theo chữ, như là ta viết chữ nôm ta. Ngoài chữ Hán, Nhật-bản còn có chữ để phiên-âm, theo lối chữ vần Nam-việt.
Vấn-đề danh-từ khoa-học đối với Nhật-ngữ tương-tự như đối với ta.
Người Nhật-bản đã giải-quyết bằng ba cách nói trên. Cách đặt bằng tiếng thông-thường rất ít dùng. Cách phiên-âm rất hay dùng nhất là đối với những ý thuộc về ngành cao-cấp. Còn lối dùng gốc chữ Hán là lối rất thông-dụng.
Dùng phương-sách nào cũng vậy, người Nhật-bản đã không để ý đến sự gọn gàng. Chữ phiên-âm Hán-tự còn do-khả, chớ chữ phiên- âm chữ Anh và chữ Đức thì cực dài. Thí dụ phiên-âm chữ Hán : Onde capillaire : Hiu-min-chian-rio-kư-wa, Fluide incompressible : Hi-a-tsu- shui-ku-sei-riu-tai. Thực ra đó là tiếng đọc ; chớ ở sách vở, họ viết bằng Hán-văn nên cũng có đỡ dài. Thí-dụ phiên-âm chữ Anh : Gyroscopic stabiliser (stabilisateur gyroscopique) - Ji-yai-ro-xư-ta-bi-rai-zaa. Thí-dụ phiên-âm chữ Đức : Naphtylaminsulfosaure (acide naphtylamine sulfonique) - na-/u-chi-rư -xư/-ru-/uo-ru.
Những thí-dụ trên là lấy trong hàng nghìn thí-dụ khác. Nhưng đối với tiếng Nhật, sự phiền phức có lẽ không quan-hệ lắm [5] vì tiếng nói của họ rất là phí âm, thường phải nói câu dài mới tỏ được một ý ngắn.
Lẽ thứ hai là tính-tình dân-tộc họ rất là chịu khó. Quý hồ học được điều mới. điều hay, khó mấy họ cũng không nản lòng. Họ thấy sự viễn-lợi mà không cho sự danh-từ phiền-phúc làm khó chịu. Lẽ thứ ba là người họ rất đồng-tâm, có người xướng thì có người nghe. Họ cốt cần có chữ để dùng mà giảng hay viết khoa-học, chớ họ không để mất thì giờ bàn tán lâu về danh-từ.
Nói tóm lại, người Nhật-bản hoàn-toàn dùng lối phiên âm trong những khoa hóa-học, và các ngành cao-cấp về các môn khác. Còn dư, họ viết bằng Hán-tự và đọc bằng Hán-âm. Cách đặt không có tính-cách toàn-thể và không gọn gàng. Nhưng ai cũng dùng, nên nay đã định hẳn.
DANH-TỪ TRUNG-HOA[sửa]
Tiếng Trung-hoa là một tiếng độc- âm. Âm Trung-hoa lại rất ít. Tiếng Quảng-đông vần trắc cuối cùng còn có âm t, c. Chớ Quan-thoại thì âm lại còn nghèo hơn thế nữa. May nhờ có chữ viết đặc-biệt, mà họ không sợ lầm-lẫn nghĩa.
Chữ Trung-hoa lại rất cổ, nên đã có rất nhiều chữ. Vả cách đặt chữ đã có qui-tắc rõ ràng, nên họ muốn đặt thêm bao nhiêu cũng được.
Âm tuý không mới, nhưng chữ viết mới, và đặt với nhưng gốc làm cho dễ nhớ nghĩa. Xem thế thì Trung-hoa có một cách đặt chữ khác Nhật-bản và ta. Thế mà họ không thông-dụng lối ấy. Họchỉ dùng để đặt một ít chữ gốc về hóa-học và những chữ chỉ tên các đơn-vị mà thôi.
