Để hết sốt nhanh chóng

Từ VLOS
(đổi hướng từ Hết Sốt Nhanh chóng)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Sốt là khi thân nhiệt tăng trên 38 độ C. Sốt xảy ra khi cơ thể chống lại sự lây nhiễm, bệnh tật, đau ốm, và thường là có ích.[1] Mặc dù thông thường có thể giảm sốt ở nhà, nhưng bạn nên cẩn thận theo dõi triệu chứng sốt, nhất là ở trẻ em, vì trẻ em thường có nguy cơ bị co giật do thân nhiệt tăng cao.[2] Nếu bạn hoặc con bạn bị sốt, thì đây là những cách bạn có thể áp dụng để nhanh chóng giảm sốt.

Các bước[sửa]

Xử lý Cơn sốt[sửa]

  1. Dùng thuốc hạ sốt không kê toa để giảm sốt do cảm lạnh hoặc cúm. Uống thuốc không kê toa là một trong những cách nhanh nhất và dễ nhất để khỏi sốt. Nếu cơn sốt là do nhiễm virus thì có thể khó xử lý. Virus sống trong tế bào của cơ thể và nhanh chóng sinh sôi. Chúng không phản ứng với thuốc kháng sinh.[3] Tuy nhiên, bạn vẫn có thể dùng thuốc để kiểm soát phản ứng sốt của cơ thể, bất kể nguyên nhân là gì.
    • Thử uống acetaminophen (Tylenol) hoặc aspirin để giảm sốt. Chú ý dùng theo hướng dẫn trên vỏ hộp thuốc và không uống quá liều lượng khuyến cáo.
    • Không cho trẻ em uống aspirin, vì aspirin có thể gây hội chứng Reye nếu trẻ bị nhiễm virus. Acetaminophen là lựa chọn an toàn hơn. Bạn hãy tìm công thức dành cho "trẻ em", và dùng theo liều được hướng dẫn.[4]
  2. Thử ngâm mình trong bồn tắm nước ấm. Tắm dưới vòi sen hoặc ngâm trong bồn tắm nước ấm cũng có thể giúp hạ sốt nhanh hơn.[4] Làm đầy bồn tắm với nước ấm, hoặc điều chỉnh vòi sen cho đến khi nước đủ ấm. Ngâm mình trong bồn hoặc đứng dưới vòi sen trong khoảng 10-15 phút để làm mát cơ thể.
    • Không tắm vòi sen với nước lạnh hoặc cho đá lạnh vào bồn tắm để hạ sốt. Bạn cần dùng nước ấm để hạ sốt sao cho êm ả.
  3. Uống nước. Sốt có thể khiến bạn mất nước và như vậy sẽ khiến bệnh nặng thêm. Bạn cần chú ý uống nhiều nước để giúp cơ thể chống lại cơn sốt và giữ nước cho cơ thể.
    • Trẻ em cũng có thể cần uống nước điện giải như Pedialyte để bù lại các chất điện giải đã mất.[5] Tham khảo bác sĩ của trẻ trước khi dùng nước để biết có cần thiết hay không.
  4. Uống thực phẩm bổ sung để nâng cao khả năng miễn dịch.[4] Thực phẩm bổ sung có thể bổ sung nhu cầu dinh dưỡng, giúp cơ thể chống lại nguyên nhân gây sốt. Multivitamin (đa sinh tố) không chống lại cơn sốt một cách trực tiếp, nhưng nó sẽ tăng cường sức mạnh cho cơ thể làm việc đó.
