Dante Alighieri

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Durante degli Alighieri hay Dante Alighieri hay, đơn giản hơn, Dante (1265-1321) là một thiên tài, một nhà thơ lớn, nhà thần học người Ý, tác giả của hai kiệt tác La Divina Commedia (Thần khúc) và La Vita Nuova (Cuộc đời mới). Ông là một nhà mơ mộng lớn, ảnh hưởng sâu sắc bởi cả hai truyền thống Kitô giáo và cả các tác phẩm kinh điển Latin. Nhưng ông cũng là một người tư sản Florence điển hình, tham gia sâu sắc vào chính trị địa phương và đối nghịch với Đức Thánh Cha. Ông đã dành phần lớn cuộc sống của mình như là một lưu vong chính trị và là một nhà phê bình của nhiều điều mà ông nhìn thấy xung quanh mình.

Tiểu sử[sửa]

Dante sinh khoảng giữa 14 tháng 5 và 13 tháng 6 năm 1265 tại Florence. Mẹ của Dante, Bella degli Abati, mất khi ông 7 tuổi; ngay sau đó bố của Dante, Alighiero de Bellincione, cưới người vợ thứ hai, Lapa di Chiarissimo Cialuffi, và họ có hai con: em trai Francesco và em gái Gaetana của Dante. Thời trẻ, Dante được Brunetto Latini, một người có kiến thức uyên bác dạy tiếng Latin và truyền cho Dante niềm thích thú văn chương. Thông qua tiếng Latin mà Dante say mê thơ ca cổ đại và tôn sùng thơ Virgil. Dante còn học tiếng Pháp, tiếng Provençe, đi sâu nghiên cứu thần học, triết học, thiên văn học và trở thành một người có kiến thức bách khoa uyên bác bậc nhất ở thời đại ông.

Dante biết yêu và làm thơ từ rất sớm. Ngay từ khi 12 tuổi gia đình ông đã hứa hôn với gia đình của Gemma di Manetto Donati, tuy rằng ông đã yêu một cô gái khác tên Beatrice Portinari. Những bài thơ về mối tình tuổi thiếu niên sau này được gom lại thành tập La Vita Nuova. Năm 1295 Dante tham gia hoạt động chính trị, đứng về phái Guelfi đối lập với phái Ghibellini. Năm 1289 phái Guelfi thắng thế nhưng rồi lại chia ra thành phe Đen và phe Trắng. Dante theo phe Trắng, kiên quyết chống lại đường lối dựa vào Giáo hoàng. Giáo hoàng cầu viện Hoàng tử Pháp Charles de Valois. Năm 1301 quân Pháp tiến vào Firenze, phe Đen lưu vong trở về tổ chức đàn áp phục thù. Dante bị kết án hai lần, phải rời bỏ quê hương đi sống lưu vong và mai danh ẩn tích. Thời kỳ này ông bắt đầu viết La Divina Commedia.

Dante mất năm 1321 tại Ravenna.

Tác phẩm[sửa]

Tập tin:Dantes tomb ravenna.jpg
Mộ Dante ở Ravenna

Dante là tác giả của các tập Rime (Thơ), Il convivio (Bữa tiệc), De vulgari eloquentia (Về hùng biện đại chúng), De monarchia (Về chế độ quân chủ)... Tuy vậy, những tác phẩm này chỉ một số ít các nhà nghiên cứu quan tâm, còn độc giả khắp thế giới hầu như chỉ biết hai kiệt tác: La Vita Nuova (Cuộc đời mới) và La Divina Commedia (Thần khúc).

Tác phẩm La Vita nuova (Cuộc đời mới) bao gồm thơ và văn xuôi, viết về tình yêu của Dante đối với Beatrice Portinari. Tình yêu của Dante với Beatrice mang một quy mô vũ trụ. Nhà thơ nhìn thấy ở người con gái trần tục này một ý tưởng thánh thần được thể hiện trong những con số: "Số 3 là nguồn gốc của số 9, ba lần ba là chín. Như vậy, nếu 3 có thể sinh ra 9 thì điều kì diệu ở trong mình – Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Linh – ba trong một. Từ đó rút ra kết luận rằng: người con gái này là con số 9, nghĩa là điều kì diệu và nguồn gốc của điều kì diệu này là "Tam vị nhất thể". Những lập luận này thể hiện tinh thần của thời đại bấy giờ nhưng phải nói rằng nhà thơ đã dũng cảm khi đem người yêu của mình so sánh với Ba Ngôi thần thánh.