Tiếng Trung-hoa phần nhiều có đủ chữ đơn. Nay ghép lại thành chữ kép để chỉ ý mới : hoặc là lấy chữ cũ mà chuyển sang nghĩa mới theo lối nghĩa rộng. Ví dụ nay dùng chữ * [6] (phách) là đánh nhịp, để chỉ ý battement về âm-học hay quang-học là dùng chữ đơn sẵn; chữ * (điện) là chớp, dùng rộng ra là éleclricité, và ***** (lũy-thứ đại-hoán pháp) là ghép nhiều chữ đơn lại để chỉ ý substitution successive.
Về phần hóa-học lúc đầu người Trung-hoa tưởng dùng lối đặt chữ mới hoặc ghép chữ cũ là giải-quyết được. Nhưng bây giờ, họ cũng phải dùng lối phiên-âm. Phiên-âm bằng chữ Trung-hoa rất khó, trước là vì âm Trung-hoa rất ít, sau là vì họ không có chữ la-tinh để nhắc cho họ hình-dạng chữ gốc phiên âm. Hai cách đặt ấy nay còn lẫn lộn, cho nên cùng một ý ấy mà ta thấy dùng cả hai cách, như Acide formique đặt là ** (nghĩ-toan) I-Tsoan, mà Aldhéhyde formique (chữ Anh là Formic aldéhyde) lại đặt : Fou-eul-mu a-eul-ti-hai-te.
Danh-từ khoa-học đã trải một thời kỳ lộn xộn khá lâu mới được quyết-định một cách chính-thức như ngày nay. Lúc đầu mỗi người dùng chữ một cách. Các nhà khoa-học thấy vậy dã lập nhiều hội để đính-chính.
Hội đầu thành lập là Khoa-học danh-từ thẩm-tra hội. Năm 1926 Đại-học-viện có tổ chức hội Dịch-danh thống-nhất. Năm sau (1927) bộ giáo-dục giữ trách nhiệm việc biên-dịch.
Trong lúc ấy, lại có hội Trung-hoa văn-hóa giáo-dục cơ-kim đổng-sự cũng có tổ-chức một ban biên-dịch.
Đến năm 1931, mới thành-lập Quốc-lập biên-dịch-quán. Đó là một cơ quan của bộ giáo-dục chuyên về việc định-đoạt danh-từ khoa-học và việc ban-bố danh-từ.
Tháng 4 năm 1932, bộ giáo-dục triệu các ủy-viện để thảo-luận về thiên-văn, số-học và vật-lý-học. [7]
Năm 1932, về tháng 10, quyển Thiên-văn-học danh-từ đã được công-bố. Tháng 7 năm 1933 quyển Vật-lý-học danh-từ cũng xuất-bản. Rồi lần lượt các tập khác cũng in xong trong khoảng năm 1934, 1935.
Vẩn-đề danh-từ khoa-học ở Trung-hoa nay có thể gọi là giải-quyết xong, và kết-quả rất là hoàn-bị.
Phàm danh-từ về toán-học, vật-lý-học thì lấy sự thích nghĩa làm chủ. Dùng đơn-âm hay là lưỡng-âm làm qui-tắc. Về hóa-học thì phần vô- cơ dùng lối đặt chữ mới và thích nghĩa và phiên-âm , còn về phần hữu- cơ thì hoàn-toàn phiên-âm.
Ngoài những tiếng phiên-âm, những danh-từ của Trung-hoa đều gọn gàng và đặt có quy-củ cả.
DANH-TỪ LUẬT-HỌC Ở VIỆT NGỮ[sửa]
Sở dĩ ta chưa có danh-từ khoa-học là vì từ trước đến nay ta chưa cần lắm. Còn về phương-diện luật-học và chính-trị thì lại khác. Người nước ta đã cần có danh-từ để định những bộ luật mới ban-bố cho cả đồng dân thi-hành.
