Kinh nghiệm dạy học/Giai đoạn lên lớp
Mục lục
- 1 1. Đến lớp sớm
- 2 2. Tạo ấn tượng đầu tiên
- 3 3. Nhớ tên người học (HV)
- 4 4. Dạy học khám phá thay vì dạy bao trùm (Discovering instead of covering)
- 5 5. Sử dụng hợp lý các phương tiện dạy học
- 6 6. Sử dụng hợp lý các phương pháp dạy học
- 7 7. Chuẩn bị các câu chuyện
- 8 8. Tổ chức bài giảng xoay quanh vấn đề
- 9 9. Tôn trọng, đề cao ý kiến và sự đóng góp của SV
- 10 10. Kiểm tra đánh giá linh hoạt
- 11 Chú thích
- 12 Tham khảo
1. Đến lớp sớm[sửa]
Hãy đến lớp sớm khoảng 5-10 phút để:
- kiểm tra lần cuối các trang bị cần thiết cho lớp học
- lắp đặt các thiết bị (máy tính, đèn chiếu,…..)
- hỏi thăm những người học đến sớm về tình hình lớp, những thắc mắc về bài học cũ…
2. Tạo ấn tượng đầu tiên[sửa]
Nếu là buổi lên lớp đầu tiên, nên tạo cho người học ấn tượng tốt đẹp ban đầu về GV và môn học/mô đun bằng cách:
- GV tự giới thiệu về mình và cung cấp số điện thoại liên hệ, email, và lịch tiếp xúc HV trong tuần
- GV giới thiệu về mục tiêu môn học, tài liệu học tập, địa chỉ các nguồn thông tin, phương pháp giảng dạy và phương pháp đánh giá kết quả Môđun/ môn học,…
- GV tổ chức thăm dò HV về: năng lực đầu vào, mong muốn của cá nhân về lớp học,…
3. Nhớ tên người học (HV)[sửa]
Cố gắng nhớ tên của càng nhiều HV càng tốt, nhất là HV ngồi ở các dãy bàn cuối lớp. Có thể biết tên bằng cách xem vở học của HV trong quá trình đi lại trong lớp hoặc nhìn vào sơ đồ chỗ ngồi. Thỉnh thoảng mời các HV mà mình nhớ tên để trả lời câu hỏi hoặc tham gia vào một hoạt động nào đó. HV sẽ cảm thấy được GV quan tâm, và đồng thời giảm đi cảm giác lạc lõng trong lớp đông.
4. Dạy học khám phá thay vì dạy bao trùm (Discovering instead of covering)[sửa]
Đừng cố gắng trình bày tất cả những gì có trong chương trình, sách giáo khoa. Không ít GV vẫn tin rằng HV sẽ học được từ những gì mình truyền đạt. “Telling is not teaching, and information is not knowledge” – Nói không phải là dạy, và thông tin không phải là kiến thức (NUS, 2001) là một sự khẳng định rất chính xác. Hãy giới thiệu cho HV những điều cốt lõi và hướng dẫn họ tìm hiểu những phần còn lại. Kiểm tra đánh giá là công cụ tốt để hướng HV đến những nội dung họ cần tự học. Xác định rõ mục đích và cho trước những câu hỏi định hướng càng giúp việc tự nghiên cứu tài liệu của HV đạt hiệu quả cao.
5. Sử dụng hợp lý các phương tiện dạy học[sửa]
Nên phối hợp các phương tiện dạy học khác nhau trong một buổi giảng. Đừng nghĩ rằng các phương tiện giảng dạy hiện đại luôn mang đến hiệu quả tốt. Một bài giảng với Powerpoint sẽ chẳng đạt được gì đáng kể nếu người học không có tài liệu phù hợp để theo dõi, ghi chú; và GV không kết hợp linh hoạt với các phương pháp giảng dạy khác. Bằng cách tự vẽ theo GV, người học có thể nhớ và hiểu tốt hơn so với chỉ nhìn một hình vẽ có sẵn trong giáo trình.
6. Sử dụng hợp lý các phương pháp dạy học[sửa]
Không có phương pháp giảng dạy nào là tối ưu. Nên phối hợp nhịp nhàng giữa thuyết giảng với các phương pháp giúp người học tăng cường tính tính cực, chủ động như trao đổi về thí nghiệm minh họa, thảo luận nhóm nhỏ, bài tập thực hành,…
Một kết quả nghiên cứu tâm lý đáng chú ý: Sự tập trung cao độ cho việc học thường chỉ có hiệu quả trong khoảng 15-20 phút![1] Vì vậy cứ sau khoảng 15-20 phút thuyết giảng, nên chuyển sang một hình thức dạy học khác hoặc đưa vào một nội dung hoạt động khác.
7. Chuẩn bị các câu chuyện[sửa]
Hãy chuẩn bị một số câu chuyện thú vị, gây hứng thú để thường xuyên tái lập khả năng tập trung của HV. Nên tạo thói quen sưu tầm chuyện vui hoặc các sự kiện thực tế có liên quan đến môn học từ các phương tiện thông tin đại chúng. HV thường nhớ các câu chuyện thực tế có liên quan đến môn học lâu hơn so với các nội dung bài giảng lý thuyết thuần túy.
8. Tổ chức bài giảng xoay quanh vấn đề[sửa]
Không nên trình bày bài giảng như những gì có trong tài liệu. Nên bắt đầu bằng một sự kiện/hiện tượng/vấn đề có thật liên quan đến nội dung bài giảng, rồi từ đó giới thiệu những kiến thức cốt lõi giúp giải quyết điều được đặt ra. HV sẽ cảm thấy bài giảng có ích, và từ đó giúp họ hiểu và nhớ lâu hơn, một khi họ thấy nội dung bài giảng giúp giải quyết được vấn đề trong thực tế.
- Mỗi chủ đề khoảng 15-20 phút (Vì theo quy luật sức tập trung giảm dần sau 15-20 phút)
- Mỗi tiết (45 phút) không nên dạy quá 2 chủ đề/vấn đề mới
- Mỗi tiết cần thay đổi các hình thức dạy (từ 2-3 loại, ứng với mỗi chủ đề thì dùng 1 hình thức)
- Mỗi hình thức nên có 1 cao trào[2]
- Mỗi tiết bài tập không nên chữa quá 3 bài (để còn đào sâu, củng cố các góc cạnh,...)
- Trước khi giao bài về nhà, yêu cầu học sinh dành 1-2 phút để tự nhẩm lại, bài học hôm nay học được gì [3], so với ngày hôm qua
- Trước khi chuyển sang vận dụng lí thuyết, hãy hỏi học sinh có chỗ lí thuyết nào chưa hiểu hay chưa hiểu rõ ràng?[4]
9. Tôn trọng, đề cao ý kiến và sự đóng góp của SV[sửa]
Cần tạo điều kiện để HV phát biểu và trân trọng ý kiến của họ cho dù còn nhiều khiếm khuyết, và giúp họ hoàn thiện suy luận của họ một cách tế nhị. Nên tạo cơ hội để HV đóng góp vào nguồn tư liệu cho môn học.
10. Kiểm tra đánh giá linh hoạt[sửa]
Nên chia điểm môn học ra nhiều thành phần để động viên HV tham gia đầy đủ các hoạt động của lớp.
Ví dụ:
- Tỷ trọng bài thi cuối khoá: 60%
- Tỷ trọng bài kiểm tra giữa kỳ: 20%
- Tỷ trọng bài làm nhóm: 10%
- Tỷ trọng việc tham gia học đều: 10%
Chú thích[sửa]
- ↑ Lấy lại sự chú ý của sinh viên sau mỗi 15 phút. Theo một số nhà quan sát, sinh viên có sự chú ý rất ngắn tầm 15 hoặc 20 phút. Sau mười lăm phút, rất hữu ích để "thiết lập lại" sự chú ý bằng việc đưa ra một số hoạt động cần sự hưởng ứng của sinh viên. Điều này có thể đơn giản như yêu cầu học sinh viết một câu duy nhất giải thích những điểm chính được thảo luận, hoặc để giải thích cái gì mà họ không hiểu bao gồm cả yêu cầu sinh viên không được ghi chép trong một thời gian ngắn, sau đó làm việc trong các nhóm để xây dựng lại những gì họ vừa nghe. (Xem chi tiết: Xây dựng một bài dạy hiệu quả)
- ↑ "... sắp xếp kịch bản theo nguyên tắc, 3 phút có một cao trào nhỏ, 5 phút có một cao trào trung bình và 10 phút có một cao trào lớn để người xem bị cuốn hút vào phim..."[1] "... tổ chức bài giảng theo nguyên tắc, ? phút có một cao trào nhỏ, ? phút có một cao trào trung bình và ? phút có một cao trào lớn để người học bị cuốn hút vào giờ học..."
- ↑ Cuối buổi học giáo viên nên có một bài kiểm tra một phút. Trong bài kiểm tra này, giáo viên yêu cầu học sinh trả lời hai câu hỏi: a) Vấn đề quan trọng nhất trong giờ học là gì? b) Kết thúc buổi học các em có câu hỏi gì về nội dung bài học hay không? Sau một phút hãy thu lại tất cả bài làm của học sinh và đọc một cách cẩn thận. Bạn hoàn toàn có thể sử dụng một vài câu hỏi trong đó cho buổi học sau. Thủ thuật này sẽ khuyến khích học sinh chú ý lắng nghe bài giảng hơn, xem lại vở ghi của chúng và nghĩ lại về bài học trước khi bước vào một giờ học mới. (Trích từ: Giúp học sinh suy nghĩ trong giờ học)
- ↑ Phải đảm bảo "lí thuyết thông suốt" thì mới luyện tập, vì "khái niệm mà lơ mơ" thì không làm được gì cả.
Tham khảo[sửa]
Tham khảo tài liệu "Hoạt động giảng dạy và đánh giá" năm 2008 của TS. Lê Văn Hảo, PHÒNG ĐÀO TẠO ĐH & SĐH TRƯỜNG ĐẠI HỌC NHA TRANG