Giúp đỡ người đang có ý định tự tử

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nếu bạn có lý do để tin rằng một người mà bạn quen đang có ý định tự tử, bạn cần phải giúp đỡ người đó ngay lập tức. Tự tử, hành động cố ý gây ra cái chết cho chính mình, là một mối đe dọa nghiêm trọng, kể cả với những người không có khả năng hiểu đầy đủ về tận cùng của cái chết.[1] Cho dù bạn của bạn nói rằng cô ấy đang có ý định tự tử hay chỉ đơn giản là bạn có linh cảm về điều đó, bạn vẫn nên hành động; để có thể cứu sống một con người. Hãy gọi điện đến Đường dây Ngăn chặn Tự sát Quốc gia của Mỹ 1-800-273-TALK (8255) hoặc 1-800-SUICIDE (1-800-784-2433) hoặc Đường dây nóng về Tự sát của Anh 08457 90 90 90 [2] để tìm hiểu thêm về cách hỗ trợ cũng như các nguồn lực để ngăn chặn tự tử tại địa phương.[1] Các chuyên gia cũng nhất trí rằng tự tử có liên quan đến cả vấn đề về sức khỏe và xã hội và nó có thể được ngăn chặn bằng cách nâng cao nhận thức của mọi người về tự tử.[3]

Các bước[sửa]

Nói chuyện với người có ý định tự sát[sửa]

  1. Hiểu được nguồn gốc của việc ngăn chặn tự tử. Việc ngăn chặn tự tử sẽ hiệu quả nhất khi các yếu tố nguy cơ [4] giảm hoặc bớt được chú trọng và những yếu tố bảo vệ[4][5] được tăng cường. Để can thiệp vào một trường hợp có ý định tự tử, hãy cố gắng cung cấp hoặc củng cố các yếu tố bảo vệ đó bởi bạn không có nhiều quyền kiểm soát đối với các yếu tố nguy cơ.
    • Các yếu tố nguy cơ bao gồm tiền sử đã từng có ý định tự sát và rối loạn tâm thần; xin vui lòng xem Mục 3: “Hiểu rõ về Xu hướng Tự sát” để biết thêm chi tiết.
    • Các yếu tố bảo vệ bao gồm điều trị lâm sàng, hỗ trợ từ gia đình và cộng đồng, hỗ trợ từ chuyên gia chăm sóc sức khỏe và phát triển kỹ năng xử lý vấn đề và giải quyết mâu thuẫn.[6]
  2. Thể hiện rằng bạn có quan tâm. Yếu tố bảo vệ tốt nhất để chống lại cảm giác bị cô lập (yếu tố nguy cơ nghiêm trọng) đó là sự hỗ trợ về tình cảm [7]cũng như mối liên kết với bạn bè, gia đình và cộng đồng.[8][5] Một người có ý định tự sát cần phải có cảm giác thuộc về cuộc sống,[9] vì vậy bạn nên thể hiện cho người đó thấy rằng cô ấy là một phần quan trọng trong cuộc sống của bạn. Hãy nghĩ đến những cách bạn có thể làm để hỗ trợ hoặc giải tỏa căng thẳng cho cuộc sống của cô ấy.
  3. Quan tâm đến các sở thích của trẻ vị thành niên hoặc thanh niên. Nếu người mà bạn đang lo lắng vẫn còn trẻ tuổi, hãy tìm hiểu về những sở thích đặc biệt của cô ấy để bạn có thể nói chuyện với cô ấy về những điều đó. Mục tiêu chính đó là thể hiện cho cô ấy thấy rằng bạn rất quan tâm tới cô ấy nên bạn vô cùng xem trọng những sở thích cũng như lời khuyên của cô ấy. Hãy hỏi những câu hỏi mở có thể giúp cô ấy thẳng thắn chia sẻ về nhiệt huyết cũng như sở thích của bản thân với bạn.[10]
    • Bạn có thể hỏi một số câu hỏi như: “Làm thế nào mà cậu tìm hiểu được nhiều điều như vậy về (điền vào chỗ trống) thế?” “Cậu có thể nói thêm cho tớ biết về điều đó được không?” “Tớ rất thích phong cách của cậu; cậu lựa chọn trang phục như thế nào thế? Cậu có lời khuyên nào về thời trang cho tớ không?” “Tớ đã xem bộ phim mà cậu nói và tớ rất thích nó. Cậu có thêm bộ phim nào để giới thiệu cho tớ không?” “Bộ phim yêu thích của cậu là gì? Tại sao cậu lại thích nó?” “Có sở thích hay hoạt động nào mà cậu có thể dành cả đời để thực hiện không?”
