Cách mạng Pháp

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Cách mạng Pháp (; 1789–1799), là một sự kiện quan trọng trong lịch sử Pháp, diễn ra từ năm 1789 đến 1799, khi lực lượng dân chủ cộng hòa đã lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế và cả Giáo hội Công giáo Rôma tại Pháp cũng đã phải trải qua nhiều thay đổi.[1] Tuy thể chế của Pháp đã trải qua các giai đoạn cộng hòa, đế quốc, và quân chủ trong 75 năm sau khi Đệ nhất Cộng hòa bị Napoléon Bonaparte đảo chính, cuộc cách mạng này đã kết thúc chế độ phong kiến trong xã hội Pháp. Nó được xem là quan trọng hơn các cuộc cách mạng khác tại Pháp sau này. Nó cũng làm giảm xu hướng chuyên chế và đề cao sức mạnh của nhân dân, biến họ từ thần dân thành công dân. Sức ảnh hưởng của cuộc Cách mạng Pháp rất lớn lao, nhất là đối với các quốc gia theo chế độ phong kiến thời bấy giờ.

Trong khoảng thời gian từ năm 1760 tới năm 1840, vai trò của nước Pháp trên thế giới rất quan trọng. Ảnh hưởng của người Pháp đã tới các xứ Ái Nhĩ Lan, Ba Lan, Hà Lan, Ý và nhiều miền đất khác. Pháp đã là trung tâm của các phong trào trí thức trong thế kỷ 18. Khoa học của nước Pháp đã dẫn đầu thế giới. Phần lớn các tác phẩm văn hóa và chính trị đều được viết bằng tiếng Pháp được các nhà trí thức thuộc nhiều quốc gia tìm đọc và các ý tưởng, sáng kiến, phát minh của người Pháp được các dân tộc khác trên thế giới theo dõi và bắt chước. Tiếng Pháp đã là một ngôn ngữ quốc tế, dùng cho các nhà trí thức và giới quý tộc của nhiều quốc gia tại châu Âu.

Nước Pháp với dân số 24 triệu người vào giữa thế kỷ 18, là một miền đất giàu có nhất và đông dân nhất dưới quyền một chính phủ trung ương trong khi vào thời gian này, nước Đức còn bị chia rẽ, nước Nga mới chỉ đang trỗi dậy chậm chạp còn dân số của cả nước Anh Scotland cộng lại mới được 10 triệu người. Thành phố Paris tuy nhỏ hơn so với thành phố Luân Đôn về diện tích nhưng lại rộng gấp hai lần các thành phố Wien Amsterdam. Tiền vàng của nước Pháp được lưu hành khắp châu Âu và chiếm một nửa số lượng ngoại tệ giao dịch, và số lượng hàng hóa xuất cảng của nước Pháp qua các nước khác của châu Âu đã lớn hơn số lượng hàng hóa của nước Anh. Nhưng trong hoàn cảnh phát triển với ảnh hưởng rộng lớn như vậy, cuộc Cách mạng Pháp đã bùng nổ, làm rung động cả châu Âu, đã lật đổ chế độ cũ bằng một thứ "xã hội mới" và là một khuôn mẫu mà các phong trào cách mạng sau này hướng vào, coi cuộc Cách Mang Pháp năm 1789 là một cách mạng đi trước. Tuy nhiên, cuộc Cách mạng Pháp được cho là nguyên nhân làm suy vong ảnh hưởng của Pháp trên toàn châu Âu, mà sau đó, Anh đã lấp dần chỗ hổng để trở thành thế lực dẫn đầu châu Âu sau này.

Nguyên nhân[sửa]

Xem chi tiết: Nguyên nhân của cuộc Cách mạng Pháp

Tình hình kinh tế[sửa]

Về nông nghiệp: Cuối thế kỉ XVIII, Pháp vẫn là một nước nông nghiệp. Công cụ và phương thức canh tác thô sơ, lạc hậu, ruộng đất bỏ hoang nhiều năng suất thu hoạch rất thấp. Dân cư chủ yếu sống bằng nghề nông. Nông dân nhận ruộng đất của lãnh chúa để cày cấy và phải nộp địa tô hết sức nặng nề, phải thực hiện mọi nghĩa vụ phong kiến với lãnh chúa. Đời sống nông dân ngày càng khốn quẫn bởi sự bóc lột đến cùng cực của lãnh chúa phong kiến và Giáo hội. Nạn đói thường xuyên xảy ra.

Công thương nghiệp phát triển, máy móc được sử dụng ngày càng nhiều, đặc biệt trong công nghiệp dệt, khai khoáng, luyện kim với những xí nghiệp tập trung hàng nghìn công nhân. Ngoại thương cũng có những bước tiến mới, các công ti thương mại Pháp buôn bán với nhiều nước ở châu Âu và phương Đông. Công thương nghiệp Pháp thời kì này đã phát triển, tập trung ở các vùng ven Địa Trung Hải và Đại Tây Dương. Nhưng chế độ phong kiến chuyên chế đã cản trở sự phát triển của công, thương nghiệp: thuế má nặng, không có đơn vị tiền tệ đo lường thống nhất, sức mua của dân nghèo rất hạn chế.

Tình hình chính trị xã hội[sửa]

Đến cuối thế kỉ XVIII, nước Pháp vẫn duy trì chế độ quân chủ chuyên chế (đứng đầu là vua Louis XVI). Xã hội chia thành ba đẳng cấp: Tăng lữ, Quý tộc và Đẳng cấp thứ ba. Hai đẳng cấp đầu tuy chỉ chiếm số ít trong dân cư, nhưng được hưởng mọi đặc quyền, đặc lợi, không phải nộp thuế, có nhiều bổng lộc và giữ những chức vụ cao trong chính quyền, quân đội và Giáo hội. Do vậy, họ muốn duy trì quyền lực của phong kiến và không muốn thay đổi chế độ chính trị. Đẳng cấp thứ ba gồm nhiều giai cấp và tầng lớp: tư sản, nông dân, bình dân thành thị. Họ phải chịu mọi thứ thuế và nghĩa vụ, song không có quyền lợi chính trị và bị lệ thuộc vào những đẳng cấp có đặc quyền. Như vậy, đến cuối thế kỉ XVIII, do mâu thuẫn về quyền lợi kinh tế và địa vị chính trị giữa Đảng cấp thứ ba với đẳng cấp Tăng lữ và Quý tộc, nước Pháp lâm vào cuộc khủng hoảng xã hội sâu sắc, báo hiệu một cuộc cách mạng đang đến gần.

Sau cuộc Chiến tranh Bảy năm (1756 - 1763), nền quân chủ Pháp suy thoái nghiêm trọng, trong khi những liệt cường phía Đông là Nga, Phổ Áo lại phát triển lớn mạnh, trong khi Anh đã vươn lên trở thành đối thủ khó ưa của Pháp.[2][3] Nhiều yếu tố dẫn tới cuộc cách mạng; về một số mặt chế độ cũ không còn chống đỡ nổi tính cứng nhắc của chính nó đối diện với một thế giới đang thay đổi; một số mặt khác, nó rơi vào những tham vọng của một tầng lớp trưởng giả đang nổi lên, cộng với sự lo lắng của những người nông dân, người làm công ăn lương, và các cá nhân ở mọi tầng lớp đang chịu ảnh hưởng từ những tư tưởng của thời đại Khai sáng. Khi cách mạng diễn ra và khi quyền lực được trao từ tay triều đình cho các thể chế luật pháp, những xung đột quyền lợi của các nhóm liên minh ban đầu đó đã trở thành nguồn gốc của xung đột và đổ máu.