    • Uống multivitamin với vitamin A, C, E, và B-complex, magnesium, can-xi, kẽm, và selenium.
    • Uống 1-2 viên hoặc một thìa cà phê dầu cá mỗi ngày để bổ sung a-xít béo omega 3.
    • Thực phẩm bổ sung probiotic hoặc thức ăn (như sữa chua có chứa "lợi khuẩn") sẽ đưa thêm vi khuẩn Lactobacillus acidophilus vào cơ thể và cải thiện chức năng miễn dịch. Nhưng nếu hệ miễn dịch của bạn bi suy yếu nghiêm trọng, bạn cần hỏi bác sĩ trước khi bổ sung probiotics.
    • Không uống thực phẩm bổ sung thảo dược mà không hỏi bác sĩ. Một số loại có thể tương tác với thuốc kê toa hoặc phản ứng với các bệnh khác.
  5. Áp dụng "trị liệu bằng tất ướt" tại nhà.[4] Nếu bạn đi tất ướt khi ngủ, cơ thể bạn sẽ tự vệ bằng cách lưu thông máu và dịch bạch huyết đến bàn chân ướt. Việc này sẽ kích thích hệ miễn dịch và tạo ra một giấc ngủ có chức năng phục hồi và thư thái hơn.
    • Nhúng một đôi tất cotton mỏng vào nước ấm, sau đó vắt bớt nước sao cho tất vẫn còn ướt nhưng không nhỏ giọt.
    • Đi tất khi vào giường ngủ, sau đó đi một đôi tất khô, dày bên ngoài tất ướt.
    • Sau năm hoặc sáu ngày, bạn nghỉ hai ngày không dùng phương pháp này.
  6. Làm mát cơ thể của trẻ nếu cần thiết. Cơ thể người lớn có thể chịu đựng cơn sốt khá tốt, nhưng trẻ em có thể bị co giật nếu bị sốt quá cao. Thực ra sốt là nguyên nhân hàng đầu gây co giật ở trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi.[6] Nếu thân nhiệt của trẻ tăng trên 40 độ C hoặc bắt đầu tăng nhanh, bạn phải hạ sốt cho trẻ ngay lập tức. Cởi quần áo cho trẻ. Dùng một miếng bọt biển hoặc khăn mặt lau nước ấm khắp cơ thể trẻ (không dùng nước lạnh) để hạ sốt cho trẻ.[7]
    • Đắp đá lên cơ thể đang sốt có thể gây nguy hiểm nếu không được thực hiện đúng cách. Nó có thể khiến cơ thể run rẩy, và càng làm tăng thân nhiệt.[8] Ở bệnh viện, y tá có thể đắp đá, nhưng tốt nhất khi ở nhà thì bạn nên dùng nước ấm.
    • Gọi cho bác sĩ ngay khi trẻ bị sốt cao. Bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn đưa trẻ đến phòng cấp cứu hoặc hướng dẫn bạn cách chăm sóc trẻ tại nhà.
    • Gọi số cứu thương 115 để được hỗ trợ nếu trẻ bị co giật. (Nếu ở Mỹ, gọi số 911).
    • Bác sĩ có thể thực hiện thụt hậu môn trực tràng để xử lý cơn co giật do sốt của trẻ.