  4. Giúp đỡ người lớn tuổi cảm thấy có ích. Nếu bạn biết một người lớn tuổi có ý định tự tử do họ cảm thấy bản thân vô dụng hoặc trở thành gánh nặng cho người khác, hãy cố gắng giúp người đó cảm thấy có ích hoặc giảm bớt gánh nặng cho họ. [11]
    • Nhờ bà ấy dạy cho bạn một công việc nào đó như nấu ăn hoặc đan len hoặc chơi bài.
    • Nếu người đó có vấn đề về sức khỏe hoặc đi lại, hãy đề nghị đưa bà ấy đến một nơi nào đó hoặc mang đến cho bà một bữa ăn nấu tại nhà.
    • Thể hiện sự quan tâm với cuộc sống của người đó hoặc xin lời khuyên để giải quyết một vấn đề. Bạn có thể hỏi những câu hỏi như: “Hồi còn trẻ, cuộc sống của bác như thế nào?” “Kỷ niệm yêu thích của bác là gì?” “Trong tất cả những thay đổi của thế giới mà bác đã chứng kiến từ trước đến giờ, thay đổi nào là lớn nhất?” “Bác sẽ làm gì để giúp đỡ một người bị bắt nạt?” “Bác đã làm gì để đối mặt với cảm giác quá tải khi làm cha mẹ?”
  5. Đừng e ngại nói về chuyện tự tử. Theo quan niệm của một số nền văn hoá và một số gia đình, tự tử được xem là điều cấm kỵ mà mọi người đều tránh không đề cập đến.[12]. Có thể bạn sẽ lo sợ rằng nếu bạn nói chuyện với ai đó về vấn đề tự tử đồng nghĩa với việc bạn xúi giục cô ấy thực hiện suy nghĩ tự tử của mình. Tất cả những yếu tố này có thể khiến bạn chần chừ không nói chuyện một cách thẳng thắn về việc tự tử. Tuy nhiên, bạn nên chống lại suy nghĩ này bởi sự thật hoàn toàn ngược lại với nó; nói chuyện thẳng thắn về vấn đề tự tử sẽ giúp người đang trong khủng hoảng suy nghĩ và cân nhắc lại về quyết định của mình. [12]
    • Ví dụ như, trong một dự án phòng chống tự sát tại vùng lãnh địa của người Da đỏ với tỷ lệ tự sát cao, một vài học sinh lớp 8 đã thừa nhận rằng chúng có kế hoạch tự sát cho tới khi chúng tham gia vào các cuộc thảo luận công khai về vấn đề này. Những cuộc thảo luận này đã vi phạm vào điều cấm kỵ của nền văn hóa nhưng chúng đã giúp mỗi người tham gia lựa chọn cuộc sống của mình và thề sẽ không bao giờ có suy nghĩ tự sát nữa.[13]
  6. Chuẩn bị nói chuyện với ai đó về việc tự sát. Sau khi tìm hiểu các thông tin về tự sát và nhấn mạnh lại mối quan hệ của bạn với người đang có ý định tự tử, hãy chuẩn bị để nói chuyện với cô ấy. Tạo một môi trường thoải mái tại một nơi an toàn để nói chuyện về vấn đề mà bạn lo lắng.
    • Hạn chế tối thiểu những thứ có thể làm gián đoạn cuộc nói chuyện bằng cách tắt các thiết bị điện tử, để điện thoại ở chế độ im lặng và sắp xếp để bạn cùng phòng, trẻ nhỏ hoặc những người khác đến một chỗ an toàn khác.
  7. Thẳng thắn. Không phán xét hay buộc tội và cởi mở lắng nghe sẽ giúp cuộc nói chuyện trở nên gần gũi hơn. Chắc hẳn bạn sẽ không muốn có một ranh giới giữa hai người; hãy tránh điều này xảy ra bằng cách thể hiện rằng bạn rất cởi mở và quan tâm đến họ.
    • Bạn sẽ rất bị nản lòng khi nói chuyện với người đang gặp khủng hoảng và không thể suy nghĩ một cách rõ ràng, vì vậy hãy nhắc nhở bản thân phải thật bình tĩnh và biết thông cảm.[14]
    • Cách tốt nhất để trở nên cởi mở đó là không chuẩn bị sẵn bất cứ phản ứng nào với người kia. Hãy hỏi một vài câu hỏi như “Cậu cảm thấy thế nào?” hoặc “Điều gì đã khiến cậu phiền muộn thế?” và để họ giãi bày. Đừng cố gắng tranh cãi hay thuyết phục họ rằng mọi thứ không tồi tệ như họ nghĩ.