Chắc chắn, các nguyên nhân của cách mạng phải bao gồm tất cả những điều sau:

  • Sự oán giận đối với chế độ quân chủ chuyên chế đương thời.
  • Sự oán giận đối với hệ thống lãnh chúa từ phía những người nông dân, làm công ăn lương, và ở một mặt rộng hơn cả của tầng lớp trưởng giả.
  • Sự nổi lên của các tư tưởng của thời đại ánh sáng.
  • Nợ quốc gia không thể kiểm soát nổi, có nguyên nhân từ việc tăng thêm gánh nặng của một hệ thống thuế rất lớn.
  • Sự thiếu thốn thức ăn vào những tháng ngay trước khi cách mạng nổ ra.[4]
  • Sự oán giận đối với tầng lớp quý tộc đặc quyền và sự thống trị đối với cuộc sống công cộng từ phía những tầng lớp chuyên nghiệp đầy tham vọng.
  • Ảnh hưởng của Cách mạng Hoa Kỳ.
Tập tin:Declaration of Human Rights.jpg
Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền.

Hoạt động tiền cách mạng đã bắt đầu khi vua Louis XVI của Pháp (trị vì từ 17741792) đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính hoàng gia. Nhà vua Pháp, và về mặt tài chính cũng là quốc gia Pháp, có những món nợ rất lớn. Trong thời vua Louis XV (trị vì từ 17151774) và Louis XVI nhiều bộ trưởng, gồm cả Nam tước Turgot (Bộ trưởng Tài chính 1774–1776) và Jacques Necker (Bộ trưởng Tài chính 1777–1781), đều không thành công trong việc đưa ra cải cách nhằm biến hệ thống thuế của Pháp trở nên đồng đều hơn. Các biện pháp đó luôn bị phản đối từ phía "hội đồng nhà vua" (tòa án), dân "Quý tộc," vốn tự coi mình là những người bảo vệ quốc gia chống lại chế độ chuyên quyền, cũng như khỏi các bè phái của triều đình, và cả các bộ trưởng mất chức. Charles Alexandre de Calonne, người đã trở thành Bộ trưởng Tài chính năm 1783, theo đuổi một chiến lược chi tiêu minh bạch, coi đó là phương tiện để thuyết phục những ông chủ nợ tiềm tàng về sự đáng tin cậy và ổn định của nền tài chính Pháp.

Tuy nhiên, Calonne, từ lâu đã theo dõi tình hình tài chính của Pháp, đã quyết định rằng nó vẫn có thể cứu vãn được và đưa ra một loại thuế đất đai thống nhất coi đó là phương tiện để đưa tài chính Pháp vào khuôn khổ về dài hạn. Trước mắt, ông hy vọng rằng một sự biểu thị ủng hộ từ phía Hội đồng quý tộc được chọn lọc kỹ lưỡng sẽ lấy lại được lòng tin vào tài chính Pháp, và cho phép vay mượn thêm cho tới khi thuế đất đai mang lại hiệu quả và cho phép bắt đầu trả nợ.

Mặc dù Calonne đã thuyết phục nhà vua về sự cần thiết của những cải cách của ông, Hội đồng quý tộc đã từ chối tán thành các biện pháp của ông, đòi hỏi rằng chỉ một chỉ một cơ cấu đại diện thực sự; tốt nhất là États Généraux (Hội nghị các Đẳng cấp) của vương quốc, mới có thể thông qua luật thuế mới. Nhà vua, thấy rằng chính Calonne là một trở ngại đã cách chức ông và thay bằng Étienne Charles de Loménie de Brienne, vị Tổng giám mục Toulouse, người sau này là lãnh đạo phe đối lập trong Quốc hội. Brienne lúc ấy đã có được vị trí mở rộng để tiến hành cải cách, trao cho dân chúng nhiều quyền dân sự (gồm cả tự do tôn giáo với phái Tin lành), và hứa hẹn triệu tập hội nghị đại diện các đẳng cấp trong năm năm, nhưng trong lúc ấy ông cũng cố gắng thúc đẩy các kế hoạch của Calonne. Khi các biện pháp này được đưa ra trước "Hội đồng Nhà vua" tại Paris (một phần cũng phải nhờ đến sự không lịch thiệp của nhà vua), Brienne phản đối, gắn sức giải tán toàn bộ Hội đồng và thu thêm các loại thuế mà không cần quan tâm tới họ. Điều này đã dẫn tới một sự phản ứng rộng lớn từ nhiều nơi trong đất Pháp, gồm cả "Ngày của những viên ngói" nổi tiếng ở Grenoble. Thậm chí quan trọng hơn, sự hỗn loạn khắp đất nước đã làm các nhà cho vay ngắn hạn, mà ngân khố Pháp phải phụ thuộc vào và từng ngày một phải thuyết phục họ ngừng rút các khoản nợ, đưa lại một tình trạng gần như phá sản buộc Louis và Brienne phải đầu hàng.

Ngày 8 tháng 8 năm 1788 nhà vua đồng ý triệu tập hội nghị bất thường États Généraux vào tháng 5 năm 1789 — lần đầu tiên kể từ 1614. Brienne từ chức vào ngày 25 tháng 8, 1788, và Necker một lần nữa lại gánh vác trọng trách tài chính quốc gia. Ông đã sử dụng vị trí của mình để đề xuất các cải cách mới, nhưng chỉ để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ của các đại diện quốc gia.

Hội nghị đại diện các Đẳng cấp năm 1789[sửa]

Để có miêu tả chi tiết hơn về các sự kiện từ 8 tháng 8, 1788 17 tháng 6, 1789, xem Hội nghị các Đẳng cấp năm 1789.

Việc kêu gọi triệu tập Hội nghị các Đẳng cấp dẫn tới sự gia tăng lo ngại từ phía đối lập rằng chính phủ sẽ cố gắng triệu tập một hội nghị với thành phần có lợi cho họ. Nhằm tránh tình trạng này, "Hội đồng Nhà vua" của Paris, vốn đã trở về vai trò quyền lực tại thành phố trong thắng lợi, tuyên bố rằng Hội nghị phải được triệu tập theo những cách thức đã được tiến hành như ở lần Hội nghị trước. Mặc dầu có vẻ rằng các thành viên Hội đồng Paris không nhận thức đầy đủ về "những cách thức năm 1614" khi họ đưa ra quyết định này, nhưng nó đã gây nên một sự xáo động. Hội nghị năm 1614 bao gồm số lượng đại biểu ngang nhau từ mỗi đẳng cấp, và trật tự là, Đẳng cấp thứ nhất (tăng lữ), Đẳng cấp thứ hai (quý tộc), và Đẳng cấp thứ ba (bao gồm tầng lớp Đại tư sản, tư sản công thương, tiểu tư sản và các tầng lớp nhân dân nghèo) và mỗi đẳng cấp (toàn thể tất cả các đại biểu thuộc đẳng cấp đó) được bầu một phiếu.Hầu như ngay lập tức "Ủy ban Ba mươi", một tổ chức những người Paris tự do, đa số là quý tộc, bắt đầu kích động chống lại nó, đòi phải tăng gấp đôi Đẳng cấp thứ ba và bầu theo đầu phiếu (như đã từng được thực hiện ở nhiều hội đồng địa phương). Hội đồng Nhà vua tại Paris nhanh chóng phản công lại, tuyên bố rằng chỉ các quy trình bầu cử; những người được ủy quyền được bầu cử bởi những "Quan án quản hạt" và "hội đồng nhà vua" tại các địa phương chứ không phải bởi các tỉnh; mới cần được quyết định bởi kiểu năm 1614. Necker, thay mặt cho chính phủ, cuối cùng đi đến kết luận là Đẳng cấp thứ ba cần phải được tăng lên gấp đôi, nhưng vấn đề bầu theo đầu phiếu vẫn phải để lại cho Hội nghị tự giải quyết. Nhưng những sự oán giận từ cuộc tranh cãi đó vẫn còn rất lớn, và những cuốn sách mỏng, như của Abbé Sieyès Đẳng cấp thứ ba là gì, tuyên truyền rằng các đẳng cấp được ưu tiên là những kẻ ăn bám và rằng chính các đại biểu của Đẳng cấp thứ ba mới là đại diện quốc gia, làm cho những sự oán giận đó vẫn tồn tại.

