Thời kỳ Khai sáng
Thời kỳ Khai minh hay Thời kỳ Khai sáng (tiếng Anh: Age of Enlightenment; tiếng Pháp: Siècle des Lumières), còn gọi là Thế kỷ Ánh sáng, là giai đoạn thế kỷ 18 của triết học phương Tây, hay thời kỳ dài hơn gồm cả Thời đại Lý tính (Age of Reason). Từ này có thể được dùng với nghĩa hẹp hơn để chỉ phong trào của trí thức trong lịch sử, phong trào Khai sáng, phong trào ủng hộ lý tính với vai trò nền tảng căn bản của quyền lực.
Thời kỳ Khai sáng thường được liên hệ chặt chẽ với cuộc Cách mạng Khoa học, do cả hai phong trào đều nhấn mạnh vào lý tính, khoa học hay sự hợp lý, trong khi phong trào Khai sáng còn tìm cách phát triển hiểu biết có hệ thống về các quy luật tự nhiên và thần thánh. Được nguồn cảm hứng từ cuộc cách mạng tri trức khởi đầu bởi Galileo và Newton, trong một bầu không khí ngày càng kém thiện cảm với quyền lực áp chế, trong những cuộc khám phá của mình về cá nhân, xã hội, và nhà nước, các nhà tư tưởng Khai sáng tin rằng có thể áp dụng tư duy có hệ thống cho mọi lĩnh vực của hoạt động con người và đưa nó vào trong phạm vi chính phủ. Những người đi đầu phong trào tin rằng họ sẽ dẫn thế giới vào một tiến trình từ một thời kỳ dài của truyền thống nghi ngờ, sự phi lý, mê tín dị đoan, và độc tài mà họ gọi là Thời kỳ Đen Tối (Dark Ages). Nhà văn thiên tài Pháp Voltaire nổi tiếng là một người chỉ trích việc áp đặt tôn giáo truyền thống, đồng thời là nhà triết học và nhà sử học văn hóa,[1][2] được vị vua kiệt xuất của nước Phổ lúc ấy là Friedrich II Đại Đế rất ưa chuộng.[3] Phong trào đã góp phần tạo ra cơ sở tri thức cho Cách mạng Mỹ và Cách mạng Pháp, phong trào độc lập Mỹ La Tinh, và Hiến pháp Ba Lan ngày 3 tháng 5; và dẫn tới sự nổi lên của chủ nghĩa tự do cổ điển, dân chủ, và chủ nghĩa tư bản.
Phong trào Khai sáng đi kèm các thời kỳ cổ điển và baroque cao trong âm nhạc và thời kỳ tân cổ điển trong nghệ thuật; thời hiện đại chú ý đến phong trào Khai sáng như là một trong những mô hình trung tâm cho nhiều phong trào thời hiện đại.
Phong trào Khai sáng chỉ xảy ra tại Đức, Pháp, Anh, và Tây Ban Nha, nhưng tầm ảnh hưởng của nó lan xa hơn. Nhiều người trong số những người khai sinh ra Hợp chúng quốc Hoa Kỳ đã chịu ảnh hưởng lớn bởi các tư tưởng của thời kỳ Khai sáng, đặc biệt trong lĩnh vực tôn giáo (Thuyết thần giáo tự nhiên) và trong lĩnh vực chính phủ với Hiến pháp và Pháp lệnh về các Quyền (Bill of rights) của Mỹ, song song với Tuyên ngôn về nhân quyền và dân quyền của Pháp.
Lịch sử triết học Khai sáng[sửa]
Triết học Khai sáng là một phong trào quan trọng của triết học thế kỷ 18, với trọng tâm là niềm tin và lòng mộ đạo. George Berkeley, một trong những nhà triết học nổi bật của phong trào này, đã cố gắng chứng minh một cách hợp lý về sự tồn tại của một thực thể tối cao. Bên cạnh các học thuyết chính trị, lòng mộ đạo và niềm tin trong thời kỳ này là một phần không thể thiếu của sự khám phá về triết học tự nhiên và luân lý học. Tuy nhiên, các nhà triết học Khai sáng nổi bật như Thomas Paine, Voltaire, Jean-Jacques Rousseau, Immanuel Kant và David Hume đặt vấn đề và tấn công các thể chế hiện có của cả Giáo hội và Nhà nước. Do chỉ trích Chính phủ và Giáo hội Pháp, nhà triết học vĩ đại Voltaire đã hai lần chịu kiếp tù đày.[4] Thế kỷ 19 còn chứng kiến sự tiếp tục nổi lên của các tư tưởng duy nghiệm và ứng dụng của chúng trong kinh tế chính trị, chính phủ và các khoa học như vật lý học, hóa học, và sinh học.
