Hài lòng với bản thân

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Cảm thấy thật sự hài lòng với bản thân có nghĩa là yêu mến con người mình, cả bên trong lẫn bên ngoài. Một cá nhân phải cần rất nhiều nỗ lực và thay đổi lớn để có thể học được cách chấp nhận bản thân và đối mặt với những nỗi bất hạnh trong cuộc đời. Nếu bạn muốn cảm thấy hài lòng với chính mình, hãy bắt đầu bằng việc định hình những suy nghĩ, cảm xúc, cũng như những hành vi đang ngăn cản bạn khỏi điều đó. Tiếp theo, bạn có thể dần dần hình thành một nếp sống giúp bạn cảm thấy mình có giá trị, được yêu thương và viên mãn. Nếu bạn muốn biết cách để hài lòng với bản thân mình, hãy tham khảo những bước đơn giản sau đây.

Các bước[sửa]

Nuôi dưỡng Tình yêu với Chính mình[sửa]

  1. Yêu mến cá tính của bạn. Hãy cố tránh so sánh mình với những người khác và yêu mến cá tính của bạn. So sánh bản thân với người khác sẽ không giúp bạn thấy hài lòng với bản thân bởi lẽ bạn là một cá thể khác biệt với mọi người. Không một ai trên đời này giống như bạn, không một ai có thể trải nghiệm những gì bạn đã từng trải qua cũng như nắm giữ những năng lực mà bạn có.
    • So sánh bản thân với những người khác sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến lòng tự tôn của bạn, vì lúc nào bạn cũng sẽ thấy những người khoẻ hơn, thông minh hơn, hay xinh đẹp hơn bạn. Thay vào đó, hãy tập trung vào việc trở thành con người mà bạn mong muốn, không phải bắt chước anh chàng hàng xóm, mấy cô gái sành điệu trong trường, hay chị gái của bạn. Một khi bạn đã định nghĩa được đâu là khái niệm thành công của mình, bạn sẽ có thể đạt được nó.
    • Có lẽ bạn sẽ cảm thấy như mọi người xung quanh đều tốt đẹp hơn mình. Nhưng dường như bạn đã quên mất mình cũng có những điểm mạnh tuyệt vời như thế nào rồi. Có thể bạn chưa kịp nhận ra đó thôi, rằng bạn có thế mạnh của mình, rằng một ai đó khác cũng đang ước ao họ được giống như bạn.[1]
  2. Phát triển sự tự tin của bạn. Sự tự tin chính là chìa khoá để hài lòng với bản thân và yêu mến con người bạn hiện tại cũng như con người bạn sẽ trở thành. Hãy nỗ lực để cảm thấy tự tin vào bản thân mình và những thành tựu bạn có thể đạt được, bất kể chúng phải mất bao lâu. Bạn phải luôn nhắc nhở mình rằng bạn là một con người tuyệt vời và bạn xứng đáng để cảm thấy tự tin vào bản thân mình. Nếu bạn nghĩ rằng mình có giá trị, thì sự thật là vậy.[2]
    • Để trông tự tin hơn, hãy chỉnh đốn ngôn ngữ hình thể của bạn. Đứng thẳng hơn, tư thế đẹp hơn, mắt nhìn thẳng thay vì cúi xuống đất. Cố gắng ngồi yên hoặc đứng với một tư thế cởi mở để tạo nguồn năng lượng tích cực, thân thiện.
    • Tìm một thứ gì đó mà bạn thật sự giỏi, hoặc nỗ lực để trở nên vượt trội trong thứ mà bạn đam mê. Nếu bạn đã giỏi sẵn rồi, hãy nhìn nhận mình tuyệt đến thế nào mới làm được những điều đó. Cố gắng tập trung vào các kỹ năng và tài cán của bạn. Bạn sẽ hài lòng với chính mình hơn khi bạn giỏi làm điều mà bạn thích.
    • Khi bạn phải đối mặt với một tình huống mơ hồ, hãy nghĩ về những khả năng tốt nhất có thể xảy ra thay vì các tình huống tiêu cực.[1]
  3. Tự hào về thế mạnh của bạn. Mỗi cá nhân luôn có một điều gì đó khiến họ hài lòng. Hãy dành chút thời gian ngồi xuống và lập danh sách những điểm bạn thích ở bản thân. Ép mình phải ngồi yên đó cho đến khi bạn đã viết đầy cả trang giấy. Hãy đào thật sâu để tìm ra những điểm cho thấy bạn là một con người thật tuyệt vời. Hãy nghĩ về những phẩm cách bạn có như lòng trắc ẩn, khiếu hài hước, bạn đáng tin cậy thế nào, làm việc có đạo đức ra sao. Danh sách càng dài và càng trung thực thì càng tốt.
    • Các phẩm cách dùng để miêu tả bạn có thể là giàu tình thương, ham học hỏi, chăm chỉ, thân thiện, mạnh mẽ, thông minh, sắc bén, dễ tính, và hài hước. Bạn cũng có thể thêm vào những nét ngoại hình mà bạn thích, miễn là chúng thật sự quan trọng với bạn. Hãy liệt kê tất cả những khía cạnh của bạn vào danh sách này. Nên cập nhật nó mỗi khi bạn nghĩ ra điều gì đó khiến bạn tự hào.
    • Hãy đặt danh sách này ở quanh bạn và sử dụng nó thường xuyên để luôn cảm thấy hài lòng. Bạn có thể gấp nó lại và cất trong ví.[3]
    • Nếu bạn gặp khó khăn không thể tự liệt kê, nên tham khảo ý kiến của những người hiểu rõ bạn. Nhờ bạn bè hoặc đồng nghiệp miêu tả điểm mạnh của bạn; biết đâu lại có người làm bạn ngạc nhiên đấy!