Khi Hội nghị được triệu tập ở Versailles vào ngày 5 tháng 5 năm 1789, những bài phát biểu dài của Necker và Lamoignon, người giữ các con dấu, không hướng dẫn được gì nhiều cho các đại biểu, họ lại phải quay lại các cuộc họp nhóm để ủy nhiệm cho các thành viên của mình. Vấn đề bầu cử theo đầu phiếu hay theo đẳng cấp không được đặt ra, nhưng các đại biểu Đẳng cấp thứ ba lúc ấy yêu cầu lá phiếu của một đẳng cấp chỉ có giá trị khi đại diện cho toàn thể các đại biểu của đẳng cấp đó tại Hội nghị. Tuy nhiên, những cuộc thương lượng giữa các đại biểu tại Hội nghị của các đẳng cấp thứ nhất và thứ hai để hoàn thành việc này không mang lại kết quả, vì chỉ có một đa số không đáng kể tăng lữ và đa số lớn hơn các quý tộc tiếp tục ủng hộ việc bầu cử theo đẳng cấp.

Quốc hội[sửa]

Vào 28 tháng 5 năm 1789, giáo sĩ Emmanuel Joseph Sieyès đề nghị rằng các đại biểu Đẳng cấp thứ ba, hiện đang hội họp như các "Nhóm bình dân" (Commons), tiến hành xác minh những quyền lực của chính mình và mời hai nhóm đại biểu của hai đẳng cấp kia tham gia, nhưng không phải chờ đợi họ. Họ đã tiến hành như vậy, hoàn thành quá trình vào 17 tháng 6[5]. Sau đó họ bỏ phiếu ủng hộ một biện pháp cơ bản hơn, tuyên bố họ là Quốc hội, một cơ quan đại diện không phải là của các đẳng cấp mà là của "nhân dân". Đạo luật đầu tiên của quốc hội là Tuyên bố Dân quyền và Nhân quyền. Họ đã mời các đại biểu của các đẳng cấp trên tham gia cùng họ, nhưng nói rõ rằng họ có ý định tiến hành các công việc quốc gia dù có hay không có sự tham gia của các đại biểu kia.

Louis XVI đóng cửa Phòng quốc gia nơi Quốc hội họp. Quốc hội chuyển những cuộc bàn cãi của mình ra ngoài sân Jeu de Paume của vua, nơi họ tiến hành Lời tuyên thệ Jeu de Paume (20 tháng 6, 1789), theo đó họ đồng ý không trở về cho tới khi lập ra được một hiến pháp cho nước Pháp. Đa số các đại diện của giới tăng lữ nhanh chóng gia nhập với họ, cùng với bốn bảy thành viên giới quý tộc. Tới 27 tháng 6 phe hoàng gia đã công khai nhượng bộ, mặc dù quân đội bắt đầu kéo tới với số lượng đông đảo quanh Paris và Versailles. Các thông điệp ủng hộ Quốc hội bay tới từ Paris và các thành phố khác của Pháp. Ngày 9 tháng 7, Quốc hội tự tổ chức lại thành Quốc hội lập hiến.

Ở Paris, Cung điện hoàng gia và những khoảng đất của nó đã trở thành nơi tụ họp của nhiều cuộc tụ tập liên tục. Một số quân đội quay sang phía chính nghĩa của dân chúng.

Quốc hội lập hiến[sửa]

Đột chiếm ngục Bastille[sửa]

Vào ngày 11 tháng 7, 1789, vua Louis, dưới ảnh hưởng của các quý tộc bảo thủ trong Hội đồng Cơ mật, cũng như của vợ ông, Marie Antoinette, và em trai, Quận công Artois, trục xuất vị bộ trưởng cải cách Necker và tái cơ cấu lại tất cả các bộ. Đa phần Paris coi đó là sự khởi đầu của cuộc đảo chính của hoàng gia, đã nổi loạn. Một số lực lượng quân đội tham gia vào đám đông dân chúng; một số khác thì đứng trung lập.

Ngày 14 tháng 7, 1789, sau bốn giờ xung đột, quân khởi nghĩa chiếm được ngục Bastille. Mặc dù có lệnh ngừng chiến để tránh sự tàn sát lẫn nhau, vị quan giám ngục ở đó là Hầu tước Bernard de Launay và nhiều lính gác vẫn bị giết. Đám đông đem đầu quan giám ngục cắm cọc mang đi diễu hành quanh thành phố. Tuy những người Paris chỉ giải thoát cho bảy tù nhân (bốn kẻ lừa đảo, hai công tử quý tộc bị giam do đạo đức xấu, và một nghi phạm giết người) nhưng Bastille vẫn được coi là một biểu tượng hùng hồn của tất cả những gì bị căm ghét của "chế độ cũ". Quay trở về Tòa thị chính, đám đông buộc tội vị prévôt des marchands (tương đương chức thị trưởng) Jacques de Flesselles là kẻ phản bội; ông bị giết ngay trên đường đến một nơi có vẻ là một tòa án ở Cung điện hoàng gia Palais Royal.

Nhà vua và những kẻ ủng hộ trong quân đội lùi bước, ít nhất là ở thời điểm đó. Hầu tước Lafayette đảm nhiệm chỉ huy Cảnh vệ quốc gia ở Paris; Jean-Sylvain Bailly — chủ tịch Quốc hội vào lúc đó của Lời tuyên thệ Jeu de Paume — trở thành thị trưởng thành phố dưới một cơ cấu chính quyền mới được gọi là "công xã" (thay cho Hội đồng Nhà vua tại Paris). Nhà vua tới Paris, nơi mà vào ngày 27 tháng 7, ông chấp nhận một phù hiệu tam tài (ba màu) giữa lúc dân chúng hô "Quốc gia muôn năm" thay vì "Đức vua muôn năm".

Tuy nhiên, sau cuộc bạo lực này, các quý tộc; vẫn được đảm bảo chút ít bởi sự hòa giải tạm thời, giữa nhà vua và người dân; đã bắt đầu giải phóng đất nước khỏi những kẻ "nhập cư", một số họ bắt đầu âm mưu tiến hành nội chiến bên trong vương quốc và xúi giục liên minh châu Âu chống lại nước Pháp.