Dante gặp Beatrice lần đầu khi nàng lên 9 tuổi. "Linh hồn của cuộc sống" này đã bao trùm lấy tâm hồn của cậu bé Dante. Beatrice chỉ khẽ nghiêng mái đầu cúi chào mà đã làm cho chàng trai Dante lâng lâng khôn tả. Chàng vội vàng đi về phòng riêng viết bài thơ đầu tiên. Chín năm sau hai người gặp lại nhau. Hễ nhìn thấy Beatrice là Dante lại luống cuống, xúc động, không thể làm chủ được bản thân và tự nhủ lòng sẽ không bao giờ tìm gặp Beatrice nữa. Những chi tiết này được Dante mô tả rất tỉ mỉ trong La Vita Nuova. Sau đó Beatrice đi lấy chồng nhưng tình yêu của Dante đối với nàng vẫn không hề suy giảm. Ngược lại, tình yêu này là nguồn cảm hứng cho Dante viết ra hai kiệt tác La Vita Nuova La Divina Commedia. Beatrice mất năm 1290. Dante khóc suốt một năm ròng và những người đương thời kể rằng họ không bao giờ còn nhìn thấy Dante cười nữa. Dante và Beatrice Portinari trở thành một biểu tượng của tình yêu đôi lứa trong văn chương thế giới như Petrarca Laura de Noves, Tristan Isolt, Romeo và Juliet.

La Divina Commedia (Thần khúc) là một tác phẩm bằng thơ đồ sộ gồm ba phần: Địa ngục, Tĩnh thổ, Thiên đường. Mỗi phần có 33 khúc, cộng 1 khúc mở đầu, tất cả là 100 khúc với 14.233 câu thơ. Người ta vẫn thường gọi La Divina Commedia là "Kinh Thánh của thời Trung cổ". Trong tác phẩm vĩ đại này, Dante đặt ra cho mình một mục đích vĩ đại: giúp loài người thoát khỏi nỗi sợ hãi trước cái chết. Nhiệm vụ này ở thời bấy giờ là vô cùng quan trọng: trong linh hồn con người có một nỗi sợ về những cực hình ở Địa ngục mà người ta vẫn nghe qua những lời rao giảng và thuyết giáo. Khác với những nhà triết học theo trường phái Epicurus, Dante không khuyên người đời quên đi cái chết, hay như những nhà triết học thế kỉ Ánh sáng, khẳng định rằng Địa ngục là do các cha đạo nghĩ ra, Dante tin rằng Địa ngục là có thật và chỉ có sự Can đảm, Danh dự và Tình yêu có thể giúp con người thoát khỏi Địa ngục. Thần khúc mở đầu bằng những lời cay đắng về cái chết của Beatrice nhưng tác giả bỗng nhiên hiểu ra rằng nàng là con người cao thượng, trong trắng và không thể chết. Thế là linh hồn của Beatrice, với sự giúp đỡ của Virgil đã dẫn Dante, và cùng với Dante là người đọc, đi hết các tầng ngục, chứng kiến hết những nỗi kinh hoàng của Địa ngục.

Trên cánh cổng vào Địa ngục có dòng chữ "kẻ vào đây hãy quên niềm hy vọng" nhưng Virgil khuyên Dante hãy quên nỗi sợ hãi, vì rằng chỉ với đôi mắt mở to thì con người mới có thể nhìn ra nguồn gốc của mọi cái ác. Cũng theo Dante thì linh hồn con người có thể bị đày xuống Địa ngục ngay cả khi thân xác còn sống nhởn nhơ nơi dương thế, bởi vì Địa ngục không phải là một địa điểm hay nơi chốn mà Địa ngục là một "trạng thái của lòng người". Người nào sống trong lầm lỗi sẽ rơi vào trạng thái đó. Ngay cả lầm lỗi của lòng thù hận – cả người trả thù và nạn nhân của sự trả thù đều bị đày xuống Địa ngục, và một khi nạn nhân còn căm thù kẻ đã hành hạ mình thì vẫn chưa thể thoát ra khỏi Địa ngục.

