HPV - nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử ung và vaccine phòng ngừa

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Ung thư cổ tử cung là ung thư thường gặp thứ 4 ở phụ nữ về số ca mới mỗi năm trên toàn thế giới. Bệnh chiếm tỉ lệ cao ở các nước đang phát triển, trong đó có Viêt Nam, do các thông tin về dự phòng bệnh còn chưa rộng rãi cũng như việc không tầm soát ung thư cổ tử cung thường quy bằng Pap's smear.

Khoảng 2 thập niên trở lại đây, người ta đã khám phá ra mối quan hệ giữa nhiễm HPV và Ung thư cổ tử cung. Kể từ đó, các chuyên gia đã biết được nhiều hơn về cách thức HPV dẫn tới ung thư cổ tử cung. Thực tế thì HPV còn có thế gây ung thư âm hộ, âm đạo, hậu môn, dương vật… nhưng vì tần suất mắc bệnh đặc biệt cao của ung thư cổ tử cung, chúng tôi xin phép sẽ chỉ đề cập đến ung thư cổ tử cung ở bài này.

HPV (Human papillomavirus – virus sinh u nhú ở người) có hơn 100 dòng, trong đó có hơn 30 dòng gây viêm nhiễm sinh dục và rất dễ lây nhiễm. Một số trong những dòng này có thể gây ung thư cổ tử cung cũng như một số bộ phận khác, những dòng sinh ung này được gọi là dòng “nguy cơ cao”. Cũng có những dòng dễ dàng lây qua đường tình dục nhưng không sinh ung, ví dụ như HPV 6 và HPV 11, gây u nhú sinh dục nhưng hiếm khi liên quan đến ung thư, những dòng này được gọi là “nguy cơ thấp”. Còn lại các dòng khác gây viêm nhiễm và u nhú ở các bộ phận khác của cơ thế, như bàn tay chẳng hạn, lại thường không dễ lây nhiễm

Thực tế theo các nhà nghiên cứu, hơn 99% ung thư cổ tử cung là do các dòng HPV nguy cơ cao gây ra. Những dòng liên quan đặc biệt đến ung thư cổ tử cung là 16 và 18 (đến 70%).

Những đối tượng nào có thể nhiễm HPV?[sửa]

Các dòng HPV liên quan đến viêm nhiễm sinh dục được lây truyền qua đường tình dục, chủ yếu là qua sự tiếp xúc da-da (khác với HIV – qua máu và dịch tiết). Điều này dẫn tới việc đôi khi biện pháp dự phòng các bệnh lây qua đường tình dục lại không hoàn toàn hiệu quả với HPV, vì vùng da gần cơ quan sinh dục như mặt trong đùi không được bảo vệ, và đây có thể trở thành vùng tiếp xúc trực tiếp với bạn tình mang bệnh.

Vậy dự phòng nhiễm HPV như thế nào?[sửa]

Những thông tin về đường lây truyền của HPV chỉ ra rằng, để giảm nguy cơ nhiễm HPV, tốt nhất là có một mối quan hệ tình dục “một vợ một chồng” với đối tác không bị nhiễm bệnh. Nhưng hãy lưu ý, nhiều người không hề biết là họ đã nhiễm HPV! Sử dụng bao cao su cũng là một cách, nhưng như chúng tôi đã chỉ ra ở trên, nó không hoàn toàn hiệu quả.

Hiện tại, tại Việt Nam có 2 loại vaccine phòng HPV đang được sử dụng là Cervarix và Gardasil. Cervarix là vaccine nhị giá, tạo kháng thể chống HPV 16 và 18, hai dòng HPV nguy cơ cao nhất. Gardasil được gọi là vaccine tứ giá do có tác dụng chống lại 4 dòng HPV là 6, 11, 16 và 18, do đó ngoài tác dụng ngừa ung thư cổ tử cung còn có tác dụng phòng ngừa u nhú sinh dục. Vaccine Gardasil cũng được khuyến cáo tiêm cho nam giới vì tác dụng phòng ngừa HPV dòng 6 và 11 này đối với các loại u nhú sinh dục cũng như một số loại ung thư khác như hậu môn và hầu họng.

Ngoài ra, hiện tại cũng có loại vaccine khác là Gardasil 9, theo nhưng những thông tin chúng tôi có thì hiện chưa có tại Việt Nam. Gardasil 9 có tác dụng chống lại 4 dòng HPV như của Gardasil, cộng với 5 dòng HPV “nguy cơ cao” khác là 31, 33, 45, 52 và 58. Vì lẽ đó mà tác dụng bảo vệ rộng hơn, giảm thêm nữa nguy cơ ung thư cổ tử cung. Có lẽ một ngày trong tương lai, chúng ta sẽ được thấy loại vaccine này tại Việt Nam.

Cervarix được tiêm theo phác đồ 0-2-6, mũi thứ 2 tiêm sau mũi thứ nhất 2 tháng, mũi thứ 3 tiêm sau mũi thứ nhất 6 tháng. Gardasil được tiêm theo phát đồ 0-1-6, mũi thứ 2 tiêm sau mũi thứ nhất 1 tháng và mũi thứ 3tiêm sau mũi thứ nhất 6 tháng.