Người ta đã giải-quyết vấn-đề danh-từ ấy bằng hai lối : lấy chữ cũ và đặt chữ mới. Chữ cũ khi xưa dùng về luật-lệ thì rất nhiều nay vẫn còn dùng được cả. Những chữ ấy hầu hết là chữ Hán như tố, tụng, giam, tra, nguyên, bị, khổ sai, tái thẩm, vân vân ...
Những ý mà bộ luật Tây phương thu nhập vào thì người ta đã phải đặt mới mà gọi. Phương pháp đặt đều lấy gốc ở Hán văn, ghép âm đơn thành âm kép, ghép âm kép thành chữ dài để chỉ ý phức tạp. Những chữ mới ấy cũng có chữ đặt khéo và gọn, nhưng cũng có chữ đặt vụng nhưng lúc cần phải dùng, dùng sinh quen nên cũng không ai dị-nghị gì. Đó cũng là một lẽ thiên nhiên. Vì tiếng nói nước nào cũng đầy những sự vô lý mà ai cũng nói cả.
Những tiếng như địa-dịch (servitude), tư-cách pháp-nhân (personnalité morale), ứng-dụng thu lợi (usufruit) hoặc là hội hợp-tư (société de commandité simple) đều thành tiếng pháp luật. Người không cần đến mà muốn bàn tán thế nào thì mặc lòng, chớ những người cần đến nó thì cho là rất quí.
Ba gương kể trên đầy đủ cho ta xét hiểu rõ cách đặt danh từ chuyên môn.
Tôi đã suy đó mà chọn danh từ cho khoa-học bằng tiếng Việt Nam [8].
Hà Nội, 1942
Chú thích[sửa]
[1] Vì thiếu sự suy xét ấy nên đã có người dịch exposition culturelle chinoise ra triển lãm sự trồng trọt Trung quốc.
[2] Nhưng nay người Trung quốc đã bỏ rồi và chỉ dùng chữ Khinh. Người mình hay có tính bắt chước mà không hay thay đổi. Áo quần ta mặc còn theo lối nhà Tống !
[3] Một thí dụ nữa là lịch dân quốc của Chính thể cách mạnh Pháp đặt ra năm 1793, rất hợp lý , tên tháng, tên ngày do một nhà thi sĩ trứ danh đặt rất hay : " tháng mọc mầm, tháng trổ hoa..." Thế mà chỉ sống có một thời gian ngắn ngủi.
[4] Mới đây, ông Đặng Dư, người phủ Diễn Châu, có bàn nên dùng lối nói lái của ta. Đó là một phương sách cũng hay và tiện. Nhưng tiếng Việt đặt ra có các điều bất lợi của phương sách dùng tiếng thông thường mà lại không có những điều lợi của nó. Dùng vào cho những ý cực kỳ chuyên môn có thể hay; chó không nên ứng dụng cho những khoa học cơ bản.
[5] Tôi có dịp gởi ý kiến một vị giáo sư ngữ học ở Kyoto là ông Izui thì ông cũng nói như vậy.
[6] Những chỗ đánh dấu * vốn là chữ Hán trong nguyên bản, chương trình nhận dạng tôi dùng để nhận dạng bài này không hiểu chữ Hán và tôi cũng dốt Hán tự. Đành xin lỗi các bạn vậy. (Trần Lưu Chương)
[7] Theo bài tựa Thiên văn học danh từ của ông Trần-khả-Trung.
[8] Sau khi tôi trình bày vấn đề danh từ khoa học bằng tiếng Việt Nam tại "Hội nghị khảo cứu khoa học" thì ông hội trưởng có cho hay rằng ở Xiêm người ta cũng dùng ba lối trên, và ông nói đó cũng là một luật thiên nhiên của ngữ học. Ông hội trưởng hồi ấy là ông Cadès, giám-đốc Viễn-Đông Bác-cổ viện và là một nhà ngữ học trứ danh.
Mục lục[sửa]
- Chương I. Tính cách một danh từ khoa học
- Chương II. Phương sách đặt danh từ
- Chương III. Gương trước
- Chương IV Qui tắc đã theo