La Divina Commedia (Thần khúc) lần đầu tiên được dịch ra tiếng Việt năm 1978. Đó là bản trích dịch 30 khúc của cả 3 phần ra văn xuôi có vần điệu của Khương Hữu Dụng Lê Trí Viễn. Gần đây có bản dịch văn xuôi Thần Khúc trọn bộ của Nguyễn Văn Hoàn (2005 và 2009) và bản dịch thơ Thần Khúc trọn bộ của Hồ Thượng Tuy (chưa in thành sách). Tác phẩm La Vita Nuova (Cuộc đời mới) có một bản dịch của Hồ Thượng Tuy.

Trích Địa ngục, trọn khúc XXXIII[sửa]

Tầng Địa ngục thứ chín, ngục thứ hai (Antênôra),[1]
Ngẩng cái mồm từ đầu lâu gớm ghiếc
Rồi chùi mồm còn nhuốm đầy máu tươi
Vào mớ tóc của bữa ăn khủng khiếp.
 
4 Đoạn nói: “Ngươi muốn ta kể cho ngươi
Nỗi đau tuyệt vọng tim ta vò xé
Khi nghĩ đến, ta không thốt nên lời.
 
7 Nhưng nếu câu chuyện của ta có thể
Tạo thành bản án với kẻ thù này
Thì ta bằng lòng vừa khóc vừa kể.
 
10 Chẳng biết ngươi là ai, bằng cách gì
Mà xuống được đây, nhưng nghe giọng nói
Thì đúng ngươi là dân Phirenxe.
 
13 Ta là Bá tước Ugôlinô một thuở
Còn tên này là Giám mục Rugiêri
Không ngẫu nhiên – một láng giềng như thế.
 
16 Do kết quả độc ác một âm mưu
Tin ở nó, khiến cho ta bị bắt
Rồi bị xử chết, không cần nói nhiều.
 
29 Nhưng có một điều chưa ai biết rõ
Cái chết của ta độc địa nhường nào
Ta căm hận! Ngươi hãy nghe ta kể:
 
22 Một ô cửa nhỏ của một tháp tù
Rồi vì ta mà có tên Tháp đói
Còn nhiều người bị giam giữ sau ta.
 
25 Qua ô cửa bao lần trăng tròn khuyết
Và khi trong cơn ác mộng nặng nề
Xé tấm màn phủ che ngày phía trước.
 
28 Một tên lãnh chúa – ta thấy trong mơ –
Xua con sói và sói con trên núi
Ngăn cách Pida nhìn thấy Lúcca.
 
31 Đàn chó nhanh nhẹn vì được huấn luyện
Bọn Goalăngđi, Xítmôngđi, Lăngphờrăngđi
Tiến lên phía trước dàn thành trận tuyến.
 
