Giành lại người yêu cũ

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Tháng đầu tiên sau khi chia tay, bạn không nên liên lạc với người ấy, và thay vào đó là tập trung vào bản thân mình. Tìm hiểu xem liệu họ có vẫn còn quan tâm đến bạn hay không, sau đó gặp gỡ họ dưới danh nghĩa bạn bè. Nếu mọi chuyện tốt đẹp, bạn có thể mời người đó trò chuyện trực tiếp với bạn. Xin lỗi và thảo luận về việc quay về bên nhau.

Các bước[sửa]

Đánh giá cuộc chia tay[sửa]

  1. Thấu hiểu về cuộc chia tay. Hai bạn đã làm gì để góp phần vào cuộc chia tay? Hầu hết mọi vấn đề trong mối quan hệ không nảy sinh một cách bất ngờ và được tích lũy dần theo thời gian. Có nhiều khả năng đây không phải là vấn đề một chiều và đã có những dấu hiệu cho thấy nó sắp xảy đến. Bạn nên dành một chút thời gian để tư vấn lương tâm mình trước khi cố gắng giành lại người yêu cũ. Bạn vẫn phải bảo đảm rằng bạn không lãng phí thời gian hoặc năng lượng của mình cho chuyện vô ích.
    • Theo nghiên cứu, nguyên nhân hàng đầu khiến chuyện tình cảm tan vỡ là do sự thất bại trong giao tiếp.[1] Nếu mối quan hệ của bạn khá hạnh phúc, vấn đề này thường được sửa chữa bằng cách thiết lập kỳ vọng rõ ràng và công khai thảo luận về nỗi thất vọng trước khi nó trở thành một cuộc chiến. Các vấn đề khác có thể sẽ khá khó khăn để vượt qua, như phản bội hoặc ghen tuông; nhưng kèm theo sự nỗ lực và tư vấn, ngay cả loại vấn đề này cũng có thể được giải quyết.
  2. Nhớ lại xem người nào đã khởi xướng cuộc chia tay. Có phải là bạn hay không? Nếu đúng, bạn làm vậy sau khi đã suy nghĩ cẩn thận hay là chỉ do một phút nóng giận và bây giờ bạn đang cảm thấy hối tiếc? Hay là do người yêu cũ của bạn, và họ có lý do cụ thể hay không? Đây có là quyết định chung của cả hai?
    • Bạn cần phải hiểu rõ người nào kiểm soát cuộc chia tay và lý do vì sao nó lại diễn ra ngay từ đầu. Nếu là do bạn, và người yêu cũ của bạn phản đối việc chia tay, quay về với nhau có thể dễ dàng hơn là khi nó được khởi xướng bởi người yêu cũ của bạn từ lúc đầu.
  3. Diễn giải cảm xúc của bản thân. Trong sự đau đớn và hỗn độn của việc chia tay, sẽ dễ để nhầm lẫn cảm xúc của mình, bạn có thể sẽ diễn giải cảm giác cô đơn và đau đớn như là bằng chứng cho thấy rằng bạn cần người ấy quay về với cuộc sống của bạn. Thật ra, ban đầu, hầu hết mọi người đã trải qua cuộc chia tay sẽ cảm thấy hối tiếc trước mối tình đã mất, kèm theo cảm giác lo lắng, có lỗi, trầm cảm, và cô đơn. Nhìn chung, mối quan hệ càng nghiêm túc bao nhiêu thì những cảm xúc này sẽ càng trầm trọng bấy nhiêu; cặp đôi đã kết hôn hoặc sống thử có xu hướng gặp phải cuộc chia tay tồi tệ nhất, trong khi người thường xuyên hẹn hò sẽ dễ dàng vượt qua hậu quả của cuộc chia tay hơn.[2] Nhưng mức độ nghiêm trọng trong cảm giác của bạn không tự động có nghĩa là bạn cần phải quay về với người yêu cũ.
    • Cố gắng trả lời những câu hỏi sau. Bạn có nhớ người yêu cũ của mình, hay là nhớ cảm giác có người yêu? Có phải người ấy khiến bạn cảm thấy tốt đẹp hơn về bản thân, yên tâm hơn về thế giới và hạnh phúc hơn? Bạn có thể hình dung bản thân ở cùng người này trong thời gian dài, ngay cả khi sự hào hứng trong tình yêu đã tắt và bạn bị mắc kẹt với thói quen hằng ngày của cuộc sống hay không? Nếu bạn chỉ nhớ cảm giác an toàn khi có một người nào đó bên cạnh và sự phấn khích của mối quan hệ đầy kịch tính, bạn có thể tìm được những yếu tố này từ người khác trong mối quan hệ lành mạnh, ổn định hơn.
    • Điều quan trọng là bạn cần phải dành thời gian sau khi chia tay và trước khi cố gắng giành lại người yêu cũ để xác định cảm xúc của mình, và quyết định xem liệu bạn có thật sự nên ở bên người đó. Mối quan hệ đã được hàn gắn thường thiếu sự tin tưởng và có khả năng sẽ trở thành “lúc nắng lúc mưa” cùng với nhiều lần chia tay lặp đi lặp lại. Nếu bạn không chắc chắn 100% là bạn muốn ở cùng người này trong thời gian dài, bạn cần phải tránh khiến bản thân đau đớn nhiều hơn bằng cách cố gắng hết sức để quên đi người yêu cũ thay vì theo đuổi họ một lần nữa.[3]