Thay đổi trong Lối sống[sửa]

  1. Cố gắng làm sao để cảm thấy dễ chịu. Đôi khi cơn sốt phải xảy ra và sẽ tự khỏi, nhưng bạn có thể thực hiện một số việc để cảm thấy dễ chịu hơn trong khi chờ đợi cơn sốt qua đi. Ví dụ như, đặt khăn ướt lên da sẽ không giảm sốt, nhưng có thể giảm sự khó chịu do cơn sốt gây ra.[9] Nhúng một chiếc khăn vào nước mát và đắp lên cổ hoặc trán.
    • Mặc quần áo ấm và đắp chăn để chống cơn lạnh do sốt. Nếu thấy nóng, bạn chỉ cần đắp chăn mỏng, mặc quần áo nhẹ và thoáng.
  2. Giữ đủ nước và ăn thức ăn nhẹ để giúp cơ thể bình phục khi bị viêm dạ dày – ruột (GI). Bệnh GI thường được biết dưới tên gọi "cúm dạ dày". Các triệu chứng gồm có tiêu chảy, đau dạ dày, buồn nôn hoặc nôn mửa, đau đầu và đau nhức cơ.[10] Các triệu chứng này cũng thường kèm theo sốt nhẹ. Bệnh viêm dạ dày sẽ tự khỏi trong vòng 3 đến 7 ngày, do đó bạn chỉ cần tự chăm sóc mình cho đến khi bệnh qua đi. Uống ít nhất 8 cốc nước mỗi ngày, nhất là khi bị nôn.[11]
    • Quan sát triệu chứng mất nước ở trẻ em, vì hiện tượng này cần phải cấp cứu. Các dấu hiệu bao gồm ít phải thay tã vì trẻ ít đi tiểu, thóp (phần mềm trên xương sọ) nhỏ đi, mắt trũng sâu và trẻ có vẻ lờ đờ. Nếu thấy các triệu chứng này, bạn phải gọi cấp cứu hoặc tìm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.
    • Thực đơn BRAT (Bananas -chuối, Rice-cơm, Applesauce - sốt táo, và Toast – bánh mì nướng) thường được khuyên dùng khi bị bệnh GI, nhưng bằng chứng về tính hiệu quả của thực đơn này khá yếu. Viện Nhi khoa Mỹ không khuyến nghị dùng thực đơn này cho trẻ em vì nó không cung cấp đủ dưỡng chất cho trẻ.[12] Nên ăn một cách hợp lý, tránh xa các thức ăn nhiều dầu mỡ, khó tiêu và nhiều gia vị, đồng thời uống nhiều nước.
  3. Dùng thảo dược được cho là có tác dụng hạ sốt. Thảo dược có nhiều dạng: dạng bột, viên con nhộng hoặc rượu thuốc. Nhiều người thích pha trà nóng bằng thảo mộc khô. Chất lỏng ấm làm dịu cổ họng và thảo dược giúp hạ sốt. Để pha một tách trà thảo mộc, bạn ngâm một thìa cà phê lá hoặc hoa trong một tách nước nóng khoảng 5-10 phút, và 10-20 phút đối với rễ cây. Hỏi bác sĩ trước khi dùng thảo mộc hoặc bất cứ cách trị liệu tự nhiên nào, vì thảo dược có thể gây cản trở cho thuốc kê toa hoặc khiến một số tình trạng bệnh nặng thêm. Các loại thảo mộc sau đây đều cải thiện chức năng miễn dịch, nhưng có thể có một số tác dụng phụ không mong muốn:[13]
    • Trà xanh có thể làm tăng mức độ hồi hộp và tăng huyết áp. Bạn có thể cần tránh uống trà nếu bị tiêu chảy, tăng nhãn áp hoặc loãng xương. Hỏi bác sĩ nếu bạn bị bệnh gan.
    • Cây vuốt mèo có thể làm nặng thêm các bệnh tự miễn hoặc bệnh bạch cầu. Nó cũng có thể gây cản trở một số loại thuốc, vì vậy bạn cần nói với bác sĩ trước khi uống.
    • Nấm linh chi thường có dưới dạng rượu thuốc hơn là nấm khô. Dùng 30-60 giọt, 2-3 lần/ngày. Nấm linh chi cũng có thể tương tác với một số thuốc, như thuốc huyết áp và thuốc làm loãng máu.
  4. Chú ý không để bệnh lây lan.[14] Khi bệnh, bạn cần đảm bảo che miệng và mũi khi ho và hắt hơi, vứt bỏ khăn giấy đã dùng đúng cách. Rửa tay thường xuyên với xà phòng kháng khuẩn. Cố gắng giữ khoảng cách với người chưa bị nhiễm bệnh và ở nơi công cộng càng xa càng tốt. Không dùng chung cốc tách hoặc vật dụng cá nhân với người khác, và cũng đừng buồn giận nếu người yêu không hôn bạn vào lúc này!
    • Cho trẻ chơi loại đồ chơi có thể rửa được dễ dàng với xà phòng và nước.

Chăm sóc Y tế[sửa]

