Giảm đau túi mật

Từ VLOS
(đổi hướng từ Giảm đau Túi mật)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Cơn đau túi mật có liên quan tới sỏi mật hay một căn bệnh khác về mật thường ở mức độ nhẹ cho tới rất đau. Nếu chỉ bị đau ở mức độ nhẹ hay trung bình thì bạn có cách tự giảm đau ở nhà, nhưng nếu cơn đau tiếp tục kéo dài hay rất đau ngay từ lúc đầu thì bạn phải tìm cách chữa trị tận gốc nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Các bước[sửa]

Điều trị Đau Túi mật tại Nhà[sửa]

  1. Sử dụng túi hay tấm chườm nóng. Để giảm đau tức thời bạn có thể chườm lên bụng bằng chai nước nóng, tấm đệm hay túi làm nóng, chườm trực tiếp lên chỗ túi mật. Sức nóng sẽ làm dịu cơn đau.
    • Bạn nên chườm bằng tấm đệm nóng trong thời gian từ 20 tới 30 phút mỗi lần, nhớ chêm một tấm vải giữa tấm đệm và da để tránh bị phỏng.
    • Nếu không có tấm đệm hay túi chườm nóng thì bạn thử ngâm mình trong bồn nước nóng.
  2. Uống thuốc giảm đau. Trong hầu hết các trường hợp bạn có thể uống thuốc giảm đau không cần chỉ định của bác sĩ như acetaminophen, thuốc làm cơn đau suy giảm nhanh chóng.
    • Tránh dùng thuốc chống viêm không steroid trừ khi có bác sĩ chỉ định. Các loại thuốc giảm đau mua không cần toa này làm dạ dày khó chịu, và chúng cũng làm cơn đau túi mật thêm trầm trọng.
    • Thuốc giảm đau có thành phần kháng viêm là phù hợp nhất vì nó vừa giúp giảm đau vừa hạn chế tình trạng viêm của túi mật.
  3. Uống ít sinh tố rau. Một cách chữa trị tại nhà nhưng chưa được y học chứng minh là trộn lẫn nước ép củ dền, nước ép cà rốt và nước ép dưa leo với tỷ lệ bằng nhau. Bạn nên uống hỗn hợp nước ép này mỗi ngày hai lần và uống trong hai tuần.[1]
    • Cả ba loại rau trên giúp đẩy độc tố ra khỏi cơ thể. Dù phương pháp này có hiệu quả hay không thì cũng có một số người rất tin tưởng vào nó và khẳng định nước ép có thể giảm đau túi mật chút ít khi cơ thể hấp thu, và từ từ làm hết đau hoàn toàn sau vài tuần.
  4. Sử dụng cam chanh. Người ta tin rằng chất pectin có trong hoa quả họ cam chanh, cũng như trong nước ép của chúng giúp trị đau túi mật do bị nghẽn hay sỏi mật. Nước ép chanh đặc biệt hiệu quả.
    • Vắt bốn quả chanh lấy nước ép và uống khi bụng đói. Bạn lưu ý với bốn quả chanh thì lượng nước ép thu được từ 120 tới 180 ml. Bạn nên uống mỗi ngày trong vòng một tuần, sau khi uống nước chanh bạn nên uống một cốc nước lọc.
  5. Sử dụng thảo mộc. Một số loại thảo mộc có tác dụng giảm đau túi mật, bạn có thể uống thực phẩm chức năng bổ sung thảo mộc dưới dạng viên, hoặc trộn từ bốn tới năm lá thảo mộc tùy loại bạn chọn vào nước sôi để làm trà uống.
    • Các loại thảo mộc giúp trị đau túi mật bao gồm St. John's Wort, quebra pedra, lá hương thảo, bồ công anh, hoàng căn, hải cẩu vàng, rau diếp xoăn, calendula (họ hoa cúc), rễ cây Tỳ Giải, tỏi, bạc hà mèo, tầm ma, vỏ cây hoàng liên gai, hạt thì là, gừng, chút chít vàng, cúc gai.[2]
    • Trà hoa cúc và trà bạc hà cay cũng giúp giảm đau và làm tan sỏi là nguyên nhân gây đau, nhưng bạn cần uống liên tục từ bốn tới sáu tuần để thấy hiệu quả đáng kể.
  6. Trộn bột nghệ với mật ong. Chất curcumin trong nghệ làm dịch mật trong túi mật hòa tan dễ hơn, trong khi đó mật ong có tính diệt khuẩn giúp tránh nhiễm trùng và ngăn không cho tình trạng nặng thêm.
    • Nếu bạn quyết định sử dụng nghệ thì trộn một thìa canh (15 ml) mật ong với một thìa cà phê (5 ml) nghệ và dùng hỗn hợp đó mỗi ngày một lần.
    • Bạn không nhất thiết phải ăn nghệ để tận dụng lợi ích của chất curcumin, thay vào đó bạn có thể uống viên bổ sung curcumin 300 mg.[3]
  7. Uống giấm táo. Chất axít trong giấm táo sẽ giảm nhanh cơn đau túi mật và thậm chí có thể giảm đau đáng kể trong vòng 15 phút.
    • Nếu bạn thấy vị giấm táo khó uống thì nên pha 1 thìa cà phê (5 ml) giấm táo với một cốc 250 ml nước ép táo để uống. Nếu có khả năng chịu được vị giấm thì bạn thử uống 1/4 cốc (60 ml) giấm táo và sau đó uống 250 ml nước ép táo để tăng cường hiệu quả giảm đau.[4]
  8. Uống nước muối. Hòa tan muối thô vào một cốc nước ấm và uống trước khi đi ngủ, cách này giảm bớt cơn đau tích lũy trong túi mật.
    • Để có kết quả tốt nhất thì bạn nên dùng muối Epsom hay muối biển, không dùng muối tinh chế.
    • Hòa tan hoàn toàn 1 thìa cà phê (5 ml) muối vào 250 ml nước ấm để uống.
  9. Sử dụng băng ép dầu thầu dầu. Nhúng ướt một tấm vải trong dầu thầu dầu và đặt lên bụng, trực tiếp vào chỗ có túi mật. Người ta cho rằng cách này giúp giảm cơn đau do túi mật gây ra một cách nhanh chóng.
    • Dầu thầu dầu được cho là có thể vô hiệu hóa tình trạng viêm nhiễm và mang lại cảm giác dễ chịu khi bôi cục bộ.
    • Nhúng tấm vải sạch vào dầu thầu dầu được chiết xuất bằng phương pháp ép lạnh, vắt hết phần dầu thừa trước khi sử dụng. Đặt tấm vải lên trên phần da chỗ có túi mật.
    • Để hiệu quả hơn nữa thì bạn đặt tấm nhựa lên trên miếng vải, sau đó chườm bình nước nóng lên trên tấm nhựa.
    • Giữ yên băng ép dầu thầu dầu trong 30 phút để tối đa hóa hiệu quả giảm đau.