Necker được gọi trở lại nắm quyền, nhưng thắng lợi của ông chóng tàn. Là một nhà tài chính khôn ngoan hơn là một chính trị gia khôn khéo, ông đã quá nhấn mạnh vai trò của mình bằng cách yêu cầu và giành được một sự ân xá chung, đánh mất phần lớn sự ủng hộ của nhân dân. Ông còn cho rằng mình có thể tự cứu nước Pháp.

Giới quý tộc không yên tâm với sự hòa giải bề ngoài giữa nhà vua và dân chúng. Họ bắt đầu chạy ra nước ngoài, một số bắt đầu âm mưu nội chiến và kêu gọi một liên minh châu Âu chống Pháp.

Đến cuối tháng 7, khởi nghĩa và tinh thần chủ quyền nhân dân lan ra khắp nước Pháp. Tại các vùng nông thôn, rất nhiều người có hành động quá mức: một số đốt các chứng từ nợ và đốt phá không ít các lâu đài, coi chúng là một phần của một cuộc tổng khởi nghĩa nông dân được gọi là La Grande Peur (Sự sợ hãi vĩ đại). Thêm vào đó, âm mưu tại triều đình Versailles và số lượng lớn người lang thang do thất nghiệp đã dẫn đến các tin đồn bừa bãi và sự hoang tưởng (đặc biệt ở nông thôn), gây ra sự lo sợ và rối loạn trong nước, góp phần vào La Grande Peur (Hibbert, 93).

Bãi bỏ chế độ phong kiến[sửa]

Để có thêm chi tiết, xem Cách mạng Pháp từ sự bãi bỏ chủ nghĩa phong kiến đến Hiến pháp dân sự của giới tăng lữ-Sự bãi bỏ chế độ phong kiến

Ngày 4 tháng 8 năm 1789, Quốc hội bãi bỏ chế độ phong kiến, dẹp bỏ cả các quyền của lãnh chúa của Đẳng cấp thứ hai và các loại thuế thập phân của Đẳng cấp thứ nhất. Trong vòng vài giờ, các quý tộc, tăng lữ, các thị trấn, tỉnh lỵ, các công ty và các thành thị mất đi quyền ưu tiên của mình.

Bớt ảnh hưởng của Giáo hội Công giáo Rôma[sửa]

Cuộc cách mạng đã đem lại sự chuyển dịch quyền lực lớn từ Giáo hội Công giáo La Mã sang Nhà nước. Luật ban hành năm 1790 bao gồm cả việc bãi bỏ quyền đánh thuế trên vụ mùa (còn được gọi là "dîme") của Giáo hội, việc xóa bỏ những đặc quyền của giới giáo sĩ, và sung công tài sản Giáo hội, người sau đó sở hữu nhiều đất đai nhất trên toàn quốc. Đi cùng với cuộc cách mạng là cú phản đòn dữ dội về phe giáo chức mà kèm theo đó là bắt bớ và thảm sát các linh mục trên toàn đất Pháp. Điều ước năm 1801 giữa Quốc hội và Giáo hội đã chấm dứt thời kỳ bài Công giáo và thiết lập nên những luật lệ cho mối quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và Nhà nước Pháp. Điều ước này tồn tại cho đến khi bị hủy bỏ bởi nền Đệ Tam Cộng hòa nước Pháp để tách biệt giữa Giáo hội và nhà cầm quyền vào ngày 11 tháng 12 năm 1905.

Sự hình thành các đảng phái[sửa]

Các bè phái trong Quốc hội bắt đầu lộ rõ hơn. Quý tộc Jacques Antoine Marie de Cazalès và đức cha Jean-Sifrein Maury dẫn đầu một phe sau này được gọi là cánh hữu, chống lại cách mạng. Những nhà "dân chủ bảo hoàng" hay còn gọi là monarchiens, liên kết với Necker lại thiên về tổ chức một nước Pháp tương tự như mô hình nước Anh Quân chủ lập hiến. Họ bao gồm Jean Joseph Mounier, Bá tước Lally-Tollendal, Bá tước Clermont-Tonnerre Pierre Victor Malouet, Bá tước của Virieu. Đảng Quốc gia, đại diện cho thành phần trung hữu của Quốc hội, bao gồm Honoré Mirabeau, La Lafayette và Bailly; trong khi Adrien Duport, Antoine Barnave Alexander Lameth đại diện cho quan điểm cực hữu hơn. Hầu như đơn độc với thuyết cấp tiến bên cánh tả là luật sư Maximilien Robespierre.

Cha Emmanuel Joseph Sieyès đi đầu trong đề xuất lập pháp trong giai đoạn này và đã đôi lúc thành công trong việc đem lại sự đồng lòng giữa thành phần trung lập và cánh tả.

Ở Paris, nhiều hội đồng, thị trưởng, hội đồng đại biểu và các quận riêng biệt đều đòi hỏi quyền độc lập lẫn nhau. Tầng lớp trung lưu đang trên đà phát triển. Đội Cảnh vệ Quốc gia dưới sự dẫn dắt của La Lafayette từ từ nổi lên như một thế lực chính trị độc lập tương tự như các hội nhóm tự phát khác.

Trên cơ sở tham khảo Bản tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ vào ngày 26 tháng 8 năm 1789, Quốc hội ban hành Tuyên ngôn về nhân quyền và quyền công dân. Tương tự như tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ, bản tuyên ngôn này chỉ bao gồm những tuyên bố nguyên tắc hơn là một bản hiến pháp có hiệu lực thực thụ.

Đến một hiến pháp[sửa]

Xem thêm chi tiết tại Tiến đến một hiến pháp

Quốc hội lập hiến không chỉ hoạt động như một cơ quan lập pháp mà còn như một thực thể thống nhất để soạn thảo một hiến pháp mới.

Necker, Mounier, Lally-Tollendal đã đầu tranh để thành lập một thượng viện nhưng không thành công. Thượng viện do họ đề nghị gồm những thành viên được chọn bởi hoàng gia từ những người được nhân dân đề cử. Giới quý tộc đòi hỏi phải có một Thượng viện được bầu cử từ những người có dòng dõi. Nhưng chính đảng được yêu chuộng nhất mới giành được lợi thế: nước Pháp sẽ có một Quốc hội với một viện duy nhất. Trong đó nhà vua chỉ có quyền "phủ quyết tạm thời": có thể hoãn việc đưa một dự luật vào thi hành, nhưng không thể phủ quyết hoàn toàn.

Nhân dân Paris đã đánh bại mọi nỗ lực của phe bảo hoàng nhằm chống lại trật tự xã hội mới: họ đã tuần hành trên đại lộ Versailles ngày 5 tháng 10 năm 1789. Sau vài cuộc ẩu đả, nhà vua và hoàng tộc đã chấp thuận sự dẫn độ từ Versailles về Paris.

Quốc hội đã thay thế Các tỉnh của Pháp với tám mươi ba phân khu (département), được điều hành giống như nhau và giống nhau về quy mô và dân số.

Lúc đầu chỉ được hình thành để đối phó với một cuộc khủng hoảng tài chính, tới lúc này Quốc hội lại chủ trọng đến những vấn đề khác và làm sự thiếu hụt càng trở nên trầm trọng. Mirabeau dẫn đầu trong vụ việc này, trong Quốc hội giao cho Necker quyền lực tuyệt đối về tài chính.