Dành thời gian một mình[sửa]

  1. Tránh liên lạc trong tháng đầu tiên sau khi chia tay. Họ sẽ gọi cho bạn nếu họ muốn trò chuyện. Nếu không, bạn có nói gì hoặc mặc gì cũng sẽ không thay đổi được tình hình. Đôi khi, phớt lờ người yêu cũ sẽ khiến họ cảm thấy bạn hoàn toàn ổn khi không có họ và bạn đang tiến bước, và nó hoàn toàn trái ngược với điều họ muốn.
    • Tránh liên lạc không phải là phương pháp gây hấn thụ động để khiến người ấy nhớ bạn. Nó cung cấp cho bạn thời gian để thực hiện điều bạn cần để chuẩn bị bản thân cho mối quan hệ mới (cho dù là với người cũ hay người mới!). Bạn nên dành thời gian trong tháng này để tìm hiểu bản thân mình và để cải thiện lĩnh vực mà bạn có thể đã bỏ qua trong suốt mối quan hệ với người yêu cũ. Nếu bạn góp phần vào sự tan vỡ, đây chính là thời điểm để xác định điểm yếu trong mối quan hệ của mình và cố gắng hết mình để cải thiện nó.
    • Khoảng thời gian xa nhau cũng sẽ giúp bạn xác định giữa nỗi đau khổ thông thường sau khi chia tay và niềm đam mê thực sự trong việc được quay về bên người ấy. Hầu như mọi người đều sẽ cảm thấy buồn bã sau khi chia tay, ngay cả khi người yêu cũ của họ là một kẻ tồi tệ và hoàn toàn không hợp với họ. Khoảng thời gian ở một mình sẽ giúp bạn giải quyết những cảm xúc này.[4]
  2. Tập trung vào bản thân. Gặp gỡ bạn bè. Đắm mình trong công việc và hoạt động ngoại khóa khác. Bạn không cần phải trông như kẻ thiếu thốn hoặc như thể bạn đang chờ đợi người ấy liên lạc với bạn.
    • Nghiên cứu đã chỉ ra rằng người có thể tái giành lại cảm giác lành mạnh về bản thân sau khi chia tay sẽ hồi phục nhanh hơn từ nỗi đau có liên quan đến chuyện tình cảm.[5]
  3. Đừng nên theo đuổi người ấy trong khoảng thời gian này. Điều này có nghĩa là không gọi điện, nhắn tin, hoặc hỏi thăm xung quanh về họ. Quan trọng hơn là: không nên hỏi người ấy về lý do của cuộc chia tay hoặc liệu người ấy có đang hẹn hò người nào khác. Hành động này sẽ khiến bạn trông như đang tuyệt vọng.[6].
    • Mặc dù không theo đuổi người yêu cũ trong khoảng một tháng là điều quan trọng, bạn hoàn toàn có thể đáp trả nếu người ấy theo đuổi bạn. Nói cách khác, nếu họ gọi điện cho bạn, đừng gác máy hoặc từ chối trò chuyện. Bạn không cần thiết phải cố gắng chơi trò chơi đấu trí hoặc tỏ thái độ như thể mình không phải là người dễ dãi, hành động này có thể khiến họ ngày càng trở nên xa cách với bạn, và nó hoàn toàn trái ngược với mục đích của bạn trong thời điểm này.[6]
    • Nếu bạn tình cờ biết tin đồn rằng người yêu cũ của bạn đang gặp gỡ người mới, bạn không nên vội kết luận hoặc cho phép sự ghen tuông xâm chiếm bạn. Bạn không được có bất kỳ hành động nào để cố gắng ngăn chặn mối quan hệ mới. Cho phép người ấy có thời gian để xác định xem liệu bạn có phải là người thật sự phù hợp; bạn không cần phải ép buộc một người nào đó ở bên bạn trong khi họ thật sự muốn ở cạnh người khác.
  4. Xác định xem liệu họ có còn quan tâm. Trước khi cố gắng giành lại trái tim của người ấy, bạn cần phải biết liệu họ có còn quan tâm hay không. Biết rõ rằng người ấy vẫn còn quan tâm đến bạn là đầu mối đầu tiên quan trọng nhất gợi ý cho bạn biết rằng mọi chuyện vẫn còn có thể được hàn gắn.
    • Bạn không cần phải xác định ngay lập tức, và bạn không nên nhờ bạn của mình điều tra thay bạn. Không nên theo đuổi người ấy ít nhất là trong vòng một tháng sau khi chia tay; thay vào đó, bạn nên tìm kiếm gợi ý tinh tế khi bạn tình cờ gặp người ấy ở trường, công ty, bài đăng trên mạng xã hội, hoặc lời nhận xét tự nguyện từ phía bạn bè mà cả hai quen biết.
    • Bạn nên nhớ rằng một phần ba cặp đôi đang sống thử và một phần tư cặp đôi đã kết hôn đều trải nghiệm sự tan vỡ tại một thời điểm nào đó, vì vậy, nếu người ấy vẫn còn quan tâm, đây là cơ hội tốt cho thấy rằng bạn có thể giành lại người ấy.[3]

Giành lại người yêu cũ[sửa]