34 Bầy chó đuổi người bố và bầy con
Hầu như đã kiệt sức và mệt lử
Những chiếc răng nhọn ngoạm vào mạng sườn.
 
37 Ta đã thức giấc khi vừa rạng sáng
Nghe những đứa con khóc thét trong mơ
Chúng ở bên ta và đang đòi bánh.
 
40 Ngươi không rơi lệ khi nghe những lời
Giờ vẫn làm con tim ta tan nát
Có bao giờ ngươi để nước mắt rơi?
 
43 Bọn trẻ thức giấc, và gần đến giờ
Theo lệ thường chúng được ăn bữa sáng
Nhưng chúng sợ điều đã thấy trong mơ.
 
46 Ta nghe rõ tiếng bịt cửa ra vào
Của tháp tù, ta ngoái nhìn – cửa đóng
Ta nhìn con, không nói được lời nào.
 
49 Ta không khóc nhưng sững sờ hóa đá
Còn chúng khóc, bé Anxêmô hỏi ta:
“Sao cha lại nhìn chúng con như thế?”
 
52 Ta không khóc, im lặng như người câm
Suốt cả ngày và cả đêm sau đó
Đến khi mặt trời quay lại trần gian.
 
55 Tia nắng lọt vào tháp tù đau khổ
Ta nhìn vào sắc mặt những đứa con
Nhận ra sắc mặt của mình như thế.
 
58 Quá xót xa, ta cắn chặt bàn tay
Bọn trẻ nghĩ rằng cha mình đang đói
Chúng đứng dậy và đồng thanh cất lời:
 
61 “Thưa cha, chúng con bớt phần đau khổ
Nếu cha bằng lòng ăn thịt chúng con
Cha lấy lại thịt xương từ cha đó”.
 
64 Ta cố nén, tránh làm đau lòng thêm
Suốt hai ngày, tất cả đều im bặt
Mặt đất nghiệt ngã sao chẳng mở lòng!
 
67 Sang ngày thứ tư Gátđô ngã vật
Xuống chân ta và nức nở kêu lên:
“Cha ơi, sao chẳng cứu con!” – rồi chết.
 
70 Cũng như giờ đây, ngươi nhìn thấy ta
Ta đã nhìn ba đứa kia lần lượt
Chết đói, và ngày thứ sáu thì ta
 
73 Đã mù mắt, ôm chúng trong sợ hãi
Gọi tên con, sau khi chết hai ngày
Rồi đến lượt ta chết vì cái đói”.
 
76 Nói xong lời, hai con mắt ngầu đỏ
Ugôlinô vồ cái sọ thảm thương
Và gặm tiếp, răng sắc như răng chó.
ngục thứ ba (Tôlêmê)
79 Hỡi Pida, ô nhục của mọi người
Miền đẹp tươi, nơi tiếng “xi” vang vọng
Sao láng giềng chậm trễ cực hình ngươi?
 
82 Capraia, Goócgôna, hãy hành động
Hãy chặn lại cửa dòng sông Ácnô
Để dìm chết sau bức tường dân chúng!
 
85 Vì dù Bá tước Ugôlinô có lỗi
Trong việc phản bội thành trì các ngươi
Nhưng con cháu ông làm gì nên tội?
 
88 Tuổi còn trẻ khiến chúng thành vô tội
Thành Têbê mới, Ugucsiôn, Brigata
Và hai người khác thơ ta nhắc tới.
 
91 Chúng tôi đến một nơi băng giá khác
Nghiệt ngã bao trùm lên những âm hồn
Mặt không phải cúi gằm mà lật ngược.
 
94 Những giọt nước mắt ở đây bị chặn
Nỗi khổ đau trong mắt bị ngăn dòng
Chạy ngược vào trong càng thêm đau đớn.
 
97 Những giọt nước mắt đầu tiên đã đông
Thành hai cái mũ lưỡi trai trong suốt
Lấp đầy hố mắt dưới bờ mi cong.
 
100 Giây phút này, cứ ngỡ vì giá lạnh
Mọi cảm xúc đều biến khỏi mặt tôi
Như chỉ còn một làn da chai sạn.
 
103 Tôi cảm thấy như có làn gió thoảng
“Thầy ơi – tôi hỏi – gió từ đâu ra
Vì ở đây không khí đều xẹp xuống?”
 
106 Thầy tôi đáp: “Con sẽ tới nơi đó
Và mắt con sẽ thấy câu trả lời
Sẽ thấy căn nguyên của làn khí đó”.
 
109 Một âm hồn của lạnh giá, đêm đen
Thét lên rằng: “Hỡi những hồn độc ác
Bay được giành riêng buồng ngục cuối cùng.
 
112 Hãy giúp ta gỡ bỏ màn băng cứng
Để nỗi đau bằng giọt lệ tuôn ra
Trước khi băng giá làm cho đông cứng”.
 
115 Tôi trả lời: “Ta sẽ gỡ giùm ngươi
Nhưng ngươi là ai, hãy cho ta biết
Ta chìm dưới băng nếu chẳng giúp ngươi!”
 
118 “Ta là thầy dòng Anbêrigô – hồn đáp –
Người đã gieo trái cây độc trong vườn
Nhận vả chát thay cho chà là ngọt”.
 