Tiến đến Bộ luật dân sự cho giới tu sĩ[sửa]

Xem chi tiết: Bộ luật dân sự cho giới tu sĩ

Nhằm đối phó với khủng hoảng kinh tế, Quốc hội đã thông qua bộ luật ngày 2 tháng 12 năm 1789 cho phép chuyển toàn bộ tài sản của Giáo hội cho chính quyền quốc gia, với điều kiện chính quyền phải chịu mọi chi phí cho các hoạt động của Giáo hội. Nhằm nhanh chóng tiền tệ hóa một lượng của cải khổng lồ đến như vậy, Chính phủ đã phát hành một loại tiền giấy mới, assignat, được đảm bảo giá trị bằng số đất tịch thu của Giáo hội.

Việc ban hành thêm bộ luật ngày 13 tháng 2 năm 1790 đã bãi bỏ lời thề của nhà tu hành. Bộ luật dân sự cho giới tu sĩ (Constitution civile du clergé) được thông qua ngày 12 tháng 7 năm 1790 (mặc dù đến ngày 26 tháng 12 năm 1790 mới được nhà vua ký), đã biến các giáo sĩ còn lại trở thành người làm công cho nhà nước và yêu cầu họ phải tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Hiến pháp. Bộ luật dân sự cho giới tu sĩ còn biến giáo hội Công giáo thành một lực lượng của nhà nước thế tục.

Phản ứng lại bộ luật này, Tổng giám mục giáo phận Aix và giám mục giáo phận Clermont đã tổ chức và lãnh đạo cuộc đình công của các giáo sĩ ở Quốc hội lập hiến. Giáo hoàng không chấp nhận sự sắp đặt này, và điều đó đã dẫn đến sự phân hóa các giáo sĩ thành hai phái: "những người tuyên thệ" (juror hay "giáo hội lập hiến"), gồm những người đã lập lời thề chấp nhận sự sắp đặt mới; và "những người không tuyên thệ" (non-juror hay "những thầy tu bướng bỉnh" - refractory priests), gồm những người không chịu chấp nhận theo sự sắp đặt của chính quyền.

Từ sự kiện kỷ niệm ngày phá ngục Bastille đến cái chết của Mirabeau[sửa]

Thảo luận chi tiết về sự kiện ngày 14 tháng 7 năm 1790 ngày 30 tháng 9 năm 1791, xem Từ sự kiện kỷ niệm ngày phá ngục Bastille đến cái chết của Mirabeau

Quốc hội đã bãi bỏ những đặc trưng của "chế độ cũ" — quốc hiệu, chế phục (quần áo của người hầu các nhà quyền quý), v.v.. việc này đã cô lập hơn nữa tầng lớp quý tộc bảo thủ và làm gia tăng đội ngũ những kẻ lưu vong. Vào ngày 14 tháng 7 năm 1790 và trong nhiều ngày tiếp theo, những đám đông ở quảng trường Champ de Mars đã kỷ niệm 1 năm ngày phá ngục Bastille; những người tham gia đã lập lời thề "trung thành với đất nước, với pháp luật, và với đức vua"; đích thân vua và hoàng tộc cũng tham dự.

Các cử tri trước đó đã bầu ra chính quyền tối cao để nắm quyền trong năm đầu, nhưng nhờ Lời thề Jeu de Paume Công xã Paris vẫn được quyền tổ chức những cuộc họp thường kỳ liên tục cho đến khi Hiến pháp được ban hành. Phe cánh hữu giờ đây đòi hỏi một cuộc bầu cử mới, nhưng Mirabeau đã thành công khi khẳng định cơ cấu Quốc hội cơ bản đã được thay đổi, và do đó không cần thêm bất cứ cuộc bầu cử nào khác trước khi Hiến pháp hoàn thành.

Những năm cuối của thập niên 1790 là thời kỳ bùng nổ của nhiều cuộc phản cách mạng quy mô nhỏ với nỗ lực huy động toàn bộ hay một bộ phận quân đội nhằm đối phó với cách mạng. Tuy nhiên, những cuộc nổi dậy này đều chung một kết cục là thất bại. Hoàng gia, theo nhận xét của François Mignet, "ủng hộ mọi nỗ lực phản cách mạng nhưng không thừa nhận trong bất cứ trường hợp nào".

Quân đội phải đối mặt với tình trạng rối loạn nội bộ nghiêm trọng: Đại tướng Bouillé, với thành tích đàn áp được một số cuộc nổi dậy yếu thế, càng được những người phản cách mạng kính trọng và ngưỡng mộ.

Theo luật mới trong quân đội, những chiến sĩ có thâm niên và thực lực sẽ được coi trọng và tiến cử chứ không còn quan trọng người đó thuộc đẳng cấp hay giai cấp nào. Luật lệ mới này đã làm cho nhiều hạ sĩ, sĩ quan hiện thời bất mãn, không lâu sau đó họ đã đào ngũ và tham gia phản cách mạng.

Trong thời kỳ này, nổi bật là sự xuất hiện ngày càng nhiều của các "phái hội" trong giới chính trị Pháp, tiêu biểu là phái Jacobin (phiên âm "Gia-cô-banh"): Theo Bách khoa toàn thư Britannica 1911, tính đến ngày 10 tháng 8 năm 1790 đã có 152 phái hội liên kết với Jacobin. Khi phái Jacobin bắt đầu vang danh khắp nơi, một số những người đồng sáng lập đã rời bỏ nó để thành lập phái '89. Những người bảo thủ đã thành lập phái Impartiaux và sau đó là phái Quân chủ (Monarchique). Các phái này tổ chức phân phát bánh mì với mong muốn nhận được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân nhưng đã không thành công, trái lại họ còn thường xuyên bị chống đối và thậm chí trở thành mục tiêu phá hoại. Cuối cùng chính quyền thành phố Paris đã giải tán phái Quân chủ vào tháng 1 năm 1791.

Giữa tình hình này, Quốc hội vẫn tiếp tục công việc của mình để hoàn thành bản Hiến pháp mới. Theo đó, một tòa án mới sẽ được bổ nhiệm, mang tính chất tạm thời và các thẩm phán được quyền hoạt động độc lập với nhà vua. Bãi bỏ hình thức bổ nhiệm kiểu "cha truyền con nối" ở mọi cơ quan nhà nước, trừ chính quyền Quân chủ. Nhà vua vẫn có quyền lực tuyệt đối nếu muốn gây chiến, nhưng cơ quan lập pháp mới được quyền quyết định có nên tuyên bố chiến tranh hay không. Ngoài ra, Quốc hội còn bãi bỏ mọi hàng rào thương mại trong nước; cấm mở phường hội, xưởng dạy nghề và các tổ chức của công nhân; bất cứ cá nhân nào cũng phải có giấy phép hành nghề (môn bài) mới được hành nghề và buôn bán; đình công trở thành việc bất hợp pháp.

Mùa đông năm 1791, lần đầu tiên Quốc hội lưu tâm về vấn đề quý tộc bỏ đi di tản (émigrés). Trong phiên họp của Quốc hội về việc ban hành luật mới cấm di tản, sự an toàn của đất nước được đặt ra trước quyền tự do xuất cảnh của mỗi người. Mirabeau đã giành phần thắng với cách giải quyết mà ông cho là "xứng đáng được dùng trong bộ luật tàn bạo của Draco".