Thời kỳ Khai sáng nối tiếp Thời đại Lí tính (nếu được coi là một thời kỳ ngắn) hay thời Phục hưng và phong trào Kháng cách (nếu được coi là một thời đại dài). Sau thời Khai sáng là thời kì Lãng mạn. Từ năm 1789, phong trào Cách mạng Pháp bùng nổ, các tác phẩm của Voltaire và Rousseau ảnh hưởng rất lớn đến nhân dân Pháp. Voltaire ủng hộ các văn sĩ phê phán Giáo hội và Quốc vương Pháp đương thời.[4] Ông viết bài thơ ca ngợi chủ nghĩa anh hùng, những cuốn sử xuất sắc, v.v...[5] Ông cũng coi trọng quyền công dân thế giới, đề cao một chính quyền trung ương dựa trên nền tảng của sự tự do. Rousseau đã kêu gọi đưa loài người trở về với tự nhiên, bị Voltaire bỉ bác.[6]
Các ranh giới của thời Khai sáng phủ phần lớn thế kỷ 17, dù một số người gọi thời kỳ trước đó là "Thời đại Lý tính" (The Age of Reason).
Châu Âu đã bị tàn phá bởi các cuộc chiến tranh tôn giáo; khi hòa bình đã được khôi phục, sau Hiệp ước Westphalia và cuộc Nội chiến Anh, một cuộc nổi dậy của trí thức đã lật đổ niềm tin được chấp nhận rộng rãi rằng những điều huyền bí và mặc khải là những nguồn chính yếu cho tri thức và học vấn—người ta cho đây là điều đã khơi mào cho sự bất ổn định về chính trị. Thay vào đó, (theo những người chia đôi hai thời kỳ), Thời đại Lí tính tìm cách thiết lập một nền triết học tiên đề và chủ nghĩa chuyên chế để làm nền móng cho tri thức và sự ổn định. Trong các tác phẩm của Michel de Montaigne và René Descartes, nhận thức luận được dựa trên chủ nghĩa kinh nghiệm cực đoan và sự tìm hiểu sâu về bản chất của "tri thức". Mục đích của một hệ thống triết học dựa trên các tiên đề hiển nhiên đã đạt đến đỉnh cao với tác phẩm Luân lý học của Baruch Spinoza, cuốn sách đào sâu một cách nhìn phiến thần về vũ trụ, nơi Chúa trời và Thiên nhiên là một. Tư tưởng này sau đó đã trở thành trung tâm cho thời Khai sáng, từ Newton tới Jefferson. Các tư tưởng của Pascal, Leibniz, Galileo và các triết gia khác của thời kỳ trước cũng đóng góp và có ảnh hưởng lớn đến thời Khai sáng; ví dụ, theo E. Cassirer, tác phẩm On Wisdom của Leibniz đã "... chỉ ra khái niệm trung tâm của thời Khai sáng và phác ra khung lý thuyết của nó" (Cassirer 1979: 121–123). Có một làn sóng các thay đổi trong tư duy châu Âu, điển hình là triết học tự nhiên của Newton, đó là sự kết hợp giữa ngành toán học của các chứng minh bằng tiên đề với ngành cơ học của các quan sát vật lý, một hệ thống gắn kết của các phán đoán kiểm chứng được, nó đã bắt nhịp cho những gì nối tiếp Philosophiae Naturalis Principia Mathematica của Newton vào thế kỷ sau.