  1. Củng cố lòng tự trọng của mình. Nếu bạn gặp khó khăn với cảm giác thiếu thốn, có thể bạn đang thiếu hụt lòng tự trọng. Có lẽ bạn đang tìm kiếm người yêu cũ để khiến bản thân cảm thấy tốt hơn, nhưng sự thật là bạn là người duy nhất có thể thực hiện điều này. Bạn không nên xây dựng niềm hạnh phúc của mình dựa trên người khác. Nó khiến họ cảm thấy có lỗi, bị ép buộc và cuối cùng là oán giận bạn.
    • Lòng tự trọng chính là tin rằng bạn là người có giá trị và xứng đáng. Khi bàn về mối quan hệ tình cảm, điều quan trọng là bạn cần phải cảm thấy đầy đủ và trọn vẹn với bản thân mình hơn là tìm kiếm người có thể bổ sung cho bạn hoặc khiến cuộc sống của bạn trở nên đáng giá.[7]
    • Để cải thiện lòng tự trọng, bạn nên tập trung vào sức mạnh của bản thân trong mọi lĩnh vực: tình cảm, xã hội, tài năng, kỹ năng, ngoại hình, và bất kỳ yếu tố nào khác quan trọng với bạn. Ví dụ, có thể bạn sở hữu bản tính biết cảm thông, khả năng khiến người khác cảm thấy được thấu hiểu, tài nướng bánh, và mái tóc đẹp. Tập trung vào sự tích cực và phớt lờ sự tiêu cực sẽ giúp bạn cảm thấy bản thân phù hợp và đáng giá, đặc biệt khi bạn kết nối phần tốt nhất của bản thân để giúp đỡ người khác.[7] Nếu bạn cảm thấy vô dụng, hãy biến bản thân trở nên hữu dụng! Hãy tận dụng bản tính biết cảm thông và tài nướng bánh của bạn và nướng một vài chiếc bánh quy ngon lành cho những vị hàng xóm lớn tuổi.
  2. Trở thành người mà người ấy đã từng yêu. Cố gắng suy nghĩ về khoảng thời gian cả hai mới bên nhau. Người ấy yêu thích điểm nào ở bạn? Có phải là trò đùa kỳ quặc của bạn, hay là sự hiểu biết tuyệt vời về phong cách. Cho dù là gì, bạn nên cố gắng thắp lên ngọn lửa như cách nó bắt đầu trước đây.
    • Người ấy bị bạn thu hút bởi vì họ cảm thấy khá tốt khi ở bên bạn và bạn làm thỏa mãn nhu cầu tình cảm của họ. Bạn đã thay đổi như thế nào (nếu có)? Điều chỉnh thói quen xấu và sai lầm, nếu có. Trở nên tích cực quanh họ. Mỉm cười và cười vang. Luôn nhớ duy trì sự tích cực để cảm thấy tốt hơn về chính mình và khiến bản thân trở nên hấp dẫn trong mắt người khác.
  3. Cải thiện ngoại hình. Tìm mua một vài bộ quần áo mới, thay đổi kiểu tóc, đến phòng tập thể dục, hoặc làm móng. Bạn nên khiến bản thân trở nên nổi bật và tươi mới như những gì mà người ấy nhớ về bạn.