  1. Nhớ lại xem có người nào xung quanh bạn gần đây bị bệnh không. Nếu có ai đó trong nhà hoặc ở nơi bạn làm việc gần đây vừa bị ốm thì có lẽ bạn đã bị lây bệnh từ người đó. Trẻ em thường lây bệnh cho nhau và có thể nhiễm cảm cúm từ bạn bè ở trường học hay ở sân chơi.[15]
    • Nếu biết rằng bệnh của người đó tự khỏi thì bạn có thể yên tâm một chút. Căn bệnh của bạn có khả năng tự khỏi nếu bạn nghỉ ngơi và uống nhiều nước.
  2. Ghi chép về thân nhiệt.[16] Nếu bệnh không tự khỏi, bạn cần phải cung cấp cho bác sĩ thông tin về diễn tiến các cơn sốt một cách chi tiết. Bác sĩ có thể dùng thông tin đó để chẩn đoán bệnh cho bạn. Ví dụ, bạn có thể nghĩ mình bị cảm thường, nhưng sau một tuần đột nhiên bạn lại bị sốt cao. Như vậy, có khả năng là bạn bị nhiễm khuẩn thứ cấp như viêm tai hoặc phổi. Mặt khác, một số bệnh ung thư như ung thư hạch không Hodgkin có thể gây sốt ban đêm nhưng không sốt vào ban ngày.
    • Chú ý đo nhiệt độ nhiều lần mỗi ngày cho đến khi cơn sốt giảm bớt.
  3. Ghi chép lại những triệu chứng khác. Bạn cần ghi lại bất cứ hiện tượng nào có vẻ bất thường, ngay cả khi nó không khiến bạn cảm thấy mệt. Ví dụ như việc thay đổi bất ngờ về cân nặng có thể chỉ ra nhiều nguyên nhân. Các triệu chứng khác có thể cho thấy hệ cơ quan nào bị ảnh hưởng, giúp thu hẹp phạm vi chẩn đoán.
    • Ví dụ, ho có thể biểu thị vấn đề về phổi như viêm phổi.[17] Bỏng rát khi đi tiểu có thể chỉ bệnh viêm thận.[18]
  4. Tìm tư vấn y tế. Cung cấp cho bác sĩ thông tin ghi chép về thân nhiệt và các triệu chứng để bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân gây sốt. Họ cũng sẽ khám lâm sàng để tìm thêm nguyên nhân về nguồn gây sốt.[19] Thông tin mà bạn cung cấp và kết quả khám lâm sàng sẽ giúp bác sĩ thu hẹp các nguyên nhân có thể có. Có thể dễ dàng xác định hoặc loại bỏ các nguyên nhân qua việc xét nghiệm hoặc qua hình ảnh.
    • Bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện các kiểm tra thông thường, bao gồm khám lâm sàng, đếm bạch cầu, phân tích nước tiểu, cấy máu và chụp X quang ngực.[20]
  5. Tuân theo hướng dẫn của bác sĩ trong điều trị bệnh nhiễm virus. Cảm cúm là những bệnh nhiễm virus thường gặp nhất cho đến nay. Tuy nhiên, có một số bệnh nhiễm virus ít gặp hơn cũng không phản ứng với thuốc kháng sinh.[3] Viêm thanh khí phế quản cấp, viêm tiểu cầu, thủy đậu, ban đào và bệnh tay- chân- miệng cũng do virus gây ra.[21][22][23][24][25] Nhiều bệnh trong số đó sẽ tự khỏi; ví dụ như bệnh tay – chân – miệng thường khỏi trong vòng 7 -10 ngày. Đối với đa số các bệnh nhiễm virus, cách chữa trị tốt nhất là chăm sóc bản thân đúng cách (vệ sinh, dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý), nhưng bạn nên luôn luôn trao đổi với bác sĩ.
    • Hỏi bác sĩ để biết virus tồn tại trong bao lâu và có cách nào để đẩy nhanh quá trình chữa lành không.
    • Hỏi bác sĩ để biết bạn nên chú ý dấu hiệu gì khi theo dõi các triệu chứng, vì một số virus vô hại có thể biến đổi và trở nên nguy hiểm như bệnh tay- chân -miệng trong một vài ca hiếm gặp có thể gây viêm não nguy hiểm đến tính mạng.[26]
  6. Uống kháng sinh trong trường hợp nhiễm vi khuẩn.[27] Khả năng chữa được các bệnh nhiễm khuẩn là cao, và nói chung bệnh nhiễm khuẩn đáp ứng tốt với kháng sinh. Thuốc kháng sinh vừa tiêu diệt vi khuẩn, vừa ngăn chặn sự phục hồi của chúng trong cơ thể. Từ đó, hệ miễn dịch có thể đẩy lùi số vi khuẩn còn sót lại.
    • Bệnh viêm phổi do vi khuẩn là nguyên nhân thường gặp gây sốt.
    • Bác sĩ sẽ lấy mẫu máu để xác định loại vi khuẩn nào gây sốt.
    • Sau đó bác sĩ sẽ dùng kết quả xét nghiệm để xác định loại kháng sinh nào cần dùng để chống lại vi khuẩn đó và giảm sốt.
  7. Trao đổi với bác sĩ về các nguyên nhân khác gây sốt. Virus và vi khuẩn là những nguyên nhân phổ biến nhất gây sốt nhưng không phải là duy nhất. Sốt cũng có thể là do các phản ứng với tiêm phòng, phản ứng dị ứng và các bệnh viêm mạn tính như IBS (bệnh viêm ruột) và viêm khớp.
    • Nếu thường xuyên bị sốt và tái đi tái lại, hãy nói với bác sĩ về những nguyên nhân tiềm ẩn. Bạn có thể được điều trị bệnh tiềm ẩn và giảm số lần bị sốt.