  8. Nói chuyện một cách rõ ràng và thẳng thắn. Việc quá e dè hay cẩn thận khi nói về vấn đề tự tử là hoàn toàn vô ích. Hãy thật thẳng thắn và rõ ràng về suy nghĩ của bạn. Cân nhắc tới việc sử dụng cách bắt đầu cuộc hội thoại ba nhánh bao gồm củng cố mối quan hệ, giải thích về những điều bạn nhận thấy và thể hiện sự quan tâm. Sau đó hỏi cố ấy về việc liệu cô ấy có ý định tự tử hay không.
    • Ví dụ như, “Hoa à, tớ và cậu đã là bạn ba năm rồi. Gần đây trông cậu có vẻ rất chán nản và cậu cũng uống rượu nhiều hơn. Tớ cảm thấy rất lo lắng về cậu và tớ sợ rằng có thể cậu đang suy nghĩ đến việc tự tử.”
    • Hoặc “Con à, kể từ khi con trào đời, bố đã tự hứa với bản thân sẽ luôn ở bên con. Gần đây con không sinh hoạt điều độ như bình thường và đôi lúc bố còn nghe thấy con khóc. Bố sẽ làm bất cứ điều gì để không đánh mất con. Có khi nào con đang nghĩ tới việc tự tử không?”
    • Hoặc “Từ trước đến nay em luôn là một tấm gương sáng cho mọi người noi theo. Nhưng gần đây em có nói về việc tự làm tổn thương bản thân. Em là một người vô cùng đặc biệt đối với anh. Nếu em đang có ý định tự tử, xin hãy nói với anh về điều đó”.
  9. Cho phép họ được giữ im lặng. Sau khi bạn bắt đầu cuộc nói chuyện, có thể ban đầu người đó sẽ im lặng. Có thể cô ấy cảm thấy bất ngờ khi bạn “đọc được tâm trí của cô ấy” hoặc ngạc nhiên khi một số việc cô ấy làm đã khiến bạn nghĩ rằng cô ấy định tự tử. Có lẽ cô ấy muốn dành một chút thời gian để tập trung suy nghĩ trước khi sẵn sàng trả lời bạn.
  10. Kiên nhẫn. Nếu người kia gạt bỏ lo lắng của bạn bằng cách nói “Không, em không sao” hoặc không trả lời bạn, hãy thể hiện sự quan tâm của bản thân một lần nữa. Cho cô ấy một cơ hội nữa để trả lời. Hãy thật bình tĩnh và đừng quấy rầy cô ấy nhưng bạn phải thể hiện sự kiên định trong việc thuyết phục cô ấy kể cho bạn nghe về những điều đang khiến cô ấy phiền lòng. [1]
  11. Để người đó nói. Lắng nghe những gì cô ấy nói và chấp nhận cảm xúc mà cô ấy đang giãi bày, [1] cho dù chúng khiến bạn rất đau đớn khi nghe. Đừng cố gắng tranh cãi hay giảng giải cho cô ấy về những điều mà cô ấy nên làm. Hãy đưa ra cho cô ấy một vài lựa chọn để tiếp tục hy vọng và vượt qua khủng hoảng nếu có thể.
  12. Công nhận cảm xúc của người kia. Khi nói chuyện với ai đó về cảm xúc của họ, bạn cần phải chấp nhận những cảm xúc đó thay vì cố gắng “nói lý lẽ” hoặc thuyết phục cô ấy rằng những cảm xúc đó là rất phi lý. [1]
    • Ví dụ như, nếu ai đó nói với bạn rằng cô ấy có ý định tự sát bởi thú nuôi mà cô ấy yêu thương mới qua đời, việc nói với cô ấy rằng cô ấy đang làm quá mọi chuyện sẽ thật vô ích. Nếu cô ấy nói rằng cô ấy mới mất đi người mà cô ấy thật sự yêu thương, đừng nói với cô ấy rằng cô ấy quá trẻ để hiểu được yêu là gì hay ngoài kia vẫn còn rất nhiều những chàng trai khác dành cho cô ấy.
  13. Đừng cố gắng “thách thức người đó”. Điều này có vẻ rất hiển nhiên nhưng bạn không nên thách thức hay khuyến khích người đó tự tử. [1] Có lẽ bạn nghĩ rằng đó là cách để khiến người kia hiểu ra rằng cô ấy thật ngu ngốc hay thậm chí là cho cô ấy cơ hội để nhận thấy là cô ấy thật sự muốn sống. Tuy nhiên, “sự thúc đẩy” của bạn có thể thật sự khiến cô ấy hành động và bạn sẽ cảm thấy có trách nhiệm cho cái chết của cô ấy.
  14. Cảm ơn người đó vì đã cởi mở với bạn. Nếu người đó thừa nhận rằng cô ấy có ý định tự sát, hãy thể hiện rằng bạn rất biết ơn vì cô ấy đã tin tưởng khi kể điều đó với bạn. Có lẽ bạn sẽ muốn hỏi xem liệu cô ấy có kể chuyện này với ai đó khác nữa hay không và liệu những người khác có giúp cô ấy đối mặt với những cảm xúc của bản thân hay không.
  15. Khuyên cô ấy tìm đến sự giúp đỡ của người khác. Hãy khuyến khích người đó gọi điện đến Đường dây Ngăn chặn Tự sát Quốc gia của Mỹ 1-800-273-TALK (8255) để nói chuyện với một chuyên gia được đào tạo. Chuyên gia đó có thể cung cấp một số mẹo để phát triển kỹ năng đối phó nhằm vượt qua cơn khủng hoảng muốn tự tử.[1]
    • Đừng ngạc nhiên nếu cô ấy từ chối gọi điện đến đường dây đó nhưng hãy viết số điện thoại ra hoặc đưa nó vào điện thoại của cô ấy để cô ấy có thể gọi nếu cô ấy thay đổi suy nghĩ.
  16. Hỏi xem liệu người đó có kế hoạch tự tử hay không. Bạn nên khuyến khích bạn bè hoặc người bạn yêu thương chia sẻ thông tin chi tiết về ý định tự tử với bạn. Đây có thể là phần khó khăn nhất trong cuộc nói chuyện bởi nó khiến ý định tự tử trở nên thật hơn. Tuy nhiên, biết được kế hoạch cụ thể sẽ giúp bạn giảm thiểu tối đa nguy cơ tự tử thành công. [15]
    • Nếu người đó đã đi đủ xa đến mức có một kế hoạch cụ thể, bạn cần phải giúp đỡ cô ấy.
  17. Thỏa thuận với người có ý định tự tử. Trước khi kết thúc cuộc nói chuyện, hãy trao đổi lời hứa. Bạn sẽ hứa rằng bạn sẽ luôn sẵn sàng nói chuyện với cô ấy bất cứ lúc nào, không kể ngày hay đêm. Đổi lại, hãy yêu cầu cô ấy hứa rằng cô ấy sẽ gọi điện cho bạn trước khi định tự tử.
    • Có thể lời hứa đó đủ để khiến cô ấy dừng lại và tìm kiếm giúp đỡ trước khi tự tử.

Hành động chống lại việc tự tử[sửa]

  1. Hạn chế tối đa cơ hội làm tổn thương bản thân trong trường hợp gặp khủng hoảng. Đừng để người đó một mình nếu bạn cho rằng cô ấy đang bị khủng hoảng. Hãy tìm kiếm sự hỗ trợ ngay lập tức bằng cách gọi 911, một chuyên gia can thiệp khủng hoảng hoặc một người bạn mà bạn tin tưởng.
  2. Loại bỏ tất cả những phương tiện có thể tự làm tổn hại bản thân. Nếu ai đó đang trong khủng hoảng và có ý định tự sát, hãy hạn chế tất cả các phương tiện để giảm khả năng tự làm tổn hại bản thân của họ.[7] Đặc biệt, cần loại bỏ tất cả những vật dụng nằm trong kế hoạch tự sát.
    • Hầu hết nam giới tự sát đều sẽ chọn súng để kết liễu mạng sống của mình, trong khi phụ nữ thường có xu hướng tự đầu độc bản thân bằng thuốc hoặc chất độc.[16]
    • Ngăn không cho người đó tiếp cận với súng, thuốc, chất độc, dây đai, dây thừng, dao hoặc kéo sắc, dụng cụ để cắt như cưa, và/hoặc bất cứ thứ gì có thể tạo điều kiện cho người đó tự sát.[7]
    • Mục tiêu của bạn là loại bỏ các phương tiên để tự sát nhằm trì hoãn quá trình tự sát để người đó có thời gian bình tĩnh lại và lựa chọn sống tiếp.
  3. Kêu gọi sự giúp đỡ. Người đang gặp khủng hoảng có thể sẽ yêu cầu bạn giữ bí mật về cảm giác muốn tự sát của họ. [17] Tuy nhiên, bạn không nên cảm thấy bắt buộc phải tuân thủ theo yêu cầu này; đây là việc có thể đe dọa đến tính mạng của một người vì vậy gọi cho một chuyên gia kiểm soát khủng hoảng để xin giúp đỡ không phải là hành động vi phạm lòng tin của người đó đối với bạn. Có thể bạn sẽ muốn cho ít nhất một trong những nguồn giúp đỡ dưới đây biết:
    • Đường dây Ngăn chặn Tự sát Quốc gia của Mỹ 1-800-273-TALK (8255).
    • cố vấn của trường hoặc lãnh đạo tinh thần như thầy tu, mục sư hoặc giáo trưởng
    • bác sỹ của người đang gặp khủng hoảng
    • 9-1-1 (nếu bạn cảm thấy người đó đang gặp nguy hiểm)

Hiểu được các xu hướng tự sát[sửa]

  1. Hiểu được tầm nghiêm trọng của việc tự sát. Tự sát là hành động cực điểm trong quá trình vượt qua bản năng của con người đối với việc tự bảo vệ bản thân.[9]
    • Tự sát là một vấn đề toàn cầu;[7] chỉ riêng trong năm 2012 đã có khoảng 804.000 người tự kết liễu cuộc sống của mình. [7]
    • Tại Mỹ, tự sát là một nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong,[18] cứ 5 phút sẽ có một vụ tự sát xảy ra. Trong năm 2012 tại Mỹ có khoảng hơn 43.300 ca tử vong do tự sát.[7]
  2. Hiểu được quá trình dẫn đến tự sát. Mặc dù yếu tố quyết định hành động tự tử có thể do bộc phát và trong một lúc bốc đồng,[7] nhưng tự tử là một quá trình tích lũy [9] mà mọi người thường sẽ nhận ra sau khi sự đã rồi.[7] Các quá trình của tự tử bao gồm: [19]
    • Các sự kiện căng thẳng dẫn đến cảm giác buồn bã và trầm cảm
    • Suy nghĩ đến việc tự sát, người đó sẽ tự hỏi bản thân có nên tiếp tục sống tiếp hay không
    • Lên kế hoạch tự sát theo một cách cụ thể
    • Chuẩn bị tự sát, bao gồm thu thập các phương tiện để tự sát và trao tặng tài sản cho người thân
    • Cố gắng tự sát, người đó sẽ cố gắng kết thúc cuộc sống của mình
  3. Để ý đến triệu chứng trầm cảm và lo lắng sau một thay đổi lớn trong cuộc sống. Con người, dù ở bất cứ độ tuổi nào, đều sẽ cảm thấy lo lắng và trầm cảm sau khi trải qua một thay đổi trong cuộc sống. Hầu hết mọi người đều có thể nhận thức được rằng điều đó là hoàn toàn bình thường và tình huống đó chỉ là tạm thời.[1] Tuy nhiên, một số người trở nên chìm đắm trong sự tuyệt vọng và lo lâu của bản thân đến nỗi họ không thể nhìn thấy bất cứ điều gì khác ngoài tình hình hiện tại. Họ không có hy vọng và không tìm thấy giải pháp để thoát khỏi nỗi đau mà họ đang cảm nhận.
    • Người ta có ý định tự sát là để chấm dứt nỗi đau của hoàn cảnh (tạm thời) bằng một cách thức (vĩnh cửu, không thể thay đổi được).
    • Một số người thậm chí còn tin rằng họ cảm thấy muốn tự tử đồng nghĩa với việc họ bị điên và nếu họ bị điên thì họ sẽ tự sát. Điều này là hoàn toàn không đúng do hai nguyên nhân. Thứ nhất, những người không có bệnh về tâm thần cũng có thể tự sát. Thứ hai, những người có vấn đề về tâm thần vẫn là những người quan trọng và có rất nhiều giá trị.
  4. Nghiêm túc xem xét những lời đe dọa tự tử. Có thể bạn đã từng nghe nói rằng những người có ý định tự tử sẽ không bao giờ nói điều đó ra.[7] Điều này là hoàn toàn sai lầm! Những người thẳng thắn nói chuyện về vấn đề tự tử có thể đang yêu cầu được giúp đỡ theo cách duy nhất mà cô ấy biết, và nếu không ai ngỏ ý giúp đỡ, có thể cô ấy sẽ chịu thua trước tình cảnh tối tăm đang khiến cô ấy quá tải. [7]
    • Trong một nghiên cứu gần đây, 8,3 triệu người trưởng thành tại Mỹ thừa nhận rằng họ đã có ý định tự tử trong năm ngoái. 2.2 triệu người đã có kế hoạch tự tử và 1 triệu người tự tử không thành công.[16]
    • Người ta tin rằng cứ mỗi vụ tự tử thành công sẽ có từ 20 đến 25 vụ tự tử bất thành.[16] Trong nhóm tuổi từ 15 đến 24, có đến 200 vụ tự tử bất thành đối với mỗi trường hợp tự tử thành công.
    • Hơn 15% học sinh cấp ba tại Mỹ được khảo sát thừa nhận đã từng có ý định tự sát. 12% trong số đó đã có kế hoạch cụ thể và 8% đã cố gắng tự kết liễu cuộc sống của mình. [16]
    • Những số liệu này đã cho thấy nếu bạn nghi ngờ ai đó đang có ý định tự sát, rất có thể là bạn đã đúng; tốt hơn hết là bạn nên tự giả định rằng mình đúng và đề nghị giúp đỡ.
  5. Đừng mặc định rằng bạn của bạn không phải “kiểu người” sẽ tự kết thúc mạng sống của mình. Việc ngăn chặn tự tử ắt hẳn đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều nếu thật sự có một mô tả cụ thể về kiểu người sẽ tự tử. Tự tử có thể ảnh hưởng đến tất cả mọi người thuộc bất cứ quốc gia, không kể sắc tộc, giới tính, độ tuổi, tín ngưỡng hay tình trạng kinh tế.[7]
    • Nhiều người cảm thấy rất bất ngờ khi phát hiện ra rằng thậm chí trẻ em 6 tuổi [20] và người già, những người cảm thấy bản thân như là gánh nặng của gia đình [9] cũng có thể tự kết liễu cuộc sống của mình.
    • Đừng mặc định rằng chỉ những người có vấn đề về tâm thần mới tự sát. Tỷ lệ tự sát của những người mắc bệnh về tâm thần cao hơn, [3] nhưng những người bình thường cũng có thể tự sát. Thêm vào đó, những người được chẩn đoán là có mắc bệnh về tâm thần có thể sẽ không thẳng thắn chia sẻ thông tin đó, vì vậy bạn sẽ không biết được tình trạng bệnh lý của họ.
  6. Nhận biết được các xu hướng trong số liệu thống kê về tự sát. Mặc dù suy nghĩ tự sát có thể xảy ra với bất cứ ai nhưng vẫn có một số đặc điểm nhất định giúp xác định nhóm người có nguy cơ cao hơn. Nam giới có xu hướng tự sát cao gấp 4 lần,[16] nhưng phụ nữ thường có ý định tự sát, nói chuyện về ý định tự sát với người khác và cố gắng tự sát bất thành nhiều hơn. [8]
    • Người thổ dân châu Mỹ có tỷ lệ tự tử cao hơn so với các nhóm sắc tộc khác. [8]
    • Người trưởng thành dưới 30 tuổi có xu hướng nghĩ đến kế hoạch tự tử nhiều hơn so với người trên 30 tuổi.[8]
    • Đối với các em gái ở độ tuổi vị thành niên, nhóm Hispanic có tỷ lệ tự tử cao nhất.[16]
  7. Nhận biết các yếu tố nguy cơ của việc tự sát. Bạn cần lưu ý rằng, như đã được chỉ rõ phía trên, những người có ý định tự tử đều khác nhau và không theo một khuôn mẫu cụ thể. Tuy nhiên hiểu được những yếu tố rủi ro sẽ giúp bạn xác định xem liệu bạn của bạn có đang gặp nguy hiểm hay không. Những người có nguy cơ tự tử cao hơn người khác là những người:[7][21]
    • từng tìm cách tự sát
    • mắc bệnh về tâm thần, thường xuyên bị trầm cảm
    • lạm dụng rượu bia hoặc thuốc kích thích bao gồm cả thuốc giảm đau[16]
    • có vấn đề về sức khỏe hoặc bệnh đau kinh niên
    • có vấn đề về việc làm hoặc tài chính
    • cảm thấy như họ rất cô đơn hoặc cô độc và thiếu hỗ trợ xã hội
    • có vấn đề về tình cảm
    • có người thân đã tự sát
    • nạn nhân của phân biệt chủng tộc, bạo lực hoặc ngược đãi
    • trải qua cảm xúc tuyệt vọng
  8. Cẩn thận với ba yếu tố nguy cơ nghiêm trọng nhất. Giáo sư Thomas Joiner cho rằng ba yếu tố dự báo tự tử chính xác nhất bao gồm cảm thấy cô độc, cảm thấy bản thân là gánh nặng cho người khác và học cách làm tổn thương chính mình. Ông gọi đó là “diễn tập” tự sát hơn là kêu cứu.[9] Ông giải thích những người có nguy cơ tự sát cao nhất thường:[9]
    • mất cảm giác với nỗi đau về thể xác
    • không sợ chết
  9. Nhận biết các dấu hiệu cảnh báo tự tử. Các dấu hiệu cảnh báo khác với các yếu tố nguy cơ (như phía trên) ở chỗ chúng chỉ ra nguy cơ cố gắng tự tử sắp xảy ra. Một số người tự kết thúc cuộc sống của mình mà không có bất cứ một cảnh báo nào nhưng hầu hết những người cố gắng tự tử đều sẽ nói hoặc làm một điều gì đó. Điều này sẽ được xem như tín hiệu đèn đỏ cảnh báo mọi người rằng có một điều gì đó không hay đang xảy ra.[7]Nếu bạn nhận thấy một vài hoặc tất cả những dấu hiệu nguy hiểm dưới đây, hãy can thiệp ngay lập tức để tránh bi kịch xảy ra. Một số dấu hiệu cảnh báo bao gồm:[1][8]
    • thay đổi trong thói quen ngủ hoặc ăn uống
    • sử dụng nhiều đồ uống có cồn, thuốc kích thích hoặc thuốc giảm đau
    • không thể làm việc, suy nghĩ rõ ràng hoặc đưa ra quyết định
    • biểu lộ cảm xúc vô cùng buồn bã[7] hoặc chán nản
    • biểu lộ cảm xúc cô độc hoặc thể hiện như không có ai chú ý hay quan tâm đến họ
    • chia sẻ về cảm giác vô dụng, tuyệt vọng hoặc thiếu kiểm soát
    • than phiền về nỗi đau và không thể tưởng tượng ra một tương lai không còn đau khổ.
    • đe dọa tự làm tổn thương bản thân
    • trao tặng các tài sản mà họ yêu quý hoặc có giá trị. [22]
    • đột nhiên hạnh phúc hoặc tràn đầy năng lượng sau một thời gian dài trầm cảm[22]

Lời khuyên[sửa]

  • Hiểu được rằng về phía bạn thì kiên nhẫn là yếu tố then chốt. Đừng thúc giục họ đưa ra quyết định hay kể cho bạn mọi chuyện. Phải luôn thật tinh tế trong những vấn đề nghiêm trọng như cái chết.
  • Cố gắng hiểu được điều gì đã khiến họ có quyết định như vậy. Tự tử thường đi kèm với trầm cảm, tình trạng cảm xúc vô cùng khác lạ đối với những người chưa từng trải qua nó. Lắng nghe thật cẩn thận và cố gắng hiểu được tại sao họ lại cảm nhận theo cách như vậy.
  • Các sự kiện trong cuộc sống có thể dẫn đến ý định tự tử bao gồm mất đi người thân, mất việc/nhà/tiền/tự tin, thay đổi sức khỏe, li dị hoặc chia tay, tự công khai hoặc bị công khai thuộc giới tính thứ ba, các loại bệnh xã hội, sống sót sau một thảm họa thiên nhiên, v.v.[23] Một lần nữa, nếu bạn nhận thức được rằng người đó đã và đang trải qua những trải nhiệm như vậy, hãy thật cảnh giác với sự nghiêm trọng của tình hình.
  • Lắng nghe họ và những vấn đề của họ. Họ cần một người biết lắng nghe.
  • Nếu người đó không gặp nguy hiểm ngay tức khắc, nói chuyện là cách tốt nhất để giúp đỡ lúc này.
  • Đặc biệt nếu bạn ở độ tuổi thanh thiếu niên và bạn đang lo lắng về một người bạn hay một thành viên trong gia đình có ý định tự tử, hãy nói chuyện với một người lớn mà bạn tin tưởng hoặc lập tức gọi điện đến đường dây nóng để nhận giúp đỡ cho cả hai bạn. Đừng giữ bí mật về điều đó! Đây là một gánh nặng vượt quá sức chịu đựng của bạn, và nó sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu bạn của bạn thật sự tự tử bất chấp những lời mà anh ấy/cô ấy đã hứa với bạn khi bạn nói chuyện với họ.
  • Chỉ lắng nghe. Đừng cố gắng nói cho họ cách để cảm thấy tốt hơn hay đưa ra lời khuyên. Hãy chỉ im lặng và thật sự lắng nghe.
  • Giữ cho người đó tiếp tục nói chuyện. Hình thành một môi trường tràn ngập sự cảm thông và thấu hiểu. Nói với cô ấy rằng bạn yêu mến cô ấy và bạn sẽ nhớ cô ấy đến mức nào nếu cô ấy không còn trên đời này nữa.
  • Những bệnh có thể dẫn đến ý định tự sát bao gồm trầm cảm, rối loạn căng thẳng sau sang chấn, rối loạn khiếm khuyết hình thể, rối loạn tâm thần, nghiện thuốc hoặc nghiện rượu, v.v. Nếu bạn biết ai đó mắc phải một trong những bệnh kể trên và anh ấy/cô ấy đề cập đến việc tự tử, hãy giúp họ tìm hỗ trợ ngay lập tức.[24]

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu bạn cảm thấy như người đó đang trong hoàn cảnh khủng hoảng đáng báo động, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ ngay lập tức, cho dù họ không yêu cầu bạn làm vậy.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 1,2 1,3 1,4 1,5 1,6 1,7 1,8 http://www.suicidepreventionlifeline.org/
  2. http://www.nhs.uk/Conditions/Suicide/Pages/Getting-help.aspx
  3. 3,0 3,1 Màn đêm Buông xuống Nhanh: Tìm hiểu về Tự sát, Dr. Kay Redfield Jamison (Vintage, 2000)
  4. 4,0 4,1 http://www.cdc.gov/ViolencePrevention/suicide/index.html
  5. 5,0 5,1 http://www.cdc.gov/violenceprevention/suicide/riskprotectivefactors.html
  6. http://www.cdc.gov/violenceprevention/suicide/riskprotectivefactors.html
  7. 7,00 7,01 7,02 7,03 7,04 7,05 7,06 7,07 7,08 7,09 7,10 7,11 7,12 7,13 Ngăn chặn Tự sát: Góc nhìn toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới (2014)
  8. 8,0 8,1 8,2 8,3 8,4 Tài liệu về Tự sát, Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Xâm hại Quốc gia, Ban Phòng chống Bạo lực. (CDC, 2014)
  9. 9,0 9,1 9,2 9,3 9,4 9,5 Tại sao Người ta lại Tự sát, Bác sỹ Thomas Joiner (Tạp chí Đại học Harvard, 2007)
  10. https://www.apa.org/pi/families/resources/talking-teens.pdf
  11. http://www.dmu.ac.uk/research/research-news/2013/june/elderly-feel-ignored,-finds-dmu-research.aspx
  12. 12,0 12,1 Ngăn chặn Tử sát: Góc nhìn Toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới (2014)
  13. https://www.afsp.org/advocacy-public-policy/federal-policy/other-legislative-priorities/american-indian-alaska-native-youth-suicide-prevention
  14. http://www.suicidepreventionlifeline.org/
  15. Ngăn chặn Tự sát: Góc nhìn Toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới (2014)
  16. 16,0 16,1 16,2 16,3 16,4 16,5 16,6 Tổng quan về Tự sát, Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Xâm hại Quốc gia, Ban Phòng chống Bạo lực. (CDC, 2012)
  17. http://www.suicidepreventionlifeline.org
  18. Tổng quan về Tự sát, Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Xâm hại Quốc gia, Ban Phòng chống Bạo lực. (CDC, 2012)
  19. http://www.alacoghq.org/PDF/Evangelism/acc_Suicide-Is-Not-Painless.pdf
  20. Nạn nhân Tự tử trẻ nhất trong Lịch sử Tiểu bang Oregon, Caleb Hannan (5 tháng 4, 2010), tại trang web http://www.seattleweekly.com/home/928466-129/healthandwelfare
  21. Suicide Fact Sheet A, by National Center for Injury Prevention and Control, Division of Violence Prevention. (CDC, 2014)
  22. 22,0 22,1 Trầm cảm và Tự sát. Thư viện Y học John Hopkins. (2015) Lấy từ trang web http://www.hopkinsmedicine.org/healthlibrary/conditions/mental_health_disorders/depression_and_suicide_85,P00764/
  23. http://www.metanoia.org/suicide/whattodo.htm
  24. Dr Pamela Stephenson Connolly, Người mắc bệnh về tâm thần: Đối xử với bản thân để có sức khỏe tâm thần tốt hơn, at various pages, (2007), ISBN 978-0-7553-1721-9

Liên kết đến đây