    • Mặc dù bạn không nên thay đổi chính mình để người ấy quay về (vì cuối cùng, họ cũng sẽ tiếp tục rời bỏ bạn, vì bản chất thật sự của bạn sẽ trở về tại một thời điểm nào đó), tốt nhất là bạn nên là phiên bản tốt nhất có thể của chính mình. Người ấy đã bị bạn lôi cuốn và bạn có thể tái giành lại sự lôi cuốn đó.
  4. Dành thời gian với người khác. Bạn không cần phải ngủ với họ, nhưng dành thời gian với người khác sẽ cho người yêu cũ của bạn biết rằng bạn đang mở lòng trong việc tìm kiếm mối quan hệ mới. Nếu họ vẫn còn quan tâm, họ có thể quyết định rằng để đến lúc họ cần phải hành động và ngăn bạn tìm kiếm người khác.
    • Nếu bạn không muốn hẹn hò với người khác hoặc khiến họ hiểu nhầm, bạn nên đi xem phim cùng một nhóm bạn hoặc dành thời gian với một người bạn khác phái. Chỉ cần ở cạnh người độc thân khác cũng đủ để làm người ấy ghen.[8]
  5. Đi chơi bình thường với người yêu cũ. Bạn có thể thực hiện hoạt động không ràng buộc nào đó như đi uống cùng bạn bè hoặc chơi minigolf với người ấy và một vài người bạn khác. Bạn nên thực hiện điều gì đó mà cả bạn bè và người hẹn hò lần đầu đều có thể làm. Và cho dù nó là gì, vào thời điểm này, hãy duy trì sự hài hước và bỏ qua cuộc trò chuyện nghiêm túc.
    • Mọi mối quan hệ đều cần phải được xây dựng dựa trên nền tảng của tình bạn vững chắc, vì vậy, điều quan trọng là bạn cần phải bảo đảm rằng tình bạn của bạn vẫn còn nguyên vẹn trước khi cố gắng tiến vào lãnh thổ tình cảm.[3]
    • Nếu người yêu cũ của bạn đã bước vào “vùng bạn bè” (ví dụ, nếu người đó nói rằng "Anh/em không còn yêu em/anh"), bạn cần phải có khả năng tái tạo lại trải nghiệm của tình yêu bằng cách xây dựng sự thân mật với người ấy. Trong một nghiên cứu, nhà nghiên cứu cho hai người nhìn chằm chằm vào mắt nhau và sau đó trả lời câu hỏi cá nhân (như "Nỗi sợ hãi lớn nhất của bạn là gì?" và "Kỷ niệm tuyệt vời nhất của bạn trong thời thơ ấu là gì?"). Chúng có khả năng thiết lập sự gắn kết thân mật giữa những người lạ mặt, hình thành sự lôi cuốn và thậm chí là cảm giác của tình yêu. Cố gắng dành thời gian để nhìn vào mắt của người ấy, và nêu câu hỏi sâu sắc để xem liệu nó có giúp bạn đem mối quan hệ của mình về với sự gần gũi hay không.[9]