Thời kỳ Khai sáng còn có nhà triết học Pháp Claude-Arien Helvétius. Là một nhà triết học tiến bộ,[7] ông nghiên cứu về hạnh phúc của loài người. Ông cho rằng, hạnh phúc lớn lao của con người là dựa trên nền giáo dục, và một bộ luật xuất sắc. Ông cũng tôn trọng môi trường.[8]
Chủ nghĩa Khai sáng chuyên chế trở thành một nhận thức mới về Nhà nước trong thời kỳ đó.[9] Quốc vương Friedrich II Đại Đế (1712 - 1786), trị vì nước Phổ từ năm 1740 cho đến năm 1786, có lẽ là vị vua sáng suốt nhất trong thời đại Khai sáng.[10] Ông là một vị vua - triết gia, thực hiện chủ nghĩa Khai sáng chuyên chế,[11][12] và ân xá ngay cho nhà triết học tiến bộ Christian von Wolff của trào lưu Khai sáng - một danh sĩ từng bị tiên vương Friedrich Wilhelm I kết án.[13][14] Nước Phổ lớn mạnh,[15] tại chốn kinh kỳ Berlin, trào lưu Khai sáng nở rộ, với nhiều danh sĩ lỗi lạc.[16] Vị vua vĩ đại hay ngự ở cung điện Sanssouci tại thành phố Potsdam - miền cực lạc của các nhà triết học, theo Voltaire.[17] Thời đại Khai sáng còn nổi bật trong lịch sử Do Thái giáo, có lẽ là vì mối liên hệ của nó với sự chấp nhận ngày càng tăng của xã hội một số nước Tây Âu đối với người Do Thái. Trong cuộc Chiến tranh Bảy năm (1756 - 1763) giữa nước Phổ và nhiều nước láng giềng, Quốc vương Friedrich II Đại Đế đã trọng dụng những chuyên gia kinh tế người Do Thái.[18] Không những vậy, ông còn thực hiện chính sách tự do tôn giáo; nhưng do các giáo sĩ Công giáo đã vài lần mưu phản trong cuộc Chiến tranh Bảy năm, sau chiến thắng, ông giảm bớt chính sách này. Song, trong lúc ấy, nước Phổ vẫn là quốc gia Kháng Cách tự do nhất đối với tín đồ Công giáo trên toàn cõi châu Âu.[19]
Vốn có tư tưởng nhân văn,[20] ông là độc giả của đại văn hào Voltaire, cùng với những danh sĩ Leibnitz, Montesquieu, Rousseau, Wolff, v.v...[21][22] Tình bạn của nhà vua và Voltaire nổi tiếng trên toàn thế giới, cả vị vua quyết đoán và nhà văn tài hoa đều ca ngợi nhau.[23] Trong thời kỳ của chủ nghĩa Khai sáng chuyên chế, chiến tranh thường xảy ra. Mọi nước châu Âu đều nhanh chóng làm kiệt quệ nguồn tài nguyên hiếm hoi của mình, do đó một quốc gia bé nhỏ có thể giành thắng lợi nếu chống chịu được.[24] Quốc vương Friedrich II Đại Đế, sau khi đánh bại Áo trong hai cuộc chiến tranh Silesia (1740 - 1745), đánh bại liên quân Áo - Pháp - Nga - Thụy Điển trong cuộc Chiến tranh Bảy năm.[25] Friedrich Nicolai - người xuất bản lừng danh nhất của trào lưu Khai sáng ở kinh đô Berlin, đã ca ngợi những chiến công hiển hách của nhà vua,[26] và thể hiện lòng yêu nước.[27] Thời đó, nước Phổ cũng có nhà triết học nổi tiếng Immanuel Kant,[16] viết về bản chất của trào lưu Khai sáng.[28] Trong luận văn nổi tiếng "Trả lời câu hỏi: Khai sáng là gì ?", Immanuel Kant định nghĩa:
“ | KHAI SÁNG LÀ SỰ THOÁT LY CỦA CON NGƯỜI RA KHỎI TÌNH TRẠNG VỊ THÀNH NIÊN DO CHÍNH CON NGƯỜI GÂY RA. VỊ THÀNH NIÊN là sự bất lực không thể vận dụng trí tuệ của mình một cách độc lập mà không cần sự chỉ đạo của người khác. Tình trạng vị thành niên này là do TỰ MÌNH GÂY RA, một khi nguyên nhân của nó không phải do sự thiếu sót trí tuệ, mà do sự thiếu sót tính cương quyết và lòng can đảm, dám tự mình dùng trí tuệ phục vụ cho mình mà không cần đến sự chỉ đạo của người khác. Sapere aude ! Hãy có can đảm tự sử dụng trí tuệ CỦA CHÍNH MÌNH! đó là câu phương châm của Khai sáng.[29] | ” |
Tấm gương sáng của vị minh quân Friedrich II Đại Đế được Hoàng đế nước Áo là Joseph II và vua nước Thụy Điển là Gustav III noi theo, nhưng họ không có thiên tài xuất sắc như ông, và rồi thất bại.[30] Nhà triết học Helvetius cũng ca ngợi các vị minh quân thời đó, và được nhà vua vời đến kinh thành Berlin vào năm 1764.[31][32]
Niên đại thời kỳ Khai sáng[sửa]
Bản mẫu:Niên đại thời kỳ Khai sáng
Chú thích[sửa]
- ↑ Gerhard Ritter, Frederick the Great: a historical profile, trang 45
- ↑ Jackson J. Spielvogel, Western Civilization: Since 1500
- ↑ Baron Thomas Babington Macaulay Macaulay, Life of Frederick the Great, trang 43
- ↑ 4,0 4,1 N. Jayapalan, Comprehensive History of Political Thought, trang 171
- ↑ Baron Thomas Babington Macaulay Macaulay, Life of Frederick the Great, trang 45
- ↑ N. Jayapalan, Comprehensive History of Political Thought, trang 173
- ↑ John James Clarke, Oriental enlightenment: the encounter between Asian and Western thought, trang 46
- ↑ Ian Cumming, Helvetius: his life and place in the history of educational thought, trang 142
- ↑ Heinrich Von Treitschke, George Haven Putnam, Doughlas Sladen, Confessions of Frederick the Great and the Life of Frederick the Great, trang 174
- ↑ James C. Humes, My fellow Americans: presidential addresses that shaped history, trang 7
- ↑ Heinrich Von Treitschke, George Haven Putnam, Doughlas Sladen, Confessions of Frederick the Great and the Life of Frederick the Great, trang 137
- ↑ Gerhard Ritter, Frederick the Great: a historical profile, trang 149
- ↑ Gerhard Ritter, Frederick the Great: a historical profile, trang 20
- ↑ Gerhard Ritter, Frederick the Great: a historical profile, trang 74
- ↑ Christopher M. Clark, Iron kingdom: the rise and downfall of Prussia, 1600-1947, trang 183
- ↑ 16,0 16,1 Christopher M. Clark, Iron kingdom: the rise and downfall of Prussia, 1600-1947, trang 250
- ↑ Baron Thomas Babington Macaulay Macaulay, Life of Frederick the Great, trang 129
- ↑ Gerhard Ritter, Frederick the Great: a historical profile, trang 125
- ↑ Heinrich Von Treitschke, George Haven Putnam, Doughlas Sladen, Confessions of Frederick the Great and the Life of Frederick the Great, trang 147
- ↑ Heinrich Von Treitschke, George Haven Putnam, Doughlas Sladen, Confessions of Frederick the Great and the Life of Frederick the Great, trang 7
- ↑ Christopher M. Clark, Iron kingdom: the rise and downfall of Prussia, 1600-1947, trang 184
- ↑ Gerhard Ritter, Frederick the Great: a historical profile, trang 46
- ↑ Heinrich Von Treitschke, George Haven Putnam, Doughlas Sladen, Confessions of Frederick the Great and the Life of Frederick the Great, trang 15
- ↑ Gerhard Ritter, Frederick the Great: a historical profile, trang 126
- ↑ Gerhard Ritter, Frederick the Great: a historical profile, trang 127
- ↑ Christopher M. Clark, Iron kingdom: the rise and downfall of Prussia, 1600-1947, trang 227
- ↑ Christopher M. Clark, Iron kingdom: the rise and downfall of Prussia, 1600-1947, trang 228
- ↑ Christopher M. Clark, Iron kingdom: the rise and downfall of Prussia, 1600-1947, trang 247t
- ↑ Trả lời câu hỏi: Khai sáng là gì?, Immanuel Kant, www.talawas.org
- ↑ Baron Thomas Babington Macaulay Macaulay Life of Frederick the Great, trang 255
- ↑ Baron Thomas Babington Macaulay Macaulay, Life of Frederick the Great, trang 251
- ↑ Raymond Garfield Gettell, History of political thought, trang 281
Tham khảo[sửa]
- Gerhard Ritter, Frederick the Great: a historical profile, University of California Press, 1968.