Giảm đau Lâu dài[sửa]

  1. Uống nhiều nước. Nước hỗ trợ giữ mật trong túi mật và khiến cơ thể phân rã chất béo dễ dàng hơn, nếu không chất béo sẽ tích tụ và gây ra hoặc làm tình trạng sỏi mật trầm trọng hơn.
    • Tốt nhất bạn nên uống từ sáu tới tám cốc nước (250 ml) mỗi ngày.
  2. Giảm tiêu thụ chất béo và đường.[5] Cả chất béo và đường đều có thể gây ra sỏi mật, hoặc làm tình trạng sỏi mật tồn tại trước đó, vốn đã gây đau càng thêm trầm trọng.
    • Lưu ý rằng axít béo omega-3 có trong cá hồi và các loại cá khác thực sự có khả năng giúp cơ thể chống lại sự hình thành của sỏi trong túi mật.
    • Cụ thể bạn nên giảm tiêu thụ loại chất béo ít có trong tự nhiên như trong dầu thực vật hydro hóa, đậu nành, và cải dầu. Khi bạn cần dùng chất béo thì nên ăn loại phổ biến trong tự nhiên hơn, chẳng hạn như bơ.
    • Lượng chất béo tiêu thụ chỉ nên chiếm khoảng 25% lượng calo cần cung cấp hằng ngày.
    • Lượng chất béo cholesterol do chế độ ăn mang lại không nên nhiều hơn 300 mg mỗi ngày.
  3. Ăn nhiều chất xơ hơn. Chất xơ giúp loại bỏ chất béo cholesterol có hại ra khỏi cơ thể, từ đó không còn nhiều cholesterol tích tụ trong túi mật.
    • Ngũ cốc nguyên hạt, đậu lăng, hoa quả và rau tươi là nguồn thực phẩm điển hình giàu chất xơ. Trong các loại rau thì rau có lá xanh thẫm thường có hàm lượng chất xơ cao hơn.
  4. Cung cấp nhiều vitamin C hơn. Một số chuyên gia dinh dưỡng cho rằng vitamin C có thể ngăn ngừa tình trạng sỏi mật tiến triển phức tạp. Vitamin này làm cholesterol dễ hòa tan trong nước hơn, do đó cơ thể dễ dàng đào thải chúng ra ngoài thay vì để cholesterol tích tụ trong túi mật.
    • Cố gắng ăn ít nhất 60 mg vitamin C mỗi ngày, thậm chí có thể nhiều hơn.
    • Vitamin C có trong nhiều loại hoa quả như cam, ngoài ra cũng có trong rau như ớt chuông đỏ.
    • Cân nhắc uống bổ sung thêm 200 mg vitamin C mỗi ngày nếu bạn hay bị đau túi mật.
  5. Tránh dùng đậu nành. Sản phẩm từ đậu nành làm giảm lượng hóc môn sản sinh trong cơ thể, do đó tăng rủi ro hình thành sỏi mật và làm cơn đau túi mật thêm trầm trọng nếu trước đó đã có sỏi.
    • Phytoestrogens trong đậu nành tấn công vào tuyến giáp và gây mất cân bằng hóc môn, trong khi đó một số nghiên cứu sơ bộ cho thấy sỏi mật và đau túi mật có mối liên hệ nào đó với tình trạng mất cân bằng hóc môn.
  6. Tăng lượng canxi nếu cần. Canxi kết hợp với axít có trong mật của túi mật, từ đó sỏi mới khó có thể hình thành, và sỏi cũ cũng không phát triển thêm.
    • Phụ nữ nên hấp thu khoảng 1000 tới 2000 mg canxi tính từ tất cả các nguồn cung cấp, nếu cần thì nên cân nhắc uống viên bổ sung từ 500 tới 700 mg canxi. Đàn ông chỉ nên tiêu thụ từ 500 tới 600 mg canxi tính từ tất cả các nguồn cung cấp.