121 Tôi kêu lên: “Ô, ngươi chết rồi sao?”
Hồn đáp: “Trên kia, nơi trần thế
Không biết được thân xác ta thế nào.
 
124 Ở đây, xứ Tôlômêa này, theo lệ
Nhiều khi hồn rơi xuống đây, trước khi
Xác được Atrôpốt đưa vào cõi tử.
 
127 Và để ngươi sẽ vui lòng giúp ta
Gỡ ra dòng lệ thủy tinh trên mắt
Nên nhớ: hồn bị phản bội ngay à.
 
130 Như ta đây, xác sẽ bị chiếm đoạt
Bởi con quỷ, nó cai quản xác này
Đến khi hết hạn thời gian cho xác.
 
133 Hồn đi xuống, cho tới khi đến đáy
Có thể người đời chưa biết xác kia
Nhưng hồn đã trong giá băng đông lại.
 
136 Điều đó cần biết nếu ngươi mới đến
Kia là ngài Brăngca Đôria
Ta đã cùng ngài rất nhiều năm tháng”.
 
139 Tôi kêu lên: “Ngươi định lừa ta chăng
Vì Brăngca Đôria chưa chết
Ông vẫn ăn, uống, ngủ, mặc áo quần”.
 
142 Hồn đáp: “Trong vạc nhựa sôi sùng sục
Miken Dăngkê cũng hãy chưa về
Với mặt đất bàn chân chưa đoạn tuyệt.
 
145 Một con quỷ vào xác Brăngca
Dùng xác nó cùng với người thân thích
Chúng vẫn cùng nhau tiếp tục hành nghề.
 
148 Nhưng bàn tay ngươi hãy đưa lên mắt
Gỡ hộ ta!” Nhưng tôi đã không đưa
Tội gì giữ lời với thằng quỷ quyệt.
 
151 Ôi, dân Giênôva, những kẻ dở hơi
Toàn những kẻ đầy thói hư tật xấu
Sao chẳng đuổi bay khỏi mặt đất này?
 
154 Cùng một âm hồn xứ Rômanha
Ta đã thấy một tên trong bọn đó
Hồn đã bị đày xuống ngục Côsitô
 
157 Nhưng xác còn nhởn nhơ nơi dương thế.

Chú thích[sửa]