Thảo luận về mối quan hệ[sửa]

  1. Mời người ấy trò chuyện với bạn. Sau khi bạn đã dành thời gian với nhau như bạn bè, đã đến lúc cần phải trò chuyện một cách trung thực về thời gian bên nhau của cả hai và xem liệu nó có thể hình thành tương lai lãng mạn hay không.[10]
    • Mặc dù nhắn tin và trò chuyện thông qua máy tính là phương pháp phổ biến để giao tiếp trong mối quan hệ đã được thiết lập, cuộc thảo luận thân mật kiểu này nên diễn ra một cách trực tiếp. Bạn nên mời người yêu cũ đến dùng bữa tối hoặc đến quán cà phê mà bạn yêu thích.
  2. Sử dụng quá khứ như là lợi thế. Nếu người ấy thật sự thích một trang phục nào đó của bạn, bạn nên mặc lại nó. Chia sẻ kỷ niệm nhẹ nhàng mà cả hai đã có với nhau. Gặp gỡ tại nơi quen thuộc mà hai bạn đã từng đến.
    • Nếu người ấy mua bất kỳ một loại trang sức đặc biệt nào cho bạn, bạn có thể đeo nó khi cần phải gặp mặt người ấy để trò chuyện. Điều này sẽ gửi đi thông điệp rõ ràng rằng bạn vẫn còn tình cảm với họ.
  3. Chuẩn bị sẵn từ ngữ. Điều đầu tiên bạn nói với người ấy là điều đặc biệt quan trọng. Nếu bạn nói sai từ, bạn sẽ đánh mất cơ hội giành lại người ấy. Bạn cần phải hiểu rằng ngay cả khi cả hai không còn ở bên nhau, có cơ hội là người ấy vẫn còn nuôi dưỡng cảm xúc mạnh mẽ dành cho bạn.
    • Có khá nhiều phương pháp để bạn tiếp cận cuộc trò chuyện này, nhưng biện pháp an toàn là nói một điều gì đó như "Anh/em đã muốn trò chuyện với em/anh về mối quan hệ của hai ta và hỏi thăm xem em/anh thế nào". Bày tỏ sự hối tiếc vì mọi chuyện không diễn ra suôn sẻ giữa hai bạn và hỏi xem liệu bạn có thể trò chuyện vì bây giờ bạn đã có một vài quan điểm rõ ràng về nó.
    • Hãy để câu chuyện tiến triển một cách tự nhiên. Nếu người ấy đang sống khá tốt và nói rằng họ đang gặp gỡ người khác, bạn không nên lãng phí thời gian của mình để cố gắng thuyết vọng họ quay về bên bạn. Nhưng nếu người ấy có vẻ như vẫn nuôi dưỡng tình cảm cho bạn, bạn có thể từ từ bàn về khả năng cho mọi việc có thêm cơ hội.
  4. Xin lỗi. Suy nghĩ kỹ về mọi điều bạn đã làm cũng như không làm có thể góp phần vào sự tan vỡ của mối quan hệ, và làm mới mọi chuyện bằng cách nói lời xin lỗi thích đáng với người ấy. Chịu trách nhiệm hoàn toàn cho sự xúc phạm, mà không đổ lỗi cho người ấy, viện cớ, hoặc trông chờ nhận lại lời xin lỗi (hoặc thậm chí là tha thứ). Có thể người ấy đã góp phần tạo nên tình huống, nhưng bạn không thể xin lỗi thay người khác; bạn chỉ có thể xin thứ lỗi cho chính mình. Đừng lôi kéo họ vào quá trình này và có thể lời xin lỗi của bạn sẽ được đáp lại.
    • Tránh sử dụng từ "nhưng". "Anh/em xin lỗi, nhưng…", vì như thế có nghĩa là "Anh/em không xin lỗi". Đồng thời, không nên nói rằng "Anh/em xin lỗi vì đã khiến em/anh có cảm giác như vậy" hoặc "Anh/em xin lỗi nếu em/anh cảm thấy bị xúc phạm". Điều này sẽ trông như là bạn đang đổ lỗi cho người đó, và không phải là xin lỗi thật sự.[11]
    • Lời xin lỗi chân thành cần phải có kết cấu như sau: hối tiếc, trách nhiệm và biện pháp khắc phục. Bước đầu tiên cho thấy rằng bạn xin lỗi cho hành động bạn đã thực hiện. Bước thứ hai sẽ là bạn nhận trách nhiệm về mình mà không viện cớ hoặc đổ lỗi cho người khác. Bước cuối cùng là lời đề nghị được sửa chữa mọi chuyện hoặc thay đổi hành vi trong tương lai.[11] Ví dụ: "Anh chỉ muốn xin lỗi vì đã không có mặt khi em muốn dành thời gian với anh. Chắc hẳn em cảm thấy như thể mình bị bỏ rơi. Từ bây giờ, anh sẽ cố hết sức để cùng em thực hiện nhiều hoạt động hơn để em không còn cảm thấy như vậy. Anh rất vui vì em đã cung cấp cho anh quan điểm giúp anh nhận ra điều này".