- Christopher M. Clark, Iron kingdom: the rise and downfall of Prussia, 1600-1947, Harvard University Press, 2006. ISBN 0-674-02385-4.
- Heinrich Von Treitschke, George Haven Putnam, Doughlas Sladen, Confessions of Frederick the Great and the Life of Frederick the Great, The Minerva Group, Inc., 2001. ISBN 0-89875-536-0.
- Kelso Chetosky, She Officially Hates Social Studies, Hinsdale Central 2007
- Baron Thomas Babington Macaulay Macaulay, Life of Frederick the Great, Delisser & Procter, 1859.
- Jackson J. Spielvogel, Western Civilization: Since 1500, Cengage Learning, 2008. ISBN 0-495-50287-1.
- James C. Humes, My fellow Americans: presidential addresses that shaped history, Greenwood Publishing Group, 1992. ISBN 0-275-93507-8.
- N. Jayapalan, Comprehensive History of Political Thought, Atlantic Publishers & Distributors, 2001. ISBN 81-269-0073-3.
- Jonathan Hill, Faith in the Age of Reason, Lion/Intervarsity Press 2004
- Ernst Cassirer, The Philosophy of the Enlightenment, Princeton University Press 1979
- Raymond Garfield Gettell, History of political thought, The Century Co., 1924.
- John James Clarke, Oriental enlightenment: the encounter between Asian and Western thought, Routledge, 1997. ISBN 0-415-13376-9.
- Ian Cumming, Helvetius: his life and place in the history of educational, Routledge, 2003. ISBN 0-415-17765-0.
- Mark Hulluing Autocritique of Enlightenment: Rousseau and the Philosophes 1994
- Gay Peter. The Enlightenment: An Interpretation. New York: W. W. Norton & Company, 1996
- Redkop, Benjamin, The Enlightenment and Community, 1999
- Melamed, Yitzhak Y, Salomon Maimon and the Rise of Spinozism in German Idealism, Journal of the History of Philosophy, Volume 42, Issue 1
- Porter, Roy The Enlightenment 1999
- Jacob, Margaret Enlightenment: A Brief History with Documents 2000
- Thomas Munck Enlightenment: A Comparative Social History, 1721-1794
- Arthur Herman How the Scots Invented the Modern World: The True Story of how Western Europe's Poorest Nation Created Our World and Everything in It 2001
- Stuart Brown ed., British Philosophy in the Age of Enlightenment 2002
- Alan Charles Kors, ed. Encyclopedia of the Enlightenment. 4 volumes. Oxford: Oxford University Press, 2003
- Buchan, James Crowded with Genius: The Scottish Enlightenment: Edinburgh's Moment of the Mind 2003
- Louis Dupre The Enlightenment & the Intellctural Foundations of Modern Culture 2004
- Himmelfarb, Gertrude The Roads to Modernity: The British, French, and American Enlightenments, 2004
- Stephen Eric Bronner Interpreting the Enlightenment: Metaphysics, Critique, and Politics, 2004
- Stephen Eric Bronner The Great Divide: The Enlightenment and its Critics
- Henry F. May The Enlightenment in America (New York: Oxford University Press, 1976)
Liên kết đến đây
- Tin Lành
- Adam Smith
- Cách mạng Pháp
- Châu Âu
- Cộng hòa
- Chủ nghĩa tự do
- Chủ nghĩa xã hội
- Dante Alighieri
- Do Thái giáo
- Francisco de Goya
- Xem thêm liên kết đến trang này.