Không may, Mirabeau đã qua đời ngày 2 tháng 3 năm 1791. Mignet nhận xét, "Không ai có thể sánh với quyền lực và sự nổi tiếng của Mirabeau", và trong vòng năm đó, Quốc hội mới đã thông qua điều luật "tàn bạo" của Mirabeau.

Cuộc đào tẩu Varennes[sửa]

Xem chi tiết: Cuộc đào tẩu Varennes

Dù phải vất vả chống đỡ với cuộc Cách mạng trong nước, vua Louis XVI vẫn từ chối mọi lời đề nghị giúp đỡ đầy mưu toan và không đáng tin cậy của các quốc vương khác ở châu Âu mà bắt tay với tướng Bouillé, người luôn đối đầu với Quốc hội và lên án gay gắt tình trạng quý tộc di tản. Bouillé hứa cho vua Louis ẩn náu ở Montmedy để âm thầm ủng hộ ông.

Tập tin:LouisXVIExecutionBig.jpg
Hành quyết Vua Louis XVI

Đêm 20 tháng 6 năm 1791, Hoàng gia vội vã rời bỏ Tuileries. Tuy vậy, vì quá tự tin dẫn đến khinh suất, ngay trong ngày hôm sau vua Louis đã để lộ sơ hở và bị phát hiện và bắt giữ tại Varennes (tại phân khu Meuse). Chiều ngày 21 tháng 6, vua bị đưa về Paris trong sự canh giữ cẩn mật của Quốc hội.

Pétion, Latour-Maubourg Antoine Pierre Joseph Marie Barnave, đại diện cho Quốc hội, đã tiếp kiến Hoàng gia tại Épernay và cùng đi với họ. Kể từ lúc này, Barnave trở thành cố vấn và người ủng hộ Hoàng gia.

Khi họ đến Paris, quần chúng nhân dân đã im hơi lặng tiếng. Quốc hội lâm thời đã tước quyền lực của vua Louis. Vua và hoàng hậu Marie Antoinette bị giam giữ dưới sự canh phòng nghiêm ngặt.

Những ngày cuối cùng của Quốc hội lập hiến[sửa]

Thảo luận chi tiết tại Những ngày cuối cùng của Quốc hội lập hiến

Với đa số đại biểu trong Quốc hội vẫn còn ủng hộ chế độ Quân chủ lập hiến hơn là chế độ Cộng hoà, các phe phái đã đi đến thỏa thuận cho vua Louis làm một đấng quân vương bù nhìn: nhà vua phải lập một lời thề trong Hiến pháp và ban sắc lệnh để tuyên bố rằng nếu ngài chống lại lời thề đó, chỉ huy quân đội với mục đích gây chiến tranh với Quốc gia, hay cho phép ai làm điều đó nhân danh ông thì ông sẽ phải thoái vị.

Jacques Pierre Brissot đã thảo một bản kiến nghị, nhấn mạnh rằng dù sao dưới con mắt của Quốc hội thì Louis XVI đã bị phế truất kể từ chuyến du hành đến Varennes. Một đám đông khổng lồ đã tụ tập ở Quảng trường Champ-de-Mars để ký vào bản kiến nghị này. Georges Danton Camille Desmoulins đọc một bài diễn văn sôi nổi. Quốc hội đã phải huy động chính quyền thành phố để bảo vệ "trật tự công cộng". Lực lượng Vệ binh Quốc gia dưới sự chỉ huy của La Lafayette đã đứng ra đương đầu với đám đông. Các vệ binh phải bắn chỉ thiên để cảnh cáo sau những loạt đá được ném ra từ đám đông; nhưng nhận thấy đám đông vẫn lấn tới không chút e dè, tướng Lafayette ra lệnh bắn thẳng vào đoàn người tiến tới, làm khoảng 50 người chết.

Tiếp theo sau vụ thảm sát này, chính quyền địa phương đã đóng cửa nhiều hội ái quốc và những tờ báo cấp tiến như L'Ami du Peuple của Jean-Paul Marat. Danton vội vã trốn đến Anh, Desmoulins và Marat thì giấu mình ẩn nấp.

Trong lúc đó, nỗi lo ngoại xâm lại bắt đầu đe dọa: Hoàng đế La Mã Thần thánh là Leopold II - anh vợ vua Louis XVI, vua nước Phổ là Friedrich Wilhelm II, và em trai vua Louis XVI là Charles-Phillipe, Bá tước của Artois đã ban hành Tuyên bố Pilnitz, yêu cầu trao trả tự do cho vua Louis XVI và giải tán Quốc hội, nếu chính quyền Cách mạng không đáp ứng những điều kiện này thì họ sẽ tiến đánh nước Pháp. vô hình trung bản tuyên bố này càng đẩy vua Louis vào tình thế hiểm nghèo. Người Pháp thì chẳng hề để ý đến, còn những lời đe dọa dùng vũ lực trên chỉ đơn thuần là chiến sự ở ngoài vùng biên giới.

Ngay từ trước chuyến đi ở Varennes, các thành viên của Quốc hội Lập hiến đã quyết định quyền lập pháp sẽ do Quốc hội mới (Quốc hội lập pháp) tiếp tục. Giờ đây Quốc hội (Quốc hội Lập hiến) thu thập và chọn lựa nhiều điều luật khác nhau trong Hiến pháp mà trước đây họ đã thông qua để viết thành một bản Hiến pháp mới, cho thấy sự dũng cảm đáng nể khi không lợi dụng cơ hội này để sửa lại một số điều quan trọng, rồi trình nó lên cho vua Louis XVI vừa được trao trả ngôi vị. Nhà vua chấp nhận Hiến pháp và viết rằng "Trẫm cam kết sẽ duy trì Hiến pháp này tại Tổ quốc, bảo vệ nó khỏi mọi sự công kích từ nước ngoài, và phê chuẩn thực thi Hiến pháp này bằng mọi cách mà ta tùy ý sử dụng". Nhà vua đã có một buổi diễn thuyết trước Quốc hội và nhận được những tràng pháo tay nhiệt tình từ khán giả và các thành viên trong Quốc hội. Quốc hội tuyên bố chấm dứt nhiệm kỳ vào ngày 29 tháng 9 năm 1791.

Mignet đã viết, "Hiến pháp năm 1791... là công trình của giai cấp tư sản và sau đó trở thành giai cấp có quyền lực nhất; bởi vì, theo lẽ thường, thế lực chiếm ưu thế hơn bao giờ cũng giành được quyền kiểm soát trong thể chế... Trong bản Hiến pháp này, con người là nguồn gốc của mọi quyền lực, nhưng nó đã không được sử dụng".

Quốc hội lập pháp và sự sụp đổ của nền Quân chủ[sửa]

Xem chi tiết về sự kiện ngày 11 tháng 10 năm 1791 – ngày 19 tháng 9 năm 1792, xem bài chính Quốc hội lập pháp và sự sụp đổ của nền Quân chủ ở Pháp.

Quốc hội[sửa]

Với Hiến pháp 1791, nước Pháp vẫn theo chế độ Quân chủ lập hiến. Nhà vua phải chia sẻ quyền lực với Quốc hội được bầu ra, nhưng nhà vua vẫn được sử dụng quyền phủ quyết và quyền lựa chọn bộ trưởng.

Quốc hội mới họp phiên đầu tiên vào ngày 1 tháng 10 năm 1791 và bắt đầu tan rã, lộn xộn trong vòng không đến một năm sau đó. Theo nhận xét của Britanica 1911: "Quốc hội đã thất bại trong nỗ lực cầm quyền, để lại đằng sau là ngân khố trống rỗng, lực lượng quân đội và hải quân vô kỷ luật, và một dân tộc trụy lạc, chơi bời trác táng trong an bình và thành công".

Quốc hội bao gồm khoảng 165 người trong Hoàng gia Feuillant theo Quân chủ lập hiến bên cánh hữu, khoảng 330 người theo phe Cộng hòa tự do thuộc phái Girondin (phiên âm Gi-rông-đanh) bên cánh tả, và khoảng 250 đại biểu trung lập.

Ban đầu, nhà vua bác bỏ bản án tử hình đối với di dân và ra sắc lệnh bắt buộc các giáo sĩ chưa tuyên thệ trong vòng 8 ngày phải lập lời tuyên thệ do Hiến pháp Công dân của Giới Tăng lữ quy định trước đây. Sau một năm, những bất đồng trong đường lối cầm quyền đã dẫn đến khủng hoảng.

Chiến tranh[sửa]

Tình hình chính trị của thời kỳ này đã đưa đến kết quả tất yếu là đẩy nước Pháp vào cuộc chiến với đế quốc Áo và các nước Đồng minh. Nhà vua, Hoàng gia Feuillant và phái Girondin háo hức lao vào gây chiến. Nhà vua cùng nhiều thành viên Feuillant cho rằng chiến tranh là cách quảng bá rộng rãi hình ảnh và quyền lực của mình; vua còn lập cả một kế hoạch khai thác bóc lột các quốc gia bại trận. Dù bất cứ kết quả nào xảy ra đều có thể củng cố thế lực cho nhà vua. Phái Girondin thì lại muốn mở rộng phạm vi Cách mạng bao trùm cả châu Âu. Chỉ một số thành viên cấp tiến trong phái Jacobin đứng ra phản đối chiến tranh với lý do nên củng cố và mở rộng Cách mạng trong nước. Hoàng đế La Mã Thần thánh Leopold II, anh trai Hoàng hậu Marie Antoinette, có lẽ cũng không mong muốn chiến tranh xảy ra, nhưng đã qua đời ngày 1 tháng 3 năm 1792.

Nước Pháp khai chiến với Đế quốc Áo ngày 20 tháng 4 năm 1792 Vương quốc Phổ liên minh với phe Áo vài tuần sau đó. Chiến tranh Cách mạng Pháp đã bắt đầu.

Trận chiến có ý nghĩa quan trọng đầu tiên là trận đánh giữa Pháp - Phổ tại Valmy ngày 20 tháng 9 năm 1792. Trời mưa tầm tã nhưng hỏa lực của pháo binh Pháp vẫn tỏ ra đầy uy lực. Vào thời gian ấy, nước Pháp chìm trong sự hỗn loạn và chế độ phong kiến giờ chỉ còn là quá khứ.

Nền lập hiến bị khủng hoảng[sửa]

Bài chính: 10 tháng 8 (Cách mạng Pháp)

Đêm 10 tháng 8 năm 1792, quân khởi nghĩa với sự ủng hộ của nhà lãnh đạo cách mạng mới, Công xã Paris, đã tấn công Tuileries. Vua và hoàng hậu trở thành các tù nhân, những người còn lại trong Quốc hội, gồm khoảng hơn một phần ba nghị sĩ có mặt lúc đó, phần lớn thuộc phái Jacobin, đã đình chỉ quyền lực của triều đình.

Phần còn lại của chính phủ phụ thuộc vào sự ủng hộ của Công xã Cách mạng. Khi Công xã đưa những toán sát thủ vào tù để xét xử một cách tùy ý và giết gần 1.400 người, và gửi giấy thông báo qua khắp các thành phố khác của Pháp để kêu gọi noi theo, Quốc hội chỉ có thể chống đỡ một cách yếu ớt. Tình hình này cứ kéo dài đến khi Quốc ước họp ngày 20 tháng 9 năm 1792 với nhiệm vụ soạn thảo Hiến pháp mới và trên thực tế đã trở thành chính quyền mới của Pháp. Ngày hôm sau, chính quyền tuyên bố chấm dứt chế độ Quân chủ và lập ra nền Cộng hoà. Ngày này được chọn là ngày bắt đầu của năm đầu tiên trong Lịch Cách mạng Pháp.

Quốc ước[sửa]

Xem chi tiết về sự kiện ngày 20 tháng 9 năm 1792 26 tháng 9 năm 1795 tại Quốc ước.

Với chế độ Cộng hòa mới, quyền lập pháp thuộc về Quốc ước và quyền hành pháp thuộc về Ủy ban An ninh Toàn quốc. Phái Girondin trở thành đảng phái có thế lực nhất trong Quốc ước và trong Ủy ban.

Trong Bản Tuyên ngôn Brunswick, Quân đội Phổ dọa sẽ trả thù người Pháp nếu nước Pháp ngăn cản các nỗ lực của vua Phổ trong việc phục hồi chế độ Quân chủ trên nước này. Vào ngày 17 tháng 1 năm 1793, cựu vương LouisXVI bị kết án tử hình cùng tội danh âm mưu chống lại tự do nhân dân và an ninh chung với sự chấp thuận của một số ít thành viên trong Quốc ước. Buổi hành quyết ngày 21 tháng 1 đã làm nổ ra nhiều cuộc chiến với các quốc gia châu Âu khác. Hoàng hậu người Áo của cựu vương Louis XVI là Marie Antoinette, cũng theo gót Louis lên máy chém ngày 16 tháng 10.

Tập tin:Cruikshank - The Radical's Arms.png
Tranh biếm của George Cruikshank về thời kỳ Khủng bố dưới sự thống trị của Maximilien Robespierre

Khi cơn sốt chiến tranh lên cao, giá cả leo thang khiến các sans-culotte (lao công nghèo và các thành viên cấp tiến của phái Jacobin) nổi dậy: các hoạt động phản Cách mạng bắt đầu nổ ra ở vài vùng miền. Điều này càng tạo cơ hội cho phái Jacobin thâu tóm quyền lực. Chịu ảnh hưởng của quần chúng nhân dân do bất bình với bè phái Girondin và nhờ lợi dụng sức mạnh của các sans-culotte ở Paris, một cuộc đảo chính (coup d'état) đã diễn ra với sự tham gia của quân đội. Nhờ kết quả này, sự liên minh giữa phái Jacobin và các phần tử sans-culotte trở thành nòng cốt trong chính quyền mới. Các chính sách thể hiện sự cấp tiến rõ rệt.

Ủy ban An ninh Toàn quốc dưới sự quản lý của Maximilien Robespierre và phái Jacobin đã gây nên giai đọan Thời kì Khủng bố (tạm dịch từ Reign of Terror)(1793–1794). Ít nhất 1200 người đã phải bước lên máy chém vì bị quy vào tội phản Cách mạng. Chỉ cần là một ý nghĩ thoáng qua hay một biểu hiện nhỏ trong hành vi cũng bị nghi ngờ là phản Cách mạng (hay như trường hợp của Jacques Hébert chính vì quá nhiệt tình với Cách mạng hơn cả các nhà đương chức cầm quyền); và các phiên tòa bao giờ cũng chỉ xử một cách qua loa và kết tội là chủ yếu.

Tập tin:Execution robespierre, saint just....jpg
Hành hình nhà Độc tài Robespierre

Vào năm 1794 Robespierre đã xử tử các thành viên Jacobin cấp tiến thuộc phái Cực đoan và Ôn hoà; chính vì vậy, sự ủng hộ tích cực của quần chúng nhân dân đối với ông giảm đi rõ rệt. Vào ngày 27 tháng 7 năm 1794, người Pháp nổi dậy chống lại Triều đại Kinh hoàng với cuộc đảo chính tháng Chín. Kết quả: những thành viên phái Ôn hòa trong Quốc ước đã phế truất và xử tử Robespierre cùng các đồng đội của ông trong ban lãnh đạo của Ủy ban An ninh Toàn quốc. "Hiến pháp năm thứ III" (theo lịch Cách mạng Pháp) được Quốc ước thông qua ngày 17 tháng 8 năm 1795; được dân chúng ủng hộ trong cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 9 và có hiệu lực từ ngày 26 tháng 9 năm 1795.

Sau trận đánh tại Valmy, nước Phổ vẫn tiếp tục là thành viên chủ chốt của liên quân chống Pháp, thậm chí còn đánh tan tác quân Pháp tại Alsace và vùng Saar. Tuy nhiên, đầu óc của họ bị phân tâm bởi các vấn đề khác:[6] Họ ký riêng Hiệp định Basle với nước Pháp Cách mạng vào ngày 5 tháng 4 năm 1795.[7] Nước Phổ đạt nhiều lợi thế theo Hiệp định này,[8] nhưng từ đó họ đứng trung lập đối với cuộc Cách mạng Pháp.[9]

Chế độ Đốc chính[sửa]

Xem chi tiết về sự kiện ngày 26 tháng 9 năm 1795 9 tháng 11 năm 1799 tại Hội đồng Đốc chính Pháp.

Hiến pháp mới đã lập ra Hội đồng Đốc chính (Directoire) và Lưỡng viện lập pháp đầu tiên trong lịch sử nước Pháp. Quốc hội bao gồm Hạ viện gồm 500 đại biểu (Conseil des Cinq-Cents - Hội đồng 500) và Thượng viện gồm 250 đại biểu (Conseil des Anciens). Quyền hành pháp nằm trong tay 5 đốc chính do Thượng viện bổ nhiệm hàng năm từ danh sách do Hạ viện đưa lên.

Với sự thành lập của chế độ Đốc chính, Cách mạng Pháp có vẻ đã kết thúc. Đất nước muốn nghỉ ngơi và chữa lành các vết thương. Những người muốn tái lập vua Louis XVIII cùng chế độ cũ, và những người muốn quay lại Thời kì khủng bố La Terreur chỉ chiếm số lượng không đáng kể. Khả năng can thiệp của nước ngoài đã tiêu tan cùng thất bại của Đệ nhất Liên minh (Première coalition). Tuy nhiên, 4 năm của chế độ Đốc chính đã là khoảng thời gian của một chính phủ chuyên quyền độc đoán và sự bất an thường xuyên. Những sự tàn bạo trong quá khứ đã làm cho lòng tin và thiện ý giữa các bên trở thành không thể được. Cũng bản năng tự bảo vệ mà đã dẫn các thành viên của Quốc ước chiếm phần lớn trong cơ quan lập pháp và toàn bộ Hội đồng Đốc chính buộc họ giữ ưu thế.

Khi đại đa số dân chúng Pháp muốn loại bỏ họ, họ đã chỉ có thể giữ được quyền lực của mình bằng những biện pháp bất thường. Họ đã từng bước lờ đi các điều khoản của hiến pháp, và dùng đến vũ khí khi kết quả bầu cử chống lại họ. Họ đã quyết tâm kéo dài chiến tranh - cách tốt nhất để kéo dài quyền lực của mình. Do đó, họ bị dẫn đến việc dựa vào quân đội - phe cũng muốn chiến tranh.

Chế độ mới vấp phải sự chống đối từ những người bảo hoàng và các phần tử Jacobin còn sót lại. Quân đội đàn áp các cuộc nổi dậy và các hoạt động phản cách mạng. Nhờ đó quân đội và vị thống lĩnh xuất sắc của họ, Napoleon Bonaparte càng có thế lực hơn.

Ngày 9 tháng 11 năm 1799 (ngày 18 tháng Sương mù của năm thứ 8 theo lịch Cách mạng Pháp), Napoléon tổ chức một cuộc đảo chính, lập nên chế độ tổng tài. Sự kiện Napoléon xưng Hoàng đế vào năm 1804 đã đặt dấu chấm hết cho giai đoạn Đệ nhất Cộng hòa, thành quả tiêu biểu của Cách mạng Pháp.

Ý nghĩa[sửa]

Cách mạng tư sản Pháp đã lật đổ được chế độ phong kiến, đưa giai cấp tư sản lên cầm quyền, xóa bỏ nhiều trở ngại trên con đường phát triển của chủ nghĩa tư bản. Quần chúng nhân dân là lực lượng chủ yếu đưa cách mạng đạt tới đỉnh cao với nền chuyên chính dân chủ Jacobin. Một số quyền lợi cho nhân dân đã được đáp ứng. Vì vậy, Cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỉ XVIII được coi là cuộc cách mạng tư sản triệt để nhất. Tuy nhiên nó vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ quyền lợi cho nhân dân, vẫn không hoàn toàn xóa bỏ được chế độ phong kiến, chỉ có giai cấp tư sản là được hưởng lợi.

Chủ nghĩa tự do Pháp-Mỹ có những ảnh hưởng qua lại lẫn nhau, và cũng từ cách mạng Pháp, người Mỹ đã rút ra nhiều bài học để từ đó tiến đến một nền dân chủ triệt để hơn không chỉ trong tam giác quyền lực nhà nước mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến các bước tiến về dân quyền của Mỹ trong các giai đoạn chiến tranh Cách mạng Hoa Kỳ, Nội chiến Hoa Kỳ và phong trào Dân quyền của Martin Luther King con. Hơn nữa, bức tượng Nữ thần tự do do Pháp trao tặng cho Mỹ cũng được lấy cảm hứng từ cách mạng Pháp.

Chú thích[sửa]

  1. “French Revolution”.
  2. Hamish M. Scott, The emergence of the Eastern powers, 1756-1775, trang 257
  3. Hamish M. Scott, The emergence of the Eastern powers, 1756-1775, trang 57
  4. Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino vào năm 1788-1789 làm mùa màng thất bát.Thêm vào đó, hiện tượng El Nino còn có ảnh hưởng tănh mạnh ở trong khoảng thời gian 1789-1793 tại châu Âu.Richard H. Grove, "Global Impact of the 1789–93 El Niño," Tạp chí khoa học Nature 393 (1998), trang 318–319
  5. John Hall Stewart. A Documentary Survey of the French Revolution. New York: Macmillan, 1951, trang 86.
  6. Christopher M. Clark, Iron kingdom: the rise and downfall of Prussia, 1600-1947, trang 289
  7. Christopher M. Clark, Iron kingdom: the rise and downfall of Prussia, 1600-1947, trang 292
  8. Christopher M. Clark, Iron kingdom: the rise and downfall of Prussia, 1600-1947, trang 293
  9. Christopher M. Clark, Iron kingdom: the rise and downfall of Prussia, 1600-1947, trang 298

Tham khảo[sửa]

Xem thêm[sửa]

Liên kết đến đây

Xem thêm liên kết đến trang này.