Xây dựng mối quan hệ lành mạnh[sửa]

  1. Trò chuyện. Vì vấn đề trong giao tiếp là nguyên nhân chính gây nên cuộc chia tay, hai bạn cần phải cùng nhau cố gắng hết sức để luôn duy trì sự cởi mở cho quá trình giao tiếp. Khi cả hai quay về bên nhau, bạn cần phải dành thời gian để thiết lập kỳ vọng, đặc biệt trong lĩnh vực đã gặp khó khăn trước đó.
    • Thiết lập kế hoạch để đối phó với kỳ vọng không được thỏa mãn. Ví dụ, nếu bạn chia tay với người yêu cũ vì người đó dành quá nhiều thời gian cho bạn bè, bạn nên trò chuyện một cách cởi mở về lượng thời gian phù hợp và cách bạn sẽ thương lượng với nhau nếu bạn cần nhiều thời gian hơn cho bạn bè mình.[3]
  2. Cần nhớ về nguyên nhân gây chia tay. Mối quan hệ “lúc nắng lúc mưa” có xu hướng hay thay đổi và không ổn định về mặt tình cảm. Bạn nên ghi nhớ nguyên nhân ban đầu khiến cả hai chia tay và đối phó với những vấn đề này sẽ giúp ngăn ngừa khó khăn tương tự tái diễn.
    • Nhẹ nhàng bỏ qua lĩnh vực mà bạn đã từng bất đồng. Cho dù vấn đề gây tan vỡ có là gì, có thể nó vẫn còn là khía cạnh nhạy cảm đối với cả hai. Nếu bạn gặp khó khăn với sự ghen tuông, vấn đề gia đình, vấn đề kiểm soát, hoặc khíac cạnh cụ thể khác, bạn nên nhận thức rõ rằng chúng vẫn sẽ tồn tại khi sự mới mẻ trong mối quan hệ vừa mới được tái thiết lập qua đi.
  3. Xem mối quan hệ của bạn như mối quan hệ mới. Bạn nên nhớ rằng mối quan hệ đầu tiên của cả hai đã không thành công; nó kết thúc bằng sự tan nát của con tim. Bạn nên xem lần thứ hai như là chuyện tình mới, xây dựng nguyên tắc mới để tham gia.
    • Hãy chậm rãi. Đừng nên giả định rằng bạn cần phải tiếp tục tại điểm kết thúc của mối quan hệ trước, ví dụ, không nên ngủ cùng nhau và nói, "Anh yêu em" cho đến khi bạn đã xây dựng được sự tin tưởng.[3]
    • Tìm hiểu nhau. Đặc biệt nếu đã lâu kể từ khi cả hai ở bên nhau, bản chất của bạn và người ấy có thể đã thay đổi trong thời điểm này. Đừng giả định rằng bạn biết mọi thứ về người ấy. Hãy dành thời gian để tìm hiểu nhau lần nữa.
  4. Cân nhắc tư vấn. Đặc biệt nếu hai bạn đã kết hôn hoặc đang trong mối quan hệ rất nghiêm túc và muốn tiếp tục nó, bạn cần đến trị liệu cặp đôi để có thể khám phá gốc rễ của vấn đề và bảo đảm rằng bạn có thể vượt qua nó.
    • Cần nhớ rằng mối quan hệ được cứu vãn (những người đã từng chia tay và quay về lại bên nhau) có xu hướng sở hữu tỷ lệ bất mãn cao hơn, thiếu sự tin tưởng, và cuối cùng là thất bại, vì vậy, bạn cần phải chuẩn bị nỗ lực nhiều hơn cho mối quan hệ mới của bạn. [12]