ACIP (Advisory Committee on Immunization Practices – Uỷ ban cố vấn về thực hành tiêm chủng, Hoa Kỳ) khuyến cáo nên tiêm chủng thường quy cho phụ nữ từ 11-26 tuổi (có thể bắt đầu lúc 9 tuổi). Đối với các phụ nữ đã quan hệ tình dục, rất có thể đã bị nhiễm HPV. Tuy nhiên ở lứa tuổi này ít khả năng người phụ nữ đã bị nhiễm tất cả các type HPV nguy cơ cao mà vaccine có khả năng bao vệ. Vì vậy ACIP khuyến cáo vẫn có thể chủng ngừa cho những phụ nữ này. Tuy nhiên lợi ích miễn dịch sẽ ít hơn ở những phụ nữ đã nhiễm 1 hay nhiều type HPV có trong vaccine.

(CDC. Quadrivalent human papillomavirus vaccine: recommendations of the Advisory Committee for Immunization Practices (ACIP). MMWR Recomm Rep.2007;56(RR-2):1– 24. Available at:www.cdc.gov/mmwr/preview/mmwrhtml/rr5602a1.htm)

Một điều cần rất lưu ý là tiêm ngừa HPV không thể ngừa hoàn toàn ung thư cổ tử cung, vì dòng HPV 16 và 18 chịu trách nhiệm 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung, phần còn lại do các dòng khác gây ra. Vì vậy dù có tiêm ngừa vẫn phải tham gia chương trình tầm soát và phát hiện sớm. xét nghiệm Pap's smear không đau, an toàn và cũng rất nhanh.

Giá của Gardasil và Cervarix ở các cơ sở tiêm chủng là tương đối như nhau. Theo cập nhật của chúng tôi thì hiện giá một mũi Gardasil khoảng trên 1.350.000 đồng và với Cervarix là trên dưới 900.000 đồng. Tại TP.HCM có thể đến tiêm ngừa ung thư cổ tử cung tại Bệnh viện phụ sản Từ Dũ, Hùng Vương, Viện Pasteur TP.HCM, Trung tâm Y tế dự phòng TP và một số bệnh viện hoặc phòng khám quốc tế. Tại Hà Nội đến Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Trung tâm Y tế dự phòng TP Hà Nội, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Bệnh viện Việt – Pháp…

Có những đối tượng không nên tiêm HPV hoặc nên đợi[sửa]

– Phụ nữ có tiền căn quá nhạy cảm với nấm men hoặc dị ứng với bất cứ thành phần nào trong vaccine thì không nên tiêm.

– Phụ nữ đang mắc bệnh cấp tính nặng. Đang mắc một bệnh nhẹ không phải là chống chỉ định của tiêm vaccine, nhưng đối với bệnh nặng thì nên đợi đến khi khoẻ hơn.

– Phụ nữ đang mang thai hoặc dự trù sẽ có thai trong vòng 6 tháng sắp tới.

Đối với những phụ nữ đã tiêm 1 liều vaccine rồi lỡ mang thai sau đó được khuyến cáo ngừng tiếp tục tiêm ngừa. Sau sanh sẽ bắt đầu lại đủ 3 liều. Nếu phụ nữ đã tiêm được 2 mũi thì tạm ngừng, mũi thứ ba sẽ được tiêm sau khi sinh.

Như bất kỳ loại thuốc nào khác, vaccine HPV có thể gây ra các phản ứng phụ. Phần lớn các phản ứng phụ này đều ở mức độ nhẹ đến vừa phải, không kéo dài và hầu hết tự khỏi. Đó là những phản ứng như sưng, đau tại chỗ tiêm, nhức đầu, buồn nôn, sốt… Một tỉ lệ hiếm có thể xảy ra các phản ứng nặng hơn như hội chứng Guillain Barré, động kinh, viêm tắc tĩnh mạch. Ngất xỉu là một phản ứng phụ có thể xảy ra nên phụ nữ được khuyến cáo nghỉ ngơi 15 phút sau khi tiêm vaccine HPV.

Và cũng giống như tất cả các loại vaccine khác, người được tiêm vaccine HPV cần được tiếp tục theo dõi các triệu chứng bất thường và nặng. Bất kỳ tình trạng bất thường nào như sốt cao, khó thở, xanh xao, yếu, tim đập nhanh, chóng mặt… thì phải được đến cơ sở y tế gần nhất, nói rõ với bác sĩ chuyện gì đã xảy ra, từ lúc nào và đã được tiêm vaccine khi nào.

Chịu trách nhiệm thông tin: Đặng Phước Hưng. (fb.com/danghung072)
Xin chân thành cảm ơn góp ý của các cố vấn: Dr.Minh Do và Dr.Dustin Triet Nguyen từ VietMD.net Inc., USA
Bản quyền bài viết thuộc về tổ chức phi lợi nhuận Ruy Băng Tím
Rss.jpg
Mời bạn đón đọc các bài viết tiếp theo bằng cách đăng kí nhận tin bài viết qua email hoặc like fanpage Thuvienkhoahoc.com để nhận được thông báo khi có cập nhật mới.

Nguồn[sửa]

  • Ruy Băng Tím
  • Đặng Phước Hưng. Sinh viên Y5, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này