Đo Nhiệt độ[sửa]

  1. Dùng nhiệt kế điện tử để đo nhiệt độ ở miệng.[28] Nhiệt kế điện tử có thể dùng để đo nhiệt độ ở miệng, hậu môn hoặc dưới nách. Bạn không nên cố gắng tự đo thân nhiệt qua hậu môn mà nên dùng nhiệt kế điện tử đo ở miệng hoặc dưới nách. Rửa nhiệt kế bằng nước lạnh, xoa cồn và cuối cùng rửa lại bằng nước lạnh. Không bao giờ dùng nhiệt kế đã đo qua hậu môn để đo ở miệng.
    • Không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì 5 phút trước khi đo nhiệt độ vì ăn uống có thể thay đổi nhiệt độ trong miệng và khiến kết quả không chính xác.
    • Đặt đầu nhiệt kế dưới lưỡi và để yên trong khoảng 40 giây. Đa số các nhiệt kế điện tử đều phát ra tiếng “bíp” báo hiệu đã hoàn thành việc lấy số đo thân nhiệt.
    • Sau khi đọc số đo, bạn rửa sạch nhiệt kế bằng nước lạnh, xoa cồn và rửa lại để khử trùng.
  2. Lấy nhiệt độ dưới nách.[29] Cởi áo hoặc mặc áo rộng để đo nhiệt độ dưới nách. Đặt đầu nhiệt kế trực tiếp vào nách. Đầu nhiệt kế phải tiếp xúc với da chứ không phải vải áo. Đợi khoảng 40 giây đến khi nghe tiếng “bíp” báo hiệu đã xong.
  3. Quyết định cách đo nhiệt độ cho trẻ em. Đo nhiệt độ cho trẻ bằng phương pháp nào thích hợp với trẻ. Ví dụ, trẻ 2 tuổi không thể giữ yên nhiệt kế dưới lưỡi đủ thời gian để có kết quả chính xác. Nhiệt kế đo ở tai cũng có thể cho kết quả lẫn lộn. Đo nhiệt độ cho trẻ em ở hậu môn là chính xác nhất và cũng không gây đau cho trẻ. Cách này được khuyên dùng cho trẻ từ 3 tháng đến 4 tuổi.[30]
  4. Đo nhiệt độ qua hậu môn cho trẻ em bằng nhiệt kế điện tử.[30] Đảm bảo đầu nhiệt kế phải được sát trùng bằng cồn và sau đó rửa lại. Sau khi lau khô đầu nhiệt kế, bạn cần bôi trơn bằng dầu khoáng petroleum jelly để dễ thao tác.
    • Đặt trẻ nằm ngửa, sau đó nhấc hai chân trẻ lên cao. Đối với em bé, bạn nên nhấc chân bé lên như thay tã.
    • Nhẹ nhàng đưa nhiệt kế vào hậu môn, sâu khoảng 1,3 - 2,5 cm, nhưng không được dùng sức ấn vào nếu thấy trở ngại.
    • Giữ nhiệt kế trong khoảng 40 giây hoặc đến khi nghe tiếng “bíp” báo hiệu đã xong.
  5. Đọc kết quả. Có thể bạn có nghe rằng 37 độ C là nhiệt độ của một cơ thể khỏe mạnh, nhưng đó chỉ là hướng dẫn. Thân nhiệt người bình thường dao động thậm chí chỉ trong một ngày. Thân nhiệt thường thấp hơn vào buổi sáng và cao hơn vào buổi tốt. Hơn nữa, một số người có thân nhiệt đo vào lúc nghỉ cao hơn hoặc thấp hơn. Nhiệt độ cơ thể khỏe mạnh có thể dao động trong ngày từ 36,4 độ C đến 37,1 độ C.[31] Hướng dẫn về độ sốt như sau:
    • Trẻ em: 38 độ C đo ở hậu môn; 37,5 độ C đo ở miệng; 37,2 độ C đo dưới nách.[8]
    • Người lớn: 38,2 độ C đo ở hậu môn; 37,8 độ C đo ở miệng; 37,2 độ C đo dưới nách.
    • Thân nhiệt dưới 38 độ được coi là "sốt nhẹ". Bạn không nên lo lắng cho đến khi sốt đến 38,9 độc C.

Ngăn ngừa Nhiễm Bệnh trong Tương lai[sửa]

  1. Tiêm vắc-xin phòng bệnh. Bệnh nhiễm virus không đáp ứng tốt với việc điều trị. Nhưng các nhà khoa học đã phát triển các loại vắc-xin có thể ngăn ngừa được nhiều loại bệnh nhiễm virus. Bạn nên nhờ bác sĩ giới thiệu loại vắc xin nào nên tiêm. Cho trẻ tiêm phòng sớm từ nhỏ có thể ngăn ngừa nhiều bệnh nguy hiểm tiềm tàng về sau. Cân nhắc tiêm phòng:
    • Bệnh nhiễm phế cầu khuẩn, trong đó ngăn ngừa vi khuẩn gây viêm tai, viêm xoang, viêm phổi, viêm màng não và nhiễm trùng máu.[32]
    • Bệnh do vi khuẩn H influenza gây viêm đường hô hấp trên như viêm tai và viêm xoang. Vi khuẩn này cũng có thể gây ra bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng hơn như viêm màng não.
    • Trẻ em từ 11 tuổi trở lên nên tiêm vắc xin phòng bệnh viêm màng não.[33]
    • Không có bằng chứng nào cho thấy tiêm vắc xin gây ra bệnh tự kỷ ở trẻ. Việc tiêm vắc xin phải được phép của Bộ Y tế và phải được thử nghiệm toàn diện để chứng minh là có tác dụng. Tiêm phòng bệnh có thể cứu sinh mạng của trẻ.[34]
  2. Ngủ đủ giấc mỗi ngày.[35] Người lớn ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi ngày thường có phản ứng miễn dịch kém và giảm khả năng đẩy lùi bệnh nhiễm trùng.
    • Cố gắng ngủ 7-8 tiếng liên tục mỗi đêm để duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh.
  3. Áp dụng chế độ ăn lành mạnh.[36] Những thức ăn nạp vào có thể tác động mạnh mẽ đến khả năng chống lại bệnh tật. Hãy nuôi dưỡng cơ thể với thức ăn tự nhiên như hoa quả, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt. Tránh thức ăn chế biến vì trong đó thường có hàm lượng đường và chất béo bão hòa cao, gây hại cho cơ thể.
    • Đảm bảo nạp đủ 1.000 mg vitamin C và 2.000 IU vitamin D mỗi ngày. Vitamins A và E cũng quan trọng nhờ đặc tính chống ô-xy hóa của chúng.
  4. Tránh tiếp xúc với vi trùng.[14] Nếu biết ai đó bị bệnh, bạn nên giữ khoảng cách cho đến khi họ bình phục và không còn khả năng lây bệnh. Ngay cả khi không thấy dấu hiệu rõ ràng của bệnh ở môi trường xung quanh, bạn cũng nên thực hành việc giữ vệ sinh.
    • Rửa tay sau khi rời khỏi nơi công cộng và luôn rửa tay trước khi ăn. Nếu không có sẵn nước để rửa tay nơi công cộng, bạn hãy đem theo mình một chai nước rửa tay nhỏ.
  5. Giảm mức độ stress.[37] Các nghiên cứu cho thấy rằng mức stress cao thực sự làm suy yếu phản ứng của hệ miễn dịch và khiến bạn dễ bị nhiễm bệnh. Dành ra một góc trong cuộc sống để thư giãn và tham gia các hoạt động mà bạn thấy hứng thú, và cố gắng tham gia mỗi khi có dịp.
    • Yoga và thiền là những hoạt động được ưa chuộng, giúp mọi người giảm stress. Các bài tập thể dục cũng có tác động đáng kể đến stress.
    • Cố gắng tập các bài tập rèn luyện thân thể mỗi tuần ít nhất 150 phút với mỗi lần từ 30 -40 phút.
    • Khi tập thể dục, bạn chú ý nhịp tim phải phù hợp với lứa tuổi của mình. Tính nhịp tim bằng cách lấy 220 trừ đi số tuổi của bạn.[38] Cố gắng đạt nhịp tim 60% -80% so với nhịp tim tối đa của bạn sao cho thích hợp với thể chất.