Quyết định tiến bước[sửa]

  1. Quan sát dấu hiệu cho thấy rằng mối quan hệ của bạn sẽ không đem lại kết quả. Mặc dù có thể bạn sở hữu cảm giác mạnh mẽ đối với người này, đôi khi, hai người chỉ đơn giản là không hợp nhau. Nếu mối quan hệ của bạn khá độc hại, bạn cần phải tiến bước thay vì cố gắng giành lại người ấy. Một vài dấu hiệu cho thấy rằng mối quan hệ của bạn đang gặp rắc rối không thể sửa chữa bao gồm:
    • bạo hành dưới bất kỳ hình thức nào. Nếu người yêu cũ của bạn đã hành hung bạn, hoặc ép buộc bạn phải quan hệ tình dục hoặc thực hiện điều mà bạn không cảm thấy thoải mái, người này là người bạo hành và bạn không nên cố gắng giành lại họ.[13]
    • thiếu tôn trọng ở cả đôi bên. Nếu bạn hoặc người yêu cũ của bạn gọi nhau bằng cái tên không hay, xem thường thành tựu của nhau, hoặc nói những điều làm mất thể diện nhau trước gia đình hoặc bạn bè, mối quan hệ này không có sự tôn trọng. Đây là mọi đặc điểm của mối quan hệ bạo hành về mặt tình cảm.[14] Tìm người cung cấp cho bạn sự tôn trọng mà bạn đáng nhận được, và cam kết đối xử với người đó bằng sự tôn trọng tương tự.
    • đã từngkhông chung thủy. Mặc dù một vài mối quan hệ có thể vượt qua sự phản bội, niềm tin bị phá hủy là điều rất khó để khôi phục và thậm chí nếu bạn có thể tái xây dựng nó, nó cũng sẽ dễ dàng bị phá hủy một lần nữa. Mối quan hệ đã từng trải qua sự phản bội cần nhiều sự hỗ trợ hơn dưới dạng tư vấn để sửa chữa niềm tin đã bị hủy hoại.[15]
  2. Lắng nghe bạn bè và gia đình bạn. Mặc dù, bạn có thể sẽ muốn phòng thủ, người gần gũi bên bạn và biết rõ bạn thường có cái nhìn sâu sắc về mối quan hệ của bạn. Nếu một người nào đó mà bạn biết và tin tưởng có cảm giác không tốt về mối quan hệ này, bạn cần phải xem đây là dấu hiệu cho thấy rằng vấn đề có thể xảy ra.
    • Nếu bạn biết một người bạn hoặc người thân nào đó không thích người yêu cũ của bạn, bạn nên bảo họ ngồi xuống và thảo luận lý do vì sao. Tìm hiểu xem liệu nó có dựa trên cách đối xử của người ấy với bạn hoặc với người khác hay không, tham khảo thông tin mà bạn của bạn biết nhưng bạn lại không, hoặc bằng chứng khác có thể có ý nghĩa.
  3. Chấp nhận cuộc chia tay và tiến bước. Nếu các bước trên không đem lại hiệu quả cho bạn, và/hoặc bạn đã đánh giá tình huống và quyết định rằng tiếp tục cố gắng giành lại người yêu cũ là không lành mạnh hoặc thông minh, bạn nên dành thời gian cho bản thân về mặt cảm xúc để hồi phục từ trái tim tan vỡ.
    • Theo nghiên cứu, bạn cần phải tập trung vào phần tốt nhất của mối quan hệ, đặc biệt là cách chúng giúp bạn phát triển bản thân, và cho phép mình quên đi trải nghiệm tiêu cực. Một chiến lược giúp bạn thực hiện điều này là dành 15 – 30 phút mỗi ngày trong vòng ba ngày liên tiếp để viết về khía cạnh tích cực của cuộc chia tay.[16]
    • Sau ba ngày, bạn nên cố gắng quên đi mối quan hệ này. Cho phép bản thân có thời gian để ở một mình, dành thời gian với gia đình, bạn bè và làm điều bạn yêu thích. Khi bạn đang trong trạng thái khỏe mạnh, bạn có thể bắt đầu tìm kiếm tình yêu một lần nữa.