Chăm sóc Y tế[sửa]

  1. Tham khảo ý kiến bác sĩ. Khi cảm thấy đau ở túi mật bạn nên sắp xếp hẹn gặp bác sĩ càng sớm càng tốt, đặc biệt khi bạn tin rằng cơn đau đó do sỏi mật gây ra, hoặc khi xuất hiện các triệu chứng khác nghiêm trọng hơn đi kèm cơn đau.
    • Bất kể vì lý do gì khiến túi mật đau thì bạn cũng nên nhờ bác sĩ tư vấn trước khi chọn cách điều trị, để đảm bảo những thứ bạn định uống sẽ chỉ có ích mà không gây tổn thương thêm. Điều này đặc biệt đúng khi bạn định dùng loại thực phẩm nào đó để tự điều trị.
    • Bạn phải đi khám bệnh ngay lập tức nếu cơn đau túi mật ở mức trung bình hay rất nặng, hoặc nếu kèm theo các triệu chứng như sốt, ớn lạnh, vàng da hay mắt, hoặc bị đau bụng ở những khu vực khác ngoài chỗ túi mật.[6]
  2. Trị tận gốc vấn đề. Dù các biện pháp chữa trị tại nhà có thể giảm đau tạm thời nhưng cách tốt nhất để vĩnh viễn không bị đau là phải trị nguyên nhân gây ra tình trạng đó. Sỏi mật thường là thủ phạm chính, nhưng ung thư túi mật cũng là rủi ro cần tính đến.
    • Đau túi mật do ung thư gây ra có thể trị bằng phương pháp phẫu thuật, phóng xạ, hay hóa học trị liệu.[7]
      • Trong giai đoạn đầu mắc bệnh thì phẫu thuật là lựa chọn nên cân nhắc. Họ sẽ cắt bỏ túi mật và một phần của gan.
      • Nếu bạn phát hiện bệnh trễ thì bác sĩ có thể áp dụng phương pháp hóa học trị liệu và phóng xạ.
      • Nếu ống mật bị nghẹt, gây ra đau và nhiễm trùng thì bác sĩ phẫu thuật sẽ lồng một ống rỗng bằng kim loại vào trong ống mật để mở đường, sau đó tiến hành thông nghẹt cho ống mật.
    • Đau túi mật gây ra do sỏi thường được trị bằng cách lấy sỏi nhưng không cần phẫu thuật, hoặc phải phẫu thuật cắt túi mật.[8]
      • Nếu bạn thường xuyên bị đau túi mật hoặc cơn đau rất nặng thì có thể bác sĩ phải tiến hành phẫu thuật để cắt túi mật.
      • Thay vào đó, họ còn dùng "thủ thuật tán sỏi" để đập vỡ viên sỏi, hoặc kê thuốc cho bạn uống để làm tan sỏi.
  3. Uống thuốc giảm đau và thuốc kháng sinh theo chỉ định. Nếu bạn quá đau thì bác sĩ sẽ kê thuốc giảm đau mạnh, cùng với thuốc kháng sinh để ngăn không bị nhiễm trùng hay tránh cho tình trạng nhiễm trùng không tiến triển xấu đi. Nhiều trong số các loại thuốc này là thuốc uống ở nhà, nhưng đối với các ca rất nặng thì bác sĩ phải tiêm thuốc giảm đau vào tĩnh mạch. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ có thể phải tiêm cả thuốc giảm đau và thuốc kháng sinh qua đường tĩnh mạch.
    • Thuốc giảm đau tiêm tĩnh mạch bao gồm meperidine và ketorolac, nhưng bạn nên tránh dùng ketorolac nếu cần phải phẫu thuật. Thuốc giảm đau morphine và các thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid không được khuyến cáo sử dụng đối với bệnh về mật hay cơn đau do túi mật gây ra.
    • Bác sĩ chỉ dùng thuốc kháng sinh tiêm tĩnh mạch nếu bệnh nhân bị sốt, số lượng bạch cầu tăng cao hay xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng.

Những thứ bạn cần[sửa]

  • Túi chườm nóng
  • Thuốc giảm đau
  • Nước ép rau
  • Nước ép chanh
  • Trà thảo mộc hay thực phẩm chức năng bổ sung thảo mộc
  • Nghệ hay viên bổ sung curcumin
  • Giấm táo
  • Nước ép táo
  • Muối thô
  • Nước ấm
  • Dầu thầu dầu


Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây