Giảm đau mãn tính một cách tự nhiên

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Đau mãn tính là vấn đề nghiêm trọng mà hàng triệu người gặp phải. Cơn đau có thể nhói hoặc âm ỉ, có thể đến rồi đi hoặc đau dai dẳng. Có nhiều cách điều trị cơn đau mà không cần dùng thuốc kê đơn và các hóa chất khác. Bạn có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia liệu pháp thiên nhiên để được tư vấn dùng thảo dược, áp dụng phép châm cứu hoặc áp dụng chế độ ăn kháng viêm. Viêm nhiễm góp phần gây đau mãn tính nên nhiều loại thảo dược và thực phẩm chức năng được chuyên gia khuyến nghị sẽ giúp giảm viêm.

Các bước[sửa]

Tiếp nhận sự hỗ trợ từ bác sĩ[sửa]

  1. Tìm kiếm sự tư vấn từ chuyên gia liệu pháp thiên nhiên. Bạn nên đi gặp bác sĩ trước nếu đang cân nhắc việc dùng thảo mộc và thực phẩm chức năng để giảm đau mãn tính. Nên tìm đến bác sĩ chuyên về thảo mộc và thực phẩm chức năng. Ngoài ra, nên trao đổi với bác sĩ về các thuốc kê đơn bạn đang uống.
    • Thảo mộc và thực phẩm chức năng có thể tương tác với thuốc kê đơn, tức làm giảm hoặc tăng hiệu quả của thuốc. Chuyên gia liệu pháp thiên nhiên là những người đã được đào tạo để cân bằng giữa thuốc chữa bệnh và sản phẩm tự nhiên.
  2. Trao đổi với bác sĩ về thảo dược. Thảo dược có thể dùng làm thuốc giảm đau gọi là Anodyne. Các thảo dược khác có đặc tính khác viêm hoặc có thể dùng để giãn cơ cũng có thể được dùng để giảm đau. Nếu muốn uống thảo dược hoặc thực phẩm chức năng, bạn nên trao đổi với chuyên gia liệu pháp thiên nhiên trước để đảm bảo không có phản ứng tiềm ẩn nào và để xác định liều dùng. Không tự ý uống Anodyne nếu không có sự giám sát của chuyên gia có kinh nghiệm. Một số thuốc Anodyne gồm có:[1]
    • Rễ Valerian
    • Cây bã đậu
    • Hoa anh túc California
    • Cây kỳ nham
    • Cỏ dại Jimson
    • Gelsemium (lá ngón)
    • Bồ đà (dạng cần sa hợp pháp)
  3. Kết hợp thảo mộc kháng viêm. Bạn cần sử dụng thảo mộc kháng viêm dưới sự giám sát của chuyên gia có kinh nghiệm nhưng có thể tự sử dụng thảo mộc, gia vị nấu ăn có tính kháng viêm một cách an toàn. Nên cho những thảo mộc và gia vị nấu ăn quen thuộc vào món ăn. Không cho quá nhiều mà chỉ dùng để tăng hương vị món ăn. Nói chung, bạn chỉ nên dùng 1/2 - 2 thìa cà phê các thảo mộc và gia vị sau khi nấu ăn:[2]
    • Đinh hương
    • Quế
    • Nghệ
    • Xô thơm
    • Hạt tiêu Jamaica
    • Húng tây
    • Nhục đậu khấu
    • Tỏi và hành tây
    • Cỏ xạ hương (lá nguyệt quế)
    • Ớt Cayenne
    • Rau mùi (ngò thơm)
    • Gừng
  4. Uống thực phẩm chức năng và trà từ thảo mộc. Các thảo mộc khác có tính kháng viêm có thể bổ sung ở dạng thực phẩm chức năng hoặc trà. Nếu chọn thực phẩm chức năng, bạn cần tuân thủ đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và chỉ khi được bác sĩ khuyến nghị. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng nhiều thảo mộc khác bằng cách ủ trà để uống 2-4 cốc mỗi ngày và cũng chỉ khi được bác sĩ khuyến nghị. Các thảo mộc có thể sử dụng gồm có:[2]
    • Cây móng mèo
    • Hoa cúc La Mã
    • Cây móng quỷ
    • Feverfew (cúc thanh nhiệt thường được dùng chữa đau nửa đầu)
    • Bạch quả
    • Rau má
    • Nhân sâm
    • Cúc Xuxi
    • Bạc hà
    • Dương kỳ thảo
  5. Hỏi bác sĩ về thực phẩm chức năng kháng viêm. Có nhiều loại thực phẩm chức năng có thể giúp giảm đau mãn tính. Lưu ý chỉ nên uống thực phẩm chức năng nếu được chuyên gia sức khỏe khuyến nghị. Có thể hỏi chuyên gia về các thực phẩm chức năng sau:
    • Axit béo thiết yếu omega-3
    • Resveratrol
    • Vitamin C và vitamin E
    • Sản phẩm kết hợp thảo mộc và thực phẩm chức năng kháng viêm được cấu tạo đặc biệt để giảm viêm.

Kết hợp tập thể dục và liệu pháp thể chất[sửa]

  1. Trao đổi về chương trình tập luyện giảm đau với bác sĩ. Tập thể dục cường độ nhẹ và vừa như Thái Cực Quyền, Yoga, hay đi bộ, làm vườn và các bài tập tác động nhẹ có thể giúp giảm đau mãn tính. Bạn nên trao đổi với chuyên gia về các hình thức tập luyện cụ thể vì một số bài tập có thể khiến cơn đau trở nặng.
    • Tập thể dục giúp tiết ra chất giảm đau tự nhiên gọi là Endorphin. Các hóa chất này giúp giảm đau, đồng thời mang đến nhiều lợi ích khác cho sức khỏe.[3]
  2. Cân nhắc liệu pháp châm cứu. Châm cứu được sử dụng trong Y học Cổ truyền Trung Hoa từ hàng nghìn năm nay. Khái niệm cơ bản trong châm cứu đó là nếu nguồn khí (năng lượng sống) bị tắc nghẽn, cơ thể sẽ bị đau hoặc bệnh tật. Khi châm cứu, các cây kim mỏng sẽ được sử dụng và áp lực nhờ bấm huyệt có thể giúp thông nguồn khí, khôi phục lại sự lưu thông bình thường của dòng khí.
    • Châm cứu cho thấy hiệu quả trong việc giảm đau mãn tính, giảm cơn đau lên đến 50%.[4][5]
  3. Đến gặp chuyên gia trị liệu Thần kinh cột sống. Chuyên gia trị liệu thần kinh cột sống là người được đào đạo về cấu trúc và cơ chế của hệ cơ và xương, sử dụng kiến thức này để chỉnh và nắn lại cơ và xương. Các nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng phương pháp trị liệu thần kinh cột sống và các cách tiếp cận khác rất hiệu quả trong việc giảm đau lưng, cổ, vai, hông và đau đầu gối. [6][7] Bên cạnh chuyên chỉnh xương sống, tất cả chuyên gia trị liệu chỉnh hình còn được đào tạo để:
    • Chỉnh hình bằng tay
    • Hướng dẫn bạn các bài tập khôi phục sức mạnh và chức năng cơ, xương
    • Tư vấn về dinh dưỡng
    • Sử dụng siêu âm và liệu pháp Laser để điều trị cơn đau

Điều chỉnh chế độ ăn để giảm viêm[sửa]

  1. Tìm hiểu về “Chế độ ăn Kháng viêm”. Chế độ ăn kháng viêm được thiết kế để giảm viêm “từ trong ra ngoài”.[8] Hướng dẫn tương đối đơn giản nhưng có thể là sự thay đổi đáng kể trong chế độ ăn của bạn. Bạn nên bắt đầu thay đổi từ những thứ có vẻ dễ rồi từ từ thay đổi dần để thích nghi.
    • Nói chung, chế độ ăn kháng viêm sẽ tăng lượng axit béo omega-3, vitamin nhóm B như niacin và vitamin, khoáng chất.
  2. Tăng cường rau củ quả trong chế độ ăn.[9] Rau củ quả là nguồn chất xơ, vitamin cùng khoáng chất dồi dào. Bạn nên chọn rau củ quả có màu sáng vì chúng chứa hàm lượng chất chống oxi hóa cao nhất. Ví dụ:
    • Quả mọng (việt quất, mâm xôi)
    • Táo
    • Mận
    • Cam và các loại quả họ Cam khác (vitamin C là chất chống oxi hóa tuyệt vời)
    • Rau lá xanh
    • Bí ngô và bí ngòi
    • Ớt chuông
  3. Hạn chế thịt đỏ. Thịt của bò được cho ăn ngô chứa lượng axit béo omega-6 cao hơn nhiều. Vì vậy, tốt nhất bạn nên tránh tiêu thụ thịt đỏ nếu muốn áp dụng chế độ ăn kháng viêm. Nếu ăn thịt đỏ, bạn nên chọn thịt bò được cho ăn cỏ, không kháng sinh và/hoặc hormone, và nên hạn chế ở mức 2-4 lần mỗi tháng. Thịt của bò được cho ăn cỏ chứa omega-3 và omega-6 với tỉ lệ tự nhiên hơn nên không gây viêm nhiều. [10]
    • Ăn thịt gia cầm không da được thả vườn và không kháng sinh để giảm tiêu thụ chất béo và phụ gia không tốt cho sức khỏe.
  4. Tăng cường tiêu thụ thực phẩm giàu axit béo omega-3. Cá là nguồn protein chất lượng, đồng thời giàu omega-3 tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, bạn có thể bổ sung omega-3 từ nguồn thực vật. Những loại cá, động vật có vỏ và thực vật dưới đây là nguồn omega-3 tuyệt vời:[9]
    • Cá hồi
    • Cá ngừ
    • Cá mòi
    • Cá trích
    • Cá hồi cầu vồng hay cá hồi vân
    • Hạt lanh
    • Hạt Chia
    • Quả óc chó
    • Đậu phụ và chế phẩm từ đậu nành
    • Mầm cải Brussel và bông cải trắng
  5. Chọn cacbon-hydrat phức hợp. Bạn cần đảm bảo chỉ bổ sung cacbon-hydrat phức hợp trong chế độ ăn. Quy trình chế biến công nghiệp phá vỡ cacbon-hydrat thành cacbon-hydrat đơn gây viêm và góp phần gây đau mãn tính.[9]
    • Hạn chế tiêu thụ thực phẩm đã xử lý và thực phẩm đóng gói để hạn chế tiêu thụ phụ gia, chất bảo quản.
    • Chọn cacbon-hydrat ít trải qua quá trình xử lý như bánh mì ngũ cốc nguyên hạt, gạo lứt và mì ống ngũ cốc nguyên hạt.
    • Tránh tiêu thụ thực phẩm chứa đường phụ gia và chất thay thế đường. Đường là chất gây viêm nên góp phần gây đau mãn tính.
    • Thử sử dụng chất tạo ngọt Stevia để thay thế đường nếu bạn muốn ăn ngọt.
    • Thỉnh thoảng, bạn vẫn có thể ăn ngọt nhưng nên hạn chế xuống chỉ vài lần mỗi tuần.
  6. Uống nhiều nước. Để giảm viêm, việc tăng cường bổ sung nước là rất quan trọng. Tránh xa nước ngọt và đồ uống chứa cồn vì chúng khiến tình trạng viêm nặng hơn. Thay vào đó, nên uống nước lọc, trà xanh, nước ép hoa quả và trà thảo mộc.[11]
  7. Hạn chế thực phẩm nhiều chất béo. Để giảm viêm, bạn nên giảm lượng chất béo tiêu thụ. Ăn nhiều rau củ quả sẽ giúp bạn ăn ít chất béo hơn. Nếu có thể, nên tránh tất cả thức ăn nhiều dầu mỡ như đồ chiên, bánh nướng, thức ăn nhanh và đồ ăn vặt.[9]
    • Hạn chế tổng lượng chất béo tiêu thụ xuống mức 25-30% tổng lượng calo mỗi ngày.
    • Sử dụng dầu ăn có đặc tính kháng viêm như dầu ôliu và dầu hạt cải.
  8. Tăng cường tiêu thụ chất xơ. Liều khuyến nghị hiện tại là 25-30 g chất xơ mỗi ngày nhưng nhiều người chỉ nạp 10-12 g chất xơ. Chuyên gia liệu pháp tự nhiên thường khuyến nghị nên bổ sung 40-50 g chất xơ mỗi ngày. Ngoài tác dụng giảm viêm, lượng chất xơ này mang đến nhiều lợi ích khác cho sức khỏe như cải thiện nhu động ruột, giảm nguy cơ ung thư đại tràng, kiểm soát cân nặng và điều hòa đường huyết.[12] Thực phẩm giàu chất xơ gồm có:
    • Các loại cám như yến mạch, lúa mì, ngô và cám gạo
    • Các loại đậu
    • Quả mọng
    • Ngũ cốc nguyên hạt bao gồm lúa mạch, yến mạch, hắc mạch, lúa mì, hạt diêm mạch, gạo lứt, gạo dại và hạt kê.
    • Rau lá xanh
    • Các loại hạt

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu chuyên gia chăm sóc sức khỏe của bạn không chuyên về việc kiểm soát chế độ ăn hay sử dụng thảo mộc, bạn có thể tham khảo ý kiến từ một chuyên gia khác.

Cảnh báo[sửa]

  • Luôn trao đổi trước với chuyên gia chăm sóc sức khỏe trước khi muốn thay đổi chế độ ăn, chương trình tập luyện hay sử dụng thực phẩm chức năng.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]