Những thứ bạn cần[sửa]

  • Bác sĩ
  • Thuốc kháng sinh
  • Nước
  • Thức ăn dễ tiêu hóa
  • Nước thể thao/nước dừa
  • Thuốc kháng viêm không chứa steroid
  • Nghỉ ngơi
  • Quần áo rộng rãi
  • Gạc ấm/mát

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/003090.htm
  2. http://www.ninds.nih.gov/disorders/febrile_seizures/detail_febrile_seizures.htm
  3. 3,0 3,1 http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/viralinfections.html
  4. 4,0 4,1 4,2 4,3 http://umm.edu/health/medical/altmed/condition/fever-of-unknown-origin
  5. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/fever/basics/lifestyle-home-remedies/con-20019229
  6. Reese Graves MD, Karen Oehler MD, PhD, Leslie Tingle MD. Febrile Seizures : Risks, evaluation and prognosis American Family Physician 2012, Jan 15 85 (2) 149-153
  7. Fisher, Randall G. and Thomas G. Boyce. Moffet's Pediatric Infectious Diseases. Philadelphia: Lippincott, Williams & Wilkins, 2005.
  8. 8,0 8,1 http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/003090.htm
  9. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmedhealth/PMH0072637/
  10. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/viral-gastroenteritis/basics/symptoms/con-20019350
  11. http://familydoctor.org/familydoctor/en/prevention-wellness/food-nutrition/weight-loss/brat-diet-recovering-from-an-upset-stomach.html
  12. http://www.aafp.org/afp/2012/0601/p1066.html
  13. http://umm.edu/health/medical/altmed/condition/fever-of-unknown-origin
  14. 14,0 14,1 http://www.ccohs.ca/oshanswers/diseases/good_hygiene.html
  15. https://www.healthychildren.org/English/health-issues/conditions/prevention/Pages/Prevention-In-Child-Care-or-School.aspx
  16. http://www.odh.ohio.gov/~/media/ODH/ASSETS/Files/ebola/files/Temperature%20Log%20Template.ashx
  17. http://www.lung.org/lung-disease/pneumonia/symptoms-diagnosis-and.html?referrer=https://www.google.com/
  18. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/kidney-infection/basics/symptoms/con-20032448
  19. http://my.clevelandclinic.org/services/heart/diagnostics-testing/physical-examination
  20. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/fever/basics/tests-diagnosis/con-20019229
  21. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/croup/basics/treatment/con-20014673
  22. https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/000975.htm
  23. http://www.cdc.gov/vaccines/pubs/pinkbook/downloads/varicella.pdf
  24. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/roseola/basics/definition/con-20023511
  25. http://www.cdc.gov/features/handfootmouthdisease/
  26. http://www.cdc.gov/features/handfootmouthdisease/index.html
  27. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/antibiotics.html
  28. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases_conditions/hic_Fever/hic_How_to_Take_Your_Temperature
  29. http://www.mayoclinic.org/first-aid/first-aid-fever/basics/art-20056685
  30. 30,0 30,1 http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/infant-and-toddler-health/in-depth/thermometer/art-20047410?pg=2
  31. http://www.riversideonline.com/health_reference/questions-answers/an01513.cfm
  32. Olaf Hoffman, R Joeng Weber,Pathophysiology and Treatment of Bacterial Meningitis, Therapeutic Advanced Neurological Disorders , 2009 2 (6) 1-7.
  33. Pathophysiology of Meningiocococcal Meningitis and Septicemia Journal of Clinical Pathology, Volume 56, Issue 12, 941 doi 10.1136/jcp 5612.941
  34. http://www.cdc.gov/vaccines/pubs/parents-guide/downloads/parents-guide-part3.pdf
  35. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/insomnia/expert-answers/lack-of-sleep/faq-20057757
  36. http://www.health.harvard.edu/staying-healthy/how-to-boost-your-immune-system
  37. http://www.apa.org/research/action/immune.aspx
  38. http://www.heart.org/HEARTORG/GettingHealthy/PhysicalActivity/FitnessBasics/Target-Heart-Rates_UCM_434341_Article.jsp

Liên kết đến đây