  4. Chấp nhận rằng sẽ có những ngày tồi tệ. Đôi khi bạn sẽ phải chịu đựng những cảm giác thật tồi tệ và tự nhủ rồi chúng sẽ trôi qua thôi. Mọi người thường cho rằng, hài lòng với bản thân nghĩa là họ phải có tâm trạng tốt bất cứ mọi lúc. Nếu bạn đang gặp phải một ngày tồi tệ, đặc biệt là khi chúng diễn ra ngay sau một khoảng thời gian rất tuyệt, hãy tránh đổ lỗi cho bản thân và hiểu là mọi chuyện rồi sẽ suôn sẻ.
    • Nếu bạn đang cảm thấy quá đau buồn, hãy nói chuyện với một ai đó quan tâm đến bạn và chịu lắng nghe bạn trải lòng. Nếu bạn đã buồn bã như thế ít nhất nửa năm rồi, hãy tham khảo ý kiến từ một chuyên viên y tế.
    • Khi bạn có tâm trạng xấu, cơ thể bạn sẽ biết. Hãy nghiên cứu xem bộ phận nào trên cơ thể bạn bắt đầu hoạt động yếu khi bạn đang cáu bẳn hay khó chịu. Nếu bạn nhận biết được dấu hiệu của cơ thể, bạn sẽ có thể suy đoán ra điều bạn đang canh cánh trong lòng và cách để thấy dễ chịu hơn.[1]
  5. Cố gắng để có một thái độ tích cực. Điều này có thể sẽ rất khó. Để luôn luôn sống tích cực, bạn sẽ tốn rất nhiều thời gian, nhưng bạn có thể biến nó thành một phần trong cuộc sống của mình. Xây dựng một thái độ tích cực là một quyết định bạn phải đặt ra cho bản thân và tuân thủ hàng ngày. Nếu bạn có thái độ tích cực hơn, bạn sẽ cảm thấy hài lòng hơn về bản thân, cũng như về các viễn cảnh tương lai và mọi thứ bạn sẽ đạt được.
    • Bạn có thể tập nhận biết khi những suy nghĩ của bạn trở nên quá tiêu cực và xoay chuyển chúng để dẫn dắt mình trở về với tư duy tích cực. Mỗi lần bạn nghĩ về một điều tiêu cực, hãy áp đảo chúng bằng ít nhất hai hoặc ba suy nghĩ tích cực. Ví dụ, nếu bạn nghĩ, “Hôm nay mình trông mệt mỏi quá,” bạn có thể nói, “Nhưng tóc mình trông vẫn đẹp và nụ cười của mình vẫn vô cùng tươi tắn.”
    • Đối với mức độ sâu hơn, nếu bạn nghĩ những điều như, “Mình rất lúng túng trong các tình huống xã hội,” bạn nên nói, “Nhưng mình biết cách làm mọi người cười và mọi người trông có vẻ rất thoải mái xung quanh mình.”
    • Tập làm vậy mỗi ngày. Dù có thể không ai để ý tới nhưng hãy vẫn tập luyện thái độ tích cực. Bạn sẽ không ngờ được điều đó có thể đem lại khác biệt lớn lao nhường nào, việc luyện tập sẽ giúp thái độ ấy đến dễ dàng hơn.
    • Tập nói những lời tốt đẹp về bản thân với bạn bè. Hãy kể về những thành tích bạn đạt được hay những gì làm bạn phấn khích. Bạn sẽ thấy sự lạc quan rất dễ lan tỏa đấy, và việc nói ra thành lời như vậy sẽ khiến bạn thấy hài lòng hơn với bản thân.[1][3] Nếu bạn bè không thích trò chuyện về những mặt tốt trong cuộc sống của bạn, hãy suy nghĩ lại xem họ có thật sự làm bạn hạnh phúc hay thấy tốt đẹp về bản thân mình không.
    • Đánh giá độ quan trọng của vấn đề trước khi nổi nóng. Ví dụ, rất nhiều người tỏ vẻ cáu gắt với những điều không đoán trước được, như ùn tắc giao thông.
  6. Hãy biết rằng bạn có thể đem tới cho người khác rất nhiều điều. Dù cho bạn cảm thấy như không ai cần đến mình hay mình không giúp được gì, thực tế không phải như vậy. Hãy trò chuyện cùng những người thân yêu để xem họ cần bạn đến mức nào và mọi người trân trọng bạn nhiều đến bao nhiêu. Cho các thành viên gia đình hoặc bạn bè biết bạn đang nghĩ gì, họ sẽ đáp lại bạn bằng những phẩm cách tuyệt vời mà bạn sở hữu. Kể cho bạn bè nghe những vấn đề của bạn và họ sẽ nói rằng bạn đã đánh giá thấp mình và họ cần có bạn trong cuộc đời.
    • Bạn càng ghi nhớ rằng mình là một người có giá trị và những người xung quanh rất may mắn khi biết tới bạn, thì bạn sẽ càng sớm nhận ra rằng mình còn nhiều điều để trao đi. Và khi bạn cảm thấy mình có giá trị, bạn sẽ dần hài lòng hơn về bản thân.[4]
    • Dù bạn hiện đang phải trải qua một giai đoạn khó khăn trong đời, bạn vẫn còn cơ hội mở rộng thêm nhiều sở thích và mài giũa kỹ năng cũng như đam mê về một điều gì đó. Thậm chí bạn có thể chia sẻ chúng với mọi người. Đó là những lý do rất có cơ sở để bạn hài lòng với bản thân.
  7. Lập danh sách những điều mà bạn thấy cảm kích. Có thể bạn chỉ nghĩ xấu về mình vì bạn cảm giác như mình chẳng hề có điểm nào đáng hài lòng cả. Việc nghĩ xấu về bản thân xuất phát từ quan niệm của bạn về con người mình cũng như cảm giác về sự vật xung quanh bạn. Hãy bắt đầu bằng việc lập một danh sách tri ân và liệt kê hết các điều mà bạn mang ơn, từ sức khoẻ của bạn cho đến các anh chị em hay thậm chí là một ngày thời tiết đẹp. Chúng sẽ giúp bạn nhận ra bạn có quyền thấy hài lòng vì vẫn có rất nhiều niềm vui, may mắn và hy vọng ở bên bạn.
    • Lập danh sách này tương tự như danh sách những điều bạn yêu quý ở bản thân. Hãy viết đầy một trang và thường xuyên đọc lại, bổ sung thêm bất cứ khi nào bạn nghĩ ra một ý mới.[5]
    • Nếu tìm kiếm những điều khiến bạn thấy biết ơn là quá khó, hãy biến việc này thành một cơ hội luyện tập sự lạc quan. Hãy nghĩ về những lần bạn giận dữ, và thúc ép mình tìm ít nhất 2 điều tốt trong mỗi hoàn cảnh tồi tệ. Ví dụ, bạn có thể phản bác “Mình như phát điên vì tiếng chó sủa làm mình và em bé thức giấc lúc 5 giờ sáng.” bằng “1. Mình dành được thêm một chút thời gian chơi với con sáng nay, dỗ con nín; mỗi phút giây mình được bên con đều là quý giá; và 2. Mình được nghe tiếng chim hót khi mặt trời mọc.”
    • Nếu bạn vẫn gặp khó khăn, hãy hỏi ý mọi người về những điều khiến họ thấy biết ơn. Có thể bạn sẽ tìm ra điểm chung đấy.
  8. Tránh tập trung nhiều vào vấn đề ngoại hình. Mỗi người đều xinh đẹp theo cách riêng của họ. Muốn nhìn thấy thay đổi hoặc mơ mộng về tương lai không có gì sai cả. Nhưng lòng tự trọng của bạn nên dựa theo những phẩm cách của bạn và chính con người bạn; chứ không phải ngoại hình. Nếu bạn muốn hài lòng về bản thân, thì ưu tiên hàng đầu của bạn nên là bản thân bạn; và chỉ trong trường hợp có mối liên hệ nào đó, sau đấy mới đến ngoại hình bạn như thế nào.
    • Giới hạn thời gian chuẩn bị. Nếu bạn chỉ dành toàn bộ thời gian ước ao một ngoại hình hoàn hảo, bạn đang tập trung vào những phần thiếu tích cực và thiếu tính xây dựng trong cuộc đời. Hãy định trước bạn cần bao nhiêu thời gian làm tóc, trang điểm và ngắm mình trong gương trước khi ra ngoài. Tìm một chu trình phù hợp với khoảng thời gian đó. Nếu bạn vượt quá khoảng thời gian đó, bạn chắc chắn sẽ chỉ nhìn thấy những điểm xấu xí do mình tưởng tượng ra thôi.
    • Bạn có nhiều giá trị đáng trân trọng hơn là vẻ bề ngoài. Bạn nên đặt sức mạnh và tự tin vào từng hành động cũng như thành quả bạn đạt được hơn là ngoại hình. Ví dụ, bạn có một ngày thật tuyệt vời vì dự án bạn đã tốn rất nhiều tuần để thực hiện vừa được khen ngợi. Khi về đến nhà, bạn cuối cùng cũng có thời gian soi gương và nhận ra mascara của bạn bị lem ra dưới mí mắt. Mặc kệ sự thật là bạn có một vết dơ trên mặt, bạn vẫn có được một thành quả thật tuyệt và bạn nên tự tin hơn về khả năng của mình.
    • Nếu mọi người khen ngoại hình bạn, hãy thoải mái đón nhận chúng. Tuy nhiên, hãy bỏ ngoài tai mọi nhận xét tiêu cực, và việc nhận biết những lời khen dành cho cá tính của bạn quan trọng hơn nhiều.
  9. Bớt quan tâm đến suy nghĩ của người khác. Hãy chú tâm vào suy nghĩ của bạn về bản thân thay vì suy nghĩ của người khác. Tập trung vào những ý nghĩ tích cực, khơi dậy tinh thần từ chính bạn thay vì ý kiến của người khác về bạn. Bởi lẽ cuối cùng thì, bạn là người duy nhất phải sống trong thân thể của bạn, nên ý kiến của bạn là quan trọng nhất.
    • Những người hay xúc phạm người khác thường làm vậy để cảm thấy quyền lực hơn. Điều này nghĩa là họ cũng có mặc cảm hệt như bạn. Họ mới là những người thiếu tự tin, nên hãy tránh né những lời nhận xét và cố đừng đáp trả lại họ bằng những lời thoá mạ. Điều tốt nhất bạn có thể làm là sống cuộc đời của mình theo đúng cách bạn muốn mà không cần phải hối tiếc.
    • Nói ra điều này có thể sẽ dễ hơn làm. Thay vì phủ nhận sự thật là bạn có quan tâm, hãy hỏi trái tim mình thế nào là làm đẹp lòng mọi người. Hỏi chính bạn rằng những người làm bạn tổn thương liệu có đáng để bạn phải gắng sức không. Sớm hay muộn, bạn cũng sẽ nhận ra họ chẳng qua là vật cản bạn đạt đến hạnh phúc, chứ không phải phương tiện giúp bạn hướng tới nó.[4]
    • Biết chọn người, cũng như thời điểm, để gửi gắm lòng tin. Ví dụ, nhiều người sẽ nói rằng họ tin tưởng mẹ mình nhất. Tuy nhiên, một số người tin tưởng mẹ họ mù quáng đến mức dám để mẹ, giả sử, lái cả máy bay hay gian lận xổ số. Nếu bạn muốn tham khảo ý kiến của mọi người, hãy lựa chọn nhà tư vấn thật khôn ngoan.

Đối mặt với Mặc cảm[sửa]

  1. Tìm hiểu nguồn gốc của những mặc cảm này. Một vài mặc cảm có thể đã bắt nguồn trong chúng ta từ khi còn bé. Vài trẻ em khi bị chỉ trích quá nặng nề hoặc bị bỏ mặc thường có sự tự ti rất lớn. Một vài người lại mặc cảm khi gặp thất bại đầu tiên, hoặc khi ở trong một môi trường mới. Hiểu được mặc cảm của bạn xuất phát từ đâu, và điều gì khiến chúng trầm trọng hơn, để học cách xử lý chúng tốt hơn.[2]
  2. Nghiên cứu về Liệu pháp Nhận thức Hành vi - LPNTHV (Cognitive Behavioral Therapy). Có nhiều cách để thay đổi góc nhìn của bạn về bản thân để bạn có thể thấy hài lòng về mình. Tuy nhiên, đây là một quá trình lâu dài. Não bộ có thể phát triển và thay đổi rất lâu sau khi cơ thể ta đã chấm dứt tăng trưởng, hiện tượng này gọi là tính dẻo của não. Nó cho phép bạn tiếp tục học tập hoặc thay đổi cách tư duy ở bất cứ lứa tuổi nào.[6]
    • Thay đổi nhận thức là cách để bạn thay đổi hành vi.[7]
    • Bạn có thể thực hành LPNTHV một mình hoặc với một nhà tâm lý trị liệu. Nhớ rằng, nếu bạn cảm thấy có bước nào đó quá khó khăn, bạn nên gặp một nhà trị liệu am hiểu về LPNTHV để nhận sự trợ giúp.[8]
  3. Định nghĩa tư duy của bạn. Bước đầu tiên của LPNTHV là định nghĩa được tư duy. Có nhiều người mang nặng bi quan về bản thân tin rằng họ không có giá trị gì, và họ cũng thường tin là không gì họ có thể làm để xoay chuyển tình huống. Bạn cần phải bắt đầu thay đổi cách bạn nhìn nhận bản thân bằng việc xác định được cảm xúc của bạn như thế nào.
    • Nhìn nhận bản thân bước đầu có thể rất khó. Những người bạn tốt với mong muốn giúp đỡ có thể sẽ chỉ đơn giản bảo bạn hãy “kệ đi” và hãy tự nhìn nhận thế mạnh của mình. Có những điều sâu sắc hơn là ý nghĩ đơn thuần muốn thay đổi.[8]
  4. Bắt đầu viết nhật ký. Bạn nên bắt đầu ghi chép về những suy nghĩ của bạn mỗi ngày, cả tích cực lẫn tiêu cực. Viết về những tình huống xoay quanh các sự kiện, cảm xúc của bạn là gì, và bạn xử lý tình huống đó ra sao. Điều này sẽ giúp bạn xác định tư duy của mình qua thời gian để bạn bắt đầu thay đổi những ý nghĩ tiêu cực đó.
    • Hãy thành thật với bản thân trong nhật ký. Bạn cần biết toàn bộ suy nghĩ khác nhau của mình để nắm được bức tranh tổng quát. Càng thành thật thì bạn càng thay đổi được nhiều thói quen.[8]
    • Hãy giữ vững tiến độ. Viết ra mọi suy nghĩ của bạn là rất quan trọng; hoặc kể lại những gì xảy ra ở chỗ làm; hoặc trút những nỗi lo lắng về bạn đời của mình khi bạn phải đi xa.
  5. Chấp nhận rằng những suy nghĩ của bạn là có căn cứ. Khi đã viết nhật ký một thời gian, bạn nên nhìn lại những gì bạn đã ghi chép. Với cách này, bạn sẽ có nhiều quan điểm khách quan hơn về suy nghĩ của mình để bạn có thể chấp nhận những suy nghĩ đó và chấp nhận chính bản thân bạn.
    • Cố gắng nhớ những cảm xúc của bạn khi viết, và thay vì cảm thấy hổ thẹn hay tồi tệ về những ý nghĩ bi quan, hãy chấp nhận chúng. Ai cũng vậy cả thôi và nếu bạn chấp nhận chúng, bạn có thể thay đổi chúng.
    • Bằng cách cho phép mình cảm nhận những ý nghĩ bi quan, bạn sẽ nắm quyền kiểm soát chúng và bắt đầu thay đổi. Một khi bạn nhận ra luồng tư duy khiến bạn tự ti, bạn có thể thay đổi cách nghĩ của mình.[8]
  6. Thay đổi suy nghĩ của bạn. Một khi bạn đã viết ra hết suy nghĩ và cảm xúc của mình được vài tuần và chấp nhận cảm xúc của mình là có căn cứ, bạn cần xem xét suy nghĩ và bắt đầu thay đổi cách tư duy. Đọc một lượt nhật ký, tìm kiếm những điểm tư duy trùng lặp. Tìm một chủ đề thường gặp hoặc chọn một suy nghĩ thật khắt khe. Nắm lấy ý nghĩ bi quan đó và cố gắng xoay chuyển chúng theo chiều tích cực.
    • Ví dụ, bạn đã thấy rất tồi tệ vì không hoàn thành công việc đúng hẹn. Thay vì tập trung vào lỗi lầm đó, hãy nghĩ về những lần bạn đạt được một thành quả thật lớn hay sống sót qua một dự án cực kỳ khó khăn. Hãy tự nhủ, “Mình có thể xoay chuyển tình huống vì mình đã từng làm được nhiều chuyện tốt rồi. Mình chỉ cần tập trung là làm được thôi, hệt như mấy dự án trước vậy.”
    • Hãy chấp nhận mọi cảm xúc và biến chúng thành những tình huống tích cực. Hãy hiểu rằng có những cảm xúc như vậy cũng không sao hết, nhưng phải biết rằng còn nhiều cách nhìn nhận bản thân hiệu quả hơn sẽ giúp bạn thấy hài lòng hơn nhiều.[8]
    • Tha thứ cho những lỗi lầm của mình trong quá khứ. Không có cách nào để thay đổi quá khứ cả, và bạn sẽ phải cho bản thân một cơ hội để tiến bộ. Bạn có biết câu nói, "Hãy ăn vận cho công việc bạn muốn, không phải cho công việc bạn có"? Hãy đối xử với chính mình như con người bạn muốn trở thành, chứ không phải như quá khứ của bạn. Như vậy, bạn sẽ dễ trở thành con người mình mong muốn hơn.[4]
  7. Học cách chịu đựng. Khi nhìn lại quá khứ của mình, bạn có thể thấy bạn đã bỏ lỡ một vài tình huống chỉ vì sự tự ti. Nếu bạn nhận ra một suy nghĩ hay thói quen thường xuyên nào, ví dụ như sự từ chối tham gia các hoạt động xã hội vì lo lắng hay tiêu cực, bạn nên tìm cách vượt qua chúng. Một khi bạn thay đổi quan niệm về những sự kiện này, bạn có thể thúc đẩy mình đối mặt với chúng mà không cần phải lo lắng đến một hậu quả đầy bi quan.
    • Ví dụ, bạn thường từ chối đi chơi với đồng nghiệp vì bạn sợ họ sẽ thấy bạn thật buồn chán và bạn sẽ chỉ làm mình trông như đồ ngốc thôi. Thay vì nghĩ vậy, hãy hướng mình về những điều tích cực hơn và những cái lợi từ chúng. Bạn cũng có những người bạn khác quý mến bạn và thích ở bên bạn mà, nên hẳn là bạn phải thú vị chứ. Có thể bạn sẽ kết bạn thêm với nhiều người và thân thiết hơn với đồng nghiệp đấy.
    • Nếu bạn tính toán các khả năng có thể xảy ra trong một tình huống thay vì chỉ tưởng tượng ra những điều kinh khủng, bạn sẽ có thể nhìn nhận mình theo một chiều hướng lạc quan.[8]
  8. Tập luyện. Những mặc cảm thế này rất cần thời gian để thay đổi. Học nhìn nhận bản thân theo một cách khác đòi hỏi tập luyện rất nhiều, nhưng bạn đừng sợ phải suy nghĩ tích cực về chính mình. Có thể ban đầu sẽ rất khó khăn, nhưng khi bạn dần hiểu được cảm xúc của mình và nhận ra nếp sống tiêu cực, bạn có thể thay đổi qua từng bước nhỏ. Sau một thời gian, bạn sẽ bất giác thấy bản thân làm vậy thường xuyên đến nỗi mỗi ngày của bạn chứa đầy suy nghĩ tích cực hơn là tiêu cực.
    • Nếu gặp khó khăn, bạn nên sắp xếp hẹn gặp một nhà tâm lí trị liệu. LPNTHV với sự viện trợ từ một chuyên gia đã qua huấn luyện am hiểu về các phương pháp sẽ có thể giúp bạn nhìn thấy nhiều điều hơn về bản thân mà bạn chưa biết.
    • Trong các buổi LPNTHV, nhà trị liệu sẽ phối hợp cùng bạn để đạt đến mục tiêu.[8]

Hành động[sửa]

  1. Làm những gì bạn cho là đúng đắn. Đôi khi người ta đánh giá thấp mình vì họ đã làm một điều gì đó mà họ cho là sai hoặc không tốt.[4] Tuân theo chuẩn mực đạo đức của mình mỗi ngày sẽ giúp bạn nâng cao lòng tự trọng cũng như tự tin.
  2. Khoe với bạn bè và gia đình về những thành tích của bạn. Khi bạn làm được điều gì khiến mình tự hào, đó chính là phút giây mà bạn trở nên đẹp nhất. Hãy nhìn nhận nỗ lực của bạn, chúc mừng bản thân, và mời gọi mọi người cùng ăn mừng. Điều này sẽ giúp bạn sẽ tự hào về mình hơn, vì bạn có trong tay lời cổ vũ của mọi người.
    • Gọi điện cho ông bà hoặc email cho người dì bạn yêu mến để chia sẻ tin vui và cùng ăn mừng với gia đình và bạn bè.
    • Hãy hiểu rằng điều này tốt cho bạn và tất cả mọi người. Nếu bạn chỉ nói chuyện với gia đình hoặc bạn bè, hành động này mang ý nghĩa chia sẻ với những người bạn yêu mến. Và có khả năng khi bạn muốn thấy hài lòng về bản thân, bạn sẽ có rất nhiều thành tích để kể cho mọi người.[4]
  3. Thành tâm nhận lời khen ngợi. Khi nghe bạn bè nói, “Tớ thích bài thuyết trình của cậu,” hãy cố đừng gạt đi và bảo “Tớ lo lắng quá, quên hết nội dung cả một trang!.” Hãy đơn giản nói “Cảm ơn cậu,” và để lời khen đó ngấm vào mình. Nếu bạn cứ coi nhẹ bản thân hay tự đánh giá thấp mình mỗi khi mọi người muốn làm bạn vui, có thể họ sẽ ngại và không làm vậy nữa. Thay vào đó, mỗi khi nghe ai đó khen ngợi mình, hãy thật lòng thấy hạnh phúc và chấp nhận nó thay vì phản đối họ.
    • Nhìn thẳng vào mắt người đó và nói cảm ơn thật chân thành.
    • Nếu lời khen làm bạn khó chịu, bạn không cần phải nhận nó. Tuy nhiên, nếu bạn thích được khen như vậy, hãy chấp nhận.
  4. Chăm sóc bản thân mình. Đối với vài người, dành thời gian vệ sinh cơ thể sẽ giúp họ cảm thấy mình đáng được chăm sóc tử tế. Quan tâm đến cơ thể cũng quan trọng hệt như nuôi dưỡng tâm hồn vậy, và vài phương pháp vệ sinh cơ thể còn giúp thư giãn nữa.
    • Ví dụ, bạn có thể ngâm mình trong bồn tắm hoặc chăm sóc làn da với xà bông thơm tho và kem dưỡng.
    • Điều này khác với trang điểm đậm hoặc mua sắm nhiều quần áo thời trang. Điều này mang ý nghĩa rằng cơ thể bạn cần được dành thời gian chăm sóc.[9]
  5. Mặc trang phục thoải mái. Bạn biết cái áo sơ mi đó làm bạn phải cảnh giác và cái quần nào làm bạn lúng túng. Nếu bạn có bộ nào như vậy, hãy quyên góp hết cho từ thiện. Hãy mặc trang phục có màu bạn thích. Nếu bạn thấy thoải mái, sự tự tin của bạn sẽ được bộc lộ. Nếu bị ai đó trêu ghẹo quần áo bạn mặc, hãy làm lơ và nói, “Ôi chà, ít ra tớ vẫn thích nó!”
    • Nhớ rằng mọi người xung quanh thật ra không nhìn vào bạn cũng như không bàn tán về bạn nhiều như bạn nghĩ đâu.
    • Tránh mặc những trang phục làm bạn khó chịu chỉ vì bạn nghĩ chúng hợp mốt. Hãy làm những gì khiến bạn thoải mái và tất cả mọi người sẽ thấy rằng bạn cảm thấy dễ chịu khi làm thế hơn.[9]
    • Trong một vài trường hợp, trang phục phù hợp với bối cảnh thật ra lại giúp bạn thoải mái hơn. Ví dụ, nếu bạn đang chuẩn bị dự một buổi họp công việc, bạn nên diện đồ theo tác phong ăn mặc do sếp đặt ra, mặc kệ những trang phục đó gây khó chịu đến mức nào.
  6. Tạo phong cách riêng. Hãy thử nhiều loại trang phục để tìm xem loại nào cho bạn cảm giác tốt nhất. Có lẽ đôi khi bạn muốn ăn mặc cầu kì, lúc khác lại thích thoải mái. Bình thường cả thôi. Hãy thử ghé thăm cửa hàng quần áo cùng bạn bè và thử chọn vài bộ cánh với màu sắc và phong cách mới xem sao. Có khả năng bạn sẽ tìm được thứ phù hợp với mình đấy.
    • Tập trung chăm chút vẻ bề ngoài không phải là chuyện đáng phê phán vì ngoại hình chính là cách biểu hiện bạn là ai toàn diện nhất. Ví dụ, diện trang phục có màu sắc bạn ưa thích cũng chính là một cách thể hiện sở thích.
    • Gặp phải đồ không hợp với mình, hãy chỉ cười thôi. Có lẽ chúng hợp với người khác hơn.
    • Thay đổi phong cách có thể giúp bạn khám phá ra một khía cạnh mà bạn chưa biết về bản thân.
    • Ngoài ra cũng nên thử thay đổi kiểu tóc. Các nàng tóc dài có thể thắt bím, uốn xoăn, hoặc búi gọn lên. Hãy thử làm nhiều kiểu để tìm phong cách thể hiện bản thân bạn tốt nhất và nhớ rằng, không nhất thiết chỉ có một lựa chọn đúng đâu. Tất cả chúng đều là bạn miễn là bạn thấy hài lòng.[9]
  7. Kết bạn với những người cho bạn cảm giác hài lòng với bản thân. Nếu bạn đang ở cùng bạn bè và họ bắt đầu tán chuyện về những chủ đề khiến bạn không thoải mái, hãy thay đổi chủ đề. Nếu bạn thấy mình đang kết bạn với những người quá coi trọng ngoại hình, hãy thử chuyển cuộc hội thoại sang những chuyện ít nông cạn hơn. Nếu tình huống trên diễn ra quá thường xuyên, có lẽ bạn nên tìm những người bạn khác biết giá trị thật sự nằm ở đâu.
    • Tự hỏi bản thân bạn rằng liệu những người bạn của mình thường dành lời khen và động viên cho bạn, hay chỉ xét nét từng hành động bạn làm. Nếu họ có thái độ quá tiêu cực, bạn cần chấm dứt mối quan hệ này nhanh nhất có thể. Điều này có thể nghe rất phũ phàng, nhưng nó sẽ giúp bạn thấy hài lòng về bản thân hơn.[4]
    • Ví dụ, cố gắng chuyển chủ đề nếu bạn bè bắt đầu nói về vấn đề cân nặng của họ hoặc chế độ ăn kiêng và bạn không thích bàn những chuyện đó. Hãy chỉ họ rằng còn rất nhiều chủ đề hay ho hơn để bàn, tỉ như đội bóng đá của họ đang chơi rất tốt hay chú cún con của họ tháng này đã lớn bao nhiêu rồi.
  8. Học thứ gì đó mới. Đọc báo về tình hình trên thế giới. Bạn sẽ thấy am hiểu thêm về vài sự kiện đương thời, và thoát khỏi lề thói hằng ngày cũng như cho bạn cảm giác mình tiếp xúc được nhiều hơn. Theo học một khoá làm gốm hay xem một bộ phim tài liệu. Làm điều gì đó cho bạn cảm hứng học hỏi và trân trọng thế giới. Sớm thôi, bạn sẽ thấy mạnh mẽ hơn vì có được ý chí thay đổi và toàn bộ kiến thức bạn học được.
    • Nếu bạn học được điều gì thú vị, hãy chia sẻ chúng với người khác. Điều đó sẽ làm bạn cảm thấy bạn có thể trao đi thật nhiều.
  9. Tập thể dục. Tập thể dục sẽ giúp bạn phấn chấn cả về thể lực lẫn tinh thần. Giảm cân và lấy lại vóc dáng có thể là phụ thôi, tự bản thân việc tập luyện đã là rất quan trọng rồi, và nó sẽ khiến bạn cảm thấy mình đang chăm sóc cơ thể tốt hơn và tạo nếp sống lành mạnh. Điểm cộng là, lượng endorphin – còn gọi là hormone hạnh phúc sản sinh ra sẽ hỗ trợ bạn. Hãy tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày và học cách yêu những gì bạn làm. Bạn sẽ cảm thấy hài lòng với bản thân chỉ bằng việc thêm một thay đổi nho nhỏ trong cuộc sống thường nhật của mình.
    • Tìm một hoặc hai người bạn cùng tập chung để quá trình tập luyện thêm vui vẻ và nhiều lời động viên hơn. Tốt hơn cả là có một người bạn luôn cổ vũ cho bạn những khi muốn bỏ cuộc.[9]
    • Nếu bạn không hài lòng với chế độ luyện tập hiện tại hoặc chưa tìm ra môn bạn thích, cứ thay đổi và thử tập môn thể thao mới. Luôn có chế độ luyện tập phù hợp với mọi người, điều quan trọng là tìm ra thứ thích hợp với bạn.
    • Có nhiều hình thức tập thể dục không tốn nhiều chi phí như chạy bộ quanh khu phố hoặc công viên, thể dục nhịp điệu hoặc các bài tập không dùng đến tạ, bài tập burpee (ngồi xổm và bật cao).

Kiên trì[sửa]

  1. Làm từ thiện. Làm từ thiện là một phương pháp rất tốt để bạn cảm thấy hài lòng với bản thân và là một cách tuyệt vời để đền đáp lại cho cộng đồng và đánh giá những đóng góp của bạn cho thế giới.[4] Hãy tìm một hình thức từ thiện phù hợp với khả năng của bạn, từ dạy học cho đến đọc sách, hay đơn giản là trò chuyện cùng họ. Tạo thói quen từ thiện ít nhất vài lần mỗi tháng. Một khi bạn đã làm từ thiện, bạn sẽ thấy có rất nhiều người tin bạn là người có giá trị, và rằng bạn không nên dành quá nhiều thời gian để đánh giá thấp bản thân mình.
    • Bạn có thể tham gia từ thiện bằng cách dạy học cho người lớn hoặc dạy đọc cho trẻ em, làm vệ sinh công viên, đóng góp cho thư viện hoặc hiệu sách, hoặc tình nguyện tại một căn bếp nấu ăn cho người vô gia cư.
    • Tuỳ vào khả năng mà sẽ có những hình thức từ thiện cụ thể thích hợp cho bạn. Ví dụ, luật sư có thể nhận bào chữa không tính tiền, kiến trúc sư giúp xây nhà miễn phí.
  2. Tiếp tục viết nhật ký. Hãy tiếp tục viết nhật ký dù cho bạn đã trị liệu LPNTHV xong, hoặc bạn vẫn chưa tham gia trị liệu, vì điều đó có khả năng giúp bạn nhìn nhận bản thân mình để hài lòng với nó. Bạn nên viết ít nhất một hoặc hai ngày mỗi tuần và lập biểu đồ theo dõi, ghi chú lại những điều bạn đã làm để khiến bản thân tốt đẹp hơn cũng như tồi tệ đi. Nó có thể giúp mở đầu cho con đường hướng tới hạnh phúc nhưng sẽ luôn có những trở ngại và những ngày làm bạn chán nản. Bạn cần phải chân thực và luôn phải tự hỏi điều gì sẽ làm bạn thấy khá hơn.
    • Nên nhớ rằng bạn đang bước đi trên một chuyến hành trình và rằng nó sẽ mất một chút thời gian. Hãy kiên nhẫn và khoan dung với bản thân mình. Đôi khi phải trải qua một khoảng thời gian để mọi thứ có tác dụng.
    • Dành một ít thời gian để đọc sơ qua cuốn nhật ký ít nhất mỗi tháng một lần. Việc này sẽ giúp bạn nhận thấy mình đã trưởng thành thêm bao nhiêu.[9]
  3. Động viên chính mình mỗi khi bạn cần. Nếu bạn đang cảm thấy buồn bã, hãy chấp nhận đó là điều bình thường và đôi khi nỗi buồn còn là một dấu hiệu tốt nữa. Tuy nhiên, bạn cũng có thể kiểm soát cảm xúc và chọn cách không đắm mình vào nỗi buồn nếu bạn không muốn vậy. Hãy thử làm những việc khiến bạn hạnh phúc, hoặc nhờ đến sự trợ giúp của bạn bè. Hầu hết mọi người đều có một hoạt động riêng để tìm lại niềm vui khi buồn.
    • Ví dụ như câu cá, mua sắm, leo núi, sửa sang nhà cửa, thiền, chơi bowling, gặp gỡ bạn bè, tập thể dục, hoặc viết lách.
    • Nếu là buổi sáng, hãy mở cửa sổ và đón chút không khí trong lành cùng nắng sớm. Nếu là buổi đêm, hãy thay một bộ đồ ngủ sạch sẽ và rúc vào chăn cùng một cuốn sách, bộ phim, hay đĩa nhạc mà bạn yêu thích. Khi cảm thấy căng thẳng, hãy đi tắm hoặc ngâm mình trong làn nước ấm. Tưởng tượng như dòng nước đang rửa trôi đi nỗi lo của bạn.
    • Bạn cũng nên tự sáng tạo ra một nghi thức tĩnh tâm cho riêng mình. Khi cảm thấy giận dữ hoặc áp lực, hãy thở ba hơi thật sâu, dài và chậm rãi. Bật vài bài nhạc bạn thích. Tìm cách để trấn tĩnh, và lặp lại mỗi khi bạn thấy lo âu.
    • Hãy hiểu rằng cảm giác buồn bã không phải là một cái tội. Bạn giải quyết vấn đề càng nhanh thì sẽ càng nhanh cảm thấy khá hơn.[5]
  4. Lập một danh sách ước mơ. Hãy tìm một cuốn sổ tay và liệt kê ra những nơi bạn muốn ghé thăm, trải nghiệm bạn muốn có, những người bạn muốn gặp, và kỹ năng bạn muốn học. Một danh sách ước mơ sẽ là một cột mốc xuất phát rất tuyệt để dần hình thành một cuộc sống đầy ắp niềm vui, phiêu lưu, và những trải nghiệm thú vị. Hãy vẽ một ô vuông bên cạnh từng điều trong danh sách để tích vào khi bạn đã đạt được chúng. Khi đặt ra những kế hoạch hấp dẫn như thế cho tương lai, và thật sự đề chúng lên thành mối ưu tiên cần phải hoàn thành, chúng sẽ giúp bạn sẽ cảm thấy hài lòng với bản thân vì bạn còn rất nhiều thứ để trông đợi trong tương lai.
    • Nên chắc chắn rằng những chuyến phiêu lưu trên danh sách của bạn là có thể thực hiện được, bất kể chúng xa xôi đến nhường nào nhé. Cố đừng tự làm bản thân nản lòng bởi những mục tiêu bạn không bao giờ đạt được.
  5. Lấy cảm hứng từ một hình mẫu nào đó. Hãy tưởng tượng mình cần những gì để sống như người mà bạn mến mộ, bất kể người đó là mẹ bạn, một ca sĩ, hay giáo viên dạy toán của bạn. Hãy nghĩ về sự rộng lượng mà người ấy dành cho mọi người, cách người ấy đối mặt với những hoàn cảnh gây thất vọng hoặc nhục nhã, và cách họ nâng niu từng phút giây nhỏ nhoi trong đời và trân trọng lý do họ tồn tại. Nhất là khi bạn đang có tâm trạng xấu, hãy nhắm mắt lại và tưởng tượng hình mẫu của bạn sẽ làm gì để xử lý tình huống đó.
    • Có một nguồn cảm hứng từ bên ngoài sẽ giúp bạn mường tượng điều mình cần làm trong những tình huống khó khăn, và sẽ giúp bạn cảm thấy rằng mình có thể vượt qua tai ương.[5]
  6. Giữ vững một mạng lưới hỗ trợ mạnh mẽ. Nếu bạn muốn tiếp tục cảm thấy hài lòng về bản thân, có thể bạn sẽ cần đến sự giúp đỡ. Bạn phải tin cậy vào bạn bè, anh chị em, cha mẹ, hoặc một người bạn đời, và bất kỳ ai khác quan trọng trong cuộc sống của bạn. Đó có thể là những người đồng nghiệp, hàng xóm, hoặc bạn cùng lớp. Bạn cần nhờ đến mọi người những khi khốn khó và một ai đó biết lắng nghe để giúp đỡ khi bạn cần sự trợ giúp. Hãy chỉ giữ những người tốt bụng và bao dung bên mình để bạn có thể cảm thấy phấn khích về tương lai đang chờ đợi phía trước.
    • Đạt được mục tiêu cá nhân là điều cần được chú trọng, tuy nhiên việc hòa nhập xã hội cũng quan trọng không kém. Hãy tạo thói quen dành thời gian với mọi người vài lần một tuần.
    • Dành thời gian bên những người thân yêu là rất quan trọng, nhưng hãy nhớ dành thời gian gặp gỡ những người bạn mới nữa nhé. Có bên mình thật nhiều bạn bè và những người yêu thương trong đời sẽ giúp bạn mở rộng thế giới quan và khiến bạn cảm thấy hài lòng về bản thân mình hơn.[4]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây