Khiến người khác nói thật

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Biết cách để khiến người khác nói thật là kỹ năng hữu ích mà bạn nên có. Nó có thể giúp bạn trong nhiều tình huống khác nhau, bao gồm trong gia đình và trong công việc. Mặc dù bạn cần phải luyện tập, kiên nhẫn và nỗ lực, đây là điều mà bạn có thể đạt được và sẽ giúp bạn thấu hiểu rõ gốc rễ của vấn đề. Bằng cách cho người đó biết rằng bạn đứng về phía họ, bắt đầu cuộc trò chuyện theo cách phù hợp, và hiểu rõ dấu hiệu khi một người nào đó nói dối, bạn đang tăng cường cơ hội tìm hiểu sự thật.

Các bước[sửa]

Chứng tỏ bạn đứng về phía họ[sửa]

  1. Tránh buộc tội. Bạn đang giảm thiểu cơ hội khiến một người nào đó tâm sự với bạn nếu bạn có vẻ như đang buộc tội họ. Bạn nên giữ bình tĩnh và duy trì sự trung lập cho ngôn ngữ cơ thể. La hét, đập tay lên bàn, và đứng khoanh tay sẽ trông đáng sợ. Người đó sẽ sẵn lòng chia sẻ thông tin với bạn nhiều hơn nếu họ có cảm giác là bạn sẽ thấu hiểu.
    • Ngồi xuống, nếu có thể, hãy nhìn vào mắt người đó và nói với giọng điệu nhẹ nhàng và trấn an. Đặt tay lên đùi, hai bên người, hoặc trên bàn và duy trì sự trung lập cho nét mặt.[1]
  2. Thể hiện sự đồng cảm. Một phần của quá trình thiết lập sự tin tưởng là cho người đó biết rằng bạn hiểu họ và đồng cảm với hoàn cảnh của họ. Họ sẽ sẵn lòng cho bạn biết sự thật nếu họ nghĩ rằng bạn không nổi giận với họ. Bạn nên cư xử như thể bạn thấu hiểu lý do vì sao họ lại làm điều họ đã làm.
    • Ví dụ như bạn bắt gặp con trai bạn đang hút thuốc cùng một đám bạn bè. Bạn có thể nói rằng “Con đang phủ nhận sự thật là con đã hút thuốc. Nhưng cha/mẹ muốn con biết rằng cha/mẹ sẽ thấu hiểu nếu đây là sự thật. Đôi khi, bạn bè chúng ta ép buộc chúng ta thực hiện điều mà chúng ta không thường làm”.
    • Bày tỏ cảm tưởng là mọi người đều sẽ thực hiện điều mà bạn nghi ngờ người đó thực hiện sẽ khiến họ dễ tiết lộ sự thật hơn.[2]
  3. Khiến sự thật trông như thể nó không phải là vấn đề to tát. Con người thường sợ nói thật vì họ lo sợ lãnh nhận hậu quả. Tuy nhiên, nếu bạn giảm thiểu mức độ trầm trọng của tình huống, họ sẽ dễ dàng thú nhận hơn.
    • Bạn có thể nói “Nó thật sự không phải là vấn đề to tát. Tôi chỉ muốn biết sự thật”. Trấn an người đó rằng hành động sai trái không phải là vấn đề quá nghiêm trọng có thể khiến họ cho bạn biết chuyện thật sự đã xảy ra.[3]
    • Tuy nhiên, chỉ nên thực hiện biện pháp này nếu hành vi phạm lỗi không quá quan trọng. Ví dụ, nó sẽ không đem lại kết quả với vấn đề có liên quan đến hậu quả pháp lý hoặc ngồi tù.
  4. Nói cho họ biết họ không phải là người duy nhất có lỗi. Bạn nên khiến người đó có cảm giác như thể họ không phải là người duy nhất đang bị buộc tội. Nếu họ có cảm tưởng rằng người khác cũng chia sẻ trách nhiệm – và hậu quả - của tình huống, họ sẽ muốn nó sự thật. Người đó sẽ trốn tránh nếu họ nghĩ rằng họ là người duy nhất phải gánh chịu cơn thịnh nộ.
    • Bạn có thể nói, “Tôi biết bạn không phải là người duy nhất có liên quan. Lỗi lầm cũng thuộc về nhiều người khác”.[4]
  5. Cung cấp sự bảo vệ. Nói với người đó là bạn sẽ làm mọi cách có thể để bảo vệ họ. Truyền tải cho họ biết bạn luôn đứng về phía họ và sẽ làm mọi điều có thể để giúp đỡ họ. Họ sẽ mở lòng với bạn nếu nỗi sợ hãi của họ đã được xóa bỏ.[5]

Thảo luận tình huống[sửa]

  1. Phân loại giữa lời buộc tội dựa trên sự nghi ngờ và dựa trên bằng chứng. Cách bạn tiếp cận với tình huống tùy thuộc vào bằng chứng về hành vi sai trái mà bạn đang sở hữu. Bạn cần phải đối phó với tình huống dựa trên sự nghi ngờ mạnh mẽ một cách khác biệt với tình huống sở hữu bằng chứng rõ ràng.
    • Ví dụ, tốt nhất là bạn nên bày tỏ sự nghi ngờ của mình với thái độ không đối chất và cố gắng nhử người đó nói ra sự thật trong suốt quá trình tương tác.
    • Đối với lời buộc tội có bằng chứng, bạn cần phải trình bày khiếu nại của bạn và nêu lên bằng chứng mà bạn có. Trong trường hợp này, người đó sẽ không có cơ hội thoái thác trách nhiệm.
  2. Trình bày phiên bản câu chuyện của họ. Nói rõ mọi dữ liệu có thật mà bạn biết bằng cách trình bày câu chuyện từ quan điểm của bạn. Người đó có thể xen vào và chỉnh sửa nếu một phần chi tiết nào đó không đúng sự thật. Điều này sẽ cung cấp cho bạn lời thú nhận một phần.
    • Bạn cũng có thể cố ý thay đổi một phần của câu chuyện để dụ dỗ họ điều chỉnh. Ví dụ, bạn có thể nói “Vậy là tối hôm qua bạn đã đến quán rượu”, ngay cả khi bạn biết rõ họ đến một nơi nào khác có liên quan. Phương pháp này sẽ khiến họ chỉnh sửa lời nói của bạn, và sẽ hướng bạn đến với sự thật.[1]
  3. Thay đổi mọi thứ. Liên tục nêu câu hỏi tương tự theo nhiều cách khác nhau. Chú ý khi họ trả lời bằng những câu nói giống nhau, vì đây có thể là dấu hiệu cho thấy họ đã luyện tập từ trước về điều họ nên nói. Người đó cũng có thể sẽ trở nên không nhất quán trong câu trả lời của mình, và nó sẽ cho thấy rằng họ đang nói dối.
    • Bạn cũng có thể yêu cầu người đó trình bày câu chuyện bắt đầu từ đoạn cuối và tiến dần về đoạn đầu hoặc yêu cầu họ bắt đầu tại đoạn giữa. Kể lại câu chuyện theo từng đoạn có thể khiến họ mắc lỗi, và điều này sẽ cho thấy là họ không đang nói thật.[3]
  4. Lựa chọn từ ngữ một cách cẩn thận. Ngôn ngữ mà bạn sử dụng sẽ đóng vai trò khá to lớn trong việc xác định liệu một người nào đó có đang nói thật hay không. Sử dụng ngôn ngữ ngụ ý đổ lỗi sẽ khiến người đó giấu giếm sự thật. Lựa chọn từ ngữ ít nặng nề hơn có thể khuyến khích người đó nói thật.
    • Ví dụ, sử dụng từ “lấy” thay vì “đánh cắp” hoặc “dành thời gian với người nào đó” thay cho “lừa dối”. Người đó sẽ có khuynh hướng thừa nhận tội lỗi nếu bạn sử dụng ngôn ngữ ưu ái hơn.[4]
  5. Lừa gạt, nếu cần thiết. Lừa gạt rất nguy hiểm, nhưng thường là chiến thuật hữu hiệu. Bạn cần phải đe dọa hoặc nêu lên những gì mà bạn nghĩ nó là sự thật, ngay cả khi bạn không thật sự lên kế hoạch thực hiện lời đe dọa hoặc không có bằng chứng cụ thể. Lời lừa bịp của bạn sẽ khiến người đó muốn nói thật vì họ có cảm giác rằng họ đã bị vạch trần hoặc sợ phải nhận lấy hậu quả chỉ có trong giả thiết.
    • Ví dụ, bạn có thể nói “Tôi có nhân chứng trông thấy bạn tại hiện trường vụ án”. Câu nói này đủ để dọa người đó sợ và phải nói thật. Bạn cũng có thể đe dọa đến gặp nhà chức trách hoặc một người nào đó có quyền lực nếu người này không ngừng nói dối.[6]
    • Cần nhớ rằng lời đe dọa bằng lời nói như lừa gạt chỉ nên được sử dụng nếu bạn biết rõ về sự tham gia hoặc tội lỗi của người đó. Ngoài ra, bạn cũng nên tránh nêu lên bất kỳ một loại đe dọa nào nếu có thể vì hành động này sẽ hình thành sự phòng thủ, và giảm thiểu cơ hội người đó nói ra sự thật.
  6. Tránh ép buộc về mặt thể chất. Nếu một người nào đó nói dối trắng trợn trước mặt bạn, sẽ khó để bạn điều khiển phản ứng của mình. Nếu bạn cần phải nghỉ ngơi đôi chút để bình tĩnh lại, hãy thực hiện. Nhưng không bao giờ được tấn công một người nào đó hoặc sử dụng biện pháp thể chất để ép buộc họ nói thật.

Kiểm tra gợi ý nói dối[sửa]

  1. Chú ý xem liệu họ có trả lời câu hỏi của bạn. Trốn tránh thường là dấu hiệu cho thấy người đó đang nói dối bạn. Cố gắng thay đổi chủ đề hoặc chỉ đơn giản là từ chối trả lời là gợi ý quan trọng. Thông thường, con người sẽ nói về mọi thứ nếu họ không đang giấu giếm một điều gì đó.[7]
  2. Lắng nghe giọng điệu của họ. Giọng điệu và âm vực giọng nói của một người nào đó thường sẽ thay đổi nếu họ nói dối. Giọng điệu của họ có thể trở nên cao hơn, họ có thể nói nhanh hơn, hoặc thậm chí bạn có thể nghe thấy sự run rẩy trong lời nói của họ. Bất kỳ một loại thay đổi nào cũng có thể là dấu hiệu cho biết họ đang nói dối.
    • Bạn cần phải làm quen với giọng điệu của người đó để nhận biết khi họ nói dối. Bắt đầu bằng cách nêu câu hỏi mà bạn đã biết rõ câu trả lời và chú ý đến giọng điệu của họ khi trả lời. Tiến sang câu hỏi bạn không biết câu trả lời một khi bạn đã cảm thấy thoải mái hơn với giọng nói của họ. Thay đổi trong giọng nói cho biết là họ đang nói dối. [8] Tuy nhiên, điều này không được áp dụng với người mắc phải chứng bệnh nói dối hoặc rối loạn nhân cách chống đối xã hội.
  3. Quan sát ngôn ngữ cơ thể của họ. Vẻ ngoài của một người nào đó có thể thay đổi đáng kể nếu họ nói dối. Nói dối khiến người khác lo lắng và cơ thể của họ thường sẽ hành động dựa trên đó. Ngay cả sự thay đổi nhỏ nhặt nhất trong hành vi của họ cũng có thể là dấu hiệu của sự dối trá.
    • Ví dụ, một người nào đó có thể cố gắng che miệng hoặc mắt của mình khi nói dối. Bạn cũng sẽ nhận thấy họ bồn chồn, nuốt nước bọt nhiều hơn, và hắng giọng quá mức. Họ cũng có thể sẽ tránh nhìn vào mắt bạn và cười vang một cách đầy lo lắng.[9]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]