Lời khuyên[sửa]

  • Chắc chắn khiến người yêu cũ quay về bên bạn là điều khó khăn. Bạn nên nhớ rằng nó có thể sẽ không có hiệu quả và không diễn ra theo ý bạn muốn để duy trì sự kiểm soát và phẩm giá của bạn.
  • Hãy là chính mình! Đừng trở thành người khác chỉ để lôi kéo người ấy một lần nữa; ngay từ đầu, người yêu cũ của bạn yêu bạn vì bạn là chính mình, đừng thay đổi bản thân chỉ vì một ai đó.
  • Một vài mối quan hệ không nên tiếp tục. Đừng cố gắng duy trì nó nếu người đó rõ ràng là không có hứng thú.
  • Cần nhớ rằng sẽ phải tốn một khoảng thời gian, đừng đánh mất niềm tin.
  • Quay về bên nhau là một rủi ro. Bạn có thể đã tiến bước vào quá trình phát triển và có cảm giác độc lập khi cả hai xa cách nhưng người bạn yêu có thể sẽ khiến bạn trở về như trước đây nếu bạn đồng ý quay lại.
  • Nhắc lại kỷ niệm cũ hoặc câu chuyện cười mà cả hai đều biết để khiến người ấy có cảm giác như đã từng có trước đây.
  • Cho người ấy biết rằng bạn hoàn toàn ổn khi không có họ. Nó sẽ giúp người ấy hiểu rõ là bạn không phải thuộc dạng người yêu bị ám ảnh, nhưng đồng thời cũng cho họ biết bạn đang vui vẻ khi không có họ, và từ đó, khiến họ nhớ bạn nhiều hơn.

Cảnh báo[sửa]

  • Tránh xa bất kỳ hành vi nào có thể được xem như quấy rối, theo dõi, bất hợp pháp hoặc vô đạo đức. Tại nhiều nơi trên thế giới, lệnh cấm có thể được ban hành cho bạn, hoặc thậm chí là bạn sẽ phải vào trại giam nếu hành vi của bạn vượt quá giới hạn theo đuổi tình cảm và trở thành rình rập.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]