  1. 13. Bá tước Ugolino - Ugolino della Gherardesca (1210-1289), Bá tước xứ Donoratico và Pisa, từng là trợ thủ chính của vua Enzo. Do những sai lầm chính trị, năm 1288 Tổng giám mục Ruggieri (câu 28-30) kêu gọi dân chúng nổi dậy buộc tội ông là phản bội tổ quốc. Ông bị bắt giam cùng với hai đứa con và hai đứa cháu trong một tháp tù. Bị bỏ chết đói ở đây tháng 5-1289.
    • 28-30. Một tên đồ tể - đây là Ruggieri degli Ubaldini, Tổng giám mục nhà thờ; xua con sói và sói con - chỉ Ugolino và những đứa trẻ; trên dãy núi San Giulano ngăn cách hai thành phố Pisa và Lucca.
    • 32. Bọn Goalăngđi, Xítmôngđi, Lăngphờrăngđi - Gualandi, Sismondi, Lanfranchi - ba dòng họ lớn thuộc phe Ghibellini đã tập hợp lại cùng Ruggieri để chống Ugolino.
    • 38. Những đứa con khóc thét trong mơ - trong nguyên bản viết: những đứa con trai nhưng thực ra Ugolino bị giam cùng hai đứa con trai cuối và hai đứa cháu.
    • 80. Nơi tiếng “xi” vang vọng - si, tiếng Italia có nghĩa là vâng. Nói về nguồn gốc của tiếng Italia. Trong các nước thuộc nhóm ngôn ngữ Rôman (Lingue romanze) người ta vẫn thích dùng tiếng “sì” để chỉ Italia.
    • 81. Sao láng giềng chậm trễ cực hình ngươi - chỉ các thành phố thù địch với Pisa, đặc biệt là Lucca và Firenze.
    • 82. Capraia, Goócgôna, hãy hành động - Caprai, Gorgona là hai đảo nhỏ ở tây bắc bán đảo Elba, nơi sông Arno đổ ra biển, mà thành phố Pisa ở hạ lưu của sông này.
    • 89. Thành Têbê mới - ám chỉ Pisa, theo truyền thuyết là do những người từ Tebe đến lập nên và cũng giống với Tebe ở điểm hành quyết những vị vị chúa tể của mình; Uguicione: con trai; Brigata: cháu của Ugolino.
    • 90. Hai người khác - đây là Anselmuccio (câu 50) và Gaddo (câu 67) của khúc ca này, là cháu và con trai của Ugolino.
    • 91. Chúng tôi đến một nơi băng giá khác - từ đây hai thầy trò đi vào vùng thứ ba của tầng ngục thứ 9 (câu 124).
    • 104. Gió từ đâu ra - thời Trung cổ người ta cho rằng nguyên nhân của gió là do tia nắng mặt trời làm nóng không khí, nên Dante mới hỏi như vậy.
    • 118. Ta là thầy dòng Anbêrigô - Alberigo dei Manfredi, thầy dòng, một thủ lĩnh phe Gulffi ở Faenza có hiềm thù với hai người thân thích là Manfredo và Alberghetto. Một lần Alberigo mời hai người đến dự tiệc, cuối buổi tiệc hắn gọi: “Hãy mang trái cây ra đây!”. Đó là mật hiệu đã định trước, bọn người nhà xông ra giết chết hai người khách. Từ đó có thành ngữ “Trái cây của thầy dòng Alberigo”.
    • 120. Nhận vả chát thay cho chà là ngọt - vì rằng quả chà là (dattero) bao giờ cũng có vị ngọt ngào hơn quả vả (figo), ý nói nỗi cực hình muôn thuở dưới Địa ngục của Alberigo còn kinh khủng hơn cái đau đớn phút chốc mà hắn mang đến cho những người thân thích của mình.
    • 121. Ô, ngươi chết rồi sao? - Dante ngạc nhiên khi gặp Alberigo ở Địa ngục vì thời điểm này (năm 1300) hắn vẫn đang còn sống.
    • 124. Tolomeo (Tolomea) - tên gọi của vòng thứ ba tầng Địa ngục thứ chín, nơi đày ải những tội nhân đã sát hại những người khách đến nhà mình. Tên gọi của vòng ngục này lấy theo tên của Tolomeo di Gerico đã mời Simone Maccabeo, hai con ông này và một số lính hầu đến nhà mình ăn tiệc rồi giết chết tất cả. Câu chuyện này được kể tỉ mỉ trong Kinh Thánh (Macabê 1, XVI, 11-16).
    • 126. Xác được Atrôpốt đưa vào cõi tử - theo thần thoại Hy Lạp, nữ thần Atropos giữ nhiệm vụ cắt sợi chỉ cuộc sống, sợi chỉ bị cắt thì người chết (X, TT., XXI, 25).
    • 137. Branca Doria - X, ĐN., XXII, 88-89 và chú thích tiếp theo.
    • 143-149. Một con quỷ vào xác Brăngca - Branca Doria mời bố vợ là Michel Zanche (X, ĐN., XXII, 88) đến ăn tiệc rồi giết chết với sự giúp đỡ của một đứa cháu. Hồn của Branca Doria xuống Địa ngục còn sớm hơn cả hồn Michel Zanche đã bị giết. Trong cái xác của Branca Doria còn sống, quỷ sứ đã chiếm chỗ của linh hồn ngay sau khi giết người, cả đứa cháu kia cũng vậy.
    • 154. Cùng một âm hồn xứ Rômanha - tức Alberigo dei Manfredi (câu 118).
    • 155. Một tên trong bọn đó - tức là Branca Doria (câu 137).

Xem thêm[sửa]

Liên kết ngoài[sửa]

Liên kết đến đây