Hàn gắn mối quan hệ tan vỡ

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Tổn thương là điều khó tránh trong những mối quan hệ quan trọng. Tuy nhiên tổn thương và mâu thuẫn không có nghĩa là mối quan hệ đang đi đến hồi kết. Nhiều cặp đôi nhận ra rằng vượt qua vấn đề thực sự làm cho tình cảm của họ trở nên mạnh mẽ hơn. Tất cả các mối quan hệ đều đòi hỏi sự nỗ lực, tình yêu và lòng kiên nhẫn mới thu hoạch được quả ngọt, điều này đặc biệt đúng đối với việc hàn gắn một tình cảm đang tan vỡ.

Các bước[sửa]

Giải quyết những vấn đề giữa hai người[sửa]

  1. Xác định liệu người kia có muốn sửa chữa mối quan hệ không. Mọi thứ sẽ vô nghĩa nếu chỉ có một mình bạn sẵn sàng thực hiện. Nếu người ấy không cảm thấy có lỗi đối với những sai lầm, bác bỏ mong muốn nói chuyện của bạn hay tiếp tục những hành vi làm tổn thương bạn thì đã đến lúc buông tay. [1]
    • Để hàn gắn một mối quan hệ cần cả hai người. Nếu bạn là người duy nhất cố gắng cứu vãn mọi việc thì bạn sẽ chẳng bao giờ thành công.
  2. Xác định lý do mối quan hệ rơi vào rắc rối. Tất cả các mối quan hệ đều có những thời điểm khó khăn không lúc này thì lúc khác. Khi sự mới lạ trong vài tháng đầu dần biến mất, các vấn đề cùng với sự căng thẳng bắt đầu đè nặng và hai bạn bắt đầu cảm thấy khó chịu với những điều mình từng thấy dễ thương. Mặc dù luôn có những rắc rối nhỏ trong một mối quan hệ, nhưng một số vấn đề sẽ thực sự nghiêm trọng nếu nó tiềm ẩn quá lâu:
    • Bạn thấy rằng ý kiến của mình không được tôn trọng.
    • Bạn cảm thấy như nửa kia không quan tâm đến những nhu cầu của bạn.
    • Bạn cảm thấy người ấy không giúp đỡ trong những vấn đề như việc nhà, hóa đơn, con cái, v.v…
    • Các bạn giao tiếp không tốt hoặc thường xuyên tranh cãi.[2]
  3. Nói chuyện với người ấy về vấn đề đang khiến bạn bận tâm. Nhiều mối quan hệ rơi vào khó chịu hoặc đi đến kết thúc cũng vì không có cuộc nói chuyện thỏa đáng giữa hai cá nhân. Trong giai đoạn khó khăn, bạn cần sẵn lòng chia sẻ vấn đề và khúc mắc của mình với nửa kia để có hy vọng sửa chữa chúng.
    [3]
    • Dành thời gian để thành thật với bạn đời của mình. Những mối lo âu của bạn phải được nói ra một cách cởi mở nếu không chúng sẽ không bao giờ được sửa chữa.
    • Bạn có thể viết chúng ra giấy hay thảo luận với bạn thân của bạn trước để cảm thấy thoải mái hơn khi bày tỏ điều đó với một nửa của mình.
  4. Lắng nghe phản ứng của người ấy thay vì tranh cãi. Thay vì nghĩ xem mình sẽ nói gì tiếp theo, dừng lại và cố gắng hiểu điều họ đang nói với bạn. Việc chăm chú lắng nghe thể hiện sự tôn trọng và giúp cho cả hai tìm ra vấn đề trong mối quan hệ.
  5. Nhìn nhận sự việc dưới góc độ của người ấy. Thông thường các cặp đôi bị cuốn vào cảm xúc của riêng họ mà không bận tâm xem tại sao người kia lại khó chịu. Điều này khiến những trận cãi vã diễn ra hết ngày này đến ngày khác, nhưng nó có thể được khắc phục dễ dàng. Dừng lại một chút và nghĩ xem tại sao người ấy lại nổi giận. Bạn đã làm gì không đúng khiến họ phải buồn phiền? [4]
  6. Đối phó với vấn đề của các bạn ngay lập tức. Chỉ nói chuyện về chúng không là chưa đủ. Bạn cần làm điều gì đó để giải quyết chúng. Một khi đã tìm ra vấn đề giữa hai bạn, mỗi người cần đề ra ít nhất hai việc sẽ làm để khắc phục tình hình. Đưa ra những giải pháp dành cho bạn đời và yêu cầu họ có trách nhiệm với điều đó – cách duy nhất để hàn gắn mối quan hệ tan vỡ là cam kết chữa lành nó.
    • Chẳng hạn nếu nửa kia của bạn cảm thấy như họ phải làm tất cả công việc, làm một danh sách khoảng 4-5 việc nhà mà bạn sẽ chịu trách nhiệm mỗi ngày.
    • Nếu người ấy cảm thấy không còn sự lãng mạn trong tình cảm, chọn ra một buổi tối để “hẹn hò” mỗi tuần một lần.
    • Nếu bạn đời của bạn cảm thấy mình không quan trọng hay không được yêu thương, hãy nói ít lại và lắng nghe người ấy nhiều hơn trong bữa tối hoặc trước khi đi ngủ.
  7. Tha thứ lẫn nhau. Đây có thể là giai đoạn khó khăn nhất và là vấn đề then chốt trong quá trình hàn gắn tình cảm. Sự tha thứ giải phóng cơn giận bị đè nén, những tổn thương và cảm xúc tiêu cực để chúng không quay lại và phá hỏng sự tiến triển mà các bạn đã gây dựng. Không ai là hoàn hảo, nếu không có sự tha thứ thì không có một mối quan hệ nào tồn tại được trên thế gian này.[5]
    • Tha thứ cần thời gian, vì thế đừng sợ nếu bạn vẫn còn thấy giận sau khi tranh cãi 1-2 ngày. Tiếp tục cố gắng tha lỗi cho người ấy và bạn sẽ thấy những cảm xúc tiêu cực tan biến nhanh chóng.
    • Nói chuyện với nửa kia của bạn và đặt mình vào vị trí của họ để nhìn nhận những lỗi lầm có thể giúp bạn hiểu ra vấn đề và tha thứ nhanh hơn.
  8. Cho nhau thời gian và không gian để hòa giải. Ở cùng nhau không có nghĩa là bạn phải trói buộc người kia. Khi hàn gắn một mối quan hệ đổ vỡ, bản năng thường khiến người ta dành hầu hết thời gian để ở cạnh nhau. Nhưng điều này ngăn cản hai người lùi lại một và nhìn nhận sự việc một cách khách quan, những mặt tốt và xấu của nó. Nhìn thấy nhau cả ngày dễ dẫn đến những cuộc tranh cãi hay cảm giác bế tắc.
    • Có một câu nói, “nếu bạn yêu thứ gì đó, hãy để nó tự do.” Càng áp đặt và quản lý từng li từng tí sẽ càng đẩy họ ra xa. Tin tưởng bản thân và tin vào người ấy, cho cả hai thời gian ở một mình, sau đó các bạn sẽ trở lại hạnh phúc và lành mạnh hơn.
  9. Nhớ lại vì sao bạn yêu họ. Sau một thời gian ở cùng nhau, những vấn đề trong cuộc sống như tiền bạc, con cái và áp lực sẽ làm lu mờ những kí ức đẹp đẽ mà bạn có. Thử lùi lại và nghĩ về điều mà bạn thích về người ấy, tập trung vào những lý do khiến hai người hòa hợp với nhau. Điều này sẽ giúp bạn giải phóng những suy nghĩ tiêu cực phát sinh gần đây và nhớ lại vì sao mà bạn yêu người đó.[1]
    • Cùng nhau xem lại những album cũ và nhắc lại những chuyện trước đây của hai người.

Hàn gắn mối quan hệ sau khi lừa dối[sửa]

  1. Bạn phải biết rằng mất rất nhiều thời gian để xây dựng lại lòng tin đã đổ vỡ sau khi bị lừa dối. Một khi bạn đời của bạn đã đánh mất lòng tin có thể sau vài năm họ mới có thể xây dựng lại niềm tin đã mất. Cảm giác ghen tuông và nghi ngờ trỗi dậy trong lòng họ mỗi khi bạn ra khỏi nhà, gặp gỡ đồng nghiệp hay nhắn tin với người lạ là điều bình thường. Hãy chuẩn bị tinh thần để cố gắng, có thể mất nhiều tháng, để gây dựng lại lòng tin sau một chuyện ngoại tình.
    • Quyết tâm hàn gắn mối quan hệ cho dù có khó khăn như thế nào, ngày qua ngày cuối cùng bạn sẽ có lại được sự tin tưởng mà mình đã đánh mất trước đây.
  2. Chịu trách nhiệm với sai lầm của mình. Tránh bào chữa, đổ lỗi cho người ấy hay gạt bỏ tình cảm như thể nó là chuyện “một sớm một chiều.” Để có được sự sự tha thứ và tiếp tục tình cảm này bạn cần chịu trách nhiệm với sự thiếu chung thủy của mình. Tự nhìn nhận một cách khách quan và khắc khe nhất về bản thân nhằm chiêm nghiệm xem điều gì đã khiến bạn lừa dối để tránh mắc sai lầm tương tự.[6]
  3. Tha thứ và được tha thứ. Đây có thể là điều khó làm nhất sau khi chuyện ngoại tình xảy ra đối với cả hai phía. Tuy rằng xin sự tha thứ là cách duy nhất để bắt đầu quá trình hàn gắn, nhưng bạn không thể thực hiện điều đó nếu như người ấy vẫn còn cảm thấy oán giận. Cho dù không nhận được sự tha thứ ngay, bạn vẫn phải nhún nhường và bày tỏ mong muốn của mình mỗi khi có thể.
    • Có thể bạn sẽ thất bại vài lần, nhưng bạn cần phải thành thật và chân thành xin lỗi vì sự phản bội của mình.
  4. Trở nên minh bạch. Nếu bạn đã lừa dối vợ hoặc chồng của mình, cách nhanh nhất để lấy lại sự tin tưởng là hoàn toàn minh bạch. Để họ tiếp cận với thời gian biểu, lịch công tác và những danh sách liên lạc của bạn. Tránh che giấu bất cứ điều gì cho dù là những việc nhỏ nếu không họ sẽ cảm thấy nghi ngờ.
  5. Giữ lời hứa. Bạn cần thể hiện rằng mình đáng tin một lần nữa. Gọi điện thoại nếu bạn nói sẽ gọi, về nhà đúng giờ và làm những việc vặt hay việc nhà mà bạn đã hứa một cách đều đặn.[7]
    • Đừng bao giờ hứa điều mà bạn không thực hiện được.
    • Nếu bạn cần thay đổi kế hoạch hãy báo trước vài ngày để người ấy có đủ thời gian điều chỉnh lại lịch trình của họ.
  6. Trò chuyện với nửa kia về nhu cầu của họ. Lắng nghe xem họ cần bạn làm gì để hàn gắn tình cảm. Ở bên cạnh nhiều hơn hay cho nhau nhiều không gian riêng hơn. Người ấy có thể mong muốn bạn về nhà sớm hơn và ngừng uống rượu. Cho dù vấn đề là gì, hỏi họ “anh/em có thể làm gì để sửa chữa điều đó” và lắng nghe câu trả lời mà không phán xét.
    • Tuy vậy, đây không phải là lời yêu cầu để bị lạm dụng. Hãy chân thành, giúp đỡ và yêu thương nhưng đừng để họ lạm dụng bạn một cách "bất công" hoặc trả thù.

Tránh các vấn đề của mối quan hệ[sửa]

  1. Dành thời gian cho nhau. Điều này thật hiển nhiên nhưng ở bên nhau thì tình yêu mới có thể tồn tại. Tìm điều gì đó mà cả hai hứng thú và cam kết cùng thực hiện, từ việc nấu ăn cho đến việc đi dạo vào Chủ nhật. Một mối quan hệ tốt đẹp đòi hỏi sự nỗ lực, vì thế đừng phớt lờ người ấy đi và mong đợi tình cảm diễn biến tốt.
    • Nếu bạn không thể ở cùng nhau, viết thư cho nhau hay lên lịch để trò chuyện online hay qua điện thoại.
  2. Giao tiếp cởi mở và chân thành. Giao tiếp chân thành giúp giải quyết các vấn đề trước khi nó trở nên nghiêm trọng. Khi có điều gì khiến bạn khó chịu, hãy nói ra thay vì giữ trong lòng. Kiềm nén hoặc phát triển cơn giận ngầm sẽ làm cho mọi thứ trở nên khó giải quyết hơn sau này.
    • Ghen tuông, hiểu lầm và cái tôi cá nhân có thể dẫn đến việc kết thúc mối quan hệ, vì thế hãy bày tỏ những lo lắng của mình thay vì giấu nó đi.
  3. Xem nhau là một đội. Bạn đời là một nửa của bạn, và bạn cần ghi nhớ điều này khi mọi thứ bắt đầu khó khăn. Một trong những điều tuyệt vời của tình yêu đó là khi yêu, bạn không phải đơn độc vượt qua mọi chuyện – bạn có một người đồng đội kiêm bạn bè để giúp bạn vượt qua những tình huống và cảm xúc căng thẳng.
    • Thực hiện dự án cùng nhau.
    • Thảo luận những vấn đề xoay quanh công việc hay nhà cửa và cùng nhau suy nghĩ những giải pháp.
    • Gọi cho vợ hoặc chồng của bạn khi cần nói chuyện với ai đó. Họ sẽ luôn lắng nghe khi bạn cần.
  4. Đầu tư thời gian vào việc phát triển bản thân. Dậy sớm, ăn uống lành mạnh, tập thể dục và chăm sóc bản thân. Điều này không giúp bạn phấn khởi hơn mà còn dễ dàng tập trung hơn vào việc yêu thương người ấy. Bạn cần phải ổn định về thể chất lẫn tinh thần để yêu thương nửa kia, cũng như yêu thương chính bản thân mình.
  5. Chấp nhận lỗi lầm của họ. Không ai là hoàn hảo, chúng ta lại hay phán xét chính người thân yêu của mình khắc nghiệt hơn bất kỳ ai khác. Người ấy đã mắc sai lầm và tổn thương bạn, có thể tha thứ ngay là điều quá khó. Tuy nhiên con đường duy nhất để ở lại với yêu thương là biết rằng không có ai là hoàn hảo và chấp nhận điều đó, học cách bỏ qua lỗi lầm của họ. Chấp nhận những tật xấu đó của bạn đời thay vì cố gắng thay đổi họ.
    • Bạn phải sẵn lòng tha thứ thì mới nhận lại điều tương tự. Đừng quên rằng bạn cũng không hoàn hảo.
  6. Đi du lịch cùng nhau. Trốn khỏi những bộn bề cuộc sống bằng một tuần hay cuối tuần cùng nhau và cố gắng gắn kết lại với nhau. Thay đổi môi trường là cách hay để thay đổi trạng thái tâm trí bạn. Sau khi bỏ lại xấp hóa đơn thanh toán, công việc và cuộc sống thường nhật lại phía sau bạn có thể tập trung vào điều quan trọng nhất: nửa kia của mình.
    • Nếu không thể đi xa vào kì nghỉ, tìm cách để tận hưởng điều đó ở nhà. Ra ngoài ăn tối và xem phim, thuê phòng khách sạn trong thành phố hay cùng nhau nằm dài trong bộ pajama vào ngày Chủ nhật âm u.

Biết đến lúc kết thúc mối quan hệ[sửa]

  1. Chấm dứt mối quan hệ thường xuyên dẫn đến tổn thương hay giận dữ. Cho dù mỗi khi không có chuyện gì cả hai rất vui, nhưng một người thường xuyên làm tổn thương bạn bằng cách la mắng, lừa dối hay biến mất sẽ chẳng bao giờ thay đổi. Nếu tình trạng cãi nhau và buồn bã diễn ra một cách thường xuyên nghĩa là bạn đang bị kẹt trong một mối quan hệ không tốt đẹp và cần phải thoát ra khỏi nó.[8]
    • Đừng để một chút hạnh phúc khiến quyết định của bạn lung lay. Cho dù những lúc khác họ tốt với bạn đến đâu, bạn đời của bạn lẽ ra không bao giờ nên làm tổn thương hay khiến trái tim bạn đau đớn.
  2. Biết rằng những vấn đề của mối quan hệ không bao giờ là lỗi của một cá nhân. Tình cảm là chuyện của hai người vì thế đừng để người kia đổ lỗi tất cả vấn đề cho bạn. Một người mà đẩy tất cả trách nhiệm và từ chối suy nghĩ về vai trò của mình sẽ không bao giờ đứng về phía bạn. Đừng bao giờ để ai đó buộc bạn phải thay đổi để cứu vãn một mối quan hệ - đó là dấu hiệu của mối quan hệ mang tính kiểm soát và không tốt đẹp.
    • Bạn nên thoải mái là chính mình trước mặt nửa kia.[9]
  3. Để ý nếu các bạn tranh cãi và giải quyết vấn đề một cách lành mạnh hay kéo dài nhiều tuần. Mối quan hệ tốt đẹp là khi họ chia sẻ quan điểm với nhau và tranh luận, sau đó giải quyết nhanh chóng mà không hề nảy sinh bạo lực hay lớn tiếng. Nếu các bạn cứ tranh cãi hết ngày này qua ngày khác hay có một chuyện mà cãi nhau hết lần này đến lần khác thì đã đến lúc tìm ai đó mới.[10]
    • Điều này cũng đúng nếu hai bạn cãi nhau hết chuyện này đến chuyện khác mỗi ngày. Nếu bạn thấy bản thân có thể tranh cãi bất cứ chuyện gì, hãy lùi lại và tự hỏi rằng tại sao.
  4. Nhận ra khi kế hoạch của bạn và người ấy không còn ăn khớp. Những cặp đôi đã từng hòa hợp một cách hoàn hảo vẫn có thể đi đến xung đột khi mục tiêu và mong ước trong cuộc sống đột nhiên mâu thuẫn. Chẳng hạn, nếu một người muốn tiếp tục việc học trong khi người kia muốn đi du lịch thế giới, người này sẽ cảm thấy mình không được xem trọng hay quyết định của người kia là lãng phí thời gian đối với họ và ngược lại. Nếu bạn thường xuyên tranh cãi hoặc phải xuôi theo ý người ấy trong khi bạn có những mơ ước khác thì có thể đây là lúc theo đuổi những mục tiêu của riêng mình.[11]
    • Bàn về hôn nhân hay việc có con – nếu bạn và nửa kia bất đồng quan điểm thì đây là tín hiệu khẩn về một mối quan hệ ẩn chứa nhiều vấn đề trong tương lai.
  5. Kết thúc một mối quan hệ nếu bạn đã phải đau khổ nhiều hơn hạnh phúc. Tình yêu là cảm thấy vui vẻ, an toàn và tận hưởng cuộc sống cùng nhau. Nếu bạn cảm thấy đang lãng phí thời gian ở cạnh nhau, thức dậy không mấy vui vẻ hay đau khổ vì người ấy quá nhiều thì đã đến lúc chấm dứt.[11]

Lời khuyên[sửa]

  • Đừng chờ đợi để sửa chữa mối quan hệ. Bạn càng để lâu vấn đề sẽ càng khó giải quyết.

Chú ý[sửa]

  • Người kia có thể không muốn hợp tác để sửa chữa mối quan hệ. Nếu điều đó xảy ra, đừng cầu xin/làm phiền họ. Hãy tiếp tục sống.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]