Giúp đỡ người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) gây phiền toái cho người bệnh, đồng thời gây khó hiểu cho bạn bè và người thân của họ. Có một nỗi ám ảnh thường trực ở người mắc chứng OCD – đó là những suy nghĩ dai dẳng, lặp đi lặp lại và thường không dễ chịu.[1] Những ý nghĩ này kích thích sự cưỡng chế - đó là những hành động hoặc trình tự lặp đi lặp lại nhằm đối phó với sự ám ảnh đó. Thông thường người mắc OCD có cảm giác như một điều gì đó khủng khiếp sẽ xảy ra nếu họ không thực hiện những hành động cưỡng chế của mình. Tuy vậy, bạn có thể giúp người thân hoặc bạn bè của bạn mắc chứng OCD bằng thái độ hỗ trợ và thông cảm, tránh tạo điều kiện cho hành vi cưỡng chế, khuyến khích và tham gia vào quá trình điều trị, đồng thời tìm hiểu về chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế.

Các bước[sửa]

Thông cảm và hỗ trợ[sửa]

  1. Ủng hộ người thân của bạn về mặt tinh thần. Sự hỗ trợ tinh thần bao giờ cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng, vì nhờ nó mà người ta có cảm giác kết nối, được yêu thương và che chở, yếu tố này lại càng cần thiết cho người mắc OCD.[2]
    • Cho dù bạn không có nhiều kiến thức về sức khỏe tâm thần hoặc không nghĩ rằng mình có khả năng “chữa trị” được chứng rối loạn này, nhưng sự ủng hộ và quan tâm có thể giúp người mắc OCD cảm thấy được tin tưởng và chấp nhận.
    • Bạn có thể bày tỏ sự ủng hộ của mình với người thân chỉ bằng cách ở bên cạnh họ khi họ muốn chia sẻ những suy nghĩ, cảm giác hoặc tâm sự về hành vi cưỡng chế của họ. Bạn có thể nói những điều như, “Mình luôn ở bên bạn khi bạn muốn tâm sự bất cứ chuyện gì. Mình có thể uống cà phê hay tìm thứ gì đó ăn khi trò chuyện”.
    • Nói với người đó rằng bạn mong muốn điều tốt nhất cho họ, và nếu bạn có nói hoặc làm gì đó khiến họ không vui thì hãy cho bạn biết – điều này sẽ giúp cho người thân của bạn cởi mở với bạn và có cảm giác tin tưởng bạn.
  2. Biết thông cảm. Sự thông cảm là một yếu tố cần thiết trong trị liệu, vì nhờ nó mà người ta có cảm giác kết nối và thấu hiểu; đây là điều vô cùng quan trọng khi giao tiếp với người mắc OCD.[3] Bạn hãy cố gắng hiểu những gì người thân của bạn đang trải qua.
    • Sự thấu hiểu giúp bạn biết cảm thông hơn. Hãy hình dung ra cảnh cứ mỗi bữa ăn người bạn yêu cứ nhất định phải bày biện thức ăn theo cách lạ thường nào đó. Ban đầu có thể bạn cảm thấy hành vi đó rất kỳ quặc; bạn yêu cầu cô ấy không làm như vậy nữa và cằn nhằn hành vi kỳ lạ của cô ấy. Nhưng dần dần khi đã hiểu ra nguyên nhân sâu xa và nỗi sợ hãi ẩn sau đó, bạn sẽ thấy cảm thông hơn.
    • Bạn có thể bày tỏ sự thông cảm của mình với những câu như, “Anh biết em đang rất cố gắng và cũng biết rằng em khổ sở vì dù đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không có kết quả, nhất là khi nó không nằm trong tầm kiểm soát của em. Anh không trách rằng dạo này em hay bực bội và bức xúc. Có lẽ em không chỉ đau khổ mà còn giận dữ vì bị mắc kẹt với chứng rối loạn này”.[2]
  3. Dùng cách giao tiếp cảm thông và hỗ trợ. Khi giao tiếp với người đó, bạn cần bày tỏ sự ủng hộ, nhưng không khuyến khích hoặc tạo điều kiện cho những hành vi liên quan đến chứng OCD của họ.[2]
    • Đưa ra những bình luận “lấy thân chủ làm trọng tâm”, ví dụ như “Anh rất thông cảm với những gì em đang trải qua lúc này. Em nghĩ điều gì làm cho biểu hiện OCD của em trở nên tệ như vậy? Anh luôn ở bên cạnh để hỗ trợ em và lắng nghe em tâm sự. Anh mong là em sẽ sớm cảm thấy khá hơn”.[2]
    • Giúp người thân của bạn đánh giá lại mức độ nghiêm trọng của những suy nghĩ ám ảnh trong đầu cô ấy.[2]
  4. Không phán xét hoặc chỉ trích người đó. Cho dù có làm gì, bạn luôn luôn nên tránh phán xét và chỉ trích những ý nghĩ ám ảnh và hành vi cưỡng chế của người mắc OCD. Những lời nhận xét và phê bình có thể khiến người thân của bạn che giấu chứng bệnh rối loạn của họ. Điều này sẽ gây khó khăn trong việc giúp họ điều trị, và còn khiến quan hệ giữa hai bên trở nên xa cách.[4] Có thể cô ấy sẽ cảm thấy thoải mái khi nói chuyện với bạn hơn nếu bạn có thái độ chấp nhận.[5]
    • Ví dụ về một câu chỉ trích có thể là, “Tại sao em không thể ngừng làm những việc vô nghĩa đó?” Tránh chỉ trích cá nhân để không đẩy người thân của bạn ra xa. Đừng quên rằng người mắc OCD thường không thể kiểm soát được chứng rối loạn này.
    • Việc không ngớt chỉ trích có thể khiến người thân của bạn cảm thấy như mình không có khả năng đáp ứng được mong mỏi của bạn. Từ đó họ sẽ thu mình lại và tránh tương tác với bạn.
  5. Điều chỉnh sự trông đợi của bạn để khỏi phải nản lòng. Nếu bạn nản chí hoặc bực bội với người thân, bạn sẽ khó có thể hỗ trợ họ một cách đầy đủ và hiệu quả.[5]
    • Hiểu rằng người mắc OCD thường phản kháng với sự thay đổi, và sự thay đổi đột ngột có thể khiến các triệu chứng bộc phát.
    • Đánh giá sự tiến bộ của người đó so với chính họ, và thúc giục họ thử thách bản thân. Tuy nhiên, bạn đừng đòi hỏi người thân của bạn phải thực hiện một cách hoàn hảo, nhất là khi điều đó vượt quá khả năng của họ.
    • Việc so sánh người thân của bạn với những người khác không bao giờ có tác dụng, vì điều đó có thể khiến cô ấy cảm thấy kém cỏi và có thái độ đề phòng.
  6. Nhớ rằng mỗi người có các mức tiến bộ khác nhau. Các triệu chứng OCD có nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau, và cũng có nhiều mức đáp ứng khác nhau với việc điều trị.[2]
    • Hãy kiên nhẫn khi người thân của bạn đang tiếp nhận trị liệu OCD.
    • Sự tiến bộ dù chậm vẫn tốt hơn là tái phát, do đó bạn nhớ duy trì sự ủng hộ, và đừng làm nản lòng cô ấy bằng thái độ bực dọc.
    • Không nên so sánh hàng ngày, vì những so sánh đó không biểu hiện cho toàn cảnh.
  7. Công nhận những tiến bộ nho nhỏ nhằm khuyến khích người mắc OCD. Công nhận những kết quả dù có vẻ nhỏ bé để giúp người thân của bạn biết rằng bạn nhìn thấy sự tiến bộ của cô ấy và tự hào về cô ấy.[2] Đây là một biện pháp hữu hiệu khuyến khích người thân của bạn tiếp tục cố gắng.
    • Nói những điều như, “Anh thấy ngày hôm nay em bớt rửa tay rồi. Giỏi lắm!”
  8. Giữ khoảng cách và không gian giữa bạn và người thân của bạn khi cần thiết. Bạn không nên cố gắng ngăn chặn hành vi OCD của người thân bằng cách lúc nào cũng ở bên cạnh họ. Điều này không tốt cho bạn và cả người đó. Bạn cần có thời gian riêng tư lấy lại sức để tiếp tục ủng hộ và thông cảm cho người thân.
    • Nhớ rằng khi ở bên cạnh người thân mắc chứng OCD, bạn nên nói về những chuyện không liên quan đến OCD cũng như các triệu chứng của bệnh. Chắc hẳn bạn không muốn chứng OCD là sự kết nối duy nhất giữa bạn và người bạn yêu thương.

Bớt tạo điều kiện cho các hành vi OCD[sửa]

  1. Đừng nhầm lẫn giữa việc hỗ trợ và tạo điều kiện cho hành vi OCD. Tránh nhầm lẫn giữa hai việc này là rất quan trọng. Tạo điều kiện cho hành vi OCD có nghĩa là khuyến khích hoặc giúp người mắc OCD duy trì những hành vi cưỡng chế của họ.[5] Điều này có thể khiến các triệu chứng OCD trầm trọng hơn, vì làm như vậy là bạn đang củng cố các hành vi cưỡng chế.[5]
    • Hỗ trợ không có nghĩa là chấp nhận những hành vi cưỡng chế của người đó mà là nói chuyện với họ về những nỗi lo sợ của họ và tỏ ra thấu hiểu họ, cho dù bạn có nghĩ hành động của họ là kỳ quặc.
  2. Không chiều theo hành vi cưỡng chế để khỏi vô tình củng cố hành vi của người mắc OCD. Không ít gia đình có người thân mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường làm giúp hoặc thậm chí bắt chước một số hành vi nào đó để cố gắng che chở và giúp đỡ người đó. Ví dụ, nếu người thân của bạn có hành vi cưỡng chế là tách riêng từng loại thức ăn trong đĩa của mình, có thể bạn bắt tay vào làm giúp cô ấy. Có lẽ bạn nghĩ rằng như vậy là biểu lộ sự thông cảm và hỗ trợ, nhưng thực chất việc làm đó lại gây tác dụng ngược.[5] Hành vi đó là tạo điều kiện và củng cố hành vi cưỡng chế. Có thể phản ứng tự nhiên của bạn là nhằm mục đích chia sẻ gánh nặng, nhưng làm như vậy là bạn đã khiến cho cả gia đình hoặc mạng lưới xã hội có thể bắt đầu “mắc chứng OCD”, trong đó tất cả mọi người đều tham gia vào những hành động cưỡng chế.
    • Khi giúp người thân thực hiện những hành vi cưỡng chế, bạn đã ngụ ý rằng nỗi lo sợ phi lý của họ là chính đáng và họ nên tiếp tục những hành vi cưỡng chế đó.
    • Cho dù khó khăn ra sao, bạn cũng nên tránh tiếp sức cho những hành vi cưỡng chế, vì việc đó sẽ chỉ khuyến khích hành vi của họ.
  3. Không ủng hộ bằng hành vi tránh né. Bạn không nên liên tục giúp đỡ người thân tránh né những điều gây khó chịu cho họ, đặc biệt là trong những hoạt động hàng ngày.[5] Đây cũng là một kiểu tạo điều kiện cho các hành vi cưỡng chế.
    • Ví dụ, bạn không nên giúp cô ấy tránh những bề mặt bẩn bằng cách không bao giờ đi ăn ở ngoài.
  4. Cố gắng không tạo điều kiện cho các hành vi/trình tự mang tính hệ thống. Không làm giúp người mắc OCD những việc khiến họ tiếp tục bị cuốn vào hành vi có hệ thống.[5]
    • Một ví dụ cho hành động sai lầm này là giúp người thân OCD của bạn mua các sản phẩm tẩy rửa mà cô ấy muốn để chùi rửa một cách ám ảnh.
  5. Không điều chỉnh thông lệ hàng ngày của bạn. Nếu bạn điều chỉnh thời gian biểu hàng ngày của mình để đáp ứng các triệu chứng của người thân mắc chứng OCD, bạn có thể làm thay đổi hành vi của cả gia đình để chiều theo các hành vi OCD cơ bản.[5]
    • Một ví dụ của hành động này là lùi lại giờ ăn tối để chờ cho người mắc OCD hoàn thành “thủ tục” của họ.
    • Một ví dụ khác là bạn cố gắng gánh vác giúp công việc cho người mắc OCD, bởi vì họ khó có thể hoàn thành công việc của mình kịp giờ.
  6. Lập một kế hoạch hành động để giúp bản thân bạn và những người khác ngừng tạo điều kiện cho những triệu chứng OCD. Nếu từ trước đến nay bạn vẫn “đồng lõa” với người đó, và bây giờ khi đã nhận ra điều này, bạn cần nhẹ nhàng rút lui khỏi những hành vi khuyến khích đó và tiếp tục nghe ngóng.[5]
    • Giải thích rằng việc giúp họ như vậy chỉ làm tình hình tệ hơn. Bạn cần chuẩn bị tinh thần, vì người thân của bạn có thể phật ý, và hãy xử lý cảm xúc của bạn khi ở bên cô ấy; bạn phải mạnh mẽ lên!
    • Ví dụ, một gia đình có thói quen chiều theo hành vi cưỡng chế khi chờ cho người đó hoàn tất trình tự của họ trước khi ngồi vào bàn ăn có thể lập kế hoạch thay đổi bằng cách không chờ đợi nữa và không rửa tay theo họ nữa.
    • Cho dù là kế hoạch hành động gì, bạn cũng cần đảm bảo tính kiên định.

Khuyến khích việc điều trị[sửa]

  1. Khuyến khích người đó hướng đến việc điều trị. Một cách để động viên người thân mắc chứng OCD là giúp họ xác định các mặt thuận lợi và bất lợi của việc thay đổi.[6] Nếu người thân của bạn vẫn ngần ngại tiếp nhận điều trị, bạn có thể thực hiện một số việc như sau:
    • Đem các tài liệu về nhà.
    • Động viên người đó rằng việc điều trị là có ích.
    • Thảo luận về việc bạn đã giúp sức cho hành vi OCD của họ.
    • Giới thiệu nhóm hỗ trợ.
  2. Bàn về các lựa chọn trong điều trị để mở đường cho việc điều trị chuyên khoa. Sự hỗ trợ của bạn là một trong những yếu tố quan trọng nhất để giúp đỡ người mắc OCD, vì thái độ ủng hộ của bạn giúp họ cất bớt gánh nặng trên vai và giúp họ tìm được phương pháp điều trị tốt nhất có thể. Bạn nhớ chú ý bàn bạc về các lựa chọn trong điều trị với người thân của mình để gợi ý về việc điều trị chuyên khoa.
    • Nhớ cho người đó biết rằng OCD là một chứng bệnh có khả năng chữa khỏi rất cao, và các triệu chứng khó chịu của họ sẽ giảm đáng kể.
    • Bạn có thể hỏi bác sĩ khám tổng quát để biết thêm thông tin về cách điều trị OCD và danh sách các chuyên gia sức khỏe tâm thần gần nơi bạn sinh sống.
    • Không gây áp lực cho người thân mắc OCD. Bạn chỉ nên thảo luận về các phương pháp trị liệu khác nhau và phương pháp nào là thích hợp nhất cho trường hợp của họ. Các phương pháp này có thể là thuốc men, liệu pháp nhận thức – hành vi, và sự hỗ trợ cũng như thông hiểu của gia đình. Nhiều loại thuốc cho thấy có hiệu quả trong việc điều trị OCD và có tác dụng kiểm soát các triệu chứng tuy không thể chữa khỏi.
    • Liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT), liệu pháp tiếp xúc, và ngăn chặn phản ứng là các cách điều trị có thể lựa chọn, có thể kèm theo thuốc hoặc không. Đối với những người mắc OCD, việc tiếp xúc và ngăn chặn phản ứng có thể giúp giảm triệu chứng.[7] Hình thức trị liệu này sẽ dần dần giúp người mắc OCD kiềm chế những hành vi cưỡng chế của họ. Một hình thức trị liệu khác có thể giúp ích cho cả gia đình là liệu pháp gia đình. Đây có thể là nơi an toàn để biểu lộ cảm xúc và sự ủng hộ của bạn.
  3. Đi cùng người thân đến bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý để giúp việc điều trị thêm hiệu quả. Để tìm ra cách điều trị hiệu quả nhất, bạn cần đến gặp bác sĩ tâm thần (MD – tiến sĩ y khoa), chuyên gia tâm lý (PhD, PsyD – tiến sĩ tâm lý học), hoặc chuyên gia tư vấn (LPC – cố vấn chuyên nghiệp, LMFT – chuyên gia trị liệu các vấn đề về hôn nhân gia đình). Sự tham gia của gia đình trong việc điều trị đã chứng minh là có hiệu quả giảm nhẹ các triệu chứng OCD.[7]
    • Tốt nhất là bạn nên tìm một người chuyên trị liệu OCD hoặc ít nhất là có kinh nghiệm điều trị OCD. Khi quyết định chọn bác sĩ, bạn nhớ phải hỏi xem bác sĩ đó có kinh nghiệm điều trị OCD không.
  4. Khuyến khích các thành viên trong gia đình cùng tham gia vào việc điều trị. Nghiên cứu cho thấy sự tham gia của gia đình trong việc can thiệp hành vi hoặc quá trình điều trị OCD có thể giúp người bệnh giảm các triệu chứng.[7]
    • Liệu pháp gia đình có thể khuyến khích sự giao tiếp tích cực và giảm sự giận dữ.[8][5]
    • Bạn có thể trợ giúp người thân viết nhật ký hoặc ghi chép những ý nghĩ của họ để giúp họ theo dõi sự ám ảnh và hành vi cưỡng chế.[9][10]
  5. Giúp người thân uống thuốc theo chỉ định. Tuy rằng ý nghĩ về việc người thân của bạn đang uống thuốc điều trị tâm thần có vẻ đáng sợ, nhưng bạn cần tin vào nhận định của bác sĩ.
    • Không làm sai hướng dẫn sử dụng thuốc của bác sĩ.
  6. Tiếp tục cuộc sống của bạn nếu người đó từ chối điều trị. Có thể bạn nên từ bỏ việc kiểm soát người thân mắc chứng OCD. Thừa nhận rằng bạn đã làm hết sức mình nhưng không thể kiểm soát hoàn toàn hoặc giúp đỡ người thân khỏi bệnh.[11]
    • Việc tự chăm sóc bản thân là điều vô cùng thiết yếu khi bạn đang cố gắng chăm sóc người khác. Làm sao bạn chăm sóc cho người khác được khi không thể chăm sóc chính mình?
    • Đảm bảo không tiếp sức cho các triệu chứng OCD, thay vào đó bạn nên thỉnh thoảng nhắc nhở người đó rằng bạn luôn ở bên cạnh để giúp đỡ khi họ đã sẵn sàng.
    • Điều trên hết bạn cần nhớ là bạn có cuộc sống riêng và bạn có quyền đối với cuộc sống của mình.

Tìm hiểu về chứng OCD[sửa]

  1. Xua tan những quan niệm sai lầm của bạn về chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế để có cách nhìn mới về người thân của bạn. Nghiên cứu để hiểu về chứng rối loạn này là việc làm rất quan trọng, bởi vì đang tồn tại một số quan niệm sai lầm về OCD.[5] Bạn cần chống lại những quan niệm sai lầm này, vì chúng có thể chen vào và ngăn cản mối quan hệ tốt đẹp giữa bạn và người thân.
    • Một trong những quan niệm sai lầm nhất cho rằng người mắc OCD có thể kiểm soát những nỗi ám ảnh và hành vi cưỡng chế của họ. Điều này là không chính xác. Nếu bạn tin rằng họ có thể thay đổi hành vi bất cứ khi nào họ muốn, bạn sẽ chỉ cảm thấy bức xúc khi họ không làm như vậy.
  2. Nghiên cứu về chứng OCD để chấp nhận tình trạng của người đó. Khi tìm hiểu về chứng OCD, bạn sẽ cảm thấy dễ dàng hơn trong việc chấp nhận rằng người thân của bạn mắc OCD.[5] Quá trình này có thể sẽ gian nan, nhưng khi biết được bản chất của sự việc, bạn sẽ dễ có cái nhìn khách quan hơn thay vì buồn nản và bi quan. Sự chấp nhận sẽ khiến bạn làm việc có hiệu quả hơn, giúp bạn chuyển sự quan tâm thành liệu pháp điều trị thay vì nghiền ngẫm quá khứ.
    • Hiểu về các kiểu trình tự và hành vi cưỡng chế phổ biến như: rửa tay, các hành vi tôn giáo (như cầu kinh đúng 15 lần để tránh điều không may có thể xảy ra), đếm và kiểm tra (ví dụ kiểm tra để chắc chắn là cửa đã khóa).[12]
    • Những người trẻ tuổi mắc chứng OCD có nhiều khả năng rời xa hoặc tránh né các hoạt động cùng với mọi người do lo sợ về nỗi ám ảnh hoặc hành vi cưỡng chế. Họ cũng gặp khó khăn trong sinh hoạt thường ngày (nấu ăn, dọn dẹp, tắm rửa, v.v…), và nói chung có mức độ lo âu cao hơn.[13]
  3. Tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về OCD để giúp người thân một cách hiệu quả. Sự hiểu biết tường tận mọi ngóc ngách về OCD có thể giúp bạn hỗ trợ cho người mắc chứng rối loạn này.[14] Bạn không thể hy vọng giúp người có chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế nếu không biết và hiểu về chứng bệnh này ở mức độ nào đó.
    • Có nhiều sách viết về đề tài này, và cũng có vô số các thông tin trên mạng mà bạn có thể tìm đọc.[1] Tuy nhiên bạn cần đảm bảo tìm các nguồn học thuật đáng tin cậy hoặc chuyên về y khoa.
    • Bạn cũng có thể tham khảo bác sĩ khám tổng quát hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần để được giải thích về chứng bệnh này.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 http://www.getselfhelp.co.uk/ocd.htm
  2. 2,0 2,1 2,2 2,3 2,4 2,5 2,6 http://ir.uiowa.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=5798&context=etd
  3. http://www.researchgate.net/profile/James_Bennett-Levy/publication/232006134_Conceptualizing_empathy_in_cognitive_behaviour_therapy_Making_the_implicit_explicit/links/0912f50d3c24ce8a8f000000.pdf
  4. https://uta-ir.tdl.org/uta-ir/bitstream/handle/10106/1838/Davis_uta_2502M_10097.pdf?sequence=1&isAllowed=y
  5. 5,00 5,01 5,02 5,03 5,04 5,05 5,06 5,07 5,08 5,09 5,10 5,11 http://www.scielo.br/scielo.php?pid=S1516-44462003000100009&script=sci_arttext
  6. http://www.getselfhelp.co.uk/docs/Change.pdf
  7. 7,0 7,1 7,2 http://www.researchgate.net/profile/Fugen_Neziroglu/publication/222915251_Family_involvement_in_the_behavioral_treatment_of_obsessive-compulsive_disorder_A_preliminary_investigation/links/00463519d32b3d4c7c000000.pdf
  8. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4198888/
  9. http://www.getselfhelp.co.uk/docs/OCritualsDiary.pdf
  10. http://www.getselfhelp.co.uk/docs/OCDThoughtRecordSheet.pdf
  11. http://www.getselfhelp.co.uk/mobile/docs/BeyondControl.pdf
  12. http://www.researchgate.net/profile/Vladan_Starcevic/publication/236920557_Further_Support_for_Five_Dimensions_of_Obsessive-hie2nh Compulsive_Symptoms/links/0deec51a81218d0584000000.pdf
  13. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2291297/
  14. http://www.researchgate.net/profile/Vladan_Starcevic/publication/236920557_Further_Support_for_Five_Dimensions_of_Obsessive-Compulsive_Symptoms/links/0deec51a81218